HOA KHÔI, NỘI TƯỚNG NGUYỄN THỊ NGỌC TOẢN


KHÁNH TRÂM

Gia đình GS-Bs Nguyễn Thị Ngọc Toản

Gia đình GS-Bs Nguyễn Thị Ngọc Toản

Một chiều hè cuối tháng 6/2012 mình và ông xã đến thăm cô đem theo món quà chữ là “Trần Độ Tác Phẩm”. Trước khi đi, mình điện thoại để cô biết và cũng muốn chắc chắn cô có nhà. Vừa nghe máy, cô vừa hỏi: “Còn nhớ nhà cô không”? Hỏi xong cô lại nhắc luôn: “ Cô ở số 1 Trần Thánh Tông, khu tập thể bệnh viện 108”. Mình làm sao quên được căn hộ nho nhỏ nơi cô ở bởi hè nào khi đưa cháu ra thăm hai bà nội ngoại và gia đình ở Hà Nội, vợ chồng mình đều dành thời gian đến thăm cô. Nghe giọng cô mình rất vui vì biết cô vẫn khỏe. Năm nay cô đã ngoài 80. Cô nhắc số nhà để nhỡ mình có quên, các bậc phụ huynh bao giờ cũng vậy. Rất cẩn thận và kỹ lưỡng cũng là tính cách của cô- Một gíao sư bác sỹ (GS BS). 

Là một phụ nữ nổi tiếng, nhiều người đã viết về cô ở góc độ khoa học với nhiều thành tích của một gíao sư, bác sỹ chuyên khoa. Bất cứ ai khi nhắc đến khoa sản của Bệnh viện 108, trong thập kỷ từ những năm 90 trở về trước, người ta sẽ nhắc đến người GS BS chủ nhiệm khoa tài năng và nhân hậu Nguyễn Thị Ngọc Toản nên mình không nhắc lại nữa, mình chỉ muốn viết về cô ở cuộc sống đời thường. Với mình lúc nào cô cũng là cô Toản rất gần gũi và thân thương.

Từ Trần Hưng Đạo nơi xuất phát, cứ thẳng thắp theo con đường này đi về đầu phố là Bệnh viện 108. Nơi đây mình ghi nhớ công ơn của cô và bao thầy thuốc những ngày mình nằm điều trị cả tháng trời cuối thu năm 1985. Cứ mỗi lần đi ngang đây, hình ảnh của quá khứ lại hiện về. Phía sau là phố Trần Nhân Tông. Khu tập thể Bệnh viện nằm ở ngay đầu phố. Cô ở đây đã hơn chục năm nay. Khách vừa bước lên tầng 2, căn hộ đã mở sẵn cửa, nhìn vô đã thấy vẫn bộ salon tiếp khách kê ngay phía ngoài. Mình gọi “cô ơi” cũng có ý chào cô đó. Vừa dứt lời thì nhận lại được một nụ cười rất tươi và còn có ý nghĩa nữa: Một nụ cười chờ đợi vì tụi mình hẹn 15h:30 mà lúc này đã 16h:00. Biết cô không giận nhưng mình cứ ái ngại và kể thực tình là ông xã đi chơi với các bạn nên về hơi trễ. Cô vẫn cười vui. Lúc nào cũng vậy, cô quý tất cả các con các cháu mà. Ông xã mình ( Hải) lại là bạn thân của các con trai cô: Anh Vũ, anh Bảo, em Quý Anh.

Cô cháu gặp nhau lúc nào cũng một bụng chuyện. Mừng nhất là cô cứ nghiêng mình trước thời gian, vẫn hoạt bát, vẫn minh mẫn, vẫn tự sinh hoạt một mình rất khoa học. Mặc dù nghỉ hưu đã nhiều năm nay nhưng lúc nào cô cũng đọc sách và làm việc. Cô cho biết đang tập trung viết về những chuyến đi xuyên đại dương và những công việc cô làm để đấu tranh cho các nạn nhân bị chất độc da cam thời chiến tranh. Hành trình này rất gian nan nhưng mình tin một người phụ nữ giầu nghị lực như cô sẽ đi đến tận cùng để dành công lý. Món quà của vợ chồng mình là bộ sách, cô nhận với bao niềm vui và nỗi nhớ. Một nỗi nhớ về quá khứ đã hơn nửa thế kỷ: Tướng Trần Độ và tướng Cao Văn Khánh đã cùng nhau đánh trận ở Điện Biên Phủ. Người đại đoàn 312, người đại đoàn 308. Bây giờ cả hai đều đã yên nghỉ nơi chín suối. Ngày ấy cô cũng tham gia chiến dịch, công tác ở bộ phận quân y, điều trị và chăm sóc thương binh. Hai vợ chồng mình cũng vừa đi thăm Điện Biên về. Cả hai đứa vận dụng hết trí nhớ rồi thi nhau nói. Mình thì kể đủ các thứ chuyện về miền Tây Bắc, về xứ Thái, về các di tích… một cách đầy hào hứng vì đây là chuyến đi đầu tiên đến Điện Biên sau nhiều năm mong mỏi. Câu đầu tiên khi nhắc đến hầm De Casteris, mình nói: “Cô ơi, khi tụi con vừa bước chân đến hầm De Casteris, cô biết không anh Hải nghĩ ngay đến đám cưới của cô chú. Anh bảo cô Toản và chú Khánh cưới nhau ở đây này”. Vừa dứt lời mấy cô cháu cùng cười. Mình còn kể cô nghe bên cạnh căn hầm từ phía đường nhìn vào bây giờ còn mọc lên một cây sung nữa. Cây này chắc mọc về sau chứ nhìn tấm ảnh chụp căn hầm năm 1954 thì chưa có. Nhưng cây cũng đã già và hơi ít trái. Đi vô trong hầm thì những cảm xúc cứ dồn dập chỉ tiếc là thiếu ánh sáng nên các du khách cứ phải dán mắt vào mới thấy được mấy tấm bản đồ quý giá, những vật chứng của lịch sử. Câu chuyện đến đâu căn phòng rộn ràng đến đấy. Cô cũng chia sẻ đã đi thăm Điện Biên nhiều lần, có lần còn đưa các nhà báo ngoại quốc đến đó nữa. Nói rồi cô chỉ tay lên bức hình đặt trên giá sách chụp hai cô chú, kỷ niệm sau chiến thắng Điện Biên. ông xã mình thích quá nên lấy máy ảnh chụp lại. Nhìn bức hình cô chú đứng trên chiếc xe tăng gần 60 năm về trước sao đẹp và quý vô cùng. Cô đã đẹp mà tuổi chú lại hơn cô trên chục tuổi thế là cô lại vừa trẻ, vừa đẹp.

Nhà cô ngập tràn những kỷ niệm ảnh. Trong các bức hình tại gia đình cô bức nào cũng đầy ý nghĩa và có những bức còn mang giá trị lịch sử nữa. Cô cứ đứng bên giảng giải, kể cho vợ chồng mình nghe từng bức một chẳng là mình bảo : “Chúng con đến cô nhiều lần nhưng chưa lần nào dành thời gian tìm hiểu và ngắm các bức hình cô ạ. Lần này con đi xem ảnh đây”. Cô kể đến đâu mình nghe và cố phải nhớ cho hết vì quên đi câu chuyện nào thì phí lắm. Mỗi câu chuyện lại gắn với một bức hình. Tất cả các bức hình đều là ảnh đen trắng trong đó có bức đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm cán bộ chiến sĩ sư đoàn và kiểm tra chiến trường Cửa Việt. Khi xem bức hai cô chú trong trang phục quân ngũ bên nhau và cả hai còn trẻ, mình hỏi: “ Bức này chụp ở đâu vậy cô?” Cô nói ngay: “ Cồn Tiên- dốc Miếu Quảng Trị 1972 đấy”. Cô chú là những người khoác áo lính, (chú là một vị tướngcòn cô là một thầy thuốc như mẹ hiền) luôn luôn có mặt ở các chiến trường, từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ cho tới ngày thống nhất đất nước 1975.

Nghe đến địa danh “Quảng Trị” mình giật mình nghĩ lại mùa hè đỏ lửa năm 1972 và những cuộc quyết chiến để chiếm giữ vùng đất chiến lược này. Thời gian này, ở khắp nơi trên đất Bắc ngày nào cũng truyền đi tin tức ở chiến trường qua chiếc loa phóng thanh công cộng. Bao nhiêu người con đã ngã xuống. Cái tên “Thành cổ Quảng Trị” cũng nổi tiếng vì các cuộc đánh nhau đẫm máu của quá khứ. Làm sao quên được 81 ngày đêm ấy để rồi 60.000 liệt sỹ đã nằm lại mảnh đất này là có mộ, ngòai ra còn hàng ngàn người con đang nằm đâu đó. Gần đây tìm hiểu lại lịch sử, mình mới vỡ lẽ ra cái chiến thuật “3 chưa, 1 ngay” của chiến tranh Việt Nam ở Quảng Trị ngày ấy. Ba chưa là: Thứ nhất, chưa nắm được địch. Thứ hai, chưa nắm được địa hình. Thứ ba, chưa có quân bổ xung, chưa có gạo, có đạn. Một ngay: Nghĩa là phải đánh ngay. ( Đây là nội dung cuộc đối thoại của tướng Hoàng Đan và tướng Nguyễn Hữu An. Hai vị trao đổi rất thân mật với nhau khi tướng Nguyễn Hữu An được điều vô tăng cường cho mặt trận Quảng Trị mình đọc được trên Blog Lemai). Sau gần bốn thập kỷ, khi chiến tranh đã lùi xa, bây giờ nghe nhắc lại cái “chiến thuật” này mình vẫn còn thấy sợ. Thậm chí sợ quá! Ấy vậy mà nhờ mưu lược của các tướng lĩnh, nhờ tính can trường trong đánh trận của các binh lính, nhờ rút kinh nghiệm giữa các trận đánh cùng với sự kết hợp uyển chuyển của chiến thuật “vừa đánh vừa đàm”, người Việt đã giành thắng lợi ở hiệp định Pari để kết thúc chiến tranh. Vâng, chiến tranh đã kết thúc để hôm nay những nhà thơ khoác áo lính đã cho người đọc hiểu hơn về mảnh đất có nhiều nghĩa trang liệt sỹ nhất Việt nam này: “Tôi chưa kể hết về chiến công/ Những trận đánh thiếu người, thiếu đạn/ Xác giặc đã chất đầy cao điểm/ Hai ngày qua/ Họ lấy một chọi mười…” nơi “Trời Quảng Trị ùn ùn mây xám/ ì ầm cơn mưa cùng tiếng nổ dội về ”.  Tiếng thơ cũng là trang nhật ký chiến trường.

Mình thuộc thế hệ 6 X, ít nhiều hiểu những đau đớn của quá khứ. Nghe cô kể chuyện thời đạn bom, nghe về những ca mổ thương binh thiếu thuốc men, bông băng

và những câu chuyện cao cả “thầy thuốc như mẹ hiền” nơi chiến trường của các y tá, bác sỹ, hộ lý, tải thương… với giọng đầy xúc động hệt như mọi việc đang diễn ra trước mắt khiến mình cố kìm mà hai khóe mắt cứ cay cay. Dòng ký ức ào ào hiện về, giọng kể của cô liên tục nhưng mình nhớ được hết đó là những câu chuyện có những hôm nhiều thương binh quá, lán trại thì nhỏ không đủ chỗ nằm điều trị. Tiếp xúc với các thương binh còn quá trẻ hàng ngày vật vã với cái đau cô rất thương. Nhiều đợt thương binh về dồn dập, nhiều lúc thiếu người nên những bác sỹ như cô còn phải hát, phải xúc cho bệnh nhân ăn… Cô kể có nhiều hôm bận lo thương binh, bỏ cả ăn uống. Thời chiến là vậy. Mình nhìn vô mắt cô, lắng nghe rất chăm chú. Cô cười rồi nói: “Thời ấy khổ thế nhưng tình người lại cao đẹp”. Đúng là “bao giờ cho đến ngày xưa”!

Vẫn tiếp tục chủ đề về ảnh, cô cho xem bức hình có ba thiếu nữ. Ba người con gái Việt. Ba cô gái, cô nào cũng đẹp. Cũng là phụ nữ mà khi nhìn thấy bức hình này mình còn thấy xuýt xoa đây. Mình xin cô giải thích về ba hoa khôi đó. Cô chỉ vào từng người rồi giảng giải: Cô Bảo là vợ trung tướng Đoàn Chương, một thời ông là thư ký cho tướng Nguyễn Chí Thanh. Cô Tú là vợ tướng Lê Quang Đạo. Hai hoa khôi này đã yên bề gia thất, chỉ có cô là lúc đó chưa có ai. Cô cứ say mê công tác mà chẳng nghĩ đến việc xây dựng gia đình. Nhưng ông trời đã gắn kết số phận của cô với tướng Cao Văn Khánh rất nhẹ nhàng. Câu chuyện cô kể thật lãng mạn: “Ông Đạo đưa bức hình này khoe ông Khánh vì biết ông Khánh chỉ thích lấy vợ người Huế thôi. Khi nghe ông Đạo nói về cô và xem ảnh xong thì chú Khánh xin ông Đạo tấm ảnh đó ngay và đem về luôn. Từ đó mới có chuyến chú đi thăm cô ở Chiêm Hóa mà khi đi chú lại quên đem theo giấy giới thiệu thế là bảo vệ không cho vào. Ngày ấy nghiêm thế đấy nhưng may quá gặp được người quen bảo lãnh cho đại đoàn phó 308 Cao Văn Khánh nên được vào”. Mình hào hứng và vui khôn tả khi được nghe cô kể về những tình cảm cao quý, đẹp và lãng mạn của thế hệ các cô các chú ngày ấy. Là một người trẻ mình học được tấm gương, lẽ sống của các bậc cha mẹ là tình cảm cá nhân luôn luôn gắn bó với tình yêu tổ quốc. Mình cứ ngắm mãi bức ảnh không thôi. Hải cũng xin phép cô cho chụp lại. Ngắm các cô, các hoa khôi một thời ấy mình vừa ngưỡng mộ vừa trân trọng. Các cô ai cũng trở thành những nội tướng giỏi. Nhìn bức hình mình lại nghĩ đến các chú. Buồn quá. Các chú đều đã ra đi. Với ba vị tướng trong số các thế hệ tướng lãnh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam ấy thì trung tướng Cao Văn Khánh phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN mất khi chú mới ngoài 60 tuổi. Thế là cô trở thành góa phụ khi bước vào tuổi 50. Cô cũng chỉ vào bức hình gia đình với 4 người: Chú Khánh, cô Toản, con gái Cao Quý Bảo Vân và con trai út Cao Quý Anh. Hình đen trắng cô đóng khung để ngay ở giá sách đối diện với salon tiếp khách. Đây là bức hình cuối cùng trước khi chú mất 6 tuần. Tướng Khánh mất ngày 3/10/1980. Bức hình chụp ngày 19/8/1980. Chú ra đi vì căn bệnh ung thư, một nỗi đau không gì bù đắp nổi, không chỉ với riêng gia đình cô mà còn với tất cả những người như vợ chồng mình, những người thân với gia đình cô bấy lâu nay. Riêng với mình, cô còn là ân nhân nữa. Ơn này mình luôn ghi nhớ trong lòng. Hôm nay kể ra đây để một lần nữa tri ân cô và chia sẻ với mọi người. Cô nhân hậu và luôn dang rộng đôi tay cứu người, giúp người.

Mình còn nhớ một lần cô vô Sài Gòn (2006), thăm con gái Bảo Vân và các cháu ngoại. Dịp này mẹ chồng mình cũng đang ở đây, mình đón cô sang ăn cơm với cụ. Hai người rất nhiều kỷ niệm. Trong bữa cơm mình nghe chuyện các bậc phụ huynh thời lửa đạn. Ngày ấy hai gia đình đều trong quân ngũ. Các mẹ cùng nhau đi thăm con nơi sơ tán. Mẹ mình vừa cười vừa nói: “ Đến lần nào cũng gặp  thằng Vũ, thằng Bảo, thằng Điền, thằng Hải cứ đuổi nhau chạy hùng hục…”. Chuyện sơ tán cứ không ngớt rồi mình nhắc chuyện lúc sinh con gái đầu lòng của mình là bé Ly đã phải nhờ cô thế nào…Nay cháu đã lớn. Bữa cơm hôm ấy thật vui. Cả ba thế hệ ngồi đầy đủ bên nhau tối đó. Cô cũng không quên hình ảnh mẹ chồng mình đau lưng như thế mà cứ ôm cháu nội mới được ba ngày tuổi cuốn trong chiếc khăn bông đến gặp cô ở BV 108 để nhờ cô cho cháu nhập viện và cứu mình đang bị tràn dịch màng phổi do hậu sản. Ngày ấy nếu không có cô thì chẳng biết mình có còn sống để viết ra những dòng tâm sự này hay không?

Với mình, mỗi lần nghĩ về cô, ngoài hình ảnh một GS bác sỹ, cô luôn là hình ảnh của một nội tướng, một hoa khôi. Cô đẹp từ hình thức đến nội dung- một “thầy thuốc như mẹ hiền”. Buổi chiều nay cũng như bao lần gặp gỡ sẽ mãi mãi là một kỷ niệm khó phai của vợ chồng mình. Khi chia tay mình cứ lưu luyến đôi tay âm ấm của cô. Đôi tay cứu rỗi biết bao nhiêu người để cuộc sống tiếp tục hồi sinh. Ra đến cửa, ba cô cháu lại hẹn gặp nhau ở TP HCM. Mình chúc cô khỏe mãi. Cô cũng cho biết sẽ sớm hoàn thành những trang viết về hành trình đấu tranh cho các nạn nhân bị chất độc da cam- một nỗi đau chưa dứt của chiến tranh Việt Nam mà một người bác sỹ như cô không thể làm ngơ. Mình cũng đang mong ngóng được đọc những trang viết ấy.

Hà Nội ngày 27/6/2012

Bình luận về bài viết này