NHÂN HỘI NGHỊ VIẾT VĂN TRẺ: THƠ CỦA TUỔI THANH XUÂN


NGUYỄN TRỌNG TẠO 

Số báo THƠ của Hội Nhà văn Việt Nam kết thúc năm Giáp Thân (tháng 12/2004) đã giới thiệu chùm thơ đầu tay của một nữ tác giả đang học lớp 12, đó là em Trương Quế Chi, sinh năm 1987. Mới 17 tuổi mà Chi đã có một thành tích đáng nể: Giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU 30, Giải thưởng nữ sinh Việt Nam 2003, đã xuất bản 7 tập truyện do em dịch từ tiếng Pháp, và trong “gia tài văn học” đầu đời đã xếp đầy những bài thơ có thể nói là độc đáo và sâu sắc. Thử đọc một  trong số những bài thơ của Chi:

Chọn


Sáng

một cuốn thơ và một bát cơm

thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?

tôi chọn cuốn thơ.

 

Trưa

một cuốn thơ và một bát cơm

thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?

tôi chọn cuốn thơ.

 

Tối

một cuốn thơ và một bát cơm

thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?

tôi cần cơ hội để biết:

thơ hay đến mức nào để từ chối bát cơm!

Tôi khá bất ngờ sau khi đọc bài thơ Chọn (và nhiều bài thơ khác) của Chi. Hoá ra những người làm thơ trẻ hôm nay không chỉ làm thơ bằng bản năng, mà ngay từ khi cầm bút, họ đã ý thức được việc mình làm. Đấy là sự hướng tới  những giá trị đích thực của nghệ thuật, cái “món ăn tinh thần cao cấp” trong đời sống đầy trần tục của con người.

Vẫn biết các giá trị nghệ thuật không quá phụ thuộc vào từng thế hệ mà phụ thuộc vào tài năng của từng cá nhân sáng tạo, nhưng tôi vẫn tin yêu và hy vọng vào các thế hệ trẻ sau mình. Họ xuất hiện như những con sóng và vỗ mãi vào bến bờ không dễ lay động của hồn người. Khi thế hệ chúng tôi bước ra khỏi cuộc chiến tranh đằng đẵng, vô cùng ngỡ ngàng với thời bình, thì thế hệ sau 75 vừa được sinh ra. Họ lớn lên trong những năm tháng thanh bình cùng với những biến động mới của xã hội hiện đại, như những trang giấy trắng mà ở đấy sẽ được lấp đầy bằng những niềm vui nỗi buồn của thời đại mới. Thế hệ ấy chính là chủ nhân của hôm nay. Và họ ngày càng khẳng định mình trong những sáng tạo tràn đầy tính thanh xuân cho một thời văn học mới.

Trong bài viết này tôi chỉ xin nói về những nhà thơ sinh ra từ đầu những năm 70 đến những năm 80 của thế kỷ trước. Họ đến với thơ sau thời kỳ Đổi mới, thời mà nền kinh tế thị trường hình thành và phát triển trên đất nước ta, thời bùng nổ thông tin trên toàn cầu và cũng là thời “hội nhập” cùng thế giới. Khi văn học phương Tây đang đầy xáo động với những chủ nghĩa Hiện đại và Hậu hiên đại, thì các nhà thơ “thế hệ mới” cũng nỗ lực thoát khỏi cái bóng rậm rạp của cánh rừng thơ kháng chiến. Có thể nói cái mà các nhà thơ  thế hệ chống Mỹ cứu nước thiếu nhất là ngoại ngữ, để mở rộng văn hoá đọc, thì đấy lại là điểm mạnh của những người làm thơ trẻ. Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật…) cùng với công nghệ internet đã giúp họ “nối mạng’ với nhiều nền thơ, dòng thơ trên thế giới, đã “nạp điện “vào bình ắc quy sáng tạo của giới trẻ. Thơ của họ tuy vẫn viết bằng tiếng mẹ đẻ, mang sẵn truyền thống thơ ca của giống nòi, nhưng những “tư duy lập trình” đã làm thay đổi tư duy thơ ca của họ. Và một loạt những người làm thơ trẻ đã xuất hiện, làm quen tên tuổi mình với bạn đọc trong và ngoaì nước. Những tập Thơ trẻ chọn lọc do Ban văn  học Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tuyển lựa nhân dịp những kỳ Hội nghị những người viết văn trẻ đã nối dài những dòng tên khó mà đếm hết. Đó là Văn Cầm Hải, Vi Thuỳ Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài,  Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư. Đó là Nguyễn Thu Hương, Dương Thu Hằng, Lê Mỹ Ý, Trần Kim Hoa, Nguyễn Quyến. Đó là Đào Phong Lan, PhạmTường Vân, Phan Hoàng, Lê Thiếu Nhơn, Lê Tấn Quỳnh… và mấy năm gần đây là Lý Đợi, Bùi Chát, Trang Thanh, Lãng Thanh, Trương Quế Chi, Trần Hoàng Thiên Kim, v.v.. Những cái tên mà tôi vừa nhớ một cách tuỳ tiện ấy cùng với rất nhiều tập thơ của họ đã xuất bản ở các nhà xuất bản trong nước, hoặc tự photocopy, hoặc tung lên mạng hay giới thiệu trên báo giấy, báo hình, báo tiếng , phong phú về giọngđiệu, phong cách, mở ra một tinh thần dân chủ trong sáng tạo.

Khi Văn Cầm Hải viết: “Trên da bụng em nườm nượp tiếng khóc“, “người dương cầm lên cơn tổng phổ”,”Tuổi đời trôi tuột/ về nơi tử cung/ đầy âm u” là khi anh đã tuyên ngôn cho thơ mình “Dù thời đại lưỡng tính/ anh không ăn bóng một thời đã qua”. Đúng là “hệ thơ chống Mỹ” không hề có một tư duy thơ như thế, và người thơ 20 tuổi ấy đã xuất hiện đúng với sự tự lựa chọn của mình khi cho xuất bản tập thơ Người đi chăn sóng biển (Nxb Trẻ,1994) và những bài thơ sau đó đang chuẩn bị được xuất bản dưới tựa đề Người dương cầm. Thơ Văn Cầm Hải thoát khỏi lối viết tả thực mà tạo ra những ẩn dụ trừu tượng mới, chứng tỏ anh không hề bị “cớm bóng” dưới những đại thụ trước anh.. Vi Thuỳ Linh, cô bé 18 tuổi đã giõng dạc tuyên ngôn cho thơ mình “Tôi không bao giờ hoá trang để nhập vai kẻ khác”. Và cô đã làm được điều đó qua những tập thơ Khát (Nxb Hội Nhà văn,1999) và Linh (Nxb Thanh Niên,2000), cùng với tập thơ thứ 3 là Vili chưa được cấp giấy phép xuất bản. Thơ Vi Thuỳ Linh trình bày “cái tôi không xấu hổ” trước những khuôn phép đầy dị nghị, cái khuôn phép đã từng bị Hồ Xuân  Hương phá rào từ đầu thế kỷ XIX. Câu chuyện tình dục trong thơ Vi Thuỳ Linh khởi ra những cuộc tranh luận không ngã ngũ, làm xôn xao người đọc như một hiện tượng mới lạ trong thi đàn hiện đại. Đấy là sự phản ứng khuôn phép “tự nguyện trói buộc mình và tự chủ trong ý niệm đoan chính” một cách táo bạo mà thơ ta chưa hề động tới: “những ham muốn ghìm lại trong thận trọng, bỗng bật ra nhảy múa quanh tôi, tung tôi lên sấp ngửa/ Tôi nhảy hoang dại trong cái muốn/ và vọt lên túm lấy cái sừng bò lơ lửng giữa trời, ngậm và cắn/… lưỡi đang làm cơn cuồng bạo”. Bên cạnh những câu thơ “cuồng bạo” như thế là những câu thơ thật buồn, thật thương sau cảm xúc hoan lạc giải phóng: “chúng mình buồn như cặp bánh phu thê/  chiều quắt lại như mặt người ốm dậy”. Có lẽ nhờ cá tính mạnh như vậy mà thơ Vi Thuỳ Linh được tìm đọc trong cái thời đại “giải phóng tình dục” đầy hoang mang cần chọn lựa này. Phan Huyền Thư lại “Nằm nghiêng” trường kỳ trong ký hiệu những con chữ và tuyên bố: “Có lúc/ chữ nghĩa/ tôi cũng nhai nát trong miệng/ rịt vào vết thương người làm tôi đau”. Những cảm thức văn hoá đã bị những khinh mạn chua cay pha chút đanh đá của một Thị Mầu đời mới đã khiến thơ Phan Huyền Thư ngả sang một chiều hướng khác với các giọng điệu cùng thời, và gây được ấn tượng nhoi nhói đáng kể. Cho dù Thư dùng quan niệm “Phật sát Phật” để trình bày quan điểm về thơ của mình , thì cái chất chua cay thi sĩ vẫn in đậm trong thơ của cô: “Váy ngắn thì chân phải cong” hoặc “con này cởi quần nhanh lắm/ không phải bạ ai cũng vén miệng tụt lời”, “yêu đương thì phải giữ gìn/ vào sau cửa buồng vần vũ mười lăm phút/ ra đường đoan trang chớp mắt thướt tha”. Đã có nhiều nhà thơ nhìn Thị Mầu với cặp mắt ưu ái, cảm thông, nhưng Phan Huyền Thư thì khác, cô bĩu môi trước những ả Thị Mầu 97 (đời mới), và hiện lên trong làng thơ với một dáng điệu cợt cười nhân quả. Nguyễn Hữu Hồng Minh là người công khai thú nhận chịu ảnh hưởng của của các nhà thơ thần tượng trong và ngoài nước ngay từ thuở ban đầu  bước chân vào làng thơ, nhưng anh cũng là người quyết liệt trong sự bứt thoát ra khỏi tính trung tính biếng lười của chữ nghĩa. Anh cho rằng: “những con  chữ thường ngủ là chính, và nhà thơ phải đánh thức những vỉa từ”. Và Minh đã đi từ “Giọng nói mơ hồ” đến “Chất trụ”, từ hiện thực đến siêu hình. Thực ra thì anh đang nhìn hiện thực trên một tâm thức mới, bạo liệt và riết ráo. Tên những bài thơ của anh thường to tát: “Vũ trụ bao la, thơ một dòng”, “Luân phiên ánh sáng”, “Số phận đơn”, “Tiếng nói bội trương”, “Dự cảm cây liễu”, “Đề cao hiện thực”, “Ăn hải cảng”, v.v… Nhưng đọc kỹ, thấy anh cúi sát xuống hiện thực để phát hiện ra những điều lớn lao chưa được đưa ra ánh sáng. Với cái bồn cầu, anh nhìn thấy: “Bạn bè mi là những cặp mông/ Sự tức thở mi là những cặp đùi chẹn ngang cổ họng”, “Từ nơi bẩn chật tối tăm/ mi nhìn thấy thân thể thế giới/ từ mặt đất con người hát lên những vì sao”. Với hải cảng ngày trở lại, anh có một cách gặp gỡ thật lạ lùng: “Tôi đã ăn một hải cảng trong vòng ba tiếng đồng hồ… Tôi đang ăn cái đầu tôi”… Ký ức và hiện tại đan dính  nhau qua tưởng tượng lạ lùng của nhà thơ, khiến thế giới thơ ca mở rộng đến vô cùng. Đầu thế kỷ XX làng thơ trẻ đau đớn mất đi đột ngột một ngôi sao 25 tuổi, đó là Lãng Thanh. Cậu sinh viên vừa ra trường, thông thạo ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung. Và bên cạnh những bài thơ dị thừơng thi sĩ, Thanh còn là một tay thi pháp tài hoa đã từng mở ra một triển lãm ấn tượng tại Thư Quán (Việt Trì) kéo dài 3 tháng liền trước lúc qua đời trong tai hoạ. Một tập thơ Hoa để lại được bạn bè trong nhóm Chí Tâm đưa đến nhà xuất bản Thanh Niên và ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2003 khiến độc giả thảng thốt trong luyến tiếc. Đọc thơ Lãng Thanh, người ta như bị thôi miên vào một thế giới đầy ma mị và dễ vỡ, ngỡ như lạc vào siêu khí của Hàn Mạc Tử xưa lẫn xứ chân không của các nhà du hành vũ trụ thời nay. Anh thường thả hồn thơ trong “sóng bút điên cuồng” nhưng lại ẩn chứa sâu xa những nỗi niềm thương cảm. “Mẹ ơi! Ngòi bút của con mềm dịu như gió/ Con phiêu lãng cùng non tận thuỷ/ Nhưng những đoá hoa đánh con đau quá/ Con trở về bằng vết máu đầy tay” hoặc “Bóp chặt tay vào đôi ngực ấy/ hai dòng sữa vọt tuôn/ Hai dòng sữa đổ buốt lạnh trên khuôn mặt con làm bừng tỉnh cơn mê/ Chạm má lạnh toát hai bàn tay người yêu xoè đến”… là những câu thơ mang chứa đầy ắp những bất an. Đó là ý hướng lạ mà Lãng Thanh đã lựa chọn để trình bày hồn thơ của mình trước những ba động bộn bề của xã hội hôm nay…

Hầu hết những người làm thơ trẻ đã biết tự ý thức lựa chọn con đường riêng để  đến với thơ ca. Đây là thế hệ các nhà thơ – trí thức, có học vấn cao và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đề cao cá nhân hơn là tập thể. Những thuận lợi ấy đã dành cho các nhà thơ  trẻ như một đặc ân sau những triền miên đồng ca văn học một thời. Nhưng không phải tất cả những con sóng đều tới bờ, không phải tất cả những người làm thơ đều trở thành thi sĩ. Sau “những đố kỵ tài năng” của người viết, sau những thị phi của người đọc, sau những nhầm lẫn hay roi đòn của những kẻ “chăn thơ”, những nhà thơ thực sự có tài và đam mê sáng tạo sẽ tự khẳng định mình bằng chính tác phẩm. Điều đó là sự thật, bởi nhiều người làm thơ đã bỏ thơ ngay sau khi họ vừa xuất hiện. Có thể họ nhận ra sáng tạo thơ không thuộc về họ, hoặc họ còn có những nhu cầu khác khẩn thiết hơn thơ, như làm giàu chẳng hạn. Vẫn còn không ít người tiếp tục “u mê thơ ca”, càng đeo đuổi càng không nhận ra sự vô vọng, ruồng bỏ của thơ  với chính họ. Mỗi ngày, họ lại bị cái đống xác chữ đè nặng tâm hồn cho đến lúc họ không thể thoát ra được nữa…

30 năm đã đi qua. Thời gian vẫn chỉ là thời gian. Trương Quế Chi 17 tuổi hay Văn Cầm Hải 32 tuổi đều có thể mang tới cho thơ những hạt ngọc hay những hạt sạn, những hạt chắc hay những hạt lép. Vấn đề của thế hệ các nhà thơ trẻ là cần phải bước qua bức tường thơ mà các thế hệ trước họ và cả chính họ đã dựng lên. Và tôi vẫn phải nhắc lại rằng, tôi luôn tin yêu và hy vọng vào những người trẻ, vì thanh xuân đang ngập tràn trong hồn họ, trong cây bút của họ.

Hà Nội, 24.12.2004                         

Một bình luận

  1. […] Nguyễn Trọng Tạo NHÂN HỘI NGHỊ VIẾT VĂN TRẺ: THƠ CỦA TUỔI THANH XUÂN […]

Bình luận về bài viết này