ĐỌC CHẬM THƠ TRỌNG KHÁNH


NTT – Nhà thơ – nhà giáo ưu tú Trọng Khánh (tên đầy đủ là Nguyễn Trọng Khánh). Ở Thái Bình, nơi anh sinh ra và dạy học, rất nhiều người biết anh, vì anh rất nổi tiếng dạy môn hóa học. Nhiều học trò của anh có tên trong các đội tuyển thi hóa quốc tế. Nhưng anh cũng là một nhà thơ, từng nhiều lần đoạt giải thưởng thơ từ trung ương tới địa phương. Đã ngoài sáu mươi, anh luôn phải chống chọi với những căn bệnh hiểm nghèo và viết thơ ký thác với miền quê yêu dấu của mình. Dưới đây là bài viết của tôi đề tựa cho một tập thơ của anh xuất bản năm 2003.

NGUYỄN TRỌNG TẠO 

ĐỌC CHẬM THƠ TRỌNG KHÁNH

Đọc gần trăm bài thơ của Trọng Khánh không thể đọc nhanh. Cái giọng dềnh dàng rỉ rả lóng lánh duyên thầm như níu người ta lại: Cái giong không Tây không Âu không Kim không Cổ không Tỉnh không Quê lại cứ khâu vào người ta như kim như chỉ như lúa chín như cỏ may nhằm nhặm thịt da. Cái giọng lúc làm ta vui khi làm ta buồn, lúc làm ta đau khi làm ta xót, lúc làm ta yêu khi làm ta tủi, và không ít khi làm mắt ta cay. Đấy là cái giọng của người chân thành, người si mê, người thanh thản đi qua bể khổ sân si của cõi người.

 

Nói đến người Việt thì không ai là không mang trong mình dòng máu của một quê hương lúa nước. Nhưng người Việt sinh ra ở Thái Bình, sống ở Thái Bình thì hình như có khác. Cái tỉnh duy nhất ở Bắc Bộ được ghép lại bằng những cánh đồng bát ngát mênh mông lúa nước, mùa xanh thì xanh mởn, mùa vàng thì vàng hươm, đến nỗi làm cho người ta phải nghĩ cái câu thành ngữ “thẳng cánh cò bay” chỉ có thể được sinh ra ở Thái Bình. Tôi đã có một mùa lãng du ở đấy với những văn thi sĩ Kim Chuông, Trọng Khánh, Võ Bá Cường, Đức Hậu, Bùi Hoàng Tám… và phát hiện ra rằng, Thái Bình không có núi đất, núi đá, nhưng Thái Bình vẫn có những ngọn Nhân Sơn sừng sững, đấy là Lê Quí Đôn, Kì Đồng và bao nhiêu “ngọn” khác. Chỉ khi đã hiểu được điều đó, tôi mới tự giải thích vì sao Trọng Khánh lại có cái giọng thơ thông thoáng gió đồng, nhằm nhằm thịt da.

 

Đọc chậm Trọng Khánh mới thấy rõ anh là người yêu quê – hiểu quê, yêu người – hiểu người. Những hiểu biết tâm can ấy đã thức dậy những con chữ tự nhiên như không cần đẽo gọt, không cần mài dũa, đánh bóng mạ kền. Nó là những con chữ của riêng anh, mang tinh thần của riêng anh. Anh thấy “Con trâu buồn nhai lại cả gốc đa/ Răng bừa còm cắm không tan vầng đất”. Anh thấy “mẹ già hơn gió đông”. Anh thấy “cành bàng lúng túng với trời xanh”. Và anh gọi những nhiếp ảnh tài hoa là “vị thần ba mắt”. Vâng, có lẽ anh cũng vậy, anh đang làm thơ bằng con mắt thứ ba. Chỉ con mắt thứ ba mới nhìn thấy được “chất mặn tìm chất chát để thương nhau” khi giọt mồ hôi rơi vào bát nước vối. (Nếu không phải là một người dạy Hóa, chắc anh sẽ viết: Mặn mòi tìm đắng chát để thương nhau? Và cũng có lẽ nhờ thế mà Trọng Khánh có một câu thanh minh thật dễ thương: “Bui bui chiều thị xã/ Anh là người Tự Nhiên”. Tự Nhiên ở đây đã thoát ra ngoài ngành khoa học tự nhiên.Và anh trở thành người Tự nhiên thi sĩ.

 

Người Tự nhiên thi sĩ ấy đã làm nên bài thơ “Miền quê tháng sáu” thật đẹp, thật thương, thật bay, thật sáng. Cái miền quê Thái Bình – miền quê đặc sắc của Việt Nam cứ hiện dần lên theo những nhịp thơ khi tung tẩy rộn ràng, khi dồn nén trầm vang cùng những hình ảnh xưa và nay trộn lẫn đan cài như một tấm thảm ngũ sắc bay vào hiện tại với những “nón không quai”, với “đôi vỉ quài”, với “toàn những chuyện thần tiên/ Làng xưa vẫn đấy nhưng tên khác rồi”. Và đột ngột là những hình ảnh đứng chen nhau vừa nén lại vừa mở ra như không hết âm vang: “Người đi chợ ăn đứng/ Người đi cấy ăn ngồi/ Con cò áo trắng, con người áo nâu/ Lại con trâu/ Vẫn con trâu/ Đời mày kéo cả đời tao trên đồng”… Chữ “lại” và chữ “vẫn” tưởng lặp mà hóa ra vô cùng đắc địa. Cái sự níu kéo và chấp nhận đã đến độ “tự nhiên” như vậy thì chỉ có ở Trọng Khánh mà thôi. Và bài thơ được kết bằng khổ thơ không thể thay được chữ nào, ngỡ như tự nhiên nó đã được sinh ra như vậy.

 

Tháng sáu ngày xưa

Tháng sáu bây giờ

Đợi nhau bóng nắng tròn vo chân ngày

Em nhìn vào hai bàn tay

Cơn mưa thuở ấy còn đầy lòng nhau

Anh nâng cánh áo bạc màu

Vải diềm bâu nhuộm nước nâu quê mình.

 

Có thể nói “Miền quê tháng sáu” là một bài thơ tuyệt bút về miền quê đồng bằng Bắc Bộ. Vậy là Trọng Khánh có đi và có đến.

 

Tôi đọc chậm tên tập thơ “Nắng vào thu” và hiểu rằng không chỉ có nắng vào thu mà tác giả cũng đang vào thu. Ở cái tuổi vào thu trong bốn mùa trời đất, con người như cũng đang chín thơm cùng với thiên nhiên. Trọng Khánh đang chín. Không chín sớm mà cũng không chín muộn. Đấy là sự “tự nhiên” của riêng anh.

 

Khi viết những dòng này, tôi cứ nhớ mỗi lần gặp anh tôi đều có cảm giác là anh đang say. Nhưng anh bảo “chưa uống gì cả”. Thế là gọi bạn bè cụng li với nhau. Rượu đến trắng đêm, tôi tưởng anh say rồi, anh vẫn bảo “chưa”. Hóa ra anh chỉ uống rượu vì bạn. Và lúc đó tôi hiểu Trọng Khánh là người say tình say nghĩa. Thơ anh cũng vậy, những triết lí thường gượng, thiếu tự nhiên, nhưng tình thì đầy ắp và tràn chảy như sông, có cả trong và đục, có cả cỏ và hoa. Nhưng rồi dòng sông tự lắng lại cùng với mùa thu trong, và khi ta thấy dòng sông như không chảy, ta hãy đọc chậm thơ anh…

Hà Nội, ngày Trọng Thu, 2003

Bình luận về bài viết này