“TÔI SINH RA KHÔNG CHỈ ĐỂ LÀM THƠ”


NGUYỄN VĨNH NGUYÊN thực hiện

Nguyễn Trọng Tạo (phải) và Nguyễn Vĩnh Nguyên

Báo Lâm Đồng: Người ta nói rằng, nghệ sĩ đa tài ở ta có thể đếm trên một bàn tay và Nguyễn Trọng Tạo là “ngón đeo nhẫn áp út”. Anh làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc, vẽ tranh, làm bìa sách, viết phê bình, làm báo… và đều có giải thưởng ở tất cả các lĩnh vực ấy. Người ta nói, anh làm gì cũng có Quốc ấn. Lại còn là Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn ViệtNam, Thư ký tòa soạn tạp chí Âm Nhạc, Trưởng ban báo Thơ của báo Văn Nghệ… Tình cờ gặp anh đang uống bia hơi Hà Nội tại Quán Xanh cạnh Rạp Xiếc, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện chớp nhoáng với anh. 

Phóng viên: Anh uống bia rượu thì có giúp ích gì cho sáng tác không?

Nguyễn Trọng Tạo: Người không sáng tác cũng uống bia rượu, vậy họ uống mấy cái thứ men kích thích ấy để làm gì? Để con người phấn kích hơn, thẳng thắn hơn và… biết “quên mình” hơn. Nếu người sáng tác cần huy động vô thức thì chính bia rượu lại đánh thức vô thức tuyệt vời. Tôi tin thế. Nhưng khi “quá chén” thì đến nói năng, đi đứng cũng chả còn là cái miệng và đôi chân của mình nữa, nói gì đến vô thức với ý thức…

Phóng viên: Anh có thể cho bạn đọc của Lâm Đồng biết một chút rất riêng về đời tư?

Nguyễn Trọng Tạo: Đời tư rất riêng của tôi là cô đơn, hoặc ít ra cũng cảm thấy như thế.

Phóng viên: Hình như anh cho rằng, anh chỉ sáng tác khi cô đơn?…

Nguyễn Trọng Tạo: Nhiều người cứ tưởng nói thế cho sang, cho có vẻ hiền triết… nhưng với tôi thì đúng là thế. Cô đơn đôi khi khiến tôi có cảm giác tuyệt vọng. Và chỉ khi ấy tôi mới nghĩ thật kỹ về mình và người khác. Có khi cô đơn khiến tôi rơi nước mắt mà chả viết được gì, vì nước mắt làm nhòe tất cả. Nhưng có khi cô đơn khiến tôi nhìn rõ tất cả, và từ cái nhìn ấy hiện lên những con chữ. Những con chữ không bình thường. Chính những con chữ ấy đã làm nên tác phẩm. Tác phẩm, biết đâu đấy, đó chính là đứa con của cô đơn.

Phóng viên: Đất sinh ra nết người và chi phối tạng chất thơ, anh có nghĩ vậy không? Thế miền đất nào nuôi dưỡng chất thơ anh nhiều nhất? Anh đến Đà Lạt chưa, và có thơ về phố núi không?

Nguyễn Trọng Tạo: Người sống gần đê thường tăng huyết áp trước khi mùa lũ đến. Luật phong thủy chi phối tâm lý người ta. Có lẽ vì thế mà thơ của các nhà thơ miền Trung thường khác thơ miền Bắc và miền Nam. Tuy nhiên, tạng thơ của mỗi người là do trời (cha mẹ sinh con, trời sinh tính). Thơ tôi có tính quyết liệt của tính cách Nghệ, nhưng cũng có vẻ huyền ảo của sương khói Huế vì tôi sống ở Huế 10 năm. Năm 1977 tôi đến Đà Lạt lần đầu tiên để ngồi viết… tiểu thuyết, nhưng cuối cùng lại để lại cho xứ này một ca khúc (phổ thơ Khuất Quang Thụy) khá mượt mà tình tứ, đấy là ca khúc “Tình ca gửi người trồng cỏ” và bài thơ “Thành phố thấp thoáng” có câu: “Thành phố thấp thoáng trong lá thông/ trong lời buồn bài hát cũ/ Mimôza – vàng mơ chiều thương nhớ/ Hoa đừng quên tôi tím âm thầm sau cỏ…”. Năm 1989, tôi trở lại Đà Lạt và viết được bài thơ thích hơn: “Mùa thu áo ấm”. Tôi rất thích đoạn kết bài thơ này:

rồi xa lắc. Bỏ một trời nhung nhớ
ơi mùa thu áo ấm đã mặc chung
rồi biền biệt. Hoa vàng như hơi thở
mimôza. Giọt nắng. Có theo cùng?…

Gần đây, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã phổ nhạc bài thơ này, giới thiệu trên sóng phát thanh, và truyền hình Trung ương (không biết có ai nhớ bài hát ấy không, nhưng bài thơ thì có người đã thuộc). Có thể tự hào rằng, tôi đã yêu Đà Lạt theo cách riêng của tôi.

Phóng viên: Thơ anh phiêu bồng như một tín đồ ngoan đạo hành hương qua sa mạc của nỗi buồn, bước bằng đôi chân trần của nhà sư khất thực lại có dáng đi lãng đãng của một gã lãng tử lụy tình. “Chia cho em một đời say/ Một cây si/ với/ Một cây bồ đề” – Xin hỏi anh, cây si xanh hơn hay cây bồ đề xanh hơn?

Nguyễn Trọng Tạo: Anh nhận xét thơ tôi khiến tôi thấy lạ. Có lẽ tôi cũng không nghĩ thơ tôi lại lạ đến thế. Còn câu anh hỏi, tôi có thể trả lời câu hỏi này bằng lời của thiên tài Goethe: “Và cây đời mãi mãi xanh tươi”! Được không?

Phóng viên: Vâng, tôi hiểu là anh rất trọng “cây đời”. Chính vì thế mà anh là người (rất hiếm hoi) cổ súy hết mình cho thơ trẻ, và từng lên tiếng “đòi” một “dân trí thơ” cao hơn. Anh có nghĩ cả hai điều đó đều… “mơ màng như thượng đế” không – (một khi thơ trẻ thì “chưa ổn” để có thể phác nên một diện mạo mới, và một khi “dân trí thơ” là cái còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố xã hội, thời gian…)?

Nguyễn Trọng Tạo: Những người khôn khéo thường cổ súy những gì đã được khẳng định. Nhưng đối với nghệ thuật, những người “khôn khéo” ấy chẳng mang lại giá trị gì đáng kể, mà giống những kẻ “ăn theo”, “a dua” nghệ thuật mà thôi. Những nhà phê bình thực sự phải thấy trước cái sáng rõ trong cái “mơ màng” trước mắt đám đông, thì dù họ có là “kẻ dại” trong chốc lát lại hóa thành người dẫn dắt đám đông đi tới ánh sáng thực mới mẻ của nghệ thuật phải hướng tới. Vị trí của nhà phê bình chính là ở chỗ này: phải phát hiện ra cái mới, cái xu hướng mà nghệ thuật mới sẽ chiếm lĩnh. Làm được điều đó cần có trái tim tinh nhạy cảm, trí tuệ mẫn cán và lòng dũng cảm. Điều đó không chỉ thúc đẩy thơ hành tiến mà còn kéo theo sự phát triển của “dân trí thơ”. Nói tôi cổ súy cho thơ trẻ chỉ đúng một phần, điều tôi tâm đắc nhất là cổ súy cho những giá trị đã và đang được thiết lập.

Phóng viên: Câu hỏi cuối cùng, anh nói gì với những người từng chết mê chết mệt với thơ anh và cũng từng thất vọng vì anh lơ là nàng thơ mà đi làm chuyện khác nhiều quá (như phê bình, viết báo chẳng hạn)?

Nguyễn Trọng Tạo: Tôi sinh ra không chỉ để làm thơ, mà tôi làm tất cả những gì “trời đày” tôi phải làm. Chỉ có như thế tôi mới trở thành tôi, cũng như nhiều nhà thơ trên thế gian này không chỉ làm thơ. Mỗi người có một sự nghiệp riêng theo khả năng và theo “cách” của mình. Nói thế không có nghĩa là tôi đã bỏ thơ. Năm 1999 tôi in tập thơ “Nương thân” nối tiếp dòng mạch “Đồng dao cho người lớn”. Tới đây, tôi sẽ cho in tập thơ mới có tựa là “Thế giới không còn trăng”. Và tôi tin là thơ tôi vẫn còn có bạn đọc.

Phóng viên: Tôi cũng tin như thế. Xin cảm ơn anh!

Nguồn: Báo Lâm Đồng 2003

.

MÙA THU ÁO ẤM

đồi núi. Thông xanh. Villa. Biệt thự
áo ấm. Dù hoa. Má đỏ. Tóc mềm
những con đường. Những con đường. Cao. Thấp
ngày bốn mùa. Đà Lạt. Chập chùng. Em

em cười nói tự thuở nào thác đổ
Langbiang. Nghiêng. Thung lũng Tình yêu
ôi sự sống nơi đỉnh trời chân cỏ
thoáng heo may. Nghe mình chợt sang chiều

tôi bè bạn cùng mùa rau xứ lạnh
cùng cải chua. Cà muối. Khô nai
cùng rượu chát. Cùng đớn đau thông rụng
giọng buồn tôi run rẩy phát qua đài

rồi xa lắc. Bỏ một trời nhung nhớ
ơi mùa thu áo ấm đã mặc chung
rồi biền biệt. Hoa vàng như hơi thở
mimoza. Giọt nắng. Có theo cùng?…

11.9.1989
.

ĐÀ LẠT VÀ HOA

Tặng Em

Hoa vũ hội thân thể hoa ngày nắng lạnh
Những con đường những triền đồi những căn phòng bừng khởi lõa thể hoa
Anh ngỡ chết trong hoa những đường cong mỹ mãn
Anh nhắm mắt hồi sinh nghe hoa thở nồng nàn

Nếu không có một chiều sương thấy mình òa thác đổ
Thì làm sao anh đến được Tuyền Lâm
Ghé Thiền Viện mimosa vàng mơ miền hoa ước
Đừng Quên Tôi, hoa tím hát âm thầm

Đường Thiếu Phụ bay dài khăn san
Chuông nhà thờ gióng chiều lên thương nhớ
Không thể đếm bao loài hoa đã nở
Bao lần hoa dâng hiến tận cùng hoa

Em đi mỏi ngắm hoa
Đêm về mơ hương lạ
Anh ôm ngủ một đóa hoa màu nhớ
Một đóa hoa biết nói tiếng dịu dàng

Rồi từ biệt thành phố hoa xinh nhỏ
Nghe thông reo lời cầu chú an lành
Anh tưởng mất cả rừng hoa chưa hái
Xòe tay mình e ấp đóa hồng xanh…

Đà Lạt, 15.12.2007
NGUYỄN TRỌNG TẠO

3 bình luận

  1. Nguyễn Trọng Tạo là Nghệ sỹ (viết hoa của từ này) có “Quá nhiều trong Một” nên nếu phải đánh giá về ông chỉ với một vài nhận định là điều rất khó. Nhưng tôi tin chính câu ông nhận định về mình: Ông sinh ra để “làm tất cả những gì trời đày phải làm”. Tôi làm Nhân học – Dân tộc học, tôi thường cảm nhận các tác phẩm nghệ thuật bằng cái nhìn nghề nghiệp (tôn trọng sự đa dạng và khác biệt; nhìn cuộc sống được phản ánh trong nghệ thuật bằng con mắt người trong cuộc/đối tượng được nghệ sỹ chia sẻ tâm tư, tình cảm; và tôn trọng tính tự do trong sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sỹ). Bằng con mắt đó, tôi thấy Nguyễn Trọng Tạo không hề là người “phiêu bồng” như nhiều người vẫn lầm tưởng. Có thể do cái tính hay xê dịch của ông khiến cho người khác lẫn lộn điều đó với cá tính nghệ thuật của ông chăng? Cũng có thể một đôi câu thơ, khúc nhạc hay nét vẽ phá cách nào đó khiến cho công chúng/người thưởng ngoạn nghệ thuật liên tưởng tới sự phiêu bồng chăng? Có thể là như thế. Nhưng không hoàn toàn như vậy. Từ trong sâu thẳm trái tim và khối óc của con người này là sự “trăn trở rất đời thường”. Một sỹ quan trẻ hai mươi mấy tuổi đầu, vừa bước ra khỏi cuộc chiến đẫm máu trong ánh hào quang của “người chiến thắng”, đã biết quan sát để rồi cúi đầu suy tư và thốt nên những cảm khái “tản mạn thời tôi sống” thì không thể là con người “phiêu bồng”. Những tư tưởng/tư duy về hiện thực mà ông thể hiện trong “Đồng dao cho người lớn”, “Nương thân” hay “Thế giới không còn trăng”, “Khúc hát sông quê”… đều là những trăn trở rất đời thường. Một lúc nào đó ông có thể thấy mình như “huyền ảo sương khói Huế” hay “tím âm thầm sau cỏ” ở Đà Lạt cũng là điều bình thường. Bởi người nghệ sỹ chỉ có thể cảm nhận và viết được “cái gì đó” về “nơi nào đó” nếu thực sự “tự tan chảy” vào cái hồn/cái thần thái của mảnh đất mà mình đang đứng chân. Cái đó, trong Nhân học (Anthropology) không gọi là “phiêu bồng” mà gọi là “dấn thân”/”tự mình chủ thế hóa đối với khách thể văn hóa”.
    Có một điều lâu nay tôi cứ băn khoăn: Các nhà phê bình văn học nghệ thuật của chúng ta hiện nay đã và được trang bị/tự trang bị quá nhiều lý thuyết/lý luận/chủ nghĩa của phương Tây mà nhiều lúc lãng quên các logic cuộc sống rất đời thường được phản ánh trong các tác phẩm Nghệ thuật Việt. Với cách nhìn theo lăng kính đó, nhiều nhận định về các tác giả, tác phẩm Việt mang tính áp đặt rất rõ. Tất cả các nghệ sỹ đều lấy cảm hứng sáng tạo từ cuộc sống và phản ánh cuộc sống (bao gồm cả cái “Phổ quát” và cái “Đặc thù”) qua lăng kính nghệ thuật của họ. Vì thế, các tiêu thức đầu tiên cần được tính đến khi đánh giá tác phẩm, tác giả cần phải dựa vào chính logic của cuộc sống. Đáp ứng được các tiêu chí này, các tác phẩm/tác giả đã tạo nên “Giá trị ban đầu”/”Giá trị có thể đong đếm được bằng sự đồng cảm của công chúng”. Chỉ sau khi xác định được “giá trị ban đầu”, mới nên phân tích tiếp các “Giá trị Nghệ thuật” (phương pháp/hình thức/bút pháp…) để chỉ ra “cá tính sáng tạo” được tác giả thể hiện trong/qua tác phẩm. Thiết nghĩ, các nhà phê bình nghệ thuật cũng cần được chia sẻ thêm về kiến thức và quan điểm Nhân học để có thể làm tốt hơn nữa công việc của mình.

  2. Nguyễn Trọng tạo là con của Nguyễn Văn Cao, là em của Nguyễn Đình Thi?

  3. Com-men của bác mai thanh son hay quá. Quan điểm và nhận định của bác về nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo vô cùng sâu sắc.
    Thán phục.

Bình luận về bài viết này