Người khởi xưởng việc đề nghị phong tặng một Anh hùng


NTT: Sau khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, nhà văn Sơn Tùng rất vui, nhưng ông cũng đã xin rút khỏi danh sách Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đã được Hội đồng của Bộ đề nghị lên Hội đồng cấp trên. Trước khi có thông tin nóng này, báo tamnhin.net có bài phỏng vấn tôi về việc khởi xướng đề nghị phong tặng Anh hùng cho nhà văn Sơn Tùng. Tôi xin đưa bài này về blog để lưu giữ lại.

Người khởi xưởng việc đề nghị phong tặng một Anh hùng

(Tamnhin.net) – Nhân kỷ niệm cách mạng tháng tám và quốc khánh 2-9, Tamnhin.net gửi tới bạn tấm gương anh hùng vì nước, vì dân qua bài phỏng vấn cảm động với nhà thơ đa tài Nguyễn Trọng Tạo…

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (trái) trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

 
Ông là người khởi xướng việc đề nghị phong tặng Anh Hùng cho nhà văn Sơn Tùng? Vì sao?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Từ lâu tôi đã cảm phục nghị lực phi thường và cái tâm hiếu trung hiếm có của nhà văn thương binh loại 1 Sơn Tùng. Một người trong chiến tranh từng đi vào tận chiến trường Nam Bộ đầy gian khổ hy sinh để làm báo và anh bị thương nặng ngay tại mặt trận nhưng vẫn quyết sống để đeo đuổi sự nghiệp văn chương.

Với ba ngón tay còn lại, anh đã cầm cây bút thẳng ngay để viết về người lãnh tụ tối cao của mình là Bác Hồ, mà anh đã tâm đắc ghi chép sưu tầm tư liệu ngay tư khi còn trẻ. Những tư liệu của anh có được từ “lá tử vi” cho đến các chi tiết hiếm có mà người thân của Bác kể lại. Chỉ riêng việc dám công bố bằng các cuộc nói chuyện về những chi tiết đời thường của Bác một cách trung thực thời đó cũng là một người can đảm nhằm nói lên sự thật, bảo vệ sự thật đời thường của vị lãnh tụ vốn được coi như một vị thánh trong Đảng và trong dân.

Cho dù bị một số người “có trách nhiệm” với tư duy sùng bái quen thuộc phản ứng, nhưng anh vẫn không sờn lòng; và với ngòi bút sáng tạo của mình anh đã viết nhiều quyển sách về Bác (đặc biệt là cuốn Búp Sen Xanh) với hình tượng về Người như một nhân vật yêu nước đặc biệt tài năng nhưng cũng là một con người gần gũi đời thường – cũng có gia đình, bạn bè, tình yêu và những giấc mơ đẹp.

Ngoài những tác phẩm viết về Bác, anh cũng hướng ngòi bút vào những nhân vật tài ba của đất nước như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng cho đến những bà mẹ anh hùng trong “vùng lõm” bốn bề quân giặc. Tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng chủ yếu viết về đề tài chiến tranh cách mạng, nhưng tựu trung lại là miêu tả những nhân cách lớn yêu nước thương nòi như những tấm gương mà anh hằng ngưỡng phục.

Văn của anh giản dị tình cảm nhưng quyết liệt, nó như con người tình cảm nhưng giàu ý chí và nghị lực của anh, nên đọc luôn cuốn hút và thuyết phục. Đó là thứ văn học đầy tính trung thực hướng tới những sự thật dù vinh quang hay cay đắng của con người cách mạng nhằm đạt tới mục đích giải phóng dân tộc ra khỏi lầm than, chết chóc để xây dựng một xã hội yêu thương và tươi sáng.

Có lần đến nhà thăm anh, tôi không khỏi cảm động khi thấy anh sức yếu nhưng tinh thần thì vô cùng minh mẫn. Trong một căn hộ chật mười mấy mét vuông, anh vẫn sắp xếp để có bàn thờ Bác Hồ và bàn thờ “tứ thân phụ mẫu” cùng với cái bàn viết nho nhỏ của mình. Giường của vợ chồng anh chính là cái chiếu được trải ra trên sàn nhà, khi cần thì cuộn lại.

Trong một hoàn cảnh như thế, Sơn Tùng viết văn và tiếp bạn bè trên cái “chiếu rượu” gia đình với đủ mặt các “anh hào” như Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Bùi Xuân Phái hay lớp đàn em ít tuổi hơn anh. Thiếu thốn quá, nhiều bạn hữu đã góp gạo, rượu mang đến chia sẻ cùng nhà văn thương binh mà họ vô cùng quý mến. Vợ anh kể, có hôm anh viết say sưa đến nỗi vết thương trên đầu ứa máu chảy đỏ cổ áo mà anh không biết. Anh đã vượt qua nỗi đau của mười mấy mảnh đạn còn lại trong người để viết về nỗi đau lớn hơn của cuộc đời, đó là nỗi đau của phận người, nỗi đau nhân tình thế thái, nỗi đau của nhân dân, đất nước. Một nhà văn như thế luôn ám ảnh tôi mỗi khi nghĩ tới nghiệp văn.

Khi đến thăm anh tại phòng cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai, tôi đã không cầm được nước mắt khi biết anh đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn đau đáu về những trang viết còn dang dở. Tôi nghĩ đến nhà văn Nicolai Ostropxki của Liên Xô trước đây, tác giả của cuốn tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” mà thế hệ chúng tôi từng đọc nhàu nát và mê đắm về lý tưởng sống chết của tuổi trẻ hiến dâng cho Tổ quốc. Với nghị lực và lý tưởng nhà văn, Sơn Tùng đâu có thua gì Nicolai Ostropxki. Họ đều là những người anh hùng, dám sống vì lý tưởng cách mạng cho đến hơi thở cuối cùng như nhân vật Paven trong “Thép đã tôi thế đấy”? Và tôi nghĩ: Sơn Tùng xứng đáng là một nhà văn Anh hùng.

Tôi đã viết ý nghĩ đó lên trang blog của mình và được bạn đọc ủng hộ. Và tôi quyết định gặp Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam trao đổi và đề nghị Hội làm hồ sơ để Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao Động cho nhà văn Sơn Tùng. Thật vui là ngay từ đầu, ý kiến của tôi được Chủ tịch HNVVN Hữu Thỉnh hoàn toàn nhất trí và ủng hộ. Rồi nhà văn Nguyễn Hoa, người được phân công chuẩn bị hồ sơ cho nhà văn Sơn Tùng hết sức năng nổ khẩn trương để làm việc này.

Kết quả là 9 tháng sau, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định phong tặng danh hiệu AHLĐ cho anh. Đây là nhà văn Anh hùng đầu tiên do HNVVN đề nghị và được nhà nước chấp nhận tôn vinh. Đây cũng là niềm vinh dự tự hào không chỉ cho nhà văn Sơn Tùng, HNVVN mà còn là niềm vui của cả giới viết văn.  

Cảm nghĩ của ông về nhà văn Sơn Tùng? Một nhân cách Sơn Tùng cần thiết gì cho hiện nay, theo ông?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:  Trong lễ phong tặng danh hiệu AHLĐ cho nhà văn Sơn Tùng tại trụ sở HNVVN vào tháng 7/2011 với sự có mặt của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, hội trường chật kín người tới dự. Tôi đến sau và cùng với nhiều người phải đứng ngoài hành lang. Qua cửa sổ, tôi nhìn thấy nhà văn Sơn Tùng tóc bạc phơ, người nhỏ thó ngồi trên chiếc xe lăn, bên cạnh là người vợ đảm đang trung hậu và con trai anh. Những giọt nước mắt cảm động của nhà văn đã rơi xuống chiếc khăn của người vợ.

Tôi nghe lời tôn vinh của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Nếu như đa phần các nhà văn viết bằng cảm hứng và muốn biết có những nhà văn cầm súng nơi chiến trận viết bằng máu như thế nào thì nên đến gặp Sơn Tùng bởi phải là người có ý chí, có quyết tâm lớn lao, nghị lực phi thường mới có thể chiến thắng bản thân để tiếp tục cầm bút sáng tạo nên những tác phẩm văn học làm rung động lòng người”…

Đúng vậy, ý chí, nhân cách và nghị lực phi thường của nhà văn Sơn Tùng mãi mãi là điều cần có cho mọi nhà văn có lý tưởng phụng sự con người và xã hội. Nếu thiếu đi những điều đó thì nhà văn sẽ dễ dàng bẻ cong ngòi bút để trở thành bồi bút hoặc tìm kiếm những danh lợi riêng nhỏ bé, làm cho người đọc mất niềm tin vào tiếng nói nhà văn. Bởi nhà văn luôn là người tìm đường, mở đường, gieo hi vọng sống tốt đẹp cho con người. Đó chính là những nhà văn chân thật và thông minh, dám nói lên sự thật dù đó là sự thật vinh quang hay cay đắng của con người và xã hội mà họ đã sống, đang sống và sẽ sống.

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Hà Xuân (Thực hiện)

4 bình luận

  1. […] Người khởi xưởng việc đề nghị phong tặng một Anh hùng  – […]

  2. Chúng tôi đều là những thương binh “tàn nhưng không phế”. Tuy vậy vẫn kém xa anh Sơn Tùng (xin lỗi đươc gọi bằng anh vì tuổi tôi băng tuổi anh Sơn Tùng, nhưng lại nhà Vật Lý)

  3. […] chỉ đỏ” (TTVH). – Trao kỷ lục Việt Nam cho các chợ phiên độc đáo (TT). – Người khởi xưởng việc đề nghị phong tặng một Anh hùng  – (NTT). GIÁO DỤC-KHOA HỌC <=- Du học bậc cuối phổ thông và dự bị đại […]

  4. Một danh nhân đã nói: Có một loại tài năng đặc biệt, đó là nhận ra tài năng của người khác. Xin cám ơn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, đã đề xướng việc đề nghị phong tặng danh hiệu AHLĐ cho nhà văn Sơn Tùng- người đã chiến thắng số phận, đem lại cho dân tộc ta những áng văn bất hủ về lãnh tụ HCM và những người anh hùng vô danh khác!

Bình luận về bài viết này