SAI KHÔNG AI CHỊU SỬA


NTT – Nhà thơ Phạm Tường Vân vừa chuyển cho tôi bức thư của chị Đào Phương Liên (con của nhà thơ Lê Đạt) cho biết tên thật của nhà thơ là Đào Công Đạt, nhưng nhiều cuốn sách đã in sai họ Đào của ông thành họ Đà. Sự cố này chắc là lỗi của “người đánh máy”? Nhưng chả lẽ những người đánh máy ở nhiều cơ quan khác nhau đều cùng sai một lỗi như vậy? Đọc lá thư này, tôi thấy cần đưa lên đây để các nhà biên soạn những công trình văn học hay khoa học… hãy cẩn trọng với công việc của mình, và khi có lỗi thì đừng đổ vấy cho “người đánh máy”, hay những tài liệu đã in sai trước đó mà mình cóp được.  
 

THƯ

 
Monday, September 19, 2011 3:26 PM
 
Tường Vân ơi, 
Chi đang cầm trên tay cuốn VĂN HỌC VN THẾ KỈ XX ( thơ ca 45-75 _ quyển 4 tập VIII ) của NXB VĂN HỌC – 2010. Nhóm biên soạn PGS.TS Khánh Thơ ( chủ biên) cùng PGS.TS Nguyễn đăng Điệp, Nguyễn Bích Thu, ThS Đoàn Ánh Dương. Hội đồng tư vấn biên soạn gồm có  HUY CẬN, NGUYỄN ĐÌNH THI, HÀ XUÂN TRƯỜNG (mấy vị này đóng khung đen – vì đã mất). Ngoài ra là TÔ HOÀI, ANH ĐỨC, HỮU THỈNH, HÀ MINH ĐỨC, TRẦN THANH ĐẠM, MAI QUỐC LIÊN, NGUYỄN VĂN LƯU. Thư ký biên soạn NGUYỄN CỪ – NGUYỄN THỊ HẠNH.
 
Nội dung là in thơ theo vần ABCD tên các nhà thơ. Ở phần thơ bố Đạt, với cái hình chụp xấu là những dòng tiểu sử: họ tên ĐÀ CÔNG ĐẠT, ngày sinh, ngày mất và tham gia kháng chiến chống Pháp và hoạt động văn học từ đó cho đến lúc mất. Tác phẩm chính: Bài thơ trên ghế đá 1955, Ngó lời1991, Bóng chữ 1994, Hèn đại nhân 1994.
 
Những bài thơ trích đăng ( khoảng 40 trang) hầu như không có bài nào tiêu biểu của ông như CHA TÔI hay NHÂN CÂU CHUYỆN MẤY NGƯỜI TỰ TỬ,  BÓNG CHỮ, ÔNG THỢ CẢ…có bài MỚI  và LÀM THƠ in trong số NHÂN VĂN xưa tuy nhiên bài LÀM THƠ, ông có mở ngoặc ( Trích thơ gửi người  yêu) thì lại ghi ( trích thơ gửi người Việt).
 
Gia đình không ai biết sự có mặt của cuốn sách cho đến khi Văn (con bác Trần Dần)  làm ở Đài Truyền hình Hà Nội,đến làm chương trình về công trình đồ sộ này. Vì thế Uẩn được báo. Nhưng khi đến, gặp mấy cô ở phòng trưng bày sách của NXB, Uẩn hỏi họ trả lời không có – Có lẽ khi Uẩn xưng danh ông, họ không biết chăng? Bởi KHÔNG AI TÌM RA LÊ ĐẠT, HAY ĐÀO CÔNG ĐẠT (?). Phải khi Văn đưa tới, vào phòng tài vụ, tra máy mới tìm được.
 
Chị có đọc trên mạng, ngày bố mất rằng, một người được giao nhiệm vụ viết về bố nên đã cẩn thận tra tìm trong mấy cuốn sách của HNV, cuốn năm 97 và 2007 đều viết Đà Công Đạt, gọi đến Hội cũng được bảo như vậy. Sau đó họ mới liên lạc được với Uẩn và biết ông họ Đào. Nhưng giờ sách ra 2010 mà vẫn vậy thì tệ quá.
 
Chị nhờ em xem có thể lên tiếng về  thói quan liêu cũng như cách họ đối xử với các tác giả, tác phẩm. Vì chị nghĩ em biết nhiều hơn chị trong làng văn trận bút và khách quan hơn, viết không chỉ cho bố mà còn để xóa bỏ sự tùy tiện rất phản văn hóa của những nhà mang danh văn hóa.
 
 
Đào Phương Liên

Một bình luận

  1. Anh Tạo mến- Tôi muốn gửi thư nhờ anh một việc mà không biết viết vào đâu nên viết tạm vào bài này , nhờ anh một việc sau :
    Tôi làm du lịch, thường xuyên gặp du khách nước ngoài , rất nhiều người phản ứng khi cầm tờ tiền 10 và 20 ngàn của ta . NGười ta nói rằng đó không phải là tờ tiền có giá trị bởi vì nó nhòe nhoẹt , không thể gọi là đồng tiền được. Tôi cũng thấy hổ thẹn về những đồng tiền ấy anh Tạo ạ! Người ta cứ nói kính yêu và học tập bác HỒ mà sao lại để hình của bác lem nhem thế ? KHông biết ngân hàng nhà nước có biết hổ thẹn không anh Tạo nhỉ ? Làm một bài về vấn đề này nhé , anh yêu cầu ngân hàng thu lại những tờ tiền ấy đi .cảm ơn anh Tạo trước

Bình luận về bài viết này