TRUNG THU “PHÁ CỖ THƠ”


TRẦN CẢNH YÊN

Rượu cần đêm Thơ-Nhạc

Rượu cần đêm Thơ-Nhạc

Xưa nay, vào đêm Trung thu người ta thường phá cỗ bánh, cỗ trái… chứ ít khi, mà có thể nói là rất hiếm nữa là đằng khác lại có chuyện đi phá cỗ thơ trong đêm trăng rằm. Ấy vậy mà đêm nay cái chuyện hi hữu ấy lại bất ngờ xẩy ra, lại vỡ òa lai láng dưới trăng thu trên bãi biển Diễn Thành của xứ Hoan Châu thơ mộng.

Nói là chuyện hi hữu bất ngờ thì cũng không đúng cho lắm bởi vì để có một “cỗ thơ” thịnh soạn cho đêm nay, mấy vị trong ban chủ nhiệm chi hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Diễn Châu đã ngẫm ngợi ra cái ý tưởng ấy từ hồi đầu năm và “mi” hẳn một “laiso” thơ-nhạc nằm trong chương trình của lễ kỷ niệm 10 năm thành lập chi hội VHNT huyện nhà. Nhà thơ Cao Xuân Thưởng, chủ tịch chi hội VHNT Diễn Châu cho biết: “Để kịp về dự lễ kỷ niệm mười năm thành lập hội VHNT Diễn Châu, về kịp để “phá cỗ thơ” trong đêm trung thu này, nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đã phải rút gọn chương trình làm việc của mình ở Đà Nẵng trước hai ngày để kịp bay về với chúng tôi. Các bạn ở Hà Nội, Hải Phòng cũng vừa vào đến nơi. Đêm thu… trăng thanh gió mát, thật là thiên thời địa lợi”!

Khán trường của đêm Thơ-Nhạc không có vẻ gì là hoành tráng, nhưng sự góp mặt của gần một trăm thi hữu quen có, lạ có và thêm vào đó rất đông du khách của khu du lịch bãi biển Diễn Thành vây kín đã nói lên thật nhiều điều… Tôi không lấy làm lạ về sự có mặt của các anh Nguyễn Trọng Tạo, Lê Thái Sơn, chị Nguyễn Thị Phước bởi các anh, các chị là những người con của đất Hoan Châu, là người đã góp một phần công sức gieo mầm, vun gốc cho “cây văn nghệ” huyện nhà sau một thập kỷ trưởng thành nở hoa kết trái; và lại càng không ngạc nhiên khi nghe MC giới thiệu đến tên tuổi rất nhiều thi hữu của các huyện Quỳnh lưu, Yên Thành, Thị xã Thái Hòa, TP Vinh và cả ở Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh về dự; họ dường như đã là những người bạn tri âm đã từng chia sẻ buồn vui với những thành tựu VHNT của Diễn Châu trong ngần ấy năm trời! Mấy tiết mục dân ca Ví, Dặm, hát ca Trù và những ca khúc viết về quê hương Diễn Châu-Xứ Nghệ tuy là cây nhà lá vườn nhưng đã khơi mào cho đêm “phá cỗ thơ” nghe thật đã đời! Ngay bên bờ vịnh Diễn Châu lộng gió rì rào tiếng sóng, dưới ánh trăng thu huyền diệu, những giai phẩm thơ – nhạc như chở ta bồng bềnh xuôi trôi trên dòng sông Bùng cổ tích, như lướt nhẹ trên mặt hồ Xuân Dương êm ả, như kể ta nghe huyền thoại về núi Hai Vai, Đền Cuông, Cửa Hiền, Cửa Vạn…!

“Thực đơn” chính của laiso đêm nay là giao lưu thơ – nhạc, tưởng như thế đã vừa đủ ngon miệng… thế nhưng các nhà đạo diễn của chương trình lại bất ngờ đưa thêm món lạ khiến cho khán thính giả của đêm “phá cỗ” được bữa no say…! Chuyện nhà thơ, – nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo được tặng “Giải thưởng Nhà nước về VHNT” đã nhiều người biết đến nhưng trong đêm nay, những thi hữu của huyện nhà, những bạn văn xa gần hội tụ trong cuộc tạc thù thơ – nhạc này có dịp để chúc mừng anh. Hoa tặng anh ôm không xuể. Thơ tặng anh có bài vừa mới được thảo xong, có nhiều bài đã viết cách đây hàng chục năm, nhưng vẫn mới mẻ tinh khôi như vừa mới viết; nhiều bài thơ của anh cũng được bạn thơ thuộc nằm lòng, đọc lên khiến anh xúc động đến bất ngờ. Trả lời câu hỏi về “cảm tưởng khi nhận giải thưởng Nhà nước”, nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo nói thật giản dị, chân thành:  “Tôi thực sự xúc động trước tình cảm của bạn hữu hôm nay giữa quê mình, tôi thấy tim tôi đập mạnh hơn cả lúc nhận giải thưởng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội”.

Các đại biểu của huyện và tỉnh tặng hoa chúc mừng nhà thơ NTT - ẢNh: TCY.

Các đại biểu của huyện và tỉnh tặng hoa chúc mừng NTT – ẢNh: TCY.

Thu Trang Tang hoa

Hoa

Tưởng chừng nhà thơ-nhạc sỹ đã được “bình thân” nhưng hóa ra chưa – món khoái khẩu tiếp theo của đêm “phá cỗ” này lại là cuộc gặp mặt giao lưu của “ba chàng ngự lâm” trong đó có Nguyễn Trọng Tạo và hai cố nhân của anh: nhà thơ Lê Thái Sơn và nhà thơ Cao Xuân Thưởng. Quả là tình cờ nhưng lại như có cả một sự sắp đặt đến là tuyệt xảo của số phận cho ba người bạn tri âm để họ được gặp nhau trong đêm nay. Tôi tin là trong tất cả những ai đã từng ái mộ “ba chàng ngự lâm” này sẽ không nhiều người biết chuyện họ (ba nhà thơ) đã từng là bạn chăn trâu, thả diều với nhau từ thời tóc để chỏm. Họ cùng được sinh ra trên mảnh đất nổi danh trai tài, gái sắc đã một thời lưu truyền một “thương hiệu”: Trai đông phái, gái phượng lịch – xã Diễn Hoa. “Hồi đó Tạo học toán rất giỏi và có lần đã nói sau này muốn trở thành một nhà bác học, nhưng rồi lại vào lính…” – Nhà thơ Cao Xuân Thưởng tiết lộ và chúng tôi thấy anh Tạo gật gù rồi nhìn bạn mà cười rằng: “Còn hồi nhỏ, tôi cứ nghĩ ông Thưởng rồi sẽ trở thành nhà phê bình văn học thì lại trở thành kỹ sư lâm nghiệp, cho mãi đến khi hết nghiệp thợ rừng mới trở thành nhà thơ. Ông Sơn thì vào đại học Văn, cứ tưởng sẽ thành nhà nghiên cứu văn học dân gian, rốt cuộc nghiệp thơ lại thành đạt nhất”! Vâng, họ cùng sinh ra bên sông Bùng, và họ cùng nhập vào dòng thơ của đất nước, quê hương…

Ở giữa là 3 người bạn cùng làng: Lê Thái Sơn, Nguyễn Trọng Tạo, Cao Xuân Thưởng.

Ở giữa là 3 người bạn cùng làng: Lê Thái Sơn, Nguyễn Trọng Tạo, Cao Xuân Thưởng – Ảnh: Trần Cảnh Yên.

Đoạn cuối của cuộc giao lưu “ba chàng ngự lâm” dành phần nhiều cho tâm sự của nhà thơ Lê Thái Sơn. Tôi biết trước giờ “phá cỗ thơ” đêm nay, nhiều người từng biết rõ nhà thơ Lê Thái Sơn đã trải qua hơn một năm trời chiến đấu với căn bệnh ung thư và có lúc lưỡi hái của tử thần đã kề cổ ông. Tôi còn nhớ lần ấy khi nghe tin ông từ bệnh viện ở Hà Nội vừa về đến Vinh, cả hội “văn nghệ” Diễn Châu liền kéo vào thăm ông. Sáng hôm ấy, ông vẫn cười cười nói nói, vẫn đọc thơ, chuyện trò hồn nhiên như một Lê Thái Sơn vô bệnh tật, vậy mà lúc ra về hầu như chúng tôi ai cũng khóc vì thương ông và sợ mất ông trong ngày một ngày hai. Rồi ông như từ cõi chết trở về, chúng tôi nghĩ có lẽ ông đã gặp thầy, gặp thuốc nhưng ông cả cười mà rằng: “Biết mình vẫn đang thèm sống, sợ chết, vẫn đang yêu thơ, đang làm được thơ… nên Nam Tào chưa gạch sổ đó mà” (!) Còn lúc này thì khỏi phải bàn, ông càng vui, càng hồn nhiên, và như sợ mình sẽ choán hết thời lượng của đêm “phá cỗ”, ông nói với MC: “nhớ véo nhắc tôi không thì chẳng biết mà dừng lại đâu nhé”. Cũng xin nói thêm về ông đôi điều: Trong làng văn nghệ, nhiều người biết đến ông không chỉ vì thơ ông hay mà vì ông “chơi” rất hay với bạn bè và đồng nghiệp. Trong hai khóa liền khi ông làm Chủ tịch Liên hiệp hội VHNT tỉnh nhà, người ta biết ông và coi ông như là một người anh cả, một người bạn thân tình; đến khi nghỉ hưu ông vẫn thế – người ta vẫn coi ông là bạn thân tình, là người anh của họ đúng với nghĩa của từ ấy vì cái tâm của ông vẫn nguyên vậy và cái tài của ông chưa vơi đi. Lúc này, nhà thơ vẫn cứ nói, nói nhiều nhưng không nói về thơ mình mà chỉ lo kể như mách cho chúng tôi biết tên tuổi và sự nghiệp văn chương sáng ngời của các danh sĩ tiền bối của Diễn Châu như: Cao Xuân Huy, Cao Huy Đỉnh, Trần Hữu Thung, Đào Xuân Tùng, Sơn Tùng, Nguyễn Trung Phong, Võ Văn Trực… rồi ông tự nhận ra mình quá nhỏ bé với các bậc tiền bối, với nền văn chương của quê nhà.

Trăng đã quá đỉnh đầu mà cỗ thơ vẫn còn đầy. Ngoài kia, biển vẫn rì rào tiếng sóng. Gió đông thổi lên, khuôn trang “Hoa Biển” thêm lồng lộng ánh vàng! Ché rượu cần được khiêng ra, lâng lâng men nồng… các thi hữu lại đọc thơ, lại trao tặng nhau sách thơ, và thổn thức hẹn nhau ngày gặp lại.

Diễn Châu, 9-2012

Một bình luận

  1. Trung thu “phá cỗ thơ” – qúa vui! Chúc mừng NT Nguyễn Trọng Tạo!

Bình luận về bài viết này