TIỂU THUYẾT NƯỚC MẮT (Chương 9, 10)


ĐÀO THẮNG

Chương chín

Đại đội trưởng mới có phần vị nể Thái, anh bàn với A trưởng chỉ huy những công việc vượt ra ngoài chức trách như xốc lại các khẩu đội cho đủ số đánh nhau, bàn về củng cố nhà bếp và cả việc trích quĩ của đơn vị cho anh em ăn tươi ít bữa cho lại sức.Ở con người anh có gì hơi khác thường, suốt ngày lo chuyện đánh đấm, hầu như không nói đến chuyện nào khác, không trao đổi những gì thuộc riêng tư hoặc nói chuyện tâm tình với ai. Ngoài hai bữa cơm ăn chung với anh em “xê” bộ ra, thì giờ còn lại anh sục xuống các khẩu đội nhắc nhở ngụy trang thêm cho pháo và công sự, tự mình kiểm tra lại đường ngắm cơ bản các khẩu pháo, mở các hòm đạn ra xem số sáu đã đảo băng chưa. Anh dùng ngón tay trỏ quệt vào vỏ đạn, nếu thấy có bụi bẩn, yêu cầu lau lại ngay. Một lần Toàn nói nhỏ với Thái “Lúc này không có gì quan trọng bằng đánh địch. Sau tổn thất nặng như vừa rồi, đánh không được, để “nó” phạt đi ít người nữa thì đơn vị rão hết”.

Đại đội trưởng cứ lặng lẽ đến ngó quanh một tí rồi lặng lẽ đi, các pháo thủ có chào hỏi anh chỉ cười đáp lại, hoặc họa hoằn lắm mới kiếm được ở anh một câu pha trò, kiểu như “có nhớ bu cháu không” hoặc “ông nào đi vào làng lấy ngụy trang kiếm được em thì phải cống đại đội trưởng ít chè xanh đấy nhé!”

Sau một đợt dạo quanh cái “vương quốc” bé con, Toàn quay về, chui vào chiếc lán thấp tè. Anh lục cục mở hòm xem lại cân đường, hộp sữa tiêu chuẩn bồi dưỡng không chịu ăn, cất đi mang về cho con. Có hôm Toàn mở thử ra xem, cười mỉm một mình, rồi lặng lẽ lấy giấy bút viết thư trả lời. Anh làm việc ấy như vụng trộm, nếu có ai bất ngờ vào hỏi công việc, anh đỏ mặt lúng túng, vội vàng cất đi ngay. Thái nghe mấy cậu thông tin lên sạc ác quy trên trung đoàn về hóng hớt, hồi còn ở ngoài Hà Nội đại đội trưởng đã cưới một cô gái ngoại thành làm vợ. Cô gái làm công nhân nhà máy thuốc lá Thăng Long, họ đã có một con gái. Hồi đó đang làm đại đội phó hậu cần, anh hay đến liên hệ mua thuốc vụn cho lính, cô nàng khá xinh đẹp.Toàn đã đánh lui tay phó phòng hành chính đang nhảy vào yêu và quơ được nàng, tay kia không chịu lấy về, rình có dịp để trả đòn. Bây giờ vào chiến đấu tít tận chiến trường A2 ác liệt, Toàn lại lo anh chị tòm tem với nhau.

Thái giúp đại đội trưởng Toàn nắm nhanh tình hình đơn vị. Đại đội phó hy sinh, chính trị viên bổ sung đi chiến trường B5 từ sau tết Mậu Thân, chưa có người thay thế, ở Sở chỉ huy còn có Toàn và Thái, hai người bấu lấy nhau trong thời kỳ khó khăn nhất. Thái không ngủ trong hầm nữa. Bà mẹ sau khi đến tận nơi xem xét, nói nhỏ vào tai anh “hầm của con nằm trên ngôi mộ con bé Minh đã ở trong nhà mẹ. Khổ thân con bé phải  lòng cái chú Viên pháo thủ hay hò điệu hò Thanh Hóa. Hôm chú ấy hy sinh, con Minh chạy ra trận địa, không hiểu làm sao lại chết dưới hố bom. Khổ!Con bé thật đẹp, da thịt nõn nà, không còn một mảnh vài trên  người, chết rồi vẫn trắng muốt, cái chi trên người cũng còn nguyên vẹn, không ai dám chạm vào người. Các mẹ khâm liệm đem chôn, ngày hôm sau bom lại đào tung lên, phải chôn lại. Máy bay hắn lại rải bom tọa độ san bằng, các mẹ ra tìm chỉ còn mấy miếng ván, đem chôn sâu bên dưới hầm của con đó. Con kể với con Lam Hồng đêm nào ngủ cũng thấy một cô gái đứng ở cửa hầm, chính là con Minh, không phải là đứa nào khác mô.

Nghe bà mẹ nói người Thái sởn da gà, anh ra nằm ở chiếc lán thấp sát đất với đại đội trưởng. Đêm mưa Toàn ôm chặt lấy Thái. Nằm gọn trong đôi tay cứng cáp, ấm nóng, Thái thấy tin cậy người đại đội trưởng mới, ngủ yên giấc. Khi nào thấy Thái mê hoảng, Toàn lại ghì chặt lấy người A trưởng chỉ ít hơn mình vài tuổi, lay gọi. Qua những đêm như thế, Thái thấy lòng mình yên tĩnh, ít mê hoảng hơn. Đôi khi thấy Thái ngồi thẫn mặt, đôi mắt trĩu buồn, Toàn ôm quặp lấy cậu chàng, chọc tay vào nách cù đến lúc cười giãy lên mới thôi.

Những trận chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt. Cuộc ném bom hạn chế vọt lên đến đỉnh cao nhất. Vào mấy tháng cuối, Bộ tư lệnh Mỹ dồn bom đạn đánh phá khốc liệt, dải đất hẹp từ vĩ tuyến 19 trở vào, nên mảnh đất này bị băm vằm ra làm nhiều mảnh gọi là chặt khúc cá. Các bến phà, những cây cầu nhỏ, nhún mình có thể nhảy qua, những đoạn đường qua sình lầy, qua các vách núi hiểm trở, đã thành các mục tiêu hủy diệt đến cùng như rú Trét, khe Út, khe Giao, Ngã ba Đồng Lộc. Vùng Cán Xoong có trên sáu mươi trọng điểm nát bấy, trơ trọc. Người Mỹ đã đổ vào không biết bao nhiêu bom đạn và cũng chôn xuống đó không biết bao nhiêu máu và thân xác con người. Chỗ nào cũng thấy lừng lững các nấm khói bom. Khói che mờ mặt đất và che mờ cả mặt con người.

Trong đại đội đã có nhiều chiến sĩ đào ngũ. Chỗ nào cũng thấy họ xì xầm bàn tán, đôi mắt lấm lét. Khi thấy Toàn đi qua, họ bấm nhau vờ làm một việc gì đó rất chăm chú. Thế là đêm ấy có mấy người mất hút.

Số anh em cũ còn sót lại nhìn vẫn đủ mặt, họ đã qua các trận thử lửa ác liệt, hoặc có lẽ vì thương nhau mà ở lại. Hai thằng nằm với nhau một hầm, bỏ đi, để “nó” ở lại, bom nhiều như thế “nó” chịu nổi một mình không? Số anh em mới từ các trung đoàn ngoài Hà Nội, ngoài khu Ba, bổ sung vào hôm trước, hôm sau thấy nhiều người chết, sợ quá rủ nhau bỏ đi, có khi đi tập thể cả đoàn .Đoạn đường đi ra vùng an toàn có mấy chục cây số, ngoài đó Mỹ đã ngừng ném bom, chỉ cần một đêm đi bộ, theo đường tắt, sáng hôm sau họ đã có thể nhảy lên xe tải, xe ca, bon thẳng, nếu có bị chặn lại hỏi, họ nói đánh nhau bị thương, về phía sau điều trị, vậy là xong.

Sau đêm ngủ trong hầm mê thấy Viên đi cùng cô gái đến thăm, tỉnh dậy, Thái ngồi thức đến sáng. Có cái gì đấy ở ngoài vòng bom đạn khẽ gọi anh. Tiếng gọi ấy lúc đầu còn mơ hồ, nghe như tiếng người ở rất xa nhắc khẽ tên mình, về sau tiếng ấy càng ngày càng rõ dần, càng ngày càng mạnh mẽ, thôi thúc. Phải rồi, Thái cũng có thể đi theo hướng những người ấy. Chả lẽ tự mình coi rẻ, phỉ báng sự sống của chính mình đến như vậy. Ở lại là chấp nhận một sự thật đau đớn, mười phần thì chín phần chết, một phần sống. Suốt ngày đêm nghe bom đạn nổ. Suốt ngày đêm hít mùi khói bom. Cái  mùi quỉ quái ấy len vào làm tê liệt từng tế bào của Thái rồi. Đúng rồi, chỉ cần vượt trở lại Truông Bồn, đến thị trấn Đô Lương là mọi sự sẽ yên ổn. Số lính mới bổ sung vào nói oang oang vùng Phủ Qùi đầy chật lính, tầng tầng xe pháo, ê hề lương khô, thịt hộp. Nếu anh đói bụng, bí thì ghé vào các lô cà phê, khui nhẹ cũng lôi ra được nhiều thứ ăn sống người.

Thái thở dài nghĩ thầm, bây giờ anh Lộc cùng với Thanh và Hóa đã ra tới nơi. Hôm sắp đi gặp Thái, Lộc rất vui, trông anh khỏe ra, cười nói luôn miệng. Anh ấy chắc rằng đang nói rất hùng hồn, rất hấp dẫn. Anh ấy vốn là người có tài hùng biện. Vả lại người ở vùng khói lửa ra kể lại sự thật, nói lại những điều mắt thấy tai nghe, luận bàn về chính cái việc mình trải qua làm gì chuyện chả hấp dẫn. Thái thấy đắng ở trong miệng. Anh cố nuốt đi cái cục nóng bỏng, đắng nghét ở trong cuống họng.

Ngoài xa có tiếng máy bay luồn vào màn đêm. Lợi dụng trời mưa, máy bay A6 thường bay  thấp rồi bất ngờ lao vào rải bom tọa độ xuống các trận địa và bến phà. Trong giấc ngủ chập chờn, người lính vẫn phải tỉnh táo đề phòng tai họa có thể giáng xuống bất cứ lúc nào nên các giác quan trở nên thính nhạy đặc biệt. Đang ngủ bỗng dưng Thái nghe tiếng không khí bị dồn nén giòn như kính vỡ. Rồi trong khoảnh khắc, giống như tiếng gió cứa vào cây nứa dập. Anh choàng tỉnh, kéo mạnh Đại đội trưởng.

– Anh Toàn! Anh Toàn!  Máy bay A6 bay thấp.

Nền hầm bầy nhầy bùn nước và thứ mùi ghê sợ như mùi thịt người thối rữa. Hai người nằm chồng lên nhau. Sức ép của không khí do sự dồn nén của máy bay phản lực cực thấp ép chặt người Toàn và Thái xuống tấm phản. Thái nghe rõ tiếng bùn nước phòi lên phì phì qua khe tấm ván nằm, thứ nước sền sệt, nhầy nhụa bốc lên mùi khắm lặm, lờm lợm, tanh nhức óc.

Anh cố nén cơn buồn nôn đã dồn lên tận miệng. Chiếc máy bay ào qua kéo theo tiếng động cơ phản lực choáng óc. Dây chớp lửa loằng nhoằng làm mắt người hoáng lên rồi tối sầm. Loạt bom hơn hai chục quả lướt một vệt từ ngay đầu trận địa, dọc theo ngọn núi Quyết xuống tận bến phà.

Toàn làu bàu:

– Mẹ bố nó! Nó hành chúng ta có chết cũng chết khổ chết  sở.

Thái nằm im lặng một lát nói nhỏ:

– Ta phải làm sao thoát ra khỏi tình trạng này, anh Toàn ạ.

Toàn bỗng sôi nổi hẳn lên:

– Sáng mai tôi với cậu đi tìm trận địa nhé!

– Anh định đi về hướng nào đây?

– Áp sát vào cảng và vào bến phà!…

Thái ngồi im lặng, câu trả lời của người Đại đội trưởng mới như chớp sáng vụt lóe lên trong đầu anh. Từng chữ có cái gì đấy âm vang và ngân lên.

– Thái thấy thế nào?

– Liều, nhưng được đấy, đại đội trưởng ạ.

Toàn nói như chem. Vào đá:

– Phải vượt qua cái vạch chết vô hình dọa nạt, vừa máu lửa chết người để tìm ra lối sống, đó là phẩm chất của chiến binh. Tôi với cậu là những chiến binh đè lên cái chết để thắng nó đúng vậy không?

Hai người lại ôm chặt lấy nhau. Người này đang còn nghĩ người kia vừa đồng ý một chuyện ngược đời. Nếu mới nghe chưa lường kỹ, tưởng rằng đó là suy nghĩ của người quẫn trí. Bởi vì địch đang tập trung mọi cố gắng đẩy các đơn vị pháo cao xạ ra xa cầu cảng và bến phà chính. Chúng dồn máy bay, phương tiện kỹ thuật nhằm diệt gọn từng trận địa. Chúng cố sức đẩy lực lượng ta ra, còn phía ta cố sức đứng vững tại một trận địa chốt, một số chốt. Giữa lúc như vậy, “nhẩy” cóc một bước, vượt qua tuyến phong tỏa bằng bom đạn của địch, áp sát vào phía bến cảng đã bỏ từ lâu nhất định bọn địch sẽ bị bất ngờ.

Sáng sớm Thái dẫn Toàn ra phía bến cảng, đi dọc bờ sông Lam. Hai bên đường bom từ trường ghim lổm nhổm, trông từ xa giống những đàn bướm kim loại. Dưới những “cánh bướm” kia quả bom 500 bảng Anh, tương đương hai tạ rưỡu đã cắm ngập sâu vào đất ,chỉ hở đuôi và cái ô bốn cánh của nó ra. Nó vẫn nằm im rình ở đấy, nếu thấy hơi sắt thép hoặc một tiếng động nhỏ, bộ phận gây nổ tinh vi lập tức hoạt động phát hỏa, phá tung cái vỏ gang dày của “con bướm” ấy. Qủa bom nổ, hố bom chềnh ềnh nuốt đi một phần tư sào ruộng. Thái nhẩm đếm, không làm sao đếm hết được số quả bom từ trường chưa nổ. Nó cứ nhập nhoáng, nhập nhoàng, lẫn lộn. Thôi, thây kệ nó, Thái chiếu ống nhòm khẽ reo lên rồi đưa ống nhòm cho đại đội  trưởng. Toàn lia một đường ngang, dừng lại phía cầu cảng rồi vỗ tay vào đùi đánh bốp một cái. Hai người nhìn thấy một trận địa bỏ từ lâu không có pháo ở, cây thanh hao, cây xấu hổ mọc um tùm.

Bốn hầm pháo đều có hầm tránh bom bi, như vậy thừa hai hầm vì đơn vị họ còn có hai khẩu pháo. Các hầm tránh bom bi được làm rất cẩn thận để tránh pháo từ ngoài biển bắn vào; có thể tránh được cả bom sát thương nổ gần. Thành trong cùng lát bằng những tấm thép lớn rất dày, loại này còn vứt nhiều trên bến cảng. Sau tấm sắt đến lớp than đá lẫn bùn phù sa vàng, có lẫn cả than kíp lê.Lính muốn cải thiện, ăn tươi, đắp chiếc bếp lò nhỏ lấy than cho vào, tha hồ đốt. Bên ngoài lớp than, đắp lớp đất thịt dầy, nhẵn thín, trên đó những dàn cây xấu hổ trắng, ngọn vươn dài ra, ngẩng lên theo từng cơn gió đưa ngất nghểu. Toàn không giấu được nỗi vui mừng. Anh nhảy xuống từng hố đứng cá nhân ở Sở chỉ huy, “xùy, xùy” đuổi lũ cóc nhái nấp ở trong đó rất đông. Chúng nhẩy loạn xạ, có con húc cả vào bụng Toàn; anh hất từng con ra ngoài một cách thích thú, mấy chú cóc cụ bị hất ra ngoài rồi một lát sau quay lại nhằm lòng hố nhảy huỵch xuống. Các con vật ở đây đều hình thành thói quen tránh bom,  pháo. Toàn đứng lại nhìn, anh khâm phục bản năng sinh tồn ở chúng. Anh nhón một “cụ” cóc giơ lên ngay mặt. “Cụ” ta duỗi ngay hai chân sau, chả cần quẫy đạp như đã quen hơi lính. Anh giơ ngón tay trỏ gãi nhẹ đám da bụng vàng nhợt, hết hồn “cụ” ta giật lên thành tiếng kêu Kẹe! Kée. Sống!, sống! anh phì cười thả nhẹ chú cóc cụ nhoài lên mặt công sự đi tiếp Phải một lúc lâu sau Toàn mới đi hết một vòng quanh cái “vương quốc” bé nhỏ mà rồi đây sự sống  và cái chết của mấy chục con người giao phó vào tay anh.

Mải vui, mải nghĩ ,Toàn như quên có Thái đang đi cùng.

*

*        *

Dòng sông Lam trong mùa nước mênh mông. Con nước nặng phù sa vàng lừng lững xuôi ra biển. Thái đứng nhìn dòng nước mênh mang một cách đắm đuối. Anh nhìn như mới thấy con sông nổi tiếng lần đầu.Ngoài quê anh có con sông Cái-sông mẹ, phù sa đỏ nặng nước cuồn cuộn chảy quanh năm.Còn ở đây con sông Cả, sông trưởng, sông thứ nhất, người là con đầu ư?

Đứng trước dòng nước hùng vĩ ,Thái bỗng phát hiện lại chính mình. Bỗng nhiên anh muốn hòa tan mình vào dòng sông làm một vật bé nhỏ của nó, giống như khúc củi, đám rác rều trôi bập bềnh,  lập lờ, nhấp nhô sóng vỗ. Không được, không thể hạ thấp mình thành một vật vô tri, ta là một vật thể sống, tự ý thức về sự chinh phục, chinh phục chính mình, một cuộc trường chinh về bản thể. Và rồi Thái không sao kìm giữ nổi ý nghĩ phải lao vào tắm mình trong sức mạnh kỳ vĩ, muôn thuở chinh phục con người, làm sống dậy trong họ nỗi khát khao trở về với cội nguồn nguyên thuỷ của chính mình. Anh cởi  quân phục, nhìn ra xung quanh chẳng thấy một ai. Tiếng những con sóng ì oạp chồm lên những tảng đá hộc và vỗ vào từng tảng bê tong lớn ở cầu cảng bị bở ra. Anh hít hà, làm vài động tác khởi động, đưa mắt nhìn về phía xa. Ở  phía ấy các cô dân quân làng Đỏ đứng nhấp nhô trong các ụ súng máy, canh giữ đê. Họ chả nhìn thấy gì đâu, Thái vui với ý nghĩ nghịch ngợm, khom người cởi nốt quần áo lót, rồi thụp xuống kè đá dùng bàn tay xoa mạnh khắp người. Khi thấy da thịt đã nóng lên, Thái chồm người, lao vút vào dòng nước cuồn cuộn. Dòng nước mát lạnh đánh thức da thịt, làm cuộn dậy sức sống mạnh mẽ bấy lâu thỉu đi trong con người anh. Thái vùng vẫy trong dòng nước vàng sẫm. Con lũ lớn ở trên nguồn đang đổ về, rác rưởi, lá cây tươi, một đám cói, một đàn đông đặc muồm muỗm trôi dập dềnh. Rồi cả những khúc gỗ lớn trôi vèo qua mặt anh. Thái bơi xuôi theo dòng, anh lao đi vùn vụt bằng động tác bơi ếch, vừa bơi vừa nhìn theo gốc cây trước mặt. Bỗng dòng nước rất xiết lật nghiêng người anh, khiến anh bật một chân lên khỏi mặt nước, rồi cứ thế cuốn lôi anh vào một cái xoáy khổng lồ, nước bị hút xuống đó nhanh đến chóng mặt. Âm thanh từ miệng phễu phát ra “hụt! hụt!” làm Thái lạnh buốt sống lưng. Anh bị chuột rút, bắp chân, bắp tay bỗng nhiên tê cứng lại. Thân người bị cuốn theo xoáy nước vùn vụt. Còn một chút tỉnh táo, anh vùng mạnh “lạy trời lạy Phật”, từ sâu trong vô thức bật lên một lời cầu nguyện. Rồi lại dồn sức quẫy một cái nữa, thấy một chân cơ đã mềm, anh đạp mạnh vào bắp chân kia. Cảm giác nhói buốt, tê cứng đã đỡ, bắp chân co ruỗi được. Anh cố nhoài người, xoáy nước vẫn hút rất mạnh và Thái đã ở ngay cạnh cái miệng phễu lõm hẳn xuống, tối như miệng quỉ, đang không ngừng phát ra cái tiếng gọi của thần chết hụt ! hụt! lạnh buốt. “Chao ôi, chả lẽ mình bị kéo xuống đáy cái xoáy nước này”. Trong anh bừng lên sự phẫn nộ ghê gớm, người nóng bừng, nổi hẳn người lên và bằng động tác lão luyện ngợp đầu xuống dồn hết sức vào đôi chân rắn chắc, đạp thật mạnh, nhoài lên, và hai cánh tay xải mạnh về phía trước. Thân người Thái vút lên như một con cá kình, cái xoáy kéo lại, sự giằng co của cái chết. Một cái vút nữa, anh lao như bay lên. Cái xoáy chết cố co kéo; ngụp đầu xuống, lại một cái vút lao nữa, anh như nắm được sức mạnh của thần sông, trở thành kẻ thắng cuộc và anh đã thoát ra khỏi cái xoáy kinh khủng của mùa lũ. “Hụt! Hụt rồi!” Cái xoáy chết, như xấu hổ, như thở dài che kín mặt; một lát sau nó lại rít lên ở phía trước phía hạ lưu, dìm cái cây lớn bị bật rễ trôi về, có con rắn cạp nong đen vàng đang thè cái lưỡi liên hồi kêu cứu. Thái quay ngoắt ngược chiều, vùng vẫy. Cái động tác thoát ra khỏi sự chết của người bơi giỏi bao giờ cũng đẹp một cách đầy kích động. Thái thả người bằng động tác bơi ngửa thư giãn. Không! Sức mạnh thiên nhiên hung bạo một cách vô thức không giết nổi anh, Thái chắp hai tay vào miệng quay về phía bờ, gọi:

–                             Đại đội trưỏng ơi, xuống tắm đi, khoái ghê lắm cơ.

Toàn cũng chắp tay vào miệng cười vọng xuống:

– Tớ là dân trâu đeo mõ, chó leo thang, sợ sông rộng l…ắm

Thái nhoai hẳn nửa người lên với động tác bơi bướm bay như con cá chuồn. Rồi anh lại ngụp xuống, mặc dù nước đang rất đục, Thái cũng mở mắt ra, bức tường vàng mờ ảo sao hấp dẫn đến vậy. Thái ngụp người quẫy đạp, rồi bằng một động tác vặn người anh băng lên mặt nước. Ngực đầy căng bởi một hơi thở sâu, muốn hét thật to, anh thấy mình được rửa sạch, ý nghĩ trở nên trong sáng, cơ bắp khỏe mạnh, dường như vừa  được nạp thêm, được tích tụ thêm nguồn năng lượng sống mới; con người anh đầy nghị lực. Giống như một chú cá bấy lâu bị giam giữ, anh cứ vọt lên rồi lại ngụp rõ sâu.

Toàn đứng trên bờ nhìn hút theo Thái bơi về phía cái cồn lớn ở giữa sông một cách thèm thuồng. Thấy mấy cô dân quân giơ tay lắc lắc, Toàn liền vẫy họ. Hai cô gái đứng hẳn lên bờ công sự giơ bàn tay xua ngang, bấy giờ Toàn mới hiểu ý các cô gái. Anh chụm tay lên miệng, gọi to:

– Thái ơi, vào  th…ôi. Nước nguồn đổ về. Dưới đáy sông có nhiều bom từ trường…đới…

Thái không nghe thấy tiếng người Đại đội trưởng gọi hốt hoảng. Anh xoải tay vươn mình phóng di. Những cây gạo lớn ở ngoài cồn xa mùa rụng lá trơ cành giống một đoàn chiến binh gân guốc xếp hàng dọc tiến về cửa biển vẫn ngoái đầu vẫy gọi. Anh bơi, ngọn gió thổi ngang đầu, những con sóng du mạnh táp lên mặt, gắn chặt những lọn tóc thanh xuân vào vầng trán .Con sông nổi tiếng xiết qua những xóm làng trù phú, về tới đây mở lòng ra đón lấy anh trò chuyện và nâng anh trong bàn tay mát lành mà vốn dòng sông nào cũng dư thừa.

Đang mê mải bơi Thái bỗng dừng sững lại. Cách phía trước mặt chừng năm chục mét một quả bom từ trường tự huỷ nổ tung. Cột nước bốc vọt lên cao, khối nước vàng chói và đen kịt trùm lên người Thái. Rồi một quả bom từ trường ở rất gần anh bị kích thích, nổ bùng. Khối nước cực lớn chói rực, Thái kịp cảm thấy mình bị nâng bổng lên, toàn thân hẫng hụt, rồi bị hất cao tít lên trên không. Trời đất bỗng nhiên tối sầm, nước sặc vào mũi, tuôn vào họng ngạt thở. Trong khoảnh khắc anh thấy mình lơ lửng, bị dìm tít dưới đáy sâu rồi lại bị đẩy lên lập lềnh, trôi giạt.

Toàn để nguyên cả quần áo lao xuống sông. Anh không đủ bình tĩnh, định thần lại, tìm cách lao xuống cứu đồng đội. Bộ quần áo dài vướng vít, đôi giày trở nên nặng trĩu. Toàn cố vùng vẫy, cố ngoi lên mới thoát khỏi hụt chân chìm nghỉm trong dòng nước xiết. May quá, bàn chân đã chạm đất, Toàn choài vào bờ, dứt tung cúc , cởi áo, cởi quần dài, nhưng rồi anh đứng đờ ra, bất lực. Anh kêu lên bằng cái giọng đã mất hết bình tĩnh.

– Ối giời ơi! Có ai ra cứu người với.

            Xung quanh không có ai thưa, tiếng vọng từ bờ cồn sông đập lại vang rền rĩ. Toàn bước đi lảo đảo, tuyệt vọng.

            Nhìn về phía con đê ở xa trong đầu Toàn chợt loé lên ý nghĩ phải kêu to hơn nữa. Anh để mình cởi trần, ướt rượt, tong tả chạy xuôi dòng sông, miệng vẫn kêu: “Có ai biết bơi cứu người với”.

Phía ụ súng máy trực chiến canh đê, các cô dân quân nhào ra đứng cả trên bờ kè đá nhốn nháo. Họ chạy ra, chạy vào, nhìn ở xa như hình người trên đèn kéo quân. Thế rồi một cô gái lao vụt xuống dòng sông lúc này càng trở nên hung dữ. Sức chấn động mạnh do hai quả bom nổ dưới lòng sâu tạo ra những con sóng lớn lừng lững đổ ụp vào hai bên bờ. Cô gái bơi rất chật vật, chìm xuống mất hút rồi lại nổi lên. Con sóng lớn hất văng người, nước táp kín mặt, cô nghển lên ho sặc sụa. Cô ngửa người, hình như bây giờ cô mới nhớ mình đang mặc cả quần áo dài mà bơi. Dùng một tay bơi ngửa, tay kia cô gỡ quần áo dài, thả cho dòng nước cuốn đi.

Khúc sông chỗ các cô trực chiến hẹp lại, lượn một vòng cua gấp vì thế nước rất xiết, đoạn đê này là nơi xung yếu, họ mang súng ra đặt phòng máy bay Mỹ ném bom phá đê. Các bạn cô nhao ra chỉ trỏ, lo lắng cho Lam Hồng. Cô vừa bơi vừa khóc tấm tức. Cô không hiểu sao anh lại hứng lên bơi trên khúc sông mà ở dưới đáy nhan nhản bom từ trường, do máy bay Mỹ thả, phong toả bến cảng và bến phà I, phà II, phà III. Lam Hồng nhìn rõ Thái từ khi anh cởi quần áo khởi động rồi lao mất hút vào dòng nước kéo chìm xuống sâu. Tưởng mình chết đuối đến nơi, cô nhắm mắt lại quẫy đạp, cô nín hơi thở nhoi lên. Sau đấy không biết bằng một sức mạnh nào cô đã sang được phía bãi, ở nơi đấy nông, nước chảy nhẹ hơn.

Thái bị hất về phía bãi nổi. Những con sóng lớn đẩy anh trôi giạt vào bờ. Một khúc gỗ dài từ thượng nguồn trôi về mắc ở đám cói đã giữ anh lại. Nếu không có khúc gỗ Thái đã bị cuốn đi tiếp và làm sao cô gái có thể tìm thấy anh.

Lam Hồng kéo Thái và kéo luôn cả khúc gỗ vào bãi. Cô chật vật nâng người anh đặt lên khúc gỗ cho đầu dốc xuống. Trong một phút tĩnh trí, Lam Hồng chợt nhận ra cô chỉ mặc đồ lót, còn anh không có quần áo. Cố lúng túng, tay chân run bắn, người nóng bừng như lên cơn sốt. Cô nhắm mắt, mấy lần cố mở ra lại nhắm tịt lại. Nhưng tính mạng anh đang bị đe doạ, mặt anh xám ngoét, đầu ngoẹo sang một bên, chậm một vài phút anh có thể tắt thờ vĩnh viễn.

*

*      *

Thái thấy mình bập bềnh trôi trong một thế giới xa lạ. Xa lạ tới mức không tìm thấy những nét thân thuộc nào hết, ở đấy ai cũng biết bay, ai cũng nhẹ lâng lâng, một thế giới của thần tiên, con người sống với thần tiên. Ngột thở quá. Cơ thể anh tan nát, vỡ ra hàng ngàn mảnh. Những mảnh vỡ ngọ nguậy, sinh động vẫn đang khao khát sống. Bỗng dưng từ đâu dồn đến chỉ thấy lửa và khói. Từng mảnh sống ở con người anh bị đốt nóng, bị sấy khô khét lẹt. Trong ngột ngụa khói, anh đi tìm, kia rồi dòng sông hiện ra mênh mông, toả ra thứ ánh sáng rực rỡ màu sắc. Những mảnh người vẫy nhau, chào nhau, từ biệt nhau rồi loà lẫn vào dòng sông lóng lánh bạc. Đang là mùa xuân, hai bên bờ sông hoa gạo nở đỏ rực trong bầu trời xuân mờ sương khói. Rồi hoa đỏ rụng từ khi nào không ai hay, những quả nhỏ tròn xinh ngây thơ như nắm tay trẻ con. Quả tròn căng nứt vỏ, muôn ngàn sợi bông nuột nà bay ngẩn ngơ trong khoảng không rộng lớn, mỗi sợi nâng niu một hạt mầm nhỏ xíu. Thế rồi trong bầu trời hằng hà sa số hạt sống đang lang thang tìm nơi đậu xuống, xuất hiện các nàng tiên. Các nàng tiên vẫn tắm ở cái giếng đá trước miếu Thành hoàng. Họ đấy. Họ đông đàn tươi trẻ ,nhốn nháo, bạo dạn, nghịch ngợm, cả một khối văn hoá đùa vui, dân dã, sâu lặng và sâu sắc ở sau lưng, ở trong con người họ. Họ mang nước đi tưới mát cho các trận địa bị đốt cháy. Các trận địa ở đâu?

Bỗng nhiên trời nổi gió, những trận cuồng phong đen, điên cuồng dữ dằn. Những chiếc máy bay hình thù cổ quái, vãi xuống cơn gió đen làm dòng sông vàng ánh  phù sa, nát vụn. Cả không gian, cả vũ trụ rung trong tiếng rú, tiếng gầm gào. Các nàng tiên vẫn bay trong bầu trời đen kịt đó, từ da thịt, từ sắc phục toả ra thứ ánh sáng rực rỡ, ánh sáng soi rọi vào tận sâu sự tan vỡ ở Thái. Những nàng tiên bay đi gọi những mảnh vụn của sự sống chập lại, họ sửa sang ve vuốt, vỗ về chúng để chúng đừng tan đi, mà gắn lại thành một vũ trụ nhỏ, thành một cơ thể sống. Con người vừa được sáng tạo trở lại, toả ánh hào quang rực rỡ…

Cô gái không biết đã quỳ bao lâu phía trên đầu Thái, nắm lấy hai cánh tay anh, đưa sát vào bụng mình rồi lại đưa rộng ra. Thân người anh vẫn tái xám, im lặng một cách đáng sợ. Hai tay mềm nhũn, da bàn tay xeo lại, nhợt nhạt. Đôi mắt hé ra đờ đẫn không một ánh nhìn, đôi mắt đục của người chết. Cô gái cuống cuồng, trong một lúc gần như tuyệt vọng, cô chuyển tư thế, cúi sấp trên người anh, hai đầu gối quì hai bên ngực, ghé miệng vào mồm hút bùn đất, dãi bẩn, nhổ đi rồi hô hấp trực tiếp cho anh. Từ lồng ngực anh, nước trào ra ngoài miệng, cô gái ra sức hút, cặp môi anh đỡ xạm tái không biết có phải vì do cô ngậm môi mình vào lâu, nó thế chăng? Một dòng máu nhỏ trào ra ở khoé miệng. Cô ngậm môi vào hút đi cho anh.

Thấy người anh như hơi ấm lên ,cô bật khóc lên nức nở. Cô hấp tấp gọi:

– Anh Thái ơi, anh Thái! Tỉnh lại chưa anh Thái?

Cô dùng hết sức hít hơi cho đầy căng lồng ngực non trẻ rồi ráng thổi vào miệng anh.

– Anh Thái ơi! – Cô gọi tha thiết, nức nở: – Anh không nhận ra em hay sao? Tỉnh lại đi anh Thái!

Trên cái thân xác to lớn đẹp đẽ vẫn trùm lên sự im lặng tê tái. Cô gái oà khóc to hơn. Tiếng cô oà ra trên bãi sông hoang vắng. Sao cái chết đáng gào thét, đáng nguyền rủa, đáng phỉ nhổ đến thế này. Người Thái lạnh băng. Cô gái hung cuồng áp ngực mình xuống ngực anh, mong mỏi một cách tuyệt vọng truyền sự sống sang cho anh.Cô không ngừng thổi hơi vào miệng Thái rồi gọi anh tha thiết, tha thiêt tới mức tưởng như người chết lâu rồi cũng phải sống lại.

– Anh ơi! Em đây! Lam Hồng đây! Em gọi anh, anh Thái, em ôm lấy anh đây. Tỉnh  lại đi anh Thái. Ôi! Người anh nóng lên rồi đây này.

Cô gái luồn hai tay vào sau gáy, khẽ nâng đầu anh dậy, tì ngực mình vào ngực anh ra sức thổi, truyền hơi ấm sang cho anh. Cô nghiêng đầu ghé tai vào ngực, sung sướng đến sắp ngất đi vì nghe tiếng con tim đập yếu ớt. Con tim yếu lắm song nó đã đập rồi, và trái tim con người đã đập thì không gì bắt được nó thôi không đập nữa.

– Anh Thái! Anh có nhận ra em không? – Cô khẽ đặt bàn tay lên ngực trái và nhận thấy một cách sung sướng, trái tim anh đập đã mạnh hơn.

Đôi mắt Thái từ từ mở ra mệt mỏi rồi nhắm ngay lại.

-Trời ơi! Anh tỉnh rồi! Anh mở mắt ra em xem nào?

Đôi mắt to choàng mở, ngơ ngác. Anh đang ở đâu? Ai đang ôm lấy anh ấy nhỉ?

Chỉ một thoáng sau anh chợt hiểu rõ mọi việc khi nhìn vào cô gái. Trong đôi mắt còn đỏ mọng, cái nhìn ánh lên thăm thẳm, mênh mông sự sống. Cô reo lên:

– Ơ anh Thái sống rồi! Sống thật rồi! Mẹ ơi!

Đôi mắt anh nhìn cô gái như hút vào mình, ánh mắt nhìn lạ lùng đến nỗi cô gái chợt ý thức trước tư thế gần như cúi sấp trên người anh. Cô hoảng sợ nhớ được rằng mình chỉ mặc quần áo lót. Và rồi cô gái gần như có một nỗi kinh sợ ùa đến, vụt đứng lên ù té chạy xuống nước. Cô hớp một hơi dài lặn xuống sâu bơi đi. Cô bơi vùn vụt ra xa bờ trốn chạy. Thái cố gượng lật sấp người, ngẩng đầu  lên gọi hốt hoảng:

–                             Lam Hồng! Em ơi!

Cô gái nghe tiếng anh gọi, thấy mình hãi hùng thật vô lý, vũng vẫy đạp nước quay vào bờ. Chân vừa chạm đất, cô đứng xuống, hở từ cổ trở lên. Thái cũng xoay khuất mình bên kia khúc gỗ.

–                             Lên đây em!

–                             Không! Em không lên được, anh đã tỉnh hẳn chưa?

–                             Anh tỉnh rồi, lên đây với anh.

–                             Không! Em không lên được.

–                             Em không lên, anh lại ngất đi bây giờ.

Cô chạy nhào vào bờ đứng lên, lại dìm người xuống. Cô quay đi cảm thấy anh đang nhìn vào búi tóc và đôi vai trần của mình. Thật vô lý vứt anh nằm một mình ở đây. Nhưng cô cũng không thể ăn mặc như thế này lên với anh được. Hơn nữa anh lại chưa có quần áo…

Trong cô gái xuất hiện một cảm giác lạ lùng, ý nghĩ cũng trở nên lạ lùng, bộ ngực non trẻ phập phồng như muốn vỡ ra.

–  Anh ở đây nhé! Thuyền ra rồi kia kìa. Em về đây!

 

Chương mười

Sáng sớm một trận đánh nhỏ xảy ra. Có thể bằng nguồn tin nào đấy Bộ tư lệnh Mỹ biết có đơn vị pháo cả gan kéo về trận địa đầu cầu cảng, áp sát bến phà và một kế hoạch tác chiến ác độc đã được vạch ra.

Hai chiếc F4 bất ngờ xuất hiện không lượn vòng mà nâng độ cao bổ nhào ngay. Chúng rải xuống hai loạt bom, thứ bom cũng nằm trong bom mẹ như bom bi, nhưng có gắn thêm mũi khoan nhỏ ở đầu nên sức xuyên sâu  hơn nhiều.

Hơn một nghìn quả bom khoan rập xuống, nổ hắt từ Sở chỉ huy về bến phà. Bãi khói bom ở dưới thấp ngang lưng người, đầu tròn, trong ánh sáng buổi sớm nhìn sàm sạm, chúng khẽ lắc lư trong gió chưa chịu tan, nhìn vào đó thấy người rờn rợn như sắp bị bắt phải ăn một hũ nấm độc.

Đây là lần đầu tiên địch dùng bom xuyên đánh vào trận địa. Do các loài cây dại thanh hao, xấu hổ tía, xấu hổ trắng, tre hoang, cây cộng sản, cây tứ thời trong suốt mùa mưa mọc um tùm nên chúng chưa phát hiện đúng vị trí mà vẫn đánh hú hoạ. Biết ở đó có pháo về song chính xác chỗ nào thì chưa xác định được.

Thái dùng xẻng đào khá lâu mới lấy đựơc mũi khoan nhỏ, màu sáng trao cho đại đội trưởng. Toàn đón mũi khoan múp míp xoay đi xoay lại, nhìn kỹ, đoạn anh ấn mạnh khoan vào đùi, nói đùa:

– Cái mũi này đâm vào đùi thì ngọt đây! Nó xơi gọn khúc xương. Mình về lại lên nạng gỗ.

Toàn nhìn quanh trận địa, đôi mắt trở nên lo lắng. Thái nhìn ngựơc theo con đường kéo pháo vào làng và nhìn vào đôi mắt đói ngủ ở đại đội trưởng, cảm nhận được ở đấy sự không bình thường.

– Sáng bạch rồi anh nuôi chưa mang cơm ra trận địa, máy bay đến đánh nữa anh em lại nhịn đói cả ngày.

Trong làng đang xôn xao, bóng các cô gái đi lại vội vàng. Họ hấp tấp đi tắt qua những cái nền nhà trơ trọi, sang nhà bếp đại đội tám. Các pháo thủ đang ngồi trực ban, nghe thấy từ trong làng dội ra tiếng ồn ào, linh cảm thấy chuyện gì không bình thường cũng đứng hết cả dậy trên mâm pháo. Toàn hô to:

– Đang còn báo động cấp I, pháo thủ các khẩu đội giữ đúng vị trí trực ban. Quay pháo về hướng cơ bản.

Hai khẩu pháo quay chầm chậm. Đứng ở Sở chỉ huy nghe rõ tiếng cành nguỵ trang cản gió. Pháo thủ không tập trung nghe lệnh của Đại đội trưởng, họ vẫn đang chờ một biến cố gì xảy ra.

Toàn giục Thái:

–                             Ông Thái vào ngay nhà bếp xem sự tình thế nào!

Thái dặn Đỗ quản lý Sở chỉ huy nếu xảy ra đánh nhau. Anh chạy theo đường kéo pháo, tránh bãi bom từ trường ở gần trận địa, nhảy qua một cái cống nhỏ bị trúng pháo biển còn trơ lại hai đầu mố rồi chạy như bay vào làng.

Quanh chiếc lán nhỏ dựng cạnh căn hầm lớn nhà bà mẹ đang rất đông người, nhiều nhất là các cô dân quân. Bà mẹ cúi lom khom, tay cầm xẻng xúc cơm ra cái xoong lớn. Lam Hồng quay lưng lại phía Thái, tóc búi cao, cúi đầu thổi lửa, tàn tro bám đầy trên mái tóc. Nhìn cảnh nhà bếp ngực Thái nặng trĩu, anh hiểu ngay sự tình, tuy vậy vẫn hỏi bà mẹ:

–                             Quản lý nhà bếp với anh nuôi đi đâu cả rồi mẹ?

Bà mẹ ngẩng lên, đôi mắt tăm tối:

–                             Bỏ đi hết rồi còn mô!

–                             Chúng nó đi lúc nào hả mẹ? Thái hỏi bà mẹ mà giọng lại gắt lên.

Bà mẹ thủng thẳng:

– Đi khi tối. Chú quản lý nói dẫn anh em nhà bếp ra đơn vị họp. Tau thức chờ không thấy về.

Thái nghiến chặt hai hàm răng:

– Sao mà chúng nó hèn đến thế không biết. Bỏ trốn không nhắn lại gì để cả đơn vị nhịn đói đánh nhau. Ngồi vêu mặt chờ cơm.

Thốt xong câu nói đó, tự anh cũng thấy mình vô lý, chúng đi cốt thoát thân, sợ bị lộ tẩy, thì còn nhắn lại cái gì cơ chứ.

Bà mẹ nhìn Thái dò hỏi, trong  lòng bà đang cuộn lên những ý nghĩ đau đớn, nó làm rối tung tấm lòng thương xót của một người mẹ. Bà giương đôi mắt kém lên nhìn Thái. Lạ chưa, từ đáy đôi mắt ấy vụt lên ánh mắt khiến lòng Thái nôn nao; ánh mắt thật nhất, không còn gì che phủ, e giữ, cặp môi bà run run:

– Trận địa hôm nay còn đánh được mấy khẩu đội hả Thái!

-Dạ hai khẩu. Trong hai khẩu đội có một đủ số, còn khẩu nữa không có số ba đo cự ly, không có số 5 nạp đạn, số 4 lấy hướng bay, pháo bắn phỏng chừng.

Bà còn định nói thêm điều gì nữa, nhưng Thái đã đi rảo quanh bếp, rồi chui vào chiếc hầm lớn dùng làm kho. Thái hỏi với ra:

– Chúng nó có lấy gì mang đi không mẹ?

Tiếng bà mẹ rè rè:

– Tau không tường. Hình như có mang đi ít thịt hộp với gạo. Chú quản lý nói đem ra trận địa bồi dưỡng cho anh em.

Thái đứng như bị chôn chân, đôi mắt toé lửa nhìn hút về hướng bắc. Xiết bỏng qua trong lòng anh ý nghĩ bây giờ chúng đã ra ngoài vùng bom đạn ác liệt, nghênh ngang đi giữa ban ngày, đi giữa nườm nượp người và xe cộ. Phải đuổi theo bắt chúng lại, ý nghĩ ấy làm tim anh đau thắt. Lát sau, đã bình tĩnh hơn, ngẩng lên thấy bà mẹ vẫn đứng trước mặt và đang nhìn mình vẻ dò hỏi thì Thái lại tự cười cái ý nghĩ có phần nông nổi, hấp tấp vừa rồi, “Đuổi theo mà làm gì. Trong cuộc truy đuổi trường kỳ của cả ngàn cuộc chiến tranh đối với dân tộc Việt, thiếu gì kẻ trốn chạy, hoặc vì hèn nhát hoặc vì phục vụ cho cái lợi ích của bản thân hay một nhóm người. Ở cái đất đau thương, đã giữ vào lòng nó bao nhiêu lớp xương trắng, máu đào này, có lẽ vĩ đại nhất là những bà mẹ, những người vợ, những người con gái chứ chưa phải những vĩ nhân. Bởi vì sự gìn giữ sự sống cho dân tộc ở họ còn gian nan hơn những điều mà chúng ta cảm biết được rất nhiều. Há chẳng phải đã bao nhiêu lần ngoại bang định tìm cách làm cho dân tộc này tuyệt diệt đó sao! Họ dùng chiến tranh để huỷ diệt, sử dụng đòn chinh phạt truy đuổi sự tồn tại, sự hiện diện của một cộng đồng nhỏ bé. Các cuộc truy đuổi ngày càng nghiệt ngã, lần sau gấp gáp hơn lần trước. Và cho đến lần này nó bi thiết hơn, cuồng nộ hơn thôi, chứ không phải là sự đột khởi. Vậy nên có kẻ lạc loài cũng vẫn là lẽ thường, cũng nên chọn một cách ứng xử bình thường. “Có lẽ đối với chúng còn lại sẽ là sự nguyền rủa của hậu thế chứ không cần đến hình phạt khắc nghiệt như các dân tộc khác”.

Từ lúc Thái xuất hiện, Lam Hồng vẫn húi húi bên bếp không nhìn anh, một lúc sau cô đã sắp xong gánh cơm. Cô với chiéc áo “phòng không” vắt trên gốc cây cam cụt ngọn mặc vội vào người, lòng bối rối, hai bàn tay trở nên lóng ngóng. Ban nãy cô chỉ mặc chiếc áo đông xuân cộc tay nên muốn đứng lên chào anh mà không dám, cứ phải cúi xuống thổi lửa, tàn tro bay cả vào mắt. Thái cúi xuống cùng cô khiêng chiếc nồi quân dụng đựng đầy nước đun sôi để nguội san bớt sang đôi thùng tôn. Thoáng qua trong anh nét mặt hoảng hốt lúc cô bỏ anh nằm trên bãi cát bồi lao xuống sông. Cô lặn sâu xuống nước, lại nhô đầu lên như làm một cuộc hoá thân.

Thái nhìn đăm đăm khiến cô gái xấu hổ phải giấu mặt vào vai. Anh thấy cô gần gũi tới mức có thể cầm lấy đôi bàn tay rám nắng mà không sợ cô có một phản ứng bất thường nào. Hai bàn tay nắm lấy tai nồi quân dụng chập chênh, hình như cô hơi chao đi, cái nồi chòng chành, làm nước không rót vào thùng mà trào cả ra ngoài. Cô cười bẽn lẽn, gò má rám nắng đỏ ửng lên.

Có tiếng động cơ máy bay rùng rùng từ phía biển đội vào. Thái ngẩng phắt lên…Tiếng máy bay mỗi lúc một gần, chúng bay vào một tốp đông đến gần hai chục chiếc. Gần như là một bản năng, Thái vùng chạy về trận địa.

 Bà mẹ nắm lấy tay anh, bị anh kéo mạnh mất đà lao theo, suýt nữa ngã nhào.

–                             Con đừng về vội.

Cô gái hấp hấp chộp lấy cái mẹt đậy quàng lên mấy chiếc xoong nhôm đựng thức ăn. Bà mẹ lúng túng tay giữ Thái, mắt liếc nhanh nhìn con gái như vụng trộm, rồi bà cố nói ra cái ý định nói với anh từ ban nãy!

– Con ơi, bỏ pháo đấy vô làng mà ở. Hắn đánh chết hết mất thôi! Bay kệ cho hắn thả bom. Khi mô hắn thả hết mình hẵng về.

Cô gái ngước nhìn mẹ đầy ý trách móc. Sao mẹ nỡ nói ra những lời ấy. Nhưng rồi nhìn ra mấy khẩu pháo, nhìn Thái, mắt cô cũng rân rấn nước, mẹ nói đúng, người còn ngần ấy, một nhúm người, pháo nhép hai khẩu, mà máy bay chúng nó vẫn săn đuổi.

Thái nhè nhẹ gỡ những ngón tay bà mẹ. Người anh run bắn lên, tự dưng anh muốn khóc, khóc thật to, khóc thoả thuê, gục đầu vào bộ ngực còm cõi để hai cánh tay gầy guộc ôm lấy anh mà gìn giữ, chở che. Nhưng rồi anh vùng chạy.

Bà mẹ cũng vùng chạy theo anh, thoắt chạy ra ngõ chân bà bước thập thõng, gió bấc mang theo khói bom thổi xiết mái tóc bạc trắng, những sợi tóc túa ra chéo qua mặt. Đôi vai gầy khiến tay áo trễ xuống, còn tà áo gió lại hất bay ngược lên. Cô gái hốt hoảng:

-Mẹ đi mô bây giờ?

– Tau ra trận địa với bọn hắn chứ còn đi mô nữa!

Cô gái vồ lấy đòn gánh, quẩy bổng gánh cơm trên đôi vai còn đang mỏng. Cô đuổi theo Thái và bà mẹ ở phía trước.

*

*       *

Tốp máy bay lượn mấy vòng rồi bỏ đi, đấy là một dấu hiệu lạ từ ngày chúng bắt đầu ném bom hạn chế tới giờ.

Bà mẹ bước lắt thắt ở phía trước, Thái dừng lại đòi gánh đỡ gánh cơm nặng cho cô gái nhưng cô gái không chịu trao cho anh. Đi qua một vũng nước lớn cô đưa tay cho Thái dắt. Qua hết vũng nước rồi, anh vẫn lạm dụng nắm tay cô, chưa chịu buông. Cô để im như vậy một lát, rồi đứng lại, buông bàn tay đang giữ đòn gánh, nhè nhẹ gỡ những ngón tay anh. Thái thấy bàn tay mình hẫng một lát, lòng bâng khuâng, anh bước rảo lên cho kịp bà mẹ.

Anh đang đi ở phía trước, chốc chốc lại ngoảnh nhìn về phía sau. Cô nhìn đôi vai rộng, cái cổ to và cao có những ngấn rõ như cổ con gái, đầu anh ngẩng cao, tất cả đều như có những con mắt riêng nhìn cô và nói với cô một điều gì đấy thật đằm thắm. Đôi mắt to nâu sẫm ấy, mái tóc dầy dặn ấy, đã thuộc về cô ư? Không phải! Tất cả đã là của cô rồi sao? Cũng không phải! Đồ dớ dấn! Đồ hâm hấp! Đồ nhận vơ. Ai bảo? Ai nói đấy? Ai đặt điều dựng chuyện? Ai quàng xiên vậy? Không! Của tôi tất cả đây! Của tôi đấy nhé! Tất cả những gì ở anh đều của tôi. Anh đã như là chết và cô chẳng sáng tạo lại anh đó hay sao?

Anh bước đi phấp phỏng. Đôi vai cứng cáp động cựa trong chiếc áo xuân hè ôm vừa người. Cái cổ cũng động cựa và hơi đỏ lên. Còn cái đầu nữa, nó động đậy như dò hỏi “Em đang nhìn trộm anh phải không?”

Do gánh nặng, cô phải chạy gằn và Thái lại đi lùi về phía sau cô gái. Chiếc đòn gánh nhảy nhót trên đôi vai chưa kịp tròn đầy uốn mình dẻo quẹo. Cô bước vội vàng trong cái ý nghĩ thắc thỏm, trái tim bỗng đập dội lên thì thụp “Anh ấy đang nhìn mình. Anh ấy nhìn thấy da thịt mình”. Toàn thân cô như bật lên trong một ý nghĩ lớn dậy đến chóng mặt, cô thấy xấu hổ, hai má nóng bừng. Cô muốn chạy thật nhanh, muốn bay lên. Hình như cô bay lên thật; bay lên để trốn chạy và bay cao trong niềm hạnh phúc, trong sự cảm thông đắm đuối thuộc về con người.

Ở người con gái khi đã nhận biết giới tính mình, bắt đầu kín đáo giữ gìn thì thân xác họ dần dần hình thành sự bí mật thiêng liêng. Bí mật của một vũ trụ. Người con gái ý thức được sự bí mật ấy, ý thức được sự khao khát tìm kiếm, lật tìm bí mật của thế giới bên kia. Vẫn bí mật, bí mật tuyệt đối, truyền kiếp. Sự khao khát, sự ước mong truyền kiếp. Nếu không còn sự ước mong ấy, sự khao khát ấy thì con ngươi trở về sinh sản vô tính, thành nhân bản và bởi vậy phải bảo toàn bí mật thiêng liêng. Bí mật là ngôn ngữ riêng của sự trong trắng,  trinh bạch. Cô gái sống đắm đuối, mê say, vừa mạnh mẽ vừa mềm yếu trong cái thế giới mông lung vừa có thật vừa huyền ảo với sự bí mật như thượng đế. Và cô gái trở nên bí hiểm, bí hiểm đến ngột ngạt đối với các chàng trai, từ cái liếc nhìn của ánh mắt, từ cái nguýt mắt cháy lòng đến lời nói ẩn tình, ngay đến sự phản ứng trước cái gì sống sít, sống sượng, đến cả sự bay lên của cô ấy, cũng bí hiểm chứ sao! Thế rồi để một khi sự bí mật bị phát giác thì bức màn bí hiểm được dần dần gỡ bỏ, cô gái đã yêu và cô gái sẵn sàng trao gửi trái tim mình.

Người con trai chọn bước đi sau cô kia, đối với cô không còn chỉ là hình hài của thân xác, trái lại đã toả sáng trong cô một khuôn mặt tình cảm, của tinh thần không có sự tận diệt. Trước anh cô không còn giữ được bí mật gì nữa chăng!

–                             Nhảo chân lên các con! Bà mẹ quay lại giục.

–                             Mẹ ơi – Cô gái gọi thổn thức.

Bà mẹ đứng lại nhìn con lo lắng:

–                             Chi rứa con, con gái mẹ làm sao thế? Nặng quá có phải không!

–                             Mẹ đừng nói chuyện ấy nữa đấy nhá.

Anh lính tưởng chuyện gì có dây mơ rễ má tới mình, bước dấn lên, nói với cô gái:

–                             Cô đưa tôi gánh đỡ cho một quãng. Gánh cơm nặng quá.

Cô gái ngước nhìn anh biết ơn:

– Không, em không nặng mô anh Thái.

Cô nghiêng người tránh anh. Ý nghĩ của cô hướng về người mẹ. Cô lo sợ nhỡ ra mẹ cậy là người có tuổi nói thẳng với đại đội trưởng mang hai khẩu pháo đi giấu rồi cho bộ đội sơ tán vào làng thì thật nguy hại. “Mẹ ơi, mẹ đừng nói. Sao mẹ lại nỡ nói vậy. Mẹ sợ bom đạn làm chết hết các anh ấy ư? Không! Các anh không còn là của riêng các anh ấy nữa rồi. Các anh không sợ. Mẹ không sợ. Chúng con sẽ ra trực chiến với bộ đội. Con sẽ ra trận địa với anh ấy!”.

*

*       *

Tốp máy bay A7 trên bầu trời kéo đi đâu tận phía xa như cố tình gây cho con người dưới mặt đất hy vọng mong manh ở sự bình yên rồi bất thần quay lại rú rít, gây thêm cho họ nỗi sợ hãi. Bọn phi công Mỹ thừa biết một phút không có tiếng máy bay, không có tiếng bom nổ đối với tất cả mọi người trên trái đất này quý giá đến nhường nào.

Cô gái đặt gánh cơm xuống cửa hầm thông tin ở Sở chỉ huy. Bà mẹ cùng với Đỗ vội vã khiêng nồi quân dụng cơm và xoong thịt hộp xào cải canh vào hầm. Để trong đó dù đánh nhau vẫn có thể chia sẵn cơm cho các khẩu đội pháo. Tốp máy bay hạ độ cao xuống dưới mây, bắt đầu lượn vòng. Thái báo cáo với Toàn cho khẩu đội ba cùng đánh để tăng thêm hỏa lực, anh nhìn thấy từ trong làng các cô dân quân theo đường hào chạy ra trận địa. Toàn đồng ý. Thái giao Sở chỉ huy lại cho Đỗ, vọt ra khỏi hầm chạy như bay xuống hầm pháo khẩu đội ba. Cô gái chạy theo anh xuống cái hầm pháo trơ khấc không có người.

Bầu trời đầy mây, mưa liên miên làm công sự pháo đầy nước, phải đắp bờ nhỏ ở cửa hầm ,dùng mũ sắt tát nước ra. Nền hầm pháo lõng bõng thứ bùn vàng sẫm, trên mặt óng ánh lớp váng than đen. Trận địa đặt trên bãi đất trước kia là nơi để than của cảng, phải đào qua lớp than dầy cả gang tay mới tới lớp đất thịt dẻo quánh. Đất ấy trộn với than đắp lên thành hầm, rắn chắc như gạch nung.

Thái nhấn khẽ bàn chân đầy than lên bàn đổi tốc của pháo thủ số hai. Gót chân, ngón chân , cả móng chân nữa, đều đen kịt, những ngón chân đen dài nghều ra như chân người tiền sử. Khắp mặt Thái cũng dính đầy thứ nước than đen. Thái nhắc cô gái:

– Em quay pháo theo tiếng máy bay đi!

Tốp A7 lại trườn lên, bay như chơi ú tim ở trên lớp mây dầy. Chúng chưa muốn xuống thấp mở màn trận huyết chiến với pháo cao xạ, mà chỉ nối nhau lượn vòng, rồi bất ngờ sà ra khỏi mây cắt một loạt bom bi hoặc bom bi xuyên. Đàn bom con rít o o o như ong, nhãng đi vài giây, bom đã rít chói óc, nổ sầm sập.

Cô gái tựa hẳn lưng vào ghế pháo, bàn chân đạp mạnh bàn đổi tốc để quay pháo cho nhanh. Ở bên kia, Thái cũng quay tay tầm thật nhanh để đón đầu chiếc máy bay đang từ một góc trời quang mây lao ra và bắt đầu bổ nhào. Thái bắn một loạt ngắn. Chiếc máy bay vội vã cắt bom. Hôm nay bọn này có vẻ ăn non, Thái vẫn ngờ ngợ một cái gì là lạ ở tốp máy bay.

Loạt bom dạt ra nổ ở bãi than bên ngoài trận địa. Đất cùng với mảnh bom văng vào hầm pháo rào rào. Than cám bắt lửa bốc lên không, cháy lem lém.Có những hòn than kíp lê cháy nhói sáng rồi tắt lịm, rơi xuống, kéo theo cái đuôi khói nhỏ, dài ngùng ngoằng, ánh lên màu vàng tươi của sợi khói lưu huỳnh, khác hẳn mùi khói bom. Thái hỏi cô gái:

– Em có thấy sợ không?

– Không! Em không sợ.

Anh nói giọng trầm tĩnh:

– Đã một lần anh rời Sở chỉ huy xuống làm khẩu đội trưởng pháo, hôm đó anh run lắm. Run vì sợ. Nhưng lần này anh chỉ thấy hơi chóng mặt thôi. Ngồi với em thế này anh không sợ nữa.

Cô gái thú nhận:

– Em vẫn thấy rờn rợn. Vừa rồi mắt em tối sầm lại, em phải buông tay ra bịt mắt.

Thái nhắc:

– Em nắm chặt tay quay vào. Như thế, đỡ run đấy.

Hai người ngồi khuất, không nhìn thấy mặt nhau nhưng cả hai vẫn nói với nhau trong từng động tác quay pháo. Rõ ràng họ đang nghĩ về nhau. Ý nghĩ được ngồi gần bên anh làm cô gái yên lòng. Cô nắm chắc tay quay khẩu pháo, đầu ngẩng lên kiêu hãnh.

Có một lúc đang giữa trận đánh cô nhìn thấy mẹ ngó đầu ra ngoài cửa hầm thông tin. Cô run lên, không kìm lòng được, thốt gọi:

-Mẹ ơi, con ở đây!

Tiếng gọi buột ra theo làn sóng tình cảm ào ạt làm cô gái bàng hoàng cả người. Có khi “anh ấy” lại cười cho. Lúc này ở đây nếu chỉ có cô và mẹ thì cô đã òa khóc. Khóc cho sập trời xuống vì sự nguy hiểm treo ngay trên đầu. Ngay tiếng nổ quá to và mùi thuốc bom cô gái cũng không thể nào quen được, cô thấy tức thở. Mẹ sẽ chạy đến ôm lấy cô trong đôi tay yếu ớt mà mạnh mẽ vô cùng. Cô sẽ khóc cho cạn nỗi nguy hiểm, cho nó tan đi sự căng thẳng ngoài sức chịu đựng đối với một cô gái mới được bước vào tuổi trưởng thành.

Tuy thế ở đây còn có anh, một con người điềm tĩnh và từng trải. Anh đang ở sát gần bên cạnh, cùng chịu nỗi nguy hiểm như cô. Tất nhiên anh đang nghĩ về cô và lo lắng cho cô nữa.

Anh nhắc:

– Em lắng tai, nhanh mắt nhìn. Nếu thấy “nó” cắt bom bi thì kêu lên cho anh nghe tiếng.

Nước mắt trào lăn trên gò má, cô gái ráng sức quay bằng một tay, tay kia chùi nước mắt. Cô bỗng mỉm cười, thấy mình ngợp chìm trong ý niệm về hạnh phúc. Có lẽ anh cũng có cảm giác như vậy chăng.

Một chiếc A7 lao xuống thấp cắt bom. Tiếng bom xuyên con rít tối mắt. Hai người đều chậm mất mấy giây. Họ lao xuống nền hầm pháo lõng bõng nước, nằm sát bên nhau. Mái tóc dầy và rất dài của cô tuột ra, đẫm trong bùn.

Thái quàng tay qua người cô gái. Cô ngẩng đầu nhìn anh rồi cúi xuống. Anh cứ để nguyên cánh tay rắn chắc trên tấm lưng thon mảnh của cô như vậy.  Dường như anh thấy chỉ một cánh tay ấy thôi cũng đủ để che chở cho cô.

Dứt loạt bom cô ngồi dậy mặt đỏ lên lúng túng. Cô toan kéo áo đứng lên thì một dàn bom con lại từ bầu trời à xuống trùm quanh anh và cô. Cô gái nằm xoài ra, bùn than ngập lút người cô.

Hình như có đám than ở bên ngoài bén lửa cháy. Khói đưa vào đặc trong hầm pháo. Mấy mũi khoan xuyên qua ghế cô gái ngồi, cắm xuống, làm toét ra một khoảng bùn đen. Anh dùng một bàn tay khỏa bùn lấp cái hố nhỏ và mũi khoan giết người nằm chềnh ềnh dọa nạt trước mặt cô gái. Tay kia, rất nhanh, anh kéo đầu cô vào ngực, dùng tay áo lau đám bùn non bám vào cằm và bết ở ngực cô gái.

 

 

 

Bình luận về bài viết này