HỒ HỮU THỚI – NGƯỜI ĐI TÌM CÂU HÁT QUÊ HƯƠNG


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Hồ Hữu Thới (trái) và NTT trong “Đêm nhạc HHT”

Mỗi khi nhớ về xứ Nghệ thân thương, tôi không thể không nhớ về nhạc sĩ Hồ Hữu Thới. Tên anh và âm nhạc của anh như đã đóng đinh vào trí nhớ của tôi từ lâu lắm rồi. Có thể là từ năm 1970 thời chiến tranh ác liệt, khi tôi được nhạc sĩ Ngô Trí Thậm, người đồng đội, cũng là người thầy thụ giáo âm nhạc của tôi cho xem bản nhạc Những ngọn đèn gọi cá mà Hồ Hữu Thới vừa gửi từ Hà Nội vào tuyến lửa khu Bốn. Bản nhạc phảng phất âm hưởng dân ca xứ Nghệ mà nghe thật hiện đại. Một thứ âm nhạc khúc thức chặt chẽ và giàu hình tượng. Tôi như nghe thấy cả tiếng sóng biển, tiếng gió biển, tiếng trái tim của người dân biển trong cuộc sống lao động và chiến đấu đầy lạc quan tin tưởng: 

Lưới tơ ta vây con cá hồng cá nục
Lưới thép ta vây quân cướp trời cướp biển…

        Ấn tượng của tôi đối với Hồ Hữu Thới lúc ấy thật mạnh: Đấy là người nhạc sĩ viết ca khúc bằng tư duy khí nhạc. Khác với những nhạc sĩ sáng tác bằng cảm xúc bản năng, đi lên từ phong trào quần chúng, Hồ Hữu Thới được đào tạo âm nhạc có hệ thống ngay từ đầu. Hơn 10 năm học ở trường âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội), anh đã có một hành trang đầy đặn về kiến thức âm nhạc Đông Tây, dân gian, bác học để đi vào cuộc sống. Và anh đã lựa chọn con đường trở về xứ   Nghệ để trở thành một nhạc sĩ  ở ngay trên quê hương mình.

        Tôi là người Nghệ. Tôi quen biết khá nhiều nhạc sĩ quê tôi, và cả những nhạc sĩ viết về quê tôi rất hay, nhưng tôi chưa thấy ai lại trăn trở, thao thức với dân ca xứ Nghệ để làm mới di sản âm nhạc của cha ông dai dẳng như Hồ Hữu Thới. Hàng trăm ca khúc của anh khai thác chất liệu dân ca quê hương theo cách của riêng anh. Anh cũng là một trong những người chủ trương cuộc thể nghiệm đưa dân ca xứ Nghệ lên sân khấu kịch hát, và đã gặt hái được nhiều thành công mà đỉnh cao là vở Mai Thúc Loan đoạt huy chương vàng liên hoan sân khấu toàn quốc. Ngay cả khi viết nhạc cho kịch nói hay nhạc múa, Hồ Hữu Thới cũng không quên thổi hồn Nghệ vào những giai điệu thẳm sâu trí tuệ hoặc bay bổng trữ tình. Có thể nói, dân ca Nghệ, tâm hồn Nghệ như một thứ “ma túy tinh thần” thấm đẫm vào máu thịt để làm nên con người âm nhạc có tên là Hồ Hữu Thới.

       Tôi còn nhớ ở Nghệ Tĩnh, một thời đi tới đâu cũng nghe hát Câu hát quê hương của anh. Suốt thập niên 80 của thế kỷ trước, ca khúc Câu hát quê hương là bản nhạc nằm lòng của người xứ Nghệ, nó không bao giờ thiếu vắng trong các liên hoan, hội diễn văn nghệ cũng như trong đời sống thường nhật của nhân dân. Nó theo các đoàn nghệ thuật đến với công chúng cả nước và gây xúc động lòng người, đặc biệt là người Nghệ xa quê. Một ca sĩ của đoàn nghệ thuật Nghệ Tĩnh kể rằng, khi hát bài này cho dân xứ Nghệ ở vùng kinh tế mới Đăk Lăk, nhiều người nghe đã không cầm được nước mắt và yêu cầu anh hát lại nhiều lần rồi chép lại để hát. Đây là một ca khúc có nhiều sáng tạo trong cấu trúc và tiến hành giai điệu mới mẻ mà nhuần nhuyễn. Nó làm mới dân ca xứ Nghệ, hay nói đúng hơn là Hồ Hữu Thới đã sáng tạo ra một bài dân ca mới của thời hiện đại, động tới tâm can của người Nghệ:

Người ơi, thương nhau nhớ lời đã hò hẹn
Càng thương nhau nhớ gừng cay muối mặn
Câu ca ân tình trên sóng nước long lanh bao cuộc đời
Câu ca bây giờ nghe vẫn mới: Thương nhau xin nhớ đừng quên…

Tôi có may mắn được đặt lời cho bài hát này (cũng như đã đặt lời cho vài bài hát khác của anh), và tôi nhớ rằng sau khi viết xong phần nhạc, anh đã rất lúng túng không soạn nổi lời ca, định cất nó vào ngăn tủ. Một lần ghé nhà anh, tôi được anh cho xem bản nhạc, và tôi rất thú vị, tự nguyện (vâng, đúng là tự nguyện chứ không phải anh nhờ) mang về để viết phần lời ca. Hai ngày sau, tôi đến trao anh bản nhạc đã có lời. Ca khúc Câu hát quê hương ra với cuộc đời từ đó, như một kỷ niệm đẹp giữa “Nhạc và Lời”. Làm bạn với nhau đã lâu, thú thật là mỗi lần nghe ca khúc mới của Hồ Hữu Thới, dù mức độ thành công khác nhau, nhưng tôi đều thấy anh không chịu lặp lại mình. Cũng là chất Nghệ đó, nhưng mỗi bài mỗi vẻ riêng. Cùng viết về biển Cửa Lò thì Xôn xao trời nước quê mình xốn xang nỗi nhớ những con tàu vượt trùng dương, còn Giọng hò trên biển quê hương lại rộn ràng nhịp sống lao động tin yêu. Cùng viết về Nam Đàn quê Bác thì Ở làng Sen giàu chất tự sự sâu lắng, còn Hội làng bên sông Lam lại tưng bừng nhịp trống hội vang xa. Với Tiếng hát người bảo vệ rừng Ở rừng cuộc sống tôi yêu, là hai màu sắc cảm xúc và hai phong cách khác biệt nhau. Nhiều bài hát về Vinh, nhiều bài hát viết về mẹ, và đặc biệt là chùm bài hát viết về Bác Hồ thể hiện tính đa dạng phong phú về cảm xúc và tư duy của người nhạc sĩ luôn trăn trở, tìm tòi, khám phá bản thân mình cũng như khám phá đời sống luôn biến động chung quanh. Mảng đề tài về quê hương xứ Nghệ ngày càng sâu nặng với Hồ Hữu Thới, và anh vẫn tiếp tục tạo thêm những dấu ấn mới trong hành trình âm nhạc của mình với những ca khúc Quê hương ngày ấy Bác về, Ân tình xứ Nghệ, v.v…

        Nhưng không chỉ viết về xứ Nghệ, Hồ Hữu Thới luôn tìm cách mở rộng đề tài và chất liệu âm nhạc trong một loạt sáng tác dọc những chuyến đi của anh. Những ca khúc “mở rộng” này thường có cảm xúc tươi tắn của người đi tới vùng “đất lạ”. Về Cao Bằng “bồi hồi nhớ ngày Bác về ở bên suối Lê Nin”, đến Huế để lại câu thơ cho Sông Hương bến đợi, vào Đồng Tháp Về thăm Xẻo Quýt “gặp em gái năm xưa đánh giặc vẫn còn đây”, thăm Sài Gòn thấy Xôn xao bến cảng Nhà Rồng nơi Bác ra đi “tìm hình của Nước”, ghé Trường Sơn thắp nén hương cho Đồng đội và đi trong Chiều mưa Trường Sơn “anh thấy thời gian dừng lại”, gọi Tây Nguyên ơi hãy nổi trống lên để ngợi ca muôn đời hồ Lăk tươi xanh, và, giữa thủ đô anh cùng Hồ Xuân Hùng chợt thấy: Nếu Hà Nội không có mùa Đông “chắc lá bàng không rơi đầy lối ngõ”. Đi xa hơn nữa, Hồ Hữu Thới đã gửi hồn mình vào Tình Việt Lào rộn rã nhịp Lăm vông, và gieo tiếng đàn xao xuyến trong Chiều Vôn Ga da diết trữ tình. Hồ Hữu Thới đôi lúc cố gắng trẻ hóa âm nhạc của mình trong Khi ta là sinh viên, Con gái, Vui tết cùng lính đảo… Trong cuộc hành trình âm nhạc đời người, anh còn nhiều lần mở rộng hình thức để tiếp cận những tâm trạng đầy kịch tính của con người qua các aria trong kịch hát hoặc những ca khúc tô đậm chủ đề của những vở kịch mà anh soạn nhạc: Kể chuyện đời tôi, Hỡi gió, Sao chàng sai hẹn, Kể chuyện nàng Bích Châu, Nỗi đau của anh, v.v…

        Tôi quen Hồ Hữu Thới đã lâu, và được biết anh say mê âm nhạc từ nhỏ. Sinh ra ở nông thôn Quỳnh Lưu, lớn lên trên lưng trâu thổi sáo tự làm lấy bằng ống nứa trong bó củi rừng mẹ mua về đun bếp. Một cuộc thi tuyển ở xã, anh đã trúng tuyển vào trường Âm nhạc. Thế là khăn gói quả mướp đi bộ dưới đạn bom ra thủ đô học tập. Những năm chiến tranh, trường sơ tán, anh có tên trong danh sách đi du học nước ngoài, nhưng đã tình nguyện ở lại, đi vào vùng tuyến lửa thâm nhập thực tế, sáng tác những bài hát về quê hương. Tốt nghiệp đại học âm nhạc khoa sáng tác, Hồ Hữu Thới không ở lại trường mà xin về xứ Nghệ công tác. Anh trở thành cán bộ của Ty Văn Hóa Nghệ An, phó hiệu trưởng trường Văn Hóa Nghệ thuật Nghệ Tĩnh và hai khóa liền là ủy viên BCH tỉnh ủy, 15 năm liền làm Giám đốc Sở Văn Hóa Thông Tin Nghệ An. Làm một nhà quản lý văn hóa ở một tỉnh đất rộng người đông trăm công nghìn việc, vậy mà anh vẫn lặng lẽ sáng tác cả một khối lượng tác phẩm thật đáng nể: viết hàng trăm ca khúc và soạn nhạc cho hàng chục vở diễn sân khấu từ kịch dân ca, kịch cải lương, kịch chèo, đến kịch nói, kịch hát… và ngành văn hóa thông tin Nghệ An nhiều năm là lá cờ đầu văn hóa cả nước, được tặng Cờ luân lưu của Chính phủ. Con người quản lý và con người nghệ sĩ tưởng khó chung sống với nhau, lại hóa ra rất hòa thuận trong anh. Nhạc sĩ Trần Hoàn hồi còn là Bộ trưởng Bộ VHTT có lần nhận xét về Hồ Hữu Thới: “ Chất nghệ sĩ đã kích thích Hồ Hữu Thới có nhiều sáng tạo trong công tác quản lý, trở thành một giám đốc giỏi của toàn ngành văn hóa, ngược lại, con người quản lý cũng hỗ trợ rất nhiều cho tầm nhìn xa rộng của người nghệ sĩ trong tác phẩm anh dâng hiến cho đời. Hồ Hữu Thới không phải là trường hợp duy nhất, nhưng cũng không phải là nhiều”.

        Vâng, hơn bốn chục năm cống hiến cho đời, bây giờ ngoái nhìn lại, Hồ Hữu Thới có vui và có buồn. Niềm vui dấn thân, nỗi buồn cả nể. Âu cũng là thiên tính của người nghệ sĩ đó thôi. Nhưng ngoái lại chứ không phải dừng lại. Ngoái lại để lắng lại, để vững tâm hơn trên con đường đi tới. Bởi Hồ Hữu Thới là người hướng nội, người biết lặng lẽ nuôi lớn khát vọng từ nguồn sữa quê hương như chính anh đã từng tâm niệm:

Tôi lặng lẽ đi tìm câu hát

Tìm cái nửa cho riêng tôi

Tìm câu hát cuộc đời.

Tôi đi tìm

               Suốt chiều dài câu ví dặm

Tôi đi tìm

               Suốt chiều rộng câu dân ca.

Tôi khát khao làm mới câu ví điệu hò xứ sở

Để cuộc đời mãi mãi là bài ca… 

Hà Nội, Trung Thu 2005


2 bình luận

  1. minh cung la nguoi xu nghe. xa que da lau, thoi con o viet nam, nha minh gan anh thoi. thi thoang van den anh choi. bai nay la dinh da lam nen ten tuoi cua anh thoi. loi cua anh tao that la hay, va am huong cua bai hat giai dieu cu quyen nhu hai ma mot… that qua cam phuc hai nhac si da cho ra doi bai hat – khuc hat que huong. xuan nam cua doan ca mua nghe tinh hat bai nay that tuyet…cam on hai bac da co mot khuc que huong de ma nho, de ma thuong….

  2. Anh tài gặp anh tài, lại gặp nghệ sĩ nhân dân, xứ Nghệ chiếm hết cả bài hát hay rồi!

Bình luận về bài viết này