NẾU NHƯ KHÔNG… NẾU


NGUYỄN VĂN DŨNG

Mãi vào tuổi thất thập, tôi mới ngộ ra, mọi chuyện ở đời đều do duyên hợp. Chẳng phải cái chi mình muốn là được, chẳng phải cái chi mình không muốn là không được. Như chuyện tôi gặp Nguyễn Đức Tùng, hoàn toàn chỉ là sự tình cờ.

Dịp kỷ niệm 40 năm Mậu Thân, thương bạn, Ngô Minh viết một bài đăng trên báo, nhằm nói với những ai khăng khăng buộc tội ông Tường, rằng vào thời điểm đó, ông Tường không có mặt ở Huế. Không có mà nói là có, thế này mà biểu là thế kia… Chuyện oan khuất không hiểu sao cứ vận vào mỗi mình ông ấy. Đúng là “Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường”. Bài viết nhẹ nhàng, chân tình, hay, chỉ tiếc không được kín lắm. Thế là cánh công tố nhao nhao bùm tiếp, không phải với tác giả “Bi kịch Hoàng Phủ Ngọc Tường”, mà chính Hoàng Phủ Ngọc Tường. Có người còn thách ông Tường ngon thì cứ lên tiếng. Trong 10 điều răn của nhà Phật, có điều: oan khuất không cần biện bạch, vì biện bạch là hèn. Tôi phải can ngăn mãi anh ấy mới chịu giữ im lặng. Chuyện tưởng đã lắng xuống, thì như một sự tình cờ, bài thơ “Nếu” ra đời, với lời đề tặng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bài thơ lạ quá, hay quá, mà cũng đau quá. Tôi, đôi khi đến cả số điện thoại của mình mà mình không nhớ, vậy mà đọc qua “Nếu” một lần là thuộc ngay, thuộc cả cái tên tác giả hãy còn lạ hoắc.

Tháng 5 vừa rồi, trên đường từ Toronto về nước, tôi dừng lại Vancouver 2 ngày. Tôi meo cho anh bạn Võ Văn Cần, nhờ anh 3 việc. Một là, thu xếp cho tôi gặp bác sĩ Võ Văn Đàn. Anh ấy là người yêu cũ của vợ tôi. Thuở xưa, nhà tôi xinh đẹp, luôn có hàng tá chàng trai tán tỉnh. Anh Đàn bao giờ cũng là người được xếp đầu hàng. Năm tháng qua đi, tôi không khi mô nghe nhà tôi nhắc chi về “người ấy”. Tôi buồn lắm, nhưng chỉ giữ trong lòng. Chao ôi, thế thì ngày xưa tôi không lấy được nàng, giờ tôi cũng chỉ như là mây bay thôi sao! Đàn bà hay thiệt… Hai là, tìm giùm và thu xếp cho tôi gặp nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Tôi chỉ muốn thăm và để hỏi một câu thôi. Và ba là, cho tôi ở nhờ, vì tôi không đủ tiền ở khách sạn. Hôm sau tôi nhận được hồi âm của Cần: Việc một, ba mươi giây, bác sĩ Võ Văn Đàn là chổ bà con. Việc hai, cũng quá dễ, vì Nguyễn Đức Tùng là người quen biết. Việc ba, không được. Lý do, vì nhà chật chội, bất tiện. Thế rồi hôm sau nữa, tôi nhận được meo của Nguyễn Đức Tùng. Bức meo, đại ý: Nghe anh đến thăm Vancouver, rất mong được gặp. Nếu có thể, xin mời anh về ở lại nhà tôi. Sau này, buổi tối trước khi chia tay, tôi vui miệng hỏi. Tùng nói: Không, anh Cần không hề nói chi với em về chuyện ăn ở của anh. Là vì em linh cảm thấy anh cần chổ ở, nên em mời, thế thôi. A, đây là một chi tiết cực kỳ quan trọng. Vì với tâm hồn thơ, thi sĩ hẳn là người có khả năng linh giác. Không chỉ linh cảm về những chuyện vặt trong cuộc sống đời thường, mà còn linh cảm được cả những chuyển biến của thời đại, của nhân loại, của phận người.

Hội ngộ – (từ trái sang): Tác giả, nhà thơ Vân Hải, Đỗ Quyên, Đức Tùng.

Trong số những người đón tôi ở nhà anh Đức Tùng, có bác sĩ Võ Văn Cần, nhà thơ Vân Hải, nhà thơ Đỗ Quyên – người đã “bình” bài “Nếu” một cách xuất sắc và duyên dáng. Hoá ra, không phải chị Đỗ Quyên mà là một quí ông thật thụ. Một đấng trượng phu râu hùm hàm én mày ngài, với nụ cười rộng mở, và cực kỳ hào sảng. Ai cũng bảo tha phương ngộ cố tri là đệ nhị khoái ở đời. Tôi nay ngộ toàn người dưng xa lạ, sao vẫn thấy khoái quá chừng.

Con người ta thường quí cái gì mình không có. Bằng chứng, cánh nhà võ chúng tôi rất ngưỡng mộ văn, còn cánh nhà văn thì rất trân trọng võ. Biết tôi từ Việt Nam sang, lại là một võ sư Karate, các bạn dành cho tôi những tình cảm rất mực. Mà có chi đâu, mấy lon bia, dĩa đậu phụng, và tấm lòng rộng mở… thế là đủ vầy một cuộc luận đàm văn chương đông tây kim cổ. Không biết tôi từng là giảng viên văn, nên hình như các bạn có hơi sững, vì tay võ sư này múa mồm dẽo chẳng kém cạnh chi. Lựa lúc thích hợp, tôi phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Đức Tùng: Rằng, bài “Nếu” khắc hoạ rõ nét chân dung Hoàng Phủ Ngọc Tường. Anh chưa từng gặp mặt, chưa từng quen biết ông Tường, thế thì căn cứ vào đâu mà anh vẽ được một cách tài tình đến vậy? Một thoáng suy nghĩ, Đức Tùng nói: Là do em đọc. Em rất ngưỡng mộ văn anh Tường. Trong làng văn Việt Nam hiện nay, theo em, có hai tên tuổi xếp hàng đầu. Một là Nguyễn Khải. Hai là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Em đọc anh Tường rất kỹ. Nhờ thế em biết rõ anh Tường. Tôi ngờ là anh mới chỉ trả lời một nửa. Nhưng tôi im lặng. Cuối buổi luận đàm, Tùng còn nói thêm, em viết bài “Nếu” là trên bình diện học thuật chứ hoàn toàn không có ý phê phán anh Tường. Em rất quí và tôn trọng anh ấy. Tôi cũng chỉ im lặng. Hôm sau rời Vancouver, Tùng nhờ tôi mang về biếu anh Tường chai rượu, với lời thăm hỏi ân cần, mong sẽ có ngày gặp. Ông Tường nghe tôi từng thuật đầu đuôi cuộc hội ngộ, anh vui lắm. Mặt mày lai tĩnh, như trẻ lại chục năm. Cho hay, hạnh phúc ở đời thật giản dị – được có người hiểu mình, thương mình, thế là hạnh phúc rồi. Vậy mà không hiểu sao, con người ta lại thích chì chiết nhau hơn là cảm thông, thích oán hờn nhau hơn là yêu thương, chia sẻ. Nhân loại chẳng khôn lên chút nào so với thời còn ăn lông ở lổ.

Té ra, cả ông Tường lẫn Đức Tùng đều là dân Quảng Trị. Cái xứ sỏi đá khô cằn, gió Lào toé lửa, vậy mà sản sinh toàn những tay tài hoa cái thế ở đời, đủ mọi lãnh vực: tôn giáo, chính trị, văn hoá, kinh tế, học thuật… Cụ Lê Duẫn là người Quảng Trị đấy. Còn như cỡ thấp hơn cụ chút xíu thì đếm không xuể. Ông Tường là dân Quảng Trị nhưng lại mang tiếng là người Huế. Có phải vì thế nên đôi khi ông cũng “trạng” ra phết. Ông phán: “Mấy thằng Quảng Trị, suốt đời chỉ có một ước mơ – mơ thành người Huế”. Chi thì tôi không biết, chứ thông minh, chăm chỉ, tài hoa, thì mấy thằng Huế có mơ đến hai đời cũng chưa chắc đã thành.

Thời đi học, tôi chấp mấy tay Quảng Nam, nhưng lại rất ngán cánh Quảng Trị. Học kiểu chi mà sơ mi môn mô cũng đều rơi vào tay Quảng Trị. Đó là nói học năm đệ nhất Quốc Học. Nghe đâu học sinh Nguyễn Hoàng – Quảng Trị còn ghê gớm hơn. Nguyễn Đức Tùng là học sinh Nguyễn Hoàng. Thảo nào, vừa là bác sĩ, vừa là thành viên chủ trì diễn đàn hội luận văn học, lại vừa là thi sĩ làm thơ như trời, rồi còn bao nhiêu mối quan hệ xã hội khác. Anh nói với tôi, mỗi đêm em chỉ ngủ được 4 giờ, còn chương trình trong ngày thì tính bằng phút. Thế mà nhiều vị bác sĩ bên mình đêm nào cũng la cà quán nhậu, thì học hành nghiên cứu kiểu chi mà giỏi quá vậy không biết?

Sự đời, có duyên gặp chưa chắc đã có duyên ở. Là còn tuỳ tính, nết có hợp nhau không. Mấy ngày ngắn ngủi bên nhau, tôi dần dần nhận ra, ở con người quốc tế Nguyễn Đức Tùng, vẫn còn giữ được những phẩm chất đặc trưng Việt Nam. Ví dụ như, rất có hiếu với mẹ. Làm cả bài thơ tặng vợ, nhưng rồi cũng chỉ để hỏi vợ “tóc mẹ trắng màu gì em nhỉ”. Và, nguyện “nên suốt đời anh sẽ làm thơ. Vì xa mẹ biết đâu là mãi mãi”. Trong tập khảo luận “Với Du Tử Lê – đời sống trở nên thơ mộng hơn”, anh dành nguyên một chương nói về mẹ – mẹ của nhà thơ, và mẹ của anh.

Tác giả với nhà thơ Nguyễn Đức Tùng

Tiển tôi về Huế mấy ngày, anh được tin mẹ ốm, hôn mê, thế là vội khăn gói lên đường về ngay. Về chỉ để ngồi bên mẹ, thế thôi. Tôi meo vài dòng chúc mẹ anh chóng khoẻ, và sống đến trăm tuổi như mẹ tôi. Anh không ngờ tôi vẫn còn mẹ – mẹ tôi thọ đến 103 tuổi đời. Mấy ngày sau thấy mẹ khoẻ khoẻ, từ Sài Gòn anh tranh thủ ra Huế thăm bạn bè quen biết, cả những bạn bè biết nhưng chưa quen. Dịp này, anh đọc tặng thầy trò tôi bài thơ mới nhất của anh, vừa viết trên chuyến bay về thăm mẹ – bài MẸ.

Mẹ đã tám mươi

Người nhỏ lại
Hét lớn bên tai
Mẹ chỉ nghe rì rào gió thổi
Phá vỡ im lặng
Mẹ thu mình lên cây nhãn
Giữa những cái trứng
Của chim sơn ca
Khi mẹ đi xa rồi
Mọi người trong nhà vẫn còn lớn tiếng

Thế đấy, đã không yêu mẹ thì còn yêu được ai. Không có mẹ thì dù tài giỏi đến mấy vẫn chẳng thể làm nên trò trống chi trong đời.

Tôi là dân Huế, nhưng đằng thằng mà nói là dân Huế nhà quê. Quê nghèo làng tôi nằm giữa hai ngọn núi Linh Thái và Tuý Vân. Tuổi thơ tôi lấm bùn đầm phá. Về điểm này tôi giống anh. Quê anh cát bỏng, quê tôi lấm bùn. Chỉ những ai dưới chân bùn đen cát bỏng, mới có khát vọng thoát ra, bay lên. Chứ nếu dưới chân là nhung lụa ngọc ngà, thì chẳng cần đi đâu xa xôi cho mệt. Một trong những tật xấu của người Huế là cái chi của Huế cũng nhất. Ai nói khác giận liền. Huế mãi hoài thua người ta, và sẽ còn thua dài dài là chỗ đó. Phàm cái thùng đã đầy thì không chứa thêm được nữa. Chỉ những ai thông minh mới nhận ra, sự hiểu biết của mình luôn luôn còn thiếu. Và anh, loại người không chấp nhận giới hạn. Luôn luôn thấy mình còn thiếu. Đã học đến tầm bác sĩ, vẫn còn tiếp tục học lên nữa. Học mãi. Với cuộc đời, hình như bao giờ anh cũng là một đệ tử. Anh biết lắng nghe, và lắng nghe rất giỏi. Tôi thích anh cái tính ấy.

Cả trong lãnh vực thơ, anh cũng không chịu dừng lại. Anh làm thơ từ rất sớm. Một trong những bài thơ được bạn bè truyền tụng, ngâm nga, là “Bài cho Hạnh”:

Anh là người làm thơ bất đắc dĩ
Vì thực ra anh có thể chẳng làm thơ
Cũng như em chẳng uống rượu bao giờ
Má vẫn đỏ và môi hồng giản dị
Anh là người làm thơ kỳ bí
Vì thơ anh em chẳng đọc bao giờ
Đi giữa đời như lạc bước trong mơ
Hồn phiêu dạt ngó nghiêng tìm chỗ nghĩ
Nhưng tóc mẹ trắng màu gì em nhỉ
Màu hoa soan màu của tuổi thơ
Áo ai bay dọc đường phượng vĩ
Màu hoa cau ngan ngát đợi chờ
Tóc mẹ trắng màu gì em nhỉ
Mà ta đau tự đáy hồn thơ
Màu tuyết lạnh đầy trời Bắc Mỹ
Lông ngỗng Mỵ Châu xưa bay đến tận bây giờ
Nên suốt đời anh sẽ làm thơ
Vì xa mẹ biết đâu là mãi mãi
Vì xa quê một đời còn ngoái lại
Trời mưa ngâu câu hát giận thương chờ

Thơ anh cũng lẫy lừng, tăm tiếng đấy chứ. Nhưng chẳng lẽ chỉ là chừng đó. Chẳng lẽ từ cụ Phan Khôi, đến Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyên Sa, và mãi mãi về sau, thơ cũng chỉ là vần, là điệu, là khuôn, là thước – cho dù là khuôn vàng thước ngọc. Thế giới thì bao la. Tâm hồn thì diệu vợi. Mọi cánh cửa đều đã mở. Chẳng lẽ cứ tự giam mãi mình trong giới hạn. Chọn lựa nào cũng oanh liệt. Và anh đã chọn. Anh dứt khoát bước ra khỏi lối mòn truyền thống. Trở thành một trong những nhà thơ tiên phong của dòng thơ hiện đại. “Mẹ”. “Nếu”. Là hai trong số những bài thơ tiêu biểu cho chiếc áo mới của thơ anh.

Có người đọc văn anh
Đoán anh là cộng sản
Có người đọc văn anh
Đoán anh là phản kháng
Có người đọc văn anh
Đoán anh là chết nhát
Bọn chúng đều trật lất
Nếu nước thật trong xanh
Anh mới đúng là anh
Nhưng nước không trong xanh

Còn một điểm nữa tôi tâm đắc ở Nguyễn Đức Tùng. Đó là chất quê nhà thấm đẫm tâm hồn anh. Tôi đặc biệt dị ứng với các nhà trí thức, từng viết sách nọ sách kia, và hàng chục bài hay ho về văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam. Nhưng con cái họ thì không nói được tiếng Việt. Thế nghĩa là không biết lịch sử, không biết con người và văn hoá dân tộc. Anh thì khác. Con trai đầu lòng của anh vừa mới đi lẫm chẫm, đã bập bẹ mấy tiếng ba, mẹ, chào… Nhà anh có cả cây trúc, cây mai gợi nhớ vườn xưa – đã sang tháng năm, bên mình vào hè, bên ni cây mai nhà anh vẫn trổ hoa. Chỉ mỗi bông mai thôi bên cửa sổ, mà chan chứa cả một trời Việt Nam.

Trong khu vực, nhà anh trông không khác chi mấy nhà khác, nhưng xem ra chẳng giống nhà nào. Không phải vì trước cửa nhà anh có chậu trúc thật lớn. Không phải do cách bài trí nội thất rất riêng. Cũng không phải chủ nhân của nó da vàng mũi tẹt. Nhưng rõ ràng, có cảm giác như ta đang ở trong ngôi nhà đâu đó trên quê mình.

Trước nhà Nguyễn Đức Tùng

Luôn luôn, xen trong câu chuyện của anh là nồng nàn những kỷ niệm về quê hương, cha mẹ, người thân, cây đa, bến nước, con đò, cả em (tất nhiên). Tôi muốn chép nguyên vào đây thêm một bài thơ nữa của anh, bài “Thư gửi quê nhà” – không biết gửi quê nhà hay anh gửi ai.

Anh có nhớ về thăm Thạch Hãn
Chiều qua đò chắc có mưa thưa
Gió sẽ thổi từ bên tả ngạn
Như lòng anh thổi mãi một tình xưa
Em có nhớ về thăm chợ Sãi
Qua chùa Tỉnh Hội nón nghiêng che
Đi ăn bánh ướt chiều mưa nhỏ
Để thấy môi ai đỏ lối về
Chiếc tráp ngày xưa chị để đâu
Những thư tình cũ có phai màu
Ngọc lan ép giữa hai bài hát
Chắc vẫn còn thơm trong đêm thâu
Anh có nhớ về thăm gác trọ
Hỏi thăm bè bạn những phương nào
Hỏi chí lớn tà dương cháy đỏ
Mộng tường vi mấy đoá rụng ngang đầu
Gõ nhịp mà ca dạ lý hương
Mười năm rồi lại mười năm trường
Những cánh cửa đêm nay vẫn thức
Đất nước dài như khói một nhành hương
Hoa trong hội theo ngày xanh biền biệt
Tình thiên thu còn một bến giang đầu
Em có nhớ mặc áo vàng như nguyệt
Đêm qua đò trăng hỏi tuổi thơ đâu

Hình như quê hương Quảng Trị bàng bạc đâu đó quanh nhà. Hình như con sông Thạch Hãn vẫn dào dạt chảy qua đời anh, dài theo tháng năm lưu lạc. Hình như…

Vâng. Nếu như không có bài Nếu, chắc tôi không gặp nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, không có thêm những người bạn mới, không biết chi hoặc chỉ biết lơ mơ về ngôi trường Nguyễn Hoàng và bạn bè của anh một thuở.

Suốt hai ngày lang thang với Festival Huế, họ chỉ chăm chăm nói về ngôi trường xưa, thầy cô, bạn bè, ai đó… Nói say sưa, nói trìu mến, nói tự hào, nói đi nói lại. Tôi từng nghĩ, trường Nguyễn Hoàng của anh đem so với trường Quốc Học của tôi thì chỉ như viên đá so với trái núi. Mãi bây giờ tôi mới biết, trong lúc trái núi của tôi vẫn mờ mờ sương khói, thì viên đá của anh phát ra thứ ánh sáng rất lạ. Thứ ánh sáng chói lọi suốt một đời, chỉ đường ai lạc lối, soi tỏ nẻo ta về. Ngôi trường như thế tất học trò như thế. Học trò như thế tất ngôi trường như thế. Ngôi trường như thế, học trò như thế, thì kể hoài không chán, nhắc mãi chưa bưa, chẳng có chi là lạ.

6 bình luận

  1. Anh Tùng ơi! Theo mình biết thì chim sơn ca chưa bao giờ đẻ trứng trên cây. Dĩ nhiên bài thơ của anh hay. Mình cũng biết trứng chim sơn ca trên cây là thủ pháp tượng trưng nhưng vẫn cứ thấy hơi sàn sạn thế nào?

    • Chim rột rột thì đúng với người Quảng Trị hơn, khỏi cần tượng trưng chi cho mệt. Có lẽ chim sơn ca thân thuộc với người ở vùng Bắc Mỹ. Biết đâu là cố tình của nhà thơ…

    • @Anh Giời Ơi thân mến,
      Anh nói đúng.
      Tôi thường gọi nhầm lẫn tên của các loại chim.
      Chim sơn ca bay cao nhưng sống dưới thấp, đẻ trứng trên cỏ thì phải?
      Có lẽ lúc viết tôi nghĩ đến chim hoạ mi chăng. Sau này có dịp xuất bản sẽ xin sửa lại.
      Rất cám ơn anh.
      Thơ cũng cần chính xác.

      @Anh Tin Tri,
      Chim rột rột thì làm tổ lộ ra trên ngọn cây tre ở bờ sông chớ? Lâu quá rồi tôi không còn nhớ, mà quê Quảng trị miềng có còn chim rột rột không anh Lê Đức Dục ơi?

      Xin cám ơn tất cả.

      Nguyễn Đức Tùng.

  2. Thầy Dũng ơi, cảm ơn thầy vì những gì thầy đã dành cho Quảng Trị, không riêng chi anh Tùng!Lâu rồi đọc một bài về tình quê , người quê mà sướng thiệt là sướng!Có rứa chơ!

  3. Bác Nguyễn Văn Dũng ni ác liêt thiệt ! Cứ Quảng Trị, Thạch Hãn là cháu đây tự hào rồi . Cảm ơn Bác.

    “Thạch Hãn ơi chở tình ta xuôi về nhé
    Sóng vỗ về bến Trấm hẹn đêm trăng…”

  4. Hôm nay dự seminar ra mắt tập “Đối thoại văn chương”, nói như Nguyễn Trọng Tạo là cuốn sách như viên gạch, xây lên nhịp cầu nối người trong nước và người Việt ở nước ngoài, giúp hàn gắp những rạn vỡ những người con dân đất Việt vì hoàn cảnh lịch sử phải chia lìa nhau, nghi kỵ nhau. Rất cảm ơn Trần Nhuận Minh, Nguyễn Đức Tùng về sản phẩm tinh thần vô giá các anh đã làm nên.

Bình luận về bài viết này