NGUYÊN HÙNG VÀ CD THƠ PHỔ NHẠC


NGUYỄN TRỌNG TẠO

TS Nguyên Hùng

(Các ca khúc được nhắc tới trong bài đã được nhúng liên kết, bạn đọc có thể nghe bằng cách click vào tên ca khúc hoặc tên tác giả hiển thị màu xanh).

Tiến sĩ thủy công Nguyên Hùng đã xuất bản 2 tập thơ “Cánh buồm thao thức” và “Sóng không từ biển”. Tiến sĩ thủy công là nghề, làm thơ là nghiệp. Có lẽ cái nghề và cái nghiệp nó cùng vận vào nước, nên tên cả 2 tập thơ cũng đều liên quan đến nghề “thủy” của anh. 

Thơ Nguyên Hùng đằm thắm và duyên. Yêu em thì lãng mạn đến ngột thở. Yêu quê thì khắc khoải đến cháy lòng. Yêu nghề thì trải dài theo năm tháng…

Thơ anh không cầu kỳ kiểu cách mà tràn đầy chất dân gian truyền thống. Nhiều ví von, ẩn dụ, nhiều thi ảnh thân thương gần gũi. Và đặc biệt là thơ anh rất giàu nhạc tính. Có lẽ vì thế mà nhiều nhạc sĩ đã tín chấp nhạc của mình vào thơ Nguyên Hùng. Anh không phải là một nhà thơ nổi tiếng, nhưng đã có đến vài ba chục bài hát khởi nguồn từ thơ anh. Có những ca khúc được ca sĩ chuyên nghiệp thu thanh và biểu diễn, được phát trên sóng phát thanh, truyền hình, và được bạn yêu nhạc yêu thích như “Sóng không từ biển”, “Bến xưa” (nhạc Lê An Tuyên), “Biển và em” (nhạc Thanh Hoàng), “Đừng quên con nhé” (nhạc Nguyễn Ngọc Tiến), v.v…  Đó là một hiện tượng. Không phải nhà thơ nổi tiếng nào cũng được phổ nhạc nhiều và hay như thế.

Hôm nay tôi nhận được một CD 10 bài hát phổ thơ Nguyên Hùng. Đây là 10 bài hát được lựa chọn có dụng ý: Tình yêu và nghề – Sông biển và Điện.

Biển triệu năm cứ xanh
Tóc nửa đời đã bạc
Nghìn năm em và anh
Yêu mãi hoài vẫn khát.

Trời triệu năm cứ xanh
Mây triệu năm cứ bạc
Nghìn năm em và anh
Thương yêu không phai nhạt.

Bài thơ chỉ có 8 câu ngắn gọn như đúc kết về tình yêu vĩnh cửu. Vậy mà có 2 nhạc sĩ (Nguyễn Ngọc Tiến vàVõ Xuân Hùng) đã phổ nhạc thành 2 bài hát trữ tình với giai điệu mượt mà, bay bổng như nhắn gửi tới người yêu một niềm tin không nhạt phai.

Với một bài hát phổ thơ, có khi, thơ chắp cánh cho nhạc hoặc nhạc chắp cánh cho thơ, nhưng thường thì có sự gặp gỡ trùng hợp giữa nhạc sĩ và nhà thơ. An Tuyên và Nguyên Hùng là hai người cùng quê Nghi Lộc và đều xa quê – người ở Sài Gòn, người ở Đức và họ gặp nhau trong nhiều ca khúc phổ thơ. Có thể nói, An Tuyên đã đọc được cả ngoài thơ của Nguyên Hùng. Vì vậy, những bài hát của An Tuyên luôn cất lên tiếng lòng da diết của tình yêu quê hương xứ sở và tình yêu nam nữ. Nhiều bài hát đậm đà chất dân ca xứ Nghệ (như Bến xưa) đầy kỷ niệm thân thương:

Sao anh không về bến sông quê 
Về lại bến xưa thương câu hò xứ sở
Sao anh không về lại bến xưa?
Ngọt ngào lời hát… mẹ ru…

Nhưng đến lúc, tình yêu mở ra cuộc đời rộng lớn hơn thì âm nhạc của An Tuyên đã đạt tới một ý hướng triết lý, khái quát với lời thơ giàu tình cảm của Nguyên Hùng:

Tuổi thơ anh trên sóng
Nên say hoài biển xanh

Và:

Thuyền ơi về đâu?
Thuyền có nhớ chăng
Sóng không từ biển
Từ miền em thôi.

… Mà trước em anh ngỡ
Trước muôn trùng biển khơi.

Có thể nói, “Sóng không từ biển” là một ca khúc phổ thơ đầy sáng tạo. Một ca khúc về biển, hay cả lời lẫn nhạc. Đây là một ca khúc được nhiều ca sĩ lựa chọn (Lê Anh Dũng, Thành Lê, Xuân Huyền, Quế Thương, Bích Hồng…). Nó có sức neo đậu lâu dài trong lòng người.

Có một chùm ca khúc của nhiều nhạc sĩ viết về Công ty Tư vấn điện 2 cùng phổ từ “Bài ca TV2” của Nguyên Hùng. Tại sao một bài thơ (được gọi là dự thảo lời cho ca khúc về TV2) lại được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc đến thế? Ấy bởi kỹ sư Nguyên Hùng là người gắn bó với từng bước đi của công ty này. Mấy mươi năm anh cùng “thức, ngủ” TV2 qua núi cao thác dựng mới có được những địa danh trìu mến và hào hùng để đưa vào lời thơ tiếng nhạc như thế này:

Sinh ra từ Trị An
Sáng lên cùng Trị An…

Bàn chân ta ngược Sông Bé, La Ngà
Làm thức dậy những Thác Mơ, Đồng Nai, Hàm Thuận…

Ta tới Cà Mau, ta về Duyên Hải
Bao công trình nhiệt điện phôi thai
Phú Mỹ, Ô Môn, Nhơn Trạch… ống khói chọc trời mây
Sơn Mỹ, Vĩnh Tân, Kiên Lương… chói lòa ánh điện…

Với một bản ca từ của anh, mỗi nhạc sĩ lại thổi vào đó một tình cảm khác nhau. “Dòng điện – dòng đời” của Huy Tập hào hùng, vang vọng với nhịp bước rắn rỏi. “Lung linh dòng điện” của Phạm Quế Nguyên như một bản hợp xướng của niềm tự hào tư vấn điện. “Tự hào TV2” của Tiến Lập trẻ trung, sôi động…

Trong khi hình ảnh công nhân, kỹ sư đang ngày càng vắng bóng trong văn học nghệ thuật thì sự cố gắng để có những ca khúc mới về ngành tư vấn điện của Nguyên Hùng và các nhạc sĩ phổ thơ anh là một đóng góp đáng kể và đáng trân trọng.

Vâng, vừa làm nghề tư vấn điện vừa làm thơ, Tiến sĩ thủy công – nhà thơ Nguyên Hùng đã thực sự sống với cuộc sống đầy vất vả gian khổ để có những sáng tạo mới đóng góp cho đời dòng điện sáng, và cho bạn đọc những dòng thơ đầy ý nghĩa. Đọc thơ và nghe nhạc phổ từ thơ anh, ta thấy cả một tấm lòng.

Hà Nội, 5.2012

Bình luận về bài viết này