NGUYỄN NGỌC HẠNH – KHI XA MẶT ĐẤT


PHAN VĂN MINH

Đã 15 năm, kể từ đêm ra mắt tập thơ đầu tay Khi xa mặt đất (*) cùng với tập ca khúc Quả táo cho Eva của tôi tại Trung tâm văn hóa Quảng Nam, lần này  Nguyễn Ngọc Hạnh cho ra đời đứa con sinh đôi thật bề thế: Một tập Thơ tình do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành; và một đêm thơ nhạc, giới thiệu Album Giấc mơ với 16 ca khúc do các nhạc sĩ phổ từ thơ của anh. 

Đêm Thơ-ca Nguyễn Ngọc Hạnh – Kí ức dòng sông đã thu hút đông đảo công chúng yêu thơ, đặc biệt là sự tụ hội đông vui của bạn bè thi hữu tại “cố hương” Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An, Tam Kỳ và Đà Nẵng. Theo giới báo chí và anh em văn nghệ, thì đây là chương trình được tác giả chăm chút, dàn dựng chu đáo, hoành tráng với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của Quảng Nam, Đà Nẵng. Có phải vì thế mà các đài truyền hình đã có mặt để thực hiện các phóng sự, dàn dựng nhiều chương trình để sẻ chia cùng nhà thơ trong đêm ra mắt tác phẩm này. Trang văn nghệ Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng với Sông chỉ một dòng; Đài phát thanh truyền hình Quảng Nam với phóng sự Nguyễn Ngọc Hạnh – Ký ức dòng sông, VTV Đà Nẵng đang dàn dựng, chọn lọc giới thiệu các ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.

          Về Album Giấc mơ sẽ có nhiều điều để nói, nhưng trước tiên cần phải hiểu rằng nó không có mục đích như Album của một nhạc sĩ hay ca sĩ. Nguyễn Ngọc Hạnh đã tập hợp tất cả 16 bài, 16 cuộc giao thoa, 16 lần thù tạc giữa thơ và nhạc – như là sự chắt chiu và tri ân những món quà tặng của bạn bè trong giới âm nhạc dành cho mình. Bên cạnh đó, có lẽ Nguyễn Ngọc Hạnh cũng không thể phủ nhận rằng trong thời đại thông tin này, giai điệu âm nhạc có khả năng như ngọn gió phát tán lời thơ qua không gian và thời gian một cách bền vững nhất. Như Bóng cây kơ nia của Ngọc Anh liệu có còn ai nhớ nếu không có giai điệu của Phan Huỳnh Điểu? Rồi Trịnh Cung – Trịnh Công Sơn với Cuối cùng cho một tình yêu, Đỗ Trung Quân và Giáp Văn Thạch với Quê hương…cũng vậy. Nhà thơ xứ ta rất nhiều nhưng không mấy người đồng thời hiểu ra, có điều kiện và kì công “chăm sóc” thơ mình  qua kênh âm nhạc như Nguyễn Ngọc Hạnh. Đó là một điều có thể có nhiều cách suy gẫm nhưng luôn đáng trân trọng trên cả hai bình diện Thơ và Nhạc.

          Theo chiều ngược lại, một vài sự thống kê cũng cho thấy mức độ tiếp cận của các nhạc sĩ với thơ Nguyễn Ngọc Hạnh: Trong 11 nhạc sĩ tham gia vào Album này có cả ba miền Nam – Trung – Bắc, có những giai điệu “cổ thụ” của Phan Huỳnh Điểu, Lê Anh; có tiết tấu phá cách của “nhân sĩ tài hoa Bắc Hà” Trọng Đài; có bóng dáng “hồng quần” trong ba ca khúc của nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp; có lòng khắc khoải “vọng cố hương” của nhạc sĩ Việt kiều Mỹ, Nguyễn Ngọc Tiến; có chất liệu dân ca Quảng Nam trong giai điệu của Thái Nghĩa, Nguyễn Đình Thậm, và xa hơn lại thấy thấp thoáng bóng dáng cung đình Việt – Chăm trong Xuân muộn của Nguyễn Duy Khoái…

Trong 16 ca khúc có 10 bài lấy ca từ gần như trung thành theo chiều dọc tác phẩm thơ, có 4 trường hợp một bài thơ được phổ thành 2 ca khúc với chất liệu âm nhạc và cách xử lí ca từ khác nhau. Phải chăng sự “đa âm” của nhạc đã minh chứng cho sự biến ảo đồng thời mở ra nhiều cánh cửa cho thơ ?

          Tất nhiên, không thể bảo tất cả đều thành công. Tuy trong thơ có một phần âm điệu của nhạc nhưng cấu trúc của một câu nhạc lại khác xa cách sắp xếp các âm tiết trong một câu thơ. Hơn nữa, mức độ cảm thụ nội hàm trong và ngoài văn bản thơ ở mỗi nhạc sĩ thường không giống nhau. Đó là chưa kể đến những khoảng cách về tài năng, kinh nghiệm, phong cách, cá tính sáng tạo của từng người. Do vậy qua Album này, mỗi người nghe sẽ chỉ có ấn tượng với một số bài là điều dễ hiểu. Riêng với sự cảm nhận của người viết bài này, những ca khúc có khả năng làm thành “ngọn gió” vừa chuyển tải vừa thăng hoa cảm xúc của thơ có thể kể đến: Phút giao thừa (nhạc Trọng Đài), Xuân muộn (nhạc Nguyễn Duy Khoái), Qua đò nhớ mẹ (nhạc Nguyễn Ngọc Tiến), Bài thơ trên cao ( nhạc Lê Anh), Nhớ mùa hoa ven sông (nhạc Đình Thậm), Dòng sông còn lại (nhạc Thái Nghĩa)…Và có một điều đáng ghi nhận là phần ca từ trong các tác phẩm vừa nêu đều được viết bằng cách phỏng tác, không tuân thủ theo trình tự câu thơ. Đơn cử như ở tác phẩm Phút giao thừa, Trọng Đài đã phá vỡ thể thơ lúc bát trong bài thơ Giao thừa của Nguyễn Ngọc Hạnh để tạo nên một ca khúc có hình thức ba đoạn đơn với các chất liệu tương phản nhau, mô tả được ba không gian tâm lí khác nhau mà vẫn trung thành với cấu tứ của tác giả thơ. Sự tài hoa của nhạc sĩ thể hiện ở mức độ “thẩm thấu” cảm xúc của bài thơ ở thời điểm được viết ra đồng thời bảo vệ được phong cách sáng tác của mình. Nếu giữ nguyên thể thơ lục bát, chắc chắn giai điệu sẽ cũ mèm với nhịp ba mà các nhạc sĩ xưa nay thường sử dụng khi phổ loại thơ này.

          Xin chúc mừng Nguyên Ngọc Hạnh cả về thơ lẫn nhạc. Hi vọng anh sẽ không dừng lại ở Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh mà sẽ tiếp tục nối dài thêm Giấc mơ của mình trong những cuộc hạnh ngộ tương đắc sau này giữa nhạc và thơ.

                                                                                                          P.V.M.

_______

(*) Khi xa mặt đất -Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh – NXB Đà Nẵng, 1997

Bình luận về bài viết này