VÌ SAO NHÀ VĂN TA KHÔNG SỐNG ĐƯỢC BẰNG TÁC PHẨM?


Theo “đơn đặt hàng” của bạn đọc, báo PN TP.HCM đã tổ chức tọa đàm chủ đề trên với sự tham dự của nhiều nhà văn, nhà phát hành, trung tâm bảo vệ bản quyền… Cuộc  tọa đàm lý thú này đã góp phần lý giải câu hỏi rất thời sự trên và gợi mở nhiều vấn đề mà các nhà quản lý không thể không quan tâm để cải thiện đời sống của nhà văn- những người đã nuôi dưỡng tâm hồn bạn đọc nhiều thế hệ.

Số lượng phát hành quá thấp

Nhà văn Võ Phi Hùng, từ nhiều năm nay “đóng cửa phòng văn hì hục viết” tiểu thuyết, theo đúng nghĩa là người sống bằng nghề viết văn, anh đã gây chú ý khi cho rằng: “Sáng tác văn học là một cuộc chơi, nhưng cuộc chơi này quá khắc nghiệt có khi dành cả một đời nhưng cũng không nên “cơm cháo” gì! Lúc viết văn, nếu có hỏi đang làm gì thì vẫn không dám nói thật, vì sợ thiên hạ cho là … khùng (!?), vì viết quần quật ngày đêm mà vẫn không đủ “tái sản xuất”, nợ nần tứ tung”. Anh cho biết có lần bỏ vốn ra in sách của mình và tự phát hành nhưng… cụt vốn, bởi nhà văn không rành về thị trường. Nhà văn Triệu Xuân cho biết, với tiểu thuyết Cõi mê, viết ròng rã trong vòng mấy năm trời, nhưng nhuận bút chỉ đủ đãi bạn bè… dăm ba bửa nhậu!

Rõ ràng trong thực tế có nhiều nhà văn viết nhiều, có tác phẩm XB liên tục vẫn không đủ sống. Tại sao? Theo nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nguyên nhân chính là do số lượng phát hành qua thấp. Anh khẳng định như “đinh đóng cột”:“Nếu nữ nhà văn J.K. Rowling sống ở VN thì cũng không thể sống nổi bằng nhuận bút. Trong khi tác phẩm Harry Potter in trên toàn thế giới sống lượng khổng lồ 400 triệu bản thì ở VN số lượng cực kỳ khiêm tốn. Chẳng hạn, tập 6Harry Potter ở Hàn Quốc in 1 triệu bản, thì ở VN chỉ in… 50 ngàn bản!”. Trong khi đó, sáng tác của nhà văn trong nước thì số lượng bi thảm hơn nhiều, thông thường chỉ in vài ngàn bản. Với số lượng này, nhà văn Lê Văn Thảocho rằng: “In như thế thì xem như… không in”. Mà quả thật, đất nước 80 triệu dân thì số bản in như thế thì khác nào “muối bỏ biển”!

Số lượng in thấp như thế với nhuận bút chỉ từ 10 đến 15% tính trên giá bìa, thì rõ ràng thu nhập từ một đầu sách không cao. Ông Trần Thức cho rằng: “Cách tính nhuận bút như thế thì không cách biệt với các nước trong khu vực. Nhưng ở các nước khác, như Trung Quốc, nhà văn có thể sống vì số lượng in cao gấp nhiều lần, chẳng hạn cuốn Vương quốc ảo của nhà văn thế hệ 8X in trên 1 triệu bản!”. Quả là một con số lý tưởng mà nhà văn VN hiện nay có nằm mơ cũng… không thấy!

Tại sao như thế?

Có ý kiến đặt ra, vì giá sách của ta hiện nay còn quá cao, chưa phù hợp với quảng đại quần chúng, vì thế các NXB, các nhà làm sách tư nhân lẫn nhà nước không dám in số lượng lớn? Một trong những nguyên nhân như thế là do chiết khấu phát hành cao ngất ngưỡng: từ 35 đến 40% trên một đầu sách! Chính điều này đã đội giá thành hay không? Ông Trần Thức khẳng định: “Không hẳn như vậy vì họ còn phải chiết khấu cho nhiều đại lý các cấp khác nhau trước khi ra hệ thống bán lẻ đến tay bạn đọc. Cuối cùng, họ chỉ còn từ 10 đến 20% dành cho vận chuyển lưu kho, lương nhân viên v.v…”

Không đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan, có ý kiến cho rằng trước tình trạng đáng âu lo như vậy phải nhà văn tự nhìn lại mình. Nhà văn Lê Văn Thảo thẳng thắn phát biểu: “Nhà văn VN viết chưa hấp dẫn, chưa tìm cách tiếp cận với quần chúng, vì thế không ít tác phẩm ra đời xa lạ với nhu cầu của bạn đọc”. Ý kiến này được nhiều người chia sẻ. Đây là một cách nhìn nhận dũng cảm.  Tưởng chừng như lý giải điều này, nhà văn Triệu Xuân cho rằng hiện nay những người cầm bút sống chết với nghề vẫn chưa nhiều, chưa thật sự dồn hết tâm huyết cho tác phẩm mà họ phải làm thêm nghề khác để nuôi… nghề văn! Nhà văn trẻ Thu Phương cũng “tiết lộ” nhiều bạn văn thế hệ với chị đã không đủ can đảm đi hết con đường văn chương đã chọn. Rõ ràng so với các thế đàn anh đi trước, sự dũng cảm “đánh đu” trong dâu bể văn chương của nhà văn hiện nay vẫn không bằng.

Trong khi các nhà văn tự nhìn lại mình, cũng có ý kiến cho rằng còn do một nguyên nhân nữa là văn hóa đọc của độc giả hiện nay không cao. Theo ông Phạm Minh Thuận – Tổng giám đốc Công ty Fahasa: “Mỗi năm chúng ta phát hành trên 20.000 tựa sách, số lượng này không phải là nhỏ, buộc bạn đọc phải có sự lựa chọn. Sách văn học, chỉ những cuốn nào được dư luận bàn tán nhiều, thì họ mới quan tâm tìm đọc. Chẳng hạn như các cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… Còn lại đa phần thanh niên vẫn tìm đọc những sách phục vụ cho đời sống của chính họ, như sách nghiệp vụ, tin học, Anh ngữ… Ngay cả sách đoạt giải Nobel cũng bán với số lượng không nhiều, họ không vồ vập tìm mua”. Chia sẻ ý kiến này, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu “bật mí” nhiều NXB phải làm nhiều chủng loại sách khác nhau để… nuôi sách văn học!

Đứng ở góc độ của những nhà phát hành tư nhân lớn nhất nhì tại TP.HCM, ông Vũ Đình Hòa (nhà sách Văn Lang), ông Nguyễn Hữu Cứ (nhà sách Quang Minh) tha thiết: “Là người nối nhịp cầu giữa nhà văn và bạn đọc, chúng tôi nghĩ các nhà văn nên xác định lại đối tượng đọc của mình là ai? Tại sao sách của Kim Dung, Quỳnh Dao… in đến số lượng vài chục ngàn bản, còn của ta thì chỉ dăm ba ngàn. Đơn giản, vì họ viết đúng đối tượng bạn đọc của họ. Trường hợp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một kinh nghiệm, khi anh xác định đúng đối tượng thiếu nhi của anh nên mới cuộc “bứt phá” ngoạn mục như ta đã biết”.

Phải tháo gỡ như thế nào?

Tất nhiên ngoài sự nỗ lực của nhà văn thì xã hội còn phải có những biện pháp khác. Không hẹn mà gặp, ý kiến củanhà văn Lê Văn Thảo, Nguyễn Quang Sáng, ông Phạm Minh Thuận cùng cho rằng trong tình thế này, Bộ VHTT cần  có chính sách tích cực khôi phục lại hệ thống thư viện các cấp. Đó là nơi có thể tiêu thụ được sách văn học của nhà văn với số lượng lớn. Hơn nữa, nếu giá sách còn quá cao thì bạn đọc vẫn có thể tiếp cận với tác phẩm của nhà văn.

Một thông tin từ phía ông Phạm Minh Thuận khiến nhiều người  chú ý là hiện nay sách sách nói chung, trong đó có sách văn học vẫn chưa “phủ sóng” đến vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… chỉ mới tập trung ở các thành phố lớn!  Mà thị trường sách lớn nhất vẫn là Hà Nội và TP.HCM. Điều này có nghĩa là hệ thống phát hành của ta, dù Nhà nước hay tư nhân cũng cần phải năng động nhiều hơn nữa.

Đồng tình với suy nghĩ trên, nhà văn Nguyễn Quang Sáng còn cho rằng, một trong những việc cần phải của các cơ quan chức năng, của Hội Nhà văn, của các nhà phát hành là nâng đỡ cho những tác phẩm viết tâm huyết của nhà văn có thể ra đời. Chính những tác phẩm hay, có chất lượng tốt sẽ góp phần kéo lại thói quen đọc sách văn học của độc giả. Công của nhà văn viết tác phẩm và công của “bà đỡ” cũng ngang nhau. Ý kiến này ngẫm nghĩ thấy đúng, trong tọa đàm nhiều nhà văn như Nguyễn Đông Thức cũng thẳng thắn thừa nhận, ta đánh mất bạn đọc vì từ nhiều năm qua sách văn học của chúng ta chưa hay, chưa thật sự phản ánh đúng tâm trạng của thời đại.

Về ý nghĩa “bà đỡ”, theo nhà văn Triệu Xuân là cần có thêm nhiều Mạnh Thường Quân “bảo trợ” nhà văn, để họ yên tâm sáng tác những tác phẩm tâm huyết trong thời gian dài, không phải lo toan thu nhập, kiếm sống từng ngày. Khi ổn định thu nhập thì họ mới có thể yên tâm viết. Còn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng: “Vấn đề nhuận bút, ổn định cuộc sống của nhà văn phải xét trên bình diện thu nhập của toàn xã hội. Bao giờ người công nhân sống được bằng đồng lương thì nhà văn mới có thể sống được bằng nhuận bút. Thật ra, nhuận bút trả từ 10 đến 12% của các NXB trả cho nhà văn là tương đồng với các nhà văn nước ngoài. Thế nhưng tại sao họ sống được? Bởi đồng tiền của họ ổn định. Còn ở ta, dù số lượng có in lớn hơn gấp nhiều lần, nhưng tổng số tiền đó vẫn không đáng kể so với mặt bằng chung của xã hội”.

Ngoài ra, còn có ý kiến đáng lưu ý là các NXB, các nhà phát hành cần phải trung thực với số lượng in sách của nhà văn. Không thể in vài ngàn bản, nhưng chỉ trả nhuận bút theo con số “định mệnh” là… 1.000 bản đang rất phổ biến! Về vấn đề có liên quan tương tự , ông Vũ Mạnh Quý – đại diện về vấn bản quyền của Bộ VHTT  phía Nam cho biết hiện nay, Trung tâm bảo vệ bản quyền sách văn học đang có những văn bản và động tác tích cực nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà văn.

BOX

NGUYỄN ĐÔNG THỨC:

Trước năm 1975, mẹ tôi, Bà Tùng Long chỉ sống bằng nghề văn mà vẫn “nuôi đủ 9 con với một chồng”! Số lượng tác phẩm dù chỉ in chừng 5 đến 10.000 bản nhưng lại là một nguồn thu nhập cao, ổn định, nếu không muốn nói là dư dả. Để cải thiện tình hình nhuận bút sách văn học hiện nay, theo tôi, báo chí có vai trò hỗ trợ rất lớn. Đó là cho xuất hiện các feuilleton đăng kỳ kỳ trên mặt báo. Điều này có hai cái lợi, nhà văn nhận được nhuận bút rất đáng kể trước khi in thành sách. Mà nhuận bút này cao gấp nhiều lần trong tình hình xuất bản hiện nay. Hơn nữa, qua đó nhà văn sống với nghề ngày một chuyên nghiệp hơn, ý thức về nghề rõ nét hơn…

NHÓM PV TRANG VHNT

.

NHÀ VĂN ĐANG SỐNG BẰNG GÌ?

Một thực tế, có thể nói một cách hài hước là “bi đát” là hiện nay đa phần các nhà văn VN không được sống bằng nghề văn. Hầu hết phải kiếm sống bằng nghề tay trái để lấy tiền… nuôi văn! Trong tọa đàm, nhà văn Lưu Trọng Văn đã “châm ngòi nổ” cho nhiều tràng pháo tay, khi anh lập luận rằng, không ai bắt anh phải viết. Anh viết là do anh tự sướng trong lúc thăng hoa sáng tạo. Vậy tại sao còn đòi hỏi người ta phải trả tiền cho anh (!?).

Theo anh, nếu nhà văn muốn có tiền thì vẫn có cách. Chẳng hạn, đầu tư viết truyện ngắn cho báo Xuân! Anh kể, nhà văn lão thành nọ được in một truyện ngắn trên báo Tết Lao Động với nhuận bút dến 4 triệu đồng – cao hơn tiền bản quyền một cuốn sách! Thế là từ đó, chỉ chăm bẳm đầu tư truyện ngắn cho báo xuân, báo Tết. Nhưng dịp này, cũng khó chen chân. Vậy còn có cách khác là… viết tự truyện, hồi ký cho các nhà doanh nghiệp! Tất nhiên nhuận bút sẽ được thương lượng “thuận mua vừa bán” chứ không theo một “ba-rem” nào cả! Có người đã nhận hàng trăm triệu đồng cho những “tác phẩm” như thế!

Phát biểu trên thoạt nghe, tưởng bông đùa, nhưng đó vẫn là sự thật. Còn nhà văn Nguyễn Quang Sáng, cho rằng, ông sống được là bằng… “nhuận bút của nhân dân”. Nhiều lần, ông tặng sách cho bạn, thì được bạn cám ơn bằng… một chai rượu ngoại trị giá gấp chục lần giá tiền cuốn sách. Đó là chưa kể những lúc, được độc giả ái mộ mời chè chén để bày tỏ lòng quý mến. Cũng có nhiều nhà văn hiện nay, đem nghề văn sang viết kịch bản điện ảnh.

Trong tọa đàm, có nhiều ý kiến nhắc đến trường hợp của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Phục…hiện đang “tung hoành ngang dọc” ở nghệ thuật thứ bảy với một bút lực dồi dào, năng động. Sự thành công với thu nhập chính đáng này đã khiến không ít người… thèm thuồng; nhưng ngược lại cũng có ý kiến cho rằng kịch bản điện ảnh vẫn chưa phải là tác phẩm văn  học.

Theo nhà văn Trần Quốc Toàn, phải nghĩ đến cách viết tác phẩm văn học dưới nhiều hình thức khác nhau. Nếu nhà thơ đem thơ phổ nhạc, thì đó cũng là một cách; còn nhà văn khi xây dựng thành kịch bản điện ảnh thì cũng rất đáng hoan nghênh. Thậm chí, anh cho rằng đôi lúc nhà văn cũng cần dũng cảm… vay nợ để yên tâm sáng tác. Anh kể nhà văn nọ thực hiện như thế, kết quả là tác phẩm đầu tư công phu, chải chuốt đã đọat giải thưởng văn học với số tiền lớn, Không những đủ tiền trả nợ mà còn sống khỏe! Nhưng trường hợp này chỉ cá biệt! Tương tự nhà văn Mạc Can tâm sự, sách của ông in ra, dù có cuốn in số lượng lớn nhưng cũng không thể sống bằng nhuận bút, mà chính bằng…. tiền giải thưởng trao cho tác phẩm đó!

LÊ VĂN NGHỆ

LÀM THẾ NÀO ĐỂ SÁCH BÁN CHẠY?

Trước đây, một tác phẩm văn học có “nổi đình nổi đám” có thể tự bản thân nội dung, chất lượng của nó. Nhưng nay “xưa rồi diễm”. Với kinh nghiệm của những người đang thật sự sống trong nghề làm sách, viết sách để mưu sinh hầu hết các nhà văn cho rằng muốn sách bán chạy thì phải tạo dư luận xã hội cho nó. Tại tọa đàm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng nửa đùa nửa thật: “Một cuốn sách đang phủ đầy bụi trên kệ, nếu có thông tin “thu hồi” thì lập tức nói sẽ bán chạy như tôm tươi”. Mà thực tế đã xẩy ra trường hợp này.

Trường hợp ngoạn mục nhất trong thời sự văn học thời gian gần đây, tiêu biểu nhất là cuốn Cánh đồng bất tận củanhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ban đầu, truyện ngắn này đã được in hai kỳ trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn VN thì nó đi qua lặng lẽ, nhưng khi báo Tuổi Trẻ in lại với lời giới thiệu bài bản,  và do có số lượng phát hành lớn nên nó lập tức tạo ra tiếng vang. NXB Trẻ đã nhanh chóng “chớp lấy thời cơ” phát hành thì đã “hút” động giả ngay.

Rồi làn sóng săn đón tác phẩm này cũng đi qua.

May mắn (!?) bấy giờ có công văn của địa phương kiểm điểm nhà nhà văn vì sao “nói xấu” thiên nhiên, con người nơi mình đang sống! Thế là dư luận lại quan tâm, tại sao như thế này, tạo sao như thế kia thế là… ào ào tìm đọc.

Rồi làn sóng săn đón tác phẩm này cũng đi qua.

Nhưng vào cuối năm lại thêm một “cú” ngoạn mục nữa là tác phẩm này được Hội Nhà văn VN trong giải thưởng tác phẩm đã tạo ra “dư luận xã hội”. Thế là lần thứ ba, nó được công chúng tìm đọc cho bằng được. Theo tiết lộ của một cán bộ biên tập ở NXB Trẻ thì chỉ qua Cánh đồng bất tận, năm qua Nguyễn Ngọc Tư thu về… chừng một, hai trăm triệu đồng (!?)

Từ sự thành công này, các nhà văn như Trần Hữu Lục cho rằng, một tác phẩm văn học hiện nay nếu muốn bán chạy, phải thực hiện trong một quy trình khép kín, mà quan trọng nhất vẫn là khâu quảng bá tác phẩm. Phải xem nó như một hàng hóa, phải được P.R một cách chuyên nghiệp.

Thêm một bằng chứng gần nhất là trường hợp tiểu thuyết Như núi như mây của nhà văn Nguyễn Đông Thức. Chỉ trong vòng một tháng vừa phát hành ngoài thị trường đã phải… tái bản! Quả là trường hợp xưa nay hiếm. Bởi anh được Công ty Phương Nam tổ chức tiếp thị bài bản, chu đáo và “có nghề”. Trước hết, là cuộc giao lưu với hàng trăm sinh tại Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn; sau đó là cuộc tổ chức gặp gỡ đối tượng có đề cập trong tác phẩm trên là TNXP; “thừa thắng xông lên” lại tổ chức tại trường Đại học Cần Thơ với hàng ngàn sinh viên có mặt. Qua ba cuộc giao lưu như thế, bạn đọc đã tranh luận, tìm đọc tác phẩm của anh một cách hào hứng.

Tương tự, hiện nay nhiều nhà văn, nhà thơ cũng tổ chức những buổi ra sách như thế nhằm “tự giới thiệu” tác phẩm của mình. Có lẽ cũng cần nhắc lại trường hợp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Anh đã tạo ra sự tò mò với bạn đọc sinh viên khi công ty Fahasa tổ chức cho anh trở về trường cũ để giao lưu với bạn đọc. cái hay ở chỗ là nhà văn về nơi mình từng học thời trai trẻ nên mới có sức hấp dẫn đặc biệt như thế. Hàng trăm sinh viên sau khi mua sách đã vay quanh anh để xin chữ ký người “đồng môn” đi trước.

Tóm lại có nhiều cách, nhưng cách tốt nhất vẫn là sự P.R chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhà văn Lê Văn Thảo cũng nhấn mạnh: “Tất cả những việc làm trên là đúng, là cần thiết. Nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng của tác phẩm”.

TÂM NGUYỄN
(nguồn: báo Phụ Nữ)

3 bình luận

  1. Nhà văn Lê Văn Thảo nói đúng chỉ trong câu này: “Nhưng quan trọng nhất vẫn là chất lượng tác phẩm”,còn ngoài ra qúy vị trên chỉ nói phớt
    qua bên ngoài,chứ không dám nêu ra lý do cốt lõi tại sao nhà văn VN. hiện nay không sống được bằng tác phẩm”.
    Qúy vị nên so sánh với thời trước 1975,nhà văn lúc đó không hề phải
    gia nhập vào bất cứ tổ chức nào của nhà nước kiểu như HNV.mà trái
    lại nhà văn nào muốn hoàn toàn viết tự do thì họ chọn lối sống độc lập với chính quyền như học giả Nguyễn Hiến Lê.Còn một số người thì họ dám viết những đề tài cấm kỵ,dù họ có thể mất chức vụ,địa vị khá cao trong quân đội hay hành chánh.Những người như thế sẽ được độc giả
    đánh giá cao về tài năng và uy tín mà không thèm dựa dẫm vào bất cứ ai cả.Họ tin vào tài năng viết văn của mình.
    Nói chung,rất nhiều nhà văn chuyên nghiệp trong chế độ cũ vẫn sống bằng tác phẩm của họ như Mai Thảo,Bà Tùng Long,Ngọc Linh,An Khê,
    Lê Xuyên,Sơn Nam v.v. vì các tác phẩm của họ đăng hàng ngày trên nhật báo và được trả tiền nhuận bút ! Ngoài ra,sở dĩ họ còn sống được bằng nghề văn là nhờ họ tham gia viết báo tư nhân.Còn hiện nay,lãnh
    vực ngôn luận bị săm soi nghiêm ngặt !
    Mới đây,một bài thơ của họ Đàm nào đó rất hiền lành mà cũng còn bị
    “mổ xẻ” thì thử hỏi ai dám bày tỏ tư tưởng về chính trị hay nhân sính trong tác phẩm của mình để công chúng ủng hộ mà tìm đọc ?
    Xin góp vài thiển ý trên.

  2. “…Nhưng quan trọng nhất vẫn là giá trị tác phẩm” (lời Nhà văn Lê Văn Thảo). Đúng! Điều đó là hiển nhiên, là rường cột và cũng bàn nhiều rồi. Nhưng xin thưa: Dưới chế độ thiên đương chủ nghĩa này thì ai, hội đồng nào có thể xác quyết “giá trị tác phẩm” một cách chuẩn mực, để đời, hay chỉ tung hô, tô son trát phấn, trấn áp lẫn nhau, dìm nhau đến chết mới hả lòng?!
    Rất mong các nhà văn nhà thơ hãy “cải tạo” chính cái đầu của các vị đi đã. Nhân cách con người đã quan trọng, song trong văn chương còn quan trọng gấp bội phần.

  3. Không thấy nói tới trong những năm gần đây tác phẩm văn học nào bán nhiều nhất ở VN, truyện dịch hay truyện VN, thể loại nào, và số lượng là bao nhiêu ? Và con số NXB đưa ra liệu có tin được hay không ? Cũng không thấy nói hạn chế và kiểm duyệt từ đầu sách cho tới tư tưởng người cầm viết thì có ảnh hưởng gì tới chuyện viết lách của các nhà văn hay không ?

Bình luận về bài viết này