LỜI TỰA CỦA NGUYỄN TRỌNG TẠO: BUNG NỤ THU GẦY


NGUYỄN TRỌNG TẠO

NTT: Gần Tết con Rắn, Mạc Mạc nhờ tôi viết vài lời cho tập thơ của chị. Tôi đọc xong bản thảo rồi mới nhận lời. Nay tập thơ đã in ra, và sẽ được tổ chức ra mắt vào 19h ngày 21/3/2013 tại Thư viện -Cafe Đông Tây. Chúc mừng một nhà thơ trẻ mà nếu không có internet chắc gì chị làm thơ.

MacMac2

“Làm thơ cốt tả tính tình, thích như thế nào thì làm như vậy, trong một vần có trăm ngàn chữ, mặc ý mình chọn dùng, thế mà có lúc dùng xong rồi còn không vừa ý mà phải thay đổi lại, thì sao lại chịu gò bó mà dùng trong một vài vần. Đã gò bó thì không thể không nhồi nhét, đã nhồi nhét thì còn đâu nữa là tính tình?”. Không hiểu sao, khi đọc thơ Mạc Mạc tôi lại mơ hồ nhớ đến nhận xét ấy của Viên Mai. 

Đọc kỹ thơ chị, mới thấy Mạc Mạc là một người thơ giàu cá tính. Chị không chịu gò bó trong suy nghĩ, trong cảm xúc và cả trong ngôn ngữ thơ của riêng mình. Ngôn ngữ thơ của chị vừa reo nhạc, lại vừa phóng túng, táo bạo, đôi lúc đến bạo liệt. Sự bạo liệt của một người phụ nữ dám khát vọng trong tình yêu tưởng như tuyệt vọng. “Em nén cuộc hôn nhân vào hũ cà/ Mặn chát bổ đôi”, tuy vẫn không dấu nổi nhiều chua chát: “Nếu chưa xéo phải đò ngang/ Bà đây cũng phẩy vênh vang như Bờm”. Những câu thơ, bài thơ cứ được chị “thốt ra” như thế, như là không cần phải đánh bóng, tô sơn. 

Với một phong cách ngôn từ mạnh mẽ đôi khi đến trần trụi, lõa thể nắng, lõa thể mưa, “bẻ khúc cổ cầm khóc tri âm muộn lỡ” đã làm cho người đọc trải qua bàng hoàng này đến ngạc nhiên khác. Nó vừa như bùa ngải của người Mông “niệm chú những dòng tuôn” lại vừa như thách thức từ một tâm hồn đầy trắc ẩn: “có dám cùng em tới cầu vồng”. Đọc thơ Mạc Mạc là đọc khát vọng tình yêu, đọc nỗi đau và nỗi cô đơn của nữ phận đa đoan. 

Thơ với Mạc Mạc là giải thoát chính mình chứ không phải để vuốt ve chữ nghĩa. Có lẽ nhờ thế mà nó nóng hổi như than được ủ lâu ngày bỗng bùng lên bốc cháy. Cháy để sưởi ấm mình, cháy để làm nóng mình, nhưng đôi khi cũng bị hại hỏa vì lửa cháy quá đà. Đó là khi sự cả nghĩ đã đẩy tới vài ba tứ thơ bị lạm dụng mệnh đề. Âu cũng là cái nhược điểm thường gặp ở những người thơ chưa mấy kinh nghiệm thâu nạp để làm phong phú chính mình.  

Tuy nhiên, tôi cứ tin bước đi ban đầu của người thơ trẻ khi đọc tập thơ BUNG NỤ THU GẦY. Người con gái lấy hai chữ Mạc Mạc làm bút danh. Chắc chị hiểu rõ nghĩa của từ này là màn màn, mà theo Cựu Ước thì “Chúa dùng bóng tối làm màn bao phủ, lấy mây đen làm trướng che Ngài… Ngài ngự trên núi Xi-nai và mây bao phủ núi sáu ngày. Đến ngày thứ bảy, từ giữa đám mây, Ngài gọi ông Mô-sê”. 

Hóa ra, chị là người thích ẩn mình, không ưa lộ diện. Nhưng đã làm thơ thì làm sao giấu được mình, bởi thơ là công khai bí mật sâu kín của tâm hồn. 

Nhớ khi mới đọc dăm ba bài thơ đầu tiên của Mạc Mạc, tôi cũng coi như mình đã thấy người. Người dịu dàng và quyết liệt. Người cá tính và cả nghĩ. Người lạnh buốt và nồng nàn. Đó là người thơ cháy bỏng sau vỏ bọc của những màn mây… Còn giờ đây, tôi hiểu rằng, nụ của mùa thu đã bung nở những cánh thơ mà chị đang mang tặng cho đời.

Hà Nội, tháng Giêng, 2013

NANY: Thơ Mạc mạc – dòng chảy xiết có đá và hoa

Tôi biết Mạc Mạc không lâu, đủ vừa để đọc và hiểu thơ chị (tôi không nói tới con người) vì chị như thế nào nó hiện hết trong thơ rồi.
Trước đây tôi hay chơi blog, blog có thể nói rằng là nơi mọi lứa tuổi đồng điệu về tâm hồn về tình yêu văn chương và cùng một sở thích về một lĩnh vực nào đó.
Tôi đọc thơ Mạc Mạc lần đầu cũng trên blog – Nhưng là blog của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Trong những bài thơ được nhà thơ giới thiệu, tôi thích nhất bài: Những người thợ gặt.
Cho đến khi cầm trên tay tập thơ chính thức của chị, tôi vẫn còn hết sức ngỡ ngàng. Mặc dù sinh vào cuối những năm 8x nhưng khi đọc thơ chị tôi cũng phải thốt lên rằng: Thơ chị quái quá!
Quái ở cách sử dụng từ ngữ, câu chữ, và cả cách suy nghĩ. Tưởng như với chị làm thơ để giải thoát cái tôi bản ngã đang cuồng quay trong cuộc sống đời thực, đang phải vật lộn với đời thực để đi tìm cái hạnh phúc bình dị ở một người nào đó, một nơi nào đó không xác định được. Có lúc chị nhảy chồm hỗm lên đời, lên thơ, lên mình và hét như một bà đồng trước mồ mả, cây cối, vạn vật:

“Tiên sư thiên hạ độc cay
Uống, ăn, khạc, nhổ, nghịch, vày, rữa hoa
Tiên sư cái chái, nóc nhà
Tại sao vì nó con bà mất ngoan”

(Trích Tốc Váy trong tập Bung nụ thu gầy – Mạc Mạc)

Nhưng rồi lại lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong:
“Giời cao ơi hỡi có hay
Gái con mong chỉ một ngày tình yên”

(Trích Tốc Váy trong tập Bung nụ thu gầy – Mạc Mạc)

Càng chua chát, càng cay nghiệt chị càng yếu đuối và đáng yêu, đáng yêu đến tội nghiệp ngọt ngào – dịu hiền và đa đoan. Chính những lúc hét lên như thế – chị được là mình được là một con người mến yêu cuộc sống quyết liệt say mê.

“Tôi mơ một ngày nghe được tiếng hót của con chim Xanh

đâu đó vọng ra từ vạn ngàn bức tường ngôn ngữ
thứ âm thanh tự do
thật tâm của nguyện cầu giải thoát
không bao giờ khoác lên mình chiếc
áo choàng quá rộng”

(Trích những người thợ gặt – Bung nụ thu gầy)

Khao khát được tự do, được tung đôi cánh mỏng manh để giang rộng với đời mà không bị ngăn cách bởi bức tường ngôn ngữ, lễ nghi nào, chị đã bắt đầu đòi tự do bằng thơ – đó cũng chính là tâm hồn của chị – một con chim xanh sẵn sàng lao vào bụi gai để giữ tiếng hót của mình giữa bầu trời xanh rộng của tình yêu – tình yêu người và đời.

Đọc hết tập thơ, tôi nhìn ra cửa sổ – tôi thấy mình đang đứng trước một con suối với dòng chảy xiết và dòng chảy ấy có đá và hoa ….

EM – Một niềm tin lắt lay nhưng không bao giờ tắt

Lời bình của HOÀNG LIÊN SƠN

Em là người đàn bà không có số
Trong dãy hồng nhan tiệm cận tìm anh
Họ bên anh trục tung lẫn trục hoành
Em không số nên không tọa độ

Em là người đàn bà chưa học bài dừng – đỗ
Chạy xe không phanh chở chuyến độc hành
Lùi vào đâu cho non chiều nghiêng đổ
Tiến lên đâu cho già chỗ cuộc đời

Em là người đàn bà không ngừng chờ đợi
Hứng tiếng anh rơi trĩu một mùa chài
Đan cho mình áo tháng Giêng Hai
Ngóng Ba mươi em bận ngày hội mới

Nỗi nhớ anh, bông như len rút sợi
Đàn ông ơi vời vợi thổi muôn trùng
Con chim nào ca mãi khúc thủy chung?
Con bướm nào khóc kén tằm nông nổi?

Em là ai trong luân hồi lạc lối
Anh là ai trong gian dối thế trần
Ta là nhau trong nhĩ nhàu bể khổ
Trầm luân yêu nên trễ một mùa đời

Để rồi…

Em – người đàn bà đi lượm xuân rơi
Em – người đàn bà treo tình trước ngõ
Em – người đàn bà cố thắp mình cho tỏ
Kẻo gió Đông về thổi tắt những lắt lay.

Ngay từ màn chào hỏi, nhân vật đã xác lập một tính chất độc đáo của mình “không có số”. Tuy không có số, nhưng để tiệm cận người đàn ông “của mình”, nàng vẫn phải đứng bên cả một “dãy hồng nhan”. Không hiểu anh chàng nào mà tốt số, mà có sức hấp dẫn ghê gớm thế nhỉ?

Trong cuộc “cạnh tranh” có vẻ rất “cung vua phủ chúa” như vậy, nàng sẽ xoay xở ra sao? Đáng lo là nàng “không tọa độ”. Và lại hứa hẹn một mối tình câm chăng?
Và rất thống nhất với tính chất “không số”, nàng như một lái xe “chưa học bài dừng, đỗ”, đã vậy lại còn đi một cái xe “không phanh”. Và với một nền tảng, vốn liếng như vậy, tất nhiên từng chặng đường của hành trình sẽ thật hoang mang, thiếu chắc chắn:

Lùi vào đâu cho non chiều nghiêng đổ
Tiến lên đâu cho già chỗ cuộc đời

Khi lòng yêu đã lớn, bất chấp những hoang mang, người đàn bà vẫn “không ngừng chờ đợi”, dù từ bên kia là một thái độ buông lời rất hời hợt, như là “rơi” mà thôi.

Cỗ xe dù không phanh, vẫn tạm có thể tiếp tục hành trình. Nhưng tới chữ “chài” thì tôi chợt khựng lại! Chả lẽ biết đó là mùa chài, tức là mồi chài lừa đảo gì đây chăng, mà người thơ vẫn mê đắm thế? Lại còn tìm ngày ba mươi ở cái tháng hai chỉ có nhiều nhất hăm chín ngày để đi “dự ngày hội mới”? Ôi đàn bà!

Thế nhưng, lại tự hỏi, sao có chuyện nàng khờ khạo đến mức không biết tháng hai không có ngày ba mươi? Thì ra là nàng nhận biết được cả, bởi rút cục nàng cũng hết mơ hồ:

Con chim nào ca mãi khúc thủy chung?
Con bướm nào khóc kén tằm nông nổi?

Khi biết khúc thủy chung mà con chim kia ca lên không còn đáng tin, thì tiếc thay, con bướm cũng hết đường chui trở lại cái kén tằm của mình rồi!

Để rồi, nàng bật ra câu hỏi về chính bản thân mình: em là ai? Một ý không mới nữa, nhưng muôn thuở còn mang tính thời sự, chừng nào người ta còn yêu nhau.

Và một câu hỏi nữa “Anh là ai trong gian dối thế trần?”. Đến đây, chợt nhận ra dù đã gặp những “mùa chài” với những nghệ sĩ “ca mãi khúc thủy chung”, nàng vẫn không thôi hy vọng và tìm kiếm một người đàn ông chân thật cho mình, dù cái cách yêu rất “trầm luân” ấy đã khiến nàng “trễ một mùa đời”.

Khổ thơ cuối, thấm đẫm bi quan, có hơi hướng xuống giá với “lượm xuân rơi” rồi ‘treo tình trước ngõ” – khiến tôi bỗng nhớ đến tác phẩm Đèn lồng đỏ treo cao! May thay, có hai câu kết khiến người ta trụ lại được để chúc phúc cho nàng, dù vẫn không sao dứt được cảm giác ngậm ngùi, bởi nàng đã trở nên “lắt lay”.

Chúc nàng may mắn trong cuộc tìm kiếm người anh lý tưởng ấy, cho bõ công “cố thắp mình cho tỏ” hôm nay.

19/03/2013
HLS

LÊ THUẬN NGHĨA:

CỨ NGỠ LÀ ĐANG THU

Thân mến tặng Mạc Mạc

Những bài thơ đã đi vào trang sách
Tuy chiếc quan tài chữ đã đóng lại
Nhưng Em Nhà Thơ đã ra đời

Chiều nay trong vườn cây Nhật Tân
Anh đi tìm cánh đào phai…

Tháng Ba không còn rét muộn
Nắng đã về loanh loang
Những chùm lá rung lẩy bẩy như trong cơn lên đồng
Gọi hồn hoa của mùa trước
Tháng Ba cũng không còn sương khói
Thì thôi
Nỗi nhớ này anh giăng
Cho kín ngày chờ đợi

Những bài thơ đã đi vào trang sách
Chiếc quan tài chữ đã đóng lại
Anh đi nhặt tiếng chim gù
Trời trong
Nắng trong
Em trong…
Cứ ngỡ mình đang Thu.

20.03.13
LTN

Bình luận về bài viết này