MẶC


Truyện ngắn của VÕ HOÀI NAM

Sang Nga đã hơn chục năm nhưng Mặc mới chỉ về thăm quê có một lần! Mà cũng chỉ về với lí do duy nhất: Bỏ vợ! 

Quê Mặc ở tận một miền quê heo hút trong miền Trung bão cát. Cuộc đời bầm dập với cát nóng từ lúc Mặc mới có 6 tuổi. Nhà Mặc nghèo lắm, cái vùng quê ven đồi cát trơ trọi mấy nóc nhà trống huơ trống hoác đến nỗi gã gió Lào chạy ngạo mạn từ cửa bếp vào tận trong buồng… Có mấy nóc nhà được cơm no quanh năm? Áo mặc cũng mong manh với cát nóng. Khoai sắn làm bạn với lũ trẻ như Mặc từ lúc còn bốc cứt gà ném nhau chơi.

…Mạ bỏ mấy ba con nhà Mặc đi từ lúc Mặc cắp sách đếm chữ A, B, C… Bữa đó ở trường về, Mặc ngơ ngác hỏi anh Cu chị Gái: “Mạ đi mô rứa?” Không ai trả lời Mặc, mỗi người ngồi một góc nhà, ruồi bu chẳng thèm đuổi. Ba Mặc càng lầm lì hơn. Ông chẳng nói chẳng cười. Mặc đâm sợ. Thút thít ngồi ở góc nhà với con cún đen như nhọ nồi. Nó đã không thông cảm cho Mặc lại còn ăng ẳng, quẫy đuôi, cắn cắn cái cạp áo rách muốn lôi đi trốn tìm ngoài đồi như mọi bận.

Mặc không hiểu tại sao mọi người im lặng? Nhưng nó linh cảm trong cái nhà tranh bốn bề gió thổi này đã có một luồng gió không lành chạy qua…
Mấy đứa Tí, Tèo, Bươn…thập thò ngoài hàng rào tre khô khốc: “Mặc…chơi đuổi bắt đi, vọt thôi!”

Lớn lên một chút, Mặc mới biết vì sao mạ bỏ đi? Thì ra cái khoai sắn của xứ đồi cát gió Lào quanh năm này không níu kéo được người đàn bà đẹp nức tiếng một thời…Mà mạ của Mặc đẹp lắm. Ba con rồi mà bà vẫn như gái còn xuân? Trai làng đi qua nhà Mặc cứ len lén nhìn vô… Họ muốn ngắm nhìn vẻ đẹp mặn mòi của bông hoa đồi cát. Lạ thật, giữa đồi cát nóng mà mái tóc mạ dài óng ả như suối, làn da mượt mà như nước, khuôn mặt trái xoan phơn phớt sắc trái đào với đôi mắt màu hạt na lúng liếng…Hỏi không gã đàn ông nào mê mẩn?

Mặc được xuất ngũ với quân hàm trung sĩ. Không nghề nghiệp. Anh Cu (tên đi học là Kiêm), giờ đã là anh cán bộ xã, toòng teeng bên hông cái túi xách bạc như sắn khô bị nhiễm nước mưa, suốt ngày cưỡi cái anh Thống nhất lốp sần sùi chỗ đồi chỗ vực vì săm ở trong cứ chực nhảy ra ngoài, rong ruổi khắp đồi cát hô hào bà con phải thực hiện nghiêm chỉnh chính sách khoán sản của Đảng và Nhà nước. Anh đã có 2 mặt con, một nếp một tẻ, vợ là giáo viên trường làng, người xã bên, hiền lành chịu thương chịu khó như củ khoai củ sắn…

Chị Gái (tên ở trường là Mây) làm cán bộ ngân hàng trên tỉnh. Chồng chị là giáo viên cấp 3, anh chị cũng đã kịp có với nhau một tẻ một nếp. Chỉ có ba của Mặc là cô đơn trong căn nhà lẻ loi đã xây lại mấy bức tường ngăn lão gió Lào nghịch ngợm ngày nào…Còn con cún đen nhẻm bạn đuổi bắt trốn tìm của đám Mặc và bọn Tí, Tèo, Bươn…ngày nào giờ đã thành lão chó già đen nhẻm mắt ướt mèm, đuôi trơ trụi vài nhúm lông khô khốc không thèm ngoe nguẩy, suốt ngày chỉ thở hắt ra thườn thượt…

Mái tóc bạc như cước của ba không còn vẻ phong sương, ba đã ngoài sáu mươi. Ba vẫn lặng lẽ như ngày nào Mặc còn thơ bé, ngày mà mạ của Mặc một đi chẳng trở về…Cái nỗi buồn ấy Mặc hiểu và thương ba vô cùng. Mặc chăm sóc ba từng ti từng tí làm ba nhiều lúc cũng phì cười – nụ cười vàng trên khuôn mặt đen với đời cát của ba. Ba bảo: “Cái thằng, mi cứ làm như tau là thằng lên 3 rứa?”

Rồi Mặc cũng có tẻ. Một bé gái ngoan, xinh và nghịch ngợm như con lật đật mà sau này Mặc đem từ Nga về cho con. Nhưng đời nó cứ vận trớ trêu vào nhau? Vợ Mặc cũng có mái tóc dài chấm gót, làn da bông bưởi, nụ cười như trói hồn đám trai lạ…?

Mặc nhận được tin “cơn gió Lào trái mùa thổi qua nhà” từ lá thư của bà chị gửi sang mà không tin được! Mặc lặng lẽ đốt hết những lá thư nặng mùi “…em yêu thương anh vô cùng, người vợ một đời chung thủy của anh!…” của Lan vợ Mặc. Mặc khóc lặng lẽ trong chăn…khóc vì thương con bé Thương, mới 6 tuổi đã phải chịu cảnh ba mạ bỏ nhau? Mặc bỗng giật mình. Mạ bỏ Mặc ra đi cũng là lúc Mặc tròn 6 tuổi? Sao kì vậy? Đời thật trớ trêu.

Mặc trở nên ít nói cười, đi về như cái bóng. “Cũng lạ cho anh ấy, sang Nga chăm chút làm ăn, chẳng gái gú gì, vậy mà cô vợ lại…Nghe nói vợ tay ấy đẹp lắm?”, “Thế mới khổ, vợ đẹp hơ hớ để ở nhà, hàng xóm nó tha à?”. “Này, trông gã cũng khơ khớ đấy chứ!” “Con điên, mày nhảy vào đi?”…Bên tai Mặc lúc nào cũng rinh rích những nụ cười và những cái đấm lưng nhau của các cô thợ cùng tổ cùng xưởng. Đến mấy cô tóc vàng đi qua chỗ Mặc ngồi làm việc còn lúng la lúng liếng nữa là…Của đáng tội, Mặc cao ráo, thêm cái vẻ phớt Ănglê nên cứ như “ma men” cho cái đám xồn xồn. Mặc không kiêu. Có gì mà kiêu? Vợ con rồi, chí thú góp gom được một thùng hàng giá vài triệu (cái thời một chỉ vàng là hai trăm ngàn đồng) gửi về. Sang Nga đã hơn 3 năm. Làm việc trong một nhà máy sản xuất ô tô – những dòng xe Lada, Ziguli, Vonga…nổi tiếng của nước Nga ở thành phố Tôlianchi cách thủ đô Mátxcơva những hàng ngàn km.

Xung quanh Mặc anh nào chị ấy cặp đôi, loại “rổ rá cặp vào” cũng có…Đêm đến giường thằng Hoàn (với con Na, một con trai 4 tuổi ở quê, chồng là công an) bạn cùng quê cùng tổ – một vợ hai con ở quê – bên cạnh cứ như là… “Tiếng chày trên sóc Bom-bo”! Mặc phớt, quen rồi.

“Anh đúng là…Mặc!” Tiếng Lài thút thít như văng vẳng bên tai Mặc. Phải nói Lài đẹp, cái đẹp của gái vùng Bắc ninh, quan họ. Nhưng Mặc đâm sợ. Sợ đàn bà đẹp? Mạ đó, Lan vợ Mặc đó…? “Con Lài nó chết với cái thằng cha – mặc – kệ rồi…”, “Cho nó chết, bao thằng trai tơ không chết, lại chết cái thằng vợ bỏ? Ngu cho chết” “Đời con gái hơ hớ để phí quá! Đúng là cỏ non mời trâu già!”…

Mặc biết hết. Tự nhiên Mặc thấy thương Lài. “Lài ơi, em quên anh đi, em còn con gái mà, theo anh làm chi cho khổ?” “Không, em chỉ yêu và chỉ một mình anh thôi!” Mặc biết nhưng Mặc lại không muốn vì lòng thương hại, Mặc chẳng muốn ai thương hại mình. Ba đã dặn Mặc: “Làm cái thằng đàn ông đừng để đàn bà nó tỏ sự thương hại, mà phải thương yêu bằng cái bụng thực của nó!”  Có lẽ cái câu kinh điển ấy của ba nghiệm từ cuộc đời đau khổ vì hết lòng yêu thương một người đàn bà đẹp như mạ?

Chưa hết, Mặc còn bị cái đám choai choai cùng quê của Lài ngăn sông cấm chợ với Lài. “Ông tha cho nó, ông vợ con rồi, vợ bỏ thì kiếm mụ nạ dòng khác ấy…” Mặc biết họ thích Lài, mê Lài…Bởi Lài đẹp nức vùng Tôlianchi này, đến bọn “ruồi” ở tận Mát còn mò xuống cắm trại nữa là? Chẳng có thằng đàn ông nào ngu mà đi qua vườn hoa đẹp và thơm ngát lại nỡ bước đi? Có lẽ chỉ có Mặc?

Cuộc đời nhiều khi có tránh nó, nó cứ vận vào mình. Sau khi về phép li hôn cô vợ mất nết, Mặc ở nhà luôn một tháng, chẳng đi đâu. Chỉ tội cho con bé Thương cứ quấn lấy Mặc. “Ba ở nhà với con và nội đi!” Hôm ra tòa xử, con bé cứ nằng nặc: “Mạ đừng bỏ ba!” Lan không nói gì, mặt như đanh lại. Con bé càng sợ, ôm lấy Mặc. Căn nhà càng trở nên lộng gió, mặc dù đã được xây tường…Mặc dứt khoát nhận nuôi con, nhưng Lan không chịu. Cô ta đòi quyền nuôi con. Tòa chấp nhận. Mặc đành chịu thua mà lòng như lửa cháy… Tài sản chẳng có gì ngoài thùng hàng vừa gửi về đầu năm, Mặc chia đôi. Ở chơi với con một tháng, đưa nó đến trường học chữ A, B, C…Mặc chờ nó tan học lại đón con về. Ba mái đầu bạc, hoa râm, xanh trong mái nhà tranh bên bữa cơm đã có thịt, cá, rau, cơm gạo trắng…

Mặc ngồi lặng lẽ rít Galăng – loại thuốc Ấn độ ở ngoài sân, mảnh trăng non đầu tháng lơ lửng…trên ngọn đồi cát, giờ đã xanh um những cây. Làng xóm sau mấy năm đi xa đã trở nên đông đúc hơn. Người nơi khác về nhiều, sinh con đẻ cái. Ngẫm sự đời, Mặc buồn cho mình, cho con gái, cho ba. Hóa ra ngày mạ bỏ đi mình tập đánh vần A, B, C…và bây giờ, Lan bỏ đi thì con bé Thương cũng tập tọe A, B, C…? Kì thật, sao có sự trùng lặp thế?

Lưng của ba giờ như còng thêm một chút? Mái tóc càng cước và thưa hơn. Râu trắng xóa phủ dài tấm ngực phong sương. Cặp mắt đượm buồn của ba càng mệt mỏi thêm? Mặc thở dài. Nghĩa vụ lao động xuất khẩu còn tiếp 3 năm nữa (trong tổng số 6 năm). Ba động viên Mặc cố gắng tiếp tục, rồi kiếm “con mái” nào nết na…đừng có ham sắc! Mặc chỉ “dạ” và không nói gì thêm. Ngày Mặc hết phép trở lại Nga cũng là ngày Lan đến đón con bé Thương đi ra phố huyện (Cô ta theo một gã buôn hàng xe máy có 2 con (vừa bỏ vợ) nhưng giàu sụ dù gã có đáng tuổi chú!) Lòng Mặc quặn thắt khi con bé Thương cứ muốn nhoài ra khỏi bàn tay mẹ nó: “Nội ơi, ba ơi! Con muốn ở với nội với ba mà…” Ba ngồi im lặng trên bộ ván mà lưng như còng thêm…Còn Mặc chỉ thấy nghẹn đắng ở cổ, nước mắt đàn ông chảy tràn cũng mặc kệ…Mặc cảm thấy mình như bất lực vì một cái gì không rõ nữa?

Chào ba để ra đi mà nước mắt Mặc cứ chảy dài…Ba mắng: “Tổ cha mi, khóc cái chi? Con trai mà yếu đuối. Đi đi, vài năm nữa về kiếm con vợ. Tau chưa chết mô mà khóc!” Không ngờ đó là lần Mặc khóc ba cuối cùng…Khi nhận được hung tin ở trong nhà máy, Mặc suýt ngất đi. Thư của anh và chị gửi sang ướt nhòe vì nước mắt. Lài không chịu rời Mặc nửa bước. Cô càng chăm chút Mặc đến nỗi người gầy rộc ngang cả Mặc.

Tình thương yêu thực sự và lòng nhẫn nại cuối cùng cũng giành được tấm chân tình của những con tim. Sau 3 năm mãn tang ba, Mặc và Lài hạnh phúc thực sự bên nhau. Họ đã có với nhau 2 mặt con, cũng đủ nếp tẻ! Căn phòng một buồng được cho ở nhờ của người Nga – một bác công nhân già trong nhà máy cùng làm việc thương Mặc và Lài như con cháu. Hai ông bà có đứa con trai chết trận ở Chechen năm 1992.

Đêm mùa xuân không ngủ ở ngoại ô Mátxcơva, 2012

5 bình luận

  1. Sắc đẹp làm ta mê say nhưng nó cũng làm ta điêu đứng vì cuồng dại. Đàn ông ơi, hãy tránh xa đàn bà đẹp! Bởi nó là gai sắc.

  2. Sắc đẹp không đồng hành với nghèo nàn. Chỉ có những tâm hồn đẹp ở lại.

  3. Đọc bài này làm lòng tôi quặn thắt lại vì nghĩ đến thân phận những người con gái VN hiện nay đang phải lưu lạc “làm dâu ở xứ lạ”? Kẻ ở Trung, người xứ Đài, kẻ xứ Hàn, người ở phương nao?

  4. Đúng vậy, bạn sinh viên nói rất có lí. Tôi đọc 1 lần, cảm thấy có cái gì lăn tăn…? Đọc lại lần thứ 2, 3…mới thấy “ngụ ý” của tác giả? Có vẻ như câu chuyện không gói gọn trong gia đình (đến 2 thế hệ)…của Mặc? Nó rộng hơn, bao trùm lên cả xã hội hôm nay? Điều mà ai cũng nhận thấy và báo chí đã nói đến khá nhiều…Quê nhà khó khăn đã khiến bao người con phải gạt nước mắt từ biệt người thân khăn gói ra đi làm ăn tha phương ở xứ người…Cũng có khá nhiều người ra đi vì mộng tưởng giàu sang? Và có bao cảnh thương tâm ở xứ người? Một bài viết khá hay và sâu sắc.
    Cảm ơn tác giả Võ Hoài Nam và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã cho đăng truyện ngắn hay này.

  5. Hay. Mot cau chuyen dang suy ngam?

Bình luận về bài viết này