NHỮNG CUỘC ĐỜI SÓNG GIÓ, NHỮNG TRANG VĂN ẤM ÁP


altHỒNG THÁI

Dường như 129 tác phẩm, cụm tác phẩm được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt này được trao cho các tác giả mà phần đông trong số họ đã sống, viết, sáng tạo những năm chống Mỹ cứu nước. Người thì lăn lộn ở chiến trường ác liệt, người thì trằn mình nơi hậu phương từng bị bom đạn Mỹ cày xới để phục vụ sản xuất và chiến đấu… 

Tôi có mặt tại buổi lễ trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú diễn ra thật trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong một buổi sáng với thời tiết mát mẻ như chiều lòng người. Điều gì đã hấp dẫn tôi, một khán giả bình thường phải gác lại một núi công việc để nấn ná, ở lại lâu hơn trước niềm vui và vinh dự của những nhà văn đàn anh, của nhiều người khác?

Quả thật lúc ấy tôi cứ thấy bồi hồi khi nhìn lên sân khấu thấy một vài nhà văn, một số đạo diễn tay chống ba-toong tập tễnh lên nhận giải thưởng do đích thân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng; cả thân nhân của những nhà văn đã quá cố  bước ra sân khấu một cách lạ lẫm, dè dặt; rồi cả những nhà văn từng mặc áo lính hùng dũng thưở nào nay bước những bước chân nhẹ êm trên sàn rải thảm đỏ… Làm sao biết được tâm trạng của những người đang cập phút vinh quang ấy thế nào,  nhưng tôi đứng ở dưới nhìn lên bỗng thấy lòng mình nao nao, thấy thân thương quá bóng dáng của những nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ vừa quen vừa lạ; vừa lam lũ, vừa sang trọng, nét mặt ai cũng “nghiêm trọng” khi bắt tay Chủ tịch nước.

Vị Chủ tịch nước đã đứng liên tục mấy tiếng đồng hồ trên sân khấu để trao giải thưởng tận tay cho 485 cá nhân, bắt tay từng người một, trao giải cho từng người một, càng thấy sự trân trọng đối với sự cống hiến, sáng tạo của các văn nghệ sỹ với tư cách mỗi người là một vì sao lấp lánh trên bầu trời văn nghệ nước nhà… Dường như sau mỗi lần bắt tay, vị Chủ tịch nước truyền đến các văn nghệ sỹ niềm tin cậy của nhân dân, các văn nghệ sỹ lại truyền đến vị Nguyên thủ quốc gia sức nóng của lòng nhiệt huyết của một nền văn hoá? Có lẽ niềm vinh quang ấy không phải thời nào cũng có, không phải nước nào cũng có!

Không hiểu tại sao tôi đặc biệt quan tâm tới số nhà văn mặc áo lính, họ từng đi qua một thời trận mạc, nay người trẻ tuổi nhất cũng đã 60 là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhiều hơn chút nữa là ngoài 60 như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nữ TNXP – nhà văn Lê Minh Khuê, nhà thơ Anh Ngọc, nhà văn Thái Bá Lợi, nhà văn Ngọc Bái, nhà văn Lê Thành Nghị, nhà phê bình Ngô Thảo, nhà văn Cao Tiến Lê, nhà văn Dũng Hà (đã mất), nhà văn Triệu Bôn (đã mất), nhà văn Lê Tri Kỷ (đã mất), nhà văn Mai Ngữ (đã mất)… và một số  nhà văn khác mà tôi chưa kịp kể tên.

Tại sao lại nhớ đến lớp nhà văn này? Đơn giản vì những tác phẩm của họ được viết nên ở chiến hào sống chết, cũng có thể được viết thời hậu chiến với những ký ức khắc khoải về chiến trường xưa. Đơn giản vì những vần thơ, những câu văn ám khói bom, thuốc súng, hoặc không tiếng súng của trận tuyến an ninh…


NSƯT, Đạo diễn Phạm Việt Tùng và một số đồng nghiệp tại lễ trao giải thưởng.

Tôi có thể không còn nhớ “Xúc xắc mùa thu” của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, nhưng tôi không thể nào quên bài thơ “Nhật ký” của anh với những câu thơ đầy dự cảm chiến trường “Có ngủ được đâu. Nằm nghe lá thở. Nằm nghe súng nổ. Thôi sáng rồi vẫn tiếng gà xóm mẹ. Cuốn võng vào theo tiếng súng mà đi”.

Có thể tôi không thể nhớ những cuốn sách lý luận phê bình của Ngô Thảo, nhưng dòng nhật ký của người lính Ngô Thảo viết giữa chiến trường thế này thì thật khó quên: “Sáng ai sẽ lên đường khi bình minh chưa thức dậy. Nhưng ta biết ta sẽ gặp bình minh trên đường ra trận, bình minh tháng 5… Mình đã sống qua  nhiều tháng 5 mơ mộng. Mong cho tháng 5 tới hành động, một hành động thực sự có ý nghĩa trong cuộc đời chiến sỹ: Chiến đấu” (Dĩ vãng phía trước, 3/5/1969)…

Với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tôi không nhớ nhiều tập thơ “Đồng dao cho người lớn”, nhưng làm sao quên được trường ca “Con đường của những vì sao – Trường ca Đồng Lộc” của anh với những câu thơ ám ảnh hồn người: “Nhân Dân sống Nhân Dân làm lụng/ áo vá vai lòng thơm thảo lành nguyên/ Nhân Dân căm hờn như núi dựng chông/ Nhân Dân yêu thương đồng dâng gạo trắng/ bom đạn giặc từ trời cao ném xuống/ Nhân Dân từ ruột đất trồi lên!”.

Tác giả Hồng Thái và nhà thơ NTT

Có lần nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tâm sự:  “Năm 1998, cùng đoàn nhạc sĩ Việt Nam thăm lại Ngã Ba Đồng Lộc, tôi cứ đứng trào nước mắt rất lâu trước khu mộ Mười cô gái Anh hùng. Mọi người đã đi hết, tôi vẫn còn đứng lại sau tấm bia lớn ghi tên Mười cô gái. Không làm sao lau khô được dòng nước mắt. Phải chăng tôi quá yếu mềm? Có lẽ không phải thế. Có một điều gì đó thật sâu xa từ những thân phận bi tráng này đã xúc động sâu thẳm lòng tôi. Tôi hiểu ra rằng, quá khứ đầy bi tráng đã biến thành máu thịt trong mỗi con người hôm nay khi trở về với Ngã Ba Đồng Lộc…”.

Trong ngày trao Giải thưởng Nhà nước, những cái nhìn đầy tình người, những cái bắt tay thật chặt ở hành lang, hội trường lấp lánh ánh mắt long lanh, đầy thân thiện. Tôi đã gặp những người đến nhận Giải thưởng này, nào là đạo diễn, NSND Xuân Huyền tập tễnh đi qua cơn xuất huyết não, gặp NSND Lê Tiến Thọ, nào là nhà văn Hồng Nhu, đạo diễn Phạm Việt Tùng, đạo diễn Phạm Thị Thành, NSND Đặng Xuân Hải, nào là vợ chồng Phan Hồng Giang – Nguyễn Thị Hồng Ngát, vợ chồng đạo diễn Vương Đức – diễn viên Ngọc Bích, đến nhà thơ Hoàng Việt Hằng (đến nhận giải thưởng cho chồng là nhà văn Triệu Bôn)…

Càng gặp càng thấy một điều, dường như 129 tác phẩm, cụm tác phẩm được nhận Giải thưởng Nhà nước đợt này được trao cho các tác giả mà phần đông trong số họ đã sống, viết, sáng tạo những năm chống Mỹ cứu nước. Người thì lăn lộn ở chiến trường ác liệt, người thì trằn mình nơi hậu phương từng bị bom đạn Mỹ cày xới để phục vụ sản xuất và chiến đấu…

Dường như mỗi văn nghệ sỹ là một cuộc đời sóng gió, nhưng họ đã dâng hiến cho đời những trang văn ấm áp. Phải vì thế chăng mà nhiều người lắng nghe bài phát biểu của nhà văn Thái Bá Lợi, đại diện các nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2012 bày tỏ: “…Cảm ơn nhân dân các dân tộc Việt Nam Anh hùng – bầu sữa nuôi lớn những khát vọng sáng tạo nghệ thuật, cũng là người thẩm định vô tư nhất, chính xác nhất giá trị của các tác phẩm. Nghệ thuật chỉ có thể tồn tại khi nó tồn tại trong lòng nhân dân, đồng hành cùng nhân dân…”.

(Tác giả gửi nguyentrongtao.com)

Bình luận về bài viết này