TÌNH GIÀ


NAM DAO

Đợi đâu hai mươi phút thì hai cụ xuất hiện. Cụ đeo kính thắt cà-la-vát, còn cụ móm mém nay đã lắp hàm răng giả, cười trắng bóng, tay  ôm một  bó hoa cuộn trong báo Nhân Dân, nhìn trẻ hẳn ra. Thanh âm không phều phào như ban sáng, cụ ngập ngừng: “Xin lỗi nhé, phiền ông phải đợi !’’. Tôi ngạc nhiên vì từ ngày về Thủ Đô, tôi  chẳng  còn nghe được hai từ xin lỗi, hai từ  đã biến mất tăm trong nền văn hoá Hà Nội hiện đại. Cụ tiếp, giọng có chút bực dọc: 

“…. cái cô hàng hoa tìm mãi mà không có được một bông  hồng, miệng lại cứ leo lẻo đòi thay bằng hoa huệ… Ông bạn tôi đây kêu ầm lên là người ta  đi hỏi vợ mà lại đòi bán hoa cho đám ma… Đúng là vô tích sự!’’

Tôi không giữ ý được, ôm bụng, phì cười. Cụ đeo kính tay vẫy taxi, miệng giục, nhanh kẻo trễ giờ tốt, cưới hỏi phải giờ Mùi giờ Thân, qua giờ Tuất thì chuyện gì cũng ủng oẳng như chó trốn bọn cẩu tặc  chuyên bắt trộm để cung cấp cho những nhà hàng đặc sản miệt Gia Lâm.

Trên taxi, nhìn ra, con đường dẫn tới Hà Đông nay chẳng còn gì như trước, hai bên nhà cửa vút lên như vần thắng một bài thơ xưa khiến  thế giới duy vật hoành tráng vụt cao theo một trong không gian ba chiều trong  đó trục hoành và trục tung bị độ tăng dân số đang bóp teo tóp. Cụ đeo kính thì thào: ‘’  Cái nhân duyên này là tình già đấy’’ Nghe tình già, tôi lẩm bẩm thơ ông già họ Phan bẳn tính, hai mươi bốn năm sau, nghe âm vang xót xa:

 Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra được!

Ôn chuyện cũ mà thôi.

 Liếc đưa nhau đi rồi!

 con mắt còn có đuôi 

Không nhịn được, tôi hỏi cụ đi hỏi vợ. Cụ chép chép miệng:

“À, cái chuyện xưa ấy mà…Tôi biết ‘nhà nó’ cách đây sáu mươi năm rồi, thời phát động Cải Cách Ruộng Đất đợt 1 cơ. Thuở đó, ông cụ đẻ tôi bị nống từ trung nông lên địa chủ. Mấy sào ruộng, nhà cửa, bàn ghế nồi niêu…mất ráo. Cha tôi  bị bắt, chẳng biết đội Cải Cách giam ở đâu. Bu tôi mất sớm, tôi có bà chị cả và còn hai đứa em. Đói  chẳng có gì ăn, ra  đường gào ối đội ơi là đội, thế này thì chết mất. Bọn rễ chuỗi xô vào đấm đá, bảo kêu đói là chúng bay nói xấu chế độ, toa rập với thù nghịch chống chính sách. Đói đến ngày thứ ba thì thằng  Đội trưởng đội dân quân mang một rổ sắn tới nhà, đổi lại thì chị tôi phải để cho nó muốn làm gì thì làm. Đêm ấy, tôi nghe  chị tôi gọi, bu ơi, sao bu bỏ con  thế này…Nhưng có rổ sắn, lại chẳng có cái nồi, nấu làm sao. Nửa đêm, con bé hàng xóm len lén bò sang. Biết chuyện, nó về cắp cái nồi mang cho mượn, thế là chị em nhà tôi thoát chết đói…Con bé  ấy  chính là ‘’nhà nó’’ bây giờ!’’

Cụ đeo kính giục:

 “Thôi, kể nhanh lên, cứ rề rà mãi, xe sắp tới rồi…’’

Cụ kia lại chép miệng:

“Chị tôi bảo, mày trốn đi….Tôi nghe, đi lên miệt Tây Bắc, xung vào đoàn dân công để có cái mà ăn. Đánh nhau chết như rạ, cần bộ đội cho chiến dịch Điện Biên nên tôi xin vào là được ngay. Đấy, cụ vỗ vai cụ đeo kính, ở đấy  tôi gặp lại ông đây, người làng bên…Sau chiến thắng giặc Pháp, tôi về làng, sang thăm con bé năm nào cho mượn cái nồi. Chỉ chưa đầy bốn năm mà sao nó phổng pháp hẳn lên, ngậm ngùi bảo, em có chồng rồi. Lúc ấy tôi mới thấy mình buồn đến chết  đi được. Thì ra tôi phải lòng nó mà nào tôi có biết. Trong cơn đau đớn, tôi lận lưỡi lê trong áo đi tìm thằng Đội dân quân hiếp chị tôi để trả thù. Chị tôi  kêu, thằng cháu em năm nay ba  tuổi là con nó đấy. Thế là tôi đành tha cho nó. Thằng khốn, nó quì xuống lậy tôi  như tế sao, bảo  tôi  có đứa em gái, tôi cống hiến cho chú để tạ tội. Nghe cũng bùi tai, tôi liền lấy vợ. Ngày cưới, ‘’ nhà nó’’ quà cho một mảnh lụa, nhưng chẳng nói năng gì. Sau chồng đi B, ‘’nhà nó’’ nghiêm chỉnh ba đảm đang, nên thỉnh thoảng thấy nhau mà phải làm ngơ. Chồng nó chết mất xác ở Vĩnh Linh thì…’’

Cụ đeo kính sốt ruột: “Nhanh đi…thì  tôi cũng chẳng dám hó hé, chứ gì!’’.

Cụ  kia chép miệng:

“…tất nhiên, bộ đội với nhau, có chi đi nữa thì cũng cứ nhịn, cho phải đạo. Lúc ấy, tôi cũng có thằng cả, lại vừa nhận giấy động viên…Lần này, đơn vị tôi đóng ở Tây Nguyên, vây Plei Me, cắt đường vào Ban Mê Thuộc..’’

“Nhanh nào, xe sắp đến nơi rồi. Thôi, bỏ giai đoạn Đại Thắng mùa Xuân nhé…’’.

“Vâng, xin ngắn gọn… Sau Giải Phóng, tôi về làng được một năm thì bà nhà tôi chết, chẳng biết bệnh tật thế nào, cứ co giật, bọt mép sùi ra. Thời gian trước  đó, ‘nhà nó’ đã đi thêm một bước, lại lấy bộ đội. Ba năm sau ông chồng bị điều lên biên giới chống quân bành trướng Trung Quốc, bị pháo nó đả, mất đứt bán thân, nằm viện mấy tháng rồi cũng qui tiên. ‘Nhà nó’ lại góa. Cũng như tôi, nhưng dẫu hai bên cám cảnh nhau, ‘Nhà nó’ nghiêm túc, không cho quá đà đâu. Thằng cả nhà tôi đã vợ hai con. Còn ‘Nhà nó’ thì hai đời chồng, năm con, đứa bé  nhất mới năm  tuổi…Chúng tôi cứ ngày rằm gặp nhau trên chùa, bạo lắm thì tôi nắm tay khi vắng người…’’

“Nhanh lên, xe  nó vào con đường này là tới nơi đấy….’’

“…Với lại, đó là thời ngăn sông cấm chợ, ăn bo bo chấm muối thì có… muốn cũng chẳng lấy đâu ra sức… ‘Nhà nó’ lại cứ khư khư đạo lý, bảo phải biết làm gương cho con cho cháu… Đúng là một thời chết dở!  Bây giờ, thì chịu. Đạo lý nay không bắt giữ nhưng… già nên đặng chẳng đừng cũng giữ được. Đôi khi mình muốn  bớt đạo lý tí ti để có …tự do… thì lại khôn kham  …’’

Một bình luận

  1. Câu chuyện thật xúc động, qua đó càng rõ hơn cái thời “CCRĐ” cần phải được viết lại sự thật ấy, để đời nay và đời sau suy ngẫm! Cách kể chuyện hấp dẫn, khêu gợi trí tò mò của người đọc và “tình già” thật đáng thương! Cảm ơn anh Tạo cho đăng câu chuyện này, cảm ơn Tác giả “Tình già”.

Bình luận về bài viết này