VĨNH BIỆT NHÀ THƠ NGUYỄN QUỐC ANH


NGUYỄN TRỌNG TẠO – Tháng trước về quê nghe tin nhà thơ Nguyễn Quốc Anh ốm nặng, tôi đã vào Vinh đến nhà thăm anh. Anh thấy tôi vào, nằm trên giường đưa tay ra bắt. Tay anh chỉ còn xương. Thân hình anh bẹp dí như gián vào tấm nệm trải giường. Nhưng anh vẫn cười, nói là đang còn tập văn xuôi nữa chưa in được. Trên tường, vợ con in lại bìa mấy tập thơ văn của anh treo lên an ủi anh. Tôi nói với chị Minh và các cháu, hãy tập hợp các tác phẩm của bố lại và đánh máy để có dịp in thành tuyển tập lưu giữ lại cho gia đình và bạn đọc. Rồi tôi tặng anh tập Thơ và Trường ca vừa xuất bản, trong đó có một số bài thơ đã in trong tập thơ chung của tôi và anh năm 1974. Anh nói, giờ không đọc được nữa, nhưng sẽ nhờ vợ đọc cho nghe.

Nguyễn Quốc Anh và Nguyễn Trọng Tạo - Vinh, 1983

Nguyễn Quốc Anh là một người không chỉ nhiệt huyết với văn chương mà còn là một người yêu bè bạn văn chương hết mực. Nếu bạn ở xa đến, gặp anh rồi thì mọi việc anh sẽ lo, từ chỗ ăn ở đến cái vé tàu xe. Nhưng đặc biệt là anh sẽ đưa bạn văn đi “thực tế” như một người hướng dẫn, sẵn sàng dốc cả vốn sống của mình để tặng bạn. Vì thế mà có thời anh đã đảm nhiệm chức Chánh văn phòng Hội VHNT tỉnh, và sau này anh em tín nhiệm bàu anh làm Chủ tịch hội VHNT thành phố Vinh.

Tôi quen Nguyễn Quốc Anh từ năm 1972, khi đơn vị tôi đóng quân ở miền tây Hà Tĩnh. Thỉnh thoảng có công việc về tỉnh, tôi thường ghé thăm anh em ở hội VHNT tỉnh. Thời đó Nguyễn Quốc Anh ở ngay cơ quan nên thường rủ tôi ở lại ăn cơm rồi đọc cho thơ cho nhau nghe. Chị Minh vợ anh chủ nhật cũng thường về đây chăm anh. Khi biết hội định in cho tôi tập thơ đầu tay, chị Minh đã trực tiếp đánh máy tập thơ ấy. Rồi chị đưa bản đánh máy những bài thơ của anh cho tôi đọc. Đọc xong tập bản thảo của anh, tôi càng thấy quý anh hơn, và đề nghị anh in chung với tôi. Lúc đầu anh hơi ngại, nhưng thấy tôi rủ rê nhiệt tình nên anh cũng gật gật. Rồi được sự tán thành của anh Thanh Minh và anh Thái Kim Đỉnh (lãnh đạo hội), thế là tập thơ đầu tay Tình yêu sáng sớm của tôi và anh ra đời. Khi sách in xong, anh đạp xe mấy chục cây số lên Hương Sơn đưa sách và nhuận bút cho tôi, kể cả nhuận bút bìa sách mà tôi thiết kế. Tính anh nhiệt tình và chu đáo khiến tôi cảm động mãi.

Gần đây sức khỏe của anh không được tốt. Thời làm pháo thủ pháo phòng không bắn máy bay Mỹ, anh bị sức ép của bom nên ảnh hưởng thần kinh, thỉnh thoảng cứ lắc lắc cái đầu. Mấy năm trước anh trải qua một ca mổ suốt 4 giờ liền. Và gần đây, căn bệnh ung thư đè bẹp anh. Nhưng có điều lạ là ngay cả trước khi từ giã cõi đời, anh vẫn tỉnh táo với nụ cười đầy thương mến như chẳng có hề hấn gì.

Anh có một bài thơ mà ngay từ khi đọc nó năm 1973 tôi thuộc nhập tâm cho đến giờ, đó là bài Trận địa của con. Bài thơ chỉ mấy câu, nhưng thi ảnh và cấu tứ thật chặt chẽ và độc đáo. Đó cũng là nỗi niềm của anh với người cha, và với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Cha chết vì chúng nó
Nằm chẳng yên.
Nấm mộ như mũ sắt
Đội trời lên.

Nơi ấy,
Con về xây trận địa.
Nấm mộ ấy
Che cho con một phía.

Còn nhớ năm 2004 khi xét kết nạp anh vào hội Nhà Văn, nhà thơ Phạm Tiến Duật bỗng hỏi, trong hội đồng Thơ có ai thuộc câu thơ nào của Nguyễn Quốc Anh thì đọc lên cho mọi người nghe. Và tôi đã đọc bài thơ đó của anh. Mọi người đều tán thưởng và bỏ phiếu cho anh.

Tối ngày 7.1.2011 mở mail, thấy nhà thơ Tùng Bách gửi tin buồn – “Nhà thơ Nguyễn Quốc Anh qua đời”.

Vẫn biết bệnh trọng khó qua, nhưng tin buồn thì vẫn lạ. Lạ nhưng thật. Vĩnh biệt người bạn thơ yêu quý của tôi!

.

TIN BUỒN

Nhà thơ Nguyễn Quốc Anh, sinh ngày 20 tháng 12 năm 1944. Quê quán: xóm
Trung Hòa xã Đức Bùi huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Thường trú tại 182
đường Phong Định Cảng , thành phố Vinh tỉnh Nghệ An.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật thành phố Vinh.

Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được vợ con và người thân tận
tình thuốc thang cứu chữa, chăm sóc, nhưng vì bệnh trọng, nhà thơ
Nguyễn Quốc Anh đã qua đời vào hồi 9 giờ 30 ngày 07/01/ 2012. Thọ 68 tuổi.

Lễ nhập quan vào lúc 19 giờ cùng ngày. Lễ viếng được tổ chức từ 7h00
ngày 08/01/2012 đến 11h00 tại nhà riêng: số 182đường Phong Định Cảng-
thành phố Vinh . Sau đó di quan về an táng tại nghĩa trang quê nhà –
xã Đức Bùi huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh.

Xin thông báo tin buồn tới toàn thể hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, bạn
đọc, người yêu thơ Nguyễn Quốc Anh và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất
tới tang quyến nhà thơ Nguyễn Quốc Anh.

NHÀ THƠ NGUYỄN QUỐC ANH

TIỂU SỬ NHÀ THƠ NGUYỄN QUỐC ANH:

Nguyễn Quốc Anh từng là lính pháo thủ.BNăm 1972 chuyên ngành về làm
chánh văn phòng Hội văn nghệ Hà Tĩnh. Học viên khóa 6 lớp bồi dưỡng
viết văn Nguyễn Du.Ủy viên Ban chấp hành Hội liên hiệp văn học nghệ
thuật Nghệ An khóa VI và khóaVII. Năm 2009 đến nay là chủ tịch Hội
văn học nghệ thuật thành phố Vinh.
.

TÁC PHẦM ĐÃ XUẤT BẢN (9 tập thơ và 2 tập văn xuôi):

– Tình yêu sáng sớm (in chung với Nguyễn Trọng Tạo năm 1974)

– Gập gềnh lối cỏ.

– Trái mùa hoa.

– Chua ngọt thường ngày.

– Lời cây.

– Bóng dài đường vắng.

– Nghìn dặm chân trần.

– Gửi ngân hà.

– Tâm trạng.

– Rong chơi cùng Thần Chết (truyện ký).

– Gió Ngàn (tập truyện ngắn).

GIẢI THƯỞNG:

-Giải B và C văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương

No Responses Yet

  1. LỜI CHIA BUỒN CỦA NHÀ THƠ LÊ DUY PHƯƠNG

    Thân gửi chị Minh và các cháu,

    Hôm trước vợ chồng tôi vào thăm Quốc Anh, tuy chỉ còn xương bọc da nhưng Quốc Anh vẫn thế, vẫn vui vẻ, nhờ vợ lấy sách và ký tặng vợ chồng tôi. Lại còn bảo tôi anh tranh thủ gặp các anh lãnh đạo thành phố tạo điều kiện cho tạp chí Văn nghệ Vinh được ra đều đặn hơn.

    Bạn bè chắc đau lắm vì mới Nho Liêm đi đó, nay lại Quốc Anh, nên chẳng ai điện cho tôi cả, chỉ xem blog Nguyễn Trọng Tạo và trang web trannhuong.com tôi mới hay.

    Văn nghệ Hà Tĩnh thời chống Mỹ ra đi nhiều rồi, bao nhiêu kỷ niệm trào lên. Những ngày xưa đẹp lắm, đẹp lắm bây giờ mơ cũng không có. Mình lại giở lại cuốn thơ chân dung nhà văn, mình viết cho Quốc Anh:

    Biết là chua ngọt thường ngày
    Bóng dài đường vắng gió đầy nắng mưa
    Gập ghềnh lối cỏ xa xưa
    Anh ngày ấy đến bây giờ vẫn anh

    Hà Tĩnh hồi đó có 2 Quốc Anh, Quốc Anh người Bắc vào dạy học ở Đức Thọ cũng làm thơ:

    Thằng con trai Thạch Linh thương mẹ
    Ra tận xã Đoài chiết một cành cam
    Mới vun gốc đã mong ngày hái quả
    Bổ trái cam vàng thơm ngọt mẹ ăn

    đã hi sinh ở trận địa pháo với biết bao thương tiếc của bạn bè văn nghệ lúc bấy giờ.

    Nay Quốc Anh lại đi mà chỉ mới 68 tuổi, thương tiếc lắm một con người hiền hậu, lạc quan, chân tình.

    Cho vợ chồng tôi gửi đến Minh và các cháu lời chia buồn sâu sắc.

    Lê Duy Phương

Bình luận về bài viết này