Chơi xuân “nhà hàng xóm”


KHÁNH TRÂM

Khánh Trâm - Thái Lan 2012

Bài viết này mình sẽ kể chuyện “Dế mèn phưu lưu ký ”. Năm nay chú dế mèn không ăn tết ở quê nhà mà chú lại lảng vảng sang nhà hàng xóm xem bên ấy có gì vui? Hàng xóm của chú là hai người bạn láng giềng Campuchia và Thái Lan. Trong du lịch, người ta thường ví von rằng Thái Lan là một trong những gã khổng lồ của khu vực ASEAN còn Campuchia là nàng chim ruồi bé nhỏ xinh xinh…Nhưng đối với mình mảnh đất nào cũng có nền văn hóa, lối sống, và những di sản văn hóa đặc thù.

1. Tạm biệt quê hương: Trước tết khoảng 20 ngày, mình đến công ty SAPACO để mua vé xe đò đi Phnom Penh, giá vé khá rẻ 200.000 đ một người. Tổng cộng hết 800.000 đ mà lại được ra nước ngoài. Vì mua vé sớm nên gia đình mình ngồi bốn ghế hàng đầu ngay sau bác tài. Vị trí này tha hồ quan sát và chụp ảnh. 

Năm nay được nghỉ tết dài ngày, từ 21/1/2012 – 29/1/2012 ( tức 27AL– 7 Tết ). Ngày 28 AL mình bắt đầu khởi hành. Chuyến xe 9h:00 xuất phát từ bến Phạm Ngũ Lão đến trạm Cộng Hòa rước thêm khách rồi lên đường lúc 9h:45. Hành khách lên xe ngồi đúng số ghế. Phụ lái đi thu passport/ hộ chiếu. Chuyến xe kín chỗ. Có nhiều khách phương tây cùng gia đình đi du lịch, họ đem theo cả trẻ nhỏ. Tiếng Anh, tiếng Đức của những thiên thần bé nhỏ cứ ríu rít như chim. Mình ngồi lặng lẽ quan sát. Dọc đường Trường Chinh, bên ngoài sân bay, hè phố rộng nơi tập trung nhiều đại lý cây cảnh. Nhiều nhất là mai vàng, thứ đặc sản của đất Nam Bộ. Mai nở rực trời thu hết nắng phương nam vào những cánh hoa mỏng và mềm của mình. Con đường này nối với quốc lộ 22 để đi cửa khẩu Mộc Bài, giáp với biên giới Campuchia. Từ đây xe chạy khoảng 1h:30 phút nữa là mình sẽ tạm biệt quê hương ViệtNam. Năm nay lại ăn tết xa nhà. Hôm qua 27ALmình đã làm cỗ và hương khói các cụ đầy đủ nên cũng yên tâm ra đi. Sáng nay Hải, ông xã mình lại thắp hương lần nữa. 

Trên đường mọi người vẫn hối hả. Sài Gòn vẫn đông người. Các chiến sĩ công an giao thông vẫn chăm chỉ đứng chốt. Trước mặt mình là hai chú đồng phục màu vàng. Nhoằng một cái, chú hơi cao và gầy bước ra. Một cái ngoắc gậy là chàng trai đi xe Mercedes/mẹc trắng dừng lại. Cũng thỉnh thoảng cầm lái nhưng sự việc diễn ra nhanh quá mình chưa hiểu anh ta phạm lỗi gì rồi thấy anh vội vàng bước ra khỏi xe, tay cầm giấy tờ ( và gì nữa thì không biết) chỉ thấy gương mặt còn trẻ đầy âu lo. Xe vẫn tiếp tục đi. Qua ngã tư, bác tài dừng lại đưa một bịch nylon rất to đựng toàn bánh tét cho  người quen. Những cái bánh tét vẫn còn nóng bốc hơi mùi nếp. Có lẽ loại dịch vụ vận chuyển rất “ năng động ” này chỉ có ở Việt nam. Việc công xen việc tư rất nhịp nhàng. Các bạn tây trên xe có mà chết thèm. Mình nghe họ thốt lên: “Oh ”, “ well ”…

SAPACO là công ty du lịch kiêm dịch vụ vận chuyển có kinh nghiệm. Mảng du lịch thì mình không rõ nhưng mảng vận chuyển thì mình đã đi với họ nhiều lần và khá hài lòng. Giờ là lúc hai chàng phụ lái đang lấy hộ chiếu của khách điền vô các tờ khai, nhờ vậy mà khi đến cửa khẩu các quý khách sẽ không phải chờ đợi nhiều. Nhà xe và công an cửa khẩu làm việc cũng “nhịp nhàng”. Qua khỏi cầu An Hạ, lúc này là 10h: 10 phút. Liếc xuống nhánh sông Vàm Cỏ Đông chỉ thấy lục bình trôi, không thấy những chiếc ghe chất đầy chậu kiểng như mọi khi. Ngày còn đi tour, có một lần mình dừng lại cho khách chụp hình những chiếc ghe này ( những chiếc ghe có mắt ở mũi thuyền rất đẹp và lạ) nhân tiện mua một cặp chậu to về trồng hai khóm trúc đùi gà.

Quốc lộ 22 hôm nay cứ như được khoác chiếc áo mới. Dọc hai bên đường nhiều nhà trưng hoa kiểng. Đa số là mai, mào gà, cúc mâm xôi, cúc đại đóa, bông giấy…Có chậu bông giấy ghép đủ bốn màu: Đỏ, trắng, cam, hồng. Nhìn những màu hoa kia mình chợt nghĩ chỉ  thiếu màu lam nữa thôi là đủ bảy sắc cầu vồng và câu thơ “ những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa” lại vụt hiện lên trong đầu mình. Ôi, thích quá! 10h: 35 phút thấy biển báo hết địa phận TP HCM, bước vô đất Tây Ninh. Từ đây đến cửa khẩu Mộc Bài còn 27 km nữa. Lại thấy công an, cũng vẫn hai anh. Phụ lái điện thoại cho người quen: “ Em đang ở đâu vậy? Em chạy qua Ngã ba mũi tầu luôn đi, hiện nay công an nó chặn không cho rẽ vô chợ. Ừ, em qua luôn đi rồi lấy bịch đồ về cho má”. Đến Ngã ba mũi tầu chưa thấy người cần gặp, bác tài dừng xe ít phút. Mình ngó lại phía những hàng ghế sau, các khách tây thì mở mắt ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì, các khách ta thì nhắm mắt. Có vị ngáy khá to. May quá đúng ba phút, xe lại lăn bánh. Cuộc trao đổi đã xong.

Đi gần đến biên giới lại thấy sông Vàm Cỏ Đông. Thảo nào ruộng vườn cây cối xanh mướt mắt. Những cánh đồng lúa non màu mạ vừa cấy trải rộng đến sát chân núi Bà Đen. Lại thêm một vựa hoa Tết. Vựa này khá to chắc ven sông nên vận chuyển dễ dàng. Cảnh thì đẹp mà xe thì lại chạy nhanh. Còn 3 km nữa là đến Mộc Bài. Thế là sắp đến giờ tạm biệt đây. 11h: 20 phút, phụ lái thông báo: “ Xin mời quý khách xuống xe, không cần mang theo hành lý.” Ai nấy mong chóng dời chỗ ngồi. Gia đình mình chụp một kiểu ảnh bên cửa khẩu biên giới ngay dưới hàng chữ “ Exit ” rồi vô làm thủ tục. Nhờ có nhà xe chuẩn bị, kê khai trước nên công việc xuất cảnh diễn ra rất nhanh, chỉ khoảng 20 phút cho cả đoàn. 

2.Vô xứ Chùa Tháp: Lúc này đã gần sang giờ ngọ. 11h:45 bắt đầu check in/ nhập cảnh. Mọi người xếp hàng thứ tự. Có bốn dẫy cả thảy. Mình chọn dãy sát tường vì vắng hơn. Các biển hướng dẫn thủ tục ghi bằng ba thứ tiếng: Khơ me, Anh, Việt và các hình vẽ hướng dẫn cách đặt để lấy vân tay. Bé Linh còn nhỏ ( 10 tuổi) không cần thủ tục này. Cô công an cửa khẩu người Campuchia khá trẻ, nói tiếng Việt rành rọt với khách Việt Nam: “ Bốn ngón phải ”, “ ngón cái tay phải ”, “ bốn ngón trái ”, “ ngón cái tay trái ”. Nhận lại passport mình cảm ơn cô và thầm nghĩ cách phục vụ này khá hay- ngôn ngữ Việt cho người Việt. Tiếp đó là qua kiểm tra sức khỏe ( tức lấy nhiệt độ). Cô nhân viên cầm cái máy để sát vào tai mình, tai con gái mình rồi gật đầu nói: “ Ok ”.

Quang cảnh nơi nhập cảnh khá sạch và đẹp. Trên nóc các công trình đều thấy họa tiết trang trí bằng hoa văn Khơ me. Trong lúc ngồi chờ mọi người khác còn đang làm thủ tục, mình ra xe. Có một ông Philippine cỡ trung niên lên xe xin tài xế cho quá giang đếnPhnom Penh. Bác tài bảo hết chỗ rồi. Ông tự nguyện xin ngồi lối đi và trả 8 usd. Cả hai cùng vui vẻ, thế rồi may cho ông xe chạy sau còn chỗ nên ông không phải ngồi bệt nữa. Xe lăn bánh khoảng 10 phút, bỏ lại đằng sau nhiều khách sạn sang trọng và các casino nằm sát biên giới. Chẳng còn gì để bận tâm, bụng cũng vừa đói. 12h: 30 dừng ăn trưa 30 phút. Nhà xe xếp đặt lịch trình đâu ra đó.

Hôm nay trời nắng chang chang. 13h:00 lại càng nắng. Đường sá ở đây rất vắng vẻ. Phía trước có chiếc xe chở chuối chất cao có ngọn vậy mà hai thanh niên ngồi chồm chỗm trên đó. Đường trống nên chiếc xe cứ lao vun vút nhìn hãi quá. Họ vừa chở chuối, vừa chở theo hai mạng người kia…ôi, mình không dám liên tưởng gì nữa. Từ đây đến thủ đô Phnompenh theo quốc lộ 1 còn 170 km. Ước gì đường sá bên nhà cũng vắng như thế này nhỉ. So sánh để mà so sánh thôi. Dân số toàn Campuchia có 14 triệu người sống trên 24 tỉnh thành còn Việt Nam mình thì xếp xỉ 90 triệu rồi. Diện tích thì bằng 2/3 nước ta. Con đường này mình đã đi lại nhiều lần nên khá thân quen. Đường thì tốt, không có ổ gà, xe chạy bon bon. Hai bên đường lưa thưa nhà dân. Đất rộng và bỏ không nhiều. Người Khơ me chỉ trồng lúa có một vụ. Loại lúa dài ngày ( 6 tháng) nên gạo ăn rất ngon. Lần đi theo tour của Việt Travel Tết 2009 qua đây, anh bạn hướng dẫn địa phương tên Vibol nói tiếng Việt sành sỏi cho biết người Khơ me không xây nhà to nhưng xây chùa thì rất hoành tráng. Có hơn 5000 ngôi chùa được xây dựng ở Campuchia trong vòng 30 năm nay. Người dân làm quanh năm chỉ để cúng chùa. Ngôi chùa đầy gắn bó với cuộc đời bởi khi mất người ta không chôn cất mà đem thiêu xác, sau đó đưa tro/cốt lên chùa, đặt trong các tháp (có thể hiểu ngôi chùa còn có chức năng như một nghĩa trang). Con trai muốn được xã hội nể trọng thì trong đời phải có ít nhất một lần vô chùa tu. Bạn còn quả quyết: “Bằng bác sỹ có thể mua được nhưng bằng đi tu thì không thể mua được”…Mới có nghe chuyện ngôi chùa mà đã thấy văn hóa, lối sống khác biệt với người Việt mình. Lại còn chuyện này nữa: Chuyện ngôi nhà, nơi cư ngụ hàng ngày. Hai bên đường thỉnh thoảng thấy những ngôi nhà sàn be bé. Vibol bảo: “Nếu thấy nhà nào che màn mầu hồng ở cửa chính thì gia đình đó có con gái đến tuổi lấy chồng ”. Hôm nay mình cứ dán mắt vào để xem có ngôi nhà nào che rèm mầu hồng không, rồi chợt nhớ đến Vibol khi bạn kể: “Nhiều bà 50, 60 tuổi chưa chồng vẫn treo màu hồng. Có anh ở xa không biết, đến léng phéng thế là bắt cưới phải cưới”. (phong tục này mà xuất khẩu sang ViệtNamthì sẽ cứu nguy cho ối chị em ta nhỉ? He, he…).

Quốc lộ 1 nối tỉnh Svey Rieng với biên giới Việt Nam ở tỉnh Tây Ninh đạt chuẩn văn minh với các biển báo đầy đủ: Chợ, trường học, tốc độ cho phép, nơi có thú/ gia súc hay qua đường, giảm tốc độ ( bằng hai thứ tiếng Khơ me, Anh) ngoài ra còn có biển của các đảng phái chính trị: Cambodian People’s Party/ Đảng nhân dân Campuchia, Funcinpec’s Party/ Đảng Funcinpec…Nhìn đồng hồ, 13h:40 qua khỏi Svey Rieng để vô địa phận Prey Vieng. Từ đây đến Pnom Penh phải qua một con phà (người nam gọi phà là “bắc”). Địa phận này có nhiều cây thốt nốt, một thứ cây đặc thù mọc nhiều ở Campuchia nhìn xa trông giống cây cọ. Loại cây này rất khó trồng và 40 năm mới được thu hoạch, nghĩa là “cha trồng con hưởng”. Dân không được chặt cây và tính trung bình ở Campuchia mỗi đầu dân đội 6 cây thốt nốt, loại cây tượng trưng cho quốc gia. Thốt nốt cũng có cây đực, cây cái. Cây đực có bông, cây cái có quả. Một cây cho khoảng 4 lít nước một ngày, uống mát, thơm, hơi ngọt. Thứ nước này sau 5h sẽ lên men thành rượu thốt nốt. Người ta cũng dùng nước để nấu thành đường dùng quanh năm. Một kg đường cần 8 lít nước (tức 2 cây thốt nốt).  Loại đường này có màu vàng hơi nâu và được coi là đặc sản của Campuchia.

Mải nghĩ về loại cây và đường thốt nốt xe đến phà Neak Leung lúc nào không hay. Cũng giống như bắc Mỹ Thuận, bắc Cần Thơ trước đây ở ĐBSCL, ở con phà này có rất nhiều người bán rong. Hàng hóa được bày trên chiếc mẹt và đội trên đầu. Người ta bán đủ thứ có thể ăn ngay hoặc mua làm quà: Trứng cút luộc, hột vịt, xoài, tép rang, cá kết, cơm lam, trái keo (trông giống như trái me)…Sông Mekong ở khúc này không rộng lắm nên phà chạy chừng 10 phút là sang đến bờ bên kia. Xe chạy đúng 1h:20 phút là đếnPhnom Penh. Lúc này là 15h:30. Mình vô văn phòng SAPACO nhận vé điBangkokchuyến 21h:00 đã đặt trước (25 usd/ người), gửi hành lý ở đây rồi đi chợ Olympic chơi. Sang đường, đi gần hết phố, qua khỏi ngôi chùa là đến chợ. Chợ to nhưng sạch sẽ, ít người ăn xin, không ép khách mua hàng, nói thách ít, nhiều quầy bán đúng giá. Hàng hóa có rất nhiều hàng nhập khẩu khắp nơi trên thế giới, trong đó có cả đồ hộp như bánh kẹo, sữa từ ViệtNam. Ở Campuchia kể từ ngày hòa bình (sau nạn diệt chủng) từ 1998 cho đến nay, hàng hóa sản xuất nội địa rất ít, 80% là hàng nhập khẩu. Người Campuchia xài tiền riel và USD, không nhận tiền VND. Một vài năm trước mình dùng tiền VND nhưng nay họ không nhận nữa. Tỷ giá cho ngày hôm nay 1 usd đổi được 4.100 riel. Giá cả không rẻ: 1 hột vịt lộn có giá 1.200 R (6000 đ), 1 gói bánh quy 2.5 usd, 1kg sầu riêng hạt lép 15.000 R (3.7 usd) có trái 4kg hoặc 5kg…Một điều khá lạ là mới 16h:00 mà nhiều sạp đã chuẩn bị dọn dẹp để đóng cửa thế là mình đi bộ đến siêu thị City Mall cách đó vài phố.

Đường sá thủ đô Phnom Penhthông thoáng. Nhiều xe hơi cao cấp nhất là xe Lexus. Phụ nữ cầm lái khá nhiều. Dân chúng và khách du lịch hay đi xe tuk tuk. Một cuốc xe thường có giá 2usd (khá rẻ). Thành phố này nhỏ nhiều so với Sài Gòn. Diện tích 290 km2, dân số 2 triệu người. Hè phố rộng, nhiều cây xanh. Nhà cửa mang kiến trúc Pháp rất đẹp. Người ta không trổ cửa hay đục đẽo, cơi nới làm phá hỏng cảnh quan đô thị. Nhìn ngắmPhnom Penh mình nhớ về Hà Nội trước 1986. Ngày ấy Hà Nội nghèo nhưng thanh bình, đẹp và an ninh. Với mình, ngày ấy “ một thời để nhớ ” với đúng nghĩa của nó. Lang thang trên đường phố mình còn nhớ đến những di sản văn hóa Khơ me nổi tiếng của xứ này mà mình được chiêm ngưỡng trong những lần thăm viếng trước đây: Cung điện Hoàng gia, Chùa vàng, Chùa bạc, Bảo tàng Quốc gia, chùa Wat Phnom. (Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng mình cũng dám đi xem nhưng không thể kể là “di sản văn hóa”).

Trời chạng vạng tối, sải bộ trên hè phố thêm nửa giờ nữa rồi cả nhà dừng chân ăn phở ở quán 375-372 trên đại lộ Sihanouk. Phở bò viên khá ngon, giá 6.500 R/ tô. Chủ quán đã đứng tuổi, chị là người Hoa gốc từ Sài Gòn qua, trước ở đường Minh Phụng Q.11 sang Campuchia từ nhỏ. Sợi phở mềm và to nấu theo phong cách Hoa nên có vị hơi ngọt. Ăn xong có trà uống. Trên bàn thấy để cả đường, ai thích thì cho vô ly mình. Chị cho biết quán chỉ mở bán hàng buổi chiều, từ 13h đến 20h:30. Mình nhìn thấy đông khách, chắc tiệm cũng có tiếng. Rời quán mới hơn 19h:00 mà đường phố đã thưa thớt hẳn. Giao thông ở đây thật văn minh kể cả lúc đông cũng chạy xe thứ tự, không xô bồ, đến lượt ai nấy đi. Mình không thấy người ta bấm còi inh ỏi và rất có cảm tình với xe tuk tuk. Loại xe này dùng honda để kéo, phía sau là thùng xe, có thể chở được bốn người. Hai người một ngồi đối diện nhau. Khách du lịch dùng loại xe này rất tiện. Các bác tài chào mời nhưng không chèo kéo, không nài nỉ, không xin tiền típ, ai cho thì nhận. Quan sát nhiều lần mình không thấy đám tuk tuk chửi thề, họ cũng không dành khách của nhau, ai mời cũng được. Họ không to tiếng, cãi cọ. Cái này người Việt mình thua xa. Các bác xe ôm ở bên nhà khi thấy xe chuẩn bị cập bến là xí phần từ xa: “Áo đỏ của tao”, “ông già của tao ”…Viết những dòng này là cả sự trải nghiệm bản thân sau 5 lần đến Phnom Penh kể từ 2009 đến nay.

Đúng 20h:30 nhà xe điều tuk tuk đến đón về văn phòng du lịch Virak Buntham Express Tour and Travel để lên xe buýt đi cửa khẩu Poipet giáp biên giới Thái Lan. Chuyến này cũng đầy khách. Rất nhiều tây balo cùng hành trình như mình. Cô nhân viên nhà xe rất modern, bạn mặc jupe đen, tóc nhuộm vàng xoăn tít và nói tiếng Anh khá trôi chảy, hướng dẫn khách ngồi đúng số ghế ghi trên vé. 21h:10 xe lăn bánh. Chạy khoảng 15 phút lại dừng ở một tiệm bánh mỳ cho khách mua bánh. Một ổ baguet nhỏ nhân mặn giá 2000 R. Đây là chặng đường đi đêm đầu tiên của cuộc hành trình. Đoạn đường Phnom Penh- Poipet dài hơn 400 km. Suốt đêm ba lão ngườiHungarynói chuyện rất to và non stop. Không biết các lão nói chuyện gì nhưng chắc vấn đề gay cấn cần tranh luận vì nhiều lúc cả ba cái mồm thi nhau nói, không ai chịu ai. Đoạn đường này hơi xấu, ba lão lại may mắn ngồi ba ghế đầu ngay trên ghế mình thế là cả đêm mình “được” thưởng thức tiếng Hung…Ố, la la!

Suốt đoạn đường đi mình để ý thấy có nhiều nơi người ta chăng đèn neon, phía dưới đặt chậu nước. Trời tối dế bay đến phía đèn sáng thế là rớt xuống nước, người ta vớt lên đem chiên. Nói về ẩm thực ở đây không thể quên món côn trùng chiên dòn. Lần trước, trong chuyến dừng chân ở ngã ba Skul, chặng từ Xiêm Riệp về Phnom Penh bé Linh ăn thử khen ngon (1000R được 4 con dế). Vùng này dân được hưởng nguồn lợi từ thiên nhiên cũng đáng kể. Có đêm một gia đình bắt được hàng chục ký côn trùng, chứng tỏ đồng ruộng ít hoặc không sử dụng thuốc trừ sâu…  Trời lờ mờ sáng. 5h:00 đã đến Poipet. Đúng 7h:00 cửa khẩu làm việc. Lại điền vô tờ khai để xuất cảnh rồi xếp hàng. Anh công an nhìn passport rồi nhìn con gái mình, không hỏi gì chỉ buông một câu có liên quan đến tiền (mà lại là ngoại tệ của Thái): 100 baht/ bạt. Mình đứng ngay lên chất vấn: “ Do we have to pay?/ chúng tôi phải trả tiền sao?” Nghe vậy anh không nói gì và đưa trả passport cho Khánh Ly.

3. Thái Lan – Venise phương đông: Trong du lịch, người Thái rất biết cách quảng bá hình ảnh của xứ sở mình như “ Thái Lan- xứ sở nụ cười ” hay “ Thái Lan, làm bạn kinh ngạc ”…Đặt chân lên đất Thái lần này là lần thứ ba, mình rất muốn kiểm nghiệm những điều được nghe quảng cáo ấy ở nhiều địa danh khác nhau. Nhưng với con số 15 triệu du khách năm 2011 thì phần nào đã chứng tỏ điều này.

Cửa khẩu phía Thái Lan sáng nay 22/1/2012 khá vắng vẻ. Cả đoàn đi bụi chỉ có gia đình mình là người Việt còn lại là các bạn da trắng tóc vàng. Xếp hàng một tý là đến lượt. Vừa mới bị làm tiền hụt ở bên kia, sang đây đã thấy khác. Ấn tượng đầu tiên là nhân viên niềm nở. Ông chief/ sếp cửa khẩu ( hình như thế) đứng nói chuyện với bé Linh bằng tiếng Anh, hỏi cháu tên gì? Bao nhiêu tuổi, học lớp mấy? Ông vừa hỏi chuyện, vừa cười. Thấy ông đeo cái gì ở bên hông, mình cứ tưởng là khẩu súng hóa ra không phải. Nhìn kỹ thì ra ông đeo con dấu. Kể cũng tiện thật. Cần thì cộp luôn.

Ấn tượng 2: Qua khỏi khu vực nhập cảnh, đến lượt kiểm tra hải quan. Đi qua một dãy bàn có bốn nhân viên kiểm tra hàng hóa. Họ hỏi mình vài câu, bảo là người ViệtNam. Liếc liếc không thấy gì khả nghi họ cho cả nhà qua luôn, cũng không xem passport nữa. Từ đây vềBangkokđi xe mini bus 15 chỗ ngồi. Trước khi lên xe, mình chụp ngay một kiểu ảnh cửa khẩu làm tư liệu.

8h:10 khởi hành một ngày mới. 14 người bước lên xe. Quốc lộ ở tỉnh Arangnya Prathet sát biên giới Campuchia với hai chiều xe chạy, giữa là một dãy cây xanh, có đoạn xen kẽ cây và hoa. Cây nhô cao, phía dưới là bông giấy các màu cam, trắng, đỏ. Từ đây vềBangkokkhoảng 270 km, xe chạy khoảng 4 h. Đường sá rất tốt. Thái Lan trước là thuộc địa của Anh nên giao thông thuận tay trái, xe hơi tay lái nghịch. Mình để ý thấy đa số là xe Châu âu và xe Nhật, ít thấy xe Nam Triều Tiên. Đi được 30 phút thì có trạm kiểm tra. Bác tài dừng xe để mọi người trình passport (theo quy định) nhưng mấy anh nhìn vô xe rồi ngoắc tay cho đi. Sáng nay mát trời chứ không nắng gắt như hôm qua. Xe cứ bon bon chạy, hai bên đường là rừng cao su. Thái cũng là nước nổi tiếng làm nông nghiệp giỏi.Vùng này trồng miá và chuối khá nhiều, chốc chốc lại có vài xe tải chở đầy miá hoặc chuối chạy qua. Đi chừng khoảng 1 h thấy dọc bên đường là các lán bán dưa hấu. Nhìn thấy cũng giống thứ dưa bên nhà. Đoạn này biển chỉ dẫn chỉ thấy ghi bằng tiếng Thái. 10h :30 dừng ở trạm xăng 15 phút, đủ thời gian đi toilet, mua nước uống, trái cây, snack…Hầu hết các trạm xăng ở Thái Lan ( cũng như ở Campuchia đều có convenience store/ cửa hàng tiện lợi). Xăng 35.5 baht/ lít, ổi 20 baht/ trái, xoài 20 baht/ trái. Chính quyền kiểm soát tiền tệ bằng chính sách chỉ sử dụng đồng nội tệ, không ở đâu nhận USD, du khách phải đổi sang đồng baht và các quầy exchange ở khắp mọi nơi ( kể cả ở cây xăng). Hôm nay tỷ giá 1usd/ 31.040 baht.

Đúng 15 phút sau lên đường. Bịch sữa tươi, gói snack và ít trái cây cung cấp cho ta đủ năng lượng để tiến về Bangkok. Lúc này mới thấy trời nắng nóng. Phía trước là cầu vượt. Đoạn gần lên cầu theo hướng về Bangkok (bắt đầu từ đây các biển chỉ dẫn có ghi thêm tiếng Anh), bác tài gặp rắc rối ngay chân cầu. Đang chạy thấy bác phải dừng lại, một ông cảnh sát giao thông tiến đến. Hai người nói chuyện với hai gương mặt cùng vui vẻ (mình nhìn qua cửa kính) nhưng rồi bác tài vẫn phải đưa giấy tờ xe cho người kia xem rồi ký vô giấy phạt và nộp tiền tại chỗ. Không xin xỏ gì được. Lên xe thấy bác điện thoại chia sẻ nỗi buồn cho bạn đồng nghiệp thì phải nhưng mình chỉ lạ là mất tiền phạt có gì vui đâu mà bác vừa nói vừa cười….

Qua khỏi cầu là trạm thu phí rẽ vào đường cao tốc. 30baht cho xe 15 chỗ ngồi. Đường cao tốc ở Thái rất rộng với 7 làn xe chạy. Bác tài đạp ga 120km/ h. Thủ đô Bangkok náo nhiệt và hiện đại với nhiều đường tầng, tàu điện trên không đã hiện ra trước mắt. Gần 12h :00 bác tài trả khách. Nơi này rất gần phố Khao San, con phố đã nổi tiếng với nhận xét « cả thế giới đổ về đây ». Lúc này đang là mùa cao điểm của du lịch ( từ tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau). Mình kiếm phòng loanh quanh mất 1h và rất hài lòng với nhà nghỉ này. Phòng gia đình, ba giường, rộng vừa phải, sạch sẽ, trang trí phong cách Thái, đủ tiện nghi giá 1.100 baht/35 usd/ đêm. Ngay bên lối vào là khu vườn nhỏ nơi đặt bàn thờ thiêng. Ở các quốc gia ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ như Thái Lan, Lào và Campuchia bàn thờ thiêng rất đẹp, trang trí màu sắc rực rỡ, hoa văn cầu kỳ…nói chung là rất ấn tượng.

Mấy ngày ở Bangkok cứ « bận rộn » từ sáng sớm đến tối mịt. Bận đi chơi, tìm hiểu đủ thứ : Từ lối sống, sinh hoạt, ẩm thực, văn hóa, nghệ thuật, cách thức người Thái làm du lịch, văn hóa ứng xử với du khách… Bangkok là thành phố lớn thứ 21 trên thế giới, là thủ đô của Thái Lan từ năm 1782. Diện tích :1600 kmdân số : 10.000.000 người, đông nhưng không thấy kẹt xe kể cả giờ cao điểm. Môi trường được cải thiện vì xe chở khách đời mới cũng như  xe tuk tuk đều chạy bằng ga. Khác với Campuchia, xe tuk tuk ở đây là loại xe ba bánh, chỉ có một băng ghế chính ngồi được ba người, ghế phụ rất hẹp, kê sát bên hông. Bé Linh thường ngồi vị trí này. Ai đã đến Bangkok chắc chắn không thể quên loại phương tiện đặc thù này. Giao thông ở Thành phố nhộn nhịp cả trên không lẫn lòng đất. Có nơi hai, ba đường tầng với đầy đủ bản chỉ dẫn rõ ràng cho những đoạn đường có thu phí (nếu muốn đi tắt).

Lần đến Bangkok năm 2008 mình đã viếng thăm nhiều địa chỉ: Cung điện Hoàng Gia (và được nghe nói tiền thu từ bán vé nhà vua sử dụng cho việc tài trợ cho các trường học, hay giải tỏa dân ở các khu ổ chuột), chùa Wat Phra Kaeo còn gọi là chùa ngọc bích, nơi có bức tượng Phật bằng ngọc quý giá, khu siêu thị cao cấp Siam Paragon, chợ Bô Bê bán buôn, chợ cuối tuần Chatuchak, khách du lịch gọi là Sunday market (mình đã được thấy hàng nghìn sản phẩm địa phương như đồ thủ công, quần áo truyền thống, rau quả tươi, đồ ăn thức uống…và đặc biệt có khu bán hàng second hand và không thể quên chuyện con gái mình mua một chiếc quần sọc bằng kaki đỏ, về đến Sài Gòn trước khi đem giặt móc trong túi thấy 10.000 won tiền Nam Triều Tiên. Sướng bất ngờ !) và khu giải trí Safari World sau đó đi Pataya…Lần này mình sẽ dành ưu tiên cho những quan tâm khác.

Thái Lan là một quốc gia mà 95% dân số theo Phật giáo tiểu thừa dòng Theravara với cái đích mong muốn là cõi Niết Bàn, chấm dứt nỗi khổ bằng cách xóa bỏ tham, sân, si. Toàn quốc có khoảng 32.000 tu viện ( riêng Bangkok có hơn 400 và khoảng 200.000 nhà sư). Sáng sáng ta rất hay thấy cảnh các nhà sư mặc áo vàng đi khất thực trên các phố và mình chứng kiến người dân thật kính trọng các sư sãi. Nhìn thấy sư có người còn quỳ sạp xuống lậy. Ở bên nhà mình chưa từng bắt gặp hình ảnh này. Với con số 400 tu viện và Hội Phật giáo thế giới đặt văn phòng tại Bangkok đủ nói lên đây là thành phố của sự tôn kính. Ngay sát đường Soi Rambutri nơi mình ở, có ngôi chùa rất to mang tên Wat Chanasongkhram, và cũng là một tu viện. Sáng 23/1/2012 ( mùng 1 Tết) mình ghé thăm. Hôm nay là chủ nhật. Trong chánh điện sư đang giảng kinh và rất đông phật tử ngồi nghe. Tu viện nằm trên một khu đất lớn, có nhiều cửa thông ra các phố. Mình đếm có đến hàng chục công trình. Tu viện rộng, sạch sẽ, ẩn mình trong những hàng thông Ấn Độ xanh sẫm mọc từng hàng dọc các lối đi. Ngay cổng chính người ta bày bán các vật cúng : Xôi, trái cây, bánh kẹo, ảnh đức Phật ( loại ảnh nổi lồng trong khung kính). Phật tử đến cúng chùa, nghe kinh mặc dù đông người nhưng không thấy ồn ào.

 Buổi sáng nay mình còn đi được ba ngôi chùa nữa. Đi bằng xe tuk tuk. Trên đường đi bác tài dừng ở một ngôi chùa, mình không lựa chọn địa chỉ này, đọc cũng không thấy ghi trong guide book, nhìn từ ngoài không mấy ấn tượng về kiến trúc và độ hoành tráng nhưng bác tuk tuk cứ ép vào. Mình cũng gật. Vô đây gặp một tay tự xưng là Thái Kiều ( người Thái sống ở Mỹ, về thăm quê đi cúng chùa) ra làm quen và vợ chồng mình bị một cú lừa ngoạn mục. Ai bảo ở chùa là an toàn nhỉ ? Hai ngôi chùa còn lại thì phải khen thôi. Chùa Wat Benjamabophit nơi trước đây vua Rama V vẫn đến cầu nguyện, cách khu vực nơi vua Bhumibol Adulyadej đang ở chỉ một bước chân. Ngay trong chánh điện có đặt cả ghế của nhà vua. Ngay lối vào ở giữa là tượng Phật, hai bên là cây có kẹp tiền cúng. Phía cuối phòng là bức tượng Phật lớn sáng rực màu vàng. Ngoài sân, ngay sát cổng chùa người ta bán các con vật dành để phóng sinh : Rùa, lươn nhỏ, cá trê, cá rô. Giá 100 baht/bịch, đếm thấy 9 con các loại. Gần 12h :00 mình đến chùa Wat Intharawiharn, người địa phương còn gọi là chùa Phật đứng. Mới bước vào đã thấy đông người. Có dãy bàn dành cho ghi công đức, có nhà để chiếc thuyền rồng trên chở hình đức Phật, có khu vực bán đồ cúng, đồ lưu niệm, sách Phật…Lần đầu mình nhìn thấy bức tượng Phật đứng to cao thế này, ước chừng gần 20 m. Xung quanh tượng Phật là các phật tử tay cầm lễ vật và hương hoa. Mình bỏ tiền vô thùng công đức rồi chắp tay lậy, xong sờ vào chân Phật…cầu may. Với mình đây là một buổi sáng năm mới nhiều kỷ niệm và thú vị. Vi hành bằng thứ phương tiện đặc trưng của Bangkok là xe tuk tuk, viếng những ngôi chùa của đất nước Phật giáo và thưởng thức cách người Thái đi chùa cúng Phật. Họ đông nhưng lặng lẽ, không nói to, không ồn ào hay gọi nhau í ới. Họ khấn thầm nên không thấy tiếng ồn, và không biết ai cầu gì, nói gì. Đông nhưng cũng thật trật tự. Ai đến trước quỳ trước, ai đến sau quỳ sau. Nhìn các phật tử mình thấy hiện lên cuộc sống đầy văn hóa và an lành ở mảnh đất này. 

Trong và ngoài chùa không thấy ai bán bông/ hoa, nhang/ hương nhưng phật tử vẫn có để dâng cúng bằng cách trước khi lấy tự nguyện bỏ tiền vô thùng công đức rồi tự lấy bông, lấy nhang ra thắp và dâng Phật. Bông được kết thành từng bó nhỏ, nhiều loại. Thấy có cúc vàng, phong lan tím, cúc trắng, nhài trắng….Nhang cũng được cột thành bó gồm 3 cây cộng thêm một cây nến nhỏ. Phật tử lấy bao nhiêu tùy tâm. Không thấy ai nhắc nhở hay kiểm soát việc bỏ tiền. Chỉ có một người ( thường là nữ giới) ngồi cạnh để giữ thùng công đức chăng ? Mình thầm phục nét văn hóa này hay quá. Con người ta một khi có niềm tin thì hành động cao đẹp và chân thiện. Có lẽ ở đây không ai lợi dụng tín ngưỡng để làm giàu theo kiểu « kinh tế thị trường » vẫn thấy ở một số ngôi chùa trên đất Việt : Cứ đến ngày sóc, vọng là hoa mắc, hương mắc. Họ bán một đi đôi, đi ba…thậm chí có ông sư còn nhắc phật tử « thành tâm đi » khi chưa thấy bỏ tiền vô đĩa cúng. 

Khí hậu ở Bangkok cũng nắng nóng như Sài Gòn. Các buổi chiều trốn nắng bằng cách ẩn mình trong những trung tâm thương mại với hệ thống máy lạnh, sạch mát là lý tưởng. Mình thật sự không có ý định mua sắm gì vì đi bụi gọn nhẹ là tốt nhất và kế hoạch tiếp theo là đi xe buýt đến Chiang Mai, Chiang Rai miền bắc Thái Lan nữa. Vé đã mua chiều qua  22/1/2012 tức 29 Al, ngay sau khi tìm được nhà nghỉ. Năm nay tháng thiếu, 29AL cũng là 30 tết.

Hôm nay là ngày thứ hai ở Bangkok, chiều qua mình đến khu « thiên đường mua sắm và giải trí MBK » Vừa đến nơi đã thấy tầu điện trên không chạy vù vù. MBK được cho là hấp dẫn, sầm uất của thành phố, nơi đây hội đủ các yếu tố : Hàng hóa từ bình dân đến cao cấp, nhiều nhà hàng với ẩm thực Âu, Á, Ấn, kể cả fast food…, khu giải trí gần đó có thể đi bộ qua với các rạp chiếu phim, sân khấu. Vào thứ tư hàng tuần từ 18h :00 có thể xem Thai boxing, vô cửa miễn phí. Từ đây đi bộ sang bảo tàng sáp một phiên bản của Madame Tussauds’s Wax Museum ở London. Ai muốn xem  tượng những nhân vật nổi tiếng, các chính khách hay nguyên thủ quốc gia bằng sáp với kích thước như người thật thì đến đây…. 

Đi xem nhiều gian hàng, từ quần áo đến giày dép, mỹ phẩm, hàng thủ công…cả bốn người chẳng ai mua gì mặc dù nhiều lúc cầm lên đặt xuống nhưng người bán không tỏ ra khó chịu nếu không muốn khen là họ rất hiền ( nhiều người như thế). Đến gian bán hàng điện máy, chiếc Ipad 2 hàng chính hãng thật quyến rũ, giá tính ra tiền Mỹ là 663 usd, thế là móc bóp. Cũng nhờ nó mà cả chặng đường bé gái 10 tuổi có cái tiêu khiển. Chiều hôm nay, khám phá tiếp một địa chỉ khác. Thử đến khu King Power, nơi bán hàng miễn thuế xem sao. Đi tuk tuk mất 30 phút giá 150 baht. Gọi là miễn thuế nhưng giá cả các mặt hàng đều rất cao. Nó cao như tòa tháp 94 tầng lừng lửng chọc lên trời trên đường đến mình nhìn thấy. Bác tuk tuk thỉnh thoảng lại làm hướng dẫn viên khi đi qua những địa chỉ quan trọng như Bộ Ngoại Giao, hay khu nhà Hoàng Gia ở, vườn thú Bangkok…nên những khách như mình rất thích. Bác này có tuổi nên khi nghe mình nói đã đến Thái Lan ba lần rồi thì không gạ đi shop nữa. Những lần trước thật khổ, đa số họ đều gạ vô shop đá quý, không đồng ý họ cũng cứ chở đến. Mình phải ngồi lỳ trên xe không xuống.

Lại nói về King Power. Mua hàng ở đây sẽ được hoàn thuế VAT cho hóa đơn từ 2000 baht chở lên. May hôm trước đã mua Ipad 2, ở đây chỉ trưng hàng mẫu và anh nhân viên cho biết hàng đã bán hết, hỏi giá thì cũng thế, khoảng 663 usd. Trước khi rời tòa nhà, ông xã mình có tý kỷ niệm là hai cái áo T-shirt của hãng Jaguar còn mình nhớ mãi bức ảnh khổng lồ với nhiều gương mặt các hoàng gia thế giới chụp chung với nhà vua Bhumibol Adulyadej (Rama X) năm 2006 nhân kỷ niệm 60 năm ngài trị vì quốc gia được treo kín bức tường ngay lối vào. Ông là đương kim hoàng thượng lâu đời nhất trên thế giới. Nhà vua lên ngôi ngày 9 tháng 1 năm 1946 và là ông vua thứ 9 trong triều đại Chakri. Đến Thái Lan người ta dễ dàng nhận ra hai điều: Sự tôn kính đức Phật và nhà vua. Trên đường phốBangkok, hình ảnh nhà vua được trưug ở nhiều nơi. Với người dân Thái, ông đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Buổi chiều được ngắm ảnh vua, hoàng hậu vậy mà có ai ngờ tối nay 23/1 (1 tết) mình lại được tận mắt nhìn thấy hoàng hậu và công chúa Thái Lan. Sự kiện này đến với mình thật bất ngờ. Theo kế hoạch mình phải đến khuChinaTownđể xem người Hoa đón năm mới ởBangkoknhư thế nào, vậy là thật may mắn, tối nay gia đình Hoàng Gia cũng đến đây. Mình đánh dấu trên bản đồ bắt đầu từ vòng tròn Odian tới điểm giao nhau Lampang Chai là khu vực cộng đồng người Hoa sinh sống. Sáng nay, trên đường đi viếng chùa, xe tuk tuk cũng đi qua một vài con phố ở đây. Nhà ở, cửa hiệu, quán xá đều thấy đóng cửa nhưng đường phố thấy chăng đèn kết hoa mừng năm mới. Tối nayChinaTownthật đông đúc. Một biển người với toàn cảnh “ đèn lồng đỏ treo cao cao”. Hàng vạn chiếc đèn lồng kéo dài cả km, các du khách thi nhau chụp ảnh. Các tiệm ăn, tiệm nữ trang mở cửa đón khách năm mới. Trên hè phố, người ta bán áo sườn xám đủ màu sắc nhưng mình thấy các quý khách phần lớn chỉ lựa màu đỏ. Một áo có giá từ 390 baht – 790 baht. Dưới lòng đường, người dân ngồi thành hai hàng dài dọc theo vỉa hè. Cảnh sát và quân đội Hoàng Gia đến đây mỗi lúc một đông. Mình tò mò hỏi lý do thì được anh cảnh sát cho biết Hoàng hậu sắp đến khu vực này để chúc mừng năm mới cho các cư dân và du khách… Lúc này là 21h10. Thấy trong hàng ngồi chờ có hai cô bạn trẻ da trắng, mình sà xuống ngồi kế bên. Cô người Áo tên Conny, cô người Mỹ tên Sarah. Các cô cũng đang ngồi chờ sự kiện này. Mỗi cô có một chai bia để trong túi nylon, lâu lâu lại đưa lên miệng nhấp nháp từng ngụm một.Taycầm cờ Thái Lan (về sau các cô cho con gái mình). Trong lúc chờ đợi mình và các cô chia sẻ kinh nghiệm đi bụi cho nhau. Mình kể chuyện bị lừa sáng nay, nghe xong Conny cũng chia sẻ luôn tình trạng của cô cũng thê thảm không kém: Bốn ngày trước, cô bị hai kẻ chở nhau bằng mô tô giật túi. Cô mất máy ảnh, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, mobile phone, tiền…Rất may passport và vé máy bay để ở nhà nghỉ. (Các nhà nghỉ đều có trang bị két sắt ở trong phòng, nhà nghỉ New Siam III Guest house nơi mình ở cũng vậy). Cô phải điện thoại về Áo cho mẹ báo ngân hàng khóa tài khoản và trong khi chờ mẹ gửi tiền sang, các bạn đi bụi khác (không hề quen biết trước) mua thức ăn, đồ uống cho cô. Nghe thật cảm động. Ở đâu cũng gặp người tốt, kẻ xấu. Nhưng người tốt vẫn nhiều. Mình tin như thế.

Đang mải chuyện quên cả chuyện mình đang ngồi đây làm gì thì 10h:10 thấy dân chúng bắt đầu hò reo, vẫy cờ. Hoàng hậu, công chúa và gia đình hoàng gia xuất hiện trên bốn chiếc xe điện sơn màu đỏ. Bà ngồi xe đầu tiên. Cảnh sát không cho chụp hình. Mọi người nhất loạt tuân thủ. Sau bốn chiếc xe đỏ là hàng vài chục chiếc xe hơi nối đuôi nhau, xe bảo vệ, xe cảnh sát, xe cứu thương…  15 phút sau sự kiện qua đi, người ta bày bán chợ đêm. (Để có được bức ảnh Hoàng hậu và công chúa Thái Lan, hôm sau mình mua tờ Bangkok Post/ Bưu điện Bangkok có hình bà và công chúa Maha Chakri Sirindhorn làm kỷ niệm).

Ngày thứ ba, mùng 2 tết dành cho chiêm ngưỡng “ Venise của Phương Đông ” bằng chuyến đi thuyền 2 h trên các kênh rạch, rồi từ đây ngắm nhìn thành phố. Từ sáng sớm, vẫn giữ thói quen như bên nhà, mình dậy đi bộ nửa tiếng tiện thể tạt qua bến tàu quan sát trước. Thấy ghi giá 800 baht/ thuyền/ 1h30 phút, nếu đi 2h giá 1.200 baht. Lộ trình đi thể hiện trên bản đồ rõ ràng. Mình và ông xã cùng nhất trí, đặt đò xong xuôi sau đó quay về nhà nghỉ gọi các con dậy vệ sinh, ăn sáng rồi lên thuyền.

Từ xa xưa, người dânBangkokđã đi lại bằng thuyền bởi những con kênh đào với mục đích chính dành cho giao thông. Nhiều đoạn kênh nay đã bị san lấp nhưng vẫn còn nhiều đoạn nối với nhau và nối với sôngChao Phraya. Từ nơi ở đi bộ ra bến mất 7 phút. Cả nhà mặc đồ thể thao, gọn nhẹ, mang theo chai nước. Trước khi lên thuyền mặc áo phao. Thế là yên tâm ngắm cảnh. Sông Chao Phraya rất rộng. Đúng là cảnh sông nước mênh mang. Phía bên kia cũng là bến thuyền. Có rất nhiều nhà cao tầng, thi vai sát cánh bên nhau. Thuyền chạy khoảng 15 phút thì rẽ vào các con kênh. Dọc kênh Chak Phra là các nhà dân, nhiều ngôi nhà truyền thống Thái  bằng gỗ hài hòa bên khu vườn toàn cây xanh. Người Thái ở nhà sàn. Nhiều nhà có mái ngói. Trong vườn thấy có me, xoài, cả bông giấy nữa. Những cụm bông giấy khoe mầu hồng sẫm soi bóng xuống dòng kênh. Khu vực này còn có rất nhiều chùa. Tha hồ chụp ảnh. Nước kênh khá sạch. Trong lúc chờ người ta nhấc cống lên cho thuyền qua lại, cậu lái thuyền tranh thủ mài chân vịt cho sắc, sau đó lấy giấy nhám dũa thật kỹ lưỡng. Mình chụp kiểu ảnh bạn đang lao động và bạn cười rất tươi. Là thổ công, bạn thành thạo đường đi lối về. Đi đúng một vòng là hết 2h, hành trình đường về thấy cả Cung điện Hoàng gia, thế là lại được tấm ảnh từ góc độ này. Thật tuyệt vời! 

Chiều nay đi loanh quanh các con phố nhỏ. Những phố nhỏ gọi là “soi”, nó được nối liền với những phố lớn. “ Soi Rambutri” là một ví dụ. Ở nơi đây cũng nhiều nhà nghỉ, quán bar, massage, cửa hàng, exchange…nhưng không ồn ào như bên phố Khao San. Ăn uống cũng tiện lợi. Nếu không vô quán có thể ăn ở các xe đẩy, loại “ restaurant di động”. Giá cả vừa phải lại nóng sốt và ngon nữa. Các ông tây bà đầm cũng sà vào như ai. Giá một đĩa mỳ xào trứng và rau củ 30 baht, xào gà 35 baht. Ngoài xe bán đồ ăn, còn có xe bán trái cây (thơm/ dứa, dưa hấu, ổi, xoài). Người bán không phân biệt khách du lịch hay dân địa phương. Ai mua cũng vậy.

Sang phố Khao San cứ hoa cả mắt. Hàng trăm cửa hàng và quán xá, các đại lý du lịch  ở nơi đây. Nhà nghỉ nhiều không kể xiết nhưng mùa này các phòng chật kín. Khu phố này và soi Rambutri lúc nào cũng bắt gặp khách tây balo đi tìm phòng với hành lý trên lưng. Ngày mới đến mình gặp một đôi thấy đi tìm phòng từ trưa, đến tối vẫn thấy khoác balo lang thang. Họ kiên nhẫn thật. 

Theo lịch trình, tối nay mình đi Chiang Mai. Trước khi chạy nửa giờ nhà xe cho người đến đón tại nhà nghỉ rồi đưa ra xe buyt. Đúng 19h xe lăn bánh. Xe buyt đường dài ở Thái lan rất tốt, ghế ngồi rộng, có thể ngả làm giường nằm. Lên xe có mền đắp và một chai nước miễn phí. Mình chẳng nghĩ ngợi gì, cứ nhắm mắt ngủ. Xe chạy 12h,

Và sáng hôm sau 25/1 ( 3 tết) đã đến Chiang Mai. Mình lại đi tìm chỗ ở. Đến khoảng sáu, bảy địa chỉ thì thấy loại phòng gia đình giá dưới 50 usd đều kín chỗ. Cuối cùng mình quyết định thuê một phòng ở khu nhà cổ mang đặc trưng kiến trúc Lanna. Giá phòng 1.800 baht/ đêm (60 usd). 

Chiang Mai là thành phố nằm ở vùng núi phía bắc của Thái Lan, dân số 174,000 người. Là một trong những thành phố lớn nhưng Chiang Mai vẫn rất duyên dáng nhờ phong cách kiến trúc và môi trường cảnh quan. Dọc đường tiến vào thành phố, mình xốn xang vì cảnh đẹp và các ngôi chùa. Cả thành phố có khoảng 300 ngôi chùa, trong đó 121 ngôi chùa nằm ở nội ô. Đang ở Bangkok náo nhiệt, đông đúc lên đến đây cứ như đi thiền. Nhiều du khách cùng xe với mình vừa đến nơi đã đi leo núi. Gia đình mình có trẻ nhỏ nên theo một lịch trình khác. 

Sáng nay đi đổi tiền, đồng baht có giá hơn mấy ngày qua một chút. 1usd ăn 31.020 baht. Thời tiết ở đây khá lạnh, phải mặc áo khoác mặc dù có nắng. Đường sá cũng vắng người. Cảnh vật thanh bình. Các cửa hàng bắt đầu mở cửa. Mình ghé vô một văn

phòng du lịch. Cửa mở nhưng không có ai trong nhà, lên tiếng mấy câu cũng vẫn im ắng thế là lại quay ra đi đến cái chợ gần đó. Chợ miền núi có nhiều sản vật vùng cao. Thổ cẩm Thái khá đẹp, mình mua vài món. Giá cả như rau, trái cây thấy rẻ hơnBangkok(dâu tây 0,5 kg giá 55 baht. Ở BKK giá 80 baht, chuối cũng vậy…).

Chợ này nhỏ, dạo một vòng rồi quay lại văn phòng kia thì ông chủ cũng vừa về. Anh tầm 40 tuổi, khá vui tính. Mình mua tour đi Chieng Rai. Hành trình cả đi lẫn về 500 km, thăm quan: Suối nước nóng, ngôi Đền Trắng(the white Temple), làng Karen với tộc người cổ dài, Mae sai vùng cực bắc của Thái Lan nơi có cầu hữu nghị nối với Myanmar, khu Tam giác vàng (the Golden Triangle).

Không có nhiều thời gian, mình ghé cửa hàng 7 Eleven mua hamburger, sandwich, bánh ngọt, nước uống (trái cây đã mua ở chợ) cho 4 người và cả bác tài. Đúng 11 h lên đường. Ông chủ văn phòng có ai ngờ kiêm luôn tài xế thế là cả ngày mình có bạn nói chuyện chỉ có điều anh thật bận rộn, vừa lái xe, vừa liên tục có điện thoại. Đường cao tốc ở vùng núi cũng rất tốt lại đẹp nữa. Cả đoạn đường là đồi núi và mình còn nhìn thấy có tấm biển ghi “ land sale”/ bán đất. Bên đường là rừng cây xanh. Xe chạy 120 phút là dừng ở suối nước nóng. Mọi người lấy đồ ra, vừa ngâm chân (miễn phí) vừa ăn. Quả là tiết kiệm thời gian đến từng phút.

Đểm tiếp theo là ngôi Đền Trắng, tên gọi khác là Wat Rong Khun.Từ xa đã thấy một kiến trúc hoành tráng, một màu trắng sáng rực trong nắng đông. Đây là tuyệt tác của kiến trúc sư, nghệ sỹ Ajarn Chalermchai Kositpipat. Ngắm nhìn ngôi đền mình mới thấy trí tưởng tượng của con người ta là vô tận. Khách đến đây khá đông, phần lớn là người Thái. Hiện nay trong đền đang tiếp tục thi công, không được chụp hình chánh điện. Ngoài đức Phật còn có nhiều nhân vật trong các phim cũng được tác giả đưa vào đây :Transformer, Kungfu Panda, Spiderman, Doremon, Matrix …

Đi vô chánh điện là chiếc cầu trắng nối cõi niết bàn và thế giới hiện tại, phía bên ngoài là hàng nghìn những bàn tay đang ngửa lên, những chúng sinh muốn được cứu rỗi…Rất hiếm khi ta được xem một công trình kiến trúc đẹp về thẩm mỹ nhưng lạ về ý tưởng như ngôi đền này. Những người quản lý còn gây ấn tượng nơi du khách bằng cách để những tấm bưu thiếp miễn phí có hình ngôi Đền Trắng ai muốn lấy kỷ niệm chỉ việc lấy con dấu đóng lên mặt sau bưu thiếp bên cạnh dòng chữ mang tên người nghệ sỹ. Mình không bỏ lỡ món quà này rồi sau đó vô nhà sách mua một cuốn sách có những hình chụp rất đẹp kèm theo những dòng tâm sự về ý tưởng, quan điểm sáng tác tự do và niềm say mê nghệ thuật của ông

Cuốn sách trở thành một người bạn đồng hành nữa. Đi lại liên tục mà không ai thấy mệt. Vùng đất này quyến rũ thật. 15h: 45 đến làng Karen. Vô làng mình có ngay cảm giác là làng được dựng lên để đón khách. Họ sống ở nơi khác (vì không thấy nhà cửa gì cả), hàng ngày họ ra đây trình diễn dệt thổ cẩm và bán hàng lưu niệm. Những quầy souvenir cứ nối đuôi nhau. Vô cửa không có vé in, họ bảo 250 baht một người. Khi mình hỏi vé, người bán lấy ra tờ hóa đơn viết số tiền rồi đóng dấu vào. Trả tiền xong mình rất háo hức muốn được nhìn những người đẹp cổ dài. Thế là cầu được ước thấy. Các thiếu nữ, trẻ em gái đều đeo vòng cổ cao cả gang tay, kết từ mười mấy chiếc. Loại vòng này rất nặng. Mình nhấc thử cái để đem bán, nặng 3kg, hỏi giá thì được biết 5.000 baht. Có cô cuốn vòng cả ở cổ chân, bắt đầu từ mắt cá, bọng chân sưng khá to. Thế mới biết quan niệm về cái đẹp của tộc người này thật khác lạ. Khi ngủ họ phải kê gối lên thật cao…Chắc thường xuyên tiếp xúc với du khách nên các cô bán hàng đều có kinh nghiệm và cũng nói thách. Mình mua một bức tượng gỗ và một cái nón thổ cẩm hết 400 baht. Hai món quà bổ xung cho bộ sưu tập ở nhà.

Loanh quanh chụp ảnh và ngắm nghía chừng nửa tiếng rồi lại phải lên đường. Vẫn còn hai điểm đến nữa, phải tranh thủ xem hết trước khi trời tối. Con đường đến Mae Sai có một loại cây hoa vàng, cao khoảng 3m, 4m cành màu nâu nhỏ, nhìn xa cứ tưởng mai rừng nhưng không phải. Mae Sai là vùng cực bắc của Thái Lan. Con đường tơ lụa đây rồi. Từ xa xưa những đoàn caravan đã thồ trên mình nào thuốc phiện, tơ lụa, gỗ . Ngày nay chỉ còn tơ lụa là hàng hóa hợp pháp và hình ảnh những đoàn ngựa đi trong ánh bình minh chỉ còn là truyền thuyết. 16h:50 đến nơi. Thoạt nhìn có thể thấy vùng này rất sầm uất. Bác tài cho biết hàng hóa chủ yếu vận chuyển từ Trung Quốc qua đây bằng sông Mekong qua ngảMyanmar. Chiếc cầu hữu nghị nối cực bắc Thái Lan vàMyanmarđã hiện ra trước mắt. Người dân vùng biên qua lại bằng giấy thông hành. Có cả học sinh từ bên kia biên giới qua đây học và về lại cuối buổi chiều. Chợ đường biên cũng rất to, nhìn thì thấy cơ man là hàng hóa Trung Quốc ( chủ yếu là hàng tiêu dùng), đánh bật hàng Thái để chiếm lĩnh thị trường. Hàng Thái chỉ thấy bán trái cây và thực phẩm…Đã hơn 17h:00, mình không dám la cà nữa, mua vội mấy thứ để mang lên xe: Cơm lam ( có cả loại ngọt), xíu mại bỏ hộp, bánh bao, hạt dẻ rang. Đã lâu mới lại thấy thứ hạt to tròn nâu nâu này. Hạt dẻ được rang tại chỗ. Chiếc chảo gang to đổ đầy cát, cát nóng đổ hạt dẻ vô…nhìn người bán đảo luôn tay, hình ảnh của thời thơ ấu lại hiện về. Ngày ấy rét căm căm, bé gái là mình suốt ngày ngóng mẹ từ chợ Hàng Bè về, bữa nào được mẹ cho một gói hạt dẻ chừng hơn chục hạt là thấy “sung văn sướng”. Cái thời thèm thuồng đủ thứ.

Từ đây đến khu Tam giác vàng không xa lắm, xe chạy khoảng nửa tiếng. Gần 18h:00, chính xác là 17h:50 đến nơi. Ước mơ được nhìn thấy ngã ba sông nối biên giới ba quốc gia Thái Lan, Lào vàMyanmartừ lâu nay mãn nguyện. Trời đã gần tối, nếu còn sáng thì mình đã làm một cuốc đi thuyền 45 phút. Từ ngã ba này, nhìn sang bên phải là đất Lào, bên trái làMyanmar. Con đường đến Tam giác vàng thật tuyệt đẹp. Toàn rừng là rừng, mà là rừng khộp. Thứ cây này mình cũng thấy có ở miền đông Nam Bộ. Cây cao, lá to vừa phải, mọc thẳng lên trời. Rừng khộp đã đẹp lại càng đẹp hơn khi hoàn hôn xuống. Nhìn ông mặt trời đang hiền lành từ từ xuống núi mình cứ đợi đến khi ông bớt gắt gắt đi sẽ được kiểu ảnh vừa ý. Đợi mãi vẫn chưa chộp được thì đã đến nơi. Du lịch Thái Lan quả là biết đầu tư vào Tam giác vàng. Chiếc cổng chào hoành tráng với hai bức tượng voi khổng lồ ở hai bên có lối dẫn lên mình voi cũng là bục đứng để các du khách lên trèo lên chụp hình. Dưới sông là chiếc thuyền rồng chở đức Phật. Bức tượng Phật vàng ngồi sáng rực rỡ bên dòngMekong. Ngoài ra còn rất nhiều công trình khác. Chiếc máy ảnh làm việc không ngơi nghỉ. Cùng với nhiều du khách, hai em Ly, Linh còn ném đồng xu may mắn vô ống dẫn xuống dòng sông. Cuối ống dẫn là chiếc hòm công đức. Đứng bên đất Thái, ngó sang đất Lào nhìn thấy cả casino/ sòng bạc. Mình rỗi hơi, lẩm bẩm: Lại có ối kẻ thử vận may hay vận rủi đây?

Xong xuôi mọi việc thì cũng là lúc đóng cửa. 15 phút thật quý giá. Giờ này trời vẫn còn đủ sáng nên mình vẫn có những bức hình đẹp. Anh bảo vệ cũng tốt bụng, cho du khách nấn ná thêm 5, 10 phút. Du lịch mà. 18h:30 bước lên xe, 18h: 45 thì trời tối hẳn. Bác tài lại kết bạn với tay lái hơn 3h nữa để chạy về Chiang Mai. Cũng may lúc dừng ở Mae Sai bác đã ăn no còn tụi mình thì đem đống quà vặt đã mua ra ăn. Mình gọi đùa là “ snack ta ”( bắt chước kiểu nói “tây rau muống”). Trời tối chẳng nhìn thấy gì nữa, chỉ nghe tiếng xe chạy. Bé gái nhỏ nằm trên đùi mẹ ngủ một giấc ngon lành. Gần 22h về đến Chiang Mai, mình bảo bác tài thả ở chợ đêm rồi chia tay, cảm ơn bác. Một ngày ý nghĩa, cả hai đều vui vẻ. Bụng đói, cả nhà tìm quán ăn. Có ngay quán hủ tiếu. Gọi 4 tô, giá 40 baht/ tô (28.000 đ), khá rẻ vì tô to và chất lượng. No bụng xong, dạo chợ đêm. Chợ lớn quá và cũng lại nhiều hàng Trung Quốc. Mình tìm mấy thứ của Thái, mua áo T-shirt, vài gói quà nhỏ xinh xinh trong là hương, nến…23h:00 chợ đóng cửa. Mình vẫy tuk tuk về khách sạn. Một ngày dài nhưng vui quên cả mệt. Gần nửa đêm mới kết thúc một ngày. Đặt lưng xuống là nhắm mắt. Hôm nay sẽ ngủ ngon. Vé vềBangkoktối mai đã mua từ sáng, cùng lúc với mua tour. Cứ yên trí chơi thêm ngày nữa.

Bữa nay là mùng 4 tết, ngày 26/1/2012. Hôm qua là ngày dành cho Chiang Rai, hôm nay là ngày dành cho Chiang Mai. Sáng nay đi thăm bảo tàng “ChiangMaiNationalMuseum”. Bảo tàng nằm ngoài thành phố, xây dựng vào thập kỷ 70, được nhà vua và hoàng hậu có mặt trong lễ khai trương ngày 6/2/1973. Đây là một trung tâm bảo tồn đầy đủ nhất về văn hóa và nghệ thuật ở Chiang Mai và vùng bắc Thái Lan – Vương quốc cổ Lanna. Bảo tàng trưng bày 4 giai đoạn của nền văn hóa Lanna, chia thành 6 chủ đề rất chi tiết, kể cả đối với nhà nghiên cứu. Vé vào cửa: 100 baht/ người. Tưởng mình đến sớm hóa ra vô trong đã thấy một du khách người Úc đang dán mắt vào vật trưng bày ( cô này về sau lại lên cùng chuyến xe về thành phố với mình. Hỏi chuyện thì được biết là nhà giáo. Cô cũng dành nhiều lời khen cho bảo tàng). 

Sáng nay ông Trời rất chiều lòng du khách. Nắng nhè nhẹ vương lên tòa kiến trúc nhiều mái. Khu vườn xung quanh cũng rộng lại sạch đẹp nữa. Những bụi cây được tỉa tót, hoa, lá chẳng thấy hạt bụi nào. Không chụp ảnh thì cũng phí đi. Một buổi sáng no nê kiến thức và cảnh đẹp. Vẫn còn lưu luyến nhưng phải về khách sạn để trả phòng lúc trưa 12h:00. May không quá giờ. Check out xong, gửi lại hành lý ở lễ tân rồi đi chơi tiếp. Từ giờ đến lúc xe chạy vẫn còn 6h nữa. Ngay sát khách sạn là quán cơm bình dân. Vô ăn trưa luôn. Cơm gạo Thái vừa dẻo vừa thơm, những món ăn cũng na ná như bên nhà: Dưa chua xào trứng, xúc xích chiên, thịt kho hột vịt, canh cải nấu sườn tổng cộng có 130 baht, gần 100.000 đ. Nước lọc miễn phí. Phải nói là rẻ, du khách và dân địa phương ra vào nườm nượp…Cơm nước xong lại muốn đi dạo, vừa được ngó nghiêng vừa tiêu cơm. Mình còn đủ thời gian cho 3 địa chỉ: Khu thành cổ, chùa chiền và chợ Warorot lớn nhất Chiang Mai.

Sách guide book của Lonely Planet nói rất rõ ở Chiang Mai còn giữ được vết tích của khu thành cổ. Mình dò bản đồ và cứ thế đi. Chả biết câu nói “ cứ đi thì sẽ đến” của ai nhỉ? Và đây rồi, cổng thành còn sót lại và vài đoạn tường thành nữa được bảo tồn làm vật chứng thời gian. Mình ngắm nghía những viên gạch cũ kỹ nhưng thấm đẫm giá trị lịch sử. Người ta cũng đặt bảng giới thiệu về thành cổ, về vùng đất này. Chốn này bây giờ trở thành công viên, trang trí rất nhiều hoa tươi.

La cà đến 13h30 rồi làm một vòng city tour bằng tuk tuk, đi thăm Wat Phra Sing, Wat  Chedi Luang, Wat Phan Tao, toàn những kiến trúc mê hồn và những bức tượng giá trị. Điểm dừng chân cuối cùng là chợ. Đến nơi thấy xe phun nước đang đi rửa đường, hệt như Hà Nội xưa, làm cho thành phố đã sạch lại càng sạch thêm. Khác vớiPhnom Penh, đến hơn 17h:00 mà trong chợ ngoài chợ vẫn tấp nập. Hàng hóa nhiều vô kể, đủ các loại. Mỹ phẩm Thái như sữa rửa mặt, xà bông, dầu gội, kem dưỡng da…và quần áo nữa cứ chất đống. Các gian hàng bán đồ ăn và rau quả thì thấy ai cũng đeo tạp dề. Trông rất sạch sẽ. Đi mãi mỏi chân, nhìn thấy ngôi chùa Tàu, nhân tiện vào thăm và ngồi nghỉ một lát.17h:30 phải trở về khách sạn lấy hành lý rồi ra bến xe. Chia tay với ngôi nhà cổ SATHU boutique house, 31 soi Prapokklao Ratchaphakhina Rd mình lại nhớ cái nắm cửa bằng gỗ là đôi bàn tay. Bàn tay chào đón du khách chăng? Ý nghĩa thật.

Bến xe buýt vềBangkokkhá to. Có nhiều hãng xe, mình phải lấy vé đem so và đang nhìn nhìn thì một cô nhân viên bến xe đến hướng dẫn tận tình. Đúng là “vừa lòng khách đi”. Gửi hành lý xong xuôi, cả nhà đi ăn tối vì 1h nữa xe mới chạy. Chẳng phải đi đâu xa, dãy hàng ăn với xôi nóng, thịt nướng cứ thơm phức bên kia đường. Mình gọi xôi, thịt, gỏi đu đủ, chuối. Người Thái gói xôi từng gói nhỏ trong túi ny lon, giá 5 baht/ túi, thịt nướng 5baht, 10 baht/ xâu tùy to hay bé. Chuối buộc thành từng túm, 2 trái/10 baht. Gỏi đu đủ làm ngay tại chỗ với chanh, ớt bằm, mắm nêm, đường. Ông chủ còn hỏi mình ăn cay nhiều hay ít, mình bảo “ít” mà vẫn xé lưỡi. Người Thái ăn rất cay.Vô cửa hàng mua thêm ít sữa tươi nữa là “ổn áp”. 18h:50 lên xe, 19h:00 xe chạy đúng giờ. Bác tài ăn mặc trông cứ như pilot. Rất oách.

Nhớ lại toàn bộ cuộc hành trình thần tốc ở mảnh đất miền bắc này mình vui một niềm vui khôn tả rồi lại nhớ quán phở tối qua nữa. Quán đông khách, phở, hủ tiếu, mì, ngon và rẻ. Mỗi người gọi một thứ. Tô đầy, nhiều thịt, cá viên…Có hai người đứng lấy phở, chan phở, một nữ một nam. Hai người phụ quán, cả hai đều là nữ. Họ vừa lấy order, vừa bưng bê, vừa ra rửa bát, vừa thu tiền…luôn tay mà rất nhịp nhàng. Ai đến trước được phục vụ trước, nhiều người vô tấp nập mà họ biết rất rõ ai trước ai sau. Cách họ thể hiện qua công việc thấy toát lên hai từ “chăm chỉ”.

Nghĩ ngợi chán rồi lại lân la làm quen với hàng xóm vì vẫn sớm chưa ngủ được. Ghế đối diện là hai bạn trẻ Đan Mạch. Họ mua vé mắc hơn mình: Chuyến đi 600 baht, chuyến về 750 baht cho mỗi người ( mình mua 400baht và 520 baht). Lại tự sướng, thì ra họ mua buổi tối, mình mua ngay từ sáng. Có thể mua sớm được vé giá rẻ, giống như vé máy bay chăng? Đấy là mình suy diễn thế chứ không dám chắc. Hai bạn phục mình sát…ghế, he he.

Xe này ngả ghế nằm như giường rất dễ chịu. Nhà xe phát nước, bánh ngọt. Sáng dậy phát khăn ướt lau mặt lại còn có cả ly café nóng nữa. Cứ như đang mơ. Bạn Đan Mạch thốt ra “ a pleasant surprise”/ một sự ngạc nhiên thú vị. Mình cứ thầm ước, bao giờ vận chuyển công cộng của ViệtNamđạt tầm văn minh này nhỉ??? Trời vẫn còn tối, 4h:30 xe cập bến. Lại một trải nghiệm dễ chịu nữa. Các bác taxi, tuk tuk đến chào mời, không ai tranh ai. Không có cảnh cãi cọ hay dành nhau ở đây. Mình đi tuk tuk cho rẻ, 200 baht ( nếu đi taxi 300 baht). Lại chở về nhà nghỉ hôm bữa, đã đặt chỗ và trả tiền trước nên yên trí có chỗ ở không phải tìm kiếm gì nữa. Đến nơi vẫn còn sớm, chưa có ai trả phòng nên phải chờ. Khu vườn nhỏ đang được quét dọn, nơi đặt bàn thờ thiêng đang được lau chùi, thay nước, đặt trái cây mới. Thấy cả chú sóc con chạy đánh vù trên dây diện, mắt cứ nhìn mình. Em Linh thích quá. Chim chóc cũng bắt đầu dậy. Rất nhiều chim sẻ sà xuống khu vườn. Lúc này mới hơn 5h:00, lễ tân kiêm cả công việc quét dọn vệ sinh khi sáng sớm vắng khách. Nhà nghỉ này dán thông báo rõ ràng: Không cho người ngoài lên phòng, đem gái điếm lên phòng là bất hợp pháp.

Trời lớt phớt mưa mà đồ đạc lỉnh kỉnh không đi đâu được, đến 9h:00 mới có khách trả phòng phải chờ dọn vệ sinh ít nhất là nửa tiếng. Thế là may rồi. Từ sáng đến giờ biết bao nhiêu người vô hỏi thuê phòng lại phải đi ra vì kín chỗ. Có một gia đình người Mỹ trẻ cũng vô rồi thấy hai mẹ con ngồi lại. Cậu bé Thaly mới 7 tháng tuổi, không thấy bụ sữa như trẻ con tây khác. Người mẹ cho con bú ngồi chờ bố đi tìm phòng rất lâu. Khi anh trở lại báo tin đã có phòng, ai cũng mừng. Mình hỏi “ giá bao nhiêu?” anh bảo: “ 700 baht”. Mừng cho họ, chia tay với nhau bằng một tấm hình chụp chung. Bé rất dễ thương. Một du khách tý hon. Đây là chuyến thứ hai họ đến Thái Lan. Gần 10h:00 lễ tân báo tin vui, mình lên nhận phòng 5307.

Mùng 5 tết. Ngày cuối để khám pháBangkok. Mong ước được đến thăm trường đại học Chulalongkorn, ngôi trường nổi tiếng nhấtBangkoknơi được ví von như Havard của Thái Lan để ngắm nhìn phòng trưng bày nghệ thuật Vidhayatas mình dành cho chiều nay. Ngôi trường mang tên vị vua Rama V, do vua Rama VI xây dựng để đào tạo nhân tài và tưởng nhớ vua cha của mình. Nơi đây không chỉ là khu trường học mà còn như một công viên. Nó rộng bao la, mỗi khoa là một tòa nhà: Faculty of Science, faculty of Construction…Giữa công viên là đài tưởng niệm vua Rama V. Chờ ông khách kia chụp hình xong là đến lượt mình. Phòng trưng bày nghệ thuật dành cho các nghệ sỹ, các nhà nghệ thuật của Thái và quốc tế. Mình là người ngoại đạo, chỉ biết thưởng thức chứ không dám viết chữ nào.

Buổi tối cuối cùng lại ra phố Khao San. Quen nhau quá, không ra lại nhớ cứ như người tình. Lúc nào đến đây cũng thấy xe cảnh sát du lịch đi tuần. Ai đó làm bậy thì cứ việc ngoắc các bác cảnh sát, đố đứa nào phạm pháp. Năm ngày nay ở Thái Lan mình có một nhận xét là xã hội Thái rất phát triển do được tư nhân hóa có kiểm soát, hầu hết dân chúng thượng tôn pháp luật. Một đất nước Phật giáo đúng nghĩa: Hiền hòa, thanh bình. Họ thu hút du lịch và biết làm du lịch : Vừa khai thác, vừa bảo tồn chứ không phá di tích, phá cảnh quan…Thái Lan theo đuổi một chiến lược du lịch đúng đắn: Làm du lịch với một chính sách công bằng để cả xã hội cùng hưởng lợi. Tối nay mình ngồi lại đến tận khuya. Một buổi tối thú vị. Nhạc sống thức ăn chín. Ban nhạc chơi nhiệt tình, ca sỹ cũng nhiệt tình. Tây vỗ tay ầm ầm. Ăn uống và giải trí thoải mái ngay trên hè phố mới hết 210 baht. Ông xã mình còn thích chí với chương trình tennis trên truyền hình. Cả phố cứ náo nhiệt kẻ qua người lại. Các xe bán đồ ăn, trái cây, cũng nhiều. Thật tiện lợi. Các món chè Thái cũng hay cho nước cốt dừa như ở Nam Bộ. Người bán rong cũng đủ loại. Thỉnh thoảng thấy người ta bắn chong chóng lên trời, chiếc chong chóng bay vun vút chừng nửa phút lại rớt xuống. Người bán chạy đến, lấy tay bắt rất nhanh chẳng mất đi đâu. Màn trình diễn này cũng gây sự chú ý. Những người bán dạo món đồ chơi này già trẻ, trai gái đủ cả. 

Khu Soi Rambutri lại là một náo nhiệt kiểu khác. Các quán bar và quán massage rất nhộn nhịp. Từ cuối giờ chiều người ta kê ghế massage ra phố. Hàng chục cái liền nhau. Khách nằm thư giãn để cho các nhân viên hành nghề. Các thượng đế đủ mọi quốc tịch. Massage ở Thái từ lâu đã nổi tiếng. Có: Massage chân, body/ người, mặt, bụng, và đặc biệt là fish massage. Người ta ngồi thò chân cho các chú cá con vừa bơi vừa cắn nhẹ lên chân mình. Hay thật, cũng là một cách thư giãn.

Đêm nay là đêm cuối cùng trên đất Thái. Ngày mai mình lại trở về Poipet, điPhnom Penhrồi từ đó về Sài Gòn. Hai ngày trên con đường cái quan nữa…Chắc chắn sẽ có những thú vị khác.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Nhoằng một cái chú dế mèn đã kết thúc cuộc hành trình 9 ngày 8 đêm bên nhà hai ông bạn láng giềng. Câu nói: “ Đi một đàng học một sàng khôn” đối với chú vô cùng ý nghĩa. Chú đã học được nhiều điều, đã được trải nghiệm cả những thứ chú chưa từng nghĩ đến. Điều lớn nhất chú học được là đất nước Thái Lan rất phát triển. Du lịch hấp dẫn và thu hút du khách bốn bể năm châu vì như đã nói ở trên: Xã hội Thái Lan được tư nhân hóa có kiểm soát. Người ta cạnh tranh nhau nhưng tôn trọng luật pháp. Nhà nước hỗ trợ bằng các chính sách cụ thể. Khách du lịch được quan tâm. Các văn phòng cung cấp thông tin du lịch được đặt ở mọi nơi. Họ phát bản đồ và sách hướng dẫn các địa điểm mua sắm, ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí…miễn phí và trả lời các câu hỏi, yêu cầu của du khách với thái độ lắng nghe đầy trách nhiệm.

Hành trang chú đem về quê nhà đầy ắp niềm vui nhưng cũng có nỗi buồn. Chú buồn vì con người ta ở đâu cũng vậy, đồng tiền đã làm băng hoại đạo đức không từ ai, mảnh đất nào cũng có người tốt, kẻ xấu. Vận chuyển, đi lại ở Bangkok với xe tuk tuk là một phương tiện đặc trưng và thú vị, quan sát được nhiều, giá cả phải chăng nhưng người lái xe đa số tìm cách đưa khách vô shop để lấy coupon xăng và hưởng hoa hồng mua sắm, nhiều khi ép khách rất nhẫn tâm. Có cả đường dây lừa đảo chuyên nghiệp, bài bản nên nhiều du khách sập bẫy, kể cả người có kinh nghiệm du lịch. Chú cũng là một nạn nhân. Mặc dù bị lừa và mất tiền nhưng chú cũng không buồn bằng khi tận mắt chứng kiến tấm biển ghi chú để ngay cửa đổi tiền ở phố Khao San. Vừa liếc thấy hàng chữ, chú không muốn tin vào mắt mình nhưng đó lại là sự thật. Họ ghi rõ bằng tiếng Anh :“ Không đổi tiền của các quốc gia ViệtNam, Campuchia,Lào,Myanmar”. Chú đau vì thấy đồng tiền ViệtNambị xúc phạm, họ có quyền không đổi nhưng đừng ghi chú bên ngoài Exchange như vậy. Chú buồn nhưng không chối từ tổ quốc. Khi có người hỏi chú là người Nhật à? Có người lại nhầm chú là ngườiSingapore, chú đều lắc đầu và bảo mình là người ViệtNam. Chú không chối bỏ cội nguồn, chú yêu quê hương mình. 

Ngày mai chú sẽ trở về quê hương, về với mảnh đất, với mẹ cha, anh em, làng xóm, bạn bè, với ngôi nhà thân yêu của mình. “ Home sweet home again ”.

Trước khi dừng bút, người viết xin cảm ơn nhà văn Tô Hoài vì đã sử dụng hình ảnh chú dế mèn của ông.

 

Một bình luận

  1. Bác Dương thôi đã thôi rồi!
    Nước non man mác ngậm ngùi lòng…….

Bình luận về bài viết này