QUẢ TÔI CHƯA THẤY BAO GIỜ


Nguyễn Thế Hùng

Chùm truyện ngắn của NGUYỄN THẾ HÙNG

ĐƯỜNG ĐỜI

Tử Lâm vốn là một người học giỏi có tiếng, ngay lần thi đại học đầu tiên đã đỗ cao tót vời. Nhưng thật là oái ăm Lâm sinh không gặp thời, dù tốt nghiệp đại học loại giỏi nhưng ra trường chả có cơ quan nào nhận vào làm. Lang thang làm đủ nghề, xin việc đủ nơi không được, Lâm quyết định ăn chơi chốn thị thành một trận cho thỏa thích rồi sau đó xé ngay tấm bằng đại học, về quê. Ừ thì đi cày đấy, làm ruộng đấy, xem có chết ai không? Lâm nghĩ vậy.

Tử Lâm tìm đến quán Lôi Đình, quán vốn là chốn ăn chơi có tiếng ở đất Hà Thành. Khi rượu đã ba chén, sờ bẹn hết ba em, trong người đã thấy tàng tàng say, chân tay rồi tứ chi thêm phần ngứa ngáy, Tử Lâm gọi bà chủ quán ra nói:

– Tôi cần một đào vầy, chân dài, nây nở, hơi thở nhẹ và có thêm nghề kể chuyện.

Nghe Tử Lâm đề nghị, nhìn dáng người nho nhã thư sinh của Tử Lâm, bà chủ quán ái ngại, gặng hỏi:

– Chả hay quý khách đang có chuyện chi buồn bực mà lại tìm đến đây? Nói thật, nhìn tướng mạo của quý khách là người sang quý, không hợp với chốn này.

Nghe hỏi vậy lại đang rượu tàng tàng, lòng đang buồn ngổn ngang, Tử Lâm thổ lộ hết với bà chủ quán về nỗi đoạn trường của mình, nghe xong bà chủ quán e dè nói:

– Tôi mở quán đã lâu năm, thỉnh thoảng cũng gặp một số người sinh bất phùng thời cũng tìm đến đây như quý khách để giải sầu, qua nhiều lần nghiệm ra thì thấy, hễ quý khách nào được cô Huệ Lan chiều chuộng là đương nhiên sau đó mọi xúi quẩy đều tan biến, đường hoạn lộ hanh thông, trồng cây cây cho trái, nuôi gái gái cho con, sòn sòn ba năm một bực lương, bốn năm một cấp chức. Quả thật nói ra quý khách không thể tin, vì điều này khó giải thích, chỉ thấy sự việc như thế nên nói với quý khách vậy thôi, thích thì thử, không thì chân dài ở đây cũng không thiếu.

Nghe bà chủ quán nói vậy, Tử Lâm suy nghĩ thêm một lúc rồi gục gặc cái đầu, rồi lại gật gù cái đầu, trong lòng lóe lên tia hy vọng. Hay ta thử thêm một lần nữa, biết đâu vận may sẽ đến. Nghĩ vậy nên Tử Lâm nói với chủ quán:

– Thế thì tối nay bà cho tôi cô Huệ Lan vậy.

Bà chủ quán ngập ngừng nói:

– Quý khách còn trẻ, lại nho nhã thanh tao thế này, chỉ hiềm cô Huệ Lan so với quý khách thì không xứng, năm nay cô ấy đã bốn mươi xuân. Làm cái nghề này bốn mươi coi như đã nghỉ hưu được rồi.

Tử Lâm thấy thất vọng, đã tính ăn chơi một trận cho thỏa thích, vậy thì ăn phải ăn ngon, chơi phải gái đẹp chân dài, mất tiền vào đây ai lại đi chơi gái đã… về hưu. Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, đây không phải là thưởng thức nữa mà đang đi tìm vận may, cũng giống như ốm đau thì uống thuốc vậy, thuốc có ngon bao giờ, Nghĩ vậy nên Tử Lâm quả quyết.  

Thế là đêm ấy làm một trận mây mưa với cô Huệ Lan.

Quả như bà chủ quán nói, chỉ tuần sau đã có một cơ quan cho người về tận Hương Sơn mời Tử Lâm ra Hà Thành làm việc. Chẳng những có việc làm mà Tử Lâm còn được sắp xếp vào đúng công việc chuyên môn mình đã học vì vậy mọi công việc cấp trên giao cho Tử Lâm đều làm trôi chảy cả, ai cũng đánh giá Tử Lâm có năng lực, nhiệt tình, tính tình cởi mở và sức khoẻ tốt nên đường hoạn lộ sẽ rất hanh thông. Ai cũng nghĩ vậy nhưng đi làm đã hơn mười năm mà Tử Lâm vẫn chỉ là anh nhân viên quèn. Trong khi đó bạn bè đồng nghiệp có người trình độ yếu kém, tuổi tác, sức khỏe, nhiệt tình đều thua xa Tử Lâm vậy mà cứ  bấm còi vượt mặt Tử Lâm ào ào đến ngứa mắt. Nhớ lại chuyện cách đó mười năm, Tử Lâm đánh bạo tìm đến quán Lôi Đình, nhắc lại danh tính của mình cho bà chủ quán và đề nghị được gặp Huệ Lan. Bà chủ quán rầu rầu:

– Huệ Lan đã trên năm mươi tuổi, làm cái nghề này ai mà trụ được đến cái tuổi năm mươi, sau lần với quý khách, Huệ Lan đã xin về quê mở cái quán nước nhỏ ở thôn Trung Phụng sống qua ngày.

Nghe vậy Tử Lâm buồn lắm, chả lẽ không còn cách gì để leo lên được cái chức trưởng phòng? Trên đường về cơ quan, cái tên Huệ Lan với thôn Trung Phụng cứ vang lên mãi trong đầu Tử Lâm. Suy nghĩ chỉ đạo việc làm, khi xe dừng lại thì Tử Lâm đã nhận ra quán nước đầu thôn Trung Phụng và ngồi sau cái bàn thấp nghèo hèn là một bà già tóc đã bạc gần hết, nhưng dù gì Tử Lâm vẫn còn nhận ra đó chính là Huệ Lan. Khách nhớ người bán, chứ người bán thì làm sao mà nhớ được khách. Sau khi chén trà đã vơi, Tử Lâm nhắc lại chuyện ngày xưa, Huệ Lan không tỏ vẻ gì nói:

– Xin lỗi, tôi đã chôn cái quá khứ đó lâu rồi nên không còn nhớ được chuyện gì nữa đâu.

– Nhưng chả lẽ cái lần cuối cùng để giải nghệ Huệ Lan cũng không nhớ?

– Không nhớ.

– Thật không nhớ?

– Thật không nhớ – Huệ Lan quả quyết đáp.

– Nhưng tôi thì luôn nhớ và cảm ơn Huệ Lan vì sau lần đó tôi đã có việc làm.

– Thế thì chúc mừng ông, nhưng tôi không dám nhận cái ơn đó, tôi là người bán hàng, có khách mua hàng thì tôi bán, thuận mua vừa bán vậy thôi. Tuy nhiên quý khách đã có lòng nhớ đến, tôi cảm ơn, tôi đã gặp không ít khách khi chăn gối thì mặn nồng thề thốt và tôn trọng lắm, nhưng khi có người thứ ba, họ nhổ cả nước miếng vào mặt tôi mà khinh bỉ.

– Thế gian trăm vạn người trăm vạn tính cách. Tôi cũng đã qua với trăm ngàn cô gái nhưng với Huệ Lan thì tôi luôn nhớ.

– Một lần nữa cảm ơn quý khách. Nhưng xin hỏi, quý khách trở lại tìm tôi có việc gì?

Trong mười năm dù chỉ là một nhân viên quèn nhưng mỗi lần được mời và những lần mời bạn bè đi chiêu đãi, Tử Lâm đã quen nhìn, quen ôm ấp và được những cô gái mơn mởn non tơ chiều chuộng. Giờ nhìn lại Huệ Lan, Tử Lâm bỗng rùng mình. Trước mặt Tử Lâm là bà già Huệ Lan chứ nào đâu có phải cô Huệ Lan tạm tạm của ngày xưa ở quán Lôi Đình.

 Nhưng cũng như lần trước, có bệnh thì uống thuốc, cái chức trưởng phòng hấp dẫn lắm, không những trưởng phòng mà không biết chừng còn lên cao nữa. Ban đầu Huệ Lan không đồng ý, nhưng Tử Lâm tha thiết quá, tha thiết đến mức còn quỳ sụp xuống trước mặt Huệ Lan mà xin được một lần ân huệ cuối.

Như có phép thần, một tuần sau cơ quan có thay đổi nhân sự, giám đốc đến tuổi hưu, trưởng phòng của Tử Lâm leo lên chức giám đốc, và đương nhiên Tử Lâm được bổ nhiệm lên làm trưởng phòng. Rồi như mũi tên đã bật ra khỏi nỏ, sau một thời gian Tử Lâm được bổ nhiệm lên cao tót vời là tổng giám đốc. Quyền hành nghiêng trời lệch đất, tiền bạc trong túi rủng rỉnh, ra vào xe ngựa xênh xang, ăn chơi ngút trời mấy gió, gái gú váy ngắn chân dài. Có tiền, có quyền Tử Lâm ăn chơi cho bõ những giây phút miễn cưỡng gượng gạo phải hạ mình ngủ với cô điếm hết thời Huệ Lan.

 Nhưng rồi việc gì đến thì nó phải đến, của kho có hạn, sắp có đợt thanh tra, lần thanh tra này không còn đùa được nữa, đoàn từ tận trung ương về. Khi Tử Lâm giật mình thì đã muộn. Có bệnh thì vái tứ phương, sau nhiều ngày chạy đến cửa các quan nhỏ, quan lớn để gõ không được – chẳng ai dại gì mà giúp Tử Lâm trong thời đoạn này, cả nước đang ra sức chống tham ô tham nhũng, giúp Tử Lâm đồng nghĩa đưa mình vào cửa tử – Không còn cách nào khác, Tử Lâm lại nhớ đến Huệ Lan và lại vội phóng xe về thôn Trung Phụng. Nhưng về đến chỗ quán xưa thì thấy cảnh đìu hiu, quán nước xưa có bà già Huệ Lan ngồi dưới gốc cây hoàng lan bây giờ không còn ai nữa. Tử Lâm quáng quàng hỏi thăm tin tức Huệ Lan, quáng quàng hỏi nhưng ai cũng lắc đầu…

*

*      *

Sáng hôm sau, người làng Trung Phụng thấy một chiếc xe hòm của công an tìm về làng mình, họ lùng sục một lúc trong làng không thấy, bỗng có một đứa trẻ chăn trâu mách:

– Sáng nay cháu đi chăn trâu, thấy một người lạ ở ngoài nghĩa địa.

– Trông người ấy thế nào?

– Cao, to, tướng mạo như người thành thị.

Không đợi đồng chí đội trưởng gật đầu, chiếc xe hòm nổ máy phóng ngay ra nghĩa địa. Đến nơi, họ xuống xe, nhìn quanh quất rồi tất cả đều ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông trần như nhộng đang nằm sấp nhấp nhô trên ngôi mộ mới.

                                                                                 

QUẢ TÔI CHƯA THẤY BAO GIỜ

 
Thế là mùa xuân đã cạn ngày, những tàng lá xanh non mỡ dần chuyển  sang màu xanh thẫm, lác đác rụng một vài lá vàng. Đã nghe đâu đó trong gió man man hơi nóng của gió Lào.

            Mùa tình qua.

            Những con hươu cái trong chuồng sau một mùa ân ái giờ mãn nguyện nằm bỏm bẻm nhai lại mặt thường hênh hếch lên đắc thắng khi cái bụng chửa đã lùm lùm. Những vết cắt trên đầu đàn hươu đực đã liền sẹo chuyển sang màu thâm xỉn, bộ lông vàng óng mượt đang dần chuyển sang màu hung. Hết mùa tình, chúng cũng chẳng còn bức xúc phá chuồng để mà đi tìm bạn như mấy tháng về trước.

            Vào độ đó nhà tôi lại chuẩn bị một mâm cơn cúng để làm lễ rửa cưa, kết thúc một mùa nhung.

            Năm nay cũng vậy, khi mâm lễ đã được mẹ tôi chuẩn bị xong, cha tôi cài xong khuy cuối cùng của chiếc áo lễ, thau rượu trắng hăng mùi gừng tươi được đưa lên bàn thờ bên cạnh cái cưa nhung và tấm vải điều đã được giặt sạch cất cẩn thận suốt cả mùa nhung cũng được đưa ra bày lên bàn thờ. Cha chuẩn bị rút hương ra châm lửa thì nhà tôi có khách. Khách là một người đàn bà đài các dáng thị thành tuy chân bước hơi nhanh và hình như vẫn chưa bỏ được thói mắt la mày lém của người quê đến chốn chưa quen. Buổi lễ cúng rửa cưa tạm thời phải dừng lại. Mẹ và tôi tạm lùi xuống bếp. Cha mặc nguyên cả áo lễ tiếp khách. Tôi và mẹ ngồi chưa dập miếng bã trầu đã nghe cha gọi lên nhà trên có việc. Tôi kính cẩn đứng sau lưng cha như những lúc hành lễ, cha chỉ vào người đàn bà giới thiệu:

            – Đây là cô Ngân Hoa vợ của ông Ngân Lượng giám đốc nhà máy bia tỉnh ta – Quay sang tôi cha nói- Còn đây là Thiên, con trai tôi, cháu sẽ thay tôi đi cùng cô.

            – Nhưng…- Cô Ngân Hoa ngập ngừng.

            – Cô đừng lo, tôi theo dõi cả mùa nhung qua, cháu đã thay tôi cầm cưa được rồi cô ạ.

            Nói rồi cha đến bên bàn thờ, lấy cái cưa nhung xuống trao cho tôi và nói:

–         Con cầm cưa đi theo cô Ngân Hoa.

– Mùa tình đã hết, hươu cả làng này đâu còn cặp nhung nào nữa mà cắt?

– Làng này không còn nhưng làng khác vẫn còn con ạ. Cô Ngân Hoa đã tin tưởng cha con mình mà lặn lội tìm đến đây thì phải giúp thôi. Vẫn biết  đất có thổ công…ở dưới đó cũng có nhà ông trùm Hậu là mát tay trong việc cắt nhung. Nhưng cô đây muốn giữ kín chuyện này, nên con xuông cắt xong thì về ngay, cũng đừng nói gì nếu thấy những chuyện khác thường.

Tôi đón lấy cây cưa nhung từ tay cha rồi theo cô Ngân Hoa ra xe. Lần đầu tiên, tôi và cây cưa nhung được đi xe ô tô. Cũng đúng thôi, từ bé đến giờ đã mấy khi tôi ra khỏi làng? Và cũng là lần đầu tiên tôi được ngồi trong một cái quán cà phê mà có mấy cô bán quán mặc váy ngắn như vậy, ngắn hơn cả con gái làng tôi xắn quần trước khi lội xuống ruộng sâu. Ngắn quá đến nỗi tôi không dám nhìn. Sợ lắm, chị tôi mới chỉ xắn quần quá đầu gối đã bị mẹ chửi là đồ hư thân mất nết rồi. Mẹ mà gặp mấy cô này không biết mẹ sẽ gọi họ là đồ gì đây? Tôi đang miên man suy nghĩ thì cô Ngân Hoa nói:

– Thiên này, trước khi về nhà, cô muốn ngồi lại đây với cháu ta thống nhất một vài điều. Cháu uống gì? Nước chè xanh à? Ở đây không có. Cháu uống bia hay cà phê cũng được.

–  Thôi cô cho cháu chai nước lọc. Cô muốn dặn điều gì?

– Như cha cháu đã dặn, những gì cháu thấy ngày hôm nay cháu phải thề với cô là sống để trong dạ, chết ngạ bên mồ nghe chưa?

– Nhưng cháu đến nhà cô là để cắt nhung hươu, từ trước đến nay cháu cũng chỉ quen có cắt nhung hươu, còn mọi việc khác cháu không biết làm, thế cô  muốn cháu làm việc gì mà phải bí mất? Cháu sợ lắm, không làm đâu, cô cho cháu về.

– Về là về thế nào, cháu vẫn cắt nhung, nhưng cặp nhung này hơi đặc biệt, cháu biết đâu bỏ đó là được rồi, đừng nói với ai, kể cả cha cháu.

– Nếu là nhung thì cháu chẳng sợ gì, cháu hứa, thôi cô cháu mình đi đi kẻo trời trưa.

Khi chúng tôi sắp ra xe thì có thằng bé bán báo dạo tiến đến, cô Ngân Hoa hững hờ rút một tờ Trẻ Tuổi rồi cũng hững hờ như thế, cô giở từng trang báo ra. Bỗng mắt cô mở to hết cỡ khi bắt gặp dòng “tít” “ Nhà máy bia Tĩnh Hà gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.” Cô đọc ngấu nghiến hết trang báo rồi ngay tặp lự rút diện thoại ra gọi:

– Anh à? Anh giết em rồi, sao anh để thằng Trẻ Tuổi nó đánh nhà máy bia như thế?… Rồi, em công nhận là có trường hợp lợn nhà ông Hợi đẻ ra một con voi con thật. Đúng, đúng, em tận mắt chứng kiến… trâu nhà ông Sửu đẻ ra con nghé hai đầu cũng là có thật. Hả, anh nói gì? Chuyện đó thì em có nghe, nhưng không thấy, nó không cho xem…nhưng… thiếu chim mới sợ chứ nó đẻ được thằng con trai hai chim thì tốt quá còn gì? Chim cò giờ đang thiếu, có người không thiếu nhưng có chim có cò mà chẳng nên chim nên cò cũng chán chết… đùng một cái nhà nó có thằng con hai chim, biết đâu mai nay cả cái tỉnh này sẽ sản sinh ra một thế hệ đàn ông hai chim thì coi mà đắt hang, tất cả phải cảm ơn nhà máy bia ấy chứ. Sao, ngay bây giờ a? Nói qua điện thoại không tiện à? Bàn bác, bàn bạc như mấy lần trước đến rạc cả người chứ gì? Nỡm ạ, em đang rối lòng lên đây này, không được đâu, em đang có tí việc thật mà…Hôm khác không được à…lại mới nốc huyết hươu vào chứ gì…nhưng…nhưng…. không… Hứa nhé, anh đã hứa rồi nhé. Nó phải có bài cải chính ngay số báo tới nhé. Rồi em tới liền, nhưng hôm nay anh phải để em về sớm đấy. Nỡm ạ…sâm nhung cho nó nhiều vào rồi… vẫn chỗ cũ phải không? Thôi em không dám đến đó đâu, chỗ khác kín đáo hơn tí, con sư tử nhà anh….Rồi, rồi, em đến ngay.

Bỏ điện thoại vào túi xách, lấy hộp phấn ra phên phết lại mặt, kẻ một đường chì mờ lên hai chân mày hình cánh ná, miết lại cái môi son, mim mím dăm lần cho son cắn chắc vào môi như sợ sắp gặp phải kẻ bạc tình làm cho mình bạc phấn. Cô Ngân Hoa quay sang tôi nói:

– Bây giờ cô phải đi đây có chút việc, cháu cứ ngồi đây chờ, kể cả chuyện này cháu cũng  bí mật giúp cô.

– Nhưng cắt nhung vào buổi chiều không tốt đâu cô ạ.

– Không sao, kể cả ban đêm cũng không sao, cháu cứ ngồi đây chờ cô về đón, đừng đi đâu mà lạc nhé. Này – cô hất hàm cho cô tiếp viên- nếu anh này chờ lâu mệt, các em đưa anh vào trong chăm sóc giúp tôi nhé.

Cô khuất lưng, tôi nghĩ: Lạ, nhà đã nuôi hươu  mà không biết một tí gì về hươu, trước khi cắt nhung còn hẹn hò với trai. Không những bản thân đi hẹn hò mà còn bảo thợ cắt nhung đi nghỉ. Mùa tình là mùa của  vạn vật sinh sôi, của gái trai tình tự, nhưng mọi điều đều có chung cái quy luật của nó. Hươu là linh vật của làng, nên trước khi đến với linh vật đều phải thanh sạch, sáng trong. Thợ bắt đầu, thợ cắt nhung và gia chủ có hươu sắp cắt nhung đều phải trai giới. Điều đó không ai không biết, đến vợ chông còn phải xa ra huống hồ là hẹn hò. Lạ thật chẳng lẽ nuôi hươu mà không biết chuyện đó?!

                                                  *

                                         *                * 

            Tôi hết đứng lại ngồi, mặt trời lên ngự đỉnh trời rồi tà tà ngã về phía tây vậy mà cô Ngân Hoa vẫn chưa quay lại. Mãi đến khi phía tây mây đỏ đòng đọc như một chậu máu, hoàng hôn đang tham lam nuốt dần mặt trời thì cô mới tã tượi trở lại. Không biết ăn nhiều son môi có ảnh hưởng gì tới bệnh đường ruột không? Nếu có tôi dám chắc ngay đêm nay người tình của cô  Ngân Hoa phải đi mua ngay mấy liều béc-bê-rin phòng tiêu chảy. Bởi trước khi đi cô ấy đã tô cho đôi môi chuối mắn đỏ chót lên thế kia, vậy mà bây giờ nó đã bạc thênh thếc như da trùn chết.

Nhà cô Ngân Hoa ngự ngay mặt phố, rộng thênh thang, đẹp như một lâu đài. Tôi chợt nghĩ, nếu cái này cũng gọi là cái nhà thì không biết cái cha con tôi đang ở phải gọi là cái gì? Chắc là gọi lều thôi, mà lều cũng không xứng. Cũng giống như người ta gọi cụ Nguyễn Du là nhà thơ, và ông  Trường hói cạnh nhà tôi chuyên đi thiến lợn, tự bỏ tiền ra in được tập thơ cũng vênh vênh xưng mình là nhà thơ. Không biết cô Ngân Hoa hưởng cái lộc gì mà to, mà giàu, mà sung sướng hơn cả dân làng tôi mấy mươi đời được hưởng lộc trời- nhung hươu được gọi là lộc trời mà.

Tôi đang ngơ ngẩn nhìn quanh quất không biết nhà cửa như thế này thì chuồng hươu đặt ở đâu? Gọi tôi đến cắt nhung mà chẳng thấy có chuẩn bị gì, bét ra cũng phải có dăm bảy người giữ thì tôi mới cắt nhung được chứ? Đang thắc mắc cành hông thì có một người đàn ông phóng xe máy vào tận nhà. Người lẻo khà lẻo khẻo thế này chẳng lẽ là thợ băt đầu, lạ thật. Không cả nhìn tôi, anh ta chạy ngay lên lầu, một lúc sau thấy khoác ta cô Ngân Hoa đi xuống. Chết cha, chẳng lẽ con cú này lại là chồng của con thiên nga này sao? Chả trách thiên nga chiều nay tách đàn. Tôi lại thắc mắc cành hông thì cô Ngân Hoa nói:

 – Trăm sự nhờ anh, anh cứ dùng loại thuốc tốt nhất gây mê cho nhà em giúp. Và điều quan trọng là anh giữ kín cho việc này. Trăm sự nhờ anh, em sẽ đền đáp xứng đáng.

– Em khỏi lo, đến voi anh gây mê còn ngủ li bì nữa là người, gây mê xong anh sẽ…sẽ…gây….tê ….cho em luôn nhé.

– Nỡm ạ, cứ xong việc đi đã nào.

Vừa nói hai người vừa dắt nhau vào buồng trong. Khoảng mười lăm phút sau, cô Ngân Hoa ra cửa gọi tôi vào. Khi tôi lại gần, cô đặt bàn tay dịu dàng lên vai tôi nói:

– Cháu thật bình tĩnh mà cưa cho tốt nhé, đừng sợ gì cả, cứ cắt như cắt nhung hươu.

– Thế,,,,?

– Không việc gì cả, cô và chú bác sỹ thú y sẽ giữ chặt đầu cho cháu cưa. Với lại ngủ li bì rồi, còn sợ gì nữa.

Chúng tôi đến bên chiếc gường đôi, trên đó có một người đàn ông đang nằm ngủ. Tôi nhìn lên mặt, lên đầu người đàn ông rồi bỗng rụng rời chân tay, trên đầu ông ấy đang đội một cặp nhung trắng hồng với nhánh chính, nhánh con đẹp như vẽ. Trên đời này kể từ khi nhà máy bia gây ô nhiễm, tôi đã thấy khá nhiều chuyện lạ, chuyện bò hai đầu, gà bốn chân, lợn voi, chuột chó… đều thấy cả, nhưng người mà mọc nhung như hươu thì quả tôi chưa thấy bao giờ. Nhưng quả thật chẳng còn con đường lùi, tôi bặm môi cưa. Cưa ăn nhung xoèn xoẹt. Từ vết cắt nhiểu xuống thau rượu hứng phía dưới một dòng máu đen, tanh, thối, khẳm…  như nước thải nhà máy bia. Tôi vẫn nghiến răng cưa, còn cô Ngân Hoa chắc không chịu được mùi xú uế chảy ra từ chồng. Cô nôn khan rồi ôm mặt lao vào nhà về sinh.

Người mà mọc nhung như hươu, máu người mà đen, hôi như nước cống, quả tôi chưa thất bao giờ.

 

 

CHỈ TẠI CON CHIM KHÁCH

Trương Lâm cưới vợ đã được năm năm, phúc dầy nên lấy được cô vợ mắn đẻ, nhiều khi mới chỉ đi quệt qua đầu giường vợ đã có bầu- Trương Lâm tự hào nói với bạn bè vậy- năm năm cô vợ sòn son cho ra đời đến ba đứa con trai đều thau tháu, chắc như cơm nắm, cơm đùm, nhiều lúc đi làm về mệt mỏi, thấy đàn con đang quây quần bên mẹ nó chí choé trêu nhau, cái mệt trong người Trương Lâm cũng bỗng dưng tam biến đi đâu mất. Trương Lâm rất thích đứng nhìn vợ cho con bú, nhất là vào những buổi chiều nắng nhạt, dưới dàn thiên lý có con chim khách hay về kêu riú ran, vợ Trương Lâm ngồi xoã tóc vạch áo cho con bú, thỉnh thoảng thị lại cù vào nách làm cho thằng bé phải nhả vú ra nhăn lợi cười khanh khách theo tiếng con chim khách kêu. Cười không qua được cơn háu đói, thằng bé lại tợp nhanh vào bầu vú mẹ như sợ nếu không nhanh sẽ để rơi mất giọt sữa màu ngà nhìn xa giống như giọt sương tuyết đọng đầu múp trái đào tiên. Đã bao lần Trương Lâm đứng ngắm vợ  con quên cả đi làm việc nhà. Còn những buổi phải đi đồng xa, cứ đến chiều là Trương Lâm muốn làm quấy quá cho xong sớm để được về nhà đứng ngơ ngẩn nhìn cảnh thanh bình vợ cho con bú dưới giàn thiên lý có tiếng con chim khách kêu.

 Gần nhà Trương Lâm là gia đình họ Phạm, có độc mỗi anh con trai là Phạm Duy. Trương Lâm và Phạm Duy chơi thân với nhau từ ngày tóc còn để chỏm, có đồ chơi hay cái ăn, cái uống gì hai đứa đều dùng chung. Thấy hai đứa thân nhau như vậy có người hỏi trêu:

– Cái gì hai đứa cũng dùng chung, thế sau nay lấy vợ thì sao?

Hai đứa nghe hỏi vậy đứng nghệt mặt ra một lúc rồi bỗng Trương Lâm trả lời một câu làm cho ai nấy không nhịn được cười.

– Cũng…chung nốt, khỏi phải cưới hai lần, tốn tiền.

Có lần buổi trưa vắng vẻ, Trương Lâm rủ Phạm Duy ra sông Ngàn Phố tắm, hai đứa lội ra đến giữa dòng thì bỗng đạp phải bãi cát bồi sụp ngay xuống đó liền bị nước cuốn đi. Trong cơn hoảng loạn vậy mà Phạm Duy vẫn cố vùng vẫy và cuối cùng kéo được Trương Lâm vào bờ. Hai đứa được một trận hú vía, uống nước sông no căng cả bụng. Con nít thì chả mấy khi nghĩ đến ơn cứu mạng, nhưng rõ ràng là Phạm Duy như đã sinh ra Trương Lâm lần thứ hai vậy. Năm hai đứa học lên lớp tám trường làng thì Trương Lâm phải bỏ học vì cả cha và mẹ vào rừng không may bị lũ cuốn. Còn lại một mình Phạm Duy tha thủi tới trường trên con đường làng hai đứa vẫn từng đi. Bỏ học lại phải thay cha mẹ gánh vác gia đình nên Trương Lâm lấy vợ sớm để có người cùng chung vai gánh vác. Còn Phạm Duy học hành tấn tới, lên cấp ba rồi thi vào trường Sỹ quan lục quân. Ra trường xét thấy nhà neo người nên được điều về ngay huyện nhà công tác. Khi công việc đã ổn định, cha mẹ dục luôn mà Phạm Duy vẫn chưa chịu lấy vợ, cứ bảo là chưa tìm được người hợp với mình. Có người nhớ đến chuyện xưa, đùa hỏi Phạm Duy:

– Hay là lấy chung một vợ với Trương Lâm?

– Sợ bây giờ thì Trương Lâm nó không chịu đâu, ba thằng con với vợ nó xinh thế làm sao nó chịu chia với tôi được.

Lần lữa mãi rồi cuối cùng Phạn Duy cũng chọn được người vừa ý. Vợ Phạm Duy là giáo viên tiểu học, tóc cũng dầy, dài, óng mượt như tơ. Trước đây cha mẹ dục Phạm Duy lấy vợ thế nào thì giờ dục vợ chồng Phạm Duy sinh con như thế. Mặc cho ca mẹ dục, hai vợ chồng son cứ cười trừ. Nhiều lần vợ Trương Lâm hỏi sao chưa chịu đẻ con thì vợ Phạm Duy nói:

– Thời này đẻ ít, đẻ khi nào mà chả được, từ từ để giữ dáng không chồng chê.

– Nhưng mình nghĩ dáng không bằng con.

– Đàn ông họ tham lắm, thích cả dáng cả con, chưa đẻ con rồi sẽ đẻ con, nhưng có con mà mất dáng là mất tuốt.

Nghe vậy vợ Trương Lâm bán tính bán nghi. Tối đó trên giường, vợ Trương Lâm tâm sự với chồng, Trương Lâm nói:

– Đàn bà không chịu đẻ khác gì cây đu đủ đực, em thử nghĩ mà xem, nếu năm năm qua mình không có ba đứa con này thì cuộc sống nó mới chán làm sao? Ai dám bảo đẻ rồi chồng chê, đẻ rồi chồng mê thì có.

 Vợ Trương Lâm hỏi:

– Thật không? Mê nhất khi nào? Mê trọn đời không?

 Trương Lâm trả lời:

– Thật, mê nhất khi em cho con bú.

Vợ Trương Lâm hỏi tiếp:

– Chỉ mê mỗi khi ấy thôi à?

 Trương Lâm với tay tắt nhanh bóng điện và trả lời gấp gáp:

– Mê cả những lúc này nữa này…

                                                    *

                                             *             *

Dạo này Phạm Duy bận công tác luôn nên thi thỉnh thoảng mới đáo qua nhà một lần. Vợ Phạm Duy vẫn tóc dài, da trắng, vẫn chưa chịu đẻ con. Thằng út nhà Trương Lâm đã lớn, nó bú khoẻ, lại nghịch, có khi vừa bú vừa đạp. Thương vợ đã mấy lần Trương Lâm bảo vợ cai sữa cho con. Nghe chồng vợ Trương Lâm lấy thuốc đỏ bôi vào đầu núm vú trông như đầu ngón tay cái bị chín mé vậy mà thằng bé vẫn không sợ, cứ ngậm nút chùn chụt, sữa không ra kịp thì nó nhay làm cho vợ Trương Lâm mỗi lần cho con bú là mỗi lần mặt nhăn nhăn nhó nhó trông như đang phải chịu cực hình. Rồi một buổi chiều đi làm về, Trương Lâm thấy vợ đang ngồi băm bèo cho lợn ngay dưới giàn hoa thiên lý, nơi mà từ trước tới nay thị vẫn thường ngồi cho con bú. Thấy lạ Trương Lâm đến gần mới chợt giật mình ngạc nhiên. Thị vừa băn bèo nhưng vừa vạch vú ra kéo xuống luồn qua nách, thằng út ngồi sau lưng mẹ cứ thế mà bú. Thấy cũng hay hay,  vẫn như mọi khi Trương Lâm vẫn đứng ngẩn ngơ nhìn.  Vẫn như mọi khi mà tại sao tự nhiên Trương Lâm thấy thiêu thiếu một điều gì đó. Nhưng thiếu điều gì thì Trương Lâm chịu, không nhớ ra. Đang băn khoăn thì bỗng dưng Trương Lâm nghe tiếng con chim khách kêu. Đúng rồi, vẫn cảnh cũ, người cũ nhưng thiếu tiếng con khim khách nên nó thiếu đi sự nên thơ. Cảnh cũ, người cũ nhưng đã có sự thay đổi ít nhiều. Vợ vẫn là vợ, con vẫn là con Trương Lâm nhưng hôm nay cách bú đã khác vì hai trái đào ngày xưa Tiên cho giờ Tiên đã lấy mất, để lại cho vợ Trương Lâm hai trái mướp khô thâm xì, dài thượt. Con chim khách lại không còn nhảy nhót trên giàn thiên lý nhà Trương Lâm mà kêu như mọi khi, nó đã chuyển chổ chuyền chóc chách chơi sang giàn thiên lý nhà Phạm Duy. Trương Lâm đưa mắt sang sân nhà hàng xóm tìm bóng con chim khách. Đúng là chỉ muốn tìm bóng con chim khách thôi, bên đó hàng xóm, nhìn thấy nhau suốt, còn lạ gì. Nhìn làm gì cái đồ đàn bà không chịu đẻ, trông như cái cây đu đủ đực! Đã nhiều lần trước  mặt vợ mình, Trương Lâm đã rủa vợ Phạm Duy câu ấy. Nhưng hôm nay, đúng lúc Trương Lâm đưa mắt sang giàn thiên lý nhà Phạm Duy tìm tiếng con chim khách thì  cũng là lúc  “cây đu đủ đực” vừa đi dạy về đang gạt chân chống xe dưới giàn hoa thiên lý. Khi dựng xe xong, “ cây đu đủ đực” bỏ cặp sách xuống và đưa cả hai tay lên búi lại mái tóc dài, dày đen như đôi mắt của “đu đủ” vậy. Khi thị đưa cả hai tay lên vén tóc không để ý làm cho vạt áo ngắn phía trước cũng bị kéo lên để lộ cái nây thây lẩy, trắng mị như lòng đĩa sứ. Rồi khi thị ngã ngửa người ra sau lấy hai tay đánh đánh để cho mái tóc rũ tung xuống thật thẳng trước khi vấn lên đã làm cho bộ ngức ngày thường vốn đã thách thức nay lại càng thách thức tợn, gió cứ hây hẩy mà hai nách áo của  mơi đi nắng về chưa kịp khô, cái màu nước thấm đẫm áo ấy cứ như làm tôn thêm vẽ thách thức của bộ ngực. Trương Lâm cứ thế đứng ngây người ra nhìn, quên cả bóng con chim khách, tai quên cả tiếng chóc chách chuyền cành của con chim đã đành, tệ hơn nữa là quên luôn cả tiếng đứa con đang bi bô chào bố. 

                                                  *

                                           *             * 

Cuộc sống thì vẫn cứ bình yên trôi nhưng kể từ giây phút ấy, trong con người của Trương Lâm muốn bình yên không thể bình yên được nữa, cứ chiều đến là Trương Lâm muốn về nhà cho sớm hơn cả ngày trước. Vẫn về nhà và vẫn đứng nhìn vợ cho con bú, nhưng tai Trương Lâm thì đang dõi theo tiếng con chim khách, mong sao trong cái âm thanh quen thuộc đó, Trương Lâm nghe lẫn vào một tiếng cạch của chân chống xe xuống nền sân, ngay lập tức dù không muốn tí nào nhưng cái cổ vẫn bắt cái mắt Trương Lâm xoay về hướng đó. 

                                                     *

                                               *           * 

Gom góp được ít tiền hưu trí, mùa hè năm đó, bố mẹ Phạm Duy rủ mấy người bạn làm một chuyến du lịch về thăm lại chiến trường xưa. Còn Phạm Duy thì hết huấn luyện lại phải đi phòng chống bão lụt giúp dân nên ít khi có điều kiện ghé qua nhà. “ Mình giúp người thì người khác sẽ giúp mình”. Câu nay quả đúng với Phạm Duy,  anh phải đi giúp dân chống lũ, chống tốc mái, cây đổ thì ở nhà anh được Trương Lâm giúp đỡ chính những việc ấy rất nhiệt tình, nhiều khi trời chưa giông gió, Trương Lâm đã vội chạy sang nhà Phạm Duy chằng chống rồi. Có lần bị vợ gắt:

– Anh cứ sốt sắng quá, làm như bên đó là nhà mình không bằng. 

 Trương Lâm vội vặc lại:

– Đúng là cái đồ đàn bà ích kỷ, nhỏ nhen, hàng xóm láng giềng, chồng con người ta đi vắng, sang chằng chống trước để khi mưa bão về người ta đỡ sợ, nhà mình có cả đàn ông, cả đàn ba, chằng chống sau cũng đâu có muộn.

Vốn chiều và tin yêu chồng, vợ Trương Lâm không dám nói gì thêm.

 Tả thì dài, mà việc thì ngắn. Qua những lần nhiệt tình chằng chống như vậy, cuối cùng Trương Lâm cũng nhận được ở vợ Phạm Duy một cái hẹn.  Cứ thế… cứ thế…chín giờ tối nay…qua rào dâm bụt vào lối cửa sau…Được lời như cởi tấm lòng, chiều đó Trương Lâm đi tắm rửa thật sớm, nói với vợ là đi sang nhà người bạn có thể về khuya. Vợ Trương Lâm thật thà tin, trước khi chồng đi thị còn tiễn ra đến cổng và dúi vào tay Trương Lâm mấy trăm ngàn bảo là nếu người ta có mời đi uống rượu thì mình trả tiền cho họ, bạn bè với nhau sống phải biết điều, tin tưởng, có trước có sau,  đừng làm gì để người ta khinh mình. Nghe vợ dăn, Trương Lâm thấy cũng thương thương, nhưng lời hẹn của vợ Phạm Duy còn hấp dẫn hơn nhiều, nên Trương Lâm chỉ ậm ự cho qua chuyện rồi bước ra đường. Để tạo ra chứng cứ giả lỡ sau này có bị vợ phát hiện, Trương Lâm cũng ra cái quán cóc đầu làng gọi cút rượu với mấy hạt lạc nhâm nhi. Ngồi uống rượu mà mắt Trương Lâm nhìn đồng hồ liên tục: Quái, cái đòng hồ chiết tiệt, hỏng rồi chăng? sao hôm nay chạy chậm rì rì vậy? Sốt ruột rồi cuối cùng giờ hẹn cũng đến, đúng chín giờ tối, Trương Lâm ngửa cổ dốc hết xị rượu đế rồi ngật ngưỡng ra khỏi quán, khi đến trước nhà của Phạm Duy thấy đèn đã tắt, Hồi hộp, rao rực như lần hò hẹn đầu đời, Trương Lâm vòng ra sau nhà Phạm Duy, nhón nhén đến gõ hai tiếng vào cánh cửa sau.

Đoạn kết một:

 Cửa mở (……….) như ruộng cày trau gặp nước, như ếch hết thời nằm mà gặp mưa, như gà trống cựa nhốt lâu ngày sổng chuồng gặp gà mái tơ, Trương Lâm ào ngay vào rồi không nói không rằng,  họ quấn vào nhau cho đến ngấu thì thôi… Nhưng khi đang hối hả lần tìm, bỗng dưng tay Trương Lâm chùng lại và một câu hỏi loé lên trong đầu: Quái lạ, sao lại…câu hỏi chưa đi hết ý của nó trong đầu Trương Lâm thì bỗng dưng Trương Lâm hốt hoảng nhảy phắt ra khỏi giường, tông cửa chạy ra quên cả  dép. Trương Lâm hớt hải chạy về đến nhà thì bỗng đứng khựng lại khi thấy một tấm lưng… quen quen quay ra cửa đang cố dỗ cho đứa con út của Trương Lâm khỏi khóc:

 Ru em em nín đi nào

 Để con chim khách bay vào nhà em

 Để rồi cô bắt em xem

 một con chim khách đầu đen…mắt lồi…

 Trương Lâm đứng sững như trời trồng. Trước mặt Trương Lâm không phải ai khác mà chính là vợ của Phạm Duy. Trương Lâm thốt lên một câu ai oán: Chết cha tôi rồi….chỉ tại con …chim khách ấy mà …. 

Đoạn kết hai:

  Cửa mở, đang tàng tàng men rượu cộng với men ái tình đang bốc cao Trương Lâm nhảy bỗ vào (Đoạn nay không tả ai cũng biết) như ruộng cày trau gặp nước, họ quấn vào nhau cho đến ngấu thì thôi… Mãi đến khi gà gáy canh hai thì họ mới tạm ngưng để cho trời còn được sáng. Nhìn Trương Lâm nằm ngửa, hai tay gối dưới đầu thoả mãn, người đàn bà hỏi:

– Mê không anh?

– Mê quá đi chứ, đúng là vừa lạ, vừa chưa sinh con lần nào nên có khác… lâu quá rồi tưởng rằng quên…

Khi Trương Lâm nói đến đó bỗng dưng đèn bật sáng. Trương Lâm không nhìn mà hỏi.

–          Em bật đèn làm gì?

–          Để anh em mình nhìn nhau được rõ hơn.

Đến khi đó Trương Lâm mới quay lại nhìn, dụi mắt mấy lần rồi hốt hoảng nhảy đại xuống giường. Tại sao lại thế này, người nằm bên, cùng Trương Lâm ân ái suốt đêm lại chính là vợ của Trương Lâm.  Khổ quá đi mất, lỗi… lỗi này là tại con…chim khách.

3-2008

 

 

PHẢI SỐNG

 

            Chó bi mới được một tuổi đã chứng tỏ mình là con chó tốt, đã trưởng thành thực sự. Ban ngày bi luôn nằm ngoài ngõ, thấy vịt gà mon men chuẩn bị vào vườn rau bi ta liền vùng dậy đuổi chạy chí chết. Khách đến nhà nếu chủ chưa biết bi liền sủa mấy tiếng đánh động rồi đứng canh chừng chứ không hề sủa dai. Ban đêm cũng vậy, bi chỉ sủa khi có động. Đặc biệt bi có tài bắt chuột. Từ ngày bi trưởng thành chuột trong nhà bớt phá hẳn. Nhưng biệt tài này của bi chủ nhà không biết vì bi chỉ bắt chột vào ban đêm, cắn chết chuột xong tha ra xó vườn vứt đó chứ bi không quen ăn thịt chuột sống. Và lần nào cũng vậy, cụ mèo già chỉ việc ra nhặt chuột vào tha diễu qua diễu lại trước mặt chủ vài vòng trước khi chén bữa no say. Đúng là mèo già vừa được tiếng vừa được miếng.

            Bị săn lùng nhiều chuột trở nên tinh khôn, đã không ít lần rình rập cả đêm mà bi không bắt được con chuột nào. Cũng có đôi lần chuẩn bị bắt được chuột thì cụ mèo già mớ ngủ ngao lên một tiếng, thế là chuột chạy mất. Bi căm lắm, bi nhớ hình như trong vườn nhà chỉ duy nhất còn có mỗi một con chuột nữa. Con chuột to, lông xám, tinh ranh và phá phách còn hơn cả chuột đàn. Bi phải phục và bắt cho bằng được. Cơ hội đã đến, hồi tối chủ nhà xem ti vi muộn, khi đi ngủ bỏ quên cái bánh ga tô trên bàn không đậy. Bi giả tảng lơ không biết, chuột ta thận trọng mò vào, mới mon men đến cạnh chiếc bánh. Nhanh như một cái phẩy tay, bi lao đến, nhưng vì sợ làm bẩn mất chiếc bánh mà cú lao đầu tiên bị hụt, chuột liền lách qua cửa chạy ra vườn. Không chậm nửa bước, bi lao theo. Khi trong tầm với, bi liền giơ chân trước lên, nghiến răng tức tối: “Chết mày này” . Nhưng cú vả đó của bi không trúng chuột mà lại trúng ngay giữa mặt mèo già. Trong lúc bi đang lúng túng thì chuột ta liền lủi vào hang trốn mất. Tức tối bi hỏi mèo già: “Đêm hôm khuya khoắt bác ra đây làm gì, sao lại cản cháu. Cứ để như mọi hôm cháu bắt cho bác ăn có sao đâu?” Mèo già vừa vuốt những giọt máu trên mặt vừa mếu máo: “Ta đã già rồi nhưng vẫn còn muốn sống. Ta xin cháu, nó là con chuột cái duy nhất còn sót, lại đang có chửa. Cháu muốn giết thì đợi nó đẻ xong nuôi đàn con khôn lớn đã rồi giết, chứ nếu nó chết bây giờ, tiệt nòi chuột thì mèo không còn cớ để sống, chủ sẽ đưa ngay ta ra quán tiểu hổ. Nếu không thì khi ta nằm xuống rồi, cháu giết cả gia đình nhà chuột cũng chưa muộn. Không bắt chuột cháu còn giữ nhà, chăn gia súc, chứ ta có mỗi một việc là bắt chuột thôi mà. Ta xin cháu”. Mèo già nói xong lạy chuột ba lạy rồi ôm mặt thất thểu đi vào nhà.

 

 ***

 

Nguyễn Thế Hùng.
1.
Sinh: 16.1.1972
Quê quán: Sơn Diệm- Hương Sơn- Hà Tĩnh.
Bắt đầu viết văn năm1998
Vào Hội nhà văn ViệtNamnăm 2010.
Hội viên hội nhà văn Hà Nội năm 2010. Ủy viên ban chấp hành nhà văn trẻ thủ đô Hà Nội
Địa chỉ: Tạp chí Văn nghệ quân đội số 4- LýNamĐế – Hà Nội.

2.
Nhập ngũ 1992.
Sĩ quan quân đội nhân  dân Việt Nam.
Chức vụ hiện nay: Thư ký Tòa soạn. TC. VNQĐ.
Các trường đã qua: Sĩ quan lục quân 2
Trường viết văn Nguyễn Du.
Có 14 năm công tác tai Đồng bằng sông Cửu Long.
3.
Các tập truyện đã in:
Tập truyện ngắn: Đàn chim về sau bão.
Tập truyện ngắn: Truyện ngắn Nguyễn Thế Hùng.
Tập truyện ngắn: Ngược ngàn.
Tập truyện ngắn: Người đi bỏ mặc câu thề.
Tiểu thuyết: Họ vẫn chưa về.
Tập truyện ngắn mi ni: Quả tôi chưa thấy bao giờ.
Sắp in: Tập truyện ngắn: Liu điu dòng họ
Tiểu thuyết: Lối nho nhỏ.
4.
Giải thưởng văn học:
Giải nhất truyện ngăn đồng bằng sông Cửu Long cho truyện ngắn Người giữ cồn sau đó truyện được chuyển thể thành kịch bản phim Ngọn đèn bốn mặt đoạt giải thưởng Bộ Quốc phòng.
Giải bút ký văn học Đồng bằng sông Cửu Long
GiảI thưởng truyện ngắn báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh
Giải thưởng truyện ngắn TC. VNQĐ cho truyện ngắn Lộc Trời
Giải thưởng liên hiệp hôi VHNT TP Hà Nội cho tiểu thuyết: Họ vẫn chưa về.

3 bình luận

  1. doc thay hay . cam on tac gia ,cam on a. tao

  2. Tôi Nguyễn Công Dinh TKTS tap chí Văn Nghệ Bình Dương . Anh Hùng vui llòng gửi bài cộng tác va cho đ/c liên hẽ

    • Cam ơn anh Nguyễn Công Dinh đã đọc và mời Hùng cộng tác, Hùng sẽ gửi bài vào dịp gần nhất anh nhé. Cảm ơn bác Nguyễn Trọng Tạo đã cho tá túc

Bình luận về bài viết này