NGƯỜI RÊU


Truyện ngắn của DƯƠNG KỲ ANH

Ở đời, ai cũng có một cái tên để gọi. Tôi gọi nhân vật của mình là A. Ông A, ngài A, đồng chí A…

Một nhân vật quyền thế, tất nhiên. Tôi nhớ cái tết đầu tiên, lúc tôi vừa mới lên chức chủ tịch hội đồng quản trị một tập đoàn, tôi đến chúc tết đồng chí A. Biết là rất khó khăn để được gặp, người thư ký của tôi, may sao lại là đồng hương của đồng chí A.

Cậu ta bảo “Để em tìm cách tiếp cận với phu nhân”. Ừ phải. Người ta vẫn làm thế mà. Tiếp cận phu nhân . Phu nhân đồng chí A “cổ” người nhưng tốt tính. “Cổ người” nghĩa là không tân tiến, vẫn giữ được nét nhà quê. Kiểu cách nhà quê “Có ăn trầu không?” “Hình như không!” “Có mặc yếm không?” “Yếm à! là cái gì hở anh?” “Cái cậu này ,…đúng là dân cày đường nhựa’’. “Em sinh ra ở Hà Nội, bố em kỹ sư, mẹ kế toán, chẳng thấy ai mặc đồ nhà quê, cái yếm là… là…” “Là cái yếm’’. “Thân em như giải yếm đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Tôi vốn người nhà quê, mà hình như chúng ta đều là dân quê! Thủa nhỏ, tôi thấy bà mặc yếm, mẹ mặc yếm, cô gái nhà bên cũng mặc yếm. Tôi thích cái yếm lắm. Yếm bà tôi mặc màu đen. Mẹ tôi mặc màu nâu. Cô con gái nhà bên mặc yếm màu hồng . Tôi cứ hình dung phu nhân đồng chí A mặc yếm, ăn trầu, ngồi trên sạp gụ, đưa tay ra hiệu cho người này, người khác…

Xe nối đuôi nhau đậu kín một dãy phố. Biển trắng, biển xanh, biển đỏ…. Dù đã có “tay trong” nhưng không biết bao giờ đến lượt mình…

Suốt mấy tuần chuẩn bị quà tết, đau cả đầu. Những năm 80, quà tết là chai rượu quê, mấy chục quả trứng gà. Sang thập niên 90 là rượu ngoại, bánh kẹo ngoại, thuốc ngoại. Đến những năm hai ngàn là phong bì tờ đỏ, tờ xanh. Bây giờ, cậu thư ký bảo: Mai cảnh, đào cảnh, quất cảnh loại xịn, nấm linh chi cổ, cao hổ, sừng tê, nhân sâm… “gì cũng phải kèm cái phong bì anh ạ”. Ừ thì phong bì, của nhà nước cả! À không? Bây giờ là tính tuổi, xếp tuổi con gì thì đúc con đó. Mạ vàng, hay bằng vàng! Nhớ chuyện “quan thanh liêm” hồi còn đi học, phải bằng vàng chứ! Mà tuổi tý, phải nói thưa đồng chí, chúng tôi đoảng quá, cứ ngỡ đồng chí tuổi hổ!

Cậu thư ký dò la, nhà đồng chí A chẳng thiếu thứ gì. Mai cảnh, đào cảnh, rượu cổ, nấm linh chi cổ, sừng tê “Có người biếu rồi”. Làm sao! Đau đầu quá! Thôi, cứ theo cách dân gian! Dân gian là sao, biếu cái yếm đào! Cậu này “tẩm” quá! Người ta có đủ thứ, nhưng có một thứ không bao giờ đủ, tiền! Tiền! Ừ phải, cho mấy chục tờ đô vào phong bì, có cái thiệp mừng năm mới, kẹp vào cuốn tạp chí của ngành… .Thảnh thơi chưa!

Ngôi biệt thự thời Pháp, ba tầng, sân vườn rộng, dãy nhà khách mới dựng chật người. Con đường lát gạch hình bán nguyệt trong khuôn viên kẻ ngồi, người đứng. Phải chờ, nghĩ đến một cái gì đó để quên thời gian. Tết. Nghĩ đến Tết. Sợ quá! Mệt quá! Chạy! Muốn lên chức: chạy. Giữ được chức: chạy. Chuyển ngang chức khi hết nhiệm kỳ: chạy! Mọi thứ chạy, đều tốn sức … tốn tiền, hao tổn tâm trí .Tết nguyên đán! Bỏ từ ấy đi. Tết… chạy!

“Thưa xếp, ta đi thôi!”. Cậu thư ký như một thám tử hiện ra trong màn đêm. “gặp…?” “không! Em qua gặp… phu nhân rồi”, “gặp…?” “Chỉ được 5 phút thôi, thưa xếp”.

– Năm phút?

– Vâng .

– Liệu đồng chí A …

– Đồng chí A sao ạ ?

– À , không .

– Ai thì cũng phải qua phu nhân trước …

– Thế…

– Mình làm thế là khôn , thưa xếp , nhẹ nhàng mà chất lượng, phu nhân vui lắm!

– Cảm ơn cậu .

– Xếp khách sáo thế ạ, việc là việc chung mà.

– Tớ thấy, ngại ngại thế nào ấy.

– Tại xếp đi lần đầu thôi, việc gì rồi cũng quen.

– Việc gì rồi cũng quen! cậu đúng là người của cơ chế .

*

Đồng chí A đứng dậy , bắt tay , ôm lấy tôi , vỗ vỗ vào lưng , cười hà hà, như đã quen biết nhau từ lâu .

Thực ra đồng chí không hề biết tên tôi.

– Cậu khoẻ chứ ?

– Dạ vâng .

– Phải tiết kiệm .

– Dạ

– Tiết kiệm là quốc sách đấy!

– Dạ!

– Nhớ lo tết cho anh em chu đáo!

– Dạ, vâng!

– Nhớ giữ gìn đoàn kết…

– Dạ, vâng!

– Cái anh 62… làm đến đâu rồi?

– Dạ

– Phê bình và tự phê bình phải đi đôi!

– Dạ

– Phải kiên trì phấn đấu…

– Dạ, vâng…

Người bảo vệ đeo kính đen đứng ở góc phòng chỉ vào đồng hồ …

Bây giờ …

Tôi đứng nhìn con đường vắng ngắt. Nơi trước đây từng dãy ô tô xếp hàng dài, bây giờ: lá vàng rào rào trên đường. Lá vàng nhảy múa, cười cợt… Tôi bước vào khuôn viên nơi có căn biệt thự cổ thời Pháp, ánh đèn điện sáng trưng, soi rõ con đường hình bán nguyệt không một bóng người. Cái cổng sắt nặng chịch cũng khép hờ. Tôi đứng tần ngần một lúc. Rêu. Những viên gạch lát sân, lát đường trong khuôn viên có lẽ lâu rồi ít người qua lại, rêu đã bén hơi sương. Im lặng đến mức nghe rõ tiếng từng sợi tóc trên đầu tôi ngả xuống trán. Tôi bấm chuông và giật nẩy mình vì tiếng chuông. Tiếng chuông tràn ngập khu vườn, tràn ngập không gian, đổ rào rào như trận mưa cuối hạ.

Rồi tiếng hua… hua… hua… lạ lùng nổi lên. Tôi chưa bao giờ nghe nên không thể phân biệt đó là âm thanh gì? Huara! Hoan hô!, hay… tiếng hua hua, hua… tiếng của người câm! Tiếng của người muốn nói mà không nói được, không dám nói, không thể phát ra âm thanh trọn vẹn… Những đám rêu trong khu vườn vùn vụt cao lên. Ánh đèn điện sáng trưng bỗng nhiên tắt phụt. Tôi kinh hãi khi nhìn thấy những bóng đen như bóng người, chân tay ngoành ngoàng, gầy guộc, nhảy múa!… Chính những bóng đen kỳ dị này phát ra âm thanh hua… hua… hua…. Người rêu! Phải rồi, người rêu!

Tôi tự ấn vào ổ tay mình. Không! Tôi không nằm mơ. Không mộng du. Tay phải tôi vẫn cầm chặt cuốn tạp chí của ngành, trong đó chiếc phong bì đựng thiếp mừng năm mới, không có tờ đô nào cả, chỉ có 500.000 đồng Việt Nam. Đồng chí A đã nghỉ nhiều năm nay. Tôi đã chuyển lên bộ, làm chuyên viên… Cầu cạnh ai làm gì! Sau cái lần đến chúc tết đồng chí A, tôi không đến nữa. Đến chúc Tết mà người ta không biết mình ngại lắm! Tôi ủy quyền cho cấp phó. Khi nghe tin đồng chí A đã nghỉ, không hiểu sao, tôi lại muốn đến. Đến xem thế thái nhân tình! Đến xem phu nhân đồng chí có đúng như tôi vẫn nghĩ không! Đến, để có thể nói vài câu thật lòng… với người mà lúc đương chức, chẳng có ai dám nói thật…

Ánh điện bỗng nhiên bật sáng, từ cầu thang tầng hai có bóng người. Một người con gái. Lạ lùng chưa, cô gái trẻ mặc yếm! Yếm hồng.

“Bố mẹ em về quê ăn tết…. Mấy năm trước ở lại đây, buồn quá…. Anh là?…”

“Tôi đến chúc tết hai cụ”

“Cảm ơn! Anh là của hiếm đấy”

“Có gì đâu…, cô là…?”

“Tôi là con gái út… Sao anh cứ nhìn tôi lạ thế”

“Cô… cô mặc…

“À…, mặc yếm . Không phải tôi muốn chấn hưng văn hóa dân tộc đâu! Tôi đi tập văn nghệ, chuẩn bị cho hội diễn của trường…”

“Vâng! Cô mặc yếm đẹp lắm!”

“Anh vào nhà chơi, lát nữa tôi mới đi”

“Thôi, để lúc khác tôi đến vậy!”

“Chào anh…”

“À, tôi gửi cái này phiền cô chuyển cho hai cụ…”

“Cái gì vậy anh”

“Cái thịêp chúc tết”

“Cảm ơn anh”…

Khi cô gái vào nhà, đóng cửa lại, ánh điện bỗng nhiên phụt tắt. Tôi kinh hãi: những tiếng hua, hua, hua lại nổi lên. Những bóng đen kỳ dị hiện ra, nhảy múa.… Hua hua… hua… hua… hua… Người Rêu! Tôi vừa kêu vừa chạy. Tôi sợ mình cũng biến thành người Rêu …Tôi chạy khỏi khu vườn. Khỏi ngôi biệt thự. Hua… hua… hua. Người Rêu! Người Rêu! Cha mẹ ơi! Người Rêu!

Tiếng hua… hua… hua… đuổi theo tôi ra tận ngoài con phố có ánh điện sáng trưng…

Tết năm con mèo

Một bình luận

  1. Hay! ông DKA đang hồi ức về thời cũng được may mắn làm quan báo, cũng là nạn nhân và tội nhân, thấy lắm bi hài, thấy vô nghĩa khi đời đã xanh rêu…

Bình luận về bài viết này