NGUYỄN TRỌNG TẠO TRẢ LỜI THƯ BẠN ĐỌC


NGUYỄN TRỌNG TẠO 

Có khá nhiều thư ngỏ gửi tôi qua tòa soạn Văn nghệ trẻ. Lá thư nào cũng viết đến vài ba trang giấy với nhiều kỷ niệm và những câu hỏi nhờ giải đáp. Dưới đây là trích một số câu hỏi và bài trả lời của tôi theo yêu cầu của bản báo.

CÂU HỎI:

1. Mai Phương (Khoa văn – ĐHSP Qui Nhơn): Hồi còn sinh viên văn khoa, em đã chép và thuộc nhiều bài thơ của anh, lại được nghe anh nói chuyện cho toàn Khoa rất hấp dẫn, đến nỗi hôm sau riêng giáo viên  của khoa lại xin được “tra tấn” anh tiếp một đêm. Em phải tranh chân hầu trà rượu để được nghe cuộc đối thoại đầy thú vị ấy. Rồi từ đó đến giờ không được gặp lại anh ngoài những bài thơ mà em tình cờ đọc được qua sách báo. Dù đã có 2 cháu (đúng kế hoạch), em vẫn mê thơ anh, đặc biệt gần đây em “chộp” được tập thơ “Đồng dao cho người lớn” của anh từ đám sinh viên của em. Thơ anh không lẫn với ai cả bởi một thi pháp độc đáo, tưng tửng ngôn từ và ẩn sau sự đam mê cuồng nhiệt là tràn ngập nỗi cô đơn thân phận. Đọc anh, nỗi cô đơn như được chia xẻ.

Chẳng lẽ một người tự tin và vui nhộn như anh lại cô đơn đến vậy sao? Hay anh chỉ cô đơn khi làm thơ mà thôi?

2. Nguyễn Hoàng Anh (Anh văn năm 2 – ĐHNN Đà Nẵng): Cháu rất thích thơ tình của chú (Thơ tình người đứng tuổi, Không đề “Anh trót để tình yêu tuột mất”, Cỏ và mưa, Xon-nê lá non…). Nếu gặp chú, cháu có thể đọc thuộc không dưới chục bài của chú. Chắc chú yêu “dữ lắm” mới làm thơ tình hay thế. Vậy người tình trong thơ chú thuộc số ít hay số nhiều, là cụ thể hay tưởng tượng? Chú nói thật cho cháu nhé, vì đang có một chàng làm thơ tặng cháu rất nhiều, có bài “cóp” cả một đoạn thơ của chú.

3. Trần Vũ Bảo (Yên Thành, Nghệ An – Bạn cùng phòng thi học sinh giỏi văn 10 toàn miền Bắc ngày xưa): Mình khâm phục tính công dân của bạn trong bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” cách đây 15 năm. Thời đó đất nước đầy khó khăn mà bạn đã mạnh dạn nói lên những sự thực mà nhiều kẻ không dám nói. Có người còn cho rằng bài thơ này là của một “nhóm Nguyễn Trọng Tạo”. Đúng không? Gần đây mình không gặp một bài nào “ép phê” như thế nữa. Vì sao vậy, bạn trốn vào trữ tình riêng tư rồi chăng?

4. Đoàn Quỳnh Lâm (9A – Trường cấp II – III Hưng Khánh, Trấn Yên, Yên Bái): Thích quá truyện “Mùa hoa xoan” của bạn trên báo Thiếu niên tiền phong, vì mình khoái nhất hoa xoan. Mình hay mang hoa xoan đến lớp bỏ hộc bàn để thưởng thức mùi hương thơm dịu nhẹ. Bạn có mê hoa xoan không? Ồ, chắc bạn phải mê hoa xoan lắm mới viết được truyện hay đến thế. Bạn viết được nhiều truyện rồi chứ? Gửi cho mình đọc với. Mình gửi bạn mấy bông hoa xoan xứ Bắc làm kỷ niệm.

5. Nguyễn Phước Hương Giang (127 Điện Biên phủ – Huế): Tôi đã đọc cả mấy tập thơ, trường ca, văn xuôi của anh. Tôi đã nghe của anh không dưới 10 bài hát trong đó có bài “Làng Quan Họ quê tôi” nổi tiếng và tôi đã xem cả trăm bài báo, minh họa, bìa sách… Anh quả là một người đa tài! Nhưng nên gọi anh là nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ hay nhà báo?… Là một người Huế, tôi rất quí nhà thơ Lưu Trọng Lư, lúc sinh thời từng ước ao khi chết được đốt thành tro rắc dọc hai bờ sông Hương. Còn anh, anh có thích được như thế hay không, hay là thích đưa về Nghệ An quê anh? Anh nghĩ gì về những người viết trẻ chúng tôi?  …

TRẢ LỜI:

Làm anh hề cho người ta cười vui, có khi trong lòng chứa đầy nước mắt. Kép Tư Bền (của Nguyễn Công Hoan) là một trường hợp. Làm một người quảng đại, có khi trong lòng lại tràn ngập cô đơn. Trong một người có nhiều người, đấy là bí mật muôn thuở của con người. Chính vì thế mà mỗi người được gọi là một tiểu vũ trụ. Nhà thơ cũng chẳng thoát ra khỏi con người dù anh có thuật lại giấc mơ ngoài tưởng tượng thì lắm lúc cũng phải cúi đầu khâm phục một nhà ngoại cảm có thể đọc được “chỗ ở” của một người chết mất tích đã lâu. Tuy vậy, mỗi nhà thơ (nghệ sĩ nói chung) đều có cái “tạng” riêng, người trọng niềm vui, kẻ trọng nỗi buồn, người hát lên trước cái đẹp, người thét lên trước cái xấu. Nhưng mục đích cao nhất của người nghệ sĩ là hướng tới chân thiện mỹ. Điều đó cũ như trái đất, và cũng mới như trái đất. Tôi rất ít khi tỏ ra buồn nản trước đám đông, trọng tình bạn và bao giờ cũng thích làm một điều gì đó cho bạn vui, nhưng vì đã vui hết mình giữa đám đông nên khi quay về là gặp chính mình với cả “trăm năm cô đơn” đeo đẳng. Cái tâm trạng đó không có gì lạ, Nguyễn Du đã viết 200 năm trước, “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh – Giật mình mình lại thương mình xót xa”. Lúc ấy tôi làm thơ – một mình với thơ – bởi không thể làm thơ giữa đám đông. Cô đơn đã “vào” thơ tôi như vậy. Chính nhờ cô đơn mà nhà thơ có thể chia sẻ sâu sắc với thân phận con người. Nhưng tôi thích diễn tả cô đơn bằng ngôn ngữ bông đùa. Dùng giọng bông đùa để nói những điều nghiêm trọng, ấy là tôi học từ cách nói dân gian: Dùng giọng nghiêm trang để nói những điều bông đùa. Và ngược lại… Cách này thường tạo được hiệu quả đáng kể. Nhiều người thích hai câu thơ này của tôi, có lẽ là vì thế chăng: “Bạn bè ở Huế thương nhau thật – Một đứa vợ la chục đứa kinh”?

Như vậy nỗi cô đơn trong thơ là có thật. Cũng như tình yêu trong thơ tình không thể là tình yêu bịa đặt. Nguyễn Bính từng làm thơ tình giúp bạn, đúng với cảnh ngộ của bạn, như thế không có nghĩa là “tình yêu vay mượn”. Đấy là thi sĩ đã cảm được tình yêu của người khác bằng sự mẫn cảm của mình cộng với sự trải đời (dù tuổi còn trẻ). Bởi tình yêu bất phân tuổi tác và thời gian, nó thuộc về con người và vì thế mà không xa lạ với thi nhân. Việt Phương đã nhận ra điều này khi viết tập Cửa mở nổi tiếng: “Ta đi yêu người ta yêu nhau – Người ta cũng như ta, khác đâu!”. Có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng tình yêu chỉ có một. Vì thế mà bạn trẻ có thể cảm nhận, thích thú “Tình yêu của người đứng tuổi” và người già có thể đồng cảm với tình yêu của tuổi trẻ. Có nhà thơ không hề làm thơ tình, không phải vì họ không yêu, và có nhà thơ làm hàng trăm bài thơ tình không phải vì họ trải qua quá nhiều cuộc tình. Dĩ nhiên không yêu cuồng nhiệt thì không thể có thơ tình cuồng nhiệt. Ai đó nói rằng người yêu lý tưởng của anh ta là phép cộng tất cả những gì tốt đẹp của phụ nữ trên thế gian. Tuyên bố quả đại ngôn, nhưng không phải là không có lý. Người thi sĩ thường hướng tới tình yêu lý tưởng, vì thế mà dễ gặp tâm trạng đổ vỡ. “Càng yêu thương lắm càng tan nát lòng” là một triết lý muôn thuở. Người tình trong thơ là người tình giữa cụ thể và tưởng tượng, nó chẳng là số ít cũng chẳng là số nhiều. Nó là “cái riêng lẻ phổ biến”. Còn nếu có chàng nào đó “cóp” hay chép thơ của thi sĩ để tặng người yêu, thì đấy là niềm hạnh phúc cho thi sĩ lắm thay. Thi sĩ nào mà chẳng ao ước như thế khi công bố những bài thơ rút ruột của mình!

Sự trốn chạy vào “trữ tình riêng tư” là một căn bệnh của xã hội mà thi nhân thường vấp phải lúc con người xã hội ít được tôn trọng, hoặc bị coi thường, hoặc bị kìm hãm bởi một thế lực vô hình. Nó làm cho xã hội suy giảm vì sự ve vuốt cá nhân, ủy mị và tan rữa từng bộ phận tâm hồn. Nhưng nếu tỉnh táo kiểm lại bản thể thì cũng là điều tốt để cá nhân có thể hiểu rõ mình hơn. Chính Whitman đã phát hiện ra cái tôi khổng lồ của thời đại khi ông nghiên cứu tận đáy bản thân mình (Bài ca cái tôi). Và như vậy thì ranh giới giữa “trữ tình riêng tư” và “trữ tình công dân” (như người ta phân định) đã bị xóa nhòa. Eptusenco đã cho xuất bản 2 tập thơ: Trữ tình công dân trong đó không có một bài thơ chính trị nào, và Trữ tình riêng tư trong đó không có một bài thơ tình nào. Sự thành công cuối cùng bởi nó là thơ mà thôi. Có một thời ở ta, thơ chính trị gần như độc tôn, ca ngợi một chiều. Tôi không có ý chống lại điều đó, nhưng tư duy của tôi là tôn trọng sự thật, dù là sự thật phũ phàng, và tôi đã viết ra bài thơ Tản mạn thời tôi sống (in năm 1981), phanh phui những hạn chế thực tại và kêu gọi niềm tin vào tương lai tốt đẹp: “Giá chợ đen ngoảnh mặt với đồng lương”, “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa”… Bài thơ làm tôi lao đao một thời trước Đổi Mới, nhưng bài thơ cũng mang lại cho tôi niềm hạnh phúc là được nhiều người đến với ý chí “Không bẻ cong ngòi bút” của nhà thơ. Năm ấy được sinh viên trường Vinh đón rước. Cũng năm ấy, tôi được anh gác rừng tận miền tây Nghệ An đãi rượu và đọc thuộc cho tôi nghe cả bài thơ ấy, dù nó dài đến gần 100 dòng. Sau này có nhà nghiên cứu phê bình đã phán “đấy là sự khởi đầu của dòng thơ Đổi Mới”. Cái giá mà người cầm bút phải trả chưa phải là quá đắt. Mạch dòng ấy trong tôi vẫn chảy: “Nhưng tôi người cầm bút, than ôi – Không thể không tin gì mà viết” (Tin thì tin không tin thì thôi – 1991).

Tôi cũng có viết mấy tập văn xuôi, nhưng tập tôi thích nhất là Miền quê thơ ấu, viết về tuổi thơ ở làng quê, trong đó có mẩu Mùa hoa xoan mà Quỳnh Lâm thích thú. Tôi đã ở tuổi “tri thiên mệnh” mà cháu Quỳnh Lâm cứ ngỡ tôi tuổi bạn của cháu khi đọc mẩu chuyện này, quả là một hạnh phúc hiếm có. Còn hạnh phúc nào hơn khi một nhà văn già lại được tuổi trẻ gọi mình là bạn. Cám ơn bạn Quỳnh Lâm và cám ơn những bông hoa xoan của bạn gửi kèm trong thư nhiều, nhiều lắm.

Tôi cũng có vẽ minh họa, trình bày tạp chí, bìa sách bởi hồi trẻ mê minh họa và bìa sách của Văn Cao, gần đây mê bìa sách của Văn Sáng. Còn nhạc thì tôi làm cả trăm bài. Hồi nhỏ đã tự làm một chiếc đàn violon giống hệt đàn violon Trung Quốc và chơi khá hay bài “Hành quân xa”, thỉnh thoảng sợi dây “hành” bị đứt. Thuở đó tôi say chơi đàn đến nỗi thầy giáo Hiệu trưởng trường cấp 3 yêu cầu tôi chơi đàn cho toàn trường nghe sau giờ chào cờ buổi sáng đầu tuần. Tôi vào bộ đội, một thời gian dài phụ trách một đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp, và phải sáng tác âm nhạc ngay từ khi chưa học trường lớp âm nhạc nào. May thay, tôi được một nhạc sĩ từng tốt nghiệp ở Trường âm nhạc ViệtNamthụ giáo vài năm… tại chức, vì anh là đồng đội của tôi, thế là tôi viết cả hợp xướng, nhạc múa, lẫn ca khúc. Tôi không biết nên gọi mình là nhà thơ hay nhạc sĩ, bởi tôi là hội viên của cả 2 hội. Thôi thì tốt nhất là hãy gọi tên tôi, Nguyễn Trọng Tạo, bởi tôi rất thích câu thành ngữ của Pháp: “Tôi trú ngụ trong chính tên tôi”.

Bạn người Huế hỏi tôi: “Khi chết, anh có thích được chôn ở Huế hay không, hay là thích đưa về Nghệ An quê anh?”. Thú thực đây là câu hỏi mà tôi thú vị nhất trong tất cả các câu hỏi lâu nay người ta đã hỏi tôi. Trong câu hỏi đã mang một hàm ý là muốn chôn tôi ở Huế. Thật là cảm mến quá thay. Có nhiều người nghĩ đến lúc mình chết sẽ như thế nào, nhiều hoa không? Bao nhiêu xe đưa đám? Paven Coocsưghin nghĩ về cái sống “Đời người, chỉ sống có một lần…” cũng chính là nghĩ về cái chết. Có người nghĩ trước những dòng chữ đề trên bia mộ: “Mai sau tôi chết xin người hãy…”. Tôi thì hơi khác, tôi không sợ chết mà chỉ sợ bị thương thôi. Chết thì còn biết gì nữa, bị thương thì đau đớn lắm. Và vì thế tôi chẳng biết là nên chôn mình ở đâu. Huế, Nghệ An, Hà Nội, Sài Gòn… ở đâu chả là đất nước mình. Dĩ Nhiên, 21 năm trước, lần đầu tiên tới Huế tôi thấy Huế đẹp quá và dù còn trẻ vẫn nghĩ rằng: giá về hưu mà được ở Huế thì thật là tuyệt!

Tôi vẫn thường nghĩ về lớp trẻ, đặc biệt là những người viết trẻ. Đọc của những người già, tôi thường mỉm cười thú vị. Đọc của những người trẻ, tôi thường giật mình khâm phục. Thời tôi còn trẻ, không thể tưởng tượng được thời của lớp trẻ bây giờ. Nếu như thời trẻ bọn tôi dễ dàng dứt điểm về sự hy sinh, thì tuổi trẻ bây giờ nhanh chóng dứt điểm những gì họ muốn. Văn chương của họ vì thế mà tốc độ kỳ lạ, choáng ngợp. Họ không thích sự nhai lại. Dù không phải là một người lạc quan, tôi vẫn tin sự chiếm lĩnh văn đàn của lớp trẻ, họ như những con sóng đang lên, còn chúng tôi chỉ là những con sóng đã cập bờ…

Huế, 31 – 3 – 1996
(Trích VĂN CHƯƠNG CẢM VÀ LUẬN, Nxb Văn Hóa, 1999) 

6 bình luận

  1. Câu hỏi cũng hay mà câu trả lời thật thú vị. Xin cảm ơn

  2. Nghệ An là nơi Nhà thơ sinh trưởng -Huế là nơi hạnh phúc và tình yêu sinh hoa kết trái – Hà Nội là chốn danh vọng tài năng thỏa nguyện! Thân này ví xẻ làm ba???

    Thôi đành để “ý Trời” xoay chuyển, đúng không Nhà thơ???

  3. cam on Chu Tao da dang bai nay, Chau cam nhan duoc su tinh te va su chan thanh trong nhung boc bach nay cua Chu. Chu noi chuyen van chuong ma dang noi chuyen cuoc doi!

  4. hehehehe…cháu chúc mừng bác Tạo nghen!!!!!!!!

  5. Thật là lời phúc đáp tuyệt vời. Xin chúc nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ,… luôn bình an và hạnh phúc.

  6. Làm sao mang hết những cuộc vui hay khóc cười của nhân thế về nhà trùm chăn được. Cô đơn mới chính là NTT.

Bình luận về bài viết này