ĐỐ BIẾT LÀ… CON GÌ?


TRẦN HUY THUẬN

Có một câu đố xưa: “Mồm bò, không phải mồm bò, lại là mồm bò – đố là con gì?”! “Mồm bò” thứ nhất có ý “cái mồm nó bò”, hay “bò bằng mồm”. “Mồm bò” thứ hai có nghĩa là “mồm con bò” và “Mồm bò” thứ ba lại trở lại nghĩa ban đầu. Con vật đó chính là ốc sên – Một động vật thuộc loại “bò sát”, di chuyển bằng… mồm! Đương nhiên là với người lớn, câu đố ấy không khó, nhưng với trẻ em, thì hơi khó. Tuy vậy, cái vui của câu đố không chỉ ở việc lặp từ, chơi chữ, mà còn là câu đố mang tính tiêu khiển. Cả người đố và người giảng đều… cười khoan khoái!

Mọi động vật có CHÂN, dù hai chân, bốn hay nhiều chân, đều dùng chân để di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Động vật nào không có chân, phải di chuyển bằng BÒ. Đương nhiên rồi. Nhưng có con bò bằng trườn thân (Rắn, Trăn…), có con vừa dùng thân trườn, vừa kết hợp dùng chân, để di chuyển – Đó là Cá sấu.

“Đi” khác “bò” ở chỗ đi thì thân cao hơn mặt đất, bò thì bụng áp sát mặt đất.

Động vật có ít chân thường dùng chân để “ĐI”. Động vật nhiều chân như con rết, thì sự di chuyển của nó khó có thể gọi đấy là “ĐI” hay “BÒ”. 

Nhưng trong thực tế, có loài vật có ít chân hẳn hoi mà vẫn bò – lại là động vật nổi tiếng hung dữ. Đó là con chó, con hổ, con báo… Trước những miếng ăn hấp dẫn và dưới cái roi chỉ huy mềm mại của diễn viên xiếc, mấy chú thú kể trên rất ngoan ngoãn thực hiện các trò… BÒ ngoạn mục!

Có động vật chỉ đi, không bao giờ bò, vậy mà lại bị gọi là… Bò – con Bò.

Con Người – “động vật cao cấp” thuộc loại ít chi, chỉ có bốn. Hai chân và hai tay. Nhiều con vật khác cũng có bốn chi, nhưng cả bốn đều là chân. Chỉ có hai chân, nhưng con Người vừa biết đi lại cả vừa biết bò!

Nhưng đặc điểm khác biệt lớn nhất của con Người so với các động vật khác, là khi mới được sinh ra, phần lớn các con vật đều đứng và đi được sau một thời gian rất ngắn; còn con Người thoạt sinh ra chỉ biết “nằm ngửa” (ăn sẵn!), sau mới biết lật sấp lại, ngửng đầu lên – “lẫy”. Sau giai đoạn tập lẫy, mới chuyển sang tập “bò”, cuối cùng mới tập “đi”. Đi mãi cho đến khi già, con người lại trở lại di chuyển bằng cách bò, cách nằm ngửa ăn sẵn (không phải là không có kẻ còn trẻ, còn khỏe, vẫn “nằm ngửa ăn sẵn”…).

Tuy ĐI là hành vi di chuyển phổ biến nhất của con Người từ tấm bé, nhưng lúc trưởng thành, nếu gặp chiến tranh, ra trận con người phải “bò”, “trườn” để bí mật tiếp cận địch. Càng gần địch càng phải hạ thấp thân mình xuống để Bò, tức là “trườn” như con Rắn. Còn hơi xa địch thì có thể dùng cả hai tay hai chân bò khom khom.

Con người cũng đôi khi phạt nhau bằng cách bắt kẻ có lỗi phải “bò”. Trẻ em bị phạt đã đành, người lớn cũng bị phạt bò đấy. 

Có lỗi,bị phạt bò còn có thể hiểu, không mắc lỗi, vẫn bò, thời chỉ có… con Người! Đấy chính là một cách tiến thân. Trước khi dùng chiêu thức bò, một số kẻ muốn tiến thân thường tập khom lưng, tập uốn gối, tập “đi” bằng đầu gối..!

Qua một quá trình sinh sống, có những động vật đã dần mất hết bản chất, biến thành con vật khác – từ hành động đến suy nghĩ, nhưng vẫn giữ nguyên được cách di chuyển và cách phát âm của nòi giống. Đó cũng lại chính là con… Người. Và đến đây, người viết nảy ra một câu đố mới, hơi giống câu đố mở đầu câu chuyện này. Xin đưa ra đây để kết thúc câu chuyện: “Chó”, không phải “Chó” mà vẫn là “Chó” hoặc “Chó săn”, không phải “Chó săn” mà lại là “Chó săn”, đố là con gì? Nào, xin quý vị giải đố nhé!

 

7 bình luận

  1. Ngày xưa thời bao cấp cũng có câu thơ:

    Bụng to, trán hói.
    Ăn nói khề khà.
    Đi xe Volga.
    Ăn gà Tôn Đản.

    Đố biết là con gì?

  2. Xin góp vui. :-)!
    .
    Sự thực là “Xuất đối (quái) dị, đối đối nan; Thỉnh Tiên sinh tiên đối“; Nhưng cảm thấy quá lý thú nên xin giải nghĩa theo thiển ý:
    – “Con chó” không mang tính “chó má” mà người đời vẫn gọi tên là “chó”.
    – “Văn hóa chó săn” không phải của nòi “chó săn” mà là của giống “chó săn” tự cho mình mang tố chất “văn hóa”. [rất bí! :-(]
    .
    Kính.

  3. Xin thử giải đố: đó là con má hay còn được gọi là “đồ chó má”

  4. Thì đây xin trả lời câu đố: vẫn là con “ấy” thôi nhưng viết thường.

  5. Đó là NGỢM con ngợm. Thế mà cũng đố.

  6. Reblogged this on letuanblog.

  7. con má, không phải là con ma, đúng là con má

Bình luận về bài viết này