NHÀ VĂN THANH CHÂU SAU 1945


VĂN GIÁ

Hình dung về đời sống và đời viết của nhà văn Thanh Châu có thể tính bằng hai quãng: trước và sau mốc 1945.

Quãng trước ông được biết đến như một nhà văn tài hoa với một số tác phẩm tiêu biểu, trong đó có truyện Hoa ti-gôn khởi đầu cho một giai thoại văn học gắn liền với người thơ TTKH được xem là một giai thoại đẹp nhất trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Cũng quãng này ông còn được biết đến trong tư cách một nhà báo có 10 năm làm cho Tiểu thuyết thứ bẩy của nhà Tân Dân. Thêm nữa, thỉnh thoảng ông còn tham gia dịch tác phẩm văn học từ nguồn tiếng Pháp (1).

Tuy ông là người có tiếng trong làng văn làng báo trước 1945 như thế, nhưng cũng phải đánh giá khách quan rằng ông không phải là một nhà văn đỉnh cao, không có những tác phẩm lớn, ngay cả số lượng cũng khiêm tốn, không nhiều. Ông là tác giả của nền, chứ không phải là tác gỉa của đỉnh. Chuyện này cũng là bình thường trong một nền văn học. Đa số các nhà văn sinh ra để tạo nền, tạo phong trào, tạo mặt bằng, chứ đạt đỉnh đâu có mấy. Tài năng lớn bao giờ cũng hiếm. Trên một tinh thần ấy, để thấy rằng nhà văn Thanh Châu có mặt trong đời sống văn học cũng như bao người khác, trôi theo cái quy luật thông thường mà khắc nghiệt đó. Nếu hỏi: có ông thì nền văn học gai đoạn ấy có thêm được nhiều không, trả lời bảo là nhiều thì không dám, nhưng bảo là có thì chắc chắn. Cũng vậy, nếu không có ông thì nền văn học có chịu thiệt nhiều không, cũng vậy, câu trả lời là tuy không nhiều nhưng cũng thiệt. Vậy thế là ông cũng có cái vị trí của ông. Tuy khiêm tốn, nhưng nhà văn Thanh Châu đã có mặt trong đội hình của lớp nhà văn tây học góp phần dựng nên nền văn học Việt Nam hiện đại rực rỡ ở xứ này.

Quãng thứ hai được tính từ sau năm 1945 đến khi ông mất. Đây là một quãng thời gian khá dài và hiện lên một số điểm đáng chú ý.

Trước hết xét về công việc, trong tư cách một công dân, có thể hình dung một niên biểu ngắn dưới đây:

-Sau 9-1945 ông về quê ngoại tại làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa tản cư, làm chủ tịch hành kháng xã; ít tháng sau lần lượt làm huyện đoàn trưởng, UV BCH tỉnh đoàn.

-Từ tỉnh đoàn, ông nhập ngũ ngày 19.5.1949 , được điều về  Ban văn nghệ, Phòng Chính trị Quân khu IV; sau đó làm Thư ký Tòa soạn báo Vệ Quốc quân-Sư đoàn 304. Có một chi tiết đáng nhớ: nhà văn Thanh Châu cho biết ông cũng không nhớ chính xác ngày vào bộ đội là ngày nào, sau này khi phải khai trong các giấy tờ ông lấy luôn ngày sinh cụ Hồ  (19.5) làm ngày nhập ngũ với cái ý đi làm “lính cụ Hồ” thì việc ghi ngày sinh cụ Hồ cũng là một kỷ niệm đẹp.

-Khi công cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, tháng 9- 1954 nhà văn Thanh Châu về công tác tại tuần báo Văn nghệ, báo Văn.

-Năm 1963, ông xin nghỉ hưu sớm khi mới 51 tuổi. Từ bấy trở đi, ông sống với gia đình, chăm sóc vợ con, ít xuất hiện trong các sinh hoạt của giới; giao du hạn chế, chỉ với một vài người bạn tâm giao; thỉnh thoảng có viết trở lại, không nhiều.

Về tác phẩm trong thời gian sau 1945 của nhà văn Thanh Châu, xin được sơ bộ thống kê theo các thể loại như sau:

+Báo chí:

Ngày vui của lính hồi hương– (Phóng sự, 9-1954). In trong Nhà văn quân đội, Kỷ yếu và tác phẩm, t.5, NXBQĐND, 1998

Những ngày trao trả tù binh, Phóng sự, 1954, NXB Văn nghệ

Không rời quê hương, 1955- phóng sự- Bộ Thông tin XB

Mua hàng mậu dịch  (phóng sự, năm ?).

Quế Thường Xuân (ký, 1965)

Một sáng ở Khâm Thiên (ký, 1973)…

+Hồi ký:

-“Chặng đường làm báo thời pháp thuộc- từ những bài báo đầu tiên”, in trong Thời gian và nhân chứng, t.2,  (Hà Minh Đức chủ biên), NXB CTQG, 1997

– “Mười năm với Tiểu thuyết thứ bẩy”, tháng 10- 1990, In trong Tạp chí văn học, số 2- 1991.

 Hai bài viết này có giá trị ở chỗ nhà văn Thanh Châu đã dựng lên một thời làm báo sôi nổi trước 1945 với tất cả nỗi vinh nhục của nghề, giúp thế hệ sau này hiểu thêm về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử báo chí nước ta. Đặc biệt ở bài thứ hai, ông lên tiếng đề nghị có một cách đánh giá công bằng, khách quan, khoa học công lao và đóng góp, cũng như những hạn chế của nền văn học và báo chí lúc bấy giờ.

+ Truyện ngắn:

–          Từ thức, (viết 1997), TC Văn nghệ Xứ Thanh (cùng năm?)

+ Phê bình, giới thiệu:

–          Đọc cụ Đặng Trần Phất hôm nay, in trong tập Văn thơ Đặng Trần Phất, NXBVH, 1994)

+ Dịch:  Bà mẹ, kịch của Zec-di Da-ni-ap-ski (in trong Tinh- Kô, tập truyện ngắn Ba Lan, NXB Văn nghệ 1957).

Việc thống kê trên kia rõ ràng là chưa đầy đủ, nhất là mảng báo chí. Phần nhiều các thông tin này do chính nhà văn lúc sinh thời cung cấp cho tôi. Có những tác phẩm còn giữ được thì ông trao cho tôi photo (mấy tác phẩm ký, truyện, dịch như đã kê). Có những tác phẩm chỉ kê cứu ra vậy thôi, chứ ông cũng không giữ được, và cũng không biết tìm ở đâu (phần tác phẩm báo chí nêu trên).

Để đánh giá và khái quát được gì từ các tác phẩm ít ỏi kể trên của nhà văn Thanh Châu giai đoạn sau này kể ra cũng khó. Khó vì nó tản mạn và không đủ đày đặn. Tuy nhiên, nếu đem đặt trong toàn bộ văn nghiệp của nhà văn và đặt trong bối cảnh xã hội- văn hóa thời bấy giờ, cũng khiến những người quan tâm nghĩ ngợi đôi điều.

Có thể đặt ra một câu hỏi: Lý do gì khiến ông xin về hưu sớm thế? Như đã biết, những năm năm chín sáu mươi của thế kỷ trước đã có không ít các vụ án văn chương, khi là một tổ chức, một nhóm như báo Nhân văn, Tạp chí Giai phẩm, rồi báo Văn, báo Trăm hoa; khi là một số cá nhân cụ thể. Xét trong số các cá nhân riêng lẻ, có thể chia ra làm 2 dạng: thứ nhất, những người trực tiếp hoạt động trong các tờ báo/ tạp chí kể trên; và dạng thứ hai: những tác giả bị liên lụy với nhiều lý do khác nhau. Nhà văn Thanh Châu thuộc trường hợp sau. Ông cho biết, lúc ấy ông viết và cho đăng bài báo dưới dạng phóng sự ngắn mang tên: Mua hàng mậu dịch. Bài báo này miêu tả những người chờ mua xếp hàng chen nhau vỡ cả cửa kính của cửa hàng, rồi nhân đó có bọn bất lương đục nước béo cò móc túi. Chỉ có thế thôi, ông bị nghi có dính líu đến cánh Nhân văn gì đó. Cũng chẳng ai quy kết. Chỉ bị để ý, bị nghi ngờ. Một không khí nghi kỵ phủ cái bóng u ám lên đời sống tinh thần của nhà văn. Thế là ông tìm cách xin về hưu để tìm chốn yên hàn (2).

Đó là nguyên nhân trực tiếp khiến ông tìm cách lánh đời. Căn cứ vào một số tác phẩm được ông viết những năm sau đó thì có thể khẳng định là ông lánh đời không phải để bẻ bút (như trường hợp của Trương Tửu, hoặc Kim Lân), mà ông vẫn còn muốn viết, và trên thực tế là vẫn viết. Chỉ có điều, một số bài báo sau này của ông chỉ khoanh trong địa hạt báo chí, thực chất không mấy giá trị.

Nhưng nếu nghĩ kỹ thêm một chút, và lại đặt ra một câu hỏi có tính “truy xét” như thế này: Nếu ông không bị tai nạn nghề nghiệp, ông vẫn sống trong một điều kiện bình thường, liệu có hy vọng để lại những tác phẩm ra trò không? Đây là một câu hỏi không chỉ đặt ra đối với Thanh Châu, mà có thể suy rộng ra đối với nhiều nhà văn khác, ngay cả những nhà văn như Nam Cao (nếu sau này còn sống), Kim Lân, hoặc như Ngọc Giao… chẳng hạn.

Đành rằng để trả lời cho câu hỏi có tính giả định trên kia là một việc làm không đơn giản, và có thể ít nhiều mang tính võ đoán, chủ quan. Nhưng riêng tôi nghĩ rằng, có thể họ sẽ thất bại. Tại sao lại khẳng  định như vậy. Bởi vì, mỗi một nhà văn bao giờ cũng có một tư tưởng nghệ thuật của riêng, từ đó chi phối thế giới nghệ thuật và tất cả những thủ pháp nghệ thuật mà anh ta kiến tạo. Một cách diễn đạt khác: mỗi nhà văn đến một lúc nào đó bao giờ cũng tự xác lập cho mình một vùng thẩm mỹ riêng, và anh chỉ có thể sáng tạo thành công trong vùng thẩm mỹ đó. Nếu anh đi chệch ra khỏi vùng thẩm mỹ quen thuộc của mình, anh chỉ có thể sáng tạo ra những tác phẩm non yếu, làng nhàng. Nhà văn Kim Lân chỉ có thể viết hay về những loại nhân vật “đầu thừa đuôi thẹo” hoặc những thú chơi “phong lưu đồng ruộng” của đời sống thôn quê trước 1945. Sau này, dưới một thẩm mỹ quan mới, một định hướng văn nghệ mới, hướng về xây dựng con người mới, cuộc sống mới ở thôn quê (mà thôn quê thì chỉ có mấy chuyện đổi đời, vào ra hợp tác, hy sinh cho tập thể)…Thế thì làm sao còn cái vùng thẩm mỹ quen thuộc để Kim Lân của những năm trước cách mạng tháng Tám tung hoành được (3).

Nhà văn Thanh Châu cũng vậy. Ông là nhà văn lãng mạn toàn phần. Thêm nữa, ông tôn thờ chủ nghĩa duy mỹ. Nhân vật trong các trang viết của ông đa phần là những người nghệ sĩ hành nghề sáng tạo, tôn thờ cái đẹp, chuốc nhiều hệ lụy vì cái đẹp. Chỉ nhìn vào một số truyện ngắn tiêu biểu và hay nhất của ông đều thấy nhất quán như vậy: Hoa Ti gôn, Tà áo lụa, Lớp cuối cùng…Trong số tác phẩm dịch, không phải ngẫu nhiên ông chọn dịch vở kịch Hồn nghệ sĩ– một vở kịch nói về phẩm giá và lý tưởng nghệ thuật của người nghệ sĩ. Thế thì, khi bước vào một khung cảnh khác, một đời sống khác của những năm sau cách mạng, ông làm sao có thể tìm thấy những mô hình nhân vật nghệ sĩ lãng mạn và duy mỹ như vậy. Trong khi đó văn nghệ của xã hội thời cách mạng đòi hỏi khác. Cũng như Kim Lân, ông là kẻ lạc thời. Vì thế, ông không thể viết tiếp được nữa.

Sau này, khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, không khí dân chủ trong sáng tạo nghệ thuật  là mảnh đất tốt cho sự sáng tạo. Với một số nhà văn lớp trước, bắt gặp cái không khí này, tự nhiên muốn động bút viết lại, viết chơi. Thanh Châu đã viết lại. Như một tất yếu, ông trở về với vùng thẩm mỹ quen thuộc: những vẻ đẹp tâm hồn nghệ sĩ. Ông viết truyện Từ Thức với dòng đề tặng nhà thơ Hữu Loan, ngụ cái ý con người ta có khi vì lý do nào đó cứ muốn thoát ra khỏi đời sống này để kiếm tìm cái đẹp thuần khiết,  nhưng kết cục không ai thoát nổi; và mỗi kiếp người, nhất là kiếp nghệ sĩ vẫn luôn là những bí ẩn.

Thế cho nên, một Thanh Châu của tinh thần lãng mạn và duy mỹ, của những “vẻ đẹp tâm hồn sang quý” (4), của ý thức chăm lo vẻ đẹp tiếng Việt trên mỗi trang văn đã không thể tiếp tục được nữa trong một khung cảnh văn hóa văn học nặng về tuyên truyền và minh họa.

Các  nhà văn như Thanh Châu, Kim Lân là những trường hợp tiêu biểu khiến những người quan tâm đến văn học những năm sau 1954 không thể không suy nghĩ và có nhu cầu được lý giải.

Tôi vẫn nghĩ nhà văn Thanh Châu là trường hợp hiện đang còn bị thiệt thòi trong đánh giá của giới nghiên cứu văn học. Nhìn lại, các bài viết về ông chỉ đếm trên đầu ngón tay, và hầu như chỉ thu hút sự chú ý của các nhà báo hơn là các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp (5).

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Thanh Châu, thêm một lần nữa, con người và sự nghiệp của ông được nhìn nhận và ghi nhận. Tuy với một vị thế khiêm tốn thôi, nhưng lịch sử văn học Việt Nam hiện đại không thể không ghi tên ông vào trong danh sách của mình.

Hà Nội, những ngày đầu thu tháng Chín, 2012

VG

——————

(1)Ông dịch vở kịch Hồn nghệ sĩ của Kido Okamoto (qua bản Pháp ngữ), đăng trên Tiểu thuyết thứ bẩy, số 609, tháng 2/3, 1945

(2)Trường hợp Thanh Châu cũng tương tự trường hợp  mấy tác giả khác bị liên lụy do có tác phẩm đăng như: Hữu Loan với Lộn sòng– 1956; Trần Lê Văn với Bức thư gửi một người bạn -1956; Phan Khôi  với Ông Năm Chuột– 1958; Kim Lân với Con chó xấu xí– 1962 ; Vũ Tú Nam với  Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công -1962…

(3)Xin tham khảo tư liệu sau: “Có lần hỏi ông, tại sao trong suốt mấy chục năm ròng ông không viết nữa, ông cười hiền hậu trả lời: “Những năm sáu mươi, khi tác phẩm Con chó  xấu xí ra đời, bị người ta cho là chống đối, ám chỉ, có vấn đề, thế rồi không muốn viết nữa. Làm cái anh nhà văn đã lắm thứ khổ, mà lại còn bị hiểu sai, bị quy kết nữa thì còn viết mà làm gì…”. Ông bảo: “Cái xấp truyện phục vụ kịp thời viết quãng những năm 55- 56, văn chương nó nhạt. Cái kịp thời của đời sống nó khác với cái kịp thời của chính trị. Sở dĩ viết kịp thời chính trị nên viết kém”. Cái xấp truyện mà ông nói gồm những truyện như: Thư phát động, Nên vợ nên chồng, Tìm em, Người chú dượng, và một vài truyện khác. Tôi phản biện ông: “Cháu cho rằng cái truyện “Ông lão hàng xóm” là đáng kể đấy chứ ạ!”. Mắt cụ sáng lên: “Đúng, còn có cái Ông lão hàng xóm nó cứu được. Chứ mấy cái kia nó giả” (Trích trong bài “Lần cuối cùng gặp cụ Kim Lân”, in trong cuốn Viết cùng bạn viết của Văn Giá, NXB HNV, 2008).

(4)Xem bài “Thanh Châu- nhà văn chuyên “kể đẹp” chuyện đời” in trong Đời sống và đời viết của Văn Giá, NXB HNV- Trung tâm VHNN Đông Tây, 2005

(5) Một sốbài viết về nhà văn Thanh Châu:

Đọc lại một số sáng tác của nhà văn Thanh Châu  (TC Tác phẩm mới, tháng 9, 1990) của Lê Thị Đức Hạnh

Thanh Châu, nhà văn chuyên “kể đẹp” chuyện đời, in trong Đời sống và đời viết, NXB HNV, 2000 của Văn Giá

– Mục từ “Trong bóng tối”, Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam, tập 1, NXBGD, 2006, tr.863

-Mục từ “Thanh Châu” trong Nhà văn Việt Nam hiện đại, HNVVN xuất bản, 2007, tr.146.

– Ngoài ra có một số bài báo của nhà thơ Vân Long, nhà thơ Phan Hoàng in rải rác trên Tiền phong, Thanh Niên, Đại đoàn kết.

+ Một số tác phẩm của nhà văn Thanh Châu đã được in lại như: Cái ngõ tối (truyện vừa), NXB HNV, 1991 (gồm hai tác phẩm: Cái ngõ tốiTà áo lụa); Cún số 5, NXB Kim đồng, 1993; các truyện ngắn: Trong bóng tối, Bó hoa quá đẹp, Lớp cuối cùng in trong Tổng tập VHVN 29C, NXBKHXH, 1997.

Bình luận về bài viết này