MIỀN NHỚ TRONG CA KHÚC LÊ AN TUYÊN


PHAN THANH VÂN                         

Tôi không phải là người am hiểu âm nhạc. Đơn giản với tôi, những ca khúc hay là những ca khúc hợp với lòng mình. Và như một cơ duyên, ngay từ lần đầu tiên được nghe những ca khúc của Lê An Tuyên, “Lời cỏ may” (giới thiệu trên trang Cánh buồm thao thức của Nguyên Hùng), những nỗi niềm chị trao gửi trong giai điệu, ca từ đã chiếm lĩnh trái tim tôi.  

Chị từng tâm sự, “Tôi sinh ra và lớn lên bên dòng dòng Lam xứ Nghệ .Từ thửa ấu thơ những lời ca, điệu ví ,điệu hò mái nhì của Huế qua lời ru của Mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi...”. Có lẽ vì thế mà suốt hơn 20 năm xa quê [1], nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân và bạn bè trong chị không lúc nào nguôi. Sau ca khúc “Lời cỏ may” là những ca khúc “Mùa thu sang”, “Sóng không từ biển”, “Nơi ấy quê nhà”, “Cửa Lò tình yêu và nỗi nhớ”,  “Về đây với anh”, “Dòng sông tuổi hai mươi”, “Thương ơi điệu ví”, “Bến xưa”, “Sông và Anh”… và mới đây là hai ca khúc “Khúc tình Huế”, “Lăng Cô biển đợi”. Ca khúc của chị lúc nào cũng rưng rưng, bàng bạc đâu đó hình bóng quê nhà với bao nỗi niềm thiết tha, khắc khoải.

Những hình ảnh, âm thanh đi về trong ca khúc của chị không nhiều. Đó là dòng Lam giang nước mặn xanh trong, là cánh buồn đỏ thắmlà lấp lánh đôi bờ dòng sông Cửa Hội, là bến sông quê, là ngọt giọng đò đưa, là tiếng à ơi trong điệu hát quê hương, là những khoảnh khắc “ngày xưa trên bến dưới thuyền, ai đợi ai lúc trăng soi mạn thuyền”. Nhưng những hình ảnh đó được chắt lọc bởi thời gian, ký ức và được chiếu rọi bởi luồng ánh sáng nội tâm nên tất cả đều mang đậm chất quê hương và đậm “chất” Lê An Tuyên.

Những hình ảnh, âm thanh ấy, thường ngày trong bề công việc, tưởng chừng bị chìm đi, có lúc ngỡ như là đã quên, nhưng chỉ cần một tiếng gọi khẽ khàng từ phía quê hương vọng lại là tất cả lại ùa về, nỗi nhớ lại dào lên và cả một miền kí ức được gọi dậy….Mỗi ca khúc của chị đều là niềm thương nỗi nhớ đến cháy ruột gan .

Là một nhạc sĩ không chuyên, nhưng ca khúc Lê An Tuyên đã làm rung động lòng người bởi chị không đơn thuần tiếp thu chất liệu âm nhạc dân gian (chủ yếu là dân ca Nghệ Tĩnh), mà trong chất liệu ấy còn thấm đẫm chất văn chương, thấm đẫm tình người và tình đời.

  Lần đầu tiên khi nghe ca khúc Lời cỏ may của chị, tôi xúc động đến nỗi vừa nghe, vừa khóc, vừa lẩm nhẩm hát thầm. Thương vô cùng người con gái xa quê,  “Lạ tiếng lạ người trên đất lạ”,nhớ quê đến quặn lòng mà cách duy nhất chỉ là  “em trở về với ngọt giọng đò đưa…” để cảm nhận được “vị ngọt tình quê”, tìm lại dáng mẹ tựa cửa chờ con thuở nào !

Cỏ may, níu chân người xa xứ

Găm vào lời đau.

Lời đau em trả cho anh

Cỏ may em thả ra sông

Sông Lam, sông Lam nước mặn xanh trong.

Chảy đi sông ơi!

Ơi con sông như lòng mẹ bao dung

Lấp lánh đôi bờ dòng sông Cửa Hội

Lạ tiếng lạ người trên đất lạ, em trở về với ngọt giọng đò đưa…

Lê An Tuyên không buông ca từ một cách dễ dãi. Mỗi lần chị viết lời cho nhạc, chị thường cân nhắc từng câu chữ và gọi điện cho bạn bè để được chia sẻ. Chị tâm sự, khi bắt gặp được những vần thơ, câu văn hợp với tâm trạng của mình, tôi nắm bắt và nó chảy thành âm thanh nốt nhạc”, nhưng trước khi “thành âm thanh, nốt nhạc”, chị đã phải trăn trở rất nhiều để viết ca từ. Chị là người giàu tình cảm, dễ xúc động. Mỗi ca khúc của chị đều là những khát khao, những ước mơ được gắn bó, hoà hợp, là những hoài vọng để “cân bằng ” những cảm xúc chênh chao của hiện tại.

 Sau ca khúc “Lời cỏ may” (Thành Lê, giải nhất Sao Mai 2007 thể hiện), đến nay chị đã có hơn mười ca khúc được các đài truyền hình Trung ương và địa phương giới thiệu . (Xem tại đây:http://www.leantuyen.dulichcualo.vn/). Dường như mỗi ca khúc Lê An Tuyên viết ra đều gắn với nỗi niềm riêng tư và có lẽ ở bề sâu, chị viết trong niềm thôi thúc, từ những khoảnh khắc, sâu lắng, và đầy hoài niệm .  

  Một ca khúc lay động lòng người, mỗi nốt nhạc phải là nước mắt, là những giọt mồ hôi, mỗi ca từ phải xuất phát từ thẳm sâu lòng mình muốn cất lên. Nghe ca khúc của Lê An Tuyên, tôi cảm nhận được những rung động nhỏ nhất trong tâm hồn của chị. Tôi biết Lê An Tuyên vui như thế nào khi ý tưởng sáng tác của mình gặp được ngọn nguồn của cảm xúc! Tôi hình dung những giọt nước mắt của chị rơi trên từng khuông nhạc khi mỗi lần chị gọi điện cho tôi, hát cho tôi nghe một ca khúc sắp  chào đời…

Tôi nhớ vào dịp tháng 6-2011, từ nửa bên kia địa cầu, chị gọi điện và hát cho tôi nghe một ca khúc mới, được khơi nguồn cảm xúc từ khi chị đọc bài thơ “Gửi dòng sông câu ví”  của tác giả Nguyên Hùng. Ca khúc “Bến xưa” là một ca khúc hay và cảm động, được viết ra từ những nỗi ám ảnh về dòng sông tuổi thơ, từ nỗi nhớ cháy lòng về một thuở nào “canh bến đợi thuyền cha”, nhớ “Dòng sông mẹ chảy qua từng giấc ngủ, dù trôi đâu không nguôi niềm nhung nhớthương những cánh buồm sấp ngửa sớm khuya[2]. Ca khúc đã được tác giả Nguyên Hùng giới thiệu trang trọng trên trang Cánh buồm thao thức và nhanh chóng nhận được sự đồng cảm, yêu mến của thính giả yêu âm nhạc ngay từ khi mới ra đời.[3]

         Cách đây không lâu, chị lại cho ra đời một ca khúc về Huế, phổ thơ Nguyễn Văn Cao[4]. Trước khi nghe các ca sĩ Anh Thơ, Thu Hiền (Huế), Phương Thanh, NSND Thu Hiền… thể hiệnKhúc tinh Huế của Lê An Tuyên, tôi đã được nghe chị hát qua điện thoại. Tôi thực sự bất ngờ về ca khúc này của chị. Trong ấn tượng lâu nay, chị là người Nghệ xa quê nên những điệu hò câu ví quê hương đã trở thành máu thịt của mình và giai điệu dân ca các vùng miền khác, đặc biệt là ca Huế… khó lòng mà “chen” vào. Nhưng khi chị vừa cất giọng: Huế ơi…Dù đi đến nơi mô ngọt ngào giọng huế… còn vương… vấn lòng. Văng vẳng …câu hò.. ơ hò…gió mây cây cỏ cùng dừng lắng nghe…” thì tâm hồn tôi đã thuộc về xứ Huế. Rồi khi chị vào điệp khúc, Thương vành nón Kim Luông,  nhớ Văn Lâu điệu hát. Đêm sông Hương trăng đầy… thuyền bát ngát…Giọng ai khoan hò nhặt, song loan giữ nhịp tiếng lòng em. Huế ơi bao huyền thoại,  nhớ thương một thời để lại, in vào thành quách rêu phong. Ai về Vĩ Dạ cùng em, nghe lá hoa ân tình kể chuyện, Huế thủy chung sâu lắng mặn mà…  thì tôi dường như quên mất chị đang hát cho mình nghe, trước mắt tôi hiện ra một khung cảnh mênh mang sông nước, đất trời xứ Huế. Khúc tình Huế đã đánh thức, gọi dậy trong tôi tất cả những gì yêu thương tôi dành cho Huế bấy lâu nay. Tôi nhớ lại cái đêm được nghe ca Huế trên sông Hương vào mùa hè 2011 trong chuyến đi du lịch cùng gia đình. Đêm hôm đó, Hương Giang lấp lánh trăng vàng như dùng dằng, ngẩn ngơ, ngừng chảy để hòa cùng nỗi niềm khoan nhặt, miên man với chúng tôi. Đêm hôm đó, tôi đã yêu Huế đến lạ kỳ.

Chị Lê An Tuyên đã làm được một điều kì diệu khi gửi gắm nỗi nhớ Lam Giang vào nỗi nhớ Hương Giang. Hay nói cách khác, dù  viết về Huế, về sông Hương  hay viết về Cửa Hội và dòng sông Lam thì cái gốc của cảm xúc vẫn là nỗi nhớ về quê hương, về cội nguồn đã sinh ra chị . Mới hay “Cái cảm hóa được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ, chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa” (Bạch Cư Dị)

 Có thể nói, Lê An Tuyên đã tưới đẫm tình quê trong ca khúc của mình. Mỗi ca khúc của chị mang âm hưởng riêng, là tiếng nói thầm thì, lắng đọng trong tâm hồn những người xa quê, yêu quê. Có lẽ, chỉ có ai đã từng thấm đẫm mình trong tình quê hương mới có thể viết được những ca khúc chân thật và cảm động đến thế… Những nỗi niềm của chị gửi vào ca khúc, tôi gọi là MIỀN NHỚ TRONG CA KHÚC LÊ AN TUYÊN.

 Nào, chúng ta hãy hát lên, hát với Lê An Tuyên, hát với Nguyên Hùng, Lê Bá Dương, hát với Nguyễn Văn Cao, hát cùng Thành Lê, Quế Thương, Lê Anh Dũng, Tấn Minh, Hồng Hạnh, Xuân Huyền, Anh Thơ, Trọng Tấn, Bích Hồng, Đăng Thuật, Tân Nhàn…, hát cho những  người xa quê vợi bớt nỗi nhớ quê và  “người thương về với người thương”  …

Xin chân thành cảm ơn chị Lê An Tuyên. Chúc chị luôn dạt dào cảm xúc để sáng tác những ca khúc đắm say lòng người.

Nguồn: PhanThanhVan Blog


[1]   NS Lê An Tuyên, một người con Xứ Nghệ hiện sống ở CHLB Đức

[2]    Dẫn từ bài thơ “Gửi dòng sông câu ví” của Nguyên Hùng

[3]    Nghe ca khúc “Bến Xưa”  TẠI ĐÂY

[4]    Nguyễn Văn Cao, tác giả bài thơ Khúc tình Huế, hiện là Chủ tịch

tỉnh Thừa Thiên Huế

Bình luận về bài viết này