TẠ TỴ: HỒI KÝ VĂN NGHỆ


Tạ Tỵ - Tranh Trịnh Cung

Tạ Tỵ – Trang Trịnh Cung

NHỮNG KHUÔN MẶT VĂN NGHỆ ĐÃ ĐI QUA ĐỜI TÔI…

TẠ TỴ

Sáng hôm sau, chúng tôi trình diện văn phòng tiểu đoàn.T ôi cũng không quên đem lá thư của đại úy Giai gửi thiếu tá Nguyễn Khánh. Trong khoảng thời gian 1953, cấp thiếu tá lớn lắm, (…) nên quyền hành tiểu đoàn trưởng rất rộng. Tiểu đoàn 13 lo bảo vệ tỉnh Cần Thơ với 4 đại đội.

Chánh văn phòng thiếu tá Khánh là trung úy Huỳnh văn Tồn (sau là đại tá, tỉnh trưởng Gia Định), bảo chúng tôi về câu lạc bộ nghỉ ngơi, chờ quyết định của tiểu đoàn trưởng. Vài hôm sau, tôi được trung úy Tồn mới đến văn phòng, cho biết, thiếu tá muốn giữ tôi ở lại Bộ chỉ huy, để thay thế ông ta làm chánh văn phòng cho thiếu  tá Khánh.

Trung úy Tồn không cho biết lý do, vì sao có sự tình đó. Tôi trả lời ngay, tôi không thích làm văn phòng, xin đi chiến đấu. Sở dĩ tôi có quyết định nhanh vậy, vì tôi được 1 sĩ quan ở tiểu đoàn ,trong giờ ăn tối đã cho tôi biết về chuyện này.   Theo sĩ quan đó, trung úy Tồn muốn rời chức vụ, làm chánh văn phòng không có quyền lợi gì hết, kể cả việc thăng cấp khó khăn- hơn nữa, lại phải tổ chức nhẩy đầm, tiệc tùng và mời những cô gái đẹp trong tỉnh đến vui chơi cùng thiếu tá tiểu đoàn trưởng.  Giờ làm việc bắt buộc nghiêm chỉnh, nhiều khi còn phải ở lại đến 9, 10 giờ tới mới được về .  Tôi cũng không hiểu vì sao, bạn sĩ quan kia, chưa quen biết bao giờ, lại khuyên tôi vậy.   Anh khuyên tôi đừng nhận,  thà đi chiến đấu khoái hơn.   Lúc nào “uýnh” trận xong, có quyền   lè-phè, không  ai động tới mình.  Còn làm nghề chánh văn phòng, tuy chữ “thọ”  vững đấy, nhưng làm hèn con người.   Tôi suy nghĩ   thấy đúng, nên trả lời nhanh vậy.   Trung úy Tồn  ghe xong, bào tôi trở lại Câu lạc bộ chờ lệnh.    Hai đứa   long nhong cả tuần, sau cũng biết, cả 2 đều được bổ  xung cho Đại độ 4 ở quận Phụng Hiệp.

Đại đội 4 cho xe Jeep lên tiểu đoàn  đón chúng tôi, vào buổi trưa 1 ngày đầu tuần lễ thứ 2, kể từ ngày có mặt tại Cần Thơ.  Quận Phụng Hiệp cách Cần Thơ khoảng 50 cây số, tài xế lái xe là người việt gốc Miên .  Khẩu Carbine  M2 gài vào thành xe, với băng đạn gắn ngược đầu, nối liền bằng 1 miếng vải nhựa.   Về sau, khi đi trận, khẩu súng của tôi cũng có 2 băng đạn đen như vậy,  nó tiện cho việc sử dụng khi cần kíp.   Tài xế đứng nghiêm chào, mời chúng tôi lên xe.  Riệu nhường tôi ngồi phía trước, chiếc xe lướt nhanh trên mặt lộ.   Phong cảnh 2 bên cũng chỉ là ruộng lúa, đôi chỗ có nhà cửa chạy dọc theo con kinh đào.   Suốt đường, chúng tôi  im lặng,  không ai nói  chuyện với ai

Chiếc xe đang ngon trớn, bỗng từ từ hạ tốc độ, chạy thêm quãng nữa, tôi nhìn thấy 1 chiếc cầu.   Tài xế quẹo tay mặt vào con đường đá, ngay sát bờ sông, rồi băng qua 1 dãy phố nghèo nàn, tôi nhìn thấy tấm bảng xanh, chữ trắng; QUẬN PHỤNG HIỆP.  Nhưng xe không dừng tại quận, mà chạy 1 đoạn đường nữa,  Tôi nhìn thấy 1 doanh trại, với những vòng kẽm gai với bao quát quây kín.   Ngay cổng trại có đặt những con ngựa  gai  và vọng  gác:  chiếc cổng khá lớn có tấm bảng gỗ sơn màu vàng, kẻ chữ đỏ: TIỂU ĐOÀN 13, ĐẠI ĐỘI 4 và hình chiếc đầu trâu giống hệt Bộ chỉ huy tiểu đoàn vậy.   Anh lính gác cổng kéo cây cản.   Chiếc Jeep lái ngoằn ngoèo, rồi chạy vào doanh trại, đưa chúng tôi đến gặp Đại đội trưởng trình diện.   Đại đội trưởng mang cấp bậc trung úy, người miền Nam, đứng chờ chúng tôi ở bực thềm, rồi sau mời vào văn phòng.

Đây là căn nhà ngói duy nhất doanh trại.   Xung quanh toàn nhà vách nứa, mái lợp lá dừa.   Sau mấy câu xã giao kiểu nhà binh,  đại đội trưởng cho người dẫn chúng tôi đến nơi ở.    Căn buồng dành cho chúng tôi chẳng rộng bao nhiêu, kê vừa đủ 2 chiếc ghế bố, 1 chiếc bàn viết.   Túi quân trang phải tím cách máng vào cây cột nơi góc nhà.   Cuộc đời binh nghiệp bắt đầu.

Hôm sau, chúng tôi đi lãnh súng, mỗi ngưởi 1 cây Colt 45 và 1 khẩuCarbine.   cây Colt tượng trưng cho sĩ quan chỉ huy, còn cây Carbine để chiến đấu khi lâm trận.  Mỗi người còn được quyền có 1
 tà-loọc” để lo việc cơm , nước , giặt giũ, sai bảo v. v. ..

Riệu nắm Trung đội 1, còn tôi Trung đội 2.   Khi chưa có chúng tôi, 2 trung đội này do 2 thượng sĩ điều khiển.   Đại đội tuy có  4 trung đội, nhưng chỉ có 3 trung đội thực sự chiến đấu, còn 1 chuyên canh gác, làm tạp dịch doanh trại.   Trung đội trưởng thường vụ này vẫn do 1 thượng sĩ làm trung đội trưởng.   Khi chưa có chúng tôi, đại đội chì có 1  trung úy đại đội trưởng là sĩ quan,  còn hầu hết là cấp hạ sĩ quan.   Nay tất cả  có  3  si quan- chỉ có  một trung úy đại đội trưởng  quen chiến trận; còn 2 chúng tôi mới ra trường, chưa biết trận mạc, nên chức vụ trung đội phó đều do các hạ sĩ quan ở lâu trong quân ngũ phụ giúp, vì họ có kinh nghiệm chiến đấu.

Nhưng tôi cũng không  ở đơn vị này lâu, dù tôi cũng đi  hành quân khoảng 20 lần, khắp tỉnh Cần Thơ.  Có những cuộc hành quân liên tỉnh, phải lội sình cả tuần,  nên đã biết thế nào là muỗi ở miệt Hậu Gang- quần áo treillis đầy như vậy, mà  vòi muỗi sắc như kim xuyên qua như không. Tối, trâu ngủ phải buông mùng, nếu không, muỗi đốt, trâu cũng chết, nói gì tới con người! Tôi đã biết thế nào là chiến tranh, biết máu đổ, và những giọt nước mắt, cùng tiếng gào thét thảm thiết!  Cảnh bắn giết này đâu phải do người Quốc gia chủ xướng, mà do hoàn cảnh không may của đất nước đẩy đưa.

Một buổi, sau buổi hành quân, thân xác còn mệt mỏi; tôi nhận được lệnh Tiểu đoàn bộ  buộc trình diện gấp.   Hôm sau, chiếc xe Jeep của đại đội đưa tôi lên Cần Thơ, với túi quân trang như khi xuống, sau khi đã trả lại súng ống, giao lại cho trung đội cho một thượng sĩ gốc Miên.   Có thể nói, đến 70% lính của Đại đội 4 thuộc diện này.   Tôi biết, tôi đã có lịnh thuyên chuyển về Sài Gòn, trong lòng nửa vui, nửa luyến nhớ  trung đội đã cùng mình sống, chết trong mấy  tháng qua.   Con đường từ Phụng Hiệp lên Cần Thơ, hoặc ngược lại,  trong thời gian chiến tranh, thường bị Việt Cộng đặt mìn, bắn xẻ ở khúc quẹo gắt, nơi toàn cỏ lát mọc quá đầu người.  Do vậy, mỗi sáng sớm, có 1 toán chuyên môn đi dò mìn, khi biết chắc con đường an toàn mới thông báo cho đơn vi đóng quân biết để di chuyển  cho an toàn.   Thường ra, muốn an toàn, nên  đi sau 9 giờ sáng.

Nhưng buổi sáng hôm đó, tôi nôn nóng, không đợi chờ được, nên giục tài xế lên đường sớm, tài xế cười cười, nhe bộ răng vàng chóe:
-Ủa, thiếu úy không sợ sao ?
Hỏi lại:
– Cậu có nhát không ?  Lính chiến hỏi vậy, nghe đâu được ?  Tôi lái  mà !
Tôi ngồi lên xe, đề máy, còn tài xế ngồi ghế bên, tay ôm khẩu Carbine M2.  Đại đội trưởng cùng Riệu và vài anh em khác chúc tôi lên đường may mắn, nhớ là đừng quên anh em !  Cảm ơn, cho xe chạy từ từ tiến ra cổng trại.  Tôi muốn nhìn lại cái quận này lần cuối, nên lại vòng xung quanh chợ, gần đó có 1 tiệm bán cơm, hủ tiếu Ba Tàu, nơi tôi vẫn thường ăn, sau lần hành quân mệt mỏi, vì lội sình và bị muỗi đốt.   Quận lỵ này  rất hiền hoà, mọi người đều quen thuộc với lính Đại đội 4.  Khi ra trận, họ có thể làm ẩu, nhưng trong quận thì không.   Do vậy, tình quân dân rất đậm đà.

Sau khi lái 1 vòng, tôi cho xe chạy thẳng ra đường cái, nhấn lút ga, chiêc xe lao vùn vụt, dưới ánh nắng sớm mai chưa tan sương mù.  Sỡ dĩ lái nhanh, chính để giữ an toàn sinh mạng, như xe bị cán mìn, với tôc độ cao, sự thiệt hại, nếu có, không đáng kể.   Còn chuyện bắn sẻ cũng không  lo, trừ phi kẻ bắn là tay thiện xạ, bách phát, bách trúng !  Cái đó hơi khó đấy,  đồi với tay du kích thỉnh  thoảng mới bắn 1 viên đạn, xong, giấu súng chạy trốn !  Tôi cố giữ nguyên tốc độ cao, nên từ Phụng Hiệp tới Cần Thơ mất 1 tiếng đồng hồ, nếu đi trung bình, phải mất 1 tiếng rưỡi; vì  có nhiều đoạn đường bị lồi lõm, do sự phá hoại của địch.

Tôi   quyết định chưa vào Bộ chỉ huy vội, kéo tài xế vô 1 quán ăn bữa no nê, thỏa thích .  Xong, 2 thầy trò mơi quay về tiểu đoàn . Tài xế mang giùm túi quân trang vào Câu lạc bộ , anh nghiêm chào tôi, trước khi lên ghế lái.   Từ đó, tôi và Đại đội 4 không còn gì liên hệ.   Viên quản lý câu lạc bộ đưa tôi lên lầu,  lại đến cái phòng ngủ lần trước.   Để túi quân trang đưới ghế bố,  qua Bộ Chỉ huy trinh diện.

Trung úy Tồn cho biết, tôi được thuyên chuyển về Sài Gòn, theo lệnh Bộ Tổng tham mưu.  Sự vụ lệnh và giấy tờ thuyên chuyển của tôi còn nằm trên bàn thiếu tá Khánh- chờ ký xong- sẽ chuyển cho thiếu úy.  Về phương tiện thì tiểu đoàn lo, khi nào có, sẽ báo.  Tôi ngồi chờ  tới gần trưa , giấy tờ mới đến tay.

Như vậy, lại có quyền đi chơi và ăn cơm ở  Câu lạc bộ, đi chơi phố  Cần Thơ rồi.   Nói cho đúng, ở Cần Thơ, tôi  chẳng quen ai, đi mãi cũng chán.  Các cô gái đẹp Tây Đô kiếm hoài mà vẫn chưa  gặp, nều gặp , chỉ nhìn, ngắm xuông, làm gì có hoàn cảnh để giăng lưới, dù khi ấy, tôi vừa tròn 30 tuổi.  Đó là tuổi huy hoàng nhất đời thanh niên !

Thành phố Cần Thơ nằm  bên dòng sông Bassac, trên bến, dưới thuyền sầm uất. bên kia là vùng thuộc Hòa Hảo, do tướng Năm Lửa trấn giữ.   Dạo ấy, quân đội Quốc gia và Lực lượng Hòa Hảo không ưa nhau, nên các sĩ quan từng ở lâu ở đây,  khuyên tôi,  không nên lớ ngớ qua đó; nhỡ mang hoạ !    Nhưng tôi cũng không ở lâu tại nơi này, 2 ngày sau, có chuyến xe đi Sài Gòn công tác, cũng lại xeDodge.  Lần này, tôi ngồi ghế trên, cạnh lái xe.   Đằng sau, chở   một đống quân trang cũ và một trung sĩ.-   lại phải 2 lần qua” bắc”  mất khá nhiều thời giờ, đến tận 2 giờ chiếu mới tới Sài Gòn.

Tôi lại ghé nhà anh chị Độ tá túc.   Và đánh điện về Hànội, báo tin gấp cho gia đình biết; việc tôi  đã được thuyên chuyển, vì trong thời gian ở Đại đội 4 , tôi đã làm đơn xin nhà và phương tiện cho vợ con vào  Nam.

Tôi nghỉ ngơi 1 ngày, rồi quần áo chỉnh tề tới Bộ Tổng tham mưu, Phòng 5 trình diện.   Đại úy Phạm Xuân Giai niềm nở tiếp tôi, sau còn nghỉ vài ngày để thu xếp chỗ ở, vì  Câu lạc bộ sĩ quan, ngay sát Bộ Tổng tham mưu đã hết chỗ.  Lúc đó, sự thực, tôi chưa biết tính sao về chỗ ở – vì nhà anh chị Độ ở quá xa – đi làm không tiện, mà lấy phương tiện đâu để đi ?  Do định mệnh an bài,, trong đầu tôi, bỗng nhớ tới anh bạn Nguyễn Doãn Chi, làm nghề nhà in, ở hẻm 4 đường Nancy– cái địa chỉ này khi trước, chúng tôi đã liên lạc với nhau qua thư.   Khu Nancy gần nơi làm việc của tôi.   Ngay tối hôm đó, tôi tìm địa chỉ của anh Chi để biết nhà anh,  rồi sẽ tính sau.

Hẻm số 4 là một con lộ mới làm, mỗi khi có xe hơi chạy qua, bụi tung mù mịt.   Nếu đi từ phía Sài Gòn xuống, quẹo tay mặt chừng hơn 100 thước, sẽ thấy nó.  Đây là 1 khu nghèo của thành  phố Sài Gòn.  Phần lớn nhà bằng cây.  Cái hẻm này còn có nhiều hẻm nhỏ bám vào nó.   Mấy năm sau, con hẻm được tráng nhựa , và có tên PHAN VĂN TRỊ . Nó thuộc vùng Chợ Lớn  , chứ không thuộc Sài Gòn.

Khi tìm được nhà anh Chí, sau những câu chuyện tầm phào, tôi nói với vợ chồng anh , về ý định của tôi, muốn tá túc 1 thời gian, đi làm cho gần, khi nào vợ con tôi vào sẽ tính sau.

Nguyễn Doãn Chí là em  họ  của  Nguyễn Doãn Vượng,  tay này từng  là chủ nhiệm  tạp chí TRUNG BẮC  CHỦ NHẬT  .  Anh Chí là thợ nhà in, có 1 thới gian làm ở Nha thông tin Bắc Việt- sau anh vào  Sài Gòn,  làm cho nhà in Đông Nam Á.   Tuy không  phải tay nghệ sĩ, nhưng anh có lòng mến yêu những ai là nghệ sĩ .  Anh có tật ở cánh tay trái, không bao giờ duỗi thẳng ra được, nên anh em đặt cho biệt danh CHÍ KHÈO. Anh nghe mà không giận.

Khi nghe tôi trình bày xong, vợ chồng anh Chí đều hoan hỉ, dù rằng nhà tuy chật chội; nhưng cố thu xếp, tôi có 1 chỗ nằm thoải mái, ở ngay phòng khách, còn toàn gia đình ở buồng trong + căn gác xép.

Tôi định sẽ đưa trả vợ chồng anh  mỗi tháng 500 đồng tiền ăn ở; nhưng anh chỉ lấy tiền ăn thôi, còn chỗ ở, anh nói :
-Không có cậu, phòng khách có ai ngủ đâu ?   Kê cái đi-văng, ai đến chơi càng có nhiều chỗ ngồi.
Mà đúng ra, anh Chí rất ít bạn bè.

Tôi bắt đầu làm việc ở Phòng 5. Chỉ huy trực tiếp, trung úy Lê Đình  Thạch , trưởng phòng báo chí.  Anh Thạch người miền trung, chuyên viết phóng sự thể thao, dưới bút hiệu THẠCH LÊ.. Trước kia, anh thuộc Vệ binh đoàn của  thủ hiến Phan Văn Giáo ở Huế. Dáng người thanh nhã, ít nói, làm việc với anh vô cùng thoải mái.  Anh vô Nam làm việc, do sự vận động giữa anh và đại úy Phạm Xuân Giai, vì họ cùng quê.

Lúc ấy, Phòng 5 có 2 tờ báo, một dành cho sĩ quan, một  cho chiến sĩ.  Tuy trưởng phòng báo chí.
anh Thạch không viết 1 bài báo  nào ,  dù  đứng tên chủ bút.  Tất cà đều do  THẨM THỆ HÀ  chịu trách nhiệm  phần chuyên môn.   Thẩm Thệ Hà, một nhà văn  miền Nam , đồng hoá cấp bậc thượng sĩ, hay trung sĩ  gì đó – mà anh được cấp giấy phép đặc biệt mặc thường phục, kể cả lúc lảm việc.  Nội dung tờ báo, phần lớn, đều dịch theo sách báo ngoại quốc, thơ văn ít thôi.  Do vậy, công việc cũng không khó khăn . nặng nhọc bao nhiêu.   Hơn nữa, lại có sự đóng góp các cây bút nhà bình, từ đơn vị gửi bài đăng.

Ngoài ra, chuẩn úy Tô Kiều Ngân phụ trách  viết bài cho cả 2 tờ báo.   Chính thức, còn có 1 số anh em nữa, tuy họ mang cấp bậc nhỏ; nhưng họ có khả năng, đóng góp nhiều vào sự hình thành làm tờ báo lớn mạnh.  Anh Thạch thường đi công tác ở nước ngoài, ở nhà. ngồi bàn giấy, chỉ lấy chiếc nhíp ra nhổ râu, chẳng trò chuyện với ai.   Anh có tật mê cờ bạc, chiều nào, sau giờ tan sở, anh vào khu Đại thế giới chơi trò đen, đỏ.   Chả biết anh chơi ra sao, chỉ biết thiếu nợ tùm lum, hầu như cả phòng đều là chủ nợ của anh.

Nhà văn Thẩm Thệ Hà , con người này cũng ít nói.   Anh đeo bộ kính trắng dầy cộm, nước da ngăm ngăm, khuôn mặt trái soan.   Anh đến, đi như chiếc bóng.  Tôi không thấy anh chơi với ai, ngoài bàn chuyện  công việc.  Hình như, anh vào quân đội là lý do bất đắc  dĩ – bộ quân phục, với anh, như 1 sự câu thúc- do vậy,  sự có mặt của anh  trong cơ cấu quân sự, hình như bị lạc lõng.   Nhưng đối với độc giả miền Nam, lúc ấy, tên tuổi anh đã được kính trọng.

Còn Tô Kiều Ngân, tên thật  Lê Mộng Ngân, anh này có nhiều tài, nào viết, nào làm thơ, ngâm thơ, thổi sáo, hát tân nhạc– da tài nên tài nào cũng ở mức trung bình– chính vì vậy , nên anh không có 1 công trình nghệ thuật nào nổi bật, để đưa anh vào 1 chiếu ngồi xứng đáng như anh em khác.
.
Tôi  cũng không quên,  lúc đó còn có mặt trung sĩ Lưu Nghi, người Hội An,  cũng viết báo CHIẾN SĨ.  Lưu Nghi có bộ mặt choắt , miệng nhỏ – khi nói, 2 hàm răng viết lại, tài không bao nhiêu, lại có dáng khinh bạc !   Mấy năm sau, Lưu Nghi xin giải ngũ, làm cho Bộ Y tế, rồi theo Cộng sản.  Bị bắt, khai tùm lum, làm nhiều người bị vạ lây. Tên này, theo đúng sách lược Cộng sản, nếu bị bắt, cứ người Quốc gia mà khai.  Hắn hoạt động ở  ban Trí vận , vì quen nhiều các nhà văn, nhà báo Sài Gòn.  Sau 30-4-1975, tên Lưu Nghi đã viết nhiều bài bêu xấu Quốc gia.

Cùng làm ở Phòng 5 , còn có ký giả Nguyễn Ang Ca, cũng mang cấp bậc trung sĩ , rồi thăng thượng sĩ cho tới ngày giải ngũ.   Nguyễn Ang Ca dáng mập mạp, nhanh nhẹn, tháo vát, anh là ký giả, vừa viết báo quân đội, vừa viết  báo dân sự.   Anh người miền Nam, tính tình bộc trực trong công việc, anh không liên hệ nhiều với tôi, như tôi và  anh Lê Đình Thạch.

Sau còn Hà Thúc Cần , tuy cấp nhỏ;  nhưng có học vấn.  Mấy năm sau, xin giải ngũ, làm nghề điện ảnh và bây giờ sống tại Singapore.

Làm việc ở Phòng 5, còn có thiếu tá Đàm Quang Thiện và đại úy Đái Đức Tuấn (nhà văn TCHYA). Thiếu  tá  Thiện, tôi đã 1 lần nhìn thấy, trong buổi lễ mãn khóa Thủ Đức; nhưng nhìn xa, không rõ mặt,  nay có cơ hội gần, nên mới biết rõ. Cả 2 người: Đàm Quang Thiện và Đái Đức Tuấn đều không làm việc thường xuyên.  Mỗi tuần, họ chỉ có mặt chừng vài buổi, muồn đi, đến giờ nào tùy ý, có xeJeep đưa đón. Họ là cố vấn cho đại úy Phạm Xuân Giai, về phương diện chuyên môn, hơn là  nhân viên thường.  Thiếu tá Đàm Quang Thiện dáng người tầm thước, sắc da mai mái, khuôn mặt luôn như ưu tư, trầm lắng- ngay cả lúc cười cũng có vẻ gượng gạo – không hồn nhiên, thoải mái, như nụ cười đại úy Đái Đức Tuấn.   Mỗi lần đến sở, cà 2 đều vào nói chuyện khá lâu với đại úy Giai, sau đó ra ngồi bàn làm việc.   Hai chiếc bàn thường để trống, trên bàn không có giấy tờ chi cả.   Thường ra, 2 vị đó viết  bằng tiếng Pháp – rồi đưa thẳng cho đại úy Giai.   Lúc đó, tôi chỉ biết, họ là nhân vật đặc biệt.   Tôi được Lê Đình Thạch  giới thiệu tôi với cả 2 người.    Dưới mắt họ, tôi chỉ là sĩ quan cấp nhỏ. trẻ, cả 2 chắc coi tôi như đứa em, thường gọi bằng  chú , hoặc tên, nhưng  không kêu cấp bậc.

Họ mến tôi   ngay từ buổi đầu.   Đàm Quang Thiện ít nói, chứ TCHYA nói cười hồn nhiên. Khi còn ở Hànội, tôi đã đọc nhiều truyện và thơ của TCHYA, nhất là truyện THẦN HỔ , một truyện quái đản, với “ma chành”  kinh dị.  Thơ TCHYA hay, đối với tôi, thời  ấy:

…  Gặp em  hôm ấy, em xinh thắm,
                                        Em mỉm cười duyên mỉa thế gian
                                        Bèo nổi, nước trôi, em vẫn trẻ
                                       Cái già như sợ cái hồng nhan …
hoặc :
                                       Nghệ sĩ trót sinh giầu cảm lụy
                                       Dẫu tàn thân thế khó quên nhau ! 

              Thơ của TCHYA đăng tải trên nhiều báo, chứ không viết riêng cho 1 tờ báo nào.   Nhưng cả 2, ngoài học vấn uyên bác, còn là đệ tử   Phù Dung Tiên Nữ.   Tôi nghe anh em  kể, Đàm Quang Thiện đang học năm thứ 4  Trường Thuốc, thì bỏ ngang ,  vì chuyện riêng tư gia đình.   Khi đã quen thân, không bao giơ tôi đề cập chuyện này, chỉ biết, anh là  1 con người có 1 trí nhớ siêu đẳng.  Một khi chữ nghĩa đã đi vào tiềm thức , hình như nó ở lì trong đó –  để khi cần- anh lấy ra dùng, như ta lấy đồ dùng trong ô ngăn kéo.   Nói theo kiểu hôm nay, trí nhớ  anh Đàm Quang Thiện  như cái đĩa software cùa máy computer vậy.  Ai cần biết điều gì,  trong cuốn sách nào, anh cho biết ngay nó ở trang bao nhiêu.  Không biết  trí nhớ siêu đẳng  của học giả Nguyễn Văn Tố ra sao , chứ trí nhớ  Đàm Quang Thiện thì tuyệt luân !  Anh rất mê
S. Freud và nghiên cứu về Phân tâm học.   Anh viết và dùng Phân tâm học để áp dụng vào tâm lý  của Thúy Kiều, vì sao mà bạc mệnh ?

Cuốn sách này tuy mỏng, nhưng anh phải để rất nhiều thời giờ cho nó.   Có thể nói, anh  thuộc truyện Kiều và dẫn gỉải truyện Kiều, với những điển tích  mà không cần có cuốn Kiều  trước mặt.  Anh Thiện nói tiếng Pháp rất giỏi, tuy giọng nói của anh không mấy hấp dẫn, nói lè nhè, chậm rãi, như kể chuyện.   Khi nói, đôi mắt anh lim dim, chứ không mở to, như khối óc bị lôi cuốn vào câu chuyện đang nói .

Vào khoảng đầu 1954, Bộ Tổng tham mưu còn rất nhiều sĩ quan Pháp , mọi giấy tờ đều phải viết bằng tiếng pháp.  Trong buổi nói chuyện về chiến tranh tâm lý, anh Đàm Quang Thiện đã nói một hơi, mấy tiếng đồng hồ bằng tiếng pháp, trong tay không có 1 mảnh giấy.  Đại úy Phạm Xuân Giai thấy  lâu quá, ra đấu  để anh ngưng, anh vẫn tiếp tục nói, cứ như không hay biết.   Khi nào anh muốn ngừng thì ngừng.   Sau buổi  thuyết trình, đại úy Giai ngỏ ý trách, anh chỉ cười, rồi nói:
– Toa phải cho moa nói hết đã chứ, nếu cắt ngang, tụi Pháp tưởng mình ngu !
Đại úy Giai  cũng đành chịu.    Tính tình anh Thiện rất tốt.  Tôi  chưa hề nghe thấy anh nặng lời với ai, dù người ấy có lầm lỗi.   Gặp ai, dù thân hay sơ, anh cũng bày tỏ cảm tình, qua cái xiết tay, lời thăm hỏi nồng nhiệt.

Còn đại úy Đái Đức Tuấn  ( TCHYA)  người dong dỏng, đầu tóc lúc nào  cũng chải chuốt gọn gàng.  Anh có khuôn mặt trái soan, bộ ria mép tỉa sén cẩn thận, nằm trên cặp môi dầy.   Dáng dấp của anh nho nhã.  Anh nhiều tuổi hơn Vũ Hoàng Chương, nhưng giống Chương ở điểm : vừa giỏi tiếng pháp , cả chữ hán.   Chữ viết TCHYA rất đẹp, nhất là anh viết chữ hán, lối chữ thảo đẹp tựa bức tranh  thủy mặc.   TCHYA luôn niềm nở tười cười, chứ không kín đáo như Đàm Quang  Thiện
.
Dạo ấy, chúng tôi làm việc cả chiều thứ bảy, sáng chủ nhật làm luôn – nhưng những giờ chiều thứ bảy, sáng chủ nhật, thường ra  chúng tôi có mặt ở Câu lạc bộnhiều hơn ở bàn giấy.

Về rượu mạnh, anh Thiện uống ít hơn , còn anh TCHYA uống được nhiều.   Anh TCHYA thường nói cho tôi biết, các loại  rượu ngon  pháp, cũng nhu tàu- vì có 1 thời gian, anh làm cách mạng ở bên Tàu, do vậy anh biết nhiều về các tỉnh phía nam Trung hoa.   Anh đậu tú tài tây hồi còn trẻ lắm, thi đỗ vào làm tham biện Nha học chính Đông Dương.   Tính tình phóng khoáng, thích văn chương, thi phú,có địa vị, tiền bạc, nên rất đông bằng hữu.   Có thể nói hồi đó, anh giao du với hầu hết những người làm văn học ở miền bắc,  và xóm  Dạ Lạc,  cũng là nơi ăn, chốn ở của anh hàng ngày .

Anh Đàm Quang Thiện ít tâm sự   với tôi; nhưng anh TCHYA trong giở rảnh rỗi, thường kể cho nghe về cuộc đời luân lạc.  Anh nó về danh lam thắng cảnh  bên Trung hoa, nơi đã đi qua, hoặc đã sống ngày lưu vong nơi đất khách, quê người.   Khi chưa nói được tiếng Tàu, anh dùng lối bút đàm nói chuyện.  Mãi 1 năm sau, anh mới nói được tiếng Quan thoại.   Kể từ ngày đó,  đời sống đỡ vất vả. Ở  bên Tàu, anh làm đủ nghề, miễn có tiền sống qua ngày.  Có khi bị kẹt quá, làm cả chân rửa chén, bát cho tiệm ăn nào đó,  để có cơm ăn.   Nhưng bao giờ,  lúc kết thúc  câu chuyện, anh cho rằng chẳng đâu dễ sống bắng quê nhà.
  Nay , ngẫm lại thân phận tôi  sau những năm dài sống nơi đất khách, tuy nhìn được bao kỳ công người văn minh, nhiều cảnh đẹp hùng vĩ  tạo hóa – mà sao lòng vẫn cảm thấy bâng khuâng, tiếc nuối 1 cái gì đó- mà mình không sao tìm thấy ở đất lạ, quê người; đó là  sự ràng buộc tâm hồn mình với cây tre, bụi chuối, đống rơm, đụn rạ, nhất là tiếng nói, câu ru- đã nhập tâm trí  mình từ lúc sơ sinh! “

Chính thực không phải chờ đến ngày đi lính, làm việc ở Phòng 5 Bộ Tổng tham mưu, tôi mới biết anh TCHYA, mà còn nhìn thấy anh, trong buổi chiều hè, anh thường mặc bộ quần áo nâu may rộng rinh, theo lối cổ, tay cầm quạt thước, đi bách bộ trên vỉa hè phố  Huế  ( Hànội).

TCHYA lúc đó đối với tôi, như cái gì  quá xa vời, đến nỗi tưởng rằng, dù cho đi suốt đường đời, cũng không chắc gì làm quen được.  Tôi có nói chuyện này cho anh nghe, anh TCHYA cười rất cởi mở :
– Hồi đó, chú còn nhỏ, chưa có hoạt động gì về văn chương, nghệ thuật; nên nghĩ như vậy là đúng.   Nhứng khi chú đã bước chân vào khu vườn cấm đó rồi ; trước, hay sau; anh, em mình cũng có lúc gặp nhau.   Thản, hoặc, nếu vô duyên, không có cơ may làm bạn ;    thì :

” Cùng lận đận bên trời một lứa cả ! “

Nói cho đúng,  trong thời gian ấy, tôi chỉ kính trọng 2 người: ĐÀM QUANG THIỆN và ĐÁI ĐỨC TUẤN, dù 2 người đều không giúp đỡ tôi gì về sự có mặt của tôi ở Phòng 5 này; nhưng cả 2 đã dạy cho tôi biết, thế nào là tình bạn.   Hai anh cùng ở chung 1 căn nhà  , do quân đội cấp, vì lúc ấy Quân Đội Việtnam còn phụ thuộc vào  Quân đội Pháp …

Sau vài tháng  ở nhờ nhà anh Nguyễn Doãn Chí, đến đầu năm 1954, tôi bắt buộc  phải  mua căn nhà ở gần nhà anh Chí, vì vợ con tôi sắp theo vào, chỉ còn chờ chuyến bay.   Ở đó đi làm gần, có thể đi bộ được.   Phương tiện di chuyển lúc ấy, mấy sĩ quan đi chung 1  xe Jeep, hơn nữa sự chờ đợi mất rất nhiều thì giờ, lại mất tự do nữa.   Từ nơi tôi ở đến sở chừng 10 phút, chỉ có trời mưa trời nắng, hơi mệt 1 chút.   Anh Đàm Quang Thiện và anh TCHYA đi chung 1 xe,  nhưng vì 2 anh ít  đến sở, nên xe Jeep dành cho cho anh Lê Đình Thạch, với 2 sĩ quan khác.

Khi nào 2 anh muốn đi làm, sẽ điện thoại trước, lúc ấy có xe đến đón, như vậy cũng tiện.   Anh Đàm Quang Thiện có 3 con: 1 gái, 2 trai; còn anh  TCHYA  không có con.   Thỉnh thoảng tôi ghé thăm 2 anh tại nhà, chị Thiện đẹp, hiền hậu, nhưng nét mặt buồn.   Chị vẫn nói cười đấy, nhưng tôi nhận thấy, sự nói cười ấy ẩn giấu sự gượng ép nào đó.   Tôi biết vậy, không dám nói ra, còn chị TCHYA đẹp, phải nói rất đẹp, nói cười thoải mái, khiến tôi bớt được sự mặc cảm.  Một buổi, tôi đem chuyện này tâm sự với anh TCHYA, anh cho biết:
– Chú đừng hiểu lầm chị Thiện, tội nghiệp !  Chị ấy có nỗi buồn riêng, nên kính trọng, chú chỉ nên biết thế mà thôi.   Chả cứ chú đâu, ai đến chơi với anh Thiện, khi gặp chị ấy, cũng biết thế thôi.   Đó là chuyện riêng trong mỗi gia đình mà.  Thôi, ta sang câu lạc bộ uống rượu với anh !

Công việc Phòng 5 đang điều hòa, bỗng nổi lên sóng gió !   Ấy là, kể từ ngày ông Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng, thì tướng Nguyễn Văn Hinh  chống ông Diệm là lẽ đương nhiên – còn  Phạm Xuân Giai phải theo tướng Tổng tham mưu trưởng, dùng đài phát thanh quân đội, do trung úy Minh phụ trách, đả kích thủ tướng Diệm.
Tôi, lúc ấy,  là trưởng ban Hội họa, có 5 nhân viên dưới quyền, trong số đó có 2 thượng sĩ Duy Liêm và Thái Văn Ngôn, cùng 3 cô  nữ trợ tá, tốt nghiệp Trường Mỹ nghệ Gia Định.

Duy Liêm, một họa sĩ rất khéo tay, có tài; nhưng” ba gai”  vô cùng, iý khi có mặt tại  ở sở- còn Thái Văn Ngôn chuyên vẽ, tay này  chuyên viết bằng  tay trái.   Thái  Văn Ngôn kẽ chữ tất đẹp, tính tình đôn hậu, hoà nhã, đi làm rất đúng giờ, do vậy tôi rất mến Ngôn – ngay cả trong lúc này- hình ảnh, tư cách Ngôn vẫn in đậm trong tâm hồn tôi.   Tuy là trưởng ban Hội họa, nhưng đôi khi, tôi cũng viết bài đăng  báo CHIẾN SĨ – hơn nữa – tôi luôn luôn giữ đúng kỷ luật giờ giấc công tác.  Đại úy Phạm Xuân Giai rất quí tôi, sau 18 tháng ra khỏi quân trường, tôi mang cấp bậc trung úy.   Đây không phải đặc ân, mà do luật  định.  Chẳng biết đại úy Giai nghĩ gì về tôi – ông đưa tôi lên trình diện, giới thiệu tôi với tướng Hinh-  lại đề cao tài năng, nên tướng Hinh cùng phu nhân ( bà vợ đầm)  ưu ái tôi, dù cấp bậc tôi rất nhỏ.  Cũng vì thế,  khi có sự tranh chấp quyền hành giữa tướng Hinh và thủ tướng Diệm, và khi ấy,  tôi được đề bạt làm trưởng ban Bình luận  Đài tiếng nói quân đội.  Thú thực, tôi chẳng thù oán gì với ông Diệm, hơn nữa, tôi chỉ là một sĩ quan cấp nhỏ, được đại úy Giai đưa đẩy tôi vào một công tác rất khó xử , nói thật  lòng, tôi không mấy ưng ý.   Biết vậy, nhưng luật là  luật.không thể tránh né,  buộc phải thi hành.

Nơi làm việc Ban biên tập đặc biệt đóng đô tại tòa báo THẦN CHUNG, chủ bút là  ông NAM ĐÌNH. Ông có 1 cô con gái là  ký già, rất ” chịu chơi” , lại quên biết rộng, cả giới quân sữ lẫn chính trị, dân sự; nhất là thường đi khiêu vũ với tướng Hinh.   Có nhiều người viết bài đả kích ông Diệm, và  tôi chịu trách nhiệm, cho sửa , cho đọc, trước khi trao lại Ban điều hành phát thanh.  Tuy được cấp riêng một Jeep, mang cấp đại úy giả định ( mang lon nhưng không ăn lương) , lòng tôi không được yên ổn – bản chất không ham danh vọng, chi yêu nghệ thuât- nay bỗng nhiên bị đẩy vào đấu trường bất đắc dĩ – phải  bêu  xấu một cá nhân, một gia tộc  không thù ghét, hoặc có ân oán giang hồ- quả thực, đã làm tôi khó xử trong 1 thời gian, có thể nói là bi đát nữa.

Cũng may,  ông Ngô Đình Diệm được Mỹ nâng đỡ, buộc tướng Nguyễn văn Hinh ( của Pháp)  phải ra đi , tiếp theo  dẹp toàn bộ đảng , giáo phái ( Cao Đài, Bình Xuyên, Hòa Hảo v. v.. ) , thu về một mối, xây dựng một chính phủ  duy nhất.
Tôi và các anh em  cũ trở về cơ sở làm việc,  đại úy Giai mới được tướng Hinh cho thăng chức thiếu tá, sau khi tướng Hinh qua Pháp, ô Giai cùng vợ con chạy qua Lào.   Tân trưởng Phòng 5  mới được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm là thiếu táNguyễn Phước Đàng.

Tân trưởng phòng lên thay, thì chỉ 1 thời gian ngắn, 2 anh Đàm Quang Thiện và TCHYA xin giải ngũ, sau này anh Thiện sang làm cố vấn cho tướngNguyễn Ngọc Lễ ở Tổng nha cảnh sát + công an, để có lương , ăn , và tiền mua thuốc phiện  hút.
Anh TCHYA sang bên Hội Cựu chiến sĩ, vì không còn ở trong quân đội, nên nhà ở hẻm Võ Tánh  phải trả lại.   (…)

Trước khi    anh TCHYA giải ngũ, tôi mời anh qua Câu lạc bộ uống rượu,  anh tặng tôi tập thơ ĐẦY VƠI  * ( khoảng 300 bài  sáng  tác hằng mấy chục năm, có cả thơ dịch của  Thôi Hiệu, Lý Bạch, Trương Kế, Tô Đông Pha ,  và 1 bài thơ  Les pas của Paul Valéty).   Anh nói với tôi,   cố gắng giữ giùm tác phẩm này, vì anh chỉ còn 1  bản duy nhất .   Trong khi vừa uống, vừa tâm sự  , có lần đi làm cách mạng, đã từng cai thuốc phiện đươ85c1 thời gian.  Nhưng từ thất bại này, qua thất bại kia, làm anh buồn phiền nhiều;  lại phải mượn nàng Phù Dung Tiên Nữ an ủi cho khuây khỏa :

… Ví không  đủ sức thành công nghiệp
                                                  Thì phá cho tan chí vẫy vùng 
                                                  Mượn thú văn chương khuây thế lụy
                                                  Lấy tài nghiên bút đo đao cung …
                                                                TCHYA / ĐẦY VƠI 
—————
* chỉ là 1 b3n thảo, gồm thơ đã đăng, hoặc chưa đăng báo (TP)
————– 

            Nay cả 2 anh   Đàm Quang Thiện và TCHYA đã đi vào cõi hư vô!
Anh Đàm Quang Thiện để lại cho đời 1 tác phẩm  Ý NHIỆM BẠC MỆNH TRONG ĐOAN TRƯỜNG TÂN THANH, nói về thân phận nàng Kiều, phân tích theo lối phân tâm học.   Còn TCHYA , ngoài vài cuốn truyện thần ký  quái đản, bản thảo chưa in ĐẦY VƠI  gửi tôi giữ, có lẽ chẳng bao giờ được in ấn.   Sau 30 tháng 4 năm 1975, tập ĐẦY VƠI  đã bị tịch thu trong vụ đánh văn hóa đồi trụy  được phát động vào cuối 1976.   Nhưng hình ảnh 2 anh  đươc sống mãi trong tôi, với lòng kính trọng vô vàn !

Một buổi, có 1 người mặc dân sự vào Phòng 5 thăm phòng, anh Lê Đình Thạch cho tôi biết, đó là  Hoàng Trọng Miên, hiện là thư ký  tòa soạn  * tạp chí tuần báoĐỜI MỚI, Trần Văn Ân chủ nhiệm.  Tòa báo nằm phía bên kia đường Trần Hưng Đạo ( Saigon 5) , Hoàng Trọng Miên có nét mặt xương xương, vầng trán cao, mặt hơi gẫy, dong dỏng cao, trông có  dáng trí thức.   Chưa quen, đã được nghe anh em nói tới Hoàng Trọng Miên, anh là bạn Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Bích Khê v. v. .. cùng gốc miền trung, quen Phạm Xuân  Giai, nói chuyện xong, Miên  quay sang  nói chuyện với Thạch.   Chỗ tôi ngồi làm việc gần đó, Lê Đình Thạch giới thiệu tôi với Hoàng Trọng Miên. Qua vài câu thăm hỏi xã giao, không để lại trong tôi ấn tượng nào, có thể báo trước sau này tôi và Hoàng Trọng Miên có sự liên hệ dài lâu được ! Còn chủ nhiệm Trần văn Ân, tôi chưa hề 1 quen biết !
—–
đúng ra lúc đó là chủ bút.
——–
Tôi chưa 1 lần bước chân vào tuần báo, tạp chí  Đời Mới, tuy hàng ngày, nhìn sang bên kia đường vẫn thấy.    Đó là 1 căn nhà trệt, trông bề ngoài nhỏ bé, nằm kế bên tòa biệt thữ rộng lớn, cơ sở Phật giáo Hòa   Hảo.

Vào 1 buổi sáng, tôi nhận được điện thoại của Hoàng Trọng Miên mời qua tòa soạn chơi. Tôi nhận lời, từ nơi làm việc, trèo qua khung cửa sổ, theo lối đi cửa sau, chỉ khoảng 10 bước chân ra đến lộ, bắng qua đường là tới tòa soạn tạp chí Đời Mới.   Tôi tuy ở miền Nam chưa bao lâu, nhưng được nghe nhiều người bàn tán, tạp chí Đời Mới có 1 uy thế, tầm cỡ, có ảnh hưởng rất sâu rộng trong quẩn chúng miền Nam- cũng như tờ báo NGÀY NAY  của Nhất Linh ở ngoài bắc xưa .  Tôi cũng đã đọc vài, ba số báo Đời Mới, có nhận xét này, nội dung báo thiên về chính trị nhiều hơn văn học.   Nói chung, bài vở đứng đắn, vấn đề đặt ra nghiêm túc, chứ không như những bài viết nhằm mục đích thương mại, hoặc  gây ủy mị độc giả.   Nói cho đúng,  từ ngày về Sài Gòn làm việc, tôi chưa có ý viết văn trở lại, một phần vì gia cảnh chưa ổn định- tuy chúng tôi đã mua được 1 căn nhà trệt, giá khoảng mấy chục ngàn đồng,  tiền dành dụm vợ con, và đại gia đình cho thêm chút ít – một phần nữa, vì chưa giao du nhiều, chưa đánh giá được trình đô thưởng ngoạn nghệ thuật dân chúng miền Nam đích xác.    Và lối  viết ở miền bắc, với những danh từ quen thuộc, không biết độc giả miền Nam có tiếp thụ được không ?   Vì 2 lý do chính trên, mặc dù trong đầu tôi có nhiều ý tưởng để viết,  mà cứ lần chần hoài, không để 1 dòng mực nào chảy xuống mặt  giấy !
Khi còn đứng ở   lề  đường bên này, chờ  cho dòng xe bớt đi, mới dễ bắng qua đường an toàn – tôi đã nhìn thấy Hoàng Trọng Miên  đứng chờ tôi ở trước cửa tòa báo.   Sang tới nơi, Miên ôm chặt tôi, tỏ .lòng quí mến, mời tôi và tòa soạn.

Tôi   vô cùng ngạc nhiên,  không ngờ tòa soạn tờ báo lớn như Đời Mới, mà chỉ có chiếc bàn dài đã cũ , cùng dăm bẩy chiếc ghế đẩu.   Xung quanh tường là những kệ đặt những chồng báo cũ, phấn lớn báo tây.   Hoàng Trọng Miên mời tôi ngồi vào 1 trong những chiếc ghế,  rồi anh qua quán gần  đấy mua 2 chai la-la-de. Bọt bia la-de  sùi trắng qua miệng   ly, chảy xuống mặt bàn.   Miên lấy  mảnh báo cũ chùi cho khô.   Vừa uống la-de vừa trò chuyện, Hoàng Trọng Miên cho biết, có đọc nhiều bài của tôi trong tạp chí
THẾ KỶ  ở Hànội và anh cũng đã đọc những bài phê bình về hội họa khi tôi triển lãm ở Phòng Triển Lãm TIỀN TIẾN   của tôi nữa.   Nhưng, theo ý của Miên, bài phê binh của Nguyễn Giang là đứng đắn, sâu sắc nhất – sau đó mới tới bài của họa  sĩ Phạm Khanh.

Câu chuyện loanh quanh tới đó,  bống  từ trong nhà đi ra, 1 người  lớn tuổi khoảng  trên, dưới 50- dáng người trung bình, thiếu chiều cao một chút.  Nhìn người, tôi đoán  là  TrầnVăn Ân; nhưng tôi cứ coi như là không quen biết.   Hoàng Trọng Miên đứng lên, giới thiệu, tôi đành đứng lên theo:
– Xin giới thiệu, anh Trần Văn Ân, chủ nhiệm; còn đây, anh Tạ Tỵ, người mà tôi thường nói chuyện với anh.
Sau khi giới thiệu, chưa kịp nói gì thêm; Trần Văn Ân nở nụ cười khoan nhã, mời tôi ngồi lại chỗ cũ, xong, anh ngồi vào chiếc ghế bên cạnh bắt đầu trò chuyện.

                Trần văn Ân, người Nam , giọng nói chân thật,   không màu mè, duyên dáng.   Hỏi thăm về gia cảnh, chỗ làm, việc vẽ và viết ra sao – nhưng tuyệt nhiên không đề cập chuyện mời viết cho Đời Mới.  Không phải  vì thế,   tôi chê trách anh Ân, nếu ở cương vị tôi, tôi cũng xử sự như vậy; vì giữa tôi và anh, cũng như tôi với anh Hoàng Trọng Miên mới quen sơ giao mà thôi.   Trần văn Ân chỉ ngồi nán khoảng  5 phút, xong xin lỗi, bắt tay thật chặt,  trở vào phòng  làm việc.

Tôi và Miên lại tiếp tục uống la-de, cạn 2 chai, thì Miên ngỏ lời mời tôi viết cho Đời Mới.  Và  nói thêm, anh Trần Văn Ân rất quí mến tài năng tôi, nên có nhờ anh, nhân danh thư ký tòa soạn mời cộng tác.   Đứng trước cảm tình nồng hậu ấy, làm sao tôi từ chối?   Nhận lời, không định ngày, giờ nào phải giao bài.

               Ngay tối hôm đó,  cơm nước xong, tôi ngồi vào bàn viết.   Căn nhà tôi quay mặt phía hướng tây, buổi chiều nóng vô cùng, dù chiếc quạt sau lưng vẫn chạy vù vù.   Chứng 1 tuần lễ sau, tôi đưa Hoàng Trọng Miên 1 truyện ngắn đầu tiên, viết tại miền Nam- đó là truyện ngắn CẨM NHUNG . Nội dung truyện đơn giản, , tôi viêt về khoảng đời chiến đấu ngắn ngủi ở Phụng Hiệp.  Một đứa bé mồ côi sống với ông ngoại ở miệt ruộng, tróng trận giao tranh,  đứa be chết vì ảmnh đại bác.  Còn lại, ông già sống đơn độc, với chiếc cần vó, bên bờ kinh.   Câu chuyện có phần thực, có phần hư cấu.   Chị Thụy An-Hoàng Dân đọc truyện này khen hết mình, như tôi đã có viết ờ CHƯƠNG BA trên.  Từ đó,  thỉnh thoảng lúc nào hứng, tôi lại viết cho Đời Mới, thình thoảng ghé qua tòa soạn , tán dóc cho vui.   Tiền nhuận bút thực sự chẳng bao nhiêu; nhưng nhờ viết cho Đời Mới, tên tuổi tôi bắt đầu được độc giả miền Nam chú ý .  Ngày tháng cứ trôi đều đầu.

            Sau ngày Việt Minh và Pháp  ký Hiệp định chia cắt đất nước ( 20-7-1954) , người dân miền bắc có 300 ngày  để chọn lựa Tự Do, hoặc ở lại sống với CS.  Có nhiều người ở miền Nam làm đơn xin ra bắc, vì ngghĩ rằng chế độ Việt Minh là chế độ có tự do, thản, hoặc tin VM có chính nghĩa, đã anh dũng thắng quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ- nay lại giành độc lập, dù là  người xin ra Bắc, tuy không nhiều,thuộc giai cấp thấp, nhưng chứng tỏ, họ bị CS tuyên truyền, lôi kéo, để bỏ công ăn, việc làm, nhà cửa để ra Bắc. (…)

Chính trong thời gian đó, bà mẹ vợ tôi, cũng viết thư, bảo vợ chồng tôi,. nên ra Hànội sống với đại gia đình, như ngày trước- nhưng vợ chồng tôi cương quyết từ chối (…)  và cũng viết thư khẩn khoản mời  cà gia đình  vô Nam.   Tất cả gia đình bên tôi không có y kiến gì về lời mời của vợ chồng tôi – riêng nhạc mẫu tôi có vẻ không  hài lòng về chuyện vợ chồng tôi không chịu ra Hànội, khi 1/2 nước đã được độc lập.   Nhưng nhạc mẫu tôi đâu có biết,  lý do sâu sa nào làm tôi đã rời bỏ kháng chiến để dinh tê về Hànội?  (…).

Cũng rất may, vợ  tôi là  người hiểu biết, nên không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra.   Vợ chồng chuang tôi nhất định không trở ra Hàbnội, chỉ năn nỉ cha mẹ vợ vào Sài Gòn sống chung với các con, và cháu.   Nhạc phụ tôi muốn vô Nam sống cùng gia đình chúng tôi; nhưng bà cụ không chịu, nên cụ ông đành ở lại, nhưng cũng cố gắng vào thăm con cái 1 lần chót – ở chừng đâu  một tháng, xong lại trở ra Hànội.   Lúc ấy, nhạc phụ tôi đã về hưu, nếu vô sống ở miền Nam, hiển nhiên vẫn được tiếp tục lãnh hưu bổng, còn ở lại, coi như mất hết !

300 ngày trôi nhanh  như gió thổi, mây bay !   Các địa điểm tập kết đã hoàn tất,  cán binh cuối cùng đã lện tàu thủy của Ba Lan hoặc Liên Xô ra ngoài bắc; trừ 1 số nằm vùng ở lại, cùng các vũ khí chôn giấu đó đây khắp miền Nam.   Những người dân và quân đội Quốc Gia ở miền Bắc cũng đã lên tàu Mỹ, hoặc đi phi cơ vào Nam.  Kể từ đó, mọi sinh hoạt miền Nam bắt đấu có xáo trộn về ngôn ngữ và tập quán.   Trong số 1 triệu di cư từ miền Bắc vào, đa số giáo dân Thiên chúa giáo, một phần quân nhân, công chức, và chỉ có 1 số nhỏ  thuộc thành phần văn nghệ sĩ.

Các nhà văn, nhà  tHơ vào miền Nam  có : Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Nguyễn Hoạt, Mặc Thu, Bùi Xuân Uyên, Triều Đẩu, Viên Phong, nữ sĩ Tương Phố,  Tam Lang, Toan Ánh, Vũ Bằng, Thượng Sỹ, Bàng Bá Lân, Đỗ Tốn, Thanh Nam v. v. …

Qua danh sách trên,  nhóm THẾ KỶ , coi như vô Nam gần hết, chỉ thiếu có Trúc Sĩ .  Còn họa sĩ không co ai.  Về kịch có Vi Huyền Đắc, TiỀn Phong, Thiếu Lang … Riêng trường hợp Trúc Sĩ, ở lại với CS vài năm , thấy không sống nổi ( …)  nên vượt  biên qua lối đi Lào, mấy tháng lội trong rừng, sau vào tới miền Nam.   Trúc Sĩ có viết 1 hồi ký về chuyến vượt biên, sau đăng tải trên nhật báo CÁCH MẠNG QUỐC GIA  do Đỗ La Lam làm  chủ nhiệm.

Trúc Sĩ chuyên viết truyện ngắn quái đản ,  khi viết hồi ký vượt biên rất ly kỳ, hấp dẫn; đến nỗi người đọc tưởng như đọc tiểu thuyết.   Báo CÁCH MẠNG QUỐC GIA ,  là phổ biến học thuyết nhân vị  do ông Ngô Đình Nhu khởi xướng.   Tờ báo này rất ít độc giả, sống được, nhờ vào quỹ mật của  Sở Nghiên cứu Chính trị– các cơ quan phải mua ủng hộ, phát không cho công chức.   Tờ nhật báo  NGƯỜIVIỆT TỰ  DO  ra đời, cũng nhờ vào sự trợ giúp từ qũy mật chính quyền, nhưng sau lớn mạnh dần, nhờ vào nhiều cây bút giá trị hợp tác.  Về sau, tự túc tài chính, với số vốn khá lớn,  chứ không lẹt đẹt nhu tờ Cách mạng quốc gia .

Trường hợp nhà văn Trúc Sĩ vượt biên không phải là trường hợp duy nhất, còn có nhiều người  không vượt biên mà  vượt tuyến , tức là vượt qua sông Bến Hải dể vô Nam.   Cuộc vượt tuyến tuy không gian truân và kéo dài nhiều ngày như vượt biên,  nhưng vô cùng nguy hiểm, dễ bị bắt.   Tôi biết được đã có 2 người thoát, đó là  nhà văn Điền Tuấn, người thường viết phiếm luận trên tờ nhật báoCHÍNH LUẬN và anh Nguyễn Thanh *  , sinh viên Đại học tổng hợp Hànội.    Anh Nguyễn Thanh bị nhà  cầm quyền miền Nam
———-
*  từng làm ở dằi phát thanh Hànội, ngâm thơ rất hay,   có 1 tghời gian cùng với nhạc sĩ Phạm Duy công tác tại Trung tâm Xâ Dựng Nông thôn tại VũngTàu. ( 1965- 1966).   Hiện nay ở Hoa kỳ   (TP) .
———-

giữ lại  thẩm vấn 1 thời gian  ngắn, su được trả tự do.   Anh có giọng ngâm thơ rất truyền cảm.  Tôi hỏi ở Hànội, anh học ngâm thơ với ai, ở đâu ?  Anh cho biết là  học trò của Văn Phú, nghe nhắc tên Văn Phú;  tôi nổi bùng lến nỗi nhớ. Bài thơ Tụng kinh Kha trong vở klích TÂM SỰ KẺ SANG TẦN  của Vũ Hoàng Chương lại âm vang trong tiềm thức, qua giọng ngâm, thơ sang sảng của Văn Phú.   Ở trại cải tạo ra , vào 1981,  có nhiều anh em ở Hànội vào thăm tôi,  tôi không thấy còn ai nhắc tới tên Văn Phú, Mai Luân ..?!
Tôi không có nhiều thời gian và cơ hội tìm hiểu thêm lý do về họ ?

Từ ngày vô miền Nam, đời sống của Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương vẫn vất vả  trong những tháng đầu.   Đinh Hùng mang theo được dăm chục cuốn thơ MÊ HỒN CA  để làm vốn.  Tác phẩm này do nhà xuất bản TIẾNG PHƯƠNG ĐÔNG  ấn hành.   Cơ sở xuất bản này, do thi sĩ Hồ Dzếnh chủ trương.    nhà thơ Hồ Dzếnh, tôi có gặp  1 lần,  tại nhà kịch sĩ Hoàng Năm vào 1954.   Hồ Dzếnh, nhà văn Minh hương giống như nhà văn Sao Mai vậy.   Sau khi Nhật Bản đầu hàng Mỹ, vì 2 trái bom nguyên tử, quân đội Lư Hán  từ miền nam Trung hoa kéo qua Việtnam, tước khí giới quân Nhật.

Hồ Dzếnh có cho ra đời tập thơ  QUÊ NGOẠI ,  thơ anh nhẹ nhàng, dễ thương như chính con người anh vậy.   Tuy chỉ gặp nhau có 1 lần , trò chuyện không lâu, nhưng Hồ Dzếnh đã để lại trong tôi niềm ưu ái đặc biệt.   Trông bề ngoài, nhà thơ có dáng dấp ngu ngơ, ăn nói từ tốn,  một con người bình
thường như mọi người, nhưng đôi mắt nhà thơ  như chứa chấp cả 1 rừng thương, nỗi nhớ; đôi mắt toát ra sự thông minh, nhưng không lộ liễu, làm khuôn mặt nhà thơ có chút gì duyên dáng dễ gây cảm tình với người đốin thoại.
Nói chung, tập thơ  QUÊ NGOẠI  có nhiều bài , không vay mượn, chịu ảnh hưởng của bất cứ ai cả.   Hồ Dzếnh tự tạo cho mình 1 chỗ ngồi xứng đáng trong nền văn học Việtnam
.
Bài  thơ MÀU CÂY TRONG KHÓI được nhạc sĩ Dương Thiệu Tước phổ thơ (ca khúc  CHIỀU)  thường thường được hát trên đài phát thanh ở  miền Nam.  Một bài nữa cũng được nhiều người ngưỡng mộ, đó là bài NGẬP NGỪNG– nhất  là ai ở lứa tuổi đôi mươi, vừa bước chân vào mảnh trời tình ái, với nhớ nhung chờ đợi :

 Em  cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
                                 Để lòng buồn, tôi dạo khắp trong sân
                                Ngó trên tay, thuốc lá cháy lụi dần
                                Tôi nói khẽ: Gớm làm sao mà nhớ thế ?

                                Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé 
                                Em tôi ơi, tình nghĩa có gì đâu
                                Nếu  là không lưu luyến buổi sơ đầu
                                Thuở ân ái mong manh như nắng lụa

                                  Hoa bướm ngập ngừng cỏ cây lần lữa
                                  Hẹn ngày mai, mùa đến sẽ vui tươi
                                  Chỉ ngày mai mới đẹp, ngày mai thôi
                                  Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé
                                  Tôi sẽ trách, cố nhiên, nhưng rất nhẹ

                                  Nếu trót đi, em hãy gắng quay về
                                  Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
                                  Đời chỉ đẹp, những khi còn dang dở
                                  Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
                                  Cho nghìn sau … lơ lửng … với nghìn xưa ! …

         Cái hơi thơ của Hồ Dzếnh cách biệt hẳn với hơi thơ của các thi nhân cùng thời.  Tuy là  Tàu lai, nhưng Hồ Dzếnh rất yêu quê mẹ, vì lẽ  dễ hiểu, Hồ Dzếnh  lớn lên trong lòng mẹ Việtnam, với những lời ru bên nôi rất em ái, nhẹ nhàng !

Sau lần gặp gỡ đó, Hồ Dzếnh trở ra Hànội và không hiểu duyên cớ gì, Hồ Dzếnh làm bạn với người  đàn bà, chủ tiệm sách và tạp háo BÌNH MINH ở phố Huế * , gần khu tôi ở . Vì làm chồng  bà chủ tiệm
———
*   chính xác phải là ngã tư Route  de Huế + Rue Reinach (sau, Trấn Quốc Toản).   Chủ nhà sách BÌNH MINH , bà NHẬT,  vợ góa nhà thơ thiếu nhi TRẦN TRUNG PHƯƠNG. Có thể xem thêm NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930- 1945 , tập 1,  trong bộ LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆTNAM /  THẾ PHONG-  Nhà xb Vàng Son, Sài Gòn 1974).  (TP) 
———-
sách  có tiền, nên Hồ Dzếnh mới thực hiện xuất bản MÊ HỒN CA của Đinh Hùng .  Nếu không có Hồ Dzếnh thực hiện , chắc chắn bản thào còn nằm trong đáy rương nhiều năm tháng nữa. Hồ Dzếnh không di cư vào Nam, chắc vợ chồng tiếc nuối sản nghiệp quá lớn.   Đã lâu lắm, tôi không còn nghe ai nhắc tới Hồ Dzếnh trong giới làm văn học ở miền bắc . []

( còn tiếp kỳ 15 )

Nguồn: ThePhongblog

Bình luận về bài viết này