NHỮNG GIAI THOẠI VỀ HỒ CHÍ MINH


NTT: Câu chuyện này tôi nghe Giáo sư Trần Quốc Vượng nói hồi tôi làm học trò của ông, và cũng nghe nói một lần đến Mỹ ông đã kể chuyện này nên bị “đì” một thời gian. Nhà văn Sơn Tùng viết nhiều sách về cụ Hồ cũng nói chuyện này, nhưng cũng chỉ là nói chuyện hoặc viết thành bài rồi lưu truyền. Ở nước ngoài, người ta in chuyện này vào sách cũng đã lâu. Nhưng ở Việt Nam thì chuyện này chỉ lưu truyền không chính thức. Gần đây, lần đầu tiên tôi thấy một Website của Nhà nước công bố chuyện này, đó là Website của huyện Nam Đàn quê cụ Hồ: http://www.namdan.gov.vn/ . Đó là câu chuyện cụ Hồ mang họ Hồ (Quỳnh Đôi) chứ không phải họ Nguyễn Sinh (Kim Liên). Vì thế mới có chuyện ông Nguyễn Sinh Hùng (hồi còn làm Bộ trưởng Tài chính) và ông Hồ Xuân Hùng (hồi còn làm Chủ tịch Nghệ An) đã “bí mật” đưa mộ bà nội của cụ Hồ là bà Hà Thị Hy lên núi Động Tranh trên dãy Đại Huệ gần Lăng mộ mẹ cụ Hồ là bà Hoàng Thị Loan. Tôi nghe Hồ Xuân Hùng kể chuyện xây mộ bà Hà Thị Hy khi cùng đến thắp hương cho bà, và còn được biết Hồ Xuân Hùng đã nói với Nguyễn Sinh Hùng lúc xây Lăng: “Tôi mới là cháu thật của Bác Hồ”…

NHỮNG GIAI THOẠI VỀ HỒ CHÍ MINH
Trần Quốc Vượng

“… câu chuyện tôi sắp kể dưới đây thì chưa từng ai viết. Chỉ là lời truyền miệng dân gian …phạm vi lan truyền và số người biết câu chuyện này phải nói là hạn hẹp. Vì người ta SỢ.

 … Đến đây tôi sẽ khép (lại) bài kể lể đã khá dài dòng của mình bằng câu chuyện một người tuy có tên tưổi nhưng không lấy gì làm nổi tiếng lắm, hay đúng hơn cả là đã trở nên có tên tuổi nhờ gắn bó máu thịt với một người có tên tuổi (nhưng từ đầu đến cuối câu chuyện của tôi đều nói về các nhà Nho, các vị thái học sinh, tiến sĩ, bảng nhãn hay là phó bảng cả).

 Đó là câu chuyện về cụ thân sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hay Nguyễn Sinh Huy.

Phó bảng là một học vị dưới tiến sĩ, chĩ mới xuất hiện ở Việt Nam từ đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn (1830-31).

 Trong một lá đơn bằng tiếng Pháp gởi Bộ Thuộc địa Pháp, Nguyễn Tất Thành (sau là Hồ Chí Minh) đã khéo dịch tên học vị của phụ thân mình là sous docteur [1] như ngày nay ta gọi là phó tiến sĩ.

 Quê hương cụ, là làng Kim Liên, tên Nôm là làng Sen huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Nhưng đậu phó bảng rồi cụ đã làm Thừa biện Bộ Lễ ở Huế rồi Tri huyện Bình Khê (Bình Định). Rồi bỏ quan (hay bị mất chức quan), cụ phiêu dạt về Sài Gòn, ngồi bắt mạch kê đơn ở tiệm thuốc bắc Hoa kiều, để có chút cơm rượu… Lại phiêu lãng nữa, tới miền Tây Nam bộ, và cuối cùng mất ở Cao Lãnh (Sa Đéc, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Mộ cụ phó bảng được xây lại cuối năm 1954 sau sự kiện Genève tạm thời chia đôi đất nước Việt Nam.

 Người ta làm như thế vì cụ Hồ. Cũng như mộ bà Hoàng Thị Loan vợ cụ phó bảng và là thân mẫu Hồ Chí Minh mới được dời xây lại vài năm nay ở Nam Đàn, Nghệ An. Người ta làm thế cũng vì cụ Hồ. Hai ngôi mộ này, cũng như bản thân Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa lòng Ba Đình, Hà Nội, đều hiện hữu ngoài ý thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Hồ vốn được xem là người giản dị, khiêm nhường…

 Cũng đã có dăm cuốn sách nói về gia thế cụ Hồ Chí Minh, nhưng câu chuyện tôi sắp kể dưới đây thì chưa từng ai viết.

 Chỉ là lời truyền miệng dân gian, ở Kim Liên, Nam Đàn, ở một số người gốc Nghệ hiện sống tại Hà Nội và nhiều nơi khác trên mảnh đất Việt Nam. Nếu trong Folklore, có hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là lan truyền thì từ lâu câu chuyện này cũng đã lan truyền từ làng Kim Liên ra khắp huyện Nam Đàn rồi khắp tỉnh Nghệ Anh rồi rộng ra hơn nữa … Nhưng phạm vi lan truyền và số người biết câu chuyện này phải nói là hạn hẹp. Vì người ta SỢ.

 Sợ động chạm đến cụ Hồ. Một cái sợ vô nghĩa nhưng người ta cứ gán cho nó cái ý nghĩa chính trị giả tạo. Vì như bà Trịnh Khắc Niệm viết trong cuốn truyện bằng tiếng Anh Life and Death in Shanghai, [2] đã được dịch ra tiếng Việt: Ở xã hội xã hội chủ nghĩa, cuộc đời của các lãnh tụ cộng sản được coi là “bí mật quốc gia”.

 Nhưng đây không phải là chuyện cụ Hồ, tuy cũng có dính dáng đến cụ Hồ. Mà vì đây là chuyện cụ thân sinh ra cụ Hồ, cụ Nguyễn Sinh Huy, mà cũng là chuyện truyền miệng thôi, nghĩa là thuộc phạm trù giai thoại, Folklore, chứ không thuộc phạm trù lịch sử, như tôi đã nói từ đầu bài này.

 Người dân Kim Liên đồn rằng Nguyễn Sinh Huy không phải là thuộc dòng máu mủ của dòng họ Nguyễn Sinh làng này. Mà là con của một người khác: ông đồ nho, cử nhân Hồ Sĩ Tạo.

 Cử nhân Hồ Sĩ Tạo thuộc dòng họ Hồ nổi tiếng ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (đây là quê gốc của Hồ Quý Ly, nhân vật lịch sử cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, đây cũng là quê gốc của anh em Tây Sơn thế kỷ XVIII, vốn họ Hồ ở xứ Nghệ, đây cũng là quê hương Hoàng Văn Hoan, người đồng chí thân cận một thời của cụ Hồ Chí Minh, được cụ Hồ giao phụ trách công tác đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thời kháng chiến chống Pháp và là Đại sứ Việt Nam đầu tiên ở Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, hiện sống lưu vong ở Trung Hoa, có viết một tài liệu về lịch sử làng Quỳnh Đôi, quê ông. Bà vợ nhà văn lớn Đặng Thai Mai, người một thời làm Bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ của cụ Hồ 45-46 rồi làm Viện trưởng Viện trưởng Viện Văn học, là Hồ Thị Loan, cũng thuộc dòng họ Hồ này ở làng Quỳnh Đôi). Khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước (thế kỷ XIX) cử nhân Hồ Sĩ Tạo có thời gian ngồi dạy học ở một nhà họ Hà, người làng Sài, cùng một xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn, với làng Sen (Kim Liên). Đó là một nhà nghệ nhân dân gian, trong nhà có “phường hát ả đào”.

 Nhà họ Hà có cô con gái tên là Hà Thị Hy, tài hoa, nhan sắc, đàn ngọt, hát hay, múa khéo, đặc biệt là múa đèn (đội đèn trên đầu, để đèn trên hai cánh tay, vừa hát vừa múa mà dầu trong đĩa không sánh ra ngoài) nên người làng thường gọi là cô Đèn. Người ta thường bảo: má hồng thì mệnh bạc. Như Đặng Trần Côn viết mở đầu khúc ngâm chinh phụ: “Hồng nhan đa truân” (Gái má hồng nhiều nỗi truân chuyên). Hay như Nguyễn Du than thở giùm người đẹp tài hoa trong truyện Kiều: “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, “Rằng hồng nhan tự thuở xưa, Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”).

 Và ở thời ấy, dưới chế độ quân chủ nho giáo, lấy tứ dân (Sĩ, Nông, Công, Thương) làm gốc, người ta vẫn xem thường nghề ca xướng và con nhà ca xướng (“xướng ca vô loài”).

Cô Đèn, Hà Thị Hy tài hoa nhan sắc là thế mà rồi ba mươi tuổi vẫn chưa lấy được chồng. Mà trong nhà thì lại luôn có bậc văn nhân: ông cử Hồ Sĩ Tạo. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” là lẽ thường theo tâm lý dân gian, huống chi là giữa văn nhân – tài tử – giai nhân. “Trai tài ggái sắc” mà! Và cô Hà Thị Hy bỗng dưng “không chồng mà chửa”. Mà ông cử Tạo thì đã có vợ, có con rồi! Lệ làng ngày trước phạt vạ rất nặng nề, sỉ nhục hạng gái “chửa hoang”, hạng “gian phu dâm phụ”. Để tránh nỗi nhục cho con gái mình và cho cả ông cử Tạo đang làm “thầy đồ” được hết sức kính trọng trong nhà mình, họ Hà phải bù đầu suy tính…

 Lúc bấy giờ ở làng Sen cùng xã có ông Nguyễn Sinh Nhậm, dân cày, tuổi cao mà góa vợ (bà vợ trước đã có một con trai là Nguyễn Sinh Thuyết, và người con trai này cũng đã có vợ).

 Nhà họ Hà bèn cho gọi ông Nguyễn Sinh Nhậm đến điều đình, “cho không” cô Hy làm vợ kế ông này, như một người con gái xướng ca, quá lứa, lỡ thì, lấy ông già góa vợ, mong ém nhém việc cô gái đã “to bụng”.

 Công việc rồi cũng xong. Cô Hy ôm bụng về nhà chồng, có cưới có cheo cẩn thận. Việc phạt vạ của làng không thể xảy ra. Nhưng cô gái tài hoa nhan sắc thì bao đêm khóc thầm vì bẽ bàng, hờn duyên tủi phận. Và ông lão nông dốt nát tuy được không cô gái đẹp nhưng cũng buồn vì đâu có đẹp đôi, lại cắn răng chịu đựng cái tiếng ăn “của thừa”, “người ăn ốc (ông cử Tạo), kẻ đổ vỏ (cụ lão nông Nhậm)”. “Miệng tiếng thế gian xì xầm”, ai mà bịt miệng nổi dân làng. Mà trước hết là lời “nói ra, nói vào”, lời chì chiết của nàng dâu vợ anh Thuyết, vốn nổi tiếng ngoa ngoắt, lắm điều. Ông Nhậm đành cho con trai và vợ anh ta ra ở riêng, và mình ở riêng với bà vợ kế.

 Chỉ ít tháng sau, bà vợ kế này đã sinh nở một mụn con trai, được ông đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc, lấy họ ông mặc dù ông biết rõ hơn ai hết đó không phải là con ông, con nhà họ Nguyễn Sinh này. Nàng dâu ông càng “tiếng bấc, tiếng chì” hơn trước, vì ngoài việc bố chồng “rước của tội, của nợ”, “lấy đĩ làm vợ” thì nay còn nỗi lo”: Người con trai này – được ông nhận làm con, lớn lên sẽ được quyền chia xẻ cái gia tài vốn cũng chẳng nhiều nhặn gì của một gia đình nông phu thôn dã. Việc ấy xảy ra vào năm Quý Hợi, đời vua Tự Đức thứ 16 (1863).

 Vì trọng tuổi, lại vì lo phiền, vài năm sau cụ Nhậm qua đời và cũng chỉ ít lâu sau đó, bà Hy cũng mất. Nguyễn Sinh Sắc trở thành đứa trẻ mồ côi. Lên bốn, về ở với người anh gọi là “cùng cha khác mẹ” mà thật ra là “khác cả cha lẫn mẹ”, cùng với bà chị dâu ngoa ngoắt, khó tính, lúc nào cũng chỉ muốn tống cổ cái thằng “em hờ” của chồng này đi cho “rảnh nợ”.

 Không cần nói, ta cũng hiểu Nguyễn Sinh Sắc khổ tâm về tinh thần, khổ cực về vật chất như thế nào trong cái cảnh nhà Nguyễn Sinh như vậy. Ta cảm thấy vô cùng thương xót một đứa trẻ mồ côi sớm chịu cảnh ngang trái của cuộc đời. Bên ngoại thì ông bà đều đã mất, họ Hà chẳng còn ai chịu cưu mang đứa trẻ có số kiếp hẩm hiu này.

 May có ông tú đồ nho Hoàng Xuân Đường, người làng Chùa (Hoàng Trù) gần đó, xót thương đứa trẻ, dù sao cũng là hòn máu rơi của một nhà nho khác, lại có vẻ sáng dạ, nên đã đón về làm con nuôi, cho ăn học. Và đến khi Nguyễn Sinh Sắc 18 tuổi, ông bà đồ họ Hoàng lại gả cho cô con gái đầu lòng, Hoàng Thị Loan, mới 13 tuổi đầu, cho làm vợ, lại làm cho căn nhà tranh ba gian ở ngay làng Chùa, để vợ chồng Nguyễn Sinh Sắc ăn ở riêng.

 Ta dễ hiểu vì sao Nguyễn Sinh Sắc gắn bó với họ hàng làng quê bên vợ, làng Chùa, hơn là với làng Sơn “quê nội”, quê cha “hờ”. Con cái ông, từ người con gái đầu Nguyễn Thị Thanh, qua người con trai đầu Nguyễn Sinh Khiêm (tục gọi là ông cả Đạt) đến người con trai thứ Nguyễn Sinh Côn (hay Nguyễn Tất Thành, sau này là Nguyễn Ái Quốc rồi Hồ Chí Minh) đều được sinh ra và bước đầu lớn lên ở làng Chùa bên quê mẹ hay là quê ngoại. Khi cụ Tú Hoàng (Hoàng Xuân Đường) mất, vợ chồng con cái Nguyễn Sinh Sắc lại về ăn ở chung với bà đồ Hoàng. Các cháu đều quấn quít quanh bà ngoại.

 Qua giỗ đầu cụ Tú Hoàng, Nguyễn Sinh Sắc đi thi Hương khoa Giáp Ngọ và đậu cử nhân (1894). Ông được nhận ruộng “học điền”, ruộng công của làng Chùa chia cho những người có học (nhằm khuyến khích việc học) để học thêm – chứ không phải nhận ruộng học của làng Sen. Khoa thi Hội Ất Mùi (1895), ông thi trượt.

 Nhờ sự vận động gửi gấm của ông Hồ Sĩ Tạo, người cha thực của Nguyễn Sinh Sắc, với các quan lại đồng liêu quen biết ở triều đình Huế, Nguyễn Sinh Sắc được coi như ấm sinh, để được nhận vào học Quốc Tử Giám ở kinh đô. (Ai cũng biết: để được nhận vào học Quốc Tử Giám và làm giám sinh phải là con cháu của những gia đình có thế lực, gọi là “danh gia tử đệ”. Nếu không có sự can thiệp của ông Hồ Sĩ Tạo là bậc khoa bảng cao quan thì làm sao Nguyễn Sinh Sắc được nhận? Thế là dù sao Hồ Sĩ Tạo vẫn còn có một “cử chỉ đẹp” với đứa con mà mình không dám nhận). Nguyễn Sinh Sắc, đổi tên là Nguyễn Sinh Huy, đem vợ và hai con trai vào Huế và đi học Quốc Tử Giám. Khoa thi Hội Mậu Tuất (1898), ông lại trượt.

 Ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10-2-1901) bà Hoàng Thị Loan ốm mất ở kinh đô Huế, sau khi sinh đứa con trai út (đứa con trai này ít ngày sau cũng chết). Nguyễn Sinh Côn (Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ngày sau) trở thành con trai út.

 Nguyễn Sinh Huy đem hai con trai về làng Chùa gửi mẹ vợ nuôi nấng chăm sóc giùm rồi trở vào Kinh thi Hội. Khoa Tân Sửu (1901) này, ông đậu phó bảng và được “vinh quy bái tổ” về làng. Theo thể thức triều đình, lễ vinh quy này phải diễn ra ở quê nội, dù là quê nội danh nghĩa, tức là làng Sen – Kim Liên. Hội đồng hương lý và dân xã đã dựng nhà tranh năm gian (chứ không phải nhà ngói) trên một khoảnh đất vườn làng Sen, để đón quan phó bảng tân khoa Nguyễn Sinh Huy về làng.

 Thế là buộc lòng ông phải về “quê nội”. Ông cũng đón hai con trai về ở cùng ông. Lần đầu tiên Nguyễn Sinh Côn (Hồ Chí Minh ngày sau) về ở quê nội nhưng thân ông, lòng ông vẫn hướng về quê ngoại là cái gì “đích thực” và gắn bó với tuổi thơ ông. Ông phó bảng có đến thăm cụ Hồ Sĩ Tạo.

 Nhưng gia đình ông phó bảng cùng hai con trai cũng không ở lâu tại Kim Liên. Chưa đầy ba năm! Sau khi mẹ vợ mất, ông vào kinh đô nhận chức quan (1904) ở Bộ Lễ, đem theo hai con trai vô Huế học. Năm 1907, ông bị đổi đi Tri huyện Bình Khê … Rồi sau khi bỏ quan (hay mất quan), khoảng 1910, ông phiêu bạt vô Sài Gòn rồi Lục tỉnh Nam Kỳ. Không bao giờ ông về làng Sen trở lại nữa…

 Ở làng Sen sau này, chỉ có bà Thanh và ông Cả Đạt (Khiêm), cả hai đều không lập gia đình riêng.

 Người ta bảo lúc sau, khi cụ Hồ Sĩ Tạo đã qua đời, năm nào bà Thanh cũng qua Quỳnh Đôi góp giỗ cụ Hồ Sĩ Tạo. Thế nghĩa là cái “bí mật” về cội nguồn của cụ phó bảng Huy, trong số các con cụ, ít nhất có bà con gái đầu biết. Người ta bảo: ông Cả Đạt cũng biết, tuy không bao giờ ông sang Quỳnh Đôi nhận họ.

 Còn Nguyễn Sinh Côn – Nguyễn Tất Thành – có biết không? Từ khoảng 11 đến 14 tuổi, ông ở làng Sen, có nhẽ nào không ai nói cho ông biết? Hay là trước đó nữa, khi ông ở làng Chùa quê ngoại gần gặn làng Sen! Hay là sau đó nữa chả lẽ không khi nào cụ phó bảng Huy hay bà Thanh hay ông Cả Đạt lại không kể với ông về “bí mật” của gốc tích thân phụ mình?

 Không có chứng cớ gì về việc ông Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – biết hay không biết chuyện này… Sau này, khi hoạt động cách mạng, ông còn mang nhiều tên khác nữa. Nhưng đến đầu thập kỷ 40 của thế kỷ này, thì người ta thấy ông mang tên Hồ Chí Minh.

 Sau Cách mạng tháng Tám 1945, khi tên tuổi Hồ Chí Minh trở thành công khai thì cũng bắt đầu từ đó dân gian Việt Nam, từ trí thức đến người dân quê, lại âm thầm bàn tán: vì sao Nguyễn Ái Quốc lại đổi tên là Hồ Chí Minh? Và tên này cụ giữ mãi cho tới khi “về với Các Mác, Lê-nin” năm 1969.

 Cuộc đời thực của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh – còn quá nhiều dấu hỏi chứ phải đâu riêng gì một cái tên! Và biết làm sao được khi cụ Hồ, tôi nói lại một lần nữa theo cảm thức của người Ấn Độ, đã trở thành “huyền thoại”. Huyền thoại Hồ Chí Minh được hình thành trong vô thức dân gian mà Carl Gustav Jung gọi là vô thức tập thể. Nhưng nó cũng có phần được hình thành một cách hữu thức, bởi một số cán bộ gần gụi cụ Hồ. Nghĩa là một phần cuộc đời cụ Hồ đã được huyền thoại hóa.

 Ngay sau Cách mạng tháng Tám, người ta còn in cả cuốn sách (mỏng thôi) về sấm Trạng Trình có những câu vận vào cụ Hồ và sự nghiệp Cách mạng tháng Tám. Và sấm Trạng Trình vẫn được vận vào cụ Hồ còn lâu về sau nữa, ở miền Nam Việt Nam và hiện nay ở một số người Việt lưu vong, dù là với hậu ý không ưa gì cụ Hồ… Nhưng đó lại không phải là chủ đề của bài viết này.

 Trở lại với cái tên Hồ Chí Minh, lời truyền miệng dân gian bảo rằng: Nguyễn Ái Quốc sau cùng đã lấy lại họ Hồ vì cụ biết ông nội đích thực của mình là cụ Hồ Sĩ Tạo, chứ không phải cụ Nguyễn Sinh Nhậm.

 Và dân làng Sen cũng bảo: Thì cứ xem, lần đầu tiên về thăm quê hương, sau cách mạng, sau mấy chục năm xa quê (15-6-1957), từ thị xã Vinh, tỉnh lỵ Nghệ An, cụ Hồ đã về làng Chùa trước, rồi sau mới sang làng Sen “quê nội”! [3]

 Riêng tôi nghĩ, thì cũng phải thôi. Vì như ở trên ta đã thấy, cả một thời thơ ấu của cụ Hồ là gắn bó với quê ngoại làng Chùa, nơi cụ sinh ra và bước đầu lớn lên. Chứ đâu phải làng Sen, là nơi cụ chỉ ở có vài năm, lại là khi đã bắt đầu khôn lớn?

 Tôi không muốn có bất cứ kết luận “khoa học” gì về bài viết này. Vì nó không phải là một luận văn khoa học. Đây chỉ là việc ghi lại một số lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh hay là cái khổ tâm, hay là cái “mặc cảm” của một số nhà trí thức Nho gia từ đầu thế kỷ XIV (Trương Hán Siêu, Chu Văn An) đến đầu thế kỷ XX (Nguyễn Sinh Huy) đối với làng quê. [4]

 Còn viết lách, thì bao giờ chẳng là chuyện: “Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý”. (Viết không [bao giờ] hết lời nói, Lời nói không [bao giờ] hết ý!).

(trích: Trong cõi. Nxb Trăm Hoa, California, 1993, tr. 252-259)

Nguồn: http://www.namdan.gov.vn

41 bình luận

  1. Cám ơn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.Thế là đã rõ ràng,sao lại gọi là giai thoại.Chuyện về Bác mang trong mình dòng máu Hồ Quý Ly tôi cũng nghe phong phanh từ lâu,có điều không biết được cặn kẽ,trước đây có tin cho rằng sau khi Hồ Quý Ly thất bại,sợ bị trãm nên nhiều người sơ tán đi nơi khác và đổi họ để tránh nạn chu di.Điều này theo tôi là nghi vấn lịch sự,mà lịch sử thì chỉ có sự thật,nếu còn nghi thì phải tìm cho ra.(Riêng tôi cho rằng Gíao sư Vượng nói thì có độ tin cậy cao rồi…)Sao có thể cho là bí mật quốc gia .
    Với khoa học ngày nay chứng minh sự thật này đâu có gì khó ?”Bác nằm đó vầng trán cao giản dị….Ta bên Người,Người toả sáng quanh ta.”- Mồ mã ông bà Bác (nội,ngoại,…) chắc cũng đang còn đó cả.Một cuộc xét nghiệm AND đâu có tốn kém gì,mất bao nhiêu tiền so với đất đai,vườn tược của Bác ở Ba Đình.
    Bác Tạo vẫn cho đây chỉ là giai thoại nhưng bác cũng biết là nói vậy mà không phải vậ,đúng không ? Chúc bác khoẻ và nói thêm nhiều sự thật ngoài thơ và nhạc…Thân mến.

  2. Bài đăng của nhà thơ còn thiếu phần chú giải, của các câu cần chú giải đã được đánh số.

  3. Đã từ lâu tôi cũng được nghe chuyện về gốc gác cụ Hồ, thậm chí còn có chuyện cụ Phan Bội Châu khi ở Quảng Đông chính là người đã cung cấp thông tin về gốc gác thật của cụ Nguyễn Sinh Sắc (Huy). Chính là lý do để cụ Hồ đổi họ thành Hồ Chí Minh vào thời gian đó.
    Thêm một chi tiết khác là nên khi còn ở Trung quốc cũng như sau này trong kháng chiến chống Pháp cụ Hồ Chí Minh luôn dành một tình cảm đặc biệt đối với cụ Hồ Tùng Mậu ( thân sinh của các ông Hồ Anh Dũng, Hồ Đức Việt….). Nhiều báo chí trong nước cũng đã đề cập đến mối quan hệ này, cụ Hồ Chí Minh yêu quí cụ Hồ Tùng Mậu như em ruột ???

  4. Hồ Xuân Hùng đã nói với Nguyễn Sinh Hùng lúc xây Lăng: “Tôi mới là cháu thật của Bác Hồ”…
    Thích nhất câu này!

  5. Giai thoại thì cũng có cái đúng, cái sai, được thêm – bớt đi cho sinh động. Và rất có thể đây nữa là thông tin đúng khi nói cụ Hồ mang họ Hồ chứ không phải Nguyễn Sinh. Dù sao cũng phải được các nhà nghiên cứu sử học, các cá nhân và tổ chức quan tâm nghiên cứu, kiểm tra, kiểm chứng.
    Cháu rất thích đọc các bài viết về Bác. Cám ơn chú đã cho cháu thêm những thông tin.
    Dù sao thì cụ Hồ vẫn mãi sống cùng đất nước Việt Nam.
    Cháu yêu nước ta và yêu cụ Hồ.

  6. […] Truy cập nhiều nhất trong ngày truongduynha…nhathonguyen…huyminh.word…cand.com.vn/…congan.com.v…baomoi.com/H…namdan.gov.v…viet-studies…surfert.nl/i…surfert.nl/i…ttxva.com/ch…surfert.nl/i… […]

  7. Hì hì bác Tạo….bạo gan nhỉ?
    Có khi trang “Nam Đàn” này dọn mâm cho bác HDV trong bộ CT ta tiếp tục tiến lên chăng?
    Muốn gửi bác một bài khảo cứu về họ Hồ ở QL mà không có Dc mail của bác. Bài này là thiệt chơ không phải dân gian à nha. Nhưng chỉ là khảo cứu lịch sử và Khoa bảng họ Hồ thôi thôi. Bác Tạo

  8. Một lần tôi đi thăm mộ bà Hoàng thị Loan thì đã được bà cụ bán hàng nước ở đó nói về chuyện này và còn cho biết cụ Hồ lấy tên là Hồ chí Minh,nói lái theo người miền Trung là Hồ chính mi,chính mi là họ Hồ

  9. Em doc sach lich su thi cung biet Ho Quy Ly von nguon goc Trung Hoa.
    Neu vay thi co lan TQ noi cu Ho thuc chat la nguoi Trung Hoa khong han la khong co co so?

  10. Nhân dịp Nhà xuất bản Hội nhà văn ra mắt cuốn sách: “Refresh cuộc đời”, tác giả Phan Thế Hải trân trọng kính mời:
    Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tham gia cuộc gặp mặt giao lưu với 21 nhân vật trong cuốn “Refresh cuộc đời” và tặng sách
    Thời gian: 14h, thứ 7 ngày 14 tháng 11 năm 2009
    Địa điểm: Văn phòng Công ty VietNet- F 311 tòa nhà 18T1- Lê Văn Lương- (Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính) Hà Nội
    Chi tiết xin liên hệ: Phanthehai2003@yahoo.com;

  11. […] Blog Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: NHỮNG GIAI THOẠI VỀ HỒ CHÍ MINH. “Tôi nghe Hồ Xuân Hùng kể chuyện xây mộ bà Hà Thị Hy khi cùng đến thắp […]

  12. du ai co noi gi thi toi van kinh yeu Bac Ho, nhung chuyen nhu the nay cung thuong thoi, con nguoi ai ma chang co nguon goc, tai sao nguoi ta cu hay dao boi nhung chuyen rieng cua nguoi khac de lam gi?

  13. À, là vì người ấy quá nổi tiếng. Nếu bạn quá nổi tiếng người ta sẽ đi tìm lý lịch của bạn. Đức còn đi tìm cội của tân bộ trưởng y tế cà.

  14. @nguyen ngoc hien: Hồ Quý Ly là nhà cải cách thời hậu Trần, sau này giặc Tàu bắt con ông là Hô Nguyên Trừng (người phát minh ra súng) về như lệ ngày xưa dân ta phải cống người tài
    Cho dù cái luận điểm còn vu vơ và thiếu căn cứ xác đáng trong bài viết này là đúng thì chẳng có cơ sở j để nói Hồ Chí Minh là người Tàu cả

  15. @ chú Nguyễn Trọng Tạo:
    Đồng ý là người nổi tiếng thì sẽ “được” vinh dự cho người ta soi mói, tìm tòi
    Nhưng nếu không có căn cứ khoa học trên góc độ sự thật quá bán, thì bài viết này mang tính bới móc hương hỏa người chết nhiều hơn.
    Mà cái việc bốc mả người chết để lăng trì trong sử Tàu , sử ta ngày xưa “được” đánh giá như thế nào hẳn nhà thơ cũng biết…

    • Là nói giai thoại, nhưng thực ra có nhiều điều chỉ cần nói qua người ta cũng hiểu Mide à. Vả lại, đi tìm sự thật về 1 con người thì chả có tội gì cả. Ông Sơn Tùng còn có cả lá tử vi xưa của cụ Hồ.

  16. Theo em con người có nguồn gốc từ đâu không quan trọng, thực tế có người khi sinh ra đã bị cha mẹ bỏ rơi ngoài đường , có người dược sinh ra trong hoàn cảnh trớ trêu, nhưng quan trọng là người ta đã sống như một con người, đã làm được nhiều điều tốt đẹp cho xã hội ,cho loài người, lại có những người sinh ra trong trong quyền quí , thậm chí là dòng dõi hoàng tộc như Bảo đại , nhưng ông ta đã làm được gì cho tổ quốc mình hay chỉ nhăm nhăm bán nươc cầu vinh, ăn chơi sa đoạ. Bác hồ dù sinh ra trong hoàn cảnh như trong bài viết này đã nói thì đâu có gì đáng xấu hổ, quan trọng là bác đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho non sông đất nước này dù đã có lúc bác đã có những sai lầm(không mong muốn), nhưng cũng đừng bới móc mãi những sai lầm đó mà làm gì, nên nhớ Bác cũng là con người chứ không phải là thần thánh, mà con người ai chẳng có lúc phạm sai lầm. trên thế giới này này chưa có nhà lãnh đạo nào khi mất mà nhân dân tiếc thương và khóc nhiều như vậy , chừng đó thôi cũng đủ để nói lên rằng Bác là người đã sống thế nào, không ai đi tiếc thương một con người sống chẳng ra gì cả. dù bây giờ nhiều người quay lại bới móc nói xấu Bác, nhưng em tin đa số người dân Việt nam vẫn kính yêu Bác hồ, đó là sự thật.

    • tuongvy nói hay quá. Đúng vậy, vấn đề là con người đã sống thế nào.
      Ở bài này, nhà nghiên cứu chỉ nghiên cứu nguồn gốc thật là thế nào thôi.
      Có những người rất thành đạt, nhưng suốt đời đi tìm gốc gác của mình. Đó là một tâm linh hướng nội. La tìm cội.
      GS Trần Quốc Vượng không nói xâu ai cả, phải không bạn?

    • Cám ơn bạn ,những điều bạn nói,tôi tin đó là tâm khảm của nhiều rất nhiều những người VN chân chính .Những kẻ hậu sinh lợi dụng những người đã khuất , không thể thanh minh được ,cố tâm hạ bệ thần tượng cụ Hồ bằng những câu chuyện hoang tưởng, được đánh bóng bằng giai thoại dân gian đầy ác ý.Nhưng dù làm cách nào ,đội lốt ai và những làm gì ,họ không thể, và chẳng bao giờ xoá được những gì anh thanh niên Nguyễn tất Thành làm cho đất nước.Rất mong những ai là hậu duệ của Người, hãy sống sao cho xứng đáng với công sức mà Cụ Hồ cả một đời vì nước vì dân!

  17. @ tuongvy: nếu tiêu chí con người là tiệm cận tới: chân, thiện, mỹ
    thì những nhà nghien cứu, khoa học chính là những người đứng đầu trên hành trình đi tới chân giá trị ấy.
    Tuy nhiên chân cũng có chân thiệt, chân gỗ. Có người dùng chân để đi, nhưng cũng có người dùng chân để …đá.
    Ngừng bàn tới mục đích chưa rõ ràng, thì thông tin trên thực sự đáng tham khảo, nếu mà có căn cứ rõ ràng hơn thì quá tốt
    (Vả lại con ai thì đằng nào cũng là quê choa mà ra cả)

  18. Tôi đọc các comments thú vị lắm. Thú vị nhất là một số bạn chả muốn biết gì thêm về Bác Hồ, chỉ nói như mình biết rồi. Hi hi…

  19. Bác NTT hiểu sai ý em rồi, em đâu có nói là giáo sư Trần quốc Vượng nói xấu Bác Hồ, mà qua bài này em chỉ dám nói lên những suy nghĩ và lòng kính yêu của mình đối với Bác Hồ thôi mà. EM chúc bác Tạo luôn khoẻ và viết nhiều bài thơ hay để mọi người thưởng thức.

  20. Trong nhiều com gửi bác em đề cập đến khái niệm “ước lệ xã hội”. Đó chính là một trong những nhân tố kiềm hãm phát triển.
    Ở mức độ thấp, ước lệ là: ví dụ, nói bác Tạo tốt, nghĩa là không xấu hay “xấu không đáng kể- xấu tí ti thôi”, nói chú Thuận xấu nghĩa là “điểm tốt không là bao-tốt không đáng kể”.
    Ở mức độ cao hơn, một người khi được người kính trọng thì thường được “thần thánh hóa”, nghĩa là không có gì xấu cả. Đã thánh hóa thì nhân vật đó không còn là người -là thánh. Khi đó, ai nêu mặt trái của nhân vật đó thì bị coi “người hóa” nhân vật đó, là không kính trọng. Tuy vậy, khi sự thật của mặt trái được đông đảo công nhận, thì người đời lại lập tức chuyển từ kính trọng sang thái cực ngược lại.
    Cho nên, môn lịch sử trở nên nhàm chán, khi các nhân vật lịch sử, danh nhân chỉ được dạy một chiều (mặt tốt).
    Trần Hưng đạo là một ví dụ. Những ai chỉ học SGK lịch sử thì không thể biết rằng:
    Lần giao tranh thứ nhất (1285), Trần Quốc Tuấn (TQT) đã để Ô Mã Nhi (OMN) chạy Thoát (chỉ chém đc Toa Đô). Trận chiến sau (1288) với OMN khốc liệt hơn nhiều. OMN bị Bắt. Để giữ hòa với Tàu, vua Trần truyền thả Ô Mã Nhi về. Dọc đường về Bắc quốc, TQTđã ngầm sai thợ lặn đục thuyền, dìm chết OMN.
    Về chuyện này, Sử thần Ngô Sĩ Liên đãviết : “Chữ tín là vật báu của nước, mà làm cho người khác phục mình sâu sắc thì đó là gốc của vương chính. [56b] Hưng Đạo Vương dùng bá thuật, muốn được thành công trongmột thời mà không biết làm như thế là đã thất tín với muôn đời. Đã nói là đưa về nước lại dùng mưu kế để giết đi, thì thực quỷ quyệt quá lắm.” hết trích.
    ĐVSKTT chỉ cho rằng, TQT giết OMN để trả thù việc OMN đã khai quật lăng Trần Thái Tông để trả thù lần thất bại trước(1285) khi chiếm được Phủ Long Hưng (là đất huyện Tiên Hưng cũ, nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình)
    Chỉ TQT biết rằng: OMN là một nguyên soái vừa giỏi sông nước, lại lắm tài thao lược, nếu phải đánh trận sau (lần thứ 3) nữa thì chắc gì chống nổi? (Thuyết Trần).
    Vua Nguyên thì giận lắm, nhất định trả thù nhà Trần. Chỉ biết rằng: Cho đến khi nhà Nguyên chấm dứt, mất vào tay nhà Minh, đã không có một cuộc chiến tranh trả thù nào xảy ra với nhà Trần, bởi vua Nguyên không thể tìm đâu được một vị nguyên soái tài giỏi như OMN!
    Thiên tài quân sự của TQT đã đúng khi quyết định ngàm hạ thủ OMN.
    Tuy vậy, đời thường, TQT lại có rất nhiều tật. Em đọc hết, vì thế, nên em càng tin rằng TQT là Danh nhân chứ không phải Thánh nhân, dù người đời đã phong thánh cho TQT.
    Những “ước lệ xã hội” mà em nêu trên lại bắt nguồn từ Nho giáo (tam cương). Ngày nay, chắc không nhiều người hiểu Nho giáo là gì, cái hay cái dở của nó ra sao. Nhưng thực tế, Nho giáo đã ngấm vào máu mỗi người (cả hay cả dở). Quan chức Chính phủ thường dùng thành ngữ: “trên bảo dưới không nghe”(không biết là bảo sai hay đúng?),Cha mẹ với con cái cũng vậy (Cá không ăn mắm cá ươn/ con không nghe lời cha mẹ, trăm đường con hư)…Càng ở những vùng nông thôn hẻo lánh, làng bản xa xôi thì các bậc trưởng thượng, trưởng lão, già làng… càng có uy tín lớn.
    Chính vì nhưng điều này mà ở com bên trên em mới nói rằng: bác T… bạo gan nhĩ? Hì hì hi!!!

  21. Còn nhớ cách đây gần hai mươi năm, khi tôi còn học trung học cơ sở, thầy giáo dạy văn có tiết lộ chi tiết này về thân thế Hồ Chủ Tịch. Thời điểm đó chính xác là khoảng năm 1990 trước khi ông Vượng sang Mỹ in cuốn Trong Cõi năm 1993. Tuy nhiên đến gần đây thông tin này mới phổ biến hơn.

  22. Nếu sự thât đúng như trong chuyện của ông Vượng viết thì tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường .Điều hay mà ta cảm nhận được trong câu chuỵên là CỤ HỒ đã mang trong lòng mình bi kịch của gia đình và bi kịch của thời đại .Người được sinh ra với một sứ mạng thật vĩ đại và cao cả
    NƯỚC LÃ MÀ VÃ NÊN HÔ
    TAY KHÔNG MÀ NỔI CƠ ĐỒ MỚI NGOAN
    ngay từ nhỏ CỤ đã phải nêm trải cảnh ông nội (NGUYỄN
    SINH NHẬM) lại không phải ông nội mình ,nước Việt mình mà không phải nước của mình (vì bị PHÁP cai trị) .nỗi đau ấy có lẽ đã trở thành động lực để CỤ bôn ba xứ người cứu nước cứu nhà ! Rõ ràng CỤ là một hào kiệt xưa nay hiếm !

  23. Đầu xuân chúc Bác Tạo luôn mạnh khoẻ để có thêm những bài viết sưu tầm khảo cứu hay cho độc giả yêu mến của bác !
    Lịch sử không bao giờ thiên vị cho nên tôi nghĩ có thể 5 năm mười năm hoạc lâu hơn nữa thân thế và sự nghiệp của Cụ Hồ sẽ được minh định rõ ràng.

  24. Có thật vậy sao? Cũng chả sao.

  25. chuyện này trước chỉ nghe, nay mới được đọc, phản hồi thực ra chỉ là suy nghĩ của cá nhân:
    Cảm giác chuyện có sự thêu dệt chủ quan, có dụng ý, vì đọc xong thấy toát lên chuyện quá khứ HCM là không hay, hình ảnh HCM có vẻ không sáng lắm như ta được nghe tuyên truyền lâu nay. Bình tĩnh suy nghĩ lại thấy cũng không có vấn đề gì ghê gớm bởi xét cho cùng quan trọng nhất là cuộc sống con người đó, mọi tôn vinh hiện tại và tương lai do người ta nhận thức được ảnh hưởng, tác động của HCM đối với cá nhân, xã hội, đất nước. Gen di chuyền, dòng máu tôi nghĩ chẳng mấy tác dụng ở đây, vấn đề là ở chỗ người Việt nam ta hay dùng để cố kết nhau thôi (gia đình, dòng tộc, dân tộc). Chẳng cứ HCM, ai ai cũng có bí mật không hay ( biết hoặc không biết, hoặc không có ý nghĩa nên chẳng ai bàn), nhiều người thay tên đổi họ, thời nay còn có thể thay hình, đổi dạng, vì muôn vàn lý do khác nhau, chỉ chắc chắn điều này cần cho cuộc sống ( sự tồn tại và việc làm )của họ. Tôi chỉ lưu ý nhất là những người trẻ tuổi chưa lăn lộn trong cuộc đời đừng xửng xốt, giật mình vì những chuyện như thế này. Nếu chịu khó đọc bạn cũng sẽ biết chuyện tương tự.

  26. Bai viet cua Bac Tao rat la hay, viet nhu the moi dung su that BAc trinh bay tat ca nhung loi don dai nhu folklore, khong them bot hay thay doi.
    Cac binh luan ma moi nguoi gui toi bai nay, co nhieu binh luan rat hay, co nhieu binh luan nghe khong duoc hau nhu bi nhoi so tu be den gia, chi biet Bac Ho la nhat.

    Dao sau nay hau nhu moi nguoi deu mong muon tim hieu them ve doi song cua Bac Ho…co bao nhieu con, bao nhieu vo…vi Bac Ho la con nguoi binh thuong chu khong phai than thanh, nen Bac cung co nhung cuoc tinh tay doi, tay ba, le te khong dem duoc.
    Mong Bac Tao hay tat ca moi nguoi nen viet them ve cuoc doi cua Bac Ho.
    Nay kinh
    DU QUOC

  27. Theo tôi bài viết của anh Tạo là nghiêm túc.Đâu có nói xấu BÁC HỒ.Đây cũng chỉ là một nhánh thông tin– Ồ,NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ LÀ NHƯ VẬY MÀ.Chính cái đầu của TRĂNNNĂNG và DT mới là CÓ VẤN ĐỀ. CỐ TÌNH HIỂU SAI rồi lái vấn đề sai lệch để người khác TÒ MÒ.Chính cái tội DẤU DIẾM ,LỪA ĐẢO mới là kẻ CƠ HỘI.Khi khó khăn dễ PHẢN BỘI , vì SỐNG KHÔNG CÓ CHÍNH KIẾN.Anh TẠO ơi chẳng ai nghĩ sai đâu—ít lắm…!..!

  28. Tìm ra chân lý lịch sử là điều đáng quí,nhưng đừng vin vào đó để có những com măng bất kính với Bác là không ổn

    • Đúng vậy, ngày nay có rất nhiều bạn trẻ muốn tìm hiểu về những sự thật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng lại không hiểu giá trị chân lý cuộc sống là thế nào. Người ta cứ muốn đi tìm những điều không hay về một con người, nhưng ở trong mỗi chúng ta đã có ai suy nghĩ, lo lắng về vận mệnh cho đất nước trong một hoàn cảnh lịch sử đầy khó khăn từ cuối thế kỷ XIX cho đến hết thế kỷ XX hay chưa? Chắc là chưa. Và kể cả bây giờ cũng vậy, ở mỗi chúng ta đang đặt cái tôi cá nhân lên quá lớn, cứ luôn cho rằng mọi cái mình làm đều đúng và không có cái xấu. Điều đó thật là xấu hổ. Tìm về cái thật của con người bác Hồ là một điều đúng, nhưng chúng ta nên tìm ra cái sự thật để mà trân trọng, chứ đừng tìm ra cái thật mà lại dùng làm cơ sở đê bội nhọ. Giáo sư Trần Quốc Vượng, cũng như các giáo sư sử học khác họ vẫn luôn luôn tìm về sự thật lịch sử, nhất là sự thật lịch sử của cac danh nhân có tầm ảnh hưởng lớn như bác Hồ là việc làm thường xuyên của họ. Giáo sư Hà Văn Tấn một giáo sư đồng nghiệp với giáo sư Trần Quốc Vượng cũng đã viết bài “Lịch sử và sự thật lịch sử'” năm 1988 cũng mong muốn tìm các sự kiện lịch sử được trả về đúng với ý nghĩa của nó. Nếu quả thực bác Hồ có một dòng lý lịch như vậy có sao đâu. Mà từ xã xưa ông cha ta đã nói: “Chim có tổ, người phải có tông”, đi tìm về chính tông là một việc làm chính đáng. Ngày nay có biết bao nhiêu người đang phải lao đao chạy đi tìm chính tông của mình mà có được đâu. Có lẽ khi xét về một con người nên nhìn vào họ đã làm gì cho đất nước, và hãy trở về hoàn cảnh lịch sử con người và xã hội đó đang sống để thấy hết ý nghĩa những đóng góp của họ đối với dân tộc, nhân dân và thời đại. Đừng có nhìn nhận bằng ánh mắt và suy nghĩ chủ quan trong hoàn cảnh đất nước đã đổi khác với thời đại không gì Chủ tịch Hồ Chí Minh mà dân tộc phải gồng mình lên chiến đấu, hy sinh để có được hạnh phúc cho mọi người như bây giờ.

  29. da doi, oi da doi

  30. Theo tôi dù bất kì ai có nguồn gốc xuất thân như thế nào nhưng là người tài, giỏi giúp dân, cứu nước thì đó là những con người vĩ đại sống mãi với nhân dân, đất nươc

  31. Hồ Xuân Hùng đã nói với Nguyễn Sinh Hùng lúc xây Lăng: “Tôi mới là cháu thật của Bác Hồ”…
    Thích nhất câu này!

  32. cảm ơn quý vị đã cho tôi được hiểu biết thêm về người dù đó là gì đi nữa thì có một sự thật là Dân Tộc ta có được như ngày hôm nay tất cả là nhờ công ơn của Người.Chim có tổ người có Tông ngọc còn có vết tôi thử hỏi có ai là toàn diện hơn người chúng ta đã là gì? đã làm được những gì?mà ngồi đây “bàn tán” chuyện của bậc Thánh Nhân.

  33. Nghị quyết của BCT đã QĐ “Sức khỏe của Cụ Hồ là của quốc gia” Cho nên cả cụ không có quyền QĐ riêng về sức khỏe,thân thể…

    BI KỊCH CỦA VĨ NHÂN LÀ CHỖ NÀY.

  34. Con người không ai có thể chọn được cha mẹ, dòng tộc để sinh ra. Cái quý nhất là họ biết sống như thế nào cho đẹp. Cái gì được bảo vệ bằng sự bưng bít thì sẽ bị bôi bẩn bởi các tin đồn, nhiều khi là ác ý. Tôi ủng hộ việc tìm hiểu về Bác, cho dù đó có là sự thật đau lòng đối với nhưng người yêu quý Bác. Tuy nhiên, tôi có thắc mắc: tại sao thời đó việc lấy vợ lẽ được xã hội thừa nhận, hà cớ gì ông Hồ Sỹ Tạo không lấy bà Hà Thị Hy làm vợ lẽ, mà lại để bà ôm giọt máu của mình đi lấy người khác?
    Và dù có là thế nào, tôi vẫn kính yêu Bác!

  35. Mỗi người đều bị hoàn cảnh của thời đại mình chí phối “thân bất do kỷ”,Hồ Chí Minh cũng không ngoại lệ,con đường mà mỗi người đọc phải lựa chọn là không lệch quá sang một phía.Bôi đen hoặc tô hồng Hồ Chí Minh cũng là sự thiên lệch,không thể phủ nhận những công trạng của ông nhưng những mặt khuất do hoàn cảnh chính trị nên không được công bố ra đại chúng.Thực sự người ta đã “thánh hóa” Hồ Chí Minh,chúng ta cần 1 cái nhìn chân thật và tỉnh táo,GS Trần Quốc Vượng gọi đó là “giải ảo”.

Bình luận về bài viết này