NHÂN HỘI NGHỊ VIẾT VĂN TRẺ: Ý KIẾN CỦA MỘT NGƯỜI VIẾT TRẺ


Lê Hưng Tiến


NTT: Lê Hưng Tiến sinh 31.5.1981. Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Thuận, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hiện đang giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận. Anh sáng tác ca khúc và nhạc không lời. Đã in tập thơ đầu tay Chân dung ảo (Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội 2007) và sắp ra mắt tập trường ca Ễn lên đêm. Là đại biểu dự hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ 8. Dưới đây là tham luận anh dự định đọc tại hội nghị.

.
HY VỌNG MỘT CUỘC CÁCH MẠNG THƠ?

LÊ HƯNG TIẾN

Giới sáng tác văn học Việt Nam hiện nay đang trong những điều kiện tương đối thuận lợi nhưng tại sao vẫn chưa làm được công cuộc Cách mạng thơ? Trong khi đó những gương mặt sáng giá đã làm nên lịch sử văn học trong những năm qua, có thể kể vài tên tuổi điển hình từ Bắc chí Nam: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Mai Văn Phấn, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Văn Cầm Hải, Lê Vĩnh Tài, Inrasara, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ly Hoàng Ly,… Cạnh đó chính sự xuất hiện của nhóm Mở Miệng, nhóm Ngựa Trời cũng đã và đang góp phần tạo nên bức tranh văn chương nhiều màu sắc sinh động, ấn tượng. Hơn nữa còn có cả một đội ngũ chuyên nghiệp về lĩnh vực nghiên cứu- lý luận- phê bình quy tụ bao tên tuổi nổi tiếng: Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Xuân Nguyên, Inrasara, Văn Giá, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Hòa,… nhưng đến nay công cuộc Cách mạng thơ vẫn chưa hiện diện.

Từ khi cơ chế bắt đầu mở cửa, nhiều luồng khí văn hóa ở nước ngoài ồ ạt xâm nhập và được ta tiếp thu, tiếp biến rồi phát triển nâng lên bậc. Và để bắt nhịp với xu hướng thời đại toàn cầu hóa, đội ngũ sáng tác đã không biết mệt mỏi tìm tòi- nghiên cứu; khai thác- khám phá rồi sáng tạo- đổi mới chỉ vì mục đích đáp ứng nhu cầu thỏa mãn văn hóa nói chung. Từ đó sản sinh ra nhiều giọng điệu mới lạ, nhiều thể loại và hình thức mới cùng với nhiều thủ pháp kết cấu phong phú, đa phong cách. Có lẽ lớp trẻ ngoài việc kế thừa từ những tinh hoa truyền thống của cha ông ta mà còn biết vận dụng tốt cái mới để sáng tạo. Do vậy, hiển nhiên trong đời sống văn học xuất hiên nhiều ý niệm về thơ: thơ trình diễn, thơ tân hình thức, thơ thị giác, thơ sắp đặt,… Có thể kể ra đây vài nhân vật đã hình thành cho sự cách tân táo bạo đó: Nguyễn Hữu Hồng Minh, Mai Văn Phấn, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Trương Quế Chi, Nguyễn Thúy Hằng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trần Tuấn, Trương Trọng Nghĩa, Huỳnh Thúy Kiều, Nguyệt Phạm, Đồng Chuông Tử, Trịnh Sơn,…

Rồi thập niên qua, phong trào thơ với tinh thần hậu hiện đại xuất hiện tạo nên một không khí mới. Các tên tuổi để lại nhiều dấu ấn có thể kể: Inrasara, Lê Anh Hoài, Lê Vĩnh Tài, Lý Đợi, Bùi Chát, Ly Hoàng Ly, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Vũ Thành Sơn, Đỗ Thượng Thế, Tuệ Nguyên, Lưu Mêlan, Liêu Thái…

Mặc dù vậy, cho đến nay công cuộc Cách mạng thơ vẫn chưa hiện diện. Vì sao vậy ?

Theo Inrasara nhận định về những nguyên nhân sau đây: “Một cuộc cách mạng văn chương cần hội đủ bốn yếu tố. Trước hết, họ là người viết cùng thời, cùng quan điểm sáng tạo có khả năng dựng nên một trường thơ; thứ hai: chính họ phải lập ngôn cho hệ mĩ học sáng tạo của nhóm, của phong trào mình; thứ ba là nhóm thơ ấy có được diễn đàn độc lập; cuối cùng: cần có một lớp độc giả được chuẩn bị tinh thần và tri thức để sẵn sàng đón nhận tác phẩm của họ.

Xét cả 4 yếu tố, nền thi ca Việt Nam hiện nay đang thiếu, thiếu lớn! “

Chủ quan của tôi thì nghĩ thêm rằng, để có một cuộc cách mạng thơ, chúng ta cần phải có thêm một yếu tố nữa, đó là sự tôn trọng thơ. Nền nghệ thuật Việt Namvốn èo uột, suốt thế kỷ 20, thơ là một sự nổi trội, và hình như hiện nay vẫn thế, nhưng chúng ta (nhà quản lý, người làm thơ) chưa có đủ sự tôn trọng nó thì làm sao nói đến cách mạng.

*** 

Để công cuộc Cách mạng thơ ca Việt Nam ngày càng định hình rõ ràng, thiết nghĩ giới sáng tác trẻ chúng ta hôm nay ngoài tinh thần đoàn kết, nhiệt huyết, đam mê sáng tạo nhưng cần phải tư duy sáng suốt trong tính cách đột phá cái mới, vì cái mới vốn dĩ là tâm thức về văn hóa và sáng tạo. Hơn nữa chúng ta phải chuẩn bị cho mình có được ý thức về cả hợp chất Tư tưởng – Nghệ thuật- Ngôn ngữ để làm kim chỉ nam cho tư duy sáng tạo và sự cách tân táo bạo, nhằm đóng góp cho sự nảy nở hàng loạt những trào lưu, khuynh hướng cũng như các trường phái có ảnh hưởng ra ngoài thế giới.

Đặc biệt hơn bao giờ hết, Hội Nhà văn ViệtNamcần quan tâm sâu sắc với đội ngũ sáng tác trẻ. Song hành với việc chăm lo phát hiện bồi dưỡng sáng tác trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam cũng nên mạnh dạn đầu tư tổ chức các lớp bồi dưỡng, các lớp tập huấn thường xuyên theo định kỳ cho những người làm công tác biên tập, những người chủ chốt tạp chí, báo đài, báo mạng… qua đó, họ vừa nâng cao năng lực nghề nghiệp để có khả năng mở rộng cách đánh giá- nhìn nhận về các tác phẩm một cách thông thoáng hơn, chính xác hơn và đúng hướng hơn; vừa nắm bắt kịp hơi thở mới mẻ, táo bạo và rất trí tuệ của sáng tác trẻ; đồng thời giữa sáng tác trẻ và người làm biên tập nhất định sẽ tìm được điểm chung về sự đồng cảm- cộng cảm với nhau để có những cống hiến lớn làm nên sự kiện- hiện tượng nổi bật của các trào lưu, các trường phái. Và biết đâu trong nay mai, công cuộc Cách mạng thơ ca ViệtNamsẽ làm nên diện mạo văn học cho nước nhà và cho cả thế giới.

.

Lời giới thiệu của Nguyễn Trọng tạo cho tập thơ Chân dung ảo của Lê Hưng Tiến

Lê Hưng Tiến gửi tôi 38 bài thơ với vẻn vẹn mấy dòng:

“Lê Hưng Tiến. Sinh 31-5-1981. Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Thuận, hiện đang giảng dạy tại Trường Cao đắng Sư phạm Ninh Thuận”.

Vậy là Tiến 26 tuổi, dạy học, làm thơ. Tôi chỉ biết về anh ngần ấy

Thường thì tôi rất ngại đọc thơ của những “nhà sư… phạm” vì tôi sợ họ mô phạm, chỉn chu, không hợp với cái sự điên điên khùng khùng của thơ. Không điên khùng thì làm sao sáng tạo ra cái thứ “ngôn ngữ quái đản” như học giả Phan Ngọc từng định nghĩa ngôn ngữ thơ? Tôi tán đồng bốn từ ông dùng cho thơ ấy. Thế mới có Hàn Mặc Tử “trăng nằm sóng soải”. Thế mới có Hoàng Cầm “nứt vai thành sẹo lá lan đao”… Nhưng đọc thơ Lê Hưng Tiến, tôi thấy anh chẳng mô phạm, chỉn chu tí nào. Anh thay dấu cho các từ. Anh thêm dấu cho các từ. Anh kéo dài các từ. Anh thổi nó bay lên như bong bóng bòng bong. Và anh “hoan ca trong lăng kính cầu vòng”. Vâng, cầu vòng chứ không phải cầu vồng

Đọc thơ Tiến trước hết ta thấy lạ. Sáng tạo thì phải lạ.

Đọc thơ Tiến ta thấy quen. Nó quen như thơ.

Đọc thơ Tiến ta thấy mới. Nó mới hơn thơ cũ.

Đọc thơ Tiến ta thấy hay. Nó gieo vào ta những điều ta vẫn thích mà ta không thơ ra được.

Có thể dẫn ra đây vài câu thơ của Tiến:

Những con chữ cũng thành tôi nhồi nhàu đánh bóng
Và giấc em cũng đánh võng bòng bong”,

Anh muốn tìm mình trong ngôn ngữ chính nghĩa
Anh muốn hoan ca qua lăng kính cầu vòng”,

Người ta viết hoa
Mỗi khi thổi hồn em bằng giao cảm tích tịch tình tang”,

Ngày cong đêm
Lối em mơ mớ thành ý tứ” ,

Con kiến lận đận tìm quên cái tên
Có nghe hơi đất thở phào phào ngụ ngôn
Vòng vo đường tinh khiết
Kiến con tận tụy ký vào dấu lưng lửng…”

Rất rất nhiều những câu thơ bảng lảng một chốn nào xa lắm!

Tôi khen Tiến (qua e-mail) và bảo Tiến nên in tập thơ đầu tay. Tiến bảo cháu phải chuẩn bị tiền. Tôi hứa tặng Tiến cái bìa. Thế là Tiến hăng hái chuẩn bị cho ra mắt tập thơ Chân dung ảo. Và tôi muốn giới thiệu Lê Hưng Tiến với bạn đọc yêu thơ.

Hà Nội, tháng 5 năm 2007

Xem tập thơ CHÂN DUNG ẢO

3 bình luận

  1. Thú thực khi đọc những câu thơ, những vần thơ của Lê Hưng Tiến mà anh Tạo khen, tôi không hiểu gì cả. Có lẽ trước các Nhà Thơ trẻ, tôi đã quá già.
    Thơ, theo tôi vần điệu là rất quan trọng. Thơ hay phải là thơ có vần, có điệu, có nhạc ở trong đó để làm cho ta dễ mê say, đắm đuối và dễ thuộc lòng để lúc nào cũng có thể ngân nga, không cần phải mang theo quyển sách thơ kè kè bên mình để đọc.
    Thơ bây giờ của nhiều Nhà Thơ quả là thơ thẩn. Tôi cho rằng nó chẳng phải thơ mà cũng chẳng phải là văn.
    Nói chuyện với nhiều bạn trẻ, họ cũng chẳng yêu thích gì những bài thơ lủng củng của các Nhà Thơ Trẻ cùng thế hệ của họ. Chỉ một số ít thôi, rất ít bạn trẻ thích thôi. Đó là những bạn trẻ uyên bác hoặc chí ít muốn tỏ ra uyên bác. Tóm lại, thơ bây giờ không đi vào lòng công chúng. Cuộc cách mạng thơ mà các bạn trẻ đang kêu gọi mong sao sẽ có ích, đó là cho đại đa số Người Yêu Thơ có được những bài thơ hay, đi vào lòng người, thuộc lòng hàng chục năm, cả đời người.
    Tôi mong các Nhà Thơ Trẻ đừng phỉ bảng tiếng Việt, ngôn ngữ Việt, vần điệu của Thơ Việt.
    Mong các Nhà Thơ Trẻ gặt hái nhiều thành công !
    Văn Thành – Hà Nội

  2. […] NHÂN HỘI NGHỊ VIẾT VĂN TRẺ: Ý KIẾN CỦA MỘT NGƯỜI VIẾT TRẺ (Nguyễn Trọng […]

  3. em thích miên di bác ạ, mới như vậy là vừa đủ (bác đọc thử ),mới như lê hưng tiến ,em chịu.Đôi khi bác cũng phải hà tiện lời khen

Bình luận về bài viết này