THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM LẠM BÀN


(NHÂN ĐỌC TUYỂN TẬP THƠ BÁT VIỆT NAM, NXB VĂN HÓA, 1994)

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Có người cho rằng, thể thơ lục bát còn có trong thơ Chàm và thơ Thái Lan (Vũ Lang Nguyễn Khắc Ngữ, Văn hóa nguyệt san, SG, số 2, 10 – 1957; Nghiêm Thẩm, nguyệt san Quê Hương, SG, 6 – 1972). Căn cứ trên tư liệu đó, Hồng Diệu viết Một đính chính về thơ lục bát (Nhân Dân chủ nhật, 15 – 1 – 1992) khẳng định thể lục bát không chỉ riêng nước ta mới có, khác với ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu trước đây “lục bát là thể thơ thuần túy Việt Nam”. Không thấy có tranh luận nào thêm, nhưng xét về niêm luật thì thơ lục bát Việt Nam dù có những  ngoại lệ như “Tò vò mà nuôi con nhện – Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi”, thì nhìn chung cách gieo vần phổ biến là vần bằng (chữ  thứ 6 câu lục với chữ thứ 6 câu bát, chữ thứ 8 câu bát với chữ thứ 6 câu lục tiếp theo). Không những nó tồn tại trong dân gian dài lâu mà còn trở thành nghệ thuật hàn lâm với nhiều thành tựu rực rỡ của nền văn học nước nhà. “Và sở dĩ nó được xem như “nguồn”, nghĩa là dân tộc, thì không phải do chỗ nó là dân gian (vì dân gian và dân tộc không phải là một) mà chính là vì nó mang trong mình những đặc trưng dân tộc về văn hóa đã bị nén lại trong dạng dân gian để tồn tại” (Nguyễn Phan Cảnh, Ngôn ngữ thơ, Nxb Đại học và Giáo dục, Hà Nội, 1987). Có lẽ vì thế mà những người tuyển chọn TTTLBVN trong Lời nói đầu, hào hứng tuyên bố: “Nó là loại thơ mang hồn thiêng dân tộc”, kể cũng không có gì là quá. Và khi đã quan niệm như vậy, việc tuyển chọn và xuất bản tuyển tập gồm những bài thơ lục bát hay (theo quan niệm của những người được chọn) ngót hai thế kỉ qua, kể từ Truyện Kiều đến bài thơ vừa xuất hiện cuối năm 1993 là một hành động khả kính trong công cuộc chấn hưng văn hóa dân tộc. Cũng có thể gọi đây là một sáng kiến đáng trân trọng, đặng đem tới cho độc giả một cẩm nang sáng giá về thơ lục bát ViệtNam.

Điều thú vị khi cầm TTTLBVN là đẹp (bìa giấy tốt láng bóng, ruột giấy trắng tinh, chữ in trên nền hoa văn vàng nhạt, trình bày trang nhã), có thể đọc một lèo 166 bài thơ ngót ba trăm trang sách  mà không cảm thấy nhàm, dù chỉ là thơ lục bát thuần túy, trừ bài Thơ sầu rụng  của Lưu Trọng Lư lẫn hai câu thất mà người tuyển chọn xin thông cảm như một ngoại lệ duy nhất. (Cũng lấy làm lạ, vì thi sĩ họ Lưu vẫn có những bài thuần lục bát nặng kí hơn). Điều thú vị ấy chứng tỏ bí quyết  sinh tồn của lục bát là vô cùng kì diệu, thể loại chưa hề để cho thi sĩ khai thác sử dụng đến cùng kiệt bởi nó luôn tạo được trường nét dư cho riêng mình. Nó cho phép xuất hiện những biến nhịp, biến thanh bất thường, tạo ra những hiệu quả mới. Đã thấy xuất hiện những bài thơ không tuân thủ kiểu ngắt dòng của thơ lục bát truyền thống, mà ngắt dòng theo nhịp điệu riêng, thậm chí có câu thơ được ngắt thành bậc thang như là sự nới mở sinh động cho hình thức lục bát mang màu sắc hiện đại. Về thanh âm (bằng, trắc) cũng không chỉ có những biến động ở các chữ thứ 2, thứ 4 của câu lục và các chữ thứ hai, thứ tư của câu bát…mà gần đây tôi còn gặp nhiều câu lục dùng toàn thanh bằng trong thơ lục bát của một nhà thơ Việt ở hải ngoại, đại để như: “Trăng tơ, Sao mơ, Sương mờ”, mà vẫn thấy có sự thú vị riêng. Vậy là thơ lục bát vẫn chưa trở thành quá khứ như số phận của thơ Đường luật bát cú vốn đã đạt tới cực thịnh đến cùng kiệt một thời. Chính vì vậy mà Nguyễn Phan Cảnh cho rằng, lục bát là “thể loại anh minh”, bởi hệ kết hợp của nó trung hòa khi đứng trước ca dao (hệ lựa chọn) nên “khi giai đoạn sau của sự giãn nở của nền văn học vời đến, chí ít lục bát cũng còn có một cái gì đấy để đưa ra!”

Có người nhận xét qua tuyển tập này, thấy những bài lục bát hay lại rơi vào thời xưa. Nếu nói thời xưa là thế kỉ XIX về trước thì ba tác giả “xưa” nhất trong tuyển tập là Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ và Chu Mạnh Trinh. Truyện Kiều thì đã rõ, dù chỉ trích 90 dòng thì vẫn gợi nhớ cả hơn ba nghìn dòng tuyệt tác. Bốn dòng thơ Vịnh cây thông của Nguyễn Công Trứ thì người Việt mấy ai không thuộc? Tuy vậy, Hương Sơn hành trình của Chu Mạnh Trinh chưa phải là một bài lục bát đặc sắc, nếu không nói là cũng “thường thường bậc trung” nặng về mô tả, kể lể. (Cũng hơi buồn là chẳng lẽ một thế kỉ thơ lục bát – Thế kỉ XIX – lại chỉ còn lại ngần ấy?) Phải nói thơ lục bát thế kỉ XX thật là rầm rộ với sự tiếp nối và phát triển phong phú, đa dạng hơn. Các đại thụ của thời Thơ Mới còn tỏa bóng đến tận bây giờ, bâng khuâng, xao xác, tinh tế và tài hoa, mà tiêu biểu cho lục bát là Nguyễn Bính. Ông là thi sĩ đẩy dân gian tới hàn lâm, khác với Nguyễn Du là thi sĩ hàn lâm được chưng cất từ tinh túy dân gian. Nhưng chọn Nguyễn Bính 7 bài 21 trang cạnh Nguyễn Du năm trang 90 dòng thì quả là có sự bất thường, nếu không nói là cực đoan. Tinh thần ấy đã bỏ qua mất tại thơ Hàn Mặc Tử, một thi sĩ tuyệt kì độc đáo của thế kỉ, không những có cả chục bài lục bát trọn vẹn, mà còn có những câu, những đoạn lục bát đột xuất trong thơ tự do hoặc kịch thơ: “Thưa, tôi không dám say mê / Một mai tôi chết bên khe ngọc tuyền / Bây giờ tôi dại tôi điên / Chắp tay tôi lạy cả miền không gian” (Một miệng trăng); “Đêm nay lại giống đêm nào / Nhấp xong chum rượu buồn vào tận gan (Say chết đêm nay); “Tôi toan hớp cả váng trời / Tôi toan đớp cả miếng cười trong khe” (Say nắng) v.v… Các tác giả “sau Thơ Mới” là đông đảo hơn cả, bộn bề hiện thực, tâm linh, chân quê, hiện đại. Họ không thích an bài với thành tựu lục bát đã có mà muốn làm cho lục bát giãn nở, vươn lên cả về nội dung lẫn hình thức. Trong công cuộc cách tân thơ lục bát đã đem tới một không khí đam mê mới, nhưng không phải là không có ít nhiều ngộ nhận, tất nhiên! Vả lại, số lượng khá lớn của những bài lục bát gần đây chưa được thử thách qua thời gian, làm sao tránh khỏi những vội vàng, ngộ nhận về giá trị. Chỉ tiếc là một số nhà thơ thành danh, có những bài lục  bát ghi được dấu ấn một thời lại không được vào tuyển tập như Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mĩ Dạ v.v… Chẳng lẽ những người tuyển chọn khắt khe với họ mà dễ dãi với người mới xuất hiện? Có thể là do quan niệm riêng, có thể là do thiếu tư liệu, đã dẫn tới việc các nhà thơ “Sài Gòn cũ” chỉ có lục bát Bùi Giáng. Vậy lục bát Phạm Thiên Thư lang bạt tận đâu?

Làm một tuyển tập thật khó thay. Một tuyển tập lớn, công phu và minh triết như Thi Nhân ViệtNamrốt cuộc cũng không khỏi bị chê trách và rơi rụng đa phần. Nhưng cái được của nó là vô cùng lớn. Tôi tin cái được của Tuyển tập thơ Lục Bát ViệtNamlà không nhỏ. Chẳng thế mà in xong đã lập tức tái bản nhằm đáp ứng sự hâm mộ của độc giả trong và ngoài nước. Nó có giá trị khởi đầu cho những tập thơ lục bát ViệtNamsau này kế thừa chọn lọc hoàn hảo hơn.

Huế, 5 – 1994

3 bình luận

  1. […] Nguyễn Trọng Tạo THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM LẠM BÀN […]

  2. […] THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM LẠM BÀN – (Nguyễn Trọng […]

  3. […] xét. – Phó Thủ tướng & “ấn tượng” chuồng trâu – (Trương Duy Nhất). – THƠ LỤC BÁT VIỆT NAM LẠM BÀN – (Nguyễn Trọng Tạo). – Liên hoan sân khấu hài lần 1 – khu vực phía Bắc: Vui […]

Bình luận về bài viết này