THẦY CHIỂN CỦA CHÚNG TÔI


NGUYỄN LÂN DŨNG

GS. Nguyễn Văn Chiển

GS. Nguyễn Văn Chiển

Tôi được gặp GS. Nguyễn Văn Chiển lần đầu tiên vào năm 1950. Khi đó ông đến thăm bố tôi tại Thái Nguyên giữa những ngày kháng chiến sôi động nhất. Ông chỉ có một chiếc ba lô nhỏ nhưng trong đó có cả một chiếc kính hiển vi.

Thời đó gia đình chúng tôi phải dùng một loại dây leo, theo kinh nghiệm dân gian giập nát ra rồi đánh nước cho trong mới có thể dùng được (hồi ấy lấy đâu ra phèn chua!). Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Thầy rất chú ý và lập tức quan sát các bộ phận của cây này, lại còn dùng lưỡi dao cạo cắt thành lớp mỏng rồi soi dưới kính hiển vi và vẽ lại cấu tạo hiển vi của tiêu bản này vào sổ tay của Thày. Đấy có lẽ là hình ảnh đầu tiên về nghiên cứu khoa học mà tôi nhận thức được khi mới 12 tuổi. Năm 1951, cả gia đình Thày và gia đình Bố tôi được chuyển sang Khu học xá Nam Ninh để hai ông tham gia đào tạo biết bao các thế hệ nhà giáo và nhà khoa học nước ta. Hòa bình lập lại Thày chuyển về Hà Nội là tôi lại vinh dự là lớp sinh viên Đại học đầu tiên của Thày sau ngày hòa bình lập lại.

Năm 2008 nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Thày đã có biết bao nhiêu bài báo ca ngợi các thành tích lớn lao của Thày trong giáo dục và trong khoa học.

Nhà báo Thúy Hằng viết: Thầy Chiển là con út trong một gia đình trung nông ở thôn Ngọc Nội, xã Trạm Lộ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1919, cậu bé Chiển ra đời, cũng là năm thực dân Pháp bắt đầu công cuộc khai hóa thuộc địa lần thứ hai ở Việt Nam. 6 tuổi Chiển bắt đầu học chữ Nho. 9 tuổi, sang trường làng bên học chữ quốc ngữ. Hết cấp sơ học, cậu phải ra tận Phú Thụy, cách nhà 15km để trọ học, vì cả Nam phần Bắc Ninh lúc đó chỉ có duy nhất một trường tiểu học kiêm bị: tức có đủ 6 lớp học đồng ấu, dự bị, sơ đẳng: lớp nhì I, lớp nhì II, lớp nhất. Học xong Trường Phú Thụy, Chiển phải đi xa hơn nữa, tới Hà Nội, thi vào học Trường Bưởi nổi tiếng. Ở đấy anh đã được học những thầy nổi tiếng như Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Hãn,… Chăm chỉ, lành hiền và cần mẫn, Chiển mang theo cả niềm ước vọng của mẹ cha mong cho con được ăn học nên người. Có những năm quá khó khăn, bố mất, rồi hai năm liền (1935 – 1936) quê nhà bị vỡ đê, người mẹ tảo tần hàng tháng vẫn thường gánh gạo, mỡ và tương ra Hà Nội nuôi cho con ăn học cũng ngậm ngùi nước mắt bảo rằng “Nhà không còn hạt thóc nào cho con đi học nữa”, Chiển tưởng như đã phải nghỉ học. Nhưng sự chăm chỉ và niềm khát khao học tập của Chiển cuối cùng cũng đã được đền đáp. Ngay lúc khó khăn nhất ấy, nhờ học giỏi anh đã được cấp học bổng toàn phần, được xếp vào ở nội trú trong trường và toàn tâm toàn ý vào việc học. Năm 1941, sau 7 năm học ở Trường Bưởi, chàng trai “nhà quê” ấy đã đỗ đầu kỳ thi tú tài toàn xứ Đông Dương. Ông viết: “Tháng 9 năm 1941, tôi ghi tên đăng ký học chứng chỉ Toán đại cương ở Trường đại học Khoa học mới mở. Việc lựa chọn này không có khó khăn gì, sau khi đã lướt qua các trường khác. Y ư? Phải học 7 năm, quá dài trong khi mẹ tôi đã già, cần ra trường sớm để phụng dưỡng mẹ. Học Dược ư? Một nghề có thể cho phép mình sống độc lập không phụ thuộc vào ai, nhưng quy định là ngay năm đầu phải ký quỹ 120 đồng (bằng giá 10 xe đạp Te-rô thời đó) thực tập ở các hiệu bào chế thuốc. Món tiền lớn quá lấy đâu ra? Vào luật để ra làm quan bóp dân, thối nát quá tôi loại bỏ từ lâu. May có Trường Khoa học mới mở ra, phù hợp với sở thích của mình cho nên vào Trường Khoa học là đúng.” Thầy Chiển đã giải thích như vậy, giản dị và không ồn ào về sự lựa chọn thuở ban đầu ấy. Thầy đã đến với Địa chất, và đó gần như là sự “se duyên” của số phận. Trong công việc này, thầy tìm thấy niềm vui, được cống hiến, được khám phá. Và cuộc đời đã được nhận từ thầy thật nhiều điều, “người anh cả của ngành Địa chất Việt Nam”.
Thày Chiển kể: Tháng 6-1941 sau khi đỗ đầu kỳ thi tú tài toàn Đông Dương, tôi đến thỉnh giáo thầy Hãn, thầy khuyên học tiếp Đại học Đông Dương. Tốt nghiệp trường này với 4 chứng chỉ kèm theo gồm: Toán đại cương, Vật lý, Hóa học và Địa chất, khi được GS nổi tiếng người Pháp Hôp – Phê mời về làm việc tại phòng thí nghiệm địa chất, tôi lại đến thỉnh giáo thầy Hoàng Xuân Hãn. Thầy Hãn không chút do dự, nói thẳng: “Giỏi Toán như tôi hay giỏi Vật lý như GS Ngụy Như Kon Tum rốt cục cũng chưa làm được gì cho đất nước, vì nước ta quá nghèo không có phòng thí nghiệm. Riêng khoa học Địa chất thì cả nước là một phòng thí nghiệm bao la, chỉ sợ không có chí…”. Lời khuyên của thầy Hãn đã làm thay đổi cuộc đời tôi, tôi quyết tâm gắn cả cuộc đời mình với ngành khoa học Địa chất.

Cách mạng tháng Tám thành công, GS Nguyễn Văn Chiển đảm nhiệm việc giảng dạy môn Địa chất tại nhiều trường Đại học. Chưa cống hiến được nhiều cho ngành khoa học mới mẻ này, nhưng lại nổi bật với vai trò quản lý và tổ chức giáo dục nên thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Chiển được cách mạng giao phó nhiều trọng trách. Trải suốt cuộc kháng chiến 9 năm chống Thực dân Pháp, tại chiến khu Việt Bắc Nguyễn Văn Chiển đã cùng các cộng sự kiên trì đào tạo, biên soạn nhiều giáo trình và tổ chức giảng dạy ở nhiều môn khoa học khác nhau. Trẻ nhưng GS Chiển sớm trở thành trụ cột của trường trung học kháng chiến đầu tiên tại Phú Thọ (1947-1950), rồi Hiệu trưởng Trường Sư phạm T.Ư Việt Bắc, Giám đốc khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) từ 1951-1953.
Cùng thời điểm này với vai trò Thư ký Ban cải cách giáo dục, GS Chiển đã góp phần quan trọng trong việc hình thành hệ thống giáo dục Việt Nam mà trước đó vẫn theo mô hình của Pháp. Chính GS Chiển là người được cử mang thư của Bác Hồ sang Trung Quốc phối hợp cùng nước bạn tổ chức khu học xá Nam Ninh, đây cũng là cái nôi đào tạo nhiều trí thức lớn, nhiều nhà khoa học đầu ngành, nhiều cán bộ cao cấp cho đất nước. Kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, theo yêu cầu cách mạng GS Chiển vẫn phải đảm đương nhiệm vụ quản lý Trường Đại học Khoa học trên phố Lê Thánh Tông (Hà Nội). Năm 1956 khi hàng loạt các trường ĐH mới thành lập như: Bách khoa, Tổng hợp, Sư phạm… GS Chiển mới có điều kiện toàn tâm toàn ý cống hiến cho ngành khoa học Địa chất nước nhà.
Thôi nhiệm vụ quản lý, GS Chiển cùng 2 cộng sự chuyển toàn bộ phòng thí nghiệm Địa chất từ Đại học Khoa học về Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiệm vụ đào tạo những lớp kỹ sư Địa chất đầu tiên cho miền Bắc, phục vụ kịp thời nhu cầu điều tra địa chất và tìm kiếm khoáng sản cho đất nước. Đây là công việc cực kỳ khó khăn vì mọi thứ lúc đó đều mới mẻ, chưa có tiền lệ từ chương trình đến giáo trình giảng dạy. GS Chiển vừa phải tự học thêm, vừa phải dạy đuổi theo sinh viên từ môn học này sang môn học khác. Một khó khăn nữa là làm sao có đủ thuật ngữ tiếng Việt để giảng dạy một môn khoa học có quá nhiều khái niệm, có quá nhiều tên gọi bằng tiếng Pháp hoặc Hán Việt. Tài năng và nhiệt huyết của GS lại được phát huy tối đa cho công việc, kết quả hàng loạt các thuật ngữ cơ bản về khoa học địa chất ra đời và thông dụng đến tận bây giờ.
Hoàn tất nhiệm vụ xây dựng khoa Địa chất tại Đại học Bách khoa Hà Nội, GS Chiển lại được giao 2 nhiệm vụ quan trọng, một là xây dựng Trường Đại học Mỏ Địa chất và khoa mới về khoa học trái đất tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhờ quan hệ rộng rãi và sự trọng thị trí thức, GS Chiển đã tranh thủ được nhiều chuyên gia hàng đầu về địa chất của Liên Xô, Trung Quốc cùng tham gia công việc đào tạo tại Việt Nam. Như vậy từ những lớp kỹ sư địa chất đầu tiên dưới sự dẫn dắt của GS Chiển, đến nay nhiều người trong số họ đã trở thành những chuyên gia đầu ngành về khoa học địa chất của Việt Nam. Niềm tự hào của GS Chiển là được đi khắp trong Nam ngoài Bắc, ở đâu ông cũng có thể gặp trực tiếp hoặc gián tiếp học trò của mình, từ các GS đầu ngành đến những kỹ sư trẻ đang mải mê làm việc nơi núi thẳm rừng sâu làm giàu cho Tổ quốc.
Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, GS Chiển lại được đề bạt chức danh Phó Viện trưởng Viện khoa học Việt Nam, trực tiếp phụ trách lĩnh vực khoa học trái đất. Thời điểm này, ông đã chủ trì thành công 2 chương trình nghiên cứu lớn là “Điều tra tổng hợp Tây Nguyên” và thành lập “Bản đồ Atlat Quốc gia Việt Nam”. Chương trình “Điều tra tổng hợp Tây Nguyên” được tiến hành trong điều kiện đất nước còn đầy thương tích sau chiến tranh, nhưng với nghị lực và tâm huyết của những nhà khoa học chân chính, GS Nguyễn Văn Chiển và các cộng sự đã xác định được 3 thế mạnh của Tây Nguyên là rừng, cây công nghiệp và chăn nuôi gia súc mà chúng ta vẫn đang thực hiện hiệu quả tại mảnh đất màu mỡ nhiều tiềm năng này. Chương trình “Thành lập bản đồ Atlat Quốc gia Việt Nam”, lại thể hiện tầm cao trí tuệ qua khả năng quy tụ các chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, từ địa chất, địa lý, khí tượng thủy văn, nông nghiệp,… đến các ngành khoa học xã hội như lịch sử, văn hóa, dân tộc học… để hoàn thành công trình phức tạp này. Tập bản đồ Quốc gia ra đời là cơ sở quan trọng định hướng cho chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước. Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình khoa học kỹ thuật “Bản đồ Atlat Quốc gia Việt Nam” của GS, NGND Nguyễn Văn Chiển đã minh chứng cho ý nghĩa và tầm vóc lớn lao của công trình đặc biệt quan trọng này.
Sau khi chúng tôi tốt nghiệp đại học Thầy chọn một người bạn tôi – anh Tống Duy Thanh và nhiệt tình bồi dưỡng để chẳng bao lâu sau anh đã trở thành Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo nhân dân, chuyên gia đầu ngành về Cổ sinh – Địa tầng học:

Thành tựu về giáo dục và về khoa học của Thầy không sao kể xiết, nhất là việc chủ trì các Chương trình Nhà nước về khoa học, việc đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như Hiệu trưởng Trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, Tổng thư ký Ban Tu thư (soạn sách giáo dục phổ thông), Phó Giám đốc Nha Giáo dục phổ thông, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam…
Ở bất kỳ công việc nào ông đều có tư duy rất độc lập và thiết tha với sự nghiệp xây dựng nền khoa học nước nhà. Nói về nhân cách của ông chỉ cần đến thăm căn hộ ông đang ở tại khu tập thể Đại học Bách khoa Hà Nội. Một Giáo sư đầu ngành, một Nhà giáo nhân dân mà ở chung với vợ con trong một căn hộ khó có thể tưởng tượng nổi về mức độ chật hẹp và đơn sơ vào loại nhất thủ đô. Chúng tôi đến thăm Thầy chỉ có thể ngồi xuống sàn nhà xung quanh Thầy. Giá Thầy có lời đề nghị thì chắc chẳng ai nỡ để Thầy sống khổ như vậy. Nhưng Thầy chỉ cười và nói với chúng tôi: Còn biết bao thầy giáo trong nước còn khổ hơn mình nhiều. Thầy không bao giờ nói về công việc của mình, kể cả việc thầy được lưu danh bằng những giống loài cổ sinh mới được cả thế giới biết đến như giống Vanchienolepis Tong-Dzuy et Janvier, các loài Squameofavosites Vanchien Tong-Dzuy, Plethorhyncha Chieni Zuong et Rzóns… mà chỉ băn khoăn về tương lai khoa học và giáo dục nước nhà. Dù tuổi rất cao nhưng Thầy luôn phát biểu một cách điềm tĩnh và sâu sắc về những vấn đề rất quan trọng mà Thầy thấy không thể nào chấp nhận được.

Về khoa học Thầy viết: “Khác với chương trình khoa học Tây Nguyên, chương trình xây dựng Tập bản đồ Quốc gia (còn gọi là chương trình 48-03) được ghi vào Nghị quyết 37NQ của Bộ Chính trị hẳn hoi, thế mà sau khi xuất bản vào năm 1996, nó không được sử dụng để bố trí các dự án sản xuất một cách hợp lý nhất. Thậm chí Viện Nghiên cứu Địa chính đề nghị điện tử hóa Tập Bản đồ Quốc gia để bố trí các dự án sản xuất công nông nghiệp và giao thông vận tải hợp lý nhất cũng không được xét duyệt. Tập Bản đồ Quốc gia được giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005 hiện nay chỉ là một vật trang trí nằm trong các thư viện. Các nhà hoạch định chính sách, nhất là quyết định phân bố lực lượng sản xuất một cách hợp lý nhất trên lãnh thổ, cũng chẳng mấy ai quan tâm đến tập Atlat quốc gia này! Hiển nhiên nó lại biến thành một vật trang trí tương tự cái lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Hy vọng trong thời gian tới, các dự án phát triển, nhất là các dự án trọng điểm của đất nước, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học không còn bị trở thành vật trang trí.”

Về giáo dục Thầy viết: “Tôi nghĩ rằng ông Bộ trưởng giáo dục hiện nay không thiếu tâm, thiếu tầm nhưng do phải kiêm nhiệm một chức vị quan trọng hơn, và hẳn thường xuyên bận vào những sự vụ khác nên không thể toàn tâm toàn ý cho ngành giáo dục, thậm chí chưa chắc có nhiều thời gian để suy nghĩ thấu đáo về bản chiến lược này. Do vậy trong chiến lược mới đề ra những giải pháp thiếu tính khả thi, chẳng hạn như làm sao có được những giáo sư đại học Việt Nam có trình độ cao để thực hiện được việc xây dựng 4 trường đại học Việt Nam đạt chất lượng quốc tế vào năm 2015 (tức 6 năm nữa). Nhất là với kế hoạch đến năm 2020 sẽ đào tạo 2 vạn tiến sĩ, thì tôi thấy chính những người xây dựng bản chiến lược này cũng lại mắc bệnh thành tích, bệnh chạy theo số lượng. Hoa Kỳ hiện nay là nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, năm nào cũng có các nhà khoa học nhận giải thưởng Nobel. Giả thử ông gửi sang Mỹ 1 vạn cử nhân nhờ họ đào tạo thành những người tài cho đất nước, thì những em nào chịu khó chăm chỉ học tập có thể thành người tài thật. Còn nếu ông đặt hàng hãy đào tạo cho tôi 1 vạn tiến sĩ trong 5 năm thì đến hạn họ sẵn sàng trả cho ta đủ 1 vạn người có bằng tiến sĩ, nhưng tiếc thay bằng thì thật, còn người có bằng chưa chắc đã thật. Tình trạng cũng tương tự như trước đây ta nhờ Liên Xô đào tạo cho kĩ sư và cử nhân: đến hạn các thầy Liên Xô sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí làm hộ luận án để cháu nào về nước cũng có bằng đại học mà không viết nổi một câu tiếng Nga, thậm chí một bài tiếng Việt. Đối với một bệnh mạn tính kéo dài hàng mấy chục năm của ngành giáo dục Việt Nam, thì không thể có một phương thuốc tiên dứt bệnh ngay được, lại không thể liệt kê trải mành mành 11 giải pháp, trên thực tế chỉ là 11 việc trong kế hoạch dài hạn của ngành giáo dục. Suy nghĩ kĩ, tôi thấy khâu quan trọng nhất, khâu đột phá có thể tác động đến toàn ngành giáo dục, không ai khác chính là người thầy. Bởi vì suy cho cùng thì người trực tiếp lên lớp, soạn bài giảng, cải tiến phương pháp sư phạp, cải tiến chương trình, biên soạn sách giáo khoa cũng là người thầy, một mình ông Bộ trưởng Giáo dục dù giỏi đến đâu cũng không làm được. Muốn vậy phải khôi phục truyền thống tôn sư trọng đạo của toàn xã hội đối với người thầy. Cần coi người thầy là một trí thức có nhiệm vụ cao quý, là người tác động đến tâm hồn và trí tuệ của lớp trẻ, tạo điều kiện vật chất và tinh thần để họ không bắt học sinh học thêm, hoặc nhận quà biếu của phụ huynh, mà có thì giờ để đọc sách học thêm trau dồi đạo đức, nghề nghiệp, và không nên xếp họ vào thang cuối cùng của xã hội (công, nông, binh, trí). Ngày nay, sự yếu kém của nền giáo dục quốc dân không chỉ giới hạn ở nhà trường. Nó đã ảnh hưởng đến đạo đức của toàn xã hội với những tiêu cực lớn nhỏ nhan nhản trên báo chí hằng ngày. Một cơ trưởng lái máy bay hẳn đã học xong bậc đại học, lại cùng với mấy lưu học sinh tham gia vào các vụ ăn cắp vặt ở Nhật Bản, thật là một quốc sỉ cho một dân tộc anh hùng! Bởi vì mỗi trẻ em được cha mẹ dạy tốt rồi, đến trường cũng được dạy tốt, vẫn có thể bị ảnh hưởng tai hại của xã hội mà trở nên hư đốn. Vấn đề to lớn và quá khó khăn này, chắc chỉ khi những vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước có quan tâm thì may ra mới giải quyết được”

Những lời phát biểu tâm huyết của Thầy chưa được trả lời thì Thầy đã vội vã đi xa cách đây những 3 năm rồi, vào hồi 11 giờ 40 ngày 21/7/2009,. Vẫn biết sinh tử là quy luật của muôn đời nhưng sao Thầy vội đi nhanh quá trước khi thấy các kiến nghị tâm huyết của Thầy được trở thành hiện thực. Tấm gương yêu nước, nhiệt tình cống hiến cho khoa hoc, giáo dục và một nhân cách cao đẹp của Thầy sẽ sống mãi trong các thế hệ học trò của Thầy và những người được biết đến Thầy.

Nguồn: Blog Nguyễn Lân Dũng

Bình luận về bài viết này