VỀ MỘT CHỮ CỦA TỔNG BÍ THƯ


TRẦN HUY THUẬN

Vâng, kẻ ít học này hôm nay chỉ dám lạm bàn về đúng MỘT CHỮ của đương kim TBT Nguyễn Phú Trọng. Chữ đó là chữ “TIN”. Chữ TIN đó được nhắc tới trong câu nói: “Hơn 80 năm qua, Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình chính là bằng bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong; bằng đường lối đúng đắn mang lại lợi ích thiết thân cho nhân dân, cho dân tộc; bằng sự hy sinh quên mình, phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, đảng viên; bằng một tổ chức đoàn kết chặt chẽ, vững chắc, “trăm người tiến đánh chỉ như một người”; bằng mối liên hệ máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ và bảo vệ”. Câu nói đó được trích từ “Bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XI” của ông TBT (http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30013&cn_id=499576).

Từ khi còn là một đứa bé, tôi đã được dạy rằng: “Mất lòng tin là mất tất cả và: “Một sự bất tín vạn sự bất tin. Đảng nói, Bác Hồ nói hay ai đó nói thì thú thật tôi không nhớ nữa. Nhưng câu này của Bác Hồ thì tôi nhớ: “Khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được tin cậy và mến phục không” (Sửa đổi lề lối làm việc-Hồ Chí Minh toàn tập). Một bài hát rất phổ biến một thời, cũng có câu “Được Dân mến, được Dân TIN muôn phần…”. Như thế rõ ràng có thể khẳng định, từ rất lâu, chúng ta đã hiểu được điều cốt yếu này: Phải sống, làm việc thế nào để được Dân mến, Dân TIN. MẾN và TIN thực ra chỉ là một. Không thể MẾN một người mà ta  không TIN cũng như không thể TIN một người mà ta không MẾN!

TIN nói ra lời chưa hẳn tin, chưa tin hoàn toàn. Muốn biết người khác có tin, còn tin mình hay không, đừng hỏi mà phải kiểm nghiệm bằng hành động thực tế. Phát từ quan sát VIỆC LÀM,  chứ tuyệt không căn cứ LỜI NÓI. Điều này cũng là chân lý. Không thể có sự chứng minh ngược lại. TIN là sự TỰ GIÁC, TỰ NGUYỆN. Không thể cưỡng chế, không thể dùng cường quyền. Tin đương nhiên sẽ THEO – Nghe theo và làm theo. Cho nên chỉ cần quan sát xem người ta có nghe theo, làm theo không là đủ biết họ có tin hay không tin; còn tin hay không còn tin.

TIN phải xuất phát từ ý chí, BẰNG KHỐI ÓC và CON TIM. Phải TIN TỪ TRONG MÁU, TRONG LÒNG, tận đáy lòng. Tin như thế mới thành sức mạnh, sức mạnh như thế mới có thể vô địch.

TIN phải từ hai phía, luôn luôn từ hai phía. Khi phía này thiếu hoặc mất tin ở phía kia, thì sự tin không tồn tại. Muốn DÂN TIN, trước hết phải TIN DÂN.

TIN luôn hai mặt, bởi hai mặt là thuộc tính của mọi sự vật và hiện tượng: TIN là điều kiện tiên quyết để hành động thành công. Nhưng “cả tin”, tin mù quáng… lại là nguyên nhân dẫn đến thất bại (Tin vào lời hứa của kẻ thù thì mất nước có ngày; tin vào sự tự giác cải tạo của giặc tham nhũng thì không thể ngăn chặn được quốc nạn này – tin như thế dễ làm cho bọn tham nhũng cười vào mũi chúng ta!). TIN trước hết cần TỰ TIN. Khi bản thân mình đã không tin mình, thì công việc hỏng ngay từ khi bắt đầu; nhưng quá tự tin lại dẫn đến chủ quan khinh địch, cũng dễ thất bại. TIN phải đi đôi với cảnh giác, mới không bị lợi dụng; nhưng quá cảnh giác, cảnh giác cả với ân nhân, cảnh giác cả với người đã đem của cải, tính mạng ra để chứng minh đức tin của họ… thì đấy lại là sự mất cảnh giác nguy hại nhất; là vô tình mắc mưu kẻ thù, bởi kẻ thù rất muốn dùng chiêu bài đó để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân!   

Cách mạng Tháng Tám thành công là điển hình hùng hồn của đức TIN của cả Dân tộc Việt Nam ta thời điểm đó – Gái cũng như trai, thanh thiếu niên cũng như các cụ bô lão, công nông binh cũng như trí thức, tầng lớp người này cũng như tầng lớp người khác… Đức tin đó đã biến thành SỨC MẠNH VÔ ĐỊCH làm tan rã hoàn toàn và nhanh chóng chế độ xã hội cũ. Quả như vậy, bởi ngoài sức mạnh LÒNG TIN CỦA NHÂN DÂN, lúc ấy CÁCH MẠNG còn trong “trứng nước”, chưa có một lực đáng kể nào khác, ngân khố Nhà nước trước “tuần lễ vàng” là trống không, nạn đói lại vừa giết chết hơn hai triệu đồng bào (gần mười phần trăm dân số nước ta hồi đó!). … Đảng lãnh đạo Cách mạng thành công, tổ chức Kháng chiến thắng lợi là nhờ biết DỰA vào Dân, dựa từ lòng tin đến của cải vật chất; dựa từ tinh thần đến tính mạng con em Dân. Và ngay trong cái việc DỰA VÀO DÂN này cũng xuất phát từ lòng TIN – Không TIN làm sao dám DỰA? Không TIN làm sao cho DỰA?

TIN – Vâng, tất cả đều bắt đầu từ TIN! DÂN TIN CÁCH MẠNG, TIN ĐẢNG; ĐẢNG và CÁCH MẠNG TIN DÂN.

Một khi Dân chỉ muốn Đảng LÀM ĐÚNG NHỮNG ĐIỀU ĐẢNG NÓI. Một khi Dân chỉ LÀM đúng những điều Đảng phát động (như chống tham nhũng và đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc chẳng hạn) thì Đảng phải TIN DÂN chứ? Cảnh giác Cách mạng là cần thiết, nhưng cảnh giác thế nào để Dân TIN Đảng, Đảng TIN Dân mới là ĐÚNG ĐƯỜNG LỐI CHỦ TRƯƠNG. Mà điều ấy không khó, hoàn toàn không khó đối với một Nhà nước đã có gần 70 năm xây dựng và trưởng thành. Ấy là chưa kể đến việc chúng ta đã và đang có cả một BỘ MÁY CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN HÙNG HẬU bậc nhất kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công.

Chúng ta đã nhiều lần xác định: “Tham nhũng là quốc nạn, là nội xâm”. Thực tế cho thấy: Chống giặc ngoại xâm thắng lợi là do đức TIN được xác lập từ cả hai phía – Dân và Đảng. Chống giặc nội xâm hay bất cứ giặc nào, giặc dốt hay giặc đói, cũng vậy. Không thể đơn độc một lực lượng nào chống được, mà phải là TOÀN DÂN. Toàn dân nhất trí đồng tình, toàn dân tham gia đấu tranh, toàn dân tin tưởng, toàn dân là chỗ dựa vững chắc. Và… TOÀN DÂN BIẾT MÌNH ĐƯỢC TIN TƯỞNG! Nếu không làm được như thế, hậu quả sẽ là kẻ thù, chính kẻ thù sẽ lợi dụng điều đó để tiếp tục chống phá, cả kẻ thù ngoại xâm lẫn kẻ thù nội xâm – bọn tham nhũng.

Bác Hồ nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng” (Sửa đổi lề lối làm việc-Hồ Chí Minh toàn tập). Chỉ có TIN Dân lắm, coi trọng Dân lắm, Bác Hồ mới có câu nói bất hủ như vậy! Giấu giếm chứng tỏ không tin, không tin mới giấu giếm. Giấu giếm chứng tỏ không trong sáng, không đàng hoàng, không mạnh.  Đã giấu giếm thì không được ai  tin; không ai tin thì giấu giếm bằng thừa.

Ông TBT Nguyễn Phú Trọng sau khi nhắc lại những điều Bác Hồ dạy, cũng nói: “Đảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp. Không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa đủ sáng tỏ” (Tài liệu đã dẫn). Rồi TBT nêu ra các biện pháp khắc phục (tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ, tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta). Trong các biện pháp đó, thiết nghĩ biện pháp “tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân” cần được coi là quan trọng hơn hết.

Vâng, “tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân” chính là để “dựa vào Dân” để tiến hành mọi công việc.  Muốn dựa vào Dân phải tin Dân. Đồng thời Dân chỉ thành chỗ dựa khi Dân có niềm tin! Không tin thì không thể có quan hệ mật thiết được.

15 bình luận

  1. Đúng vậy. Hiện nay, đảng nói một đằng, làm một nẻo, nhìn cán bộ đảng xung quanh nơi mình sinh sống thật khó tin. Vậy lòng tin đâu có còn. Đảng không cần nhiều nghị quyết đâu, nhân dân cứ nhìn vào việc xử lý công việc hàng ngày là người dân tin được hay không tin được. Nói nhiều mà không làm được chỉ tổ mất lòng tin mà thôi.

  2. Tôi không dám nói là tất cả nhưng quả thực là có quá nhiều “sâu” tranh thủ hút máu nhân dân và trên nguồn tài nguyên của đất nước: Những Nguyễn Trường Tô, Nguyễn Việt Tiến, Bùi tiến Dũng, Nguyễn Thanh Lèo, Đinh Văn Mười, Bùi Quốc Huy, Dương Minh Ngọc. Nguyễn Mạnh Trung,Lê Thanh Đạo,Triệu Quốc Kế,Cao Duy Phước, Mai văn Dâu, Nguyễn Thanh Bình …vv và hàng nghìn “sâu” nằm ở các tuyến phường, xã ,quận, huyện, tỉnh ,thành phố, T.Ư chưa bị lộ hoặc đã hạ cánh. Họ đại diện cho ai …?Ai , tổ chức nào đã bảo kê, đã sử dụng và dàn dựng nên những con người này.

    Cho đến hôm qua, người ta vẫn còn cố che chắn cho Tiên lãng, vẫn xử 4 năm cho vụ C.A đánh chết dân và…hàng ngày, hàng giờ có quá nhiều bất công trong XH. Bác TBT nói chuyện với các cán bộ cao cấp, trên truyền hình, trong các hội nghị, tôi thấy họ chăm chú lắng nghe lắm…nhưng có cảm giác rằng họ nhìn TBT như đang ở hành tinh khác lạc lối vào xứ …ta, nghĩ cũng tội cho ” ổng”.

  3. “Mến“ và „Tin“ – 2 trong 1.
    .
    Kính thưa Tác giả,
    Bài viết thật tâm huyết và sâu sắc.
    Xin được góp thêm một số suy nghĩ tiếp theo.
    .
    Điều khẳng định: “MẾN và TIN thực ra chỉ là một. Không thể MẾN một người mà ta không TIN cũng như không thể TIN một người mà ta không MẾN!“ là đúng; Nhưng cũng có thể nên chi tiết hơn.
    „Mến“ và „tin“ là 2 quá trình quan trọng trong nhân thức (cảm thức và tri thức của con người). Nếu về mặt xã hội, „MẾN, TIN“ là nền tảng, thì về mặt nhân sinh, „(từ) MẾN, (đến) YÊU“ cũng rất quan trọng! :-).
    Con người nhận thức theo giác quan: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý. Từ đây chăng, mà có câu: „Trăm nghe, không bằng một thấy“? Không biết nguồn và thời điểm của câu thơ: „Nói lời thì giữ lấy lời, / Đừng như ong bướm đậu rồi thì bay.“, nhưng chắc chắn cũng như là lời cảnh tỉnh cho nhân tình thế thái đó chăng?
    Từ tình cảm „mến“ đến nhận thức „tin“ là cả chặng đường dài; cho nên mất cả „mến“ lẫn „tin“ là một sự đổ vỡ lớn lao và cay đắng. Đối tượng của „mến“ và „tin“ tất nhiên phải là một cái „danh“. Mất cả „mến“ lẫn „tin“ là khi cái „danh“ đổ dài theo hướng „nhân danh“ để (rất dễ và rất nhanh chóng) đến kết cục „hữu danh vô thực“.
    Nói đến cay đắng, chỉ có thể mượn một câu Kiều (2551): „Tin tôi nên quá nghe lời, …“.

    .
    Đoạn cuối nhắc tôi nhớ đến lời di chúc của Đức Thánh Trần: „… NƯƠNG („tựa“? „nới“?) “ sức DÂN làm kế rễ sâu – gốc bền.
    Đọc cả đoạn „Việt Nam sử lược“ tả cảnh vua Anh Tống viếng Trần Hưng Đạo, tôi đã nghĩ: May mắn thay những thời đại có những người dám nói và những người biết nghe. – Những thời đại như thế, con người được sống đúng nghĩa làm người và viết lên những trang sử hùng tráng của Dân tộc Việt.
    .
    Trân trọng và mong mỏi.
    Kính bút.

  4. Gớm cái bác này. Cứ làm như lòng tin của dân vào đảng đã sa sút lắm ấy. Tôi thì dù có chết đến đít tôi vẫn tuyệt đối tin tưởng vào đảng quang vinh, sáng suốt, vĩ đại!
    Tôi còn nhớ trong tiết học về chân lý tuyệt đối và chân lý trong giờ triết. Thày bảo: Tất cả chỉ là tương đối, chỉ có sự sáng suốt của đảng và lòng tin của chúng ta vào đảng là tuyệt đối! Thế đấy, bác Tây Già hiểu chưa?
    Tặng bác 4 câu có thẻ hát cả ngày, như kiểu con vỏi con voi nhé:
    Em như một cái loa phường, hát ca ngợi đảng yêu thương suốt ngày, em như một cánh chim bay, hát ca ngợi đảng suốt ngày yêu thương!
    Chào bác Tây Già.

  5. Theo tôi hiểu thì TIN là ‘nhận thức tốt’ về một người, một nhóm người.
    Không TIN, bất tín nhiệm là ‘nhận thức xấu’ về con người nào.
    Nhận thức hình thành cũng giống như một bức tranh gồm nhiều nét vẽ hợp lại.
    Niềm TIN của tôi vào Đảng được hình thành dần dà như một bức tranh, mà mỗi nét vẽ là những việc làm của Đảng.
    Đảng muốn dân tin tốt hay xấu thì liệu mà làm.

  6. “tầm chương trích cú” hay ghê. Bài viết tốt cho lòng TIN nơi mọi người trỗi dậy: Dân TIN Đảng, Đảng phải TIN dân!
    http://hungdm1.wordpress.com
    http://hungdm1.blogspot.com

  7. Tác giả nêu lên vấn đề gai góc đối với nhận thức của con người, đó là Đức Tin. Nhiều người thường ở trạng thái: Cả Tin hoặc Không Tin. Ở trạng thái Cả Tin họ tin tưởng mù quáng mọi điều, kể cả những gì trái ngược với Chân lí, Sự thật. Ở trạng thái Không Tin họ chẳng tin vào cái gì, kể cả Chân lí, Sự thật. Tuy nhiên tồn tại trạng thái thứ ba, đó là Đức Tin. Trạng thái này cho phép con người cảm nhận Chân Lí – những gì phản ánh Bản chất sự vật sự việc, do đó ở trạng thái này con người tin tưởng vào Chân lí, Sự thật cũng như không tin những gì không phải là Chân lí, Sự thật. Trạng thái thứ ba thường xuất hiện khi Đức Tin đã trở thành phẩm chất của con người. Điều này thường có ở những nhà Thông Thái, các vị Chân Sư, các bậc Thánh Hiền.
    Nếu xem xét Đức tin từ góc độ trên thì câu “Cách mạng Tháng Tám thành công là điển hình hùng hồn của đức TIN của cả Dân tộc Việt Nam ta thời điểm đó” quả là khiên cưỡng.

  8. DANG DA MAT LONG TIN TU LAU,DEN NAY TOI XIN KHANG DINH DANG DA MAT HET LONG TIN TRONG MOI GIAI TANG XH. HOI DONG BAO, HAY DONG LONG DONG SUC DAO SAU CHON CHAT KIEP NAY

  9. Viet dai dong qua, Bao voi bác Trong la hay kiem tra xem thuc su bao nhieu % TIN dang thi ong ta cu to chuc mot cuoc bo phieu tham do co LHQ giam sat. Bác Trong co dam lam khong ma cu lua dao gia doi hoai?

  10. Tôi thấy thấy các Bác cứ sa vào một tâm điểm “xin giặc rủ lòng thương”. Con người ta không thể cứ mặc hoài một cái áo vá chồng vá. Thực ra cuộc chiến tranh không đồng ý thức hệ Cộng sản đã được lồng kín đáo và tinh vi vào ngọn cờ giải phóng dân tộc. Chính điều đó đã tạo ra một thành lũy vững chắc là nơi ẩn núp của tập quyền đương thời. Mà thực thực chất đó chỉ là một nhóm người, có người đã ẩn dụ là vua tập thể.
    Nên hiểu đất nước này là của 90 triệu dân.
    Không làm được thì phải OUT.
    Dứt khoát là như thế. Tôi đồng ý với nhà văn Nguyễn Quang Lập.

  11. Tôi không tin, không yêu! Tôi là dân đây. Hãy thử thăm dò “chỉ số lòng tin” đi, sẽ thấy không phải một mình tôi mà có khi chỉ còn một mình ông Trọng.

  12. ối chời ơi, bài viết lại làm tôi nhớ đến 1 thằng GD điện lực khi nhậu xỉn đã hỏi tôi có biết thế nào là NHÂN VĂN và nó khác NHÂN BẢN thế nào… những người này phải đền tội cho việc làm của họ, tôi chỉ trung thành với người trả lương cho mình có trách nhiệm với người thân, bạn bè còn lý tưởng cao đẹp của cộng sản thì…

  13. Xin mọi người hãy ngẫm lại câu nói nổi tiếng của thế kỷ trước, vạch rõ bản chất sâu xa của cái thực thể mà nhiều người đã tin một cách mù quáng: ‘Đừng nghe họ nói, hãy xem họ làm”.

  14. Xin đừng “dựa ” vào dân để biên đồng bào tôi thành chuột bạch ! Vâng , anh tốt hay xấu xa đê tiện thì năm dài tháng rộng đã đủ chứng minh rồi ! Anh kêu gọi tôi tin anh sao được khi mà anh làm những việc xấu xa hàng ngày ! Có tin được không khi nhìn lại cả một xã hội đang tan rữa về đạo đức , thuần phong mỹ tục , cả một nền văn hóa bị coi rẻ ! có tin được không khi mà quan chức cấp cao mua bằng cấp giả , tham nhũng đã thành quốc nạn , nạn hiếp dâm , nạn cướp giật , giết người diễn ra khắp nơi ,và vô vàn hệ lụy khác, đồi bại khác tràn ngập trên nhật báo mỗi ngày ?
    Tôi không tin ! tôi không bao gio tin anh như vậy nữa đâu !
    Tùy anh .

  15. Có một loại gây lòng tin bằng cái lỗ thủng trên mặt và thông qua cái Loa Tôn ra rả đọc hàng ngày , hàng giờ , hắn cứ nói , cứ nói ! tự anh ta ‘bốc thơm’ mỗi ngày , anh ta dùng bạo lực buộc người ta nghe ! Đa số nghe hoài thành quen tai , nói theo nói leo đã thành bệnh ! bệnh Điếc , bệnh Câm , bệnh “Vâng ạ ” , bệnh xu nịnh lấy lòng cho qua chuyện , hay để được yên thân !

    Sách báo các loại cũng Rứa ! hùa nhau nói theo , nhạt phèo khó ngửi .
    Bộ tuyên truyền của Phát xít Đức làm như vậy đó ! bọn đàn em cũng bắt trước và chúng đã thành công và đã trở thành các Tay Tư Bản Đỏ !
    Có một loại người khi thấy vua nói : ” Cứt thơm ” ! Thì chúng hùa theo : Ồ , Đúng vậy , quả là Đại nhân nói chí phải , Cứt thơm thật !
    Lòng tin ! lòng tin !
    Nghe mà ngượng quá ! Xấu hổ quá !

Bình luận về bài viết này