NÉT CHÌM CỦA THƠ “GIỮA YÊU VÀ…”


logoviet(Đọc Giữa yêu và của Bùi Văn Kha)

LÂM XUÂN VI

Vào cuối năm 2010, trong buổi giao lưu giữa các Liên hiệp hội VHNT 5 vùng kinh đô xưa và nay tổ chức tại Phú Thọ, tình cờ và cũng là may mắn tôi gặp Bùi Văn Kha. Nhà thơ Bình Nguyên giới thiệu tôi với anh, vừa nghe tên, Bùi Văn Kha nắm chặt tay tôi nói ngay: À, Lâm Xuân Vi, người đã làm thơ về cụ Trường Chinh. Thì ra anh đã đọc thơ tôi, mà lại là thơ từ những năm tám mươi thế kỷ trước. Dẫu chỉ là “văn kỳ thanh…” nhà thơ Bùi Văn Kha cũng đã để lại thiện cảm trong tôi. Chuyện trò một hồi mới biết nhà thơ người gốc Thái Bình, quê ngoại ở Xuân Trường, Xuân Hồng, Nam Định, cùng quê với bác Trường Chinh.

       Bẵng đi từ đó, đầu tháng 8/2013 lại gặp nhau ở Hội thảo 25 năm đổi mới VHNT 5 vùng kinh đô. Lần này thì tay bắt mặt mừng, anh em lại có nhiều thì giờ chuyện trò, đàm đạo. Bùi Văn Kha là người sôi nổi, nhiệt tình, từ lời nói đến nụ cười đều hồ hởi, cởi mở, dễ tin cậy.

       Anh tặng tôi tập thơ: Giữa yêu và, do nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành năm 2012.

       Tập thơ giản dị, trang nhã, có cái tên thật gợi. Đọc xong thấy vui mừng và cũng vì yêu quý nhau, đã thôi thúc tôi viết, mong chia sẻ với anh đôi điều cảm nhận.

       Tập thơ mỏng, chỉ với 39 bài, nhưng có lẽ Bùi Văn Kha đã viết ra bằng sự trăn trở, chiêm nghiệm của quá nửa đời người. Bằng thói quen tôi đọc nhanh hết lượt, rồi dừng lại lâu ở những bài thơ mình thích. Ngẫm ngợi từ tựa đề đến tín hiệu ngôn từ, để tìm ý, tứ làm nên hồn vía nó. Ví như bài thơ: Em gạt cái bâng khuâng, đọc xem mình có bâng khuâng không?

             Đôi khi nắng tưới trên chồi nụ/ Em ngửa lòng tay đón lá xanh…

       Cặp câu mở khá biến ảo, giàu tâm trạng đã kích thích người đọc sự tìm tòi. Mạch thơ tiếp nối:

       Có một người đi chưa trở lại/ Để trên màu lá nắng thâm quầng/ Em gạt những gì không tin cậy/ Rào dậu chôn vùi cái bâng khuâng.

       Thực sự khổ thơ đã thuyết phục tôi. Người viết rất có lý, phải bao lần gạn đục khơi trong mới thấu hiểu được người, mới chịu sự “thôi miên” của người. Mới nhìn thấy màu lá nắng thâm quầng, tưởng như hốc mắt trũng xuống, hồn khô héo đi vì người đi chưa trở lại. Người đi đã để lại cảm thức như thế thì sao có thể: Rào dậu chôn vùi cái bâng khuâng cho được. Phi lý, chính sự phi lý đến tận cùng này mới làm nên giá trị đích thực cho thơ. Thơ là tinh chất để sinh sôi, nuôi dưỡng cái bâng khuâng và ngược lại.

       Thơ Bùi Văn Kha giàu hoài niệm, từ hoài niệm lại liên tưởng mở ra nhiều chiều suy ngẫm với hiện tại và tương lai: Biết đâu sau lớp sương mờ/ Vẫn em trọn vẹn thuở thơ chân tình…Một ngày rất giống ngày xưa/ Tiếng chim cu gáy làm trưa xao lòng (Lục bát một ngày). Cái không gian thanh bình yên ả thế, và tình thơ ấm áp đằm thắm thế thì ai và thời nào chả mê đắm khát khao? Và lại chính nhà thơ tỉnh thức, chừng mực hoài niệm, bởi cái ranh giới với hoài cổ bảo thủ, kìm hãm là mong manh lắm: Hình như sông không biết điều/ Bắc cây cầu sắt cho nhiều người qua (Cách nghĩ Đông phương về chia ly). Thế là rõ lắm: mối liên hệ thường trực giữa tiên tiến, hiện đại và bản sắc dân tộc trong thơ anh. Nói thì nói thế, chứ khi đã “nhập đổng” hồn thơ mê dụ dẫn đi, sao còn phân định được đâu là dân tộc, đâu là hiện đại. Có thế mới có được những câu thơ, bài thơ làm nên sự đồng điệu sẻ chia cùng người đọc, vì người đọc. Nhà thơ rất khôn ngoan, cao tay trong cách lập ngôn ở mỗi không gian nghệ thuật khác nhau. Nói với riêng mình mà chuyển tải được ngổn ngang thế sự:

       Tôi trở lại chính mình khi mặt trời đã tắt/ Đêm xóa dần những giả dối đớn hèn khoác hoa mỹ ngụy trang/ Nhiều khi nắng chói rọi soi cũng mệt mỏi vô cùng. Đêm bình đẳng cộng đồng, đêm thành thật màu đen/ Bóng tối phi thường mở then những gì ban ngày đã khóa (Đêm). Hoặc ở một tứ thơ nặng lòng xa xót khác: Lời có cánh không nguôi quên khó nhọc/ Những người chưa xa – những ngày chưa xa/ Quờ trong đêm trang giấy trắng tụng ca/ Tôi khuông nhạc ghi lời người đã khóc! (Tụng ca)  

       Phải là người từng trải, qua bao thăng trầm, thậm chí từng vấp ngã, trả giá mới có được tâm thế và bản lĩnh viết ra được những câu thơ, những bài thơ giàu sức gợi, sức mở nhân văn đến thế.

       Thưa cha, bài thơ mới nghe qua tựa đề tưởng chỉ là những tâm tình sâu nặng, nghĩa cha con. Nào ngờ đây lại là nỗi day dứt khôn nguôi do sự khác biệt về ý thức hệ và thời đại giữa cha con, ông cháu không dễ dung hòa. Chỉ bẳng lời độc thoại của nhà thơ: cảm động, sâu sắc, chân xác, nhưng kể cả câu hỏi và lời giải vẫn còn để ngỏ:

       Chỉ mãi đến bây giờ con mới hiểu/ Con cá nào không ăn muối sẽ ươn/ Nhưng không hiểu đến giờ cha có biết/ Con cá nào ướp đá sẽ tươi nguyên? …Khát vọng đời cha: ấm no độc lập/ Con cần thêm dân chủ tự do…Cha trao cho con quê hương dù cha không còn nữa/ Nhưng sau con hai thế hệ đã trưởng thành/ Cha tin cậy ở con sao con không có lòng tin ấy nhỉ/ Dẫu biết rằng lớp trẻ lớn khôn hơn…

       Có thể có người nghĩ bài thơ hơi “gai góc”. Song sự khác biệt, mâu thuẫn này diễn ra như một tất yếu. Nếu tránh né, không đối diện lý giải căn cơ, thỏa đáng sẽ là nguy cơ bất ổn ngay từ mỗi tế bào xã hội là gia đình. Giải quyết những vấn đề về tư tưởng văn hóa thì văn học phải là mũi nhọn, là tiên phong trong việc thuyết phục, dung hòa. Như thế Thưa cha cũng đã góp được tiếng nói tâm huyết, hết sức có ý nghĩa vào tiến trình này.

       Ở mỗi bài thơ, Bùi Văn Kha luôn dụng công tìm tứ. Bài thơ vuông lụa: lập tứ từ tích xưa, chuyện về một người mẹ nghèo khó, cô đơn, có con làm quan to nhưng lại ở xa nhà. Thương mẹ, người con gói 3 đồng vào vuông lụa nhờ chú lính hầu mang về biếu mẹ. Bà mẹ cho lại tiền chú lính, rồi lấy cái roi gói lại bằng chính vuông lụa ấy, nhờ chú lính chuyển lại cho con. Người con nhận được biết ý mẹ quở trách mình, từ đó không dám lợi dụng quyền hành phiền hà người khác. Lấy cảm hứng từ đó anh viết Bài thơ vuông lụa thấm thía về công cha, nghĩa mẹ, mà đâu chỉ cho mình:

       Câu chuyện này chỉ con biết mà thôi/ Có một bài thơ bọc trong vuông lụa/ Như năm xưa con trong vòng ấp ủ/ Dòng sông trôi tỏa rạng bến bờ…Câu chuyện này chỉ con biết mà thôi/ Dưới ba thước cha tan dần vào đất/ Con đốt hương thơm trong chiều lặng ngắt/ Khói hương bay vương mắt mẹ u hoài. Bài thơ để lại nhiều suy ngẫm cho đạo làm con, làm quan, làm người ở mọi thời.

       Yêu quý Bùi Văn Kha, không thể không đọc Tôi như, bài thơ tự bạch. Những nét chấm phá chân dung như chỉ với hai gam: đen, trắng không chút màu mè, không fo-tô-xốp:

       Tôi như chiếc lá trên cành/ Khô cằn mầu mỡ vẫn xanh cây chồi…

Tôi như một chú ngựa thồ/ Ruổi rong trên những bến bờ thời gian…Bước vào đời quá nhọc nhằn/ Tôi như giọt lệ trên khăn em cầm…Như là một nốt nhạc rung/ Tôi như trang giấy chập chùng ước mơ..

       Rồi đột ngột dừng lại ở cặp câu kết nao lòng:

           Tôi như một ánh sao mờ/ Giữa miền tối sáng bơ vơ đêm trường.

       Không cần gì thêm nữa, cũng đã đủ lắm để nhận ra một nhà thơ Bùi Văn Kha sống hết mình, yêu hết mình và dâng hiến hết mình. Một nhà thơ Bùi Văn Kha với mọi cung bậc lận đận trong: sự nghiệp, tình yêu và cuộc sống.

       Có lẽ, tất cả đã làm nên thi chất đặc biệt trong anh, thi chất để viết nên Giữa yêu và.

       Với tôi thì đó là Giữa yêu và yêu, bởi với thơ anh, mọi khúc quanh tâm trạng chinh phục được người đọc đều có nguồn gốc sâu xa từ lòng tin yêu./.

     Ninh Bình, ngày: 06/8/2013

Bình luận về bài viết này