THƠ HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG MỘT CÕI TÂM LINH


NGUYỄN TRỌNG TẠO

Hoàng Phủ Ngọc Tường

Tôi và Hoàng Phủ Ngọc Tường đang lai rai li rượu đế, đàm đạo chuyện trên rừng dưới biển thì bỗng cụ Nguyễn Tuân xuất hiện trước cửa, một tay cầm gậy trúc đen bóng, một tay cầm chai rươu tây nhỏ xíu. Chúng tôi chưa kịp chào vì quá bất ngờ, thì cụ Nguyễn đã ngồi vào chiếc salon cũ kĩ, nhờ chủ nhà lấy cho ba cái li thủy tinh nhỏ và cẩn thận mở chai rượu trong tay, cặp mắt hóm hỉnh nhìn vào ông Hoàng Phủ Ngọc Tường mà nói: “Cảm ơn ông đã cho tôi một tập thơ hay. Cái tập Người Hái Phù Dung ấy. Hóa ra cái sở đoản của ông không thua gì cái sở trường của ông”. Rồi cụ quay sang tôi: “Ông nên viết một cái gì đó về tập thơ của ông Hoàng này đi. Ngôn từ không có gì là mới lại lắm, nhưng đấy là thơ của cõi âm, của cõi tâm linh, ông ạ”. Nói xong, cụ Nguyễn cười sảng khoái, nâng li rượu lên. Tôi và Hoàng Phủ Ngọc Tường cạn li cùng cụ Nguyễn. Khi li rượu vừa cạn, chúng tôi không còn thấy cụ Nguyễn đâu nữa, chỉ còn lại chiếc salon cổ kính trống không.

Thì ra đấy chỉ là một giấc mơ.

Tôi tỉnh dậy bàng hoàng, rất lấy làm tiếc là không được nghe cụ Nguyễn phán dài dài về tập thơ Người Hái Phù Dung của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhưng cái ý “thơ của cõi âm” do cụ khởi lên cùng với lời khuyên của cụ đã khiến tôi đọc đi đọc lại tập thơ, và cuối cùng là viết bài này, vâng mệnh bậc tiên chỉ quá cố đã chỉ bảo trong mơ.

***

Có lẽ phải nói ngay rằng, Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người viết tùy bút nổi tiếng vài chục năm lại đây. Anh là người đảm nhận cái gánh nặng tùy bút mà Nguyễn Tuân và Vũ Bằng đã trao lại. Tuy vậy, cũng như tùy bút Nguyễn Tuân, tùy bút của anh vẫn không mê hoặc được tôi (riêng tôi) như khi nghe anh đàm đạo say sưa trong những cuộc rượu, khi mà con ma men đã len lỏi tới tận từng tế bào kích thích toàn bộ các giác quan sung mãn của anh, và anh nói mê đắm như người lên đồng. Mỗi lúc như vậy, giá có cái máy ghi âm ghi lại, chép ra chắc sẽ có hàng nghìn trang sách sinh động với một giọng văn hấp dẫn đặc biệt. Điều ấy chứng tỏ rằng, tri thức cuộc đời và sự nghiền ngẫm nội tâm trong anh là vô cùng phong phú. Những bài tùy bút anh viết ra mới chỉ là cái phần bề nổi của chính anh mà thôi. Con người anh ví như cái căn hộ hình hộp của anh có ba phòng, thì phòng đầu tiên có cửa chính và cửa sổ thông ra với xã hội là nơi anh ngồi viết văn, phòng giữa là nơi anh thổ lộ với bạn bầu những gì đang nung nấu, và phòng cuối cùng tận trong sâu thẳm của âm u, thỉnh thoảng  rơi vào dăm giọt nắng của ban ngày, vài giọt sao của ban đêm là nơi anh làm những bài thơ tinh lọc đời mình. Trong căn phòng âm u đó, nhà thơ như nghe thấy được tiếng nói của chính mình từ thế giới bên kia vọng lại, và thế là hai thế giới âm dương cùng hòa quyện vào nhau. Thơ đã sinh ra giữa cái sống và cái chết. Tôi chợt nhớ một lần cùng anh Văn Cao tới hang động yến sào ngoài biển Quy Nhơn và phát hiện ra những con chim yến không làm tổ bằng nước bọt mà làm tổ bằng chính máu mình, người ta gọi đó là yến huyết, còn anh Văn Cao thì gọi là “Yến Thi Sĩ, nó làm thơ để mà chết vì chính bài thơ của nó làm ra”. Phải chăng Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng làm thơ bằng máu của mình, làm thơ như “viết di chúc để mà chết” nên thơ của anh thường mang tâm trạng lâm chung mà nuối về cuộc sống vời vợi đã qua?

Mai kia rồi cũng xa người

Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa

Có nàng xõa tóc tiên nga

Quỳ hôn cát bụi khóc òa như mưa

(VỀ CHƠI VỚI CỎ)

Ngay giữa ngày Sinh nhật, anh cũng không quên nghĩ về cái chết:

Mai kia tôi về ngủ trên đồi

Nắng rải hoa vàng quanh chỗ tôi

Con chim sơn ca ngày thơ bé

Nó bay về khóc mãi không thôi

Tôi đang viết bài này thì bác sĩ Nguyễn Tích Ý ghé thăm. Bác sĩ đã ngấp nghé cái tuổi “thập thất cổ lai hi”, đang sống những ngày hưu trí ở ngoại ô thành phố Huế, là bạn vong niên của tôi và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Mỗi lần gặp ông, tôi đều có cảm giác ông sống tốt với chúng tôi như là chỉ còn một lần duy nhất cuối cùng. Ông nâng li rượu lên và đọc câu thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường: “Thời gian sao mà xuẩn ngốc – Mới thôi, đã một đời người”, rồi ông cất tiếng cười khoái chí lắm, nhưng tôi lại đọc được phía sau tiếng cười ấy cả một nỗi buồn dâng ngập tuổi tác. Và tôi nhớ tới lá thư hôm kia của nhà văn Ngọc Giao, từng là thư kí Tòa soạn của tờ Tiểu thuyết thứ Bảy, nay đã gần tám mươi tuổi, gửi vào sau khi đọc Người Hái Phù Dung: “Tôi nhấm nháp từng dòng, cố bắt bộ não già yếu này nhớ, nhớ, đừng bỏ rơi vàng rớt ngọc. Nhưng bệnh rối não mấy tháng nay không cho lại  một chút minh mẫn nhớ lâu như thời trẻ, vì vậy cứ phải đặt tập thơ gối đầu giường mà đọc lại nhiều lần… Tôi đã phải reo lên: Đã mấy chục năm qua, giờ tôi mới thấy xuất hiện một thi nhân khác kiểu, một thi phẩm lạ đời… Buông sách khỏi tay, sao mà thấm thía một nỗi sầu vạn kiếp…”. Có lẽ cũng không nhất thiết phải ở cái tuổi “cổ lai hi” như bác sĩ Ý hay nhà văn Ngọc Giao mới thấm thía nỗi sầu vạn kiếp ở tập thơ này, nhưng chắc chắn muốn chia sẻ cùng “hắn”, người đọc ít nhất cũng phải một lần trải qua tâm trạng mong manh giữa cái sống và cái chết, giữa hi vọng và tuyệt vọng. Hoặc nói theo Đum-bat-de là “mỗi người trong đời cần một lần ốm nặng”. Đúng như vậy, bao trùm tập thơ Người Hái Phù Dung là tâm trạng của một con người “ốm nặng”, luôn luôn đối mặt với cái chết. Nếu triết học cổ kim từng dụng tâm nghiên cứu về cái chết, và nhiều cuộc tranh cãi bất phân thắng bại đã nổ ra giữa Duy tâm và Duy vật thì Hoàng Phủ Ngọc Tường là tờ giấy thấm, thấm đẫm triết học về cái chết  từ cả hai phía. Có lúc thơ anh rất thiền: “Nợ người một khối u sầu – Tìm người tôi trả ngày sau luân hồi”, có lúc lại rất biện chứng: “Màu xanh ấy là đổi bằng máu thắm – Đâu phải màu trời của buổi Nguyên Sơ”. Không phải tình cờ mà thơ anh nhiều lần chạm tới cái chết. Hồi còn là sinh viên Văn khoa, Cái chết (La Mort) đã là đề tài cho luận văn của anh. Và mỗi lần chạm tới cái chết, thơ anh buồn một nỗi buồn đứt ruột. Nỗi buồn dai dẳng kéo dài suốt tập thơ như một sự cố hữu đã định trước. Phải chăng, “Nỗi buồn là căn nhà ở đời của thơ” đích thực là quan niệm nghệ thuật của anh?

HPNT và Nguyễn Trọng Tạo, 1988 – Ảnh: Lê Đình Liên

Đọc tập thơ này, tôi bỗng giật mình nhớ lại một thời người ta tự chối bỏ nỗi buồn và hoan hô cái chết. Người ta quên mất rằng, ngay lúc hoan hô cái chết của đồng loại, thì chính là lúc mầm mống của cái ác bắt đầu nảy nở. Người thi sĩ với tư tưởng nhân văn đã vượt qua đám đông hò reo, lặng lẽ tìm về hang động thẳm sâu của nỗi buồn mà xót thương đồng loại. Và như thế, cái thiện được sinh thành  ngay từ trong vỏ trứng của nỗi buồn. Hoàng Phủ Ngọc Tường là thi sĩ luôn trân trọng nỗi buồn, và anh mang tới cho nó những ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, những giá trị thẩm mĩ mới mẻ dưới một thi pháp già dặn và độc đáo. Với anh, nỗi buồn được “nuôi” như “Nuôi một ngôi sao trắng”:

Có nàng tiên nhân từ

Nuôi một ngôi sao trắng

Là giọt nước mắt em

Trôi về ngoài xa thẳm

(BÀI CA SAO)

Với anh, nỗi buồn cũng có nhà, có phố, cũng có Địa chỉ buồn:

Nhà tôi ở phố Đạm Tiên

“Dưới  dòng nước chảy bên trên có cầu”

Có mùi hương cỏ đêm sâu

Có loài hoa biết nuôi sầu tháng năm

Với anh, nỗi buồn lại có lúc trú ngụ trong cây đàn Trương Chi:

Bây giờ đã hết trò chơi

Đã tàn cuộc rượu để người ra đi

Đêm qua không biết làm gì

Muốn về tìm gã Trương Chi nghe đàn

(ĐÊM QUA)

Và có lúc “không nghe tiếng ai nói cười”, nỗi buồn đến với anh tưởng như muốn chết đi được trong cái câu thơ thật bâng quơ này: “Tôi còn ngồi chi đây một mình”. Nhưng khi đã tự đặt ra cho mình một câu hỏi buồn như vậy, hẳn con người đã biết mình cần phải làm gì. Đấy là nhờ có nỗi buồn mà con người khát sống tốt đẹp hơn. Vậy thì tại sao văn chương lại né tránh nỗi buồn né tránh bi kịch? Nhà thơ Vũ Cao từng khuyên các nhà văn trẻ “Đừng viết quá buồn”? Tôi không hiểu rõ dụng ý của lời khuyên này, nhưng tôi biết bài thơ hay nhất của Vũ Cao là một bài thơ buồn. “Núi vẫn đôi mà anh mất em”, không buồn đến vậy, bài thơ làm sao găm lại được trong lòng người đọc suốt mấy chục năm nay?

Nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường đâu chỉ làm chàng Phao-xtơ  đi tìm nỗi buồn mang nghĩa lí cuộc đời ở chốn Địa đàng, mà nhiều lúc còn thấy trong anh một chàng Từ Thức thoát trần lên chốn Thiên Thai, và giữa chốn bồng lai tiên cảnh anh đã gặp Tiên. Khá nhiều nàng tiên hiện lên trong thơ anh, đấy là những “nàng tiên nhân từ”, những “người tiên lưu lạc”, những “tiên nữ buồn”, và có cả những “nàng xõa tóc tiên nga” òa khóc như mưa. Có lẽ nhờ sống trong cái không gian và thời gian mộng mị, thực hư lẫn lộn ấy mà có những câu thơ, đoạn thơ thật huyền ảo, xa xăm và tinh khôi, lộng lẫy:

 –  Nghe thời gian xõa sợi buồn xuống vai

 –  Anh trở về, sương khói đầu tay

 –  Lang thang rũ một trận cười trong mây…

 –  Có con thuyền trong sương trắng
Bồng bềnh như một cánh chim
Có em chèo thuyền áo trắng
Xôn xao như trốn như tìm

 –  Vẽ tôi một đóa bông hồng
Tàn phai từ bữa em cầm trên tay

“…Nó như một hồ nước trong suốt mà ở đấy, ta nhìn rõ từng viên sỏi tận dưới đáy sâu” – Nhận xét của Ep-tu-sen-kô về thơ Đường bất ngờ trở lại trong trí nhớ của tôi khi tôi gặp những bài thơ tinh lọc của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Điều ấy chứng tỏ truyền thống Đông Phương thấm đẫm tâm hồn, cân não anh, và từ cái đường băng truyền thống đầy bí mật ấy, thơ anh đã “đập cánh tài hoa” bay những đường “ga-lăng” điệu nghệ. Nhưng cũng có thể do quá say mê, đắm chìm trong cổ điển mà nhiều khi anh sao nhãng việc khám phá thứ ngôn ngữ đa tầng đa nghĩa của thi ca hiện đại. Vẫn gặp trong thơ anh những chữ cũ kĩ sáo mòn: “tình sầu”, “muộn sầu”, “bờ hư không”, “cõi vô biên”; những hình ảnh ước lệ trùng lặp nhàm chán: hoa, cỏ, trời, mây, sương, khói; thậm chí có cả những câu thơ lép rỗng, dễ dãi: “Thành phố ấy và màu hoa ấy”…

Thơ là người, nhưng không hẳn là tất cả. Ở ngoài đời, Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người rất ham vui. Nói theo kiểu Huế là đại hoang. Ngay cả cái tên của mình, anh cũng từng đem ra làm thành một câu chuyện đùa cho bè bạn mua vui. Theo anh kể, thì một lần anh đăng kí làm việc với một đơn vị bộ đội, vì cái tên hơi dài nên người ta ghi thành hai dòng trong cột ghi danh. Khi  anh đến, người trực ban hỏi: “Đồng chí là Hoàng Phủ?”, anh liền đáp “vâng”. Người trực ban lại hỏi: “Thế đồng chí Ngọc Tường đâu?”… Một người ham vui như vậy mà lại viết toàn thơ buồn thì quả là chưa phản ánh đầy đủ con người tác giả. Có lẽ vì thế mà anh đã kết thúc tập thơ buồn của mình bằng Bài ngâm “đùa chơi”:

Những tấn kịch thánh thần sa nước mắt

Thế gian này cũng chuyện đùa thôi…

Vâng, đúng là “đùa chơi” đấy, tất cả đều là đùa, là chơi, là hết, nhưng đùa chơi kiểu Tú Xương (vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng) hay Nguyễn Du (Mua vui cũng được một vài trống canh) thì rốt cuộc lại khiến nhiều kẻ đeo sầu rụng tóc. Đùa như thế là vì quá buồn mà đùa thôi. Mà nỗi buồn bao giờ cũng thuộc về âm tính, thuộc về tâm linh. Có lẽ cụ Nguyễn nói chí lí: Đấy là thơ của cõi âm, cõi tâm linh, luôn luôn tồn tại trong mỗi con người.

Huế mưa tháng 10 – 1994

6 bình luận

  1. […] THƠ HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG MỘT CÕI TÂM LINH  (Nguyễn Trọng […]

  2. Kính chào bác Tạo, dầu hiện tại làm nghề kỹ thuật và trước đó đi lính chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên- Hà Tuyên 1984-1987 nhưng thú thật em rất mê văn chương và thơ ca, em rất muốn đọc lại tùy bút “Sử thi buồn” của Hoàng Phủ Ngọc Tường mà không biết lấy đâu ra (ngày xưa em đọc ở tạp chí Sông Hương hay Cửa Việt cũng không nhớ nửa). Bác giúp em với nhé, em xin cảm ơn và kính chúc Bác sức khỏe, thanh thản và sáng tác nhiều hơn.

  3. Thơ ông Tường hay. Nhưng văn ông tuyệt vời.

  4. HPNT tài hoa là vậy, nhưng vẫn còn đó nỗi đau ….. xứ Huế ?

  5. […] Quốc – (VOA). – Nhạc sĩ Đức Trí đã từng lỡ hẹn với nước Pháp – (RFI). – THƠ HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG MỘT CÕI TÂM LINH (Nguyễn Trọng Tạo). – BA BÀI THƠ (Huỳnh Ngọc Chênh). GIÁO DỤC-KHOA HỌC – GS Ngô […]

  6. […] (VOA). – Nhạc sĩ Đức Trí đã từng lỡ hẹn với nước Pháp  – (RFI). – THƠ HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG MỘT CÕI TÂM LINH  (Nguyễn Trọng Tạo). – BA BÀI THƠ (Huỳnh Ngọc Chênh). GIÁO DỤC-KHOA HỌC – GS Ngô […]

Bình luận về bài viết này