Đọc “Ngang Qua Cuộc Chơi” của Trần Huy Thuận


LÊ THANH DŨNG

Cuốn sách như một mâm cơm có ba bốn món thôi nhưng đầy hương vị đậm đà, ăn có thể đến no nhưng không chán. Người ăn thấy đó là những món ăn Việt hẳn hoi thậm chí “định vị” được nó hình như… ở đồng bằng bắc bộ, nhấm nháp kỹ chút nữa thấy có vẻ như ở quê cụ Tam Nguyên, cụ Tú nữa kia. Tôi nghĩ tác giả không siêu và cũng không…lẩn thẩn đến mức định hình văn phong trước khi viết đâu mà vùng đất nó ngấm vào người thế nào thì nó ra câu ra chữ thế. Nói vậy vì người vùng này thấy cách tư duy và câu chữ viết ra của tác giả nó quen thuộc, vậy thôi. Nó mộc mạc, nó có tiếng cười, nó chua cay nhưng nó thanh chứ không thô. Nó… thế nào nữa thì không dám nói vì nếu ai đó bảo tác giả là tay ngang với văn chương thì người viết những dòng này cũng …ngang không kém, yêu văn chương mà cũng chưa biết yêu thế nào cho ra yêu.

Một cuộc chơi mà tác giả lại chỉ đi ngang qua thôi, như anh chàng hai tay đút túi đi chợ huyện la cà quán nọ lều kia rồi về làng kể chuyện bâng quơ. Nhưng cái chợ mà tác giả đi chơi đó không có phiên, nó họp cả đời, và tác giả đã la cà ở đó cả đời. Nói là “ngang qua” vậy thôi nhưng ngang đi rồi lại… ngang lại, anh chàng ham chơi quá, đến già mà chưa chán chợ. Thế rồi lại còn tý toáy mang ra cái máy ảnh cà tàng, chụp đây một nhát kia một nhát, cái máy ảnh mà các phóng viên chính hiệu chẳng xài. Thế mà ra những cái ảnh được giải hẳn hoi, giải hàng tỉnh chứ đâu phải giải huyện và quan trọng hơn cả là được công chúng tấm tắc tán thưởng!

Quay trở lại cái mâm cơm bày ra, nó ngon nó đậm đà, có chát, có chua, có cay, có đắng và quí hơn cả là có công sức có tấm lòng của ông chủ hiền lành và hiếu khách cho nên người ta chẳng mấy bận tâm với đôi ba hạt sạn, vài miếng thái chưa khéo (mà kìa hình như có ông khách không vui, hẳn là dị ứng với món nào đó, cay quá hay đắng quá không nuốt nổi chăng, thôi đành chịu vậy chứ biết làm sao, tội nghiệp…)

Cái hay và quý của những câu chuyện những bài viết trong cuốn sách, theo tôi biết, là thật trăm phần trăm, nếu có chỗ chưa thật thì chỉ là nó chưa nói hết, chưa nói đến trần trụi ra mà thôi. Thế mới có chuyện người sống cùng thời cùng nơi với tác giả đọc chuyện nào thì biết ngay nhân vật của câu chuyện là ai.

Một câu chuyện xảy ra, nhiều người thấy chẳng có gì đáng nói thế mà qua con mắt và bàn tay của Trần Huy Thuận chuyện đã thành truyện. Thế là tài chứ sao nữa. Tôi nhớ trong cuốn phim làng Vũ Đại Ngày Ấy, khi biết anh giáo Thứ định viết truyện về anh Chí, chị vợ lạ lắm và cười: “Anh Chí thì có chuyện gì mà nói.” Nhưng rồi anh “Chí Phèo” có chuyện gì thì ai cũng biết, cả thế giới cũng biết.

Một bình luận

  1. Xin cám ơn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và dịch giả Lê Thanh Dũng.
    THT

Bình luận về bài viết này