LỄ TRAO GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC VỀ VHNT VÀ NGHỆ SĨ ƯU TÚ


NTT: Buổi lễ kéo dài từ 9h tới 12h15, nhưng các tác giả được giải thưởng Nhà nước về VHNT và các nghệ sĩ ưu tú phải có mặt tại Nhà hát tp Hà Nội từ 6h30 sáng để nghe phổ biến về công tác tổ chức. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trực tiếp trao bằng và bắt tay từng người liên tục mấy giờ liền. Phải nói sức khỏe của vị Chủ tịch quá tốt. 

Tôi gặp ở đây nhiều người quen ở Hà Nội và các tỉnh về, nhưng vẫn thấy thiếu một số đồng nghiệp xứng đáng mà chưa được nhận giải thưởng hay NSUT lần này. Cũng chưa có những tác giả trẻ.

Một em nhà báo phỏng vấn tôi về cảm xúc khi nhận giải, tôi nói: Thấy tim vẫn đập bình thường. Em nhà báo ngạc nhiên đề nghị tôi nói lại cho nó văn vẻ hơn, nhưng tôi lại nói: Đó là sự thật, vì khi sáng tác tôi đâu có ý định được giải, mà chỉ mong tác phẩm của mình đi vào lòng công chúng. Còn việc tôn vinh tác giả, tác phẩm, nghệ sĩ… thì Nhà nước nào cũng cần phải làm. Nhà nước ta cũng đã và đang làm việc này. Đó là một việc làm tốt và cần thiết.

Ảnh tác giả và tên các tác phẩm được giải thưởng chỉ xuất hiện mấy giây, nhưng nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán cũng chớp được lúc mình xuất hiện…

Ảnh Nguyễn Trọng Tạo xuất hiện trên màn hình và các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà đạo diễn – Photo: Nguyễn Đình Toán.

NTT cũng đóng hộp, khiến có người ngạc nhiên “chấp hành qui định vượt chỉ tiêu trên giao” – Photo: NĐT

Dưới đây là bài tường thuật buổi lễ trên VanVN.net.

Lễ trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và Danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú

VanVN.Net – Sáng 27/5/2012, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Lễ trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và Danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú đã được tổ chức trọng thể. Đến dự buổi Lễ có đồng chí Trương Tấn Sang – Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; ông Hoàng Tuấn Anh – UV Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Việt Nam, Chủ tịch hội đồng khen thưởng cấp Nhà nước; ồng Nguyễn Thế Thảo – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Thế Kỷ – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hoàng Ngọc Thanh – Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam… cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Văn phòng chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Mặt trận tổ quốc; các cơ quan ban, ngành, cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VH-TT&DL; đại diện các đoàn nghệ thuật TW và địa phương; các tác giả, nghệ sỹ được trao tặng giải thưởng và danh hiệu; các cơ quan báo chí truyền thông đến dự và đưa tin…

Mở đầu buổi Lễ trao giải là một số tiết mục nghệ thuật chào mừng

Ông Hoàng Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Việt Nam phát biểu và tuyên bố khai mạc Lễ trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và Danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú, ông nhấn mạnh ý nghĩa của Giải thưởng và Danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho các tác giả, nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Ông Hoàng Tuấn Anh bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thi đua khen thưởng, Hội đồng các cấp… trong suốt thời gian xét tặng Giải thưởng và Danh hiệu năm 2012.

Ông Nguyễn Hải Anh – Vụ trưởng Vụ thi đua, khen thưởng Bộ VH – TT&DL công bố Quyết định số 535 (ngày 27/4/2012) và số 645 (ngày 18/5/2012) của Chủ tịch nước về việc tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và Danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú.

Đồng chí Trương Tấn Sang trao tặng Bằng chứng nhận Giải thưởng và Danh hiệu cho các tác giả, nghệ sỹ có tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình nghệ thuật đóng góp cho sự phát triển của xã hội, đất nước và văn học nghệ thuật.

Giải thưởng Nhà nước năm 2012 trao cho các lĩnh vực: Âm nhạc (27 tác phẩm, cụm tác phẩm), Điện ảnh (13 tác phẩm, cụm tác phẩm), Kiến trúc (5 công trình, cụm công trình, trong đó có công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia của hai kiến trúc sư Cộng hòa Liên bang Đức: Meinhard Von Gerkan và Nikolaus Goetze), Mỹ thuật (16 tác phẩm, cụm tác phẩm), Nhiếp ảnh (2 tác phẩm), Sân khấu (15 tác phẩm, cụm tác phẩm), Văn học (38 tác phẩm, cụm tác phẩm, trong đó có 12 nhà văn, nhà thơ đã qua đời), Văn học dân gian (7 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình).

Danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú được trao tặng cho các nghệ sỹ hoạt động trong các lĩnh vực: Âm nhạc (97 nghệ sỹ), Điện ảnh (30 nghệ sỹ), Múa (25 nghệ sỹ), Phát thanh – truyền hình (47 nghệ sỹ), Sân khấu (157 nghệ sỹ).

Đồng chí Trương Tấn Sang thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu: “Hôm nay, tôi vui mừng thay mặt Đảng, Nhà nước đến dự Lễ trao Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Trước hết, tôi xin gửi đến các vị khách quý, các đồng chí và các bạn có mặt ở đây, cùng toàn thể anh, chị em văn nghệ sỹ cả nước lời thăm hỏi và lời chúc tốt đẹp nhất. Giải thường Nhà nước về văn học nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú là những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước dành cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, có ảnh hưởng sâu rộng lâu dài trong đời sống xã hội và dành cho những đại diện tiêu biểu của đội ngũ văn nghệ sỹ có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết với nghề nghiệp, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến to lớn vào công cuộc xây dựng nền văn học, nghệ thuật nước nhà, được đồng nghiệp và nhân dân yêu mến. Tôi tin tưởng rằng, các văn nghệ sỹ của chúng ta hôm nay, đặc biệt là các văn nghệ sỹ trẻ, sẽ bám sát thực tiễn của đất nước, tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, vốn sống, kế thừa và phát huy truyền thống văn hiến của dân tộc, thành tựu của nền văn học nghệ thuật cách mạng, tiếp tục sáng tạo những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, trong đó có những tác phẩm ngang tầm với những chiến công vĩ đại của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu và lòng mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Cuối cùng, một lần nữa thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng các tác giả có tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước và các nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú lần này, chúc các đồng chí, các tác giả, các văn nghệ sỹ dồi dào sức khỏe và tiếp tục có những cống hiến to lớn hơn nữa trong sự nghiệp phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần to lớn vào sự nghiệp cao cả xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa!”

Nhà văn Thái Bá Lợi đại diện các nhà văn, nhà thơ, nghệ sỹ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2012 bày tỏ những suy nghĩ: “Sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 80 năm qua là nguồn cảm hứng bền bỉ và bất tận cho các thế hệ văn nghệ sỹ trưởng thành cùng cách mạng. Giải thưởng Nhà nước cao quý là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những đóng góp của anh chị em văn nghệ sỹ cho sự phát triển văn học nghệ thuật nước nhà… Tôi tin rằng các văn nghệ sỹ được nhận Giải thưởng Nhà nước cao quý hôm nay cũng chia sẻ với tôi lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chăm lo, dìu dắt, tin cậy và quan trọng là đánh giá đúng những giá trị VHNT trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc mà buổi Lễ long trọng này là một minh chứng. Cảm ơn nhân dân các dân tộc Việt Nam anh hùng – bầu sữa nuôi lớn những khát vọng sáng tạo nghệ thuật, cũng là người thẩm định vô tư nhất, chính xác nhất giá trị của các tác phẩm. Nghệ thuật chỉ có thể tồn tại khi nó tồn tại trong lòng nhân dân, đồng hành cùng nhân dân…”

Nghệ sỹ ưu tú Huỳnh Bích Phượng – Đoàn cải lương Hương Tràm (tỉnh Cà Mau) đại diện các nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú năm 2012 hứa sẽ quyết tâm rèn luyện, cống hiến nhiều hơn nữa trong nghệ thuật, để xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho giới văn nghệ sỹ.

Tiết mục nghệ thuật kết thúc thành công tốt đẹp của buổi Lễ trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và Danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú.

MỘT SỐ NHÀ VĂN NHẬN GTNN – Ảnh: Blog Nguyễn Đình Toán

alt

Nhà văn Thái Bá Lợi

alt

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát

alt

Nhà văn Lê Thị Minh Khuê

alt

Nhà phê bình Ngô Thảo

alt

Nhà thơ Trần Ninh Hồ.

Tin: Phong Lan;
Nguồn: Vanvn.net

16 bình luận

  1. Nhìn thấy những người được nhận giải thưởng nhà nước chúng tôi rất vui và mừng cho họ .Tuy nhiên, nghĩ lại , nếu như có sự công bằng trong cuộc đời này thì còn khoảng 100 người nữa cũng xứng đáng nhận giải thương trên so với MỘT SỐ người có tên trong danh sách trên ! Ở trong số đó , có những người được nhận giải thưởng lớn như thế mà chúng tôi chưa hề biết tác phẩm của họ là gì , nó hay đến đâu và kể cả tên của họ tôi cững chưa từng nghe tới !

    • tôi không đồng ý với quan điểm của bạn. Nếu ” 100 người” mà bạn nói nhận giải thưởng danh giá này. thì chưa chắc tôi đã biết gì về họ và tác phẩm của họ. giống như bạn cả thôi.Thời trước và bây giờ khác xa nhau lắm bạn ạ. ngày trước một tác phẩm hay thì được người đời nhớ đến. còn bây giờ một tác phẩm hay chưa chắc đã được biết đến rộng rãi. Công bằng mà nói, những người đạt giải thưởng này đều xứng đáng với công sức họ bỏ ra cả. Bạn nên chúc mừng họ chứ không nên nói đó là điều không công bằng.

      • Bạn Đan Nhung nên hiểu ý người viết là có một số người không xứng đáng nhận giải thưởng ấy . Nên nhớ là có một số ít người trong danh sách ấy . Nếu bạn có theo dõi thì tên của họ đã từng gây tranh luận hoặc kiện tụng rồi trên báo chí rồi đấy !

  2. Sông Quê kính chúc mừng bác NTT. SQ thích bài thơ Bá Kiến thời hiện đại của bác. Được giải rồi nhà thơ có nghỉ mát không ạ?

    SQ nhớ nhà văn Nguyễn Khải, người còn lưu lại với thời gian.

    http://songqueviet.tk , cái nhìn chưa từng thấy.

  3. Trông Chủ tịch nước kính cẩn trao giải thưởng mà thấy vui, Ông Trương Tấn Sang nhìn quá đức độ, giá mà đất nước có những người như ông thì tốt biết bao !

  4. @anhnguyentrongtao

    Một lần nữa xin chân thành chúc mừng anh cùng các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ ưu tú… đã được nhận giải thưởng cao qúy mà nhà nước và nhân dân trao tặng! Hy vọng là sẽ có nhiều hơn nữa những Tác phẩm xứng đáng, những nghệ sĩ ưu tú…

    Trông anh “đóng hộp” cũng “đẹp trai như tượng” đấy chứ!

  5. Chúc mừng, chúc mừng, chúc mừng!

    • Thật là “cùng nhau trông mặt cả cười ” Vui ghê ! Các bác được hưởng bầu sữa và nguồn cảm hứng từ đảng ,vinh quang quá còn gì !

  6. Bên trannhuong.com có trích bài diễn văn nhận giải rất lung linh của nhà văn Thái Bá Lợi. Xin PR để mọi người cùng tán thưởng. Nhân đây cũng xin chúc mừng ông Thái Bá Lợi đã nhận… Lộc.

  7. Cái gì cũng có giá của nó. Nếu như anh Nguyễn Trọng Tạo từ chối giải thưởng này thì tên tuổi của anh, cuộc đời VHNT của anh sáng ngời mãi.
    Anh Nguyễn Trọng Tạo nhận giải thưởng này, đồng nghĩa làm tắt lịm ánh mắt của bao người.hướng về anh .
    .Lần trước, một loạt nhà văn từ chối giải thưởng HCM như nhà văn Nguyên Ngọc,…làm nức lòng người hâm mộ.

    • Chào bạn Công dân Việt Nam có Email vivu…

      Tôi không hiểu bạn nghĩ gì khi nói cuộc đời NTT “sáng ngời mãi”.
      Theo tôi, quan trọng là tác phẩm có “sáng ngời mãi” được không?

      Nếu chỉ vì cái giải thưởng tôi và bao người nhận mà “lịm tắt ánh mắt” của bạn thì cũng chả sao bạn ạ. Chỉ mong sao mắt đừng mù là được.

      Những người từ chối giải thưởng là cách của riêng họ, nhưng không phải vì thế mà làm cho tác phẩm đã hay của họ sẽ hay hơn.

      Chúc bạn hãy tự tin hơn nữa.

  8. NTT có suy nghĩ như Thái Bá Lợi không vì TBL đại diện cho các vị được giải phát biểu bày tỏ lòng biết ơn…

  9. Thấy Phạm Viết Đào chửi Thái Bá Lợi như phường ở chợ, lại lấy chuyện tiền bạc giải thưởng ra so đo. Nghĩ cũng tội cho ông TBL nào đây, lỡ dại đại diện cho đám đông nói lời cảm ơn người tặng, chứ thấy ổng già ngắt rồi mà ham quyền chức gì nữa đâu, chỉ vô tình giơ đầu chịu báng cho những người ganh tỵ & cơ hội.

  10. @congdânvietnam

    Tại sao “Công dân Viet Nam” lại có suy nghĩ như vậy? Không lẽ nhà nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam chưa đủ trình độ để đánh giá Tác phẩm nào là Tác phẩm đáng được giải thưởng hay sao? Nhà văn, Nhạc sĩ, Nhà thơ, Nghệ sĩ… có quyền tự hào về mình, và có quyền nhận giải thưởng cho mình lắm chứ! Tại sao lại phải từ chối? Từ chối, chỉ bởi người đó còn tự ti, hoặc bất đồng quan điểm thôi… chắc họ cũng có lý do tế nhị riêng, nhưng không vì thế mà họ “sáng giá” hơn người tự tin Tac phẩm của mình, ở sự cống hiến của mình và nhận giải thưởng!

  11. Anh Tạo ơi, công của mình được công nhận thì mình phải hưởng dại gì từ chối. Từ chối là thiệt. Không từ chối anh cũng đã sống trong lòng mọi người rồi. Chả dại gì tự ái để kẻ khác hưởng lợi bởi xương máu và trí nảo của mình đã hao tổn .
    Rất mừng là các chú Nguyễn Thành Long, Hữu Loan… lần này cũng có mặt trong danh sách. Tự ái với ai chứ tự ái với người ít hiểu biết thiệt thân. Trước đây, bác Khương Hữu Dụng cũng đã từ chối. 100 năm sau có ai biết bác đã từ chối vì cái gì, họ chỉ xem bác có tên trong giải thưởng để đánh giá công lao. Lớp trẻ sẽ thắc mắc tại sao? tại sao? Mà trẻ càng ngày càng rầy rà, lười tìm hiểu…
    Chúc mừng anh.

  12. Anh Tạo ơi, chúc mừng anh vì anh đáng đưọc tưởng thưởng.

Bình luận về bài viết này