NHẠC SĨ HỒNG ĐĂNG MỘT THỜI “LÊNH ĐÊNH”


Ns VŨ NGỌC QUANG

Một loài hoa khiêm tốn nép mình trên vài con phố nhỏ, để mùa đông đến dâng cho đời mùi hương thoang thoảng. Loài hoa ấy hôm nay là lời nhắn nhủ của người Hà Nội gửi đến bạn bè khắp nơi. Ai đó hát lên rất nhẹ: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em, có lẽ nào anh lại quên em…”.

Nhạc sĩ Hồng Đăng đã đặt vào lòng người nét nhạc lãng đãng, những câu chữ thấm đẫm yêu thương, giống như bàn tay ấm nóng của người tình đặt lên ngực ta một chiều se lạnh cuối thu. Biết bao lứa đôi đã mượn câu hát của anh nói thay lời tình tự, những nỗi đau chia ly đã vịn vào câu hát ấy để tìm về một thời hạnh phúc. Có thể người hát, người nghe không nhớ tên anh, nhưng câu hát ấy không bao giờ mờ phai, đã thành tiếng hát từ trái tim của mỗi người. Đó là niềm hạnh phúc là phần thưởng vô giá cho người sáng tác.

Lao động nghệ thuật cực nhọc lắm, viết hàng trăm bài thơ chỉ mong có một câu thơ để đời, sáng tác hàng chục bài ca chỉ mong có một bài được nhiều người yêu thích. Phải làm sao không lặp lại chính mình, đó là điều khó. Phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để không giẫm lên con đường mòn. Hồng Đăng viết hàng trăm bài hát, từ Đường ta đi có nắng mặt trời đến Con nhện bắc cầu qua hai ngọn lúa, Dù rằng em rất xa hay Lênh đênh, Người sông Hương, Gửi một câu hát cho Tokyo, Nỗi nhớ đêm đại dương… Đề tài nào anh viết cũng lạ. Nhạc của anh có thơ, thơ của anh có nhạc, đẹp như giọt sương tinh khôi dưới nắng mặt trời. Anh viết về tình yêu và thân phận con người, viết về cuộc đời anh đang sống hôm nay với buồn vui, ngọt đắng. Cảm xúc ấy như một dòng suối tuôn ra từ nguồn mạch tâm hồn chảy dài vô tận: “Có một dòng sông trôi, sao tình yêu vẫn khát”. Anh đã viết như thế trong bài “Thành phố chúng tôi lại bình yên”.

Dân tộc ta chịu nhiều thương đau trong binh đao khói lửa, những vành khăn tang nặng trĩu trên đầu vợ trẻ, con thơ. Máu đã đổ trên đất, trên sông, trên biển để có một Việt Nam hôm nay. Mỗi gốc cây ngọn cỏ, mỗi tấc đất bờ tre là của ta, là của mẹ hiền. HồngĐăng đã cất lên tiếng hát, để triệu triệu lớp người cùng ngân cao một tuyên ngôn về chủ quyền biển đảo của ta: “Ơi  biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam”. Vùng biển này với những đảo khơi lớn nhỏ, mỗi con sóng ào ạt xô bờ tung bọt trắng hay dịu êm vỗ về bờ cát, đều đã được ông cha ta đặt tên từ ngày dựng nước. Tên ấy là nước mắt mồ hôi, là sinh mạng của nhiều thế hệ đã ngã xuống. Thế hệ chúng ta phải giữ lấy, phải giành lại bằng truyền thống ngàn đời, bằng sức mạnh của lòng quả cảm và nhân ái. Và biển trong tâm hồn nhạc sĩ Hồng Đăng lúc nào cũng đẹp, cũng dịu dàng, cũng dào dạt như thế: “Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng. Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương. Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”.

Hồng Đăng rất đông bạn bè, mọi người tin yêu bầu anh vào chức Phó tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam liền ba khoá. Anh cũng là Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc nhiều năm. Ai cũng tưởng Hồng Đăng giàu lắm, phải có của ăn của để.

Nhưng sự thật lại không phải vậy, nhà cửa thì tuềnh toàng ở tận chân đê. Vẫn chiếc xe máy anh đã dùng hơn chục năm qua và cả đời mơ ước có một chiếc đàn piano mà không bao giờ đủ tiền để mua. Nhưng dường như Hồng Đăng chẳng hề bận tâm về mấy chuyện đó, với anh sự giàu có không phải là tiền bạc, mà sự giàu có của anh là những tác phẩm và những người bạn. Có người nói nhạc sĩ Hồng Đăng không có máy nghe nhạc, nhạc sĩ Lê Quân từ Sài Gòn đã nhờ tôi đem tặng người nhạc sĩ tài hoa này một chiếc cassette to tướng có ổ CD. Những lần điện thoại với tôi, Lê Quân thường hỏi anh Hồng Đăng có khoẻ không và cuộc sống ra sao? Tôi muốn nói với Lê Quân rằng Hồng Đăng đang nằm viện vì những căn bệnh quái ác đã hành hạ anh suốt nhiều năm nay, nhưng tôi lại sợ rằng nói vậy, Lê Quân sẽ buồn… Số phận con người nhiều khi nghiệt ngã. Anh xứng đáng được xã hội ưu ái thay vì những thiệt thòi mà anh đang phải chấp nhận…

Ngoài sáng tác bài hát, nhạc không lời, nhạc phim… anh còn viết sách, viết báo và giảng dạy. Anh đã dành cả một quãng thời gian dài để viết về tính năng nhạc cụ trong cuốn Những nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng. Công trình đó đã được sinh viên Học viện âm nhạc quốc gia, các trường nhạc và những người yêu nhạc đón nhận. Trong bệnh viện, nhiều lúc Hồng Đăng tưởng như không thể gượng dậy được, lúc ấy anh lại nghĩ về những nốt nhạc. Anh vẫn lén rời khỏi bệnh viện để về nhà, về không gian âm nhạc của riêng mình để rồi sáng hôm sau lại trở vào giường bệnh cho kịp giờ bác sĩ khám.

Yêu quý nhạc sĩ Hồng Đăng, tôi chỉ có thể viết vài dòng về con người tài hoa không được may mắn. Nỗi oan khiên là lẽ thường tình, thời nào cũng có. Chuyện đời, chuyện nghề là cái mệnh của mỗi kiếp người. Anh nói với tôi phải vui để sống, sự thanh thản quí lắm!…

4 bình luận

  1. Hồng Đăng viết bài nào cũng hay, lời nào cũng đẹp. “Quà tháng 5 .. biển hát , hoa sữa, lênh đênh…” Tác phẩm nào cũng rất gần gũi, thân thiết mà sang trọng. Tôi gặp HĐ 1 lần mà nhớ mãi sự dung dị thân thiện. Chân thành chúc anh khỏe luôn mạnh

  2. Bài viết của NS Vũ Ngọc Quang thật hay, sâu sắc. Nhạc sĩ mà ca ngợi Nhạc sĩ là “dũng cảm” thứ thiệt đó! Chúc NS Hồng Đăng sớm khỏe mạnh. Thế nào TKL cũng “khắc họa” vài nét vế NS Hồng Đăng đó, vì xem tiểu sử thấy cuộc đời và sự nghiệp của Nhạc sĩ thật đặc biệt… và thấy ngày sinh của TKL trùng với ngày sinh của Nhạc sĩ, ấy thế mà TKL chẳng làm nên trò trống gì! Chắc vì TKL khác năm và giờ và nơi sinh chăng?

  3. “Trăm năm trong cõi người ta
    Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”

    “Ðã mang lấy Nghiệp vào thân,
    Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa
    Thiện căn ở tại lòng ta,
    Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tàì ”
    Truyện Kiều (Nguyễn Du)

    http://songqueviet.tk

  4. Rượu đắng, hồn đau, một khối sầu,
    Đêm nay ta chẳng biết về đâu?
    Nhân tình thế thái thay màu áo,
    Tình bạc, nghĩa tàn, hết nhớ nhau!

    Hãy chuốc thêm đi ! Rượu cạn rồi,
    Uống quên ngày tháng, mộng sầu rơi,
    Đêm khuya, trăng sáng, ngập hồn vắng,
    Dĩ vãng buồn đau thấm mặn môi…

    Ta muốn uống nhiều đến thật say,
    Cho mây chếnh choáng, gió ngừng lay,
    Cho sao rơi rụng, trăng mờ lối,
    Chén rượu ân tình, tay trắng tay…

    Uống nữa cho vơi những mù lòa,
    Cho phai kỷ niệm cuộc tình ta,
    Cho hoa quên bướm, tình thôi sóng,
    Cho nhạt muộn phiền, lệ xót xa…

    Hãy uống cùng ta chén rượu nồng,
    Chén tình, chén nghĩa, phủ rêu phong,
    Trăm năm trong cõi phù sinh ấy,
    Đo được làm sao một tấc lòng?

Bình luận về bài viết này