VĂN HỌC TRẺ: CÓ TRẺ HƠN VĂN HỌC GIÀ?


TRỊNH SƠN

Câu hỏi của tôi có thể ngây ngô và buồn cười, nhưng không thể không tự hỏi mình và hỏi các nhà văn bấy lâu nay được gọi là nhà văn/thơ TRẺ, cho đến các nhà văn/thơ GIÀ và tất cả độc giả TRẺ/GIÀ có theo dõi tình hình văn học nước nhà.

1) Khái niệm GIÀ/TRẺ lần đầu tiên xuất hiện và tồn tại trong văn học Việt Nam, liệu còn có quốc gia nào có ?

Chuyện này hình như bắt đầu khoảng gần hai chục năm nay, khi mà bỗng dưng văn đàn Việt Nam có sự phân hóa sâu sắc trên phương diện LỄ NGHĨA chứ không phải trên phương diện chất lượng tác phẩm. Khi tờ báo VĂN NGHỆ TRẺ (VNT) ra đời, đồng thời tức thì, người ta có ngay cái chữ GIÀ cho tờ báo VĂN NGHỆ. Nhưng thế nào là TRẺ, thế nào là GIÀ trên 2 tờ báo đại diện cho văn học Việt Nam cấp trung ương ?

Ở tờ VNT, độc giả dễ dàng tìm những tên tuổi lạ, những kiểu viết lạ. Những người làm ra nó, chắc còn trẻ – người ta đoán thế. Còn ở tờ VNG, thói quen lặp lại trên từng con chữ, từng cái tít, từng cái tên. Ắt hẳn, đây là sân nhà của các cây đa/đề – người ta lại cười và đoán thế. Nhưng, cứ thử điểm lại sức thu hút và phổ biến của 2 tờ báo này thì biết, VNG không hề kham nổi cái ý nghĩa GIÀ bao hàm truyền thống, kinh nghiệm và chất lượng, nó thiên về việc gánh cái nhiệm vụ phân bố/phát nhiều hơn là tạo dựng và đảm đang vai trò chuyển tải văn chương. Trong khi đó, VNT phát huy nhiều hơn mong đợi, phản ánh tuy chưa đủ nhưng kịp thời cung cấp/ công bố nhiều thông tin, tác phẩm mang tính thời sự/đại, thu hút khá nhiều cây bút trẻ tuổi với nhiều dòng viết mới lạ. Nỗ lực của nhưng người thực hiện VNT được đông đảo nhà văn/thơ/phê bình và dư luận công nhận.

Nhưng, cái khó bắt đầu ló sau cái khôn – ngược ngạo vậy chứ! Không thiếu cây bút đa/đề của hội nhà văn thấy sân chơi của “bọn trẻ” thú vị hơn, thu hút hơn, tạo ra nhiều phản biện/ứng đa chiều hơn, thế là họ bắt đầu xâm nhập VNT. Tôi thấy cả một sự xâm lược chứ không phải chuyện lấn sân theo ý nghĩa tích cực thông thường. Bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều tên tuổi già cỗi với tư tưởng đóng đinh trên VNT. Hẳn, họ có bàn về văn/thơ TRẺ đôi chút hoặc có phản ánh đời sống hiện tại đôi chút, nhưng sự “cưa sừng làm nghé” bộc lộ dần sự áp đặt, định hướng và không sòng phẳng với giới TRẺ, kể cả các cây bút và bạn đọc. Hẳn, ban biên tập và trị sự VNT gặp không ít phiền toái/muộn trong ý thức/tiêu chí công việc của mình.

Một sự đáp trả tự nhiên và đôi lúc gắng gượng, các cây viết TRẺ sau một thời gian phấn đấu, có tác phẩm tiếng tăm hoặc/và được kết nạp HNV, họ muốn chứng tỏ họ đã đủ bản lĩnh bước một chân rồi hai chân vào VNG. Đọc tới đọc lui nhiều kỳ báo VNG/T, tôi ngạc nhiên: Không biết đâu GIÀ đâu TRẺ nữa ?

2) TRẺ hay GIÀ chỉ là chuyện tuổi tác ?

Tiêu chí của Hội nghị viết văn TRẺ toàn quốc lần này có nêu rõ: Dưới 35 tuổi. Tôi nghĩ, đây là sự cố gắng phi thường của Ban văn trẻ và những người có tâm huyết với văn học để lược bớt những sự nhí nhố đang gán lên cái nội dung/ý chí của chữ TRẺ hiện nay. Đã không thể thống nhất về tư tưởng/chất lượng của chữ TRẺ, thì “đành” lấy tuổi tác GIÀ/TRẺ ra mà chia cắt/phân vùng. Tiêu chí này thiết thực, trong thời điểm hiện nay.

Cái thời Trần Đăng Khoa viết Hạt gạo làng ta hay lá đa “như là rơi nghiêng” hay con vện con vàng ơn nghĩa, cả làng văn Việt Nam phải gọi ông ta là THẦN ĐỒNG THƠ. Ngay cả Xuân Diệu còn phải bái “Ông cụ Trần Đăng Khoa” chứ có ai gọi Trần Đăng Khoa là nhà thơ TRẺ hay nhà thơ NÍT đâu ? Bây giờ, nếu lỡ có xuất hiện một nhà-thơ-thần-đồng-tái-bản, nhỏ tuổi hơn Trần Đăng Khoa thuở ấy nhưng cũng viết giọng điệu Hạt gạo làng ta, liệu ai còn dám kẻ cả gọi phân biệt kẻ ấy là Nhà thơ TRẺ/GIÀ ?

Văn chương, nếu cần phân biệt thì nên phân biệt hay/dở, bán chạy/ế ẩm, sống đời/chết ngúm… Ngay cả sự chia ngắt văn chương bám theo từng thời đoạn/kỳ lịch sử cũng đã là không ổn: Văn chương chống Pháp, Văn chương chống Mỹ,… Văn chương rồi sẽ chống cái gì nữa ? Phục tùng cộng đồng là trách nhiệm của mỗi cây bút, bất kể bút đỏ/đen/xanh/tím, tác phẩm của anh không nuôi dưỡng nổi tâm hồn anh, con người anh thì nói gì đến sự khiên cưỡng gắn hết chủ nghĩa này, lý tưởng nọ vào xác xơ câu chữ nữa.  

Nên, chuyện TRẺ/GIÀ thôi thì cứ để cho tuổi tác quyết định trong thời buổi này – khi mà người ta cố tình nhầm lẫn hoặc chạy trốn khuôn giá trị đích thực của văn chương.

3) GIÀ và TRẺ đã nói chuyện sòng phẳng chưa ?

Theo dõi các bài phê bình của các nhà văn/thơ/phê bình GIÀ, tôi nhận thấy ngay sự không sòng phẳng, đôi khi trí trá của “người lớn” đối với “bọn con nít”. Như trường hợp cô Vi Thùy Linh chẳng hạn, tung hô tán tụng cô ấy cũng tốt thôi, nhưng tung hô tán tụng cái gì? Vì cái mới mẻ ư, vì cô ấy dám cách tân ư ? Vậy thì phải bàn cho ra ngô ra khoai cái mới lạ của THƠ cô ấy chứ đừng nói năng qua loa, khen cũng dở mà chê cũng dở, quay qua quay lại chỉ thấy bàn về thái độ/con người cô ấy nhiều hơn là bàn về tác phẩm. Chúng ta sẽ không khỏi giật mình nghĩ đến Marilyn Monroe sẽ ra làm sao nếu chỉ còn mông và vú ? Phê bình là vậy ư ? Văn học là vậy ư?

Vi Thùy Linh có thể nói là một trong những cây bút trẻ (phải) bị/được chịu đựng nền phê bình dùi cui hiện nay nhiều nhất. Sự bàn luận lấy được của giới GIÀ, làm cho giới TRẺ càng tù mù hơn trong khi giới GIÀ thì nói là văn học TRẺ tù mù. Cái nguy cơ biến bọn trẻ thành búp bê trong nền văn nghệ định hướng ngày nay càng bộc lộ rõ ràng hơn, trong vấn đề nhận chân tác phẩm và nhìn nhận những vấn đề thay đổi, biến động của thời đại. Họ chê tác giả trẻ non nớt, chưa đủ vốn sống, không thấu thị ngôn ngữ/văn hóa/lịch sử dân tộc trong khi cũng chính họ trao giải thưởng HNV cho một cuốn tiểu thuyết bôi nhọ lịch sử, phỉ báng danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi ? Họ nói văn/thơ TRẺ tắc tị, chỉ có sex xiếc, bạo lực trong khi những tác phẩm đăng tải nhan nhản trên nhiều báo chí thì cũ kỹ, xa rời đời sống thực. Những vấn đề đất nước đang nổi cộm, đang bức bối lòng người họ không dám bàn lấy một câu, lại đi khuyên bảo giới TRẺ phải ngoan ngoãn, học tập họ. Học tập cái gì ? Chính họ ngại ngùng vô tình/cố ý đối với tình trạng dân tộc/thời đại thì họ đòi hỏi lớp con cháu/đàn em cái gì ? Sòng phẳng hay chưa ?

Tôi rất muốn viết như ông TỐ HỮU nếu chỉ vì để làm vừa lòng nhiều nhà văn/thơ/phê bình đa/đề, nhưng, họ thẳng thừng: Mày cũ quá! Phải cách tân! Phải đổi mới! Thế là tôi chuyển qua viết theo kiểu THANH TÂM TUYỀN, TRẦN DẦN, LÊ ĐẠT,… Họ lại trừng mắt: Muốn làm hỏng truyền thống à? Muốn Hậu Hiện đại Tân hình thức à? … Bạn đọc có cái cách đọc của họ, người viết có cái cách viết của họ. Tác giả và độc giả không định hướng cho nhau, tư dưng mấy ông nghè ông tổng đâu đâu nhảy xổ ngồi chổm trên nền văn học yếu ớt, bảo ban nó phải thế này thế nọ. Nói thật, nhiều năm tôi đọc báo chí, chưa thấy ai bàn rõ cái dở/cũ của TỐ HỮU hay cái hay/mới của THANH TÂM TUYỀN một cách khoa học, đàng hoàng và ngay thẳng cả.

Nền phê bình dùi cui ảnh hưởng ghê gớm tới chất lượng văn học TRẺ. Để rồi, có ông nhà văn lớn nọ dám mở miệng than vãn: TƯƠNG LAI VĂN HỌC TRẺ ĐI VỀ ĐÂU ? Đi về đâu là chuyện tự nhiên/tất yếu của nó chứ làm sao ông ta đi thay cho nó được ?

4)  Văn học đích thực đang ở đâu ?

Trang web văn học của nhà văn TRẦN NHƯƠNG (trannhuong.com) là một trong vài trang mạng văn học thu hút số lượng tác giả/ độc giả đông nhất nước. Người thực hiện đã rất cố gắng phát huy văn học theo chiều hướng dùng văn học phản ánh xã hội, phản ánh khát vọng của nhân dân, phản ánh thực sự tình hình đất nước hiện tại. Nhưng, có mấy ai không thất vọng như tôi chứ ? Hiếm hoi để tìm thấy tác phẩm của GIÀ/TRẺ nào thực sự là văn chương. Đến nổi, nhà văn đàng hoàng TRẦN NHƯƠNG phải thường xuyên dùng hình ảnh sex xiếc với vần vè vớ vẩn làm công cụ thuyên chuyển ý chí/tư tưởng của mình và dân tộc. Đau không ?

Mấy lời bàn trước thềm Hội nghị viết văn TRẺ toàn quốc. Tôi yêu văn chương như yêu đất nước của mình vậy, như yêu tiếng Việt của mình vậy. Chỉ có một lời nhắn nhủ các anh/chị/bạn đại biểu lần này: Đừng xả rác trên đường ra/về Tuyên Quang! Nếu có thể, hãy cúi xuống nhặt rác của ai đó (không cần biết) trong tầm tay mình nhé!

Đàlạt, 22/08/2011

2 bình luận

  1. […] Nguyễn Trọng Tạo VĂN HỌC TRẺ: CÓ TRẺ HƠN VĂN HỌC GIÀ? […]

  2. “Cái thời Trần Đăng Khoa viết Hạt gạo làng ta hay lá đa “như là rơi nghiêng” hay con vện con vàng ơn nghĩa, cả làng văn Việt Nam phải gọi ông ta là THẦN ĐỒNG THƠ. Ngay cả Xuân Diệu còn phải bái “Ông cụ Trần Đăng Khoa” chứ có ai gọi Trần Đăng Khoa là nhà thơ TRẺ hay nhà thơ NÍT đâu ? Bây giờ, nếu lỡ có xuất hiện một nhà-thơ-thần-đồng-tái-bản, nhỏ tuổi hơn Trần Đăng Khoa thuở ấy nhưng cũng viết giọng điệu Hạt gạo làng ta, liệu ai còn dám kẻ cả gọi phân biệt kẻ ấy là Nhà thơ TRẺ/GIÀ ?”. “Trợn mắt coi kinh nghìn lực sỹ, cúi đầu làm ngựa …”. Vậy chúng ta có quá quan trọng khi phân biệt trẻ già trong cấp bậc phẩm hàm của
    làng “thơ văn” không???

Bình luận về bài viết này