GIẤC MƠ TRONG NGÔI NHÀ ĐANG CHÁY


 HỒ TĨNH TÂM

thuhanghp

Bùi Thị Thu Hằng

Về nhà thơ Bùi Thị Thu Hằng của Hải Phòng, thì cho đến giờ này, tôi cũng chẳng biết được gì mấy, ngoài việc nhờ đọc vnweblogs của bạn bè, mà biết  Bùi Thị Thu Hằng vừa hết cơn đau viêm thần kinh tiền đình. Và cũng nhờ vào sự tò mò tìm đọc, tôi càng ngày càng tin rằng, thơ Bùi Thị Thu Hằng đang có sự bứt phá rất mạnh, đang làm nên một Bùi Thị Thu Hằng đầy duyên dáng và độc đáo. “Giấc mơ trong ngôi nhà đang cháy “, Bùi Thị Thu Hằng viết vào tháng 5 năm 2012, tức là viết sau khi khỏi bệnh, phải chăng là một bài thơ của “chuyện lạ” đã nhập thân vào một con người bản ngả, đã từng sống hết mình với đời, với thơ.  

Giấc mơ trong ngôi nhà đang cháy” 

Dang dở bài thơ về anh
khuya lắm, cây bút trên tay thức
Cảm xúc chồm lên
Quật ngã ý chí

Rạng rỡ vẫn khuôn mặt anh ưa nhìn
Tiếng còi vào ca, ba trăm sáu mươi phút lại hối hả
Áo anh ướt hơn em tưởng tượng

Cố thiếp đi một tí
Cố thiếp đi một tí
Em mơ thấy ngôi nhà đang cháy
Anh lao đến không bế xốc em ra
Dùng môi khoá chặt nỗi sợ hãi trong em
Ngọn lửa… ngọn lửa… tóc… áo … quần… da… thịt… đang hỏa thiêu
Mình vẫn như hai con sâu ngấu nghiến diệp lục
Em mỉm cười, chớp mắt, cấu vào em để biết rằng tồn tại
Trong mơ
Em chỉ mong đó là hiện thực
Để được chết trong vòng tay anh
Để được chết trong vòng tay anh
Mình dắt nhau lên thiên đường đấy chứ
Anh và em không có con chung
Chỉ những đứa con tinh thần
Chúng có thể chết trước…
Hoặc đợi chết cùng…
Còn tuỳ thuộc…

Con muỗi hút máu làm em giật mình
Cô đơn dậy
Ý nghĩ dậy
Mười đầu ngón tay em
Cả con tim em… bật máu
Giọt sương hiện thực lại thay tóc em
Mùa hiện hữu lại thay khuôn mặt em
Con muỗi đáng ghét

Em khóc
Liệu anh có thật trên đời?

HP – 05/2012
BTTH 

LỜI BÌNH CỦA HỒ TÌNH TÂM

Dường như ngày nào tôi cũng đọc thơ, hoặc đọc bất cứ một cái gì đó của bạn bè. Trước hết là để cảm cái hay cái đẹp trên từng trang viết, sau đó là để học hỏi, để tự nhìn nhận lại mình, để tự mình phân thân, vừa nhập vào mình, vừa nhập vào người, để tự hỏi cái bản ngả của mình sẽ nương cậy vào ai, trong thế giới như thực như hư này. Thói quen đó hôm nay, đã cột chặt tôi vào bài thơ, “Giấc mơ trong ngôi nhà đang cháy” của Bùi Thị Thu Hằng. Tôi đọc và tôi giật mình, bởi không ngờ Bùi Thu Hằng duyên dáng thế, dịu dàng thế, mà thơ viết quá mạnh, quá lửa, quá lạ, và quá ư đốt cháy người đọc, bằng cả ngùn ngụt sức mạnh của cảm xúc và sức mạnh của triết lý “khủng khiếp”.

Ai trong đời mà chẳng mơ, chẳng từng có những giấc mơ. Giấc mơ là sự tái hiện của hiện thực, của cảm xúc, của ước muốn, của khát vọng, và của cả sự bức xúc tình dục, cũng như sự sợ hãi, sự chán chường, sự bệnh hoạn, sự cùng cực đến muốn lìa bỏ cuộc đời… Nhưng giấc mơ của Bùi Thị Thu Hằng lạ lắm. Đó là giấc mơ bùng cháy. Giấc mơ tự hoả thiêu. Giấc mơ đòi giải thoát khỏi thực tại. Nhưng tuyệt nhiên, nó không phải là giấc mơ tìm chết.

Dang dở bài thơ về anh
         khuya lắm, cây bút trên tay thức
         Cảm xúc chồm lên
         Quật ngã ý chí

Ngay từ khổ thơ đầu, ta đọc và ta hiểu, vì sao tác giả lại có một giấc mơ kì lạ, nếu không muốn nói là giấc mơ “khủng khiếp” của ái tình, khao khát đòi được chết để giải thoát, để hoá giải hết thảy những gì từng bức xúc, dồn nén. Đáng lẽ tôi không nói ngay ra điều này, nhưng vì cảm được phần nào tầng tầng triết lý cứ đè lên nhau, chồng lên nhau, theo dọc dài cơ thể bỏng cháy của bài thơ, mà buộc tôi phải nói. Đó là mãnh lực của khát vọng tình yêu, đã đạt đến cái ngưỡng của đòi hỏi dâng hiến cho nhau, mà thơ viết không thể nào thổ lộ được, nên càng viết càng bế tắc, càng về khuya càng khắc khoải, đến mức, “cảm xúc chồm lên” “quật ngã ý chí”. Nhân vật trữ tình trong thơ đã không thể làm chủ được lý trí của mình, dù ý chí tự kìm hãm có mạnh như Thái Sơn, khi mà cảm xúc yêu thương đã bùng lên hừng hực lửa. Ai đã sống, đã yêu hết mình, sẽ hiểu được điều đó. Nó là hiện sinh, là nguyên căn của tội lỗi, tội ác, của sự phản bội. Nhưng nó lại là sự chói sáng mãnh liệt của một tình yêu cháy bỏng thật sự, không bạo lực nào có thể khuất phục, không biên giới nào có thể cách chia, không giới hạn nào có thể cầm tù. Nó là khát vọng của tình yêu đòi giải thoát, thoát khỏi những ràng buộc đời thường.

Rạng rỡ vẫn khuôn mặt anh ưa nhìn
         Tiếng còi vào ca, ba trăm sáu mươi phút lại hối hả
         Áo anh ướt hơn em tưởng tượng

Tốc độ thơ dồn chuyển rất nhanh, chấp cả nhịp điệu, bởi tất cả bây giờ, chỉ còn là cảm xúc đã “chồm” lên, mạnh đến không tưởng. Thế nhưng bản lĩnh thơ của Bùi Thu Hằng, vẫn cầm cương được con ngựa bất kham của ái tình đòi dâng hiến. Nhân vật trữ tình vẫn còn đủ tỉnh táo, để nhận ra khuôn mặt “ưa nhìn” của người yêu, để vẫn còn nghe được tiếng còi gọi vào ca, thậm chí, vẫn còn đếm được nhịp bước hải hà “ba trăm sáu mươi phút”, của một ngày làm việc “hối hả”, con người luôn quay cuồng, ngụp lặn, trong tốc độ chóng mặt của thời đại công nghiệp “vắt xác”. Sự tinh tế, đầy nữ tính, trong thơ Bùi Thị Thu Hằng, là giữa bời bời của cơn lốc thời đại công nghiệp, nhân vật trữ tình trong thơ, vẫn nhận ra được, “áo anh ướt hơn em tưởng tượng”.

Cố thiếp đi một tí
         Cố thiếp đi một tí
         Em mơ thấy ngôi nhà đang cháy
         Anh lao đến không bế xốc em ra
         Dùng môi khoá chặt nỗi sợ hãi trong em

Tốc độ thơ vẫn nhanh vùn vụt. Nhanh như chính sự bất kham của cảm xúc đã “chồm lên”. Đẩy nhanh bài thơ lên đỉnh điểm của cao trào. Hai câu đầu của khổ thơ trung tâm khá dài này, tác giả như muốn tạo ra sự trùng điệp lời tự ru bất lực của nhân vật trữ tình trong thơ, bằng thủ pháp điệp nguyên câu, nhấn mạnh hơn lời tự nhủ, vốn dĩ đã biết trước là vô ích của nhân vật, nên nhân vật càng tự nhủ lòng, giấc mơ càng bùng cháy. Đó là giấc mơ của một người đang thức, mơ thấy ngôi nhà bốc cháy, mơ thấy người yêu lao đến, nhưng không “bế xốc” nàng thoát ra khỏi lửa khói cuồn cuộn, mà lại “khoá chặt nỗi sợ hãi” của nàng, bằng đôi môi bỏng cháy. Tôi gọi đó là một triết lý “khủng khiếp” của tình yêu, nhưng lại có thật, nhưng lại có thể hiểu được. Bạn đọc đừng thắc mắc, vì sao theo lẽ thông thường, khi cái chết cận kề, bao giờ người ta cũng mơ thấy sự giải thoát, mà nhân vật trữ tình thơ lại mơ thấy nụ hôn. Như tôi đã nói, đó là sự khát khao đòi hỏi đã chạm đến ngưỡng, không thể kìm nén được nữa, nó bắt buộc phải giải thoát, bởi vì đó là ranh giới của sự “chết” và sự giải thoát, mà thuộc tính của sự sống, là sự vùng vẩy đòi giải thoát khỏi cái chết. Ai đã đọc “Khói lửa” của Hen Ri Bạc Buýt, chắc không quên được chi tiết khát vọng thèm muốn cái đẹp, đã khiến một người lính Pháp, trong khi đào bới đất cát để thoát thân, dưới chiến hào bị bom pháo của lính Đức đánh sập, đã quên tất cả, đã làm tình với cái xác chết đã ba ngày của người đẹp Pa Ri, cô phát thanh viên từng làm say đắm cả nước Pháp. Triết lý của tình yêu và triết lý của tình dục, tuy rất khác nhau, nhưng đôi khi nó vẫn có sự hội tụ ở đòi hỏi xác thịt, không thể cưỡng lại được.

Ngọn lửa… ngọn lửa… tóc… áo … quần… da… thịt… đang hỏa thiêu
         Mình vẫn như hai con sâu ngấu nghiến diệp lục
         Em mỉm cười, chớp mắt, cấu vào em để biết rằng tồn tại
         Trong mơ

Tôi không bao giờ có cách nhìn khắt khe, với bất cứ một tác giả nào, mà tôi nhận cảm được ở họ một tài năng. Với “Giấc mơ trong ngôi nhà đang cháy”, tôi nhận thấy, tài năng thơ của Bùi Thị Thu Hằng, rất gần với một tài năng truyện ngắn, mà tôi có thể nói là rất siêu thực, mang đậm chất của trường phái hậu hiện đại. Vì vậy, “Giấc mơ trong ngôi nhà đang cháy”, khi đạt tới đỉnh điểm của cao trào, giống như đang chiếu nhanh cho chúng ta xem một cuốn phim, hết sức siêu thực và siêu tưởng. Tất cả đều bốc cháy ngùn ngụt. Tất cả đều đang tự hoả thiêu. Tóc… Áo … Quần… Da… Thịt… Tất cả đều đang biến mất. Chỉ có tình yêu là tồn tại, “ngấu nghiến diệp lục” cuộc đời nhau.

Bản lĩnh thơ của Bùi Thị Thu Hằng, một lần nữa lại xuất hiện, khi tác giả cầm cương được giấc mơ “khủng khiếp”, bằng “em mỉm cười”, “em chớp mắt”, “em cấu vào em”, “để biết rằng em tồn tại”… “trong mơ”. Từ ngữ mạnh. Tình ý cuộn chặt vào nhau. Câu chữ dồn nhanh tới đỉnh điểm, rồi bất ngờ buông xuống vụt một cái. Tất cả chỉ là một giấc mơ “khủng khiếp”, “quái dị”, của một tình yêu đầy sức lửa- đỏ rực như ngôi nhà của tình yêu đang bốc cháy ngùn ngụt, để mãi mãi trở thành bất tử.

Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở đó, thì tài năng thơ của Bùi Thị Thu Hằng vẫn chưa có gì đặc sắc. Cái tạo nên đặc sắc cho thơ Bùi Thu Hằng, là sự trùng điệp của ý tưởng, sự chất chồng ngồn ngộn các tầng lớp triết lý, khiến ta càng đọc càng bị choáng ngợp. Khi mà Bùi Thị Thu Hằng tiếp tục nhấn sâu thêm một nấc nữa, tạo nên điểm nóng cuối cùng cho bài thơ, một cách thật nhẹ nhàng.

Em chỉ mong đó là hiện thực
         Để được chết trong vòng tay anh
         Để được chết trong vòng tay anh

Thông thường, những giấc mơ khủng khiếp, bao giờ cũng khiến chúng ta sợ hãi, đến đổ tháo mồ hôi hột, nhưng giấc mơ của nhân vật trữ tình trong bài thơ thì lại khác. Từ trong lửa cháy, từ trong sự hoả thiêu của thân xác, nhân vật trữ tình vụt hiện, chói loà hào quang của lửa, nhưng lại dịu dàng biết mấy- “được chết trong vòng tay anh!”. Một lần nữa, Bùi Thu Hằng lại sử dụng thủ pháp điệp nguyên câu rất thành công- dùng cái chết để bày tỏ sự dịu dàng của khát vọng.

Mình dắt nhau lên thiên đường đấy chứ
         Anh và em không có con chung
         Chỉ những đứa con tinh thần
         Chúng có thể chết trước…
         Hoặc đợi chết cùng…
         Còn tuỳ thuộc…

Đoạn thơ trên là sự tiếp tục hạ nhiệt của sự bộc bạch. Bao nhiêu lửa khói, bao nhiêu quần áo, da thịt, đang bốc cháy ngùn ngụt, bỗng chốc được một cơn mưa của những lời thủ thỉ yêu thương dập tắt, chỉ còn lại là anh và em, và những đứa con “tinh thần” của “chúng ta”. Chỉ còn lại là cuộc đời. Các câu thơ nối tiếp nhau cứ ngắn dần lại. Ngắn dần lại. Ngắn lại. Buông lững. Buông lững. Để chạm vào cái thuộc về linh hồn… “còn tuỳ thuộc…”. Tôi đọc và bàng hoàng đến mức, sao mà Bùi Thu Hằng lại viết hay đến thế! Có thể trong giây phút đam mê của ngọn lửa cuồng si, chúng ta có thể tan vào nhau, “ngấu nghiến diệp lục” xác thịt phàm tục của nhau, nhưng đó không phải là tình yêu, điều đó “còn tuỳ thuộc…”… vào việc chúng ta có chạm được vào linh hồn của nhau. Điều đó “còn tuỳ thuộc…”… “còn tuỳ thuộc…”… Khi chúng mình biết chết cho nhau, là chúng mình đang dắt nhau lên thiên đường hạnh phúc.  Thơ Bùi Thị Thu Hằng, từ triết lý tình yêu, đã trở thành triết lý nhân sinh, về lẽ sống và sự chết, của con người cho con người, của con người cho nhau.

Con muỗi hút máu làm em giật mình
         Cô đơn dậy
         Ý nghĩ dậy
         Mười đầu ngón tay em
         Cả con tim em… bật máu

Từng nấc một, bài thơ tưởng đã khép lại, nhưng rồi từ ý tưởng này, Bùi Thị Thu Hằng lại bắc thang sang ý tưởng khác, dắt chúng ta đi sâu hơn vào triết lý tình yêu, triết lý nhân sinh, triết lý cuộc đời của tác giả. Anh và em là thật. Tình yêu của em với anh là thật. Cả giấc mơ hư ảo khủng khiếp cũng là thật.  Tất cả. Tất cả đều rất thật ở trong em. Như con muỗi đã hút máu em là thật. Nó có tội gì đâu. Nó sinh ra là để hút máu chúng sinh mà sống, giúp chúng sinh làm mới những giọt máu của mình. Em cám ơn nó đã “làm em giật mình” tỉnh giấc, để em biết trong em, sau giấc mơ “ngấu nghiến diệp lục”, “cô đơn dậy”, “ý nghĩ dậy”, để em nhận ra rằng, “mười đầu ngón tay em, cả con tim em… bật máu”. Vì ai??? Vì sao???!!!…

Giọt sương hiện thực lại thay tóc em
         Mùa hiện hữu lại thay khuôn mặt em
         Con muỗi đáng ghét

Sự dồn nén của nỗi đau tình ái đã bật khóc, như “giọt sương hiện thực”, như “mùa hiện hữu”, rưng rưng “thay tóc em”, rưng rưng “thay khuôn mặt em”. Sao mà đáng ghét! Hỡi “con muỗi “đáng ghét”” kia, mi giúp ta thức dậy khỏi “giấc mơ trong ngôi nhà đang cháy” để làm gì! Ta đã mơ thấy sự hoả thiêu một cuộc tình. Ta đã mơ thấy được chết cho một cuộc tình. Sao lại đánh thức ta, để “cô đơn dậy”, để “ý nghĩ dậy”, để  con tim ta… “bật máu”.

Vụt một cái, cả bài thơ đột ngột chuyển hướng. Từ giấc mơ “khủng khiếp” trong ngôi nhà đang cháy, có hoàng tử, có công chúa, bất chấp tất cả, để “ngấu nghiến diệp lục” cuộc đời nhau, bỗng chỉ vì(hay chỉ nhờ) một con muỗi, mà đánh thức cả một thực tại trụi trần… nhân vật trữ tình, cô đơn trong tình yêu, đến tận cùng “con tim bật máu”.

Em khóc
         Liệu anh có thật trên đời?

Bài thơ kết thúc bằng tiếng nấc nghẹn đắng. Bằng câu hỏi thảng thốt. Hỏi vào màn đêm. Hỏi vào sự Thức – Tỉnh của giấc mơ. Hỏi vào trống vắng của cuộc đời. Hỏi vào muôn thưở của nỗi đau tình ái. “Liệu anh có thật trên đời?”.

Bùi Thị Thu Hằng viết “Giấc mơ trong ngôi nhà đang cháy”, như lật qua lật lại hai bàn tay, như vắt kiệt tim óc mình ra mà viết, khiến người đọc như bị dẫn vào mê hồn trận; càng dấn sâu vào, càng khám phá ra nhiều góc cạnh của tình yêu, tầng tầng lớp lớp, với biết bao nhiêu điều thăm thẳm của nỗi niềm khao khát yêu thương, càng đọc cáng bất ngờ thú vị. Cuối cùng, khi khép lại cả bài thơ để hồi tưởng, ta có thể nhận thấy rất rõ rằng, triết lý tình yêu trong thơ Bùi Thị Thu Hằng, đã khiến chúng ta phải ngạc nhiên đến sững sờ, đến phải thốt lên: Tài! Tài thật! Bùi Thị Thu Hằng!

HTT

Bình luận về bài viết này