PHÊ BÌNH CÓ DÁM NÓI SỰ THẬT?


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Đây là bài viết đã lâu, nhưng hôm kia ngồi chơi với mấy nhà phê bình văn học, cuối cùng lại bàn về chuyện cái dũng của nhà phê bình. Thấy đưa lại bài này vẫn chưa phải là chuyện cũ…

Trước hết, phải khẳng định Phê bình văn học là gì? Đấy là sự thẩm định, phân tích, nhận xét và đánh giá văn học nói chung hay tác phẩm văn học nói riêng. Khác với người đọc đơn thuần chỉ thưởng thức văn học, nhà phê bình văn học phải có kiến thức uyên bác về văn học, văn hoá và xã hội, cộng với khả năng tiếp cận văn học hết sức nhạy cảm để kiến giải được cái hay, cái dở của đối tượng phê bình và chỉ ra tính hệ thống của nó.

Không thể tồn tại một nền văn học mà không có phê bình. Nhưng phê bình cũng có thể giết chết hoặc làm thui chột sự phát triển văn học. Vì thế mà nổ ra tranh luận văn học, tranh luận giữa nhà sáng tác và nhà phê bình, tranh luận giữa nhà phê bình với nhà phê bình. Trong tranh luận, thường thì chân lí thắng, nhưng cũng có khi chân lí thua (tạm thời) hoặc bị đánh tráo. Vì vậy mà có sự “giải oan” cho nhiều vụ án văn chương trong lịch sử. 
     
Hiện tượng tranh luận văn học ở ta gần đây thường bị dừng lại nửa vời, là hiện tượng bất bình thường. Bất bình thường ở chính nhà phê bình và bất bình thường ở những nhà quản lý văn nghệ, báo chí, nó làm ách tắc sự phát triển của lý luận văn học nói riêng và văn học nói chung. Thậm chí có những tác phẩm văn học bị thu hồi mà không được tranh luận. Thủ tiêu tranh luận là một hiểm hoạ đối với tự do sáng tác và tự do phê bình, khiến cho nhà văn và cả nhà phê bình cảm giác là chân lí bị độc quyền chiếm giữ ở đâu đó mà không thuộc về mình, còn độc giả thì hoang mang dẫn tới sự tò mò thiếu định hướng. Nếu những cuốn sách bị thu hồi được tranh luận công khai thì cái hay lẫn cái dở sẽ được phơi bày, công chúng sẽ nhận thức được cái sai cái đúng của nhà văn, và dân trí văn học sẽ được nâng cao; mặt khác, công luận sẽ giúp cho những nhà quản lý xử lý vấn đề một cách khách quan, đúng với luật pháp hiện hành. Nhà văn phải chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình trước công chúng và trước pháp luật, vậy thì tại sao nhà văn lại không được thay luật sư để “tự bào chữa” cho tác phẩm của mình khi bị thu hồi? Thực tế thì có cuốn sách bị thu hồi lại được những kẻ khác lợi dụng nhân bản, bán lén lút với giá cắt cổ, làm thiệt hại cho nhà văn và gây hoang mang trong công chúng. Tôi nghĩ rằng, nếu được công khai tranh luận, thì vấn đề sẽ sáng tỏ hơn, nó sẽ tác động đến tiến trình phát triển của văn học tích cực hơn. 
      
Tôi biết một số tổng biên tập báo rất muốn mở tranh luận văn học trên báo mình, không chỉ để bán báo, mà còn nhằm nâng cao dân trí văn học, nhưng lại sợ đụng “trần”. Chính vì thế mà những biến động của văn học ta những năm gần đây không được phản ánh một cách trung thực, sâu sắc và toàn diện, khiến công chúng có cảm giác là văn học có vẻ mờ nhạt. Thực ra không phải như vậy. Có nhiều tác phẩm thơ kể cả “thơ khó đọc” đã xuất hiện, nhưng vẫn bị các nhà phê bình làm ngơ. Có những tiểu thuyết xì xầm ngoài lề mà không thấy nhà phê bình nào động bút. Nhà phê bình ta “khéo” quá, “khôn” quá, “ma lanh” quá. Thiếu tài hay thiếu tâm? Thiếu nghề hay thiếu dũng? Xu phụ và cơ hội không phải là bản chất của phê bình, mà đấy là nguy cơ khiến phê bình bị thủ tiêu, và văn học trở nên què quặt, chỉ đi bằng một chân với cái nạng gỗ phê bình mục rữa. Thiết nghĩ, những nhà phê bình biết tự trọng và có tài sẽ dám nói lên sự thật, và dám nghe những điều nói thật.

3 bình luận

  1. Phản biện, phê bình là dân chủ, chỉ có Đảng hoàn hảo VN là không biết, không nghe không hiểu
    Lãnh đạo cấp quốc gia mà xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam gọi là Bộ Chính Trị với 14 đảng viên cộng sản, là cơ quan quyền lực tuyệt đối. Bởi trong hệ thống tổ chức không có cơ quan nào kiểm soát, vì vậy mà nhóm lãnh đạo quyền lực này tự đứng trên Tổ Quốc, trên Dân Tộc, trên Quốc Hội, trên hệ thống Nhà Nước, và trên hệ thống Tư Pháp. Đã có lần ông Nguyễn Văn An khi giữ chức Chủ Tịch Quốc Hội, trong lúc quá bực tức đã phát biểu: “Bộ Chính Trị là 14 ông vua tập thể!”

  2. Xin nói thẳng,đa số nhà phê bình nước ta thường có khuynh hướng KHEN nhiều,CHÊ ít,thậm chí không dám CHÊ.Nói khác đi,họ không dám nói sự thật vì muốn dĩ hoà vi qúy theo quán tính nặng về tình và nhẹ về lý của hầu hết người VN.chúng ta !
    Điển hình như một ít bài thơ không hay lắm của Trần Dần được rất
    nhiều nhà văn,nhà thơ lẫn nhà phê bình tiếng tăm ca tụng lên chín tầng mây (trong blog nhà văn Nhật Tuấn) mà lẽ ra,những lời có cánh như thế chỉ dành đế nói về toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Trần Dần
    thì mới trung thực và công bằng hơn là 1,2 bài thơ…chưa đạt !
    Theo thiển ý tôi,không phải những nhà phê bình biết tự trọng sẽ dám
    nói lên sự thật mà là những nhà phê bình có tài,kể cả tài chịu đựng
    sự mất lòng của người bị phê bình thì họ mới dám nói thật mà thôi !
    Tôi xin mạo muội nói thẳng là ‘biết tự trọng’ thuộc về nhân cách,chứ không liên hệ gì mấy với tài năng của nhà phê bình,thưa nhà thơ &
    nhạc sĩ NTT.! Nếu cần có đức tính thì có lẽ đó là tính cương trực ?

    _____

    Theo tôi thì có nhiều cái đáng khen những vẫn bị nhà phê bình lờ lớ lơ vì… sợ. Đối xử với “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọ Tấn là một ví dụ – biết hay mà không dám bảo vệ… để… yên thân.

    NTT

  3. Bài viết của chú rất tâm huyết. Tác phẩm bây giờ ra nhiều mà hầu như rơi tõm vào thinh không. Các tác phẩm được cho là kha khá cũng chỉ là điểm sách chứ chẳng có bài phê bình mổ xẻ nào. Các tòa soạn báo bây giờ cũng dè dặt ngại phê bình, ngại đụng chạm, nói chung là yếu toàn tập. Buồn! Những người như nhà thơ, nhà văn Trần Mạnh Hảo quá hiếm hoi, mà viết ra chắc gì đã được đăng trên hệ thống chính thống (như tôi được biết bài viết của ông phê bình thơ Hữu Thỉnh đi dự giải thưởng Hồ Chí Minh đăng ở phần comment ở một trang mạng ???) đó v.v…

Bình luận về bài viết này