“CHUYỆN TƯỚNG ĐỘ” VÀ TUYỂN TẬP TRẦN ĐỘ


NTT: Tướng Trần Độ (1923-2002) là một “công thần” của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chức vụ cuối cùng của ông là Ủy viên TW Đảng CSVN kiêm Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN. Ông bị khai trừ khỏi Đảng vì bất đồng chính kiến. Trong lễ tang của ông bất ngờ có tràng pháo tay bất bình trước bài điếu văn có lời lẽ phê bình ông.

Trần Độ là một nhà cách mạng, một vị tướng dũng, một chính khách và là một nghệ sĩ. Ông luôn có ý thức cấp tiến, tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước. Từ năm 1974, từ Đức ông đã có lá thư gửi về cho TW Đảng, phát hiện về sự nhầm lẫn khái niệm trong lý luận của Stalinvà dự báo những hậu quả của nó, ông hiến những giải pháp, ông không hề né tránh cả những điều mà ngày ấy nói ra rất khó nghe, chấp nhận gặp nguy hiểm. Giải pháp đáng chú ý nhất là ông đề nghị mời những nước có nền kinh tế phát triển vào trong nước hợp tác đầu tư, không kể đó là nước xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa. Ông cũng là người chủ trì soạn thảo nghị quyết 05 của BCT về Văn hóa Văn nghệ mở đường cho VHNTVN thời “đổi mới”.

Tháng 2.2012, bộ sách TRẦN ĐỘ TÁC PHẨM gồm 3 tập đã được nxb Hội Nhà Văn ấn hành, ghi nhận những đóng góp của ông cho đất nước.

Năm 2007, nxb Quân Đội Nhân Dân xuất bản cuốn truyện CHUYỆN TƯỚNG ĐỘ (tập 1) của nhà văn Võ Bá Cường dày 318 trang. Theo nhà văn Võ Bá Cường thì tập 2 đã viết xong ngay sau đó nhưng đến nay vẫn chưa được xuất bản.

Dưới đây là bài viết của nhà văn Lê Hoài Nam về cuốn TƯỚNG ĐỘ (tập 1).

Nhà văn Võ Bá Cường và ‘Chuyện tướng Độ’

LÊ HOÀI NAM

"Tướng Độ" của Võ Bá Cường.

Tôi đọc liền mạch Chuyện tướng Độ; cảm nhận nhà văn Võ Bá Cường đã rất hợp lý khi chọn thể loại truyện ký, chọn cách kể thật thà, giản dị như ngầm mách bảo với người đọc rằng: Đấy, chuyện cuộc đời của ông tướng Độ nó như thế đấy. Tôi biết thế nào thì tôi kể cho các bạn như vậy. Bạn nghĩ sao, tùy bạn!

Để viết được cuốn sách, trước hết phải kể cái lợi thế là tác giả cùng quê Thái Bình với tướng Độ. Thứ nữa, tác giả có một đặc điểm trong tính cách là ông sống rất quảng giao. Nhờ quảng giao mà Võ Bá Cường tiếp cận được với tướng Độ ngay từ khi tướng quân còn sống, còn khỏe.

Một lần Võ Bá Cường còn kéo được cùng một lúc ba nhân vật cỡ trung ương quê gốc Thái Bình là tướng Độ, Nguyễn Ngọc Trìu, Nguyễn Đức Tâm về ngôi nhà của ông ở huyện Đông Hưng, trải chiếu giữa sân đàm đạo chuyện đời, chuyện văn chương.

Nhờ quảng giao mà Võ Bá Cường có trong tay cuốn hồi ký của tướng Độ ngay sau khi nó vừa ráo mực. Cuốn hồi ký này là nguồn tư liệu chính để tác giả khai thác. Tiếp nữa, phải kể đến cái máu nghề nghiệp.

Máu nghề nghiệp đã giúp Võ Bá Cường vượt qua rất nhiều định kiến, rào cản để tiếp cận với những nhân vật lớn như Võ Nguyên Giáp, Lê Khả Phiêu, Võ Văn Kiệt… và những nhân vật “không lớn” nhưng có mối quan hệ gần gũi với tướng Độ, như ông Nghiêm Hà, thư ký riêng của tướng Độ từ thuở ở chiến trường miền đông nam bộ cho đến khi tướng quân về hưu.

Bác sĩ Đỗ Văn Thiên, người có nhiệm vụ trông nom sức khỏe tướng quân cho đến tận lúc tướng quân mất. Rồi những người thân yêu, ruột thịt như bà Nguyễn Thị Phúc Hằng (vợ tướng Độ), bà Tạ Thị Xuyến (em gái tướng Độ), Đại tá quân đội Trần Toàn Thắng (con trai cả tướng Độ)… là những tư liệu sống giúp nhà văn viết tác phẩm.

Là một công chức về hưu, với đồng lương khiêm tốn, để có được hàng chục chuyến đi “mò” tài liệu ở Hà Nội, không ít lần Võ Bá Cường đã phải gõ cửa các cơ quan công quyền ở Thái Bình. Tuy cũng có những người nghi ngại, nhưng cũng không thiếu những người vì nghĩa mà vượt lên tất cả, ủng hộ tinh thần và cả tiền bạc, phương tiện cho nhà văn.

Ông Đặng Khiêu, Giám đốc Sở Lao động – TBXH Thái Bình, khi biết tin Võ Bá Cường viết sách về tướng Độ đã lấy xe con đưa tác giả vào tận nghĩa trang Trường Sơn thắp nhang khấn vong linh các liệt sĩ hãy vì lòng yêu mến và kính trọng tướng Độ mà phù hộ cho công việc của nhà văn thông dòng bén giọt.

Tuy thế, cũng không ít lần Võ Bá Cường bị rơi và hoàn cảnh rất chi là… hoàn cảnh! Chẳng hạn cái hôm lang thang ở Sài Gòn, sờ túi thì đã rỗng. Sực nhớ số điện thoại của bạn văn Nguyễn Khoa Đăng, liền gọi cầu cứu. Nguyễn Khoa Đăng không dư dả tiền bạc, liền lấy sổ tiết kiệm của vợ rút bớt một ít tặng bạn.

Để tránh những xoi mói, nghi kỵ,Võ Bá Cường còn phải nhờ vả đến những quan chức có thế lực cùng quê Thái Bình mà ông rất lấy làm hãnh diện và tin cậy như Nguyễn Ngọc Trìu, Hà MạnhTrí…

Cuối cùng thì 318 trang sách đã được ông viết xong. Chân dung tướng Độ hiện lên qua xâu chuỗi những chuyện kể, với thời lượng từ lúc tướng Độ chào đời cho đến năm cuối áp chót của cuộc chiến tranh chống Mỹ, năm 1974.

Ngần ấy trang sách, Võ Bá Cường đã cung cấp cho bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời một vị tướng tài ba, nhiều công trạng, có cá tính, thuộc dạng “công thần” của cách mạng Việt Nam: 16 tuổi, Trần Độ đã đi hoạt động; 17 tuổi toan tính làm chuyện “tầy đình”, không may bị địch bắt. Bị tống giam hết nhà lao Thái Bình đến Hỏa Lò, rồi lại đưa lên nhà tù Sơn La.

Qua các nhà tù này, Trần Độ có dịp tiếp xúc với nhiều nhân vật cách mạng lớn, trở thành bạn tù với các ông: Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt , Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Trân, Tô Hiệu… Trần Độ từng nếm trải những đòn tra tấn, có lẽ nó thuộc dạng man rợ độc nhất vô nhị trên hành tinh này…

Khi được tổ chức bố trí vượt ngục, Trần Độ được quyền lựa chọn một trong hai cương vị: Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên hoặc Phó chính ủy khu II. Không một chút đắn đo, ông chọn con đường thứ hai: Cầm súng!

Bức ảnh với bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Vậy rồi, người sĩ quan cao cấp ấy đã có mặt chỉ huy hầu hết các mặt trận trọng yếu, các chiến dịch mang tính thành bại của cách mạng: Chiến dịch “quyết tử  cho tổ quốc quyết sinh” ở thủ đô, mặt trận Đông Khê, chiến dịch Điện Biên Phủ ở Tây Bắc.

Những năm tháng này Trần Độ có dịp gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, sát cánh kề vai cùng những tướng lĩnh cao cấp nhất trong quân đội: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Cầm, Tạ Xuân Thu, Văn Phác, Mai Chí Thọ…

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Sau cuộc chiến, công việc xây dựng và củng cố lực lượng quân đội bộn bề, ngoảnh lại, loáng cái đã 10 năm. Trần Độ chưa làm được việc gì đáng kể cho vợ con thì lại có lệnh đi B, vào tận miền đông Nam bộ, nơi có cơ quan trung ương Cục miền Nam.

Ở đây tướng Độ lại có dịp kề vai sát cánh, ăn cùng mâm bát với những cán bộ cao cấp, những tướng lĩnh sáng danh: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thị Định, Lê Trọng Tấn,Hoàng Cầm, Trần Văn Trà, Hoàng Văn Thái, Lê Đức Anh, Văn Phác…

Vai trò của tướng Độ ở trung ương Cục miền nam là không hề nhỏ. Chả thế mà đã có lúc thất bại nặng nề, quân đội đối phương  phải tung tin trên đài phát thanh Sài Gòn rằng tướng Độ đã tử trận! Chúng còn làm giả hình ảnh thi thể tướng Độ nằm chờ khâm liệm in trên báo nhằm trấn an tinh thần binh lính.

Đấy là hình tượng tướng Độ với cương vị Chính ủy mà cuốn sách của nhà văn Võ Bá Cường cung cấp cho bạn đọc.

Cái thông điệp thứ hai không kém phần quan trọng mà cuốn sách giúp bạn đọc nhận biết, đó là Tướng Độ, một nhà nhân văn tầm cỡ!

Vốn có tư chất thông minh, lại được sinh ra trong một gia đình có giáo dục, Trần Độ sớm có điều kiện tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Lỗ Tấn, Tào Ngu, Liép Tônxtôi, Vichto Huygô không hề xa lạ với ông. Cho nên khi quân đội lập tờ báo đầu tiên là Vệ quốc đoàn (tiền thân của báo Quân đội nhân dân sau này) thì người được phân công phụ trách, không ai khác là Trần Độ.

 Rồi việc sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam cũng không thể thiếu vai trò của ông. Với những tác phẩm, bài viết (thời ở trong Nam lấy bút danh là Cửu Long) đã chứng tỏ Trần Độ là một cây bút văn xuôi chính luận sáng giá. Trần Độ có quan hệ thân thiết với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của nước nhà. Không ít người coi Trần Độ là một người anh lớn.

Những trang Võ Bá Cường mô tả Trần Độ sống ấm áp với cấp trên, vị tha với cấp dưới, yêu thương săn sóc cả con ngựa chiến của mình… chứng tỏ trong tâm hồn ông mang những giá trị nhân bản. Những dòng mô tả chuyện đổi tên của Trần Độ cũng rất đáng chú ý. Họ tên đầy đủ của ông là Tạ Ngọc Phách.

Thời kỳ hoạt động bí mật, bán công khai, tổ chức đặt tên cho ông là Độ. Khi ông đến một nơi nhận công tác mới, thấy ông xưng tên như thế thì một đồng chí bảo, nếu tên là Độ thì lấy họ Trần nghe thuận tai hơn. Thế là ông gật, lấy họ Trần. Cái tên Trần Độ có từ đó. Ông thật thà và hay thể tất đến thế, “nghệ sĩ” đến thế nên được sống bên ông, ai ai cũng yên tâm.

Năm 1974, sau chín năm chỉ huy  chiến đấu ở chiến trường miền Nam, Trần Độ ra Bắc nhận quân hàm trung tướng (sau 16 năm đeo hàm thiếu tướng), việc đầu tiên cần làm là ông đi thăm hỏi nhân dân xem ở cái nôi xã hội chủ nghĩa miền Bắc họ sống ra sao.

Cùng thời điểm ấy ông được sang thăm nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông đã nhận ra rất nhiều điều chưa ổn và không  ổn trong nguyên lý cũng như thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thế là ông viết một lá thư mà ông gọi là Thư tâm huyết, dài 14 trang, trình bày tất cả những gì ông thấy, ông nghĩ, ông muốn về xây dựng chủ nghĩa xã hội, gửi tới ba lãnh tụ đảng cộng sản: Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ.

Tướng Độ vốn vẫn coi ba người lãnh tụ này như ba người anh lớn của ông nên giọng văn viết thư là cái giọng mềm mại, nhưng ông lại không hề né tránh cả những điều mà ngày ấy nói ra rất khó nghe, thậm chí gặp nguy hiểm.

Chẳng hạn ông nói về những nguy cơ làm suy yếu, làm biến chất đảng; những bất cập trong quản lý của chính quyền nhà nước; sự rỗng không của cái gọi là cơ sở kinh tế chủ nghĩa xã hội; rồi tệ sính thành tích, nói và làm không đi đôi với nhau. Ông còn phát hiện một sự nhầm lẫn khái niệm trong lý luận của Stalin và dự báo những hậu quả của nó. Rồi ông kiến nghị, hiến những giải pháp.

Giải pháp đáng chú ý nhất là ông đề nghị mời những nước có nền kinh tế phát triển vào trong nước hợp tác đầu tư, không kể đó là nước XHCN hay TBCN… bây giờ thì chúng ta đang làm đúng như lời “điều trần” của ông từ năm 1974!

Nhà văn Võ Bá Cường đã công bố nguyên vẹn bức thư ấy ở phần cuối cuốn sách của ông. Chính bức tâm thư của tướng Độ đã giải tỏa bớt cái không khí tương đối tĩnh lặng, bằng phẳng, đều đều trong lối viết cổ điển của Võ Bá Cường.

Bức tâm thư ấy có lửa. Nó làm cho phần cuối cuốn sách sinh động hẳn lên. Nó hé mở cho bạn đọc biết chờ đợi phần tiếp theo của cuốn sách.

Nếu như có tập hai, tôi tin nhà văn Võ Bá Cường sẽ viết về đoạn đời còn lại của tướng Độ, một đoạn đời đầy giông bão. Cái đoạn đời từ lúc ông cởi bỏ quân phục, sang làm trưởng ban Văn hóa – văn nghệ trung ương cho đến phút ông trút hơi thở cuối cùng, trở về với cát bụi.

22 bình luận

  1. Tôi đọc truyện kí tướng Độ của nhà văn Võ Bá Cường viết, NXB Quân đội Nhân dân xuất bản năm 2007. Tôi đọc say mê như hồi còn trẻ đọc Những người khốn khổ, Thép đã tôi thế đấy, Vượt Côn Đảo… Năm nay, tôi đã 74 tuổi, qua hai lần tai biến mạch máu não nên đọc sách báo rất khó.

    Sao lần này đọc cuốn sách viết về tướng Trần Độ không sót một từ, một đoạn. Tôi thấy như nhà văn Võ Bá Cường kể chuyện trực tiếp tôi nghe về tướng Độ từ hồi còn là học trò. Nhóm bạn Hồng đã có tiếng vang trong trường Trình Phố vận động học sinh trường huyện góp tiền, góp gạo nấu cháo rồi kéo đến từng nhà phân phát.

    Khi được mẹ cho đi Hà Nội học, cậu Phách (tướng Độ) đã tiếp xúc với các nhà báo “Thế giới mới” đọc được nhiều cuốn sách có giá trị, hiểu nhiều về dân tộc Nga, dân tộc Nhật. Hiểu được những hoạt động và tư tưởng của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Đặc biệt cậu được chị gái Tạ Thị Câu giao nhiệm vụ vận động thanh niên vào thanh niên phản đế, rồi cậu phụ trách thanh niên phản quốc phủ Kiến Xương, Thái Bình, kết nạp vào đảng năm 1940.

    Với chí khí của người đảng viên, cậu Phách đã đấu tranh quyết liệt trong nhà tù Thái Bình, Hoả Lò, Sơn La… tổ chức vượt ngục nhà tù đế quốc về hoạt động cách mạng. Tất cả những sự việc trên đã hằn sâu vào suy nghĩ của cậu, là gốc rễ tạo nên cuộc đời của một vị tướng.

    Là người lính vào sinh ra tử, khi nhận nhiệm vụ chính uỷ đầu tiên của Hà Nội cậu mới 23 tuổi, ở cương vị ấy cậu đã mạnh dạn thay cảm tử quân bằng quyết tử quân. Quyết tử quân có sức nổ cực lớn, có độ chính xác tuyệt đối, làm cho thế hệ thanh niên ngày ấy dám hi sinh cho Tổ quốc không một chút đắn đo suy nghĩ, nó không chỉ hiển hách một thời mà còn tồn tại mãi mãi. Sự biến đổi về chất của người chiến sĩ cách mạng đã tạo nên sức mạnh dồn ép quân đội Pháp ra khỏi Hà Nội, ra khỏi các thành phố lớn ở đồng bằng đi lên vùng rừng núi đông bắc, tây bắc để làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

    Năm 1965 tướng Trần Độ được cử vào chiến trường miền Nam qua cảng Si-ha-núc-vin tới R. Lúc này là thời điểm Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam. Đánh Mỹ sẽ diễn biến như thế nào? Tướng Trần Độ và các chiến sĩ ta đã thử tiến đánh Mỹ ở Bầu Bàng. Chiến thắng đầu tiên 1 tiểu đội diệt được 6 xe tăng, trong đó đồng chí tiểu đội trưởng diệt được 2 chiếc bằng thủ pháo và anh đã hi sinh khi vừa bò lên chiếc thứ 3. Chiến thắng Bầu Bàng, Bộ Chỉ huy miền đã đi đến nhận định: Quân giải phóng có thể đánh bại được các đơn vị tinh nhuệ có trang bị hết sức hiện đại của đế quốc Mỹ.

    Vào miền Nam, Trần Độ sung sướng nhất là được sống với tướng Nguyễn Chí Thanh ở chiến trường B2. Sống với nhau như người bạn thân, tâm đắc nhiều điểm. Đại tướng đúng là nhà chiến lược bẩm sinh, là người thầy dạy Trần Độ làm tướng.

    Năm 1968 địch tung tin tướng Trần Độ đã bị chết, vì Mỹ ngụy rất sợ những đòn vỡ óc của tướng Độ. Nghe tin này, Đại tướng Hoàng Văn Thái (cùng quê Thái Bình) đã về thăm mẹ Phủng mang theo chiếc đài nhỏ có ghi âm tiếng nói của tướng Độ và lời ca ngợi của Bộ Chỉ huy miền “tướng Độ là vị tướng nắm lấy thắt lưng địch mà đánh. Bắt Mỹ đánh theo cách của ta không cho đánh theo kiểu Mỹ, làm tăng sức chiến đấu cho quân đội ta”.

    Đọc truyện kí tướng Trần Độ tôi càng thấy rõ ở chiến trường miền Bắc, chiến trường miền Nam, chiến sĩ ta coi tướng Trần Độ như một thiên thần đi cùng dân tộc suốt trong 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Năm 1992 ông đã được tặng Huân chương Hồ Chí Minh khi ông tròn 70 tuổi.

    BÍCH HƯỜNG

  2. “…Một tấm gương dũng cảm xả thân vì Tổ quốc một lòng nhân ái, vị tha tuyệt vời như vậy, đã dốc lòng cung phụng cho sự nghiệp của Đảng, tận tình đến vậy mà bỗng bị Đảng vong ơn, hết sỉ vả, bôi xấu, lại khai trừ. Bất nghĩa như vậy, tàn ác như vậy thì làm sao còn có thể thừa nhận được…”

    Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân đã dám phát hành cuốn truyện ký Chuyện tướng Độ của tác giả Nguyễn Bá Cường. Phải chăng đây là dấu hiệu muốn sửa sai chứng tỏ sự tiến bộ phần nào của những người lãnh đạo trẻ bây giờ. Chắc chắn nếu Đỗ Mười, Lê Đức Anh còn thần uy tác quái, Nguyễn Khoa Điềm còn làm trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Đảng thì việc này chưa thể có được.

    Năm 1945 – 1946 tôi đã làm liên lạc viên cho Trần Độ ở chiến trường Hà Nội. Lúc ấy anh em đã rất quý ông vì ông rất hay xuống đơn vị chiến đấu và rất quan tâm đến chiến sĩ và tự vệ chiến đấu.

    Đọc truyện càng thấy rõ hơn cái tư chất can trường, gan góc, của một chiến sĩ quật cường từ trước cách mạng, cái hiên ngang anh hùng của một cán bộ lãnh đạo văn nghệ, một vị tướng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam qua suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Địch đánh tứa máu, xưng múp toàn thân, không nằm không ngồi được nhưng khi chúng đưa một bát cơm và một bát cứt bảo ăn cơm đi rồi khai báo để được tha, nhưng ông đã bưng bát cứt tém lại và vào mồm để tỏ ý chí bất khuất. Ở chiến trường ông lại rất oai phong lẫm liệt. Ông đã từng cưỡi ngựa đi khắp các chiến trường Việt Bắc. Ông giỏi tiếng Pháp nên đã cùng tướng Lê Trọng Tấn (ông Tấn làm chỉ huy, ông làm chính ủy) là người đầu tiên thẩm vấn tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ. Ông lại cũng từng tung hoành khắp chiến trường Miến Nam. Địch sợ tướng Trần Độ quá phải đưa ảnh giả lên báo loan tin rằng Trần Độ đã chết để binh lính của họ bớt sợ.

    Tướng Trần Độ có cái oai phong lẫm liệt nhưng tình cảm đằm thắm như một văn nghệ sĩ cho nên ông rất yêu mến, kính phục tướng Nguyễn Sơn. Ông đã từng đưa tướng Nguyễn Sơn đi thâm nhập vào các văn nghệ sĩ ở Khu Bốn, lại cũng đã hộ tống đưa tướng Nguyễn Sơn trở lại Trung Quốc. Tiếc rằng ta đã không biết sử dụng một vị tướng tài như ông Nguyễn Sơn. Nước lớn ngoại bang như Trung Quốc còn biết kính phục và phong hàm trung tướng cho ông Nguyễn Sơn, nhưng Bác Hồ lại khăng khăng chỉ phong hàm thiếu tướng cho ông Nguyễn Sơn ! Một người như ông Nguyễn Sơn là văn võ song toàn. Tướng Trần Độ cũng thế. Cho nên tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang khi viết về Trần Độ đã chọn cái đầu đề “Tướng quân Trần Độ – Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” là rất đúng.

    Ông cũng ra đi từ nghèo khổ giống như tôi và cũng yêu thương làng quê, mẹ già tha thiết. Ông cũng đã từng nằm ngủ ổ rơm và được ủ bởi tình mẹ trong hơi ấm ổ rơm như tuổi thơ của những người sinh ra từ nông thôn nghèo khổ. Tấm lòng ông rất nhân hậu. Ông cởi áo đắp tấm lưng lở loét để ngăn muỗi bâu vào vết thương cho người tù này và cho người tù khác cả một bộ quần áo khi thấy người tù đó phải ra đi vào một ngày rét mướt. Chính từ tấm lòng nhân hậu mà ông rất bất bình với nhũng cán bộ, những nhà lãnh đạo Đảng đã tha hóa, biến chất, độc tài, độc đoán, chà đạp lên dân chủ, nhân quyền khiến cho cách mạng ngày càng rời xa lý tưởng ban đầu, trở lại lừa đảo áp bức, bóc lột nhân dân làm cho nhân dân khốn khổ, đất nước ngày càng tụt hậu xa so với thế giới.

    Tướng Trần Độ “bất mãn” là rất đúng. Vì đất nước, vì nhân dân mà ông “bất mãn”. Thế nhưng những người lãnh đạo già như Đỗ Mười, Lê Đức Anh thì vì ganh tức ông, những người lãnh đạo trẻ thì vì mang ơn nên phải tuân lệnh những người đã đưa mình lên, vả lại cũng không đọc, không tìm hiểu để biết ông nên đã không chỉ láo xược mà còn đối xử tệ bạc, dã man, tàn ác đối với ông. Họ hết bố trí phụ nữ vào phòng ông cởi áo cởi quần rồi lén lút quay phim chụp ảnh để bêu riếu ông khắp các Câu lạc bộ Ba Đình, Thăng Long… lại thuê những kẻ bồi bút có danh tiếng chửi rủa ông, vu cho ông là bất mãn, cơ hội, chống Đảng, phản bội Tổ quốc v.v… Tệ nhất là khi ông chết, Đỗ Mười ra lệnh cấm không cho vòng hoa nào có dòng chữ “Vô cùng thương tiếc”, kể cả vòng hoa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và trong bản điếu văn do Vũ Mão đọc vẫn tiếp tục sỉ nhục ông !

    Những năm cuối đời, ông bị Đảng, Nhà nước đối xử rất tệ bạc. May chỉ có anh em dân chủ quây quần bên ông, an ủi ông. Nếu ông được chạy chữa, chăm sóc chu đáo chỉ bằng một phần mười đối với Lê Đức Anh thôi thì hẳn ông vẫn còn sống được đến bây giờ và Phong trào Dân chủ vẫn có một thủ lĩnh, một ngọn cờ chói lọi đáng tôn kính. Tôi đã từng là lính của ông. Tôi nhớ mãi hình ảnh bình dị, tác phong cởi mở, dân chủ, tôn trọng cả những người trẻ tuổi chỉ ở hàng con hàng cháu của ông.

    Một tấm gương dũng cảm xả thân vì Tổ quốc một lòng nhân ái, vị tha tuyệt vời như vậy, đã dốc lòng cung phụng cho sự nghiệp của Đảng, tận tình đến vậy mà bỗng bị Đảng vong ơn, hết sỉ vả, bôi xấu, lại khai trừ. Bất nghĩa như vậy, tàn ác như vậy thì làm sao còn có thể thừa nhận được. Cho nên, khi Đảng khai trừ tướng Trần Độ, tôi và nhiều đảng viên CSVN đã vứt bỏ thẻ Đảng.

    Tôi có mấy đề nghị như sau:

    1 – Đặt tên ông cho một con đường lớn nhất ở thành phố Thái Bình và một con đường nào đó ở Hà Nội.
    2 – Dựng tượng ông ở Thái Bình và ở một công viên văn hóa ở Hà Nội.
    3 – Nhà nước chính thức ra thông báo giải oan cho tướng Trần Độ và thành thật xin lỗi vong linh ông.
    4 – Cho xuất bản tuyển tập Trần Độ gồm cả những bài viết trong thời chống Pháp, chống Mỹ và thời đấu tranh cho công cuộc dân chủ hóa đất nước.
    5 – Tái bản cuốn Chuyện tướng Độ có bổ sung thêm bài viết “Tướng quân Trần Độ – Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo” của Nguyễn Thanh Giang, vì đúng như ông Giang đã nói: Trần Độ là vị anh hùng giải phóng dân tộc đồng thời là một lão tướng tiên phong can trường và đầy trí tuệ trong công cuộc cách mạng dân chủ hóa đất nước thời kỳ này.

    Phạm Quế Dương
    37 Lý Nam Đế – Hà Nội
    Nguồn: Báo Tố Quốc, số 47 (15/08/2008

  3. Một cuốn sách khiêm tốn, được xuất bản bởi một cơ quan quá ư là chính thống và không biết cách quảng bá sách của mình trên thị trường: NXB Quân Đội Nhân Dân. Bìa sách không bắt mắt. Người viết không tên tuổi. Nhưng nhân vật của cuốn sách xứng đáng để người đọc tìm hiểu: tướng Trần Độ.

    Một cách giản dị, hơi quá thật thà, cuốn truyện ký bắt đầu từ khi chú bé Tạ Ngọc Phách – tên thật của tướng Độ – sinh ra ở một làng quê nghèo Thái Bình, lớn lên trong một gia đình quan lại nhỏ, được ăn học chu đáo, đến khi trở thành một thanh niên giác ngộ cách mạng, một cán bộ nòng cốt của Đảng và một vị tướng văn võ song toàn, được dân yêu, lính trọng.

    Cái đáng quí nhất của cuốn truyện ký là tấm lòng yêu mến, kính trọng , thậm chí ngưỡng mộ của người viết – ông Võ Bá Cường – một người đã dành hàng chục năm trời để sưu tầm tài liệu, tìm kiếm nhân chứng, gặp gỡ thân nhân, đồng chí, đồng đội của tướng Độ để có được một cuốn sách “mộc” như thế.

    Lấp ló đây đó trong cuốn sách là những tâm tư sâu kín nhưng cũng rất rộng lớn của tướng Độ: ngày trở về sau chiến tranh; chuyến đi nước ngoài đầu tiên sau hòa bình, Tổ quốc nhìn từ xa càng thấy yêu thương, bắt đầu manh nha những tư tưởng đổi mới; những bức huyết tâm thư gửi cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước của một đảng viên trung kiên, đau đáu với vận mệnh nước nhà… mà không phải ai cũng biết, cũng hiểu.

    Tướng Độ coi Nguyễn Công Trứ là người đồng hương, dù bậc tiền bối quê tận xứ Nghệ nhưng đã đến Thái Bình khai hoang, lấn biển, lập dinh điền, giúp dân làm ăn. Có cái phóng khoáng của người đi mở cõi, biết chấp nhận thua thiệt, thậm chí hiểm nguy của sứ mệnh tiên phong; tướng Độ, cũng như Nguyễn Công Trứ, là những người mà đương thời không phải ai cũng hiểu, không phải thước nào cũng đo được, những người thuộc về lịch sử.Trong một phạm vi rất hạn hẹp của mình, cuốn truyện ký Chuyện tướng Độ đã làm bạn đọc hiểu được phần nào con người và sự nghiệp của ông.

    Thu Hà (Tuổi Trẻ)

  4. Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

    Trong chương trình Văn học Nghệ thuật hôm nay Mặc Lâm mời quý vị theo dõi buổi nói chuyện với ông Bùi Tín về quyển sách mới được xuất bản trong nước mang tên “Chuyện Tướng Độ” của tác giả Võ Bá Cường do nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân ấn hành. Tác phẩm này đang được ráo riết tìm đọc trong nước nhưng đợt xuất bản đầu tiên không còn nữa và người ta không trông đợi gì nó sẽ được tái bản trong tương lai gần.

    Sách Chuyện Tướng Độ. Tưởng cũng xin nhắc lại ông Bùi Tín nguyên là phó tổng biên tập của báo Quân Đội Nhân Dân, đồng thời phụ trách báo Nhân Dân Chủ Nhật. Ông cũng là Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đến năm 1990, nhà báo Bùi Tín sang tị nạn chính trị tại Pháp, và hiện đang định cư tại đây. Trước hết ông Bùi Tín cho biết cảm tưởng của ông khi cầm quyển sách này trong tay ông nói:

    Bùi Tín: Cảm tưởng đầu tiên của tôi là tôi hơi ngở ngàng nhưng mà cũng không bất ngờ. Ta đều biết rằng Tướng Độ là đã bị khai trừ từ cuối năm 1999. Ta cũng biết rằng từ đó đến nay có rất nhiều thông tin của quân đội nhưng đều được giải thích rằng Trần Độ là một phần tử phản động, đã phản bội và do đó đã bị đuổi ra khỏi đảng, bị khai trừ khỏi đảng. Và điều đó là điều đúng đắn, không có gì phải xét lại, phải luận bàn cả.

    Việc xuất bản này rõ ràng là một hành động có thể gọi là lên án đấy, đề cao tất cả mọi hoạt động của Tướng Trần Độ. Trong cuốn sách này không có phê phán một sai lầm nào cả. Do đó mà tôi thấy đây là một việc chưa từng có ở nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân.

    Tôi nghĩ là từ 4-5 năm nay đã có phong trào gần như là đòi xét lại vụ án Trần Độ và thanh minh cho ông ta, rằng ông Trần Độ là một con người đổi mớí, một con người trung thực, không phải là con người phản bội lại nhân dân và do đó bị đuổi ra khỏi đảng gì cả.

    Đây là một hiện tượng xé rào, mà ở Việt Nam thì dưới sự lãnh đạo chặt chẽ rất là hà khắc của đảng cộng sản thì thường thường hiện tượng xé rào như thế là vẫn thường có, như là thời khoán chui, thời hợp tác xã, v.v… Nhưng mà cái xé rào lần này của sách Tướng Độ là ngoạn mục, nổi bật, bởi vì quyển sách này in đẹp lắm, ít có quyển sách nào in giấy trắng tinh, bìa chạy chữ rất là trân trọng. Sách vừa được xuất bản xong một cái là sau một tháng đã bán hết vèo ngay. Và bây giờ trở nên quyển sách rất là hiếm và được truyền tay nhau rất nhiều ở tại hà Nội cũng như ở trong nước.

    Một trào lưu mới?

    Mặc Lâm: Theo như ông nhận xét là nó rất hiếm quý và được truyền tay rất nhiều, nhưng tại sao báo chí Việt Nam im lặng hoàn toàn, không có một bản tin nhỏ nào về cuốn sách này vậy, kể cả sự chống đối?

    Bùi Tín: Vâng. Theo như thông lệ, báo chí buộc phải tuân theo cái chỉ thị của Ban Tuyên Huấn (Ban Tư Tưởng Văn Hoá cũ) và đặc biệt là của Bộ Thông Tin Viễn Thông (tức Bộ Văn Hoá Thông Tin cũ) là thay mặt cho bộ máy của đảng cộng sản để nắm chặt các cơ quan xuất bản. Nhưng mà không phải mọi người đều tuân theo đâu. Nếu ai tinh ý thì thấy ngay trên báo Tuổi Trẻ, tờ báo của thanh niên đó, cũng đã có một bài nói về quyển sách này và trích một đoạn dài của “Chuyện Tướng Độ” này của Võ Bá Cường.

    Cũng như là mới đây, hồi tháng trước, khi 3 cái thư tâm huyết của ông Võ Nguyên Giáp chóng lại việc phá Hoàng Thành Thăng Long để xây dựng trụ sở quốc hội mới, thì các báo đều không đăng, nhưng vẫn có một tờ là Đại Đoàn Kết vẫn đăng cái này. Sau này trên báo mạng mới đây tôi vừa đọc là Giáo sư Tương Lai (một trí thức nổi tiếng) cũng viết một bài trên mạng Vietnamnet để ca ngợi bức thư của Tướng Giáp và yêu cầu Bộ Chính Trị và Quốc Hội phải xét lại việc phá di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long để xây dựng trự sở quốc hội mới. CHo nên cái tình hình nó đang thay đổi đấy. Không phải mọị tờ báo đều im lặng cả đâu.

    Mặc Lâm: Thưa ông, theo chúng tôi được biết thì nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Cục Chính Trị. Như vậy ông giải thích thế nào về vấn đề này?

    Bùi Tín: Tôi cũng được các bạn ở Câu Lạc Bộ Quân Nhân Hà Nội báo tin rằng là khi được tin này thì ông Đỗ Mười , là con người xưa kia từng là thủ tướng, sau đó là tổng bí thư, tuy hiện nay ổng không còn chức quyền, không còn là cố vấn gì nữa, nhưng đây là con người vẫn giật dây ở đàng sau, thế mà khi được biết cuốn sách này ra thì ổng đã đập bàn đập ghế quát tháo và ổng hỏi “Đứa nào đã cho phép xuất bản sách này?”

    Tôi được biết anh giám đốc của nhà xuất bản quân đội tên là Phạm Quang Nghị đã trả lời ngay rằng là “Thưa, chúng tôi đã được sự đồng ý của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết”. Thế là ông Đỗ Mười đã im, không dám nói gì nữa. Như vậy tức là quyển sách này nó được sự đồng thuận từ bên trên đấy. Nhất định là Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư đã biết chuyện này rồi.

    Mặc Lâm: Thưa ông, chúng ta đang nói về chuyện sách vở thành ra mình nhấn mạnh tới chuyện văn học nhiều hơn, nhưng mà theo như tinh thần cuốn sách này thì đặt nặng vấn đề chính trị, mà đã là vấn đề chính trị rồi thì thưa ông, ông cảm nhận được quyết định của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đưa ra lời giải thích nào nếu mà nói cho ngắn gọn, thưa ông?

    Bùi Tín: Tôi nghĩ là hiện nay cái đấu tranh đang còn tranh tối tranh sáng và sự lãnh đạo bảo thủ giáo điều cũng đang bị lung lay. Thế mà đây là sức ép của một bộ phận trong Quân Đội Nhân Dân. Một số các tường lĩnh, một số đông đảo cự chiến binh và một số ngay trong đảng đã có một bộ phận không phải là ít đâu, và trong số trí thức và văn nghệ sĩ, như tiếng nói của giáo sư Tương Lai chẳng hạn, và gần đây là giáo sư Nguyễn Huệ Chi rất là nổi tiếng cũng lên tiếng chống lại việc phá thành Thăng Long và chống tất cả những bất công. Đấy là những vị có tiếng tăm cũng đã lên tiếng.

    Và khi nhà xuất bản này ra sách này thì tôi được biết là ông Giáp đã có ý kiến hoan nghênh ngay. Ông Phạm Hồng Cư, trước đây là Cục Trưởng Cục Tuyên Huấn, cũng đã lên tiếng khen ngợi ngay việc xuất bản sách Chuyện Tướng Độ là rất tốt. Ở khu Lý Nam Đế, một số bạn tôi ở Lý Nam Đế cũng gọi điện sang nói là cả cái đường phố đó như là phố của quân đội, của sĩ quan, đều hoan hỉ và tìm mua và tìm đọc cuốn sách này.

    Đây là cả một trào lưu, mà cả một số không ít đâu, ngày càng đông đảo những người có tinh thần dân chủ, có tinh thần công lý, có tinh thần ngay thật, đòi việc kỷ luật và khai trừ ông Trần Độ là vô lý, và việc thoá mạ ông Trần Độ là phản bội đất nước là điều không thể chấp nhận được. Do đó mà ông Giáp, ông Cư, một loạt tướng cũng đã lên tiếng, hoan nghênh việc xuất bản này

    Tác giả Võ Bá Cường

    Mặc Lâm: Thưa ông, để trở lại cuốn sách, theo như chúng tôi được biết, tác giả là ông Võ Bá Cường. Ông có thể nói rõ hơn về tác giả này hay không? Ông ta là một người thường hay là một nhà báo, thưa ông?

    Bùi Tín: Ông Võ Bá Cường là một sĩ quan trẻ ở nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân. Ảnh biên tập cái này. Nhưng khi tôi đọc thì tôi cảm thấy ngay anh này rất là quý mến ông Trần Độ. Từ trước tới nay theo dõi từ lâu rồi cho nên dưới ngòi bút của ảnh làm sống lại cuộc đời của ông Trần Độ.

    Đọc thì cuốn hút lắm. Từ khi sinh ra như thế nào, đến khi đi học tính ông cũng ngổ ngáo, hai lần vào tù của đế quốc ở Sơn La, ở Hoả Lò, trong điều kiênh như thế ông luôn luôn bất khuất và lạc quan. Khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thì ông tham gia ngay ở Hà Nội và mới chưa đầy 30 tuổi đã làm chính uỷ của mặt trận Hà Nội. Sau đó lên làm chính uỷ của Sư Đoàn 312. Rồi tham gia trận Điện Biên Phủ, là người trực tiếp dẫn quan vào bắt tướng Castries. Sau này lại vào tham gia cả chiến dịch trước đó là biên giớí, rồi Điện Biên Phủ.

    Sau đó vào Nam chiến đấu trong thời “chống Mỹ” đó. Ảnh ở trong Nam đến hơn 10 năm. Thế kể chuyện tin ổng bị bắt là tin vịt sau này phải đính chính đó. Sau này ổng làm trưởng ban Văn Hóa Văn Nghệ Trung ương cởi trói để cho Nguyên Ngọc, rồi cho bao nhiêu chuyện khác Nguyễn Huy THiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, v.v.

    Anh Võ Bá Cường này là người rất quý mến, đã bám chặt và đã từng một thời dưới sự chỉ huy của ông Trần Độ. Anh viết với tấm lòng quý mến ông Trần Độ. Võ Bá Cường còn hẹn sẽ ra tiếp theo nữa bởi vì đây mới chỉ nói đên thời kỳ là năm 1975, khi kết thúc xong cuộc chiến tranh thôi. Còn ở cương vị của ông ở phần sau còn lý thú hơn nữa.

    Mặc Lâm: Thưa ông, chúng tôi cũng được biết ông là một trong những người bạn của Tưóng Trần Độ, xin ông có thể cho biết một vài kỷ niệm của ông vớí ông ấy không ạ?

    Bùi Tín: Tôi nhớ là ảnh đã gọi điện sang cho tôi và nói là “Tao đã được khai trừ”. Ảnh cười rất là khoái chí. Thời ký ổng đấu tranh cho dân chủ rất quyết liệt và từ đó dòi hỏi dân chủ và thay đổi lãnh đạo, từ độc quyền độc đảng sang đa nguyên đa đảng, rồi đi đến chỗ ổng bị khai trừ, thì ổng nói là “Tôi đã được khai trừ” chứ không bị khai trừ.

    Nhất là cuốn Nhật Ký Rồng Rắn mà ảnh viết trước khi mất là năm 2002, là năm đầu thế kỷ và năm cuối thế kỷ, cái đó mới nói lên cái bức xúc, cái ý kiến mạnh mẽ của ổng đối với độc đảng như thế nào, còn những kiến nghị về dân chủ thì rất triệt để. Thế thì cái này ta sẽ chờ cuốn sách tiếp nữa. mới bàn thảo được.

    Mặc Lâm: Quý vị vừa theo dõi cuộc nói chuyện với ông Bùi Tín về tác phẩm mang tên “Chuyện Tướng Độ” của tác giả Võ Bá Cường.

    Chúng tôi cũng xin được nhắc lại tất cả những ý kiến của nhà báo Bùi Tín trong bài viết hôm nay không nhất thiết là quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

    Chương trình văn học nghệ thuật kỳ này xin được chấm dứt nơi đây. Hẹn quý thính giả vào chương trình kỳ tới.

    © 2007 Radio Free Asia

  5. Dưới đây là nội dung chính trong wikipedia về Trần Độ:

    Ông tên thật là Tạ Ngọc Phách, sinh trưởng trong một gia đình công chức ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Bố ông là thư ký ở toà thông sứ tại Hà Nội, thường gọi là quan phán.
    Năm 1939, ông tham gia làm báo Người Mới cùng với Nguyễn Thường Khanh, tức Trần Mai Ninh ở Hà Nội. Trong cuộc ruồng bố năm đó, ông bị Pháp bắt giữ nhưng không có chứng cứ để buộc tội nên ông lại được thả.
    Trần Độ gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1940. Cuối năm 1941, ông lại bị bắt[1]. Tòa án tại Thái Bình xử án 15 năm tù giam. Cuối năm 1941, từ Hoả Lò (Hà Nội), Trần Độ bị đầy lên Sơn La. Tại đây, ở tù cùng thời gian này có Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ… Năm 1943, trên đường giải từ Sơn La ra Côn Đảo, Trần Độ đã trốn thoát để ra ngoài tiếp tục hoạt đông cách mạng. Ông lãnh đạo giành chính quyền ở Đông Anh, Hà Nội rồi bước vào cuộc đời binh nghiệp.
    Năm 1946, ở tuổi 23, ông làm Chính ủy Mặt trận Hà Nội. Năm 1950, ông làm chính ủy Trung đoàn Sông Lô mà Lê Trọng Tấn làm Trung đoàn trưởng, rồi làm Chính ủy Đại đoàn 312. Năm 32 tuổi (1955), Trần Độ là Chính ủy Quân khu 3 (Quân khu Tả ngạn) và đến năm 1958 được phong hàm Thiếu tướng.
    Cuối năm 1964, ông vào miền Nam Việt Nam với bí danh Chín Vinh, cùng với các tướng Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hòa, Hoàng Cầm để gây dựng lực lượng vũ trang chống chính quyền Việt Nam Cộng hòa và giữ chức Phó Chính ủy và Phó Bí thư Quân ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.
    Tháng 3 năm 1974, ông được phong hàm Trung tướng cùng đợt với Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đàm Quang Trung, Đồng Sĩ Nguyên.
    Từ năm 1974 đến năm 1976, ông giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
    Chuyển sang ngạch dân sự, ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa kiêm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương phụ trách văn hóa văn nghệ. Khi Ban Văn hóa văn nghệ Trung ương được thành lập (1981), ông giữ chức Trưởng Ban kiêm Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Ở chức vụ này ông đã soạn nghị quyết số 5, củng cố tiến trình Cởi Mở văn hóa trong thời kỳ Đổi Mới.
    Ông còn làm Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 7, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội, ủy viên Hội đồng Nhà nước (1989-1992).
    Ông cũng là ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa 3 (dự khuyết từ năm 1960 đến năm 1972), 4, 5, 6 (1960-1991).
    Ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng nhất và hạng ba),…
    Do bất đồng chính kiến với Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông bị khai trừ khỏi Đảng ngày 4 tháng 1 năm 1999 khi đã 58 tuổi đảng.
    Ông mất ngày 9 tháng 8 năm 2002 sau một thời gian dài lâm bệnh nặng, tuổi cao, sức yếu. Đám tang ông có sự tham dự đông đảo mọi tầng lớp quần chúng và trí thức, văn nghệ sĩ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi vòng hoa đến viếng và gia đình Đại tướng Lê Trọng Tấn đã có mặt đông đủ.
    Trong đôi câu đối tặng Trần Độ, Hà Sĩ Phu viết:
    Văn võ tung hoành, trung tướng phong trần, thế sự song kiên song trọng đảm
    Bắc Nam xuất nhập, đại quân tế độ, hùng binh nhất trượng, nhất đan tâm.
    [sửa]Quan điểm đổi mới của Trần Độ

    Ở cương vị thay mặt Đảng lãnh đạo văn nghệ, ông có ý thức “cởi trói” cho văn nghệ. Ông nhận thức rằng: “Văn hóa mà không có tự do là văn hóa chết. Văn hóa mà chỉ còn có văn hóa tuyên truyền cũng là văn hóa chết. Càng tăng cường lãnh đạo bao nhiêu, càng bóp chết văn hóa bấy nhiêu, càng hiếm có những giá trị văn hóa và những nhà văn hóa cao đẹp”.
    Ông chỉ rõ rằng: “Cái ý thức giai cấp trong xã hội ta có những đặc điểm sau:
    Không có khả năng và phương pháp để phát hiện tài năng
    Không có khả năng và không biết sử dụng tài năng, vì nó cho rằng tài năng thường có hại, tài năng không chịu ngoan ngoãn phục tùng
    Nó lại càng không có khả năng phân biệt tài năng thật và tài năng giả, trí thức thật và trí thức giả. Nó chỉ thích nghe những điều xuôi chiều và xu nịnh, Nó không thể chịu được những cái độc đáo và không dung tha sự độc lập”.
    Về vấn đề Đảng lãnh đạo, Trần Độ phát biểu: “Tôi vẫn tán thành và ủng hộ vai trò lãnh đạo chính trị của Đảng. Nhưng lãnh đạo không có nghĩa là thống trị. Đảng lãnh đạo không có nghĩa là đảng trị. Kinh nghiệm lịch sử trong nước và thế giới đã chứng minh rằng mọi sự độc quyền, độc tôn đều đưa tới thoái hoá, ruỗng nát, tắc tỵ không những của cơ thể xã hội mà cả cơ thể Đảng nữa”.
    Theo Trần Độ “nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng tiêu cực trong Đảng và phần nào trong xã hội là ở cơ chế lãnh đạo toàn diện tuyệt đối của Đảng”.
    Ông kêu gọi: “Đảng Cộng sản phải tự mình từ bỏ chế độ độc đảng, toàn trị, khôi phục vai trò, vị trí vốn có của Quốc hội, Chính phủ. Phải thực hiện đúng Hiến pháp, tức là sửa chữa các đạo luật chưa đúng tinh thần Hiến pháp. Đó là phải có những đạo luật ban bố quyền tự do lập hội, lập đảng, tự do ngôn luận, luật báo chí, xuất bản. Sửa chữa các luật bầu cử ứng cử tự do, từ bỏ quyền quyết định của cơ quan tổ chức Đảng, trừ bỏ “hiệp thương” mà thực chất là gò ép”.
    Trần Độ có 4 câu thơ giãi bầy tâm sự thật ngao ngán (và được một số tài liệu đăng lại khác nhau):
    Bản 1
    Những mơ xoá ác ở trên đời
    Ta phó thân ta với đất trời
    Ác xóa đi, thay bằng cực thiện
    Tháng ngày biến hoá, ác luân hồi.

    Bản 2
    Những mơ xoá ác ở trên đời
    Ta phó thân ta với đất trời
    Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện
    Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.

    Chính vì các quan điểm trên mà ông bị khai trừ khỏi đảng Cộng sản Việt Nam

    Đáng chú ý là trong thời gian làm thứ trưởng văn hóa ông đã soạn nghị quyết số 5 “cởi trói” cho văn nghệ sỹ.
    Phải nói rằng đây là hành động có chiều sâu chứ không đơn giản như hành động của ông Kim Ngọc.
    Nên lưu ý, công tác tư tưởng là cửa ngõ then chốt, là tử địa của Đảng ta. Xem lại vụ án Nhân văn giai phẩm thì biết nó nhạy cảm tới mức như thế nào, đến nỗi nhân vật chủ chốt bị tù biệt giam tới 15 năm. Tôi cũng chưa hình dung hết điều gì sẽ đến khi mà dân ta được tiếp xúc với các vấn đề nhạy cảm và Đảng ta sẽ trả lời mặt đối mặt với các nhà đối kháng như thế nào trước đông đảo nhân dân và sẽ như thế nào nếu thật sự tự do ngôn luận (vì trong các phát biểu và tài liệu chính thống Đảng và nhà nước ta nói cho phép nhân dân và truyền thông quyền tự do ngôn luận, thực tế như thế nào ai đủ to gan cứ thử quảng cáo mở hội thảo về nhật ký rồng rắn của trung tướng Trần Độ, chẳng hạn, thử xem. Được yên mới lạ đấy, mà nếu ra tòa mà được xử trước đông đảo nhân dân mới lạ đấy.).
    Nếu như các vị tiền bối như Kim Ngọc…dám chọc vào tử huyệt làm giảm cơn đau thì Trần Độ dám chọc vào tử huyệt triệt tân gốc mầm bệnh. Bởi vì Đảng cộng sản VN hay đảng gì thì cũng chỉ là cái tên mà thôi vấn đề là thực tiễn hoạt động của nó có xây dựng tổ quốc mang lại lợi ích thiết thực hay sâu rộng cho nhân dân hay không.
    Nếu quả thật phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà được thực hiện nghiêm chỉnh thì e rằng quan to nhà ta ít vị nào tránh được bị dân đòi khởi tố vì lạm dụng quyền lực kiếm tiền công.
    Nhìn lại toàn quá trình, rộng một chút. Tại nước ta, qua vụ Nhân văn giai phẩm Đảng ta dập lịm những ngọn lửa tự do ngôn luận đầu tiên, về sau tướng Trần Độ bị gạt khỏi chức thứ trưởng VH và nghị quyết số 5 “cởi trói” bị dẹp, gần đây nhất ông Cù Huy Hà Vũ vừa kiện tướng công an Vũ Hải Triều vì phá sập 300 trang mạng “ngoài luồng”. Tại TQ, vụ Thiên An Môn chính thức chấm dứt thời kỳ nới rộng dân chủ.
    Đúng là ông Trần Độ có cả tài lẫn tâm mà bất lực trước cơn bão do chính mình khổ công góp phần xây đắp nên.
    Sự cay đắng trong trò chơi chèo thuyền vượt dòng thác do chính mình tạo ra này tôi cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta là người đầu tiên cảm nhận khi thất bại trong việc phủ quyết giải quyết vấn đề miền nam bằng bạo lực (tìm hiểu tại vụ án xét lại chống Đảng). Nếu như ý tưởng đua tranh với miền nam bằng phát triển kinh tế dân sinh của Người được thực hiện thì có lẽ dân ta đỡ khổ nhiều.
    Tôi đã sống ở châu Âu, khi so sánh thấy có nhiều điều ngộ nghĩnh xin chỉ ra hai.
    Thứ nhất, ở nhà mình cấm sử dụng, buôn bán ma túy nhưng kim tiêm tràn ngập, nghiện hút dặt dẹo đâu cũng thấy, ở Tây được phép sử dụng chất gây nghiện dưới sự cho phép của bác sỹ, tôi chẳng thấy ống tiêm mà nghiện hút cũng không trở thành tệ nạn như ở ta.
    Thứ hai, ở Tây cho phép kinh doanh tình dục, các cơ sở phải có giấy phép, đóng thuế, nhân viên có giấy phép đảm bảo “sạch” và cũng không trở thành tệ nạn, còn ở nhà ta….tự biết. Điều thú vị nhất là các chú công an, tài ba tới mức tìm ra hung thủ vụ án trong vài giờ nhưng các ổ mại dâm khách làng chơi ở xa cũng biết kéo đến ùn ùn mà cảnh sát lẫn công an khu vực lại không biết!!!
    Đúng là chèo thuyền ngược lũ mới cần thêm nhiều người như tướng Trần Độ

  6. Lão tướng quân Trần Độ đã ra đi về cõi vĩnh hằng.

    Ông ra đi ở tuổi tám mươi, cỡ tuổi của … ôi ! không hiểu tại sao tôi lại chợt liên tưởng như vậy, từ cái giây phút thật sự vĩnh biệt ông, thắt ruột đứng lặng, nhìn theo chiếc xe tang đưa lĩnh cữu của ông từ từ lăn bánh về phía đài hóa thân hoàn vũ.

    Tôi liên tưởng gì nhỉ? Ông ra đi ở cỡ tuổi (tôi nhớ không chính xác lắm) của ông Khương Tử Nha khi được Chu Võ Vương đích thân tìm đến tận lều cỏ bên bờ suối để mời ông ra giúp nước, giúp nhà vua cầm quân diệt hôn quân bạo chúa Trụ Vương và bè đảng, chấm dứt triều đại nhà Thương để mở ra triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng lão tướng quân Khương Tử Nha ngồi câu cá bên suối suốt đời trong tư thế ông Lã Vọng để rồi cuối cùng đi vào lịch sử với chiến công hiển hách như vậy. Còn lão tướng quân Trần Độ thì hoàn toàn ngược lại: suốt một cuộc đời tám mươi năm chiến đấu không mệt mỏi, văn võ toàn tài, trở thành văn nhân – danh tướng trên cả hai mặt trận quân sự và văn hoá – văn nghệ, trở thành một đại công thần của một nhà nước cách mạng vào loại hàng đầu thế giới, để rồi cuối cùng trở thành một cụ già tám mươi ốm yếu, đi vào lịch sử trong tư thế bị chính các người nguyên là đồng chí của mình theo đuổi đánh cho đến cùng, đến chết vẫn chưa tha: đã nằm vào quan tài rồi còn bị đánh rốn thêm mọt gậy cuối cùng nữa rồi mới được đưa đi thiêu xác.

    Đó là một chuyện có thật, chuyện thật như bịa: “Lễ tang ông Trần Độ” ở Hà Nội ngày 14-8-2002 vừa qua. Tôi là một nhà báo chuyên nghiệp đến đưa tang vị lão tướng chỉ huy cũ của mình cả trên hai mặt trận quân sự và văn hoá, văn nghệ, may mắn được tham dự lễ tang suốt từ đầu đến cuối. Mắt thấy tai nghe như thế nào, xin được kể lại để bạn đọc gần xa cùng biết.

    ***

    Cụ Trần Độ, xin phép được gọi như vạy – cụ mất lúc 14h15 ngày 09-08-2002 tại Bệnh viện Hữu Nghị.

    Vốn trước kia cụ cũng chưa yếu lắm. Nhưng từ tháng 6-2001, cụ vào thành phố Hồ Chí Minh thăm con, trong một lần đi trên phố bằng xe tắc xi, cụ bị hai xe công an ập tới giữa đường chặn xe cụ lại, và xông vào tước sống của cụ tập tài liệu bản thảo “Nhật ký rồng rắn”, cả bản viết tay, bản in vi tính, cả bản phôtôcopy và đĩa mềm vi tính. Cướp sạch không để lại một tờ gọi là. Cụ uất quá, bị xốc, ngã gẫy cổ xương đùi, phải vào bệnh viện cấp cứu mới khỏi chết ngay. Tại thành phố và ra thủ đô, cụ làm đơn đi kêu hết các cửa, không ai trả lời lấy một câu. Kể cả đích thân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khi nghe tin cụ đã nằm ở bệnh viện Hữu Nghị vào thăm cụ, cũng không trả lời cụ lấy một lời về vụ việc này. Nhưng sau đó ít tháng thì thứ trưởng Bộ Văn hoá Phan Khắc Hải cho một thông tư tuyên bố cấm lưu hành bốn cuốn sách có nội dung xấu, cả bốn cuốn sách chưa hề thành sách được xuất bản và phát hành, trong đó “Nhật ký rồng rắn” của Trần Độ mới chỉ ở dạng những trang đánh máy vừa mới ra khỏi máy phô tô.

    Cụ Trần Độ trở thành một tướng ngồi trên xe lăn như có nhiều lần cụ nói vui với anh em đến thăm: “Tớ bây giờ khá rồi, không phải là một tướng ốm mà là tương què”. Cụ ốm lai rai mãi, chết đi sống lại mấy lần và gần hai tháng cuối đời thì phải ở luôn trong Viện – khoảng nửa tháng cuối cùng phải thở ô xy liên tục và hôn mê dần. Khoảng mươi ngày trước khi cụ mất, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An lại vào thăm cụ, biết rõ cụ sắp đi rồi – Ngày 9-8-2002 cụ đi, tất nhiên là ông An biết ngay tức khắc. Nhưng chắc có lẽ vì ông quá bận rộn với vịec chủ toạ cái phiên họp cuối cùng quá quan trọng; hoặc cũng có thể vì ông sợ các đại biểu bị phân tán tư tưởng chăng; chỉ biết rằng ông đã quên khuấy mất không thông báo cho Quốc hội biết để Quốc hội đứng lên một phút mặc niệm vị nguyên phó Chủ tịch và Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá xã hội của Quốc hội các khoá trước. Thật là đáng tiếc cho các vị đại biểu Quốc hội mới được bầu.

    Cụ mất ngày 9-8 nhưng mãi đến ngày 13-8 các báo và đài mới đưa tin buồn. Vậy mà ngày 14 lễ tang của cụ đông ơi là đông, cả hàng mấy ngàn con người ta quây quần xung qanh cụ suốt từ 8h sáng đến 12h00 khi xe linh cữu chuyển bánh. Đặc biệt các cụ già lão thành cách mạng đến rất đông: cụ Vũ Đình Hoè 92 tuổi, Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của nước ta cũng chống gậy đến viếng cụ Trần Độ. Nhiều cụ 90 khác nữa. Còn 80, 70 thì không sao kể hết. Mặc dầu báo, đài nhất loại đưa tin chậm thế, các đoàn ở địa phương về vẫn nhiều.Từ Hải Phòng, Quảng Ninh, từ Đà Nẵng, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Người về, hoặc là không có người thì hoa, trướng phúng về, rất nhiều. Hơn 40 đoàn nhà báo cả trong nước và quốc tế.

    Nhưng đặc điểm nổi bật nhất của lễ tang là công an rất nhiều, vòng trong vòng ngoài, có sắc phục và không sắc phục, lớp lớp chùng chùng công an từ ngoài cổng khu lễ tang cho tới quây quanh quan tài, và họ làm việc rất nghiêm túc. Tất cả các vòng hoa mang dòng chữ “Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ” dù là bất kỳ của ai đến đều bị giữ lại và thay bằng chữ “Kính viếng ông Trần Độ”, họ đã chuẩn bị sẵn cả, cứ việc thay thôi, nếu không thì đừng có đem vào – Đến vòng hoa của đại tướng Võ Nguyên Giáp và vòng hoa của hai vị tướng khác thì cánh lính ngoài cổng không dám bắt gỡ bỏ để thay chữ mới. Nhưng vào đến trong phòng lễ thì cũng không thoát, sẽ kể sau.

    Vào đến phòng lễ tang thì quang cảnh càng lạ mắt: Trên sát vạch trần, một hàng chữ in to đậm nét: Lễ tang ông Trần Độ, cộc lốc như vậy, không có Trung tướng, hay Phó Chủ tịch Quốc hội hay gì gì hết – cộc lốc “Lễ tang ông Trần Độ”. Phía dưới chỉ độc một bức ảnh đen trắng của cụ Trần Độ, không có khung treo huân chương, quân hàm gì hết”. Đến nỗi nhiều cụ già tóc bạc phơ đứng lặng đi nhìn mãi cái “khẩu hiệu” ấy rồi cũng phải lần bàn, nói khẽ với nhau để giữ yên tĩnh cho buổi lễ: “Sao cái bọn này chúng hỗn láo thế nhỉ. Toàn một lũ chỉ đáng tuổi con cháu cụ Trần Độ thôi nhưng dám viết xách mé “ông” Trần Độ, không được một chữ “cụ” nữa mặc dầu cụ đã tám mươi tuổi. Đến như ông hàng xóm một cụ già 60 tuổi trở lên qua đời, ban tang lễ cũng gọi một điều là cụ hai điều là cụ, từ tờ giấy báo tin buồn cho đến vòng hoa, trướng phúng. Thậm chí bỏ cả “vô cùng thương tiếc” nữa. Người nào qua đời mà từ con cháu thân thích đến họ hàng xa gần, bạn bè của con cháu đến phúng viếng ai chẳng ” vô cùng thương tiếc “. Đằng này, bắt bỏ tất cả lế nghĩa làm sao vòng hoa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang dòng chữ ” Vô cùng thương tiếc Trung tướng Trần Độ ” vào đến đây cũng bị chữa lại “Kính viếng ông Trần Độ”. Sau đó bị phản đối lên cấp trên thế nào đó phải giữ chữ Trung tướng nhưng vẫn thay ” vô cùng thương tiếc ” bằng “Kính viếng”. Trong khi đó, trên micrô, tiếng ông điều hành trật tự các đoàn vào viếng oang oang lên hai lần:”Xin mời ông Huyên đem vòng hoa của ông Võ Nguyên Giáp vào viếng ông Trần Độ”. Gia đình Đại tướng Lê Trọng Tấn (đã mất) đi gần một chục người già trẻ trai gái đã đăng ký rõ như vậy nhưng vẫn được loa nói rất rành rọt: “Xin mời gia đình ông Lê Trọng Tấn vào viếng ông Trần Độ”. Hai vòng hoa của Thượng tướng Lê Ngọc Hiền và Trung tướng Nguyễn Hoà, cả hai ông đi với vòng hoa của mình đến viếng với dòng chữ: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Độ”, đều bị buộc phải thay băng “Kính viếng ông Trần Độ”. Ông Trung tướng Lê Ngọc Hân là Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị quận đội nhân dân Việt nam là một Phó ban của ban tổ chức tang lễ có mặt suốt buổi lễ. Ngay sau đó, có người hỏi thẳng ông ta: “Điều lệnh trong quân đội, từ binh nhì trở lên đều gọi nhau bằng “đồng chí”. Tại sao lại bắt các ông thay cả chữ đồng chí đi? Ông Trung tướng Hân nhún vai trả lời: “Chúng tôi chỉ biết chấp hành lệnh trên”

    Mặc dầu bất bình như vậy, nhưng cả hàng nghìn con người ta vẫn tiến hành lế viếng hết sức trật tự yên lặng trong niềm thương xót vô vàn vị lão tướng.

    Suốt từ 8h đến 12h lế viếng được tiến hành yên tĩnh như vậy. Nhưng đến giờ làm lễ tang chính thức thì chính Ban tổ chức tang lễ lại đẩy sự bất bình bị kìm nén của mọi người phải bùng nổ.

    Một chiếc xe tiến vào khu tang lễ tới sát thềm nhà tang lễ. Một ông mặc lễ phục mầu đen trịnh trọng bước xuống vào nhà tang lễ loa microo mời mọi người vào lam lễ, truy điệu xong, mời ông: “Vũ Mão”, uỷ viên của ủy Ban thường trực Quốc hội, trưởng ban lế tang ông Trần Độ vào đọc điếu văn: “Ông Vũ Mão trịnh trọng bước lên bục và móc túi lấy ra một tờ giấy đọc bằng một giọng vô cảm tiểu sử của Cụ Trần Độ” như các báo, đài đã đăng rồi ông dừng một tý để lấy hơi và đọc nhấn mạnh câu cuối cùng: “Chỉ tiếc rằng, trong những năm cuối đời, ông đã mắc một số sai lầm, khuyết điểm”. Và ông cảm ơn những người đến dự lễ tang để kết thúc bài điếu.

    Đến đây toàn hội trường hàng mấy trăm con người ta còn ở lại đến lúc đi, như lặng hẳn thêm một nấc, im phăng phắc không một tiếng thở mạnh.

    Ban tổ chức tang lễ giới thiệu “Đại diện gia đình ông Trần Độ” lên. Anh Tạ Toàn Thắng, con trai cả của cụ Trần Độ lên đọc bằng một giọng rất xúc động nhưng bình tĩnh: anh cảm ơn tất cả và nhấn mạnh: Gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn mọi người đã rất quan tâm giúp đỡ và săn sóc chúng tôi trong khi gia đình chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn ngay trong những ngày tang lễ này “(được biết một ngày sau khi cụ Độ mất)” Công an đã tới nhà lục soát để lấy tài liệu sách báo của cụ. Gia đình không cho làm thì hôm sau hai xe công an đến cưỡng bức đe doạ, cuối cùng hai con của cụ phải để cho họ lấy mấy thùng to chật ních sách báo tài liệu của cụ mà không thèm biên nhận một chút nào? Gia đình chúng tôi vô cùng biết ơn tất cả bà con cô bác, bạn bè, mọi người đã đến với cha chúng tôi trong những ngày đau ốm và đến tận những giây phút cuối cùng vĩnh biệt này.

    Thưa cha, trước anh linh của cha, chúng con xin ghi nhớ và thực hiện lời cha dạy bảo nhắn nhủ mẹ với các con, cháu và chắt : “Hãy sống và làm người tử tế”. Anh dừng một chút và kết thúc thật to bãi đáp từ bằng một câu: “Gia đình chúng tôi không chấp nhận lời điếu”.

    Cả hội trường lặng đi. Rồi đột nhiên có người hô to: ” Hoan hô” và vỗ tay nhiều tiếng vỗ tay theo và cả hội trường vỗ tay và nhiều tiếng hoan hô, có người hô to: “Tướng Trần Độ muôn năm !” Chỉ trừ có gia đình người đã khuất và ban tang lễ, các cảnh sát tiêu binh đứng gác trực quanh quan tài, cònlại toàn bộ hội trường cứ thế vỗ tay hoan hô hồi lâu.

    Sau đó, một người nói tiếng Nam Bộ, cólẽ ở miền Nam ra, đứng hẳn lên chỉ tay lên hướng nhà tang lế hỏi: “Tại sao lại bỏ cả vô cùng thương tiếc” bỏ cả chức tước của cụ Trần Độ. Tại sao lại cấm các con cháu ruột thịt người nhà vô cùng thương tiếc người đã mất. Thật là vô đạo lý, trái tình người quá đáng. Nhiều người nói theo: đúng lắm lễ tang vô đạo lý. không thể chịu được công an đứng gác hoảng sợ cố sức kêu gọi mọi người hết sức bình bĩnh, mọi người rất bình tĩnh vẫn lần lượt đi quanh linh cữu cụ lần cuối cùng. Và lần lượt đi ra tiếng phản đối ngày càng nhiều và to hơn: “Không có lễ tang nào như vậy, vô nhân đạo” . Bản thân tôi cũng thấy phẫn nộ, tôi khóc khi nhìn cụ lần cuối lúc này tôi phải hỏi to lên: “Chưa từng bao giờ nghe nói có lễ tang nào kiểm điểm sai lầm khuyết điểm của người chết trước khi cho đem chôn cả”. Đông tây kim cổ, không nghe nói ở đâu có lễ tang làm như thế này. Kể từ thường dân cho đến vua quan phong kiến cũng chưa từng nghe nói chuyện kiểm điểm người chết lần cuối cùng trước khi cho đưa quan tài đi chôn cả. Ngay cả từ tử hình, bắn người ta rồi nhưng khi niệm xác vào áo quan cũng phải thắp cho người ta nén hương rồi nói lời vĩnh biệt với người ta. Đằng này kể tội một lần cuối cùng rồi mới cho đưa đi thiêu xác.

    Thật là quá đáng làm nhục Đảng và Nhà nước. Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thể làm như vậy. Ai là người bày đặt ra cách làm tang lễ cụ Trần Độ, Phó chủ tịch Quốc hội, Trung tướng, nhà văn phải kiểm điểm và thi hành kỷ luật. Có người nói: ” Vũ Mão đọc điếu tang “. Tôi nói “Vũ Mão hay mọi người khác chỉ thực hiện thôi”. Có người chủ trưởng. Quốc hội phải kiểm điểm Ban thường trực Quốc hội, Ban chấp hành Trung ương Đảng phải kiểm điểm, Bộ chính trị và Ban Bí thư thi hành ký luật những người nào đó tổ chức ra một buổi tang lễ xúc phạm nhân quyền đến cực điểm, làm nhục quốc thể như thế này trước bao ống kính và nhà báo nước ngoài.

    Nhiều người nói theo hưởng ứng của tôi. Một đại tá công an can tôi: “Xin bác bình tĩnh lại” tôi nói: “Tôi rất bình tính huyết áp của tôi 70/110, các anh theo được tôi còn mệt”. Và tôi nghiêm túc đứng nghiêm trên thềm giữa nhà tang lễ để cùng mọi người chờ đưa lĩnh cữu ra xe và kết thúc tang lễ. Hai xe đầy ấp vòng hoa bị bóc hết chữ chỉ độc có vòng hoa không. Nghe nói: 220 vòng hoa tất cả. Chỉ có 7 vòng hoa của gia đình và vòng hoa của ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An còn băng chữ. Còn lại bao nhiêu bị bóc tuột hết.

    Tôi là người được dự tang lễ từ đầu đến cuối, xin ghi lại đầy đủ để bạn đọc xa gân được biết.

    19 – 8 -2002

    Ngô Thông
    Xóm Chùa – thôn Trung – xã Xuân Đỉnh
    huyện Từ Liêm – Hà Nội

  7. Buồn quá , ảnh của Tướng Đô ở Tà Thiết ,người ta cất mất rồi .Các CCB có hỏi người thuyết minh thì được trả lời “hư rồi còn đang sửa chữa” . Thế mà một năm sau vẫn chưa thấy treo lại .Không biết đến nay (tháng 2 năm 2012) đã sửa chữa xong chưa?
    Ai mới thăm quan Tà Thiết xin báo cho biêt dùm cám ơn

  8. Tướng Trần Độ là người cấp tiến nhất trong những người cấp tiến, người nhìn xa nhất trong những người nhìn xa. Chuyện xưa rằng khi tướng Trần Độ mất, người ta còn bàn bạc chán chê và đáng ra quân đội cử hành lễ tang nhưng sau đó chuyển cho quốc hội lo hậu sự. Chuyện cũng kể rằng ông Vũ Mão lên đọc điếu văn xong, bị con trai ông bác bỏ, lập tức mọi người đồng thanh hưởng ứng và có tiếng đuổi ông Vũ Mão đi… he he…

  9. nay moi duoc biet su that ve dam tang cu tran do ,oi that la dau sot .dcsvn la dang gi vay ?

  10. Tôi đang có tập ảnh của của Tướng Độ xuất bản ngày 6/7/1987. Các bác cần liên hệ với mình.

  11. Tài năng, đức độ, nhiệt huyết như Trần Độ bị loại khởi đảng CSVN là tất yếu. Trong vai trò độc tôn cầm quyền, không có chỗ dung thân cho người tốt, người tài.

  12. Dựng lên màn hài kịch vụng về chuyện trai gái của Trần Độ, người ta gợi nhớ Tổng bí thư Lê Duẩn 3 vợ, gây ghen tuông xích mích ồn ào, đẻ con cùng nữ bác sĩ riêng…
    Ngu sao mà ngu !

  13. Thế mới biết cái nguy hiểm của chế độ cộng sản, khi không bưng bít được nữa buộc họ phải xuống nước cho xuất bản những tác phẩm của Tướng Trần Độ, nhưng không có một lời xin lỗi công khai trước nhân dân vì lỗi lầm của mình, đối với các văn nghệ sĩ Nhân văn giai phẩm họ cũng có hành động như vậy. Thật là hèn mạt.

  14. Trung Quốc có Lưu Thiếu Kỳ,chỉ vì họ Mao muốn bảo vệ ‘ngai vàng’
    cho mình mà ông ta nhẫn tâm đày đọa đồng chí,đường đường là một
    chủ tịch nước đến thân tàn ma dại tới khi chết cũng bị xoá tên LTK.
    trên mộ thì biết bản chất tàn độc của CS.là như thế nào !
    Xin cúi đầu tưởng niệm cố trung tướng Trần Độ,môt nhân tài đất nước
    hiếm hoi có viễn kiến thật đáng kính nể !

  15. CẦN PHỤC HỒI ĐẢNG CHO ÔNG TRẦN ĐỘ

    • Sao lại định làm nhục Trần Độ thế? Trần Độ là tiêu biểu cho tiên tiến. Chính Trần Độ đã nói Đảng này không còn là Đảng mà ông đã dấn thân gia nhập!
      Sao lại làm ngược với vong linh Trần Độ!

  16. Chuyên bây giờ mới kể là quá nuộn nhưng có còn hơn không .Có vẻ như các cụ về hưu kề miệng lỗ rồi mới dám viết dám đưa in .Nghĩ cũng buồn cho đất nước mình !

  17. nhung nguoi co luong tam va ly tri nghe chuyen nay ma nhan dinh dung sai, nhat chinh la lop tre

  18. THẾ MÀ CÁI KẺ HÔM TANG LỄ NÓI LỜI VÔ ĐẠO, VÔ LỄ VỚI LINH HỒN NGƯỜI CHẾT VÀ TANG GIA, NAY LẠI THI THOẢNG LÊN MẶT THUYẾT GIẢNG ĐẠO LÝ Ở CHỖ NÀY CHỖ KIA ĐẤY! đÚNG LÀ ĐỒ VÔ LIÊM SỈ!
    Trần Huy Thuận

  19. Tướng Trần Độ có được cái dũng của 1 vị tướng, ngay cả lúc sinh tử trên chiến trường hay trong sự thầm lặng của chính trường.

  20. Người ta rồi cũng phải chết thôi, mấy ông ấy có sống được mãi không. Nếu tôi có điều kiện ở gần khi mấy ông ấy chết tôi sẽ đến viếng như những gì họ đã làm với trung tướng Trần Độ.

  21. Ke ra lenh cu xu voi tuong quan TRAN DO nhu vay ,Han se chet trong su nhuc nha ,va su nguyen rua cua nguoi doi

Bình luận về bài viết này