Cùng Trần Dần «rong ruổi ngã ba mùa»


Từ trái sang: nhà thơ Trần Dần, dịch giả Đòan Cầm Thi, nhà văn Thuận

Cùng Trần Dần «rong ruổi ngã ba mùa»

Phong Điệp thực hiện

Nhân dịp Carnets Poussières (Sổ Bụi) của Trần Dần qua bản dịch của Đoàn Cầm Thi ra mắt trên tạp chí Po&sie, chủ nhật ngày 15 tháng 10 vừa qua, tại Nhà Thờ Paris – Maison de la Poésie, đã diễn ra buổi đọc thơ Trần Dần, dưới sự chủ trì của nhà thơ Claude Mouchard, phó tổng biên tập tạp chí Po&sie.

Văn nghệ Trẻ đã trò chuyện cùng dịch giả Đoàn Cầm Thi, nhà thơ Claude Mouchard và họa sĩ Trần Trọng Vũ về sự kiện này.

Dịch giả Đoàn Cầm Thi:

Dịch Trần Dần, tôi luôn ở bên bờ vực

Tiến sĩ văn học Pháp ĐH Paris VII, PGS Học viện văn minh và ngôn ngữ phương Đông Paris, Đoàn Cầm Thi đã từng dịch M.Duras ra tiếng Việt, và nhiều tác giả Việt sang Pháp văn, trong đó có Dương Hướng, Võ Thị Hảo, Thuận, Nguyễn Việt Hà, Bùi Hoằng Vị, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Kh., Trần Vũ, Võ Thị Xuân Hà, Bùi Chát, Lý Đợi.

Thưa chị Đoàn Cầm Thi, vì sao chị chọn dịch Trần Dần ?

Dịch Trần Dần, luôn là điều ám ảnh tôi. Nhưng ám ảnh này không đuổi được ám ảnh khác : Làm sao dịch được Trần Dần ? Dịch thế nào chỉ đoạn này thôi « để để – để. Để làm gì ôi vần zương cômic nhặng xị múa lửa. 3 bụi 5 bụi jữa sáng láng hằng hà thiên hà lai láng hằng hà nhật nguyệt » ? Đã bao lần tôi chứng kiến Trần Dần khó hiểu với cả những người cùng ngôn ngữ với ông. Cứ dùng dằng giữa các ám ảnh như vậy nhiều năm tháng, nhưng những lúc tuyệt vọng, tôi lại đọc ông : « Hạnh fúc cần chi nhiều thứk? 1 tí rêu. 1 hạt cát sa mạc. Không gì vẫn bát ngát khát khao – vẫn xạc xào thơ – vẫn kì cạch chữ ».

Cảm xúc của chị ngày hôm nay ?

Dịch Trần Dần, tôi luôn ở bên bờ vực. Dịch Trần Dần, tôi ao ước được một hạt giống, như lời nhắn nhủ của Phạm Thị Hoài hơn mười năm trước: « những ai may mắn đến lấy một hạt giống ở ông, rồi đem về đất của chính mình, đổ sức của chính mình vào đó thì ắt là thành công». Cho đến bây giờ, khi mang thơ Trần Dần rong ruổi ngã ba mùa, tôi lại cảm thấy cái nhìn hóm hỉnh của ông như ngày nào : « Cái con bé này ! ».

Theo chị, điều thú vị nhất trong buổi đọc thơ Trần Dần vừa qua là gì?

Trong buổi giới thiệu Trần Dần, một số trích đoạn thơ của ông (“Nhất định thắng” và “Sổ bụi”) được đọc xen kẽ bằng song ngữ. Chúng tôi chủ trương phần tiếng Việt phải được đọc như đọc báo vậy, nghĩa là tránh thể hiện mọi giai điệu cùng mọi cảm xúc theo kiểu ngâm thơ, tự tình thơ hay trình diễn thơ thường thấy ở Việt Nam. Thơ của Trần Dần mạnh mẽ ở chính những con chữ của ông, vậy nó cần gì phải trang trí tô điểm bên ngoài ? Mặt khác, cách đọc giản dị như thế này gần gũi nhất với lối đọc thị giác, bởi vì khi đọc bằng mắt bạn đâu có ngân nga ca hát. Dĩ nhiên người nghe không hiểu gì tiếng Việt nhưng họ cần một chút khái niệm về nhịp điệu của ngôn ngữ gốc, mà một trong những đặc thù của tiếng Việt lại chính là các đơn âm và những con dấu.

Đọc xen kẽ bằng song ngữ như vậy nhằm cung cấp cho người nghe hai cách đọc đồng thời: bản tiếng Việt thay thế cho việc đọc bằng thị giác (vốn được xem như một yêu cầu không thể bỏ qua trong thơ Trần Dần), còn bản tiếng Pháp cung cấp nội dung cho những gì mà người nghe vừa “nhìn thấy”.

Đọc xen kẽ bằng song ngữ như vậy có lẽ đưa được người nghe từ vị trí “khán giả” thành “độc giả”.
Trần Dần là một nhà thơ lớn của Việt Nam. Tầm tư tưởng của ông, ngôn ngữ đặc sắc của ông, phong cách độc đáo của ông còn “làm khó” ngay cho cả những độc giả trong nước. Vậy ở Pháp thì sao? Liệu công chúng Pháp có thưởng thức được nghệ thuật Trần Dần ?

Theo tôi thưởng thức nghệ thuật phải là một môn học cho tất cả chúng ta. Đứng trước một bài vật lý sơ đẳng lớp mười tôi đoán chắc đại đa số chúng ta những người lớn, đều cảm thấy khó thở hoặc không hiểu gì cả ngay từ những ký hiệu vật lý. Để thưởng thức vật lý, như vậy chỉ có một cách duy nhất là học vật lý (không phải để trở thành nhà vật lý, đương nhiên). Để thưởng thức nghệ thuật cũng chỉ có một cách duy nhất là học thưởng thức nghệ thuật (dĩ nhiên không vì mục đích trở thành nghệ sĩ). Tôi hy vọng, công chúng Pháp, đã từng (học) đón nhận nhiều tác phẩm nghệ thuật hóc búa nằm bên ngoài khả năng thưởng thức của họ, sẽ khám phá Trần Dần như một trong những nhà thơ cách tân nhất và cực đoan nhất của thời đại ông.

Nhà thơ Claude Mouchard :

Quyền năng thơ của Trần Dần đang áp đảo tôi

Nhà thơ Claude Mouchard, từng là giáo sư Đại học Paris 8, hiện là phó tổng biên tập tạp chí danh tiếng chuyên về thơ Po&sie (Pháp). Ông đã dịch Wallace Stevens và Bishop từ tiếng Anh, Rilke, Nelly Sachs và Walser từ tiếng Đức. Claude Mouchard cũng từng hợp tác dịch các nhà thơ Yoshimazu Gôzô và Tôge Sankichi của Nhật, Yi Sang và Ki Hyung-do của Hàn Quốc.

Từ trái sang: Dịch giả Đòan Cầm Thi, họa sĩ Trần Trọng Vũ và
nhà thơ Claude Mouchard, phó tổng biên tập tạp chí Po&sie.


P1070737

Thưa nhà thơ Claude Mouchard, xin ông cho biết điều gì làm ông xúc động nhất ở Trần Dần ? Số phận hay tác phẩm của nhà thơ ?

Cả hai : tôi đã khám phá cùng một lúc cuộc đời và thơ của Trần Dần, nhờ dịch giả Đoàn Cầm Thi. Trong những bài thơ của Trần Dần mà tôi đã đọc qua bản dịch của Đoàn Cầm Thi, người ta cảm nhận một mối liên hệ, gần như bất biến và vô cùng đau đớn, giữa thời gian cá nhân và thời gian tập thể. Tuy nhiên, dù cho mối liên hệ này có mạnh mẽ thế nào chăng nữa, thì chỉ quyền năng thơ của Trần Dần là đang áp đảo tôi khi tôi đọc những dòng tuyệt đẹp của “Cột đèn câm” :

Vào đời

tất cả

chỉ có vé: đồng hạng

mọi thứ đặc quyền đều

sặc sụa bất công.

Tôi có vệ tinh

rồi có nhà ga xanh

nhà ga tím

trong một vũ trụ

chẳng hiền lành.

.

Cái lồng chim quá chật

tôi bay đâu

cũng đụng đầu.

.

Tôi có khả năng im lặng

như một cột đèn câm

đầu phố thơ ngây.

Là nhà thơ, ông chia sẻ với Trần Dần tâm trạng “tôi không iên ổn với tôi” ?

Vâng, “Tôi không iên ổn với tôi”, câu thơ của Trần Dần thật dữ dội. Nó luôn ở bên tôi và có lẽ sẽ là tựa một bài thơ tôi viết trong tương lai. Để là một nhà thơ như Trần Dần, chính là lục xục, ngày và đêm. Hay nói như chính Trần Dần : “Chết đi tôi vẫn mất ngủ. Bên kia tôi vẫn mộng du ngày”. Thi sĩ Tiệp Vladimir Holan cũng nói : “Trong thơ, không ai được miễn bao giờ”.

Trần Dần viết trong Sổ Bụi 1980-1981 rằng thơ là “chấn động hằng xuyên”. Ông nghĩ gì về điều đó ?

Thơ là “chấn động hằng xuyên”, nhưng với ai? Với chính thi sĩ ? Hay với nhân loại và thời đại của thi sĩ ? Một nhà thơ như Trần Dần có khả năng gây ra trong thơ những rung chuyển và những đứt gãy đang xảy ra trong thế giới mà anh ta đang sống.

Tuy nhiên, để được, và mãi mãi được, là “chấn động hằng xuyên”, thơ phải được đọc. Chính chúng ta phải làm tất cả để đạt được điều đó.

Là thi sĩ và cũng là dịch giả của nhiều nhà thơ thế giới đương đại, ông muốn mang lại điều gì cho công chúng Pháp ngữ, khi quyết định in Trần Dần trong tạp chí Po&sie ?

Dịch, như Đoàn Cầm Thi đang làm, hơn bao giờ hết là điều thiết yếu. Bên cạnh đó, cũng thiết yếu không kém, là công việc hòa âm phối khí. Có nghĩa là, qua những bài giới thiệu và phê bình, làm thế nào vẽ lại hành trình mà các bài thơ đã đi qua, giữa các ngôn ngữ, giữa những thế giới và những thời đại, giữa vô vàn cuộc đời.

Về phần tôi, tôi sẽ không bao giờ ngừng nhớ đến những câu thơ của Trần Dần. Cái tựa, “Sổ bụi”, chẳng hạn, làm sao có thể quên nổi ? Ước gì tôi có thể dùng nó để chỉ công việc của mình hôm nay ! Ước gì tôi « ăn cắp » được của Trần Dần mấy chữ này thôi ! Điều đó nói lên sự quyến luyến của tôi, kể từ nay, với ông.

Họa sĩ Trần Trọng Vũ:

Sẽ đưa di cảo Trần Dần đến với độc giả một cách có hệ thống

Trần Trọng Vũ, con trai út cố thi sĩ Trần Dần, nghệ sĩ thị giác, sống và làm việc ở Pháp. Anh là một trong những nghệ sĩ nhận giải của quỹ Pollock-Krasner
2011-2012, có trụ sở tại New York.

Bên cạnh thơ, thì văn xuôi Trần Dần cũng thực sự là một trái núi lớn. Thưa anh Trần Trọng Vũ, với tư cách là người soạn di cảo Trần Dần, anh có thể cho biết liệu sau đêm thơ Trần Dần vừa diễn ra, sẽ có một buổi đọc văn Trần Dần nữa hay không?

Một trong những quan tâm của tôi, ở vị trí một người soạn di cảo Trần Dần, là làm sao lý giải sự chia cách của văn xuôi và thơ trong tác phẩm của ông. Tôi không dám chắc, rằng đã tồn tại một cuộc chia cách thực sự. Nói đúng hơn, làm văn xuôi hay làm thơ với ông đều chỉ đơn giản là “viết”. Thực ra, tất cả mọi phẩm chất mà độc giả tìm thấy trong văn xuôi của ông đều được ông làm trong thơ, nhưng ở một lộ trình cao hơn, cực đoan hơn và dĩ nhiên khó khăn hơn rất nhiều cho độc giả. Ví dụ nhân vật Dưỡng của “Những ngã tư và những cột đèn” gần đây thực ra không xa lạ gì nhiều với nhân vật thằng Truồng của “Jờ Joạcx”, bởi cả hai đều đa căn cước, đều thông minh mà lại dại khờ… Còn ở trường hợp các “Sổ bụi”, chúng là thơ, chúng cũng là văn xuôi.

Thưa anh Trần Trọng Vũ, gia đình anh có ý định lập một “bảo tàng tư nhân” về cha mình không? Ngoài sự cảm phục của người con đối với cha, anh học được điều gì ở cha mình?

Thực ra, mỗi thành viên của gia đình tôi đã mang trong mình một “bảo tàng tư nhân rồi”. “Tư nhân” ở trong mọi nghĩa của nó, có thể nhìn thấy có thể không nhìn thấy, có thể kể được bằng lời nhưng cũng có thể không thể kể được, bằng bất cứ mọi phương thức diễn đạt nào. Và “tư nhân” đến mức chưa một nhân vật có thẩm quyền đến gõ cửa đòi công bố nội dung của bảo tàng cho tất cả cùng biết. Chúng tôi nghĩ đơn giản hơn nhiều, là lần lượt cùng bạn bè đưa di cảo này đến với độc giả, dĩ nhiên một cách có hệ thống.

Tôi đã học gì từ cha tôi? Tất cả các bậc cha mẹ dù ý thức hay vô thức, đều chuẩn bị cho con cái họ một cuộc sống, và cuộc sống này tự nó sẽ dậy cho thế hệ đến sau những gì cần thiết để làm người, và để không làm người, để nói yêu và, để có thể nói ghét. Cuộc sống mà tôi nhận được vô cùng khó hiểu, đã cho tôi muôn vàn bài học và kết quả là muôn vàn những phản xạ có điều kiện và không điều kiện. Những bài học này không bao giờ dừng lại cùng với ngày hôm nay.

Bài đã đăng báo Văn nghệ Trẻ số 44/2011

Bình luận về bài viết này