GIẢI THƯỞNG trannhuong.com – TẠI SAO KHÔNG?


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Giải thưởng, danh hiệu… những từ nghe thiêng thế mà giờ nói ra lại thấy ơn ớn. Nó có vẻ như đang mất thiêng trong thời đại đầy chộp giật, gian dối, háo danh, vụ lợi này. Đấy là sự xuất hiện nhan nhản những giải thưởng, danh hiệu đặt ra để vinh danh hay hại danh cũng không rõ nữa. Ngó sang Trung Hoa hôm nay, thấy có đến gần 150.000 loại giải thưởng, nhiều đến nỗi lãnh đạo của nước này phải chỉ đạo thẩm định lại để rút xuống chỉ còn chừng 4.000 loại. Ở Việt Nam ta các loại giải thưởng, danh hiệu chưa thống kê hết nhưng cũng phải có đến con số nghìn. Hầu như doanh nghiệp nào cũng có giải thưởng, đến nỗi Petrolimex buôn bán xăng dầu quanh năm kêu lỗ cũng ẵm đầy các loại giải thưởng, danh hiệu này nọ. Tôi đọc danh sách trích ngang các nhà văn Việt Nam, hầu như ai cũng được giải thưởng, không Trung ương thì địa phương, không chuyên ngành thì đoàn thể; thậm chí có người ghi hàng chục giải thưởng văn học lớn bé. Rồi huy chương “vì sự nghiệp” này nọ. Cứ phải nói là tưng bừng giải thưởng với huy chương…

Trong lúc nhiều giải thưởng từ nhà nước xuống các ngành nghề đang có nguy cơ bão hòa, mù mờ giá trị, thì nhiều tổ chức tư nhân lại đứng ra lập các gải thưởng riêng. Chỉ riêng đối với Thơ, mấy năm trước đã thêm các giải thưởng như Bách Việt, Làng Chùa, Lá Trầu, v.v… Có giải nhất trị giá đến ba, bốn mươi triệu cao hơn cả giải thưởng Thơ của Hội Nhà Văn. Nhưng cũng rộ lên thoáng chốc rồi rơi vào im lặng hay chết yểu.

Bỗng từ trong một trang web bất ngờ xuất hiện một giải thưởng mới, đó là giải thưởng TrầnNhương.com. Không công bố thể lệ, không ồn ào thi cử… TrầnNhương.com tuyên bố (với riêng tôi), vào sáng 28.9.2011, cũng chả nhân dịp gì cả, sẽ làm lễ trao giải thưởng cho hai tác phẩm văn học của hai nhà văn khá nổi tiếng, đó là bộ tiểu thuyết lịch sử BÃO TÁP TRIỀU TRẦN của Hoàng Qốc Hải và tiểu thuyết THỜI CỦA THÁNH THẦN của Hoàng Minh Tường.

Viết về BÃO TÁP TRIỀU TRẦN, nhà văn Phùng Văn Khai nhận định: “Trước khi in thành bộ, 4 cuốn trong bộ sách đã từng có những số phận riêng, như về thời gian cuốn ra đời trước cuốn ra đời sau, như về số lượng cuốn in khá lớn( hàng chục vạn bản), tái bản nhiều lần (Huyền Trân công chúa, Thăng Long nổi giận), cuốn gây sóng gió trong quá trình in chỉ vì cái tựa đề (Bão táp cung đình)… Tựu trung ở một góc độ nào đó, bộ tiểu thuyết lịch sử Triều Trần, mà nay tác giả khái quát bằng một cái tên chung cho cả bộ là Bão táp Triều Trần khi hợp tung lại với nhau đã tạo ra một cái nhìn bao quát, chỉnh thể và sâu sắc về triều đại nhà Trần, một triều đại có võ công, có văn hiến có nhiều nhân tài, vừa sinh Phật vừa sinh Thánh, một triều đại minh bạch dưới ánh sáng của lịch sử”, và “Những bài học mà bộ sách Bão táp triều Trần mang lại là những bài học lớn, nó là tinh hoa của con người Lạc Việt hun đúc lại, soi sáng ra và rất cần được tiếp tục bổ xung, tiếp tục phát huy và phát triển. Thái độ nhà văn từ bộ sách này là một thái độ nghiêm cẩn với lịch sử, nghĩa tình với cuộc sống và lao động nghệ thuật ở đây là lao động nghệ thuật chân chính, tâm huyết”.

Về THỜI CỦA THÁNH THẦN, Phương Ngọc viết: “Thời của Thánh Thần” viết về những biến động của một gia đình nông dân có truyền thống khoa bảng ở làng quê châu thổ sông Hồng suốt nửa sau thế kỷ XX. Bốn anh em trai, ba con đẻ, một con nuôi, sau Cách mạng tháng Tám, 1945, mỗi người đi một ngả. Người trở thành cán bộ lãnh đạo, người là nhà thơ, người phát vãng, người ở nhà cày ruộng. Đồng hành với họ là những người đàn bà, những mối tình sét đánh, éo le, oan trái… Tất cả họ, không ai thoát khỏi những biến động, những sự kiện, những bước ngoặt lớn của đất nước. Đòn xoáy khốc liệt suốt hai cuộc chiến tranh đã cuốn họ đi, nhào nặn nên tính cách và số phận của họ. Họ là những tiêu bản, những hóa thạch của lịch sử mà qua đó nhà văn giúp người đọc hồi ức quá vãng (…) Chính độ mở của tiểu thuyết, thái độ nhập thế của tác giả, dám đối diện với những vùng khuất lấp, những mảng đời sống mà lâu nay nhiều người tự coi như vùng cấm kỵ bất khả tri… đã khiến Thời của Thánh Thần không bị rơi vào khuôn mẫu buồn tẻ, một chiều. Đây cũng chính là một bứt phá của Hoàng Minh Tường, kể từ sau hai tiểu thuyết gây tiếng vang Thủy Hỏa Đạo Tặc và Đồng sau bão.

Vâng, có lẽ đây là quyết định bất ngờ, táo bạo của những người thẩm định giải thưởng TrầnNhương.com.

Xin chúc mừng một Giải thưởng mới mang tên một trang web gẫn gũi với bạn đọc, chúc mừng hai nhà văn họ Hoàng: Hoàng Quốc Hải và Hoàng Minh Tường, những người đầu tiên vinh dự nhận gải thưởng này. 

27.9.2011

Một bình luận

  1. Nhiệt liệt chào mừng giải thưởng trannhuong.com. Chúc mừng hai nhà văn Hoàng Quốc Hải và Hoàng Minh Tường. Đây là giả thưởng của bạn đọc, của nhân dân giành cho hai nhà văn. Rất tiếc em chưa được đọc trọn bộ. Nhưng em sẽ đọc.

Bình luận về bài viết này