CỘT KÈO LÝ GIẢI VỀ “LỢI ÍCH NHÓM”


TRẦN HUY THUẬN

Cột: – Này Kèo!.. Tớ ngẫm ra, bọn mình hàng ngày làm việc chăm chỉ thế, nhưng hóa ra chả có lợi ích gì cả!..

Kèo: – Cậu nói lăng nhăng thế nào ấy nhỉ, một người đã làm việc trong một cộng đồng, bất cứ là việc gì, cũng đều sẽ đem lại lợi ích cho xã hội, không nhiều thì ít chứ?.. Chỉ những kẻ lười biếng, chịu ăn mà không chịu làm gì cả mới là đồ vô tích sự thôi!..

Cột: – Không không! Cậu không hiểu ý tớ rồi. Lợi ích mà tớ nói đây… là thứ lợi ích khác…

Kèo: – Lợi ích là lợi ích, khác là khác làm sao?..

Cột: – Thế mà có khác đấy!.. Cậu xưa nay vốn là kẻ “biết một mà không biết mười”. Xem ra còn non nớt sự đời lắm!

Kèo: – Vâng! Thằng Kèo này non nớt, còn ông Cột già dặn!..

Cột: – Quá đúng!.. Cái nhận xét ấy của cậu về tớ đây là quá đúng!..

Kèo: – Thôi đừng có sĩ! Hãy nói thẳng vào cái đề tài LỢI ÍCH mà cậu khới mào ra để tớ nghe xem nào?

Cột: – Từ từ, đi đâu mà vội! Trước khi đi vào câu chuyện chính, tớ tạm hỏi cậu câu này nhé: Tài sản cha mẹ để lại thì con cái có được thụ hưởng bình đẳng không, hay mạnh ai nấy chiếm?

Kèo: – Làm sao mà mạnh ai nấy chiếm được. Đạo lý không cho phép và luật pháp cũng không cho phép. Phải chia theo luật thừa kế.

Cột: – A thì ra cậu cũng khá thông minh và am hiểu luật pháp đấy chứ nhỉ! Vậy tớ lại hỏi: Giả thiết cậu đang được giao quản lý một trại nuôi lợn của gia đình – nhớ là của gia đình, chứ không phải là tài sản cậu đã được chia. Gặp lúc giá thịt tăng đột biến, lợn cậu bán kiếm lợi lớn. Trong khi ấy, cha mẹ và các em cậu phải đi mua thịt giá đắt về ăn. Vậy cha mẹ cậu hẳn phải lấy tiền từ số lợi nhuận bán lợn của trang trại cậu để bù đắp cho bữa ăn chung của cả gia đình chứ?

Kèo: – Đương nhiên rồi!

Cột: – Vậy mà không “đương nhiên” như cậu nghĩ đâu. Lúc ấy cậu sẽ cãi: Lãi của trại lợn là lãi của trại lợn, giá thịt tăng là chuyện của giá thịt.

Kèo: – Làm thế sao được! Trại lợn là của chung gia đình cơ mà? Thế nhỡ khi mất mùa, giá gạo leo thang, thằng em được cha mẹ giao trông nom kho thóc cũng bắt chước thằng anh, không chịu lấy tiền lãi bán thóc nhà ra bù cho việc mua gạo giá cao của gia đình ư?

Cột: – Đấy! Chuyện là thế đấy!.. Vô lý đến một thằng vốn chậm hiểu như cậu mà cũng còn nhận ra, thế mà có người vẫn lờ như không biết gì cả…

Kèo: – Lờ là lờ làm sao? Chuyện rõ như ban ngày thế, lờ sao được? Thế ông bố bà mẹ đâu mà không can thiệp? Mà hình như cậu định ám chỉ chuyện gì chứ trong cuộc sống, làm gì có gia đình như thế?

Cột: – Đúng, gia đình thì không thế, nhưng xã hội thì có đấy!

Kèo: – Xã hội? Cụ thể là thế nào?

Cột: – Thì chuyện xăng dầu đấy!

Kèo: – Sao lại đưa chuyện xăng dầu vào đây?

Cột: – Thế xăng có phải từ dầu mỏ mà ra không?

Kèo: – Thế thì sao?

Cột: – Thế giá xăng tăng có phải do giá dầu thô tăng?

Kèo: – Sao nữa?

Cột: – Nói cụ thể đến thế mà vẫn còn hỏi? Chỉ khéo vờ vịt thôi.

Kèo: – À! Tớ hiểu ra rồi. Nó tựa như chuyện trại lợn tớ bán được giá cao, thu lợi lớn nhưng tớ vẫn bắt bố mẹ và các em tớ phải ăn thịt giá cao y như người ngoài vậy – mà lợn đây không phải là tài sản riêng của tớ!..

Cột: – Ngay đến là tài sản riêng của cậu, cậu cũng không thể đang tâm như thế với chính bố mẹ và anh em nhà cậu, trừ phi cậu… Xin lỗi Kèo cho mình nói câu này nghe: – Trừ phi đó là một gia đình vô phúc!..

Kèo: – Nhưng tại làm sao lại có chuyện như vậy được nhỉ?

Cột: – Tại cái mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi là LỢI ÍCH NHÓM đấy!..

Kèo: – “Lợi ích nhóm”? Cụm từ này nghe lạ quá. Cậu giải nghĩa cụ thể tớ nghe xem Tổng bí thư đã nói về chuyện ấy ra sao?

Cột: – Đại để, trong diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 3 khóa XI sáng 10-10 vừa qua, Tổng bí thư có nói: “Đặc biệt, trung ương yêu cầu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay lợi ích nhóm chi phối” (http://phapluattp.vn/20111011121635900p0c1013/chong-tu-duy-nhiem-ky-tranh-loi-ich-nhom-chi-phoi.htm”).       

Kèo: – Hay quá! Tổng bí thư nói hay quá! Đúng là phải triệt ngay cái tệ nạn cục bộ và nhất là cái thứ gọi là LỢI ÍCH NHÓM đang lộng hành chi phối mọi hoạt động kinh tế của nước ta. Nó hoàn toàn không đúng đạo lý một chút nào cả. Hoan hô Tổng bí thư!..

Bình luận về bài viết này