TRẦN ĐĂNG KHOA VÀ NỖI BUỒN SAU ÁNH HÀO QUANG (2)


THIÊN SƠN

>> Phần 1
(Tiếp theo và hết)
May mắn nhất đời của Trần Đăng Khoa là anh đã được sinh ra ở một đất nước yêu văn chương và trong một thời đại hoàng kim của thi ca. Cuối những năm sáu mươi, đầu những năm bảy mươi của thế kỷ trước nhà thơ chiếm một vị trí hàng đầu trong các bậc thang giá trị của người Việt. Mỗi một câu thơ, bài thơ hay ra đời liền được đón nhận với tấm lòng trân trọng của đông đảo bạn đọc. Và nhà thơ sống trong hào quang rực rỡ ấy đã được kích thích sáng tạo rất nhiều. Nhưng tài năng của Trần Đăng Khoa đến sớm và chỉ sau khoảng dăm năm anh gặp phải những khó khăn gay gắt trong sáng tạo. Khi đã vượt qua tuổi lên mười, Trần Đăng Khoa không thể viết theo lối cũ được nữa, những biến đổi trong tâm lý và những yêu cầu mới đối với một tài năng đã làm anh phải trăn trở. Trần Đăng Khoa bắt đầu viết trường ca, và làm những bài thơ bớt hồn nhiên, dần mang đậm yếu tố suy tư với những cung bậc sâu lắng dần. Anh dần thoát khỏi cái hoàn thiện trẻ thơ và bắt đầu hình thành một giọng điệu mới. Nếu không phải là một tài năng lớn, Trần Đăng Khoa sẽ không thể vượt qua bước ngoặt hiểm nghèo này. Cuối cùng thì Trần Đăng Khoa cũng thành công khi anh lột xác thành cái giọng điệu tâm tình qua những bài thơ thuở bước chân vào lính và dấn thân trên những chiến trường ác liệt ở biên giới Tây Nam, hay sống cùng với lính đảo tận Trường Sa sóng gió. Thơ Trần Đăng Khoa dần lấy lại sự hồn nhiên và độc đáo trong hình tượng, trong giọng điệu ở tuổi hai mươi. Tập thơ Bên cửa sổ máy bay là một đỉnh cao mới trong sáng tác của anh.

Đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, sau những năm lăn lộn trong quân ngũ, trải qua những chiến trường nóng bỏng, những địa danh khắc nghiệt, và kết thúc những năm học tập ở Viện viết văn Gorki tại Liên Bang Nga, Trần Đăng Khoa đã trở thành một người trải từng và uyên bác. Thơ Trần Đăng Khoa lúc này mang nhiều suy ngẫm về kiếp người, về vinh quang và đau đớn, về sự mất còn trên thế gian đầy đổi thay, tráo trở. Không còn hồn nhiên như xưa, nhưng anh vẫn luôn giữ được giọng chân tình, giản dị, những ý tứ sâu xa và sự xuất thần. Làm sao có thể nói thơ Trần Đăng Khoa lúc này không hay? Chỉ có điều anh làm thơ ít hơn trước nhiều và càng ngày càng ít dần đi.

“Chú nói đúng đấy” – Trần Đăng Khoa chia sẻ ý nghĩ của tôi về một thời đại mà dường như thơ đang suy tàn, thơ đang mất dần chỗ đứng trong đời sống hiện đại. “Từ năm 1984 anh đã nói, mà chính ông N.I.Niculin đã ghi lại đấy, anh nói rằng, thơ suy tàn trên toàn cầu. Thơ sẽ chỉ còn thu hẹp lại trong một số ít người. Nhưng thơ không chết đâu nhé. Thơ vẫn sống, với một đời sống khác và sức ảnh hưởng của nó cũng giới hạn hơn”. Trong cuộc sống nhiều thay đổi, đổ vỡ cả từng mảng giá trị và lý tưởng, cả những hệ thống chính trị đã tồn tại trong hàng chục quốc gia đã khiến con người phải nhận thức lại nhiều điều. Ở trong nước, công cuộc đổi mới kích thích nhiều xu hướng mới trong sáng tạo văn học nói chung, thơ ca nói riêng. Người ta nói nhiều đến cách tân, đến việc tìm kiếm những lối viết mới phá vỡ khuôn mẫu truyền thống, du nhập cách cấu tứ và và cảm nhận của thơ phương tây. Thơ Việt vì thế phong phú về giọng điệu và sắc màu. Nhưng rồi, như một định mệnh không thể tránh, thơ dần xa công chúng và mất dần độc giả.

Trần Đăng Khoa đành thoát ra khỏi thơ. Anh bảo thơ bây giờ chỉ còn là một phần trong sáng tác của anh. Trần Đăng Khoa viết tiểu thuyết, viết truyện ngắn, viết phê bình, chân dung văn học và nhiều thể loại khác. Vẫn với một giọng điệu riêng không lẫn với ai, với những câu chữ xuất thần, cái duyên văn như có ma lực Trần Đăng Khoa lại chinh phục không ít người. Những Chân dung và đối thoại, Đảo Chìm, Người thường găp… đã để lại nhiều tiếng vang trong làng văn khoảng hơn mười năm trở lại đây.

Trần Đăng Khoa thường rất bận rộn. Hàng ngày có bao nhiêu người ngưỡng mộ muốn xin gặp anh, có bao nhiêu việc ngoài kế hoạch xen vào khiến anh phải giải quyết. Có cả những việc tế nhị mà anh không dễ chối từ. Vậy nên anh thường phải cố gắng và nhiều khi không thể giải quyết hết. Những ngày rời Ban Văn Nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam để sang xây dựng kênh phát thanh có hình VOVTV, nhiều hôm anh phải ở lại cơ quan đến khuya, thậm chí ngủ lại cơ quan. Trong giai đoạn đầu, tất cả còn ngổn ngang, Trần Đăng Khoa ngồi bệt xuống sàn nhà để chỉ đạo anh em làm việc, mồ hôi lấm tấm trên áo anh. Những lúc ấy tôi thấy anh thực vất vả, cực nhọc như một thợ cày. Và cũng thấy anh nhiệt thành, hết lòng với công việc chung biết bao.

Những lần làm việc với Trần Đăng Khoa tôi thấy anh chẳng bao giờ sai hẹn cả. Những lời anh hứa thì dù bận mấy anh cũng làm. Có lúc không làm được thì anh gọi điện giải thích rõ lý do. Trần Đăng Khoa không hề đãng trí như có người vẫn nghĩ. Anh có trí nhớ lạ lùng. Có khi sau mười năm anh ngồi hỏi thăm tôi về một người bạn cũ mà tôi đã đưa đến thăm anh chỉ một lần duy nhất. Lúc bình lặng trông anh bình dị, có phần cô đơn. Anh phàn nàn, bạn bè ít người hiểu mình. Có những người thân thiết hẳn hoi, khi viết bài đã dựng những chi tiết hoàn toàn xa lạ với con người thực của anh. Thực ra lúc đối diện với chính mình anh thường nặng trĩu suy tư. Nhà thơ như anh sao có thể làm ngơ với những cảnh đời đau đớn, những nghịch lý của số phận con người và sự nhiễu nhương của thế cuộc.

Có lúc Trần Đăng Khoa cũng muốn bỏ đi lang thang đây đó. Muốn được tự do làm những gì mình thích mà không bị ai chú ý. Nhưng buồn thay, anh đi đến đâu là có người nhận ra ngay. Có muốn giấu mình, có muốn “vi hành” cũng không được. Anh bảo với tôi: “Hạnh phúc là lẫn vào số đông”. Tâm trạng của Trần Đăng Khoa hơi lạ lùng là anh chán cái sự nổi tiếng quá mức của mình. Nhưng anh dù có chán đến mấy, có muốn hòa vào số đông cũng không được.

Tôi hỏi anh, liệu rằng thơ có trở lại thời hoàng kim lần nữa? Trần Đăng Khoa nói thơ sẽ lại khẳng định vai trò của nó sau một thời kỳ suy thoái. Anh cũng nói thêm, anh không thích lối viết cầu kỳ, rắc rối. Thơ cần dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, để lại những ám ảnh trong nội tâm. Dĩ nhiên tôi hoàn toàn tán thành với anh, hãy cảnh giác với cái mớ bòng bong ngôn ngữ mệnh danh là thơ, hãy coi chừng với những tuyên ngôn cách tân thơ một cách sáo rỗng.

Một lần Trần Đăng Khoa nhận rằng mình đã già và “không đắc đạo”. Có thể đó là lối nói khiêm tốn, cũng có thể đó là ý nghĩ chân thành của chính anh về bản thân mình. Còn tôi, ở góc nhìn của một người đàn em, lớp sau nhìn về những thế hệ đi trước, hãy cho tôi cả quyết rằng, trong những bậc danh tài còn lại của thế kỷ hai mươi, chắc chắn Trần Đăng Khoa có một vị trí riêng không thể phai mờ. Và những gì chúng ta biết về Trần Đăng Khoa hôm nay chỉ mới một phần, anh vẫn còn có thể làm nên những điều bất ngờ dậy sóng trong làng văn.

Hà Nội 29-9-2011

8 bình luận

  1. Tu thân phương tiện …
    .
    Tôi không phải fan của Trần Đăng Khoa, nhưng rất nhớ lời tán tụng của người anh rể (đã mất) về tài năng của “cậu bé” Trần Đăng Khoa: Nó tả “tiếng rơi rất nhẹ như là rơi nghiêng” thì thật là tài! (Anh có 2 con gái cũng thuộc loại “học sinh giỏi” và nay đều là bác sỹ; Việc kể cho con nghe về các tài năng cũng là một “khoa” hay để động viên con cái.)
    .
    Bài viết thật có nhiều thiện ý, nhất là câu cuối: “…, anh vẫn có thể làm nên những điều bất ngờ dậy sóng trong làng văn.” Chữ “làng văn” làm tôi tự nhiên nhớ đến câu “Lập thân tối hạ thị văn chương”; Tôi không biết có phải gặp lại lần đầu nơi Trang nhà này của bác Tạo; nhưng có khảo ông Trương Thái Du và thấy ông cố sửa với chữ “tối tiểu”. Bản thân tôi suy ngẫm thì thấy có thể viết khác đi: Tu thân phương tiện thị văn chương – Văn chương là phương tiện tu rèn con người để thành người vậy. Và như thế, lúc nào nghĩ đến nhà văn, nhà thơ, (văn nghệ sỹ nói chung), tôi thường nghĩ đến câu của nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Làm thằng nhà văn, lúc này …”. Tôi hiểu và muốn dùng chữ “nghề” thay tạm cho chữ “thằng” rất thực của Nguyễn Minh Châu; Và như thế thì bất cứ “nghề” gì cũng phải nghĩ “LÚC NÀY” hơi thở và tiếng nói của cuộc sống là gì?
    .
    Hơi thở của cuộc sống lúc này là Hoàng Sa, Trường Sa; Tiếng nói của cuộc sống lúc này là “Biểu tình Lòng Yêu Nước” – “Bản quyền” của bác Nguyễn Trọng Tạo.

    Cuộc sống không chỉ “dậy sóng” vì những điều “bất ngờ” mà vì những điều con người và cuộc đời cháy bỏng mong chờ và đòi hỏi ngay LÚC NÀY.
    .
    Trân trọng và thân mến.

  2. Độc giả rất mong Trần Đăng Khoa có điều gì đó bất ngờ trong thời đại ngày nay. TĐK- một nhà thơ nổi tiếng- rất trong sáng minh bạch, nhiều người hâm mộ…chắc chắn ông đang có nhiều trăn trở,lương tâm cắn rứt, không dễ nói ra…

  3. TĐK giỏi thì ai cũng thấy, không cần chứng minh
    Nhưng cái khổ của TĐK là vẫn bị vòng kim cô nó siết, cởi cũng không ra vì nó ăn vào máu rồi!!! Chắc chắn TĐK vốn thông minh xuất chúng biết rõ điều đó, nhưng vì cơm áo… Cho nên có lẽ anh rất đau mỗi khi nghĩ tới.Chúng tôi thì thông cảm với thần tượng thơ thiếu nhi 1 thời vì anh không phải thánh nhân. Cho,nên anh /TĐK biết hơn Thiên Sơn rằng anh sẽ mờ sau chỉ ba chục năm nữa mà thôi.Đau cho làng văn VN là hiếm có những danh nhân forever như Paasternax, Bungacov, Svetaeva….những người cứ thơ văn theo ý muốn mà làm chứ không làm quan văn nghệ…

    • Tôi không nghĩ thơ thời trẻ con của TĐK sẽ “mờ” như anh dangminhlien nói. Vì những thơ thật hay của thời trẻ con có sự ngây thơ, hồn nhiên, nên sẽ vĩnh hằng.

      • To Gmail Minh:Tôi không bao giờ tranh luận với các vị đội NIck, chỉ khuyên nên đọc ” Đi tìm cái tôi đã mất ” và ” Hồi ký của 1 thằng hèn “… và đọc sonjenitsun, Pasternax….

  4. Trần Đăng Khoa đã là người lính đảo ! Vâng , ông có biết ta bị mất đảo Hoang Sa không nhỉ ! hình như em chưa thấy ông ‘phàn nàn ‘ trong thơ !

  5. Dù thích hay không, TĐK vẫn là một tài năng đích thực của nghệ thuật văn chương . Hiềm một nỗi, ông ta thoát thai mầm mống sáng tạo từ một chế độ xã hội, mà cũng chính chế độ ấy đến một lúc nhất định nào đó, lại luôn luôn triệt tiêu mọi khả năng sáng tạo của con người. Giỏi mấy, anh cũng chỉ như thế là chấm hết !

  6. Tội nghiệp cho tuổi thơ của Trần Đăng Khoa !. Vì anh sống ở nước CHXHCNVN . Nó cũng gần giống như nỗi khổ cô đơn { không có đàn ông } của chị Quyên , người vợ còn rất trẻ của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi. Không đi tiếp bước nữa , đơn giản chỉ vì chị là vợ của Anh hùng liệt sĩ thôi . Tôi chọt nghĩ ,ở nước Mỹ xa xôi ,đến vợ của Tổng thống G. Kennơđi còn được đi lấy chồng mà .

Bình luận về bài viết này