VỊ THẾ NGƯỜI THỢ LÚC NÀY RA SAO?


TRẦN HUY THUẬN

“LÚC NÀY” nói ở đây là muốn nói về lúc mà hầu hết các doanh nghiệp XÂY DỰNG đều đã CỔ PHẦN HÓA.

“LÚC NÀY” nói ở đây còn là muốn nói về giai đoạn đang suy thoái của BẤT ĐỘNG SẢN.

Vâng! Nhà thì đúng như câu ca trong một bài hát phổ biến một thời, NHỮNG ÁNH SAO ĐÊM[1], “xây cho nhà cao cao mãi Ôi xinh đẹp Tổ Quốc của ta”. Nhưng thực trạng VỊ THẾ và ĐỜI SỐNG NGƯỜI CÔNG NHÂN XÂY DỰNG hiện tại ra sao, thì không biết các cơ quan chức năng như Bộ Lao động, Tổ chức Công đoàn,… có cuộc điều tra tìm hiểu nào chưa?

Nhân ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5, xin được có đôi lời như sau:

1/ VỀ VAI TRÒ LÀM CHỦ, VAI TRÒ “GIAI CẤP LÃNH ĐẠO” CỦA NGƯỜI CÔNG NHÂN XÂY DỰNG: Có thể khẳng định, sau CỔ PHẦN HÓA, các vai trò nói trên của đại bộ phận những công nhân XÂY DỰNG, đã giảm đi rất nhiều so với thời họ còn làm việc trong các Doanh nghiệp Nhà nước.  Tình trạng hiện tại, vai trò LÀM CHỦ đã trở thành vai trò LÀM THUÊ. Không chỉ làm thuê cho “ông chủ” doanh nghiệp, mà còn làm thuê cho các ông bà Đội trưởng, thậm chí ngay đối với hàng ngũ Tổ trưởng, Nhóm trưởng, người thợ cũng chỉ là người đi làm thuê, không hơn không kém. Có việc thì họ gọi, “tử tế” với họ thì họ gọi cho đi làm. Còn không, cứ ở nhà “chờ đấy” và còn phải lo kiếm tiền nộp “Bảo hiểm” để khi đủ tuổi còn được làm thủ tục về hưu… Từ nhiều năm qua, hầu như không còn nghe thấy tiếng nói đấu tranh đòi có việc làm trong giới công nhân xây dựng? Ai thấy ở Doanh nghiệp nào có, xin mách dùm. Nhu nhược và cam chịu là tình trạng phổ biến đối với tầng lớp công nhân này!

Vị thế người lao động trong các doanh nghiệp cổ phần hóa còn bị hạ cấp bởi những CỔ ĐÔNG này thường có CỔ PHẦN rất nhỏ so với các ông chủ. Lá phiếu của họ trong ĐẠI HỘI CỔ ĐÔNG do đó không thể “bình đẳng” như khi doanh nghiệp chưa cổ phần hóa.

Vai trò “LÀM CHỦ” tiêu vong thì làm sao còn vai trò “LÃNH ĐẠO”? Ngay đến người công nhân là đảng viên, cũng phải chung số phận.

2/ MỘT BỘ PHẬN NGƯỜI CÔNG NHÂN XÂY DỰNG HIỆN BỊ GIỚI CHỦ LỢI DỤNG ĐỂ CHIẾM ĐOẠT TIỀN ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI:

Có một thực tế là, trong DỰ TOÁN và trong QUYẾT TOÁN công trình, luôn luôn có 2 khoản kinh phí liên quan đến tiền đóng BẢO HIỂM của người lao động: Một là CHI PHÍ NHÂN CÔNG (có 6%) và hai là CHI PHÍ CHUNG (có 15%). Các ông chủ thường không “thích” gọi các công nhân trong biên chế đã có tuổi, sức yếu, tay nghề trung bình đi làm, mà tìm gọi những lao động ngoài xã hội. Làm như thế, các ông chủ đã thu được khoản tiền từ người lao động không được đi làm, “tự nguyện” nộp vào để chờ đến ngày đủ tuổi về hưu. Trong khi đó ông chủ vẫn được thanh toán đầy đủ tiền BẢO HIỂM theo QUYẾT TOÁN!

3/ ĐỜI SỐNG ĐÃ VỐN VẤT VẢ GIANNAN, NAY LẠI CÀNG KHÓ KHĂN:

Nghề xây dựng vốn là một nghề lao động vất vả và càng vất vả hơn do tính chất hoạt động lưu động, nay công trường này, mai công trường khác (Nguyễn Bính: “Anh đi xây dựng những công trình/ Ngày lại qua ngày ngủ lán tranh/ Khi những tầng cao lên ngói đỏ/ Là lúc ba-lô lại khởi hành!”). Cũng do làm việc vất vả nên sức khỏe mau giảm sút, năng suất lao động ngày một thấp… khiến các ông bà chủ ít muốn “thuê”. Đã không được gọi đi làm, lại phải đóng phí bảo hiểm, nên đời sống của những công nhân này đương nhiên là vô vàn khó khăn. Bước sang năm 2011 đến nay, thị trường BẤT ĐỘNG SẢN suy thoái, mọi khó khan về đời sống lại trút lên vai người thợ xây dựng.

Khi còn làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước, LỢI NHUẬN và PHÚC LỢI là những yếu tố phân phối theo LƯƠNG, mà “lương” thời ấy chênh lệch rất ít, nên không có hiện tượng THU NHẬP quá chênh lệch như ngày nay, tạo nên khoảng cách giầu nghèo một cách rõ rệt hơn bao giờ hết giữa thợ và giới chủ.

Vậy đấy! Và một câu hỏi được đặt ra lúc này là: Đến bao giờ NGƯỜI THỢ XÂY lấy lại được VỊ THẾ và VAI TRÒ LÃNH ĐẠO vốn có của GIAI CẤP mình từ sau Cách mạng tháng TÁM; để lại có thể tự hào cất cao tiếng hát:

Bạn đời ơi !

Hãy tin, hãy yêu, và hát cùng chúng tôi

Những người thợ xây, tin yêu cuộc đời mới[2]

 

Xin chuyển câu hỏi ấy đến các Cơ quan chức năng, nhân dịp ngày 1 tháng 5 năm nay!


[1] Bài hát NHỮNG ÁNH SAO ĐÊM của Phan Huỳnh Điểu.

[2] Bài hát BÀI CA XÂY DỰNG của Hoàng Vân

Bình luận về bài viết này