NGỌC ĐẠI VÀ NHẬT THỰC THÁNG TƯ 2002


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Nhạc sĩ Ngọc Đại

Nhạc sĩ Ngọc Đại

NTT: Hay tin nhạc sĩ Ngọc Đại bị tiền đình phải nhập viện, nhiều nhạc sĩ đã thảng thốt, giật mình. Họ quan tâm đến Đại, vì Đại để lại trong họ nhiều ấn tượng của một nhạc sĩ “cực đoan” từng tuyên bố cách tân nhạc Việt, và 20 năm qua anh đã dốc sức cho việc cách tân đó. Dù sự khen chê rất khác nhau, có khi đối lập, nhưng không ai phủ nhận tính cách tân trong âm nhạc của Đại. Một số nhạc sĩ trẻ đàn em của Đại đã học được từ ông anh điều đó, và gặt hái được kha khá thành công như Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo, Kim Ngọc, v.v… Ngay cả “Bà tôi” của Nguyễn Vĩnh Tiến cũng ảnh hưởng dòng nhạc Ngọc Đại.

Do công việc bận bịu chưa đi thăm Đại được, tôi đưa lại bài viết dưới đây để chia sẻ cùng người bạn trái tính, cầu chúc cho anh chóng khỏi bệnh để tiếp tục con đường gai góc của mình.

Nghe nhạc Ngọc Đại tại đây: Nhật thực (Trần Thu Hà)

***

Sau 2 đêm xem chương trình ca nhạc Nhật thực tại Hà Nội trung tuần tháng Tư 2002: Một nhà quản lý nghệ thuật nói: Chúng tôi quá mệt vì phải “nâng lên đặt xuống” nhiều lần để cho Nhật thực ra mắt công chúng, vì nó lạ và khó phổ cập. Một khán giả “ngoại đạo” nói: Nhật thựckhông giống những chương trình ca nhạc mà tôi đã được xem, chính vì thế, nó thu hút sự tập trung chú ý của tôi, và tôi đã vô cùng xúc động vì những dư ba lạ lùng của nó. Còn nhạc sĩ Vũ Thiết thì điện cho tôi: Nhật thực hoàn toàn chinh phục em bằng một nghệ thuật mới lạ về tình yêu và thân phận, nó là nghệ thuật của thế giới hiện đại, nhưng lại đầy hồn vía Việt Nam; đây rõ ràng là một hiện tượng mới trong làng ca nhạc.

Nhật thực là một hiện tượng tự nhiên, nhiều năm mới xảy ra một lần, khi đó mặt trời bị mặt trăng che khuất một phần hoặc toàn phần, và trái đất bỗng tối sầm lại trong chốc lát. Còn Nhật thực tháng Tư 2002 lại là một hiện tượng do những nghệ sĩ tạo ra bằng nghệ thuật độc đáo và đặc sắc của mình. Với 12 ca khúc (nhạc Ngọc Đại, thơ Vi Thùy Linh, hòa âm Đỗ Bảo, ca sĩ Trần Thu Hà cùng các nghệ sĩ trẻ) đã vượt thoát khỏi sự kìm nén gông cùm của ý thức để đi tới tình yêu đích thực, chia sẻ với đồng loại và thiên nhiên, như ánh sáng mặt trời phải vượt qua sự che chắn của mặt trăng để đến với trái đất. Đấy là một thứ âm nhạc không trôi đi, không lướt qua, mà chạm tới vực thẳm của vô thức. Chạm tới và đánh thức và phá vỡ, đấy là thứ âm nhạc mang đến cho con người những cảm giác đặc biệt, giúp họ khám phá chính bản thân mình, ngạc nhiên về bản thân mình.

Ngọc Đại là một nhạc sĩ đầy cá tính sáng tạo. Từ nhỏ, anh đã theo cha qua các chiếu chèo vùng Hà Nam, nhuộm vào tận máu linh hồn Dân ca của đồng bằng Bắc Bộ. Lớn lên vào bộ đội dấn thân trên chiến trường Quảng Trị. Và sau giải phóng, niềm đam mê âm nhạc đã đưa anh nhập học Nhạc Viện Hà Nội. Tốt nghiệp loại ưu bằng giao hưởng số 1 và lọt vào mắt xanh của một đạo diễn người Pháp khi đến Việt Nam dựng kịch cho Nhà hát Tuổi Trẻ. Bằng tác phẩm âm nhạc soạn cho vở kịch đó, Ngọc Đại được mời về làm việc tại Nhà hát. Nhưng rồi thứ âm nhạc đầy cá tính của anh không được chấp nhận. Anh từ bỏ biên chế, trở thành một con người tự do, sáng tác những tác phẩm theo ý thích riêng mình, và tự trở thành một ông bầu ca nhạc để kiếm sống. Trong những tháng ngày bươn trải đó, Ngọc Đại đã viết một loạt ca khúc mà anh gọi là “Rock biển”. Rock biển do Lâm Phương hát trong một chương trình video cùng với Nguyễn Cường – Y Moan. Rồi anh viết một loạt “Rock gốm”, “Rock đồng dao”. Cùng Phó Đức Phương làm nên chương trình “Phù Vân – Lưu lạc” tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Những “cơn Rock Ngọc Đại” như đánh đố công luận, khen ít chê nhiều, khiến anh hết sức dè dặt. Mãi đến đầu năm 1999, anh bắt gặp thơ Vi Thùy Linh, một xuất hiện độc chiêu trong dòng thơ trẻ, và thế là “cơn Rock hiện đại” đã xảy ra, và Nhật thực chỉ là một phần nhỏ của “cơn Rock hiện đại” đó. Những ca khúc được anh chọn để làm CD Nhật thực 1 và chương trình công diễn đã làm nổ ra một cuộc tranh cãi om sòm trong những nhà quản lí âm nhạc và công luận, bởi âm nhạc quá lạ tai và lời ca thì trần trụi thô ráp và gợi dục (?). Mãi sau 4 tháng giằng co về giấy phép, Nhật thực mới được ra mắt công chúng, và trở thành một hiện tượng hi hữu trong làng ca nhạc Việt Nam: từ tò mò, dè dặt, đến cuồng nhiệt tung hô. Điều đó chứng tỏ rằng, trong cuộc cách tân thơ – nhạc của Vi Thùy Linh và Ngọc Đại đã góp phần làm thay đổi thẩm mĩ nghệ thuật của công chúng hiện tại. Những ca khúc có giai điệu gấp khúc, nhiều lúc thoát khỏi chủ âm như những cấu trúc phi điệu tính phá vỡ hình thức cổ điển, kèm theo những tiết tấu hiện đại phảng phất Pop, Rock và Jazz, vậy mà vẫn bảng lảng một hồn vía dân tộc Việt khiến người nghe không thấy mình bị lưu lạc xứ người. Những thi ảnh chắp nối, biến hiện, trần trụi, thô ráp và lung linh của ca từ được kết đính bằng âm nhạc, vẽ nên bức tranh tình yêu lập thể đầy ấn tượng về khát vọng tâm linh của con người hiện đại. Sau rất nhiều đổi thay về phối khí, Đỗ Bảo và ban nhạc Sao Mai đã thực sự cộng hưởng cùng Ngọc Đại và Vi Thùy Linh, tạo nên bước ngoặt, mở ra cánh cửa bất ngờ cho ca khúc Việt Nam đầu thế kỉ này.

Nhưng sự thành công lớn của Nhật thực lại là ca sĩ Trần Thu Hà – nhân vật chính của chương trình công diễn. Giọng hát Trần Thu Hà đã được công chúng biết tới qua một số ca khúc của Trần Tiến (chú ruột) và một số nhạc sĩ ăn khách khác, nhưng phải đến khi hát những ca khúc của Ngọc Đại – Vi Thùy Linh, bản sắc của Hà mới được khẳng định. Đấy là một giọng hát có âm khu rộng, đầy tính kĩ thuật nhưng cũng rất giàu đam mê và kịch tính. Cái chất giọng khi thì trễ nải, ngái ngủ, khi thì mộng mị, phiêu du của Hà đôi lúc bất ngờ gào lên hoang dại mê sảng như khoan xoáy vào lòng người vượt qua tuyệt vọng. Cái giọng hát khiến người nghe đôi lúc đứng tim, lên đồng, thoát tục trước khi quay về thực tại khó ngủ. Những trạng thái ấy dường như chỉ xảy ra khi Hà hát Ngọc Đại. Vâng, có lẽ đúng thế. Bởi vì khi nghe Hà, người ta quên là chị đang độc thoại hay đang diễn với ánh sáng, bóng tối cùng các nghệ sĩ múa. Hà đã kết hợp được sân khấu và khán giả, kết hợp được tạo hình và màn ảnh minh họa, kết hợp được âm thanh và sắc thái biểu cảm. Hồn nhiên khao khát trong “Dệt tầm gai”, trong sáng ngây thơ trong “Nghi ngại”, trễ nải và bốc lửa trong “Phía ngày nắng tắt”, nức nở và tuyệt vọng trong “Tiếc nuối”, man dại và quyết liệt trong “Nhật thực”… Trần Thu Hà đã chứng tỏ khả năng ca hát đa chiều của mình. Chị biến mỗi ca khúc thành những aria đầy cá tính khác nhau, nhưng không phải là những aria cổ điển, phương Tây, mà là những aria hiện đại Việt Nam. Sự thành công của Hà cũng như của đêm diễn, ngoài sự cộng hưởng với âm nhạc, lời ca, còn có sự kết hợp hài hòa với nhóm 2M Minh Anh, Minh Ánh khá nội tâm, sinh động và một dàn múa trẻ trung, nồng nhiệt qua các đường nét và hình khối có nhiều ý tưởng mới của biên đạo múa trẻ Quỳnh Lan.

Khép lại Nhật thực bằng ca khúc cùng tên, trong tiếng kinh cầu u minh và tiếng cười ngặt nghẽo bất ngờ của trẻ con, chương trình ca nhạc để lại trong lòng người một ấn tượng lạ chưa từng thấy trên sân khấu ca nhạc nước nhà. Chính vì vậy mà nó như một hiện tượng đáng lưu tâm, hiện tượng Nhật thực tháng Tư 2002.

Hà Nội, 4 – 2002

Một bình luận

  1. Lại nhớ có lần trong cuộc nói chuyện giữa NS Ngọc Đại và NS Phó Đức Phương, NS NĐ nói nhạc của ông giống thịt chó, nhạc PĐP giống thịt gà, ai đã ăn thịt chó rồi thì không muốn ăn thịt gà nữa, hi hi. Thấm thoắt vậy mà đã 10 năm rồi, đúng là NS NĐ đã tạo ra một cuộc đổi mới trong âm nhạc VN, từ thể loại hoành tráng của những Hò kéo pháo, hay thể loại hiền lành thật thà của Làng quan họ quê tôi, nhẹ nhàng vui vẻ của ÔI cuộc sống mến thương chuyển sang một thể loại ngoắt ngoéo chứa ẩn đầy bất trắc. Không phải mới đã là hay nhưng nhạc NĐ cũng có nhiều bài hay, chuyển tải được nhiều thông điệp

Bình luận về bài viết này