CỬ NHÂN PHẠM XUÂN NGUYÊN NÓI VỀ BẰNG CẤP VÀ HÁO DANH


NTT: Sáng nay, báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến “Bắt mạch căn bệnh háo danh và gian dối của quan chức” với các vị khách mời gồm nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội), nhà sử học Dương Trung Quốc. NTT xin trích đăng những câu hỏi và trả lời của Phạm Xuân Nguyên, người được biết đến qua hai câu thơ hài hước: “Viện Văn có một Phạm Xuân/ Nguyên là cán bộ cử nhân phê bình”.

Trân trọng gửi lời chào tới nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Nghe danh ông đã lâu, nay mới có dịp được cùng trò chuyện. Xin gửi ông câu hỏi mà cũng là tâm sự của tôi: có hai sự kiện: Một, ông Tổng giám đốc 1 ngân hàng lớn thuê người viết ca ngợi mình (chuyện từ cậu bé chăn trâu đến Tổng Giám đốc) rồi bắt cán bộ nhân viên hệ thống ngân hàng đó mua sách ấy; Hai, một ca sĩ nổi tiếng hát nhạc sến tự đúc tượng mình dựng ngay cạnh cửa nhà mình. Theo ông, sự háo danh nào nguy hiểm và đáng lên án hơn?

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Theo tôi, trong hai sự việc này, sự kiện ông tổng giám đốc có tác động xấu nhiều hơn đến cộng đồng. Cố nhiên cả hai sự kiện đều là biểu hiện của sự háo danh. Nhưng anh ca sỹ mới chỉ dừng lại ở chỗ đúc tượng đặt cửa nhà mình như một sự hợm mình, chơi trội. Nó cũng chỉ tiêu tốn tiền bạc của anh ta thôi, nằm trong phạm vi cá nhân. Còn ông tổng giám đốc, khi đó ông đã có thức lấy cuộc đời mình làm tấm gương, bắt mọi người noi theo. Hơn nữa, khi in sách là anh đã khoác cho công việc của mình một ý nghĩa xã hội, anh có thể dùng tiền của công và rồi bắt mọi người mua.  

Nói chung cả hai trường hợp đó đều là biểu hiện thói tật cố hữu của người Việt, thích khoe khoang, khoe nhà cửa, tiện nghi vật chất, con cái, công danh. Một khi đã khoe thì rất dễ chạy theo những cái phù phiếm, giả tạo, rất dễ thổi phồng, khoa trương. Và theo tôi, cố tật này đang trở thành một bệnh lan tràn, phổ biến trong mọi lĩnh vực xã hội.

Trong đời, chắc chắn ông đã từng gặp những người háo danh, những biểu hiện háo danh dưới nhiều khía cạnh khác nhau, ông có thể kể lại vài ví dụ thú vị nhất? (độc giả giấu tên tại TP Hồ Chí Minh).

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Ví dụ như tôi đôi lúc được người ta trao cho những danh thiếp trên đó ghi rất nhiều, đầy đủ các chức danh. Danh thiếp chỉ cần ba yếu tố anh là ai, làm gì, ở đâu nhưng những người háo danh lại liệt kê rất nhiều. Như ở các cuốn sách, trên bìa 4 nhiều người đề rất nhiều chức danh, giải thưởng, gọi là háo danh thì tôi nghĩ cũng tội cho họ. Rồi có nhiều trường hợp, tôi rất ghét khi người ta trương rất nhiều chức vụ cùng với tên tác giả trên bìa sách, đó là cái hư danh, háo danh đáng phê phán.

Còn hiện giờ đang có một bệnh háo danh đó là đua nhau làm kỷ lục quốc gia, mà việc đó lại được dung túng, đó là trò tôi ghét nhất. Có những người giữ chức vụ cao, đã về hưu vẫn được đưa vào rất nhiều chức danh. Nói thực tôi thấy rất phản cảm, khó chịu.

Xin hỏi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Có người nói Bệnh háo danh, gian dối hiện nay ở Việt Nam là vô phương cứu chữa bởi ngay từ khi còn bé tí, nhiều bố mẹ, thầy cô đã tiếp tay cho con háo danh, gian dối: Đó là cuộc đua danh hiệu học sinh giỏi, phiếu bé ngoan bằng mọi giá; đó là việc sáng tạo ra nhiều chiêu để ép con 5-6 tuổi sau này phải trở thành những Ngô Bảo Châu, Đoàn Nguyên Đức… Nhận xét này có đúng? Chúng ta phải dạy trẻ co như thế nào để chúng không trở thành những kẻ háo danh?

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Thực ra việc muốn chứng tỏ mình, bộc lộ mình cũng là một nét tâm lý của con người. Có khác là anh biểu hiện đến mức nào để một bên là tự hào về mình, một bên là khoe khoang. Bởi vì con người có quyền tự hào về mình, về những gì mình làm được để người ta thấy sự tự hào của anh là chính đáng, khiến người ta noi theo, chứ không biến thành sự hỡm hĩnh khiến người ta khó chịu. Như trường hợp Ngô Bảo Châu khi anh được giải thưởng danh giá như thế, anh đã biết bộc lộ sự tự hào của mình trong những lời lẽ, phát ngôn, việc làm.

Và đó là những con người biết tự hào, công hiến, có văn hóa. Đáng tiếc là ở nước ta hiện này, trong hệ thống giáo dục cũng như môi trường xã hội, chưa biết cách tạo được con người văn hóa như vậy. Có nghĩa là anh phải đào tạo được những con người biết tạo ra giá trị cho mình. Chúng ta không biết giáo dục những con người biết tự hào, mà lại tạo ra những con người thích kheo khoang. Bệnh thành tích ở trong nhà trường chính là cái xô đẩy thầy cô và học sinh chạy theo cái hư danh. Nói khái quát, chúng ta bắt học sinh chạy theo những cái hư danh, không có, những cái không phải của mình, ở ngoài mình và lại coi đó là cái thực và cái thật.

Tôi đồng ý với bạn rằng đây là một căn bệnh trầm trọng của giáo dục các cấp nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung. Có thể nói đó là cái lỗi hệ thống cơ bản. Nhưng đã nói như vậy thì hệ thống cũng do chúng ta tạo ra, xây nên, lỗi cũng do chúng ta phạm phải. Cho nên, nói như câu nói của Tổng thổng Mỹ Obama “Thay đổi, chúng ta có thể”. Muốn làm được thế, theo tôi phải có gan, có chí từ các cấp lãnh đạo đến mỗi người dân. Hình như đây là cái đang thiếu nhất của chúng ta hiện nay. Cho nên điều đó khiến cho căn bệnh khoe khoang vẫn ngày một lây lan, kéo dài.

Bill Gates không có bằng ĐH mà vẫn rất thành đạt. Tuy nhiên có người lý giải: Không bằng cấp như Bill Gates thì chỉ có thể thành đạt trong kinh doanh – kinh tế, còn muốn làm quan chức thì ngay cả ở Mỹ, cũng cần bằng cấp tử tế. Việt Nam cũng vậy, nếu làm quan chức thì nhất thiết phải có bằng cấp. Quan điểm này đúng hay sai và nó có cản trở những người thực tài nhưng thiếu bằng cấp làm việc cho nhà nước?

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Ở trên tôi đã nói ý rằng có quản lý ở chuyên môn và nhà nước. Không phải nhà chuyên môn nào cũng có khả năng quản lý. Nên nhớ rằng bậc học tiến  sỹ là để nghiên cứu. Bill Gates cũng là một trường hợp thôi. Cho nên việc ở đây là người quản lý giỏi phải biết tập hợp những người giỏi, phát huy được năng lực cao nhất.

Tại sao ở các nước phương Tây, bộ trưởng quốc phòng không nhất thiết phải là một quân nhân, bộ trưởng giáo dục không nhất thiết phải là một nhà giáo. Tôi thích một câu nói về quán lý thế này, khi được hỏi về quản lý ở một cơ quan nước ngoài, ông ta đã trả lời: “Cái tài của tôi là biết sử  dụng người tài hơn tôi”. Còn Bill Gates  thành công như thế vì ông biết tìm công sự, ông chính là người tổ chức, đương nhiên ông phải có cái tài vốn sẵn rồi.

Nhưng nếu đánh giá theo bằng cấp, ông không được trọng dụng. Vì vậy, có thể rút ra là môi trường cho người có khả năng thi thô. Trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều ông chủ học hành bình thườn, nhưng lại thành công. Đó chính là người ta có tài năng, dù không học qua trường lớp. Chúng ta có chính sách trọng dụng người tài để xua đuổi sự háo danh, hư danh giả dối, nhưng những người tài bị chính sách ràng buộc.

Thưa ông Phạm Xuân Nguyên, với trình độ của ông thì hoàn toàn có thể học lấy bằng cấp cao hơn (bằng thực sự), điều đó cũng là hoàn toàn chính đáng và chắc chắn chẳng ai phản đối nếu ông làm vậy. Vì sao tới giờ ông vẫn chỉ dừng lại ở bằng cử nhân? (Lý, công an tỉnh Hà Tĩnh)

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Cảm ơn bạn đã hỏi tôi câu này. Thực ra thì tôi cũng đã từng theo học nghiên cứu sinh nhưng sau đó thì bỏ. Có lẽ vì những lý do sau. Một là cảm thấy mình không thích thú chuyện bằng cấp. Hai là cũng có phần chán nản, thất vọng vì tình trạng học giả lẫn lộn. Ba là vì cảm thấy buồn vì sự lạm phát của các hệ thống đào tạo, nhất là bậc trên đại học. Nó phản ánh ở chỗ nhiều khi bằng cấp không phản ánh đúng trình độ thực. Nhưng tóm lại thì tôi bằng lòng với cái bằng cử nhân của mình.

Và tôi nghĩ những gì tôi viết ra trong quá trình làm nghề phê bình, nghiên cứu đã được người đọc tiếp nhận và đánh giá theo đúng giá trị thực của từng câu chữ, chứ không phải ở bậc học cử nhân của tôi. Cũng có nhiều người, nhiều bạn bè tỏ ít tiếc cho tôi nếu như có một tấm bằng cao hơn thì sẽ giúp ích được nhiều hơn cho mọi người.

Thí dụ như đi dạy đại học, hay hướng dẫn luận án. Họ bảo tôi rằng ông ghét cái giả thì ông phải lấy cái thật thay vào chứ. Có thể những điều họ tiếc cho tôi có phần đúng. Nhưng trong việc đào tạo, nếu biết kết hợp cả trình độ chuyên gia và trình độ bằng cấp thì sẽ huy động được nhiều nguồn đóng góp hơn cho người dạy và người học.

Thực tế là cho tới tận bây giờ vẫn còn nhiều bạn trẻ rất thực tế, họ đi làm và chỉ học những gì cần cho công việc, nhưng cũng có nhiều sinh viên vừa ra trường là học thạc sĩ ngay (hoặc đi làm một thời gian rồi học thạc sĩ), mà thực ra chính họ cũng không xác định được mục đích rõ ràng trong việc học ấy. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Phạm Xuân Nguyên có lời khuyên gì cho họ không? (Linh, sinh viên trường ĐH Quốc gia)

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Cả hai trường hợp học ngay hay đi làm một thời gian rồi học thạc sỹ là tùy từng hoàn cảnh của mỗi người, tùy trường hợp cụ thể. Nhưng thường tôi hay khuyên những người trẻ nếu có điều kiện học lên luôn thạc sỹ, kết hợp vừa làm vừa học thạc sỹ. Và có vẻ như hiện nay tốt nghiệp đại học rồi học thạc sỹ đang là một xu hướng phổ biến và như thế là hay.

Thứ nhất là anh có đà tươi mới khi vừa học xong, vừa kết hợp đi luôn, kết hợp với một công việc cụ thể ngay. Thực ra là vì quá trình đào tạo của ta có quy định về thời gian học thạc sỹ, tiến sỹ nhất định. Như các nước khác, người ta có thể làm luận bất kỳ độ tuổi nào, miễn là anh đăng ký, và sau khi anh làm, người ta sẽ tổ chức chấm, cho anh bảo vệ nếu đạt.

Cho nên cũng đặt ra vấn đề nên cải cách quy trình bằng cấp để tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người hơn, dù là ở hoàn cảnh nào. 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có thể cắt nghĩa từ góc độ văn hóa về hiện tượng quan chức nói dối, háo danh không ạ? Háo danh có phải là tính xấu đặc trưng nổi bật của người Việt ta? Huyền Anh (Sở KHCN, TP.HCM)

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Ở câu trả lời trên tôi có nói háo danh dường như là tật cố hữu của người Việt. Theo quan sát của tôi, rộng ra nó là một đặc điểm của xã hội phương Đông. Xã hội Việt Nam nằm trong không gian văn hóa Hán, văn hóa Nho giáo. Văn hóa đó, theo Khổng Tử rất đề cao chính danh. Chính danh đây hiểu như là một vị thế xã hội.

Ông Khổng Tử có nói “Danh có chính thì ngôn mới thuận”, con người phải có một vị thế trong xã hội, có thể không phải quyền chức, mà là vị thế được xã hội thừa nhận, khi đó lời nói của anh mới được xã hội thừa nhận. Nhưng khi tư tưởng của Khổng Tử ứng vào bộ máy nhà nước của xã hội phong kiến thì danh lại đi với chữ “quyền”, danh phải đi với lợi, có danh là có quyền, có lợi. Chế độ khoa cử của các triều đình Trung Quốc được Việt Nam lấy làm mô hình.

Con người chỉ có một cách tiến thân, muốn có danh phải đi thi, thi đậu thì ra làm quan, làm quan là có quyền, có bổng lộc. Và nhìn hệ thống của ta hiện nay vẫn mang nặng tính chất khoa cử của phong kiến ngày xưa. Cách cất nhắc, bổ nhiệm các chức vụ nhà nước vẫn còn những nét của ngày xưa, tức là lấy bằng cấp làm tiêu chuẩn.

Từ đó mới đề ra tình trạng chạy bằng, chạy cấp bằng mọi giá từ xưa cho đến nay. Tôi cũng không rõ là trong chính sách cán bộ có quy định người cấp nào thì phải có bằng loại nào không, hay nói cách khác có quy định bằng cấp đi liền với chức vụ ở mọi ngành, mọi nghề, mọi lĩnh vực không. Nhưng nhìn vào thực tế bổ nhiệm cán bộ thì tôi thấy, dường như không có bằng cấp thì không được bể nhiệm. Tình trạng chạy đua bằng cấp, bằng giả miễn sao có tấm bằng chính là  vì tâm lý đó.

Cho nên theo tôi một trong những biện pháp có thể ngay chặn háo danh, bệnh bằng cấp ở ta thì phải xem lại chính sách đề bạt và bổ nhiệm cán bộ. Ở các cơ quan chuyên môn, có thể người lãnh đạo là người có học vị chuyên môn, còn ở các cơ quan quản lý, thì cần phải căn cứ vào năng lực, trình độ quản lý chứ không phải chỉ là cái bằng chuyên môn. 

Theo ông, nhà nước cần làm những gì để chữa bệnh háo danh gian đối cho quan chức? Cá nhân phải làm gì để cai được bệnh nghiện danh? (Phạm Hy Vọng, 20 tuổi, Hải Phòng).

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Một vấn đề có tính nguyên tác để chữa căn bệnh này là nhà nước phải đưa toàn bộ hệ thống giáo dục, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ căn cứ trên thực chất giá trị. Và cụ thể hơn ở đây là nhà nước phải chấn chỉnh lại hệ thống cấp phát và sử dụng bằng cấp. Hiện nay đang có tình trạng loạn đào tạo sau đại học, ai cũng làm thạc sỹ, tiến sỹ được mà tôi không hiểu lảm ra để làm gì.

Nếu như ở ngành này, ngành kia, người ta không thích thôi chứ nếu làm thì đều được. Có thể bây giờ không phải phổ cập tiểu học nữa mà là phổ cập tiến sỹ. Cho nên phải siết lại quy trình này để hạn chế những người có bằng cấp nhưng là bằng không thực chất. Tôi lấy ví dụ, muốn tiến sỹ phải có ngoại ngữ, nếu làm chặt chẽ chỉ khâu này thôi có thể hạn chế được rất nhiều.

Về mặt cá nhân, tự ý thức của mỗi người thôi. Nhưng tôi nghĩ người ta chạy theo vì người ta không làm thì người khác cũng làm nên, cho nên mấu chốt vẫn là tạo môi trường sạch, dù người ta có ý khoe khoang cũng không có cơ hội thực hiện. Một điều nữa là các phương tiện truyền thống cũng có thể góp phần tích cực vào việc này, khi họ đừng biến mình thành diễn đàn cho các thói hư, tật xấu này phát triển.

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Quan-chuc-chay-theo-bang-cap-la-hao-danh/60307.gd

2 bình luận

  1. ” háo danh dường như là tật cố hữu của người Việt. Theo quan sát của tôi, rộng ra nó là một đặc điểm của xã hội phương Đông. Xã hội Việt Nam nằm trong không gian văn hóa Hán, văn hóa Nho giáo. Văn hóa đó, theo Khổng Tử rất đề cao chính danh. Chính danh đây hiểu như là một vị thế xã hội.”
    Đoạn này tôi thấy ông Nguyên lập luận mâu thuẫn quá!
    Háo danh là tật cố hữu của người Việt mà xã hội Việt nam nằm trong không gian văn hóa Nho giáo.Văn hóa đó, theo Khổng Tử rất đề cao chính danh.
    Trong khi đó háo danh và chính danh là đối nghịch nhau.
    Sau nữa theo tôi bản chất khái niệm chính danh không phải là vị thế xã hội mà vị thế xã hội chỉ là biểu hiện của chính danh thôi.
    Chính vì vậy mà đoạn sau tôi cũng không đồng quan điểm với ông:

    ” con người phải có một vị thế trong xã hội, có thể không phải quyền chức, mà là vị thế được xã hội thừa nhận, khi đó lời nói của anh mới được xã hội thừa nhận”
    Theo tôi:Có quyền thế hay có vị thế “khi đó lời nói của anh mới được xã hội thừa nhận” là hiểu sai khái niệm chính danh .Chính danh không nhằm mục đích vận động ,tuyên truyền, thuyết phục cho một mục đích cụ thể gì cả.Nội hàm của khái niệm chính danh mang tính triết lý cao cả, nó không phải là “danh có chính thì ngôn mới thuận”.

    Mệnh đề này thì tôi hoàn toàn nhất trí” háo danh dường như là tật cố hữu của người Việt.”

  2. Con đã dinh về Blog của con rồi, bố Tạo ạ. Hi hi

Bình luận về bài viết này