CHO TÔI VỀ VỚI THIÊN ĐƯỜNG CỔ TÍCH


NTT: Tiến sỹ Toán học Đặng Huy Văn –  một nhà giáo đã về hưu đang sinh sống tại Hà Nội thỉnh thoảng gửi bài cho NTT, và NTT cũng thỉnh thoảng đăng bài của ông. Những bài thơ (và những bài văn vần) của ĐHV luôn nóng bỏng sức lửa cảm xúc quá khứ và hiện tại, hay nói cách khác, nó luôn chất chứa tình yêu con người và đất nước, sự thật và công lý. Hôm nay nhận được thư và bài mới của ông, tôi kính trọng sự khiêm nhường của một bậc đàn anh đã dành cho NTT những tình cảm yêu thương hào phóng… Xin cám ơn ông.

ĐẶNG HUY VĂN:

Kính gửi nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo,

Nhân dịp kỉ niệm tròn một năm ngày bài thơ đầu tiên của tôi được đăng mạng, bài “TÌNH BAY NHƯ KHÓI SƯƠNG” đăng trên báo của anh ngày 24/11/2011, tôi xin gửi tới anh lời cám ơn chân thành nhất! Tôi chỉ là một nhà giáo nghèo về vườn sống hiu hắt may nhờ sự động viên khích lệ của anh, tôi đã trở thành một con người khác hẳn, đã biết trăn trở vì những thiệt thòi, oan trái của người khác, đã biết âu lo cho vận mệnh của non sông… Tôi có cảm giác mình đã được sống một cuộc đời hoàn toàn khác, anh Tạo ạ!

Tất nhiên, tôi cũng biết vì những bài viết nhạy cảm còn thô vụng của tôi mà có lúc làm báo anh có chút phiền toái, mong anh bỏ quá cho tôi anh Tạo nhé! Điều quan trọng nhất là anh rất nghiêm khắc với nghệ thuật, nên nhờ anh mà tôi được trưởng thành lên. Và vì thế, có thể nói anh chính là người thầy giáo đầu tiên trong đời đã dạy tôi biết làm thơ. Và chính nhờ anh mà tôi có thể nghĩ mình đã có một chút đóng góp nhỏ cho phong trào đòi dân sinh, dân chủ của người dân Việt còn lầm than đau khổ.

Nhiều đêm vì thương quá Đoàn Văn Vươn mà bật khóc, thương quá Hồ Nguyên Thủy mà thức suốt đêm để viết bài cho kịp thời gian, vừa khóc vừa viết bài phúng viếng bà Đặng Thị Kim Liêng cho kịp sáng ngày 2/8 để tiễn đưa bà và uất nghẹn khi nghe tin Nguyễn Phương Uyên bị bắt mà vì sợ viết bài sẽ bị tù nên phải đổi họ, đổi tên…

Hôm nay, để bày tỏ lòng biết ơn anh đã dẫn dắt tôi từ một cậu bé đi ăn xin, đi ở chăn trâu cắt cỏ và sống nhờ cửa Phật nay được hòa lòng mình trong cuộc đấu tranh chung của cả dân tộc, tôi xin trân trọng gửi tới anh một bài viết về thời ấu thơ rất thật của tôi.

Ts. Đặng Huy Văn

CHO TÔI VỀ VỚI THIÊN ĐƯỜNG CỔ TÍCH

Cho tôi về với hương đồng gió nội
Để bay theo cánh diều tuổi thơ ngây
Cho tôi về khúc sông quê ngàn tuổi
Để tắm trong dòng nước mát vơi đầy

Cho tôi về tuổi thơ xưa hờn tủi
Đi ăn xin từng mẩu sắn củ khoai
Rồi đi ở, ngày chăn trâu cắt cỏ
Đêm ổ rơm nằm mơ mảnh chăn dày

Cho tôi về mẹ tôi xưa tần tảo
Nuôi năm con cơm độn thấy toàn khoai
Cho tôi về ngôi trường xưa nhỏ bé
Thầy giáo già trên bục giảng khoan thai

Cho tôi về với vầng trăng thương nhớ
Chị Hằng Nga âu yếm giữa đêm rằm
Cùng các bạn hoan ca ngoài Đình Miệu
Đêm Trung Thu từ giã tuổi mười lăm

Cho tôi về thời học ngoài Thị Xã
Đi bộ xa bảy cây số tới trường
Nắm cơm độn buổi trưa ăn với muối
Thương mẹ nghèo nước mắt bỗng rưng rưng!

Cho tôi về với Thiên Đường cổ tích
Bên Mái Chùa che chở tuổi thơ tôi
Giữa Rú Trò nơi Tịnh Lâm cổ tự
Đêm Bồng Lai thánh thót tiếng chuông rơi

Để giã từ mùa gió Lào bỏng đất(*)
Của mẹ hiền xưa nón lá, áo tơi
Trên đồng cạn đãi đất tìm hạt gạo
Bên dòng sông chuyên chở vạn kiếp người

Và gửi gắm lời cha ông nhắn lại
Hãy vươn lên thoát cảnh đói ngàn đời!
Học! Học nữa! Để tương lai sáng mãi
Từ lời ru xưa mẹ hát bên nôi…

Hà Nội, 24/11/2012
Ts. Đặng Huy Văn

(*) Vùng Hà Tĩnh, Nghệ An có mùa gió Lào bỏng đất từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Vào những ngày gió Lào, chỉ có đội nón lá và mặc áo tơi (cũng làm bằng lá nón) thì mới ra đồng làm ruộng được.

5 bình luận

  1. Đúng là chuyện cổ tích khi một người cực khổ đến thế lại có thể học thành tiến sĩ toán học.Một bộ óc thông minh đáng phục !
    “Cảnh khốn cùng là nấc thang cho bậc anh tài,là kho tàng cho người
    khôn khéo nhưng lại là một vực thẳm cho kẻ yếu đuối” và Ts.Văn đã
    là bằng chứng sống cho câu minh triết nói trên.

  2. Đã là một tiến sĩ toán học thì khỏi nói đến tài năng rồi, đã vậy còn quá sức khiêm tốn. Khiêm tốn là một đức tính quí đặc biệt là với một người là TS Toán, nhưng khiêm tốn đến mức viết “Tôi chỉ là một nhà giáo nghèo về vườn sống hiu hắt may nhờ sự động viên khích lệ của anhtôi đã trở thành một con người khác hẳn, đã biết trăn trở vì những thiệt thòi, oan trái của người khác, đã biết âu lo cho vận mệnh của non sông…”; “Điều quan trọng nhất là anh rất nghiêm khắc với nghệ thuật, nên nhờ anh mà tôi được trưởng thành lên. Và vì thế, có thể nói anh chính là người thầy giáo đầu tiên trong đời đã dạy tôi biết làm thơ.” thì đã chạm đến mức… mặt cứ đỏ bừng lên bác ạ…

    • Thưa bác Tầm Hoan,
      Nhà khoa học chân chính thường rất khiêm tốn.Đó là điều
      chẳng lạ lùng gì cả ! Ngay Newton vĩ đại cũng rất khiêm tốn
      với câu nói “điều tôi biết chỉ là hạt cát,điều tôi chưa biết là
      cả một đại dương”.
      Ngược lại,những kẻ tài mọn thì hay tự cao,tự đại,vổ ngực
      ta đây ! Ts.Văn còn đáng phục ở chổ đó.
      Người ta có thể là tiến sĩ…giấy ở nhiều lãnh vực khác,trừ ra
      khoa học chính xác hay khoa học thực nghiệm.

      • Kính gửi anh D.Nhật Lệ và bác Tầm Hoan,

        Nếu là một người thực sự giỏi thì khiếm tốn là một phẩm chất không thể thiếu của họ. Tiếc thay, thực sự tôi là một người rất bình thường về cả khoa học cũng như văn học. Tôi làm luận án tiến sĩ toán ở Sofia Bulgaria bảo vệ 1986, mà anh và bác cũng đã biết, ngày đó sang các nước XHCN thì “con bò đội nón” cũng có bằng tiến sĩ mang về, và tôi cũng là một người trong số họ.

        Về văn thơ thì không thể nói dối anh Tạo được, vì tôi mới biết làm thơ cách đây đúng một năm, hôm đó nhân đọc cuốn “Thơ tình gửi một người”, tôi thương Trịnh Công Sơn quá nên vừa đọc vừa khóc rồi viết ra mấy dòng cảm xúc gửi nhờ anh Tạo chuyển hộ cho chị Ngô Vũ Dao Ánh thôi chứ không dám gửi đăng. Nào ngờ anh Tạo lại đăng lên báo làm thức dậy cảm xúc của tôi thế là tôi viết “Vong thư từ Quần Đảo Hoàng Sa” vì tôi thương thiếu tá Ngụy Văn Thà và các vong hồn người lính VNCH đã hy sinh anh dũng tại Hoàng Sa năm 1974 quá! Không ngờ khi anh Tạo đăng lên thì bài viết này đã được nhiều báo tự lấy về đăng làm tôi vô cùng xúc động.

        Và từ đó tôi mới mắc internet để đọc mạng và thấy được bao nhiêu nỗi oan trái của người dân Việt từ quá khứ đến hiện tại, từ thành thị đến mọi vùng quê, từ Bô Xít Tây Nguyên đến biển đảo… Nhiều đêm vừa đọc mạng vừa khóc, rồi cứ thế viết các bài văn vần gửi đến anh Tạo và được anh góp ý thẳng thắn. Trong đời tôi, chưa có ai góp ý cho các bài văn vần của mình ngoài anh Tạo, nên tôi xem anh Tạo là người thầy dạy tôi làm thơ thì có gì mà phải đỏ mặt thưa bác Tầm Hoan?

        Và từ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tôi đã học được nhân cách sống, đó là hãy sống vì mọi người, phải bênh vực những người bị oan trái bất công, không vô cảm trước vận mệnh của non sông, của dân tộc và luôn mở rộng trái tim mình trước tấm lòng của mọi người. Điều như thế trước đây trong tầng lớp được gọi là “trí thức” như chúng tôi, người ta thường lảng tránh vì sợ mất cái này, mất cái nọ…anh Nhật Lệ và bác Tầm Hoan ạ!

        Tôi cũng chỉ mới biết Nguyễn Trọng Tạo qua mạng một năm nay, và chưa hề gặp mặt, nhưng những lời trong thư tôi gửi anh ấy ở bài viết này là từ tận đáy lòng xuất phát từ lòng chân thật chứ tôi không hề quan tâm đến khái niệm khiêm tốn với thầy Tạo của tôi, bác Tầm Hoan ạ!

        Theo tôi, cụm từ “khiêm tốn” chỉ dùng với người thật giỏi, còn với người bình thường như tôi, thì “thật thà là cha khôn khéo” chắc dễ thông cảm nhau hơn, có phải không anh Nhật Lệ và bác Tầm Hoan?

        Tôi xin trân trọng cám ơn quí vị độc giả đã thương tôi mà viết phản hồi và thêm một lần nữa cảm ơn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã cho tôi một cơ hội cuối đời để bày tỏ tấm lòng của mình với bạn bè, với nhân dân và quê hương đất nước.

        Thân kính: Đặng Huy Văn.

  3. Trước bài này, tôi cứ nghĩ chắc bác Văn là TS nghành văn chương và ở nước ngoài; đã kính phục bác, nay càng kÍnh bác! từ nghèo khổ cần lao đi lên thành nhà khoa học. Bây giờ hưu rồi vẫn trăn trở với nhân quần.

Bình luận về bài viết này