PHÊ BÌNH THƠ CẦN NHỮNG CẶP MẮT XANH


NGUYỄN TRỌNG TẠO

“Thơ, hay văn nghệ đều phải đi bằng hai chân: Sáng tác và Phê bình” – đó là câu nói của nhà thơ Hoàng Cầm trong cuộc tọa đàm về việc ra báo THƠ hồi tháng 2 – 1997. Trên trang “Bàn tròn về thế hệ thơ chống Mĩ”; nhà thơ Trần Nhuận Minh nhận định: “Thơ Mới sinh ra Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… thì đồng thời cũng sinh ra Hoài Thanh. Và vì thế, chúng ta có “một thời đại trong thi ca”. Thiệt thòi của các nhà thơ chống Mĩ là không có “một Hoài Thanh” của thế hệ mình…”. Và anh tự thán: “Ôi thương thay những thế kỉ thiếu phê bình!”. Còn các nhà thơ trẻ thời nay thì kêu rằng, họ phải mở interrnet truy cập các bài tranh luận thơ trên talawas! Đó là điều có thật, bởi phê bình thơ ở ta có vẻ mờ nhạt. Những người viết phê bình thơ không mặn mà với thơ, ngại đọc thơ, ngại viết phê bình thơ, và bên cạnh một số bài viết nghiêm túc lại xuất hiện quá nhiều bài viết quá dễ dãi, bốc thơm, quảng cáo hoặc phỉ báng thơ một cách thiếu thiện cảm, thiếu hiểu biết hoặc chủ quan quá thái. Một số người đã thẳng thắn phê phán “trường phái phê bình tuy nhiên”, nghĩa là khen một tí, chê một tẹo, có dở tuy nhiên có hay, có hay tuy nhiên cần hàm súc hơn nữa, vân vân và vân vân… Thực trạng phê bình ấy khiến cho thơ vốn đã mông lung lại càng mông lung hơn. Người đọc thơ thấy mình bị ngợp trong biển thơ, không bến không bờ… Vì thế mà gần chục năm nay, nhiều nhà thơ đã phải “nhảy” vào phê bình thơ, với ý thức “tự cứu lấy Thơ trước khi nhà phê bình cứu”. Đây là một công việc không mấy lạ, nhưng khi lực lượng nhà thơ viết phê bình gia tăng mạnh, nó trở thành một hiện tượng đáng chú ý và đáng suy nghĩ.

Lực lượng đông đảo này có thể kể đến Trần Mạnh Hảo, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hoàng Sơn, Vân Long, Hoàng Hưng, Lê Quang Trang, Hoài Anh, Vũ Quần Phương, Phạm Tiến Duật, Trinh Đường, Trần Nhật Thu, Ngô Minh Trúc Thông, v.v… những người đã in sách hoặc sắp sửa in sách, thậm chí có người đã in đến vài ba tập sách. Dù bị một số nhà phê bình chuyên nghiệp “lườm nguýt” cho rằng cảm tính, bếp núc, nhưng các nhà thơ viết phê bình vẫn phải viết, và nhìn chung tác phẩm của họ dễ đọc, thu hút được đông đảo công chúng, và có nhiều cuốn bán rất chạy, tạo thành hiện tượng chưa từng có trong “lịch sử phê bình” ở ta. Ngược lại, với hiện tượng này, là hiện tượng một số nhà phê bình “nhảy” vào sáng tác thơ. Hay dở chưa bàn, nhưng có thể nhờ thế mà họ có cơ hội đi sâu vào Thơ, đặng rút ra những bài học mới cho công việc phê bình thơ ngày càng chín chắn và sâu sắc hơn. Ấy vậy mà trên bàn biên tập của ban lý luận phê bình các tờ báo và tạp chí văn nghệ vẫn thiếu hụt đến mức báo động, các bài phê bình thơ, kể cả những bài “đọc sách”, “bình thơ”, hay những suy nghĩ nhỏ về thơ. Chính vì vậy mà trong Hội nghị lý luận phê bình văn học của Hội Nhà văn tổ chức tại Tam Đảo tháng 8 – 2003, vấn đề phê bình thơ đã được đề cập tới, như một bức xúc cần được quan tâm đặc biệt trong phê bình văn học ta những năm gần đây và nhiều năm tới.

Có người cho rằng, một nền văn học chuyển động thường phát lộ những cuộc tranh luận bút chiến lớn nhỏ. Nhiều cuộc tranh luận, bút chiến văn nghệ ở nước ta và thế giới thế kỉ XX đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên (lại tuy nhiên) trong những cuộc tranh luận đó thỉnh thoảng lệch ra để bàn về “văn hóa tranh luận” thì vấn đề cốt lõi vẫn là để khẳng định cái hay cái dở của đối tượng quan trọng nhất là văn nghệ và quan niệm về văn nghệ. Nhìn lại diễn đàn văn nghệ ta mấy năm gần đây, cũng có một số ít cuộc tranh luận hoặc trao đổi về thơ, nhưng phải nói là không mấy thỏa đáng. Hình như khi bị đụng chạm cá nhân, các tác giả (người phê và người được phê) thường mau nóng tính, giận dỗi. Người xưa nói “quá giận mất khôn” quả có thế thật. Thế là bút thành dao, thành búa, giấy thành hào, thành lũy, và đối tượng phê bình là văn chương bị bỏ rơi. Thêm nữa là sự dè dặt của các bản báo, đôi lúc quá “cẩn trọng”, nên không ít cuộc tranh luận chưa mở đã khép, chưa trao đã đổi… hướng. Thiệt thòi nhất không phải là người bị “đánh” mà là văn chương. Chính vì vậy mà chúng ta cần nhận rõ hơn nữa tầm quan trọng của phê bình, của trao đổi, của tranh luận.

Trở lại với phê bình thơ, công bằng mà nói những năm qua chúng ta đã làm được nhiều việc. Khẳng định thành tựu. Phát hiện tài năng. Tôn vinh cái hay, cái đẹp, cái chân, cái thiện. Nói chung là tôn vinh thơ, bởi thơ vẫn là món ăn tinh thần tuyệt vời nhất của con người Việt Nam vốn giàu truyền thống thơ ca từ lâu đời. Chúng ta hiểu sâu sắc câu nói của Octavio Paz: “Thiếu Thơ thì đến cả ăn nói cũng trở nên ú ớ”. Nhưng hiểu thơ để cổ súy cho cái hay cái đẹp của thơ là cả một quá trình tiếp cận, xâm nhập tới đồng cảm, chia sẻ và phán xét. Đây là một vấn đề vừa vi mô vừa vĩ mô, vừa khách thể vừa chủ thể nên không thể chủ quan được. Cao Bá Quát cũng đã từng viết “Cố tình hiểu nghĩa chỉ dại thôi”. Có thể chúng ta sẽ giật mình trước câu thơ giản dị ấy.

Sự ra đời của tờ báo THƠ bắt đầu nhận được sự hưởng ứng của các nhà phê bình, các nhà thơ và đông đảo bạn đọc bạn viết. Các nhà thơ thổ lộ rằng họ thích được in ở đây những bài thơ tâm đắc, những bài hay. Có thể tâm đắc thì nhiều, nhưng hay bao giờ cũng hiếm. Thơ gửi về tòa soạn luôn luôn đầy, nhưng phê bình thơ – những cặp mắt xanh – thì thường rất khiêm tốn. Mặc dù vậy, “sân chơi” của lý luận phê bình thơ trên báo THƠ khá rộng. Những “cầu thủ” phê bình tranh tài trên sân chơi ấy tha hồ thử sức, và dù thắng, thua hay hòa thì vẫn cống hiến cho người yêu thơ những “cuộc chơi” đẹp.

Trong thế kỉ mới, hy vọng Thơ và Phê bình thơ sẽ là một cuộc song hành. Cuộc bứt phá bước đi bằng “hai chân” sáng tác và phê bình có thể sẽ mở ra những điều thú vị mới, chưa từng có.

Hà Nội, 9 – 2003

Bình luận về bài viết này