TRÒ CHUYỆN VỚI CON KHỈ (LÁU) CỦA NHÀ VĂN ĐỖ CHU


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Đõ Chu - Ảnh Nguyễn Đình Toán

NTT – Trưa nay ghé hội Nhà Văn rủ nhà văn Đỗ Chu cùng nhà thơ Trần Trương, Văn Chinh, Lê Khánh Duy ra Hải Xồm uống rượu, mới biết bác Đỗ sắp được Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT (giải Nhà Nước thì bác được lâu rồi). Chợt nhớ một bài viết về bác Đỗ cách đây 10 năm cho chuyên mục “Đối thoại trong mơ” do tôi mở ra trên báo Tiền Phong nhưng bài này không được in. May quá, bản thảo vẫn còn. Tôi để nguyên thời gian trong bài và đánh máy đưa lên đây, gọi là giữ lại một bài viết, đồng thời hầu bạn đọc yêu văn bác Đỗ…

(Đối thoại trong mơ)

Tôi đang ở Hà Nội, không hiểu sao bỗng đi lạc vào đoạn khe cạn tận rừng Trường Sơn và mắc vào những sợi dây rừng chằng chịt. Bỗng dưng xuất hiện một con khỉ già có khoang trắng ở ngực. Nó đến gỡ giùm tôi những sợi dây. Tôi thoát ra khỏi những sợi dây rừng, và nói lời cảm ơn con khỉ già thông minh và tốt bụng. Chợt tôi thấy con khỉ có vẻ quen lắm, như đã gặp nó ở đâu rồi. Tôi nói:

– Khỉ ơi, hình như tôi đã gặp anh ở đâu rồi phải không?

Con khỉ có khoang trắng ở ngực, cười hóm:

– Chắc anh đã đọc truyện Ráng đỏ của bác Đỗ Chu! Tôi là con Láu trong Ráng đỏ đây.

Thì ra là Con Láu, một nhân vật chỉ xuất hiện chốc lát trong truyện Ráng đỏ, mà mấy chục năm rồi tôi vẫn chưa quên được. Dạo ấy con Láu còn nhỏ. Rừng bị ném bom, mẹ con Láu ôm nó rơi xuống từ một cành cây. Mẹ chết, con Láu được anh Hàm bộ đội lái xe Trường Sơn nuôi. Người yêu của Hàm là cô Chuyên thanh niên xung phong đóng gần khe Cạn đã phải ghen với nó. Nhưng cô Chuyên đã hi sinh anh dũng, còn con Láu thì vẫn sống đến bây giờ. Nó cũng đã hơn ba mươi tuổi rồi.

– Anh vẫn còn nhớ nhà văn Đỗ Chu? Tôi hỏi.

– Quên sao được. Nhờ có nhà văn Đỗ Chu mà tôi được lên báo lên sách. Từ đó tôi tìm mọi cách để đọc văn bác ấy. Văn bác ấy thật mê ly, như có một điệu nhạc réo rắt du dương vang ra từ câu này đến câu khác. Đặc biệt là những truyện ngắn viết thời chiến tranh chống Mĩ. Tôi còn nhớ như in các truyện Thung lũng Cò, Hương cỏ mật, Mùa cá bột, Phù sa, Trung du, Gió qua thung lũng, v.v… Truyện của bác ấy đẹp và buồn. Đọc xong cứ xao xuyến lâng lâng. Có hôm đọc xong truyện bác Đỗ Chu, tôi ngồi lặng cả ngày nghe suối chảy, chim kêu, lá reo mà thương cho những nhân vật trong truyện. Và hễ nhớ tới bác ấy, không hiểu sao tôi cứ nhớ tới hai câu thơ tuyệt vời của thi sĩ Xuân Diệu:

Long lanh tiếng sỏi vang vang hận
Cây nhớ tầm dương nhạc nhớ người.

– Có lẽ đấy là “tiếng vọng tâm hồn” của nhà văn Đỗ Chu! Tôi nói.

Bỗng con Láu khẽ khàng đọc một đoạn văn trong Hương cỏ mật: “Những sợi cỏ rất thơm, rất dai, rất óng. Cuối đông, người làng em lên núi voi đốt cỏ lấy tro, lửa cháy bập bùng suốt đêm. Sáng ra đánh trâu qua núi, nhìn thấy lưng Voi bị cháy loang lổ, lòng đứa nào cũng thấy thương thương, tưởng như trên mình bị trầy da xước thịt”. Văn ấy không chỉ đẹp và buồn, mà còn có cả tấm lòng, gan ruột của người viết.

– Tôi đọc Đỗ Chu không được nhiều như anh Láu đâu. Nhưng tôi cũng thích văn Đỗ Chu lắm. Lại còn nhiều lần được nghe bác ấy cao đàm khoát luận mê mẩn cả người.

– Nhà văn ta nói hay như Đỗ Chu không nhiều. Nhưng quan trọng với nhà văn không phải nói mà là viết. Tôi cũng đã đọc mấy truyện vừa và cả tiểu thuyết của bác ấy, văn thì vẫn hay đấy, nhưng bác ấy không giỏi khắc họa tính cách và số phận nhân vật tiểu thuyết. Có lẽ bác ấy chỉ giỏi về truyện ngắn thôi.

– Đỗ Chu có viết tiểu thuyết đâu? Tôi nói:

– Thế anh không đọc cuốn Đám cháy trước mặt sao? Bác ấy ghi hai chữ “tiểu thuyết” đấy thôi!

– Ấy thế mà tôi cứ tưởng là kí sự. Tôi thật là sơ suất quá!

Con Láu bỗng hỏi tôi có vẻ hệ trọng:

– Anh quen với bác ấy, có bao giờ anh thấy bác ấy lo sợ cho cái nghề viết văn của mình không?

– Làm văn ai mà chẳng sợ mình viết cái sau dở hơn cái trước. Thậm chí có lúc Đỗ Chu còn sợ mình không viết được nữa ấy chứ. Có một đêm cách đây 20 năm, tôi và Đỗ Chu ngủ ở nhà Nguyễn Đình Chính. Một giờ sáng, bác ấy dậy hút thuốc lào và đánh thức tôi dậy mà hỏi: “Cậu có giỏi tử vi không? Cậu xem tớ có còn viết văn được nữa không?”. Dạo ấy không thấy Đỗ Chu viết gì. Chiều Đỗ Chu, tôi vờ bấm độn cho tuổi Giáp Thân của bác ấy và phán: “Dần thân tị hợi tứ hành xung. 8 năm tới là năm kỉ tỵ, năm bác 46 tuổi, nếu không viết được một cái truyện thật hay thì đời văn của bác coi như tàn”. Đỗ Chu hơi hoảng, nhưng nói trấn an: “8 năm nữa còn dài chán. Tớ thử đợi xem sao!”.

– Anh ép bác ấy quá. Khổ thân – con Láu nói buồn.

– Ấy vậy mà cuối năm 1989, Đỗ Chu viết được truyện vừa Mảnh vườn xưa hoang vắng hay đáo để.

– Cái chuyện ông Đống đại tá về hưu lấy được vợ trẻ đẹp. Tôi đã đọc cuốn sách ấy rồi. Bút lực của bác Đỗ Chu ở truyện này thâm hậu ghê gớm. Thế mà có kẻ bảo văn bác ấy là “văn tác phẩm tuổi xanh” thì oan cho bác quá trời!

– Mấy nhà phê bình họ thích gây sự chơi. Chứ truyện ông Đống đoạt giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam đấy anh Láu ạ. Vừa rồi, bác ấy lại còn nhận được giải thưởng Nhà Nước nữa.

Con Láu bỗng reo lên:

– Nhà nước thật sáng suốt! Anh về Hà Nội cho tôi gửi lời mừng bác ấy nhé. Bác ấy cầm tinh tôi ấy mà.

Bỗng một trận bom nổ dữ dội. Tôi ôm con Láu nhảy vào hang đá, đầu chạm vào một vật gì thật cứng. Thì ra đấy là bức tường nhà tôi.

Tháng 9 – 2001

2 bình luận

  1. Bài này bác viết thật ngộ và nhận xét (của con Láu) xuất thần về văn bác Đỗ Chu.
    Đọc rất vui. Cám ơn bác Tạo.

  2. Ha ha ha… Tuyệt cú mèo.
    Cách viết này hay quá bác ạ.

Bình luận về bài viết này